Bài 2: THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ (tt) (07/09/11, 4:56 pm)

Nếu nhìn Thần Khí từ góc độ hệ quả của những tác động của Chúa Thánh Thần trong Lịch sử, người ta sẽ có thể phát hiện ra được phần nào dung mạo và chức năng của Ngài trong lịch sử và cả trong Mầu Nhiệm Thần Linh vĩnh hằng.

II. SUY TƯ THẦN HỌC: THẦN KHÍ LÀ AI?

1. Vấn đề:

Khi được hỏi: “Chúa Cha là ai?”, người ta có thể trả lời ngay: “Chúa Cha là Cha của Chúa Con”. Và khi được hỏi “Chúa Con là ai?” đã hẳn người ta cũng có thể trả lời ngay: “Chúa Con là Con của Chúa Cha”. Thế nhưng, khi được hỏi “Thần Khí hay Chúa Thánh Thần là ai?”, thì vấn đề lại không đơn giản... Thật vậy, nếu muốn có một câu trả lời như kiểu đối với Chúa Cha và Chúa Con, thì câu hỏi bây giờ trở thành: “Thần Khí là Thần Khí của ai?”. Tuy nhiên, trong trường hợp Chúa Cha và Chúa Con, ngay hai khái niệm “Cha” và “Con” đã tự chứng được định vị (tư cách và chức năng, và cho biết những mối tương quan khá rõ ràng), còn trong trường hợp hạn từ “Thần Khí” thì không được vậy, và câu hỏi về Ngài bấy giờ lại trở thành câu hỏi kép: “Thần Khí là ai (đối với chính Mình) và của ai (đối với Chúa Cha và Chúa Con)?”...

Về Chúa Thánh Thần, những vấn đề đó được đặt ra từ những thế kỷ IV, V (scn). Một số khuynh hướng lạc giáo cho rằng trong mối tương quan với Chúa Cha, vì “được Cha đổ tràn” (Ed 39,29), “được Cha trao ban” (Ga 7,39), nên Thần Khí không thể được coi “ngang hàng” với Cha, thậm chí, có người còn cho Thần Khí là thụ tạo của Cha; và trong tương quan với Chúa Con vì “ được Con sai đi”(Ga 15,26), nên Thần Khí không thể được coi “ngang hàng” với Con, thậm chí có người còn cho Thần Khí do Chúa Con tạo ra... Nhằm đối phó lại những khuynh hướng lạc giáo đó, ngôn ngữ thần học cũng như ngôn ngữ của các Công đồng, công nghị từ thế kỷ IV,V cho đến bây giờ vẫn vậy, nghĩa là tiếp tục sử dụng những khái niệm triết học như: “đồng bản thể” (consubtantiel), “nhiệm xuất” (procession), “ái xuất” (spiration)... để khẳng định “thần tính” của Chúa Thánh Thần, Đấng phải được phụng thờ và tôn vinh hoàn toàn như Chúa Cha và Chúa Con... điều mà người ta có thể nhận ra ngay là cả ngôn ngữ đặt vấn đề, cả ngôn ngữ giải quyết vấn đề đều hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ Kinh Thánh, vốn là ngôn ngữ tình yêu và lịch sử...

2. Thần Khí là ai (đối với chính Mình) và của ai (đối với Chúa Cha và Chúa Con)?

Thử bắt đầu với khái niệm “Ngôi vị”. Ngôn ngữ thần học gọi “Thần Khí là một Ngôi vị”. Thế nhưng, khái niệm “Ngôi vị” tự nó vốn bao gồm hai khái niệm khác, đó là “tư cách” và “chức năng”. Thí dụ: khi nói Cha là một Ngôi vị thì có nghĩa “là Cha” (être Père) chính là tư cách của Ngôi vị đó, và “làm Cha”, tức là “sinh Con” và “yêu thương Con”... chính là chức năng của Ngôi vị đó. Và khi nói Con là một Ngôi vị thì có nghĩa “ là Con” (être Fils) chính là tư cách của Ngôi vị đó, và “làm Con” tức là “đón nhận sự sinh ra và tình yêu của Cha đồng thời đáp trả lại bằng tình con thảo”... chính là chức năng Ngôi vị đó. Thế nhưng, khi nói Thần Khí là một Ngôi vị, thì tư cách và chức năng của Thần Khí là gì.

a. Tư cách của Thần Khí:

Trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con, ngôn ngữ Kinh Thánh vẫn thường gọi Thần Khí cách chung chung, đôi khi có vẻ như thiếu Ngôi vị tính (a-personnel): “được thổi vào hay được hà vào...” (St 2,7; Tv 104,30), “được đặt vào...” (Is 42,1), “được ban cho...” (Ds 11,29; Ga 7,39), “được đổ tràn vào...” (Ed 39,29), “được sai đến...” (Ga 14,26), “...của Cha” (Rm 8, 9.14; 15,19; 1Cr 6,11; 7,40), “...của Con” (Rm 8,11; 2Cr 3,17), v.v... Tuy nhiên, nếu như trong tương quan với Cha và Con, Thần Khí xem ra có vẻ như thiếu Ngôi vị tính, thụ động, tiêu cực..., nhưng trong khi thi hành sứ vụ được giao, ngôn ngữ Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy Thần Khí như một Đấng đầy ngôi vị tính, năng động, mạnh mẽ, tích cực, năng nổ (Is 11,1-5; Tl 3,10; 11,29;14,6; 6,34; 1Sm 1,6; 10,1; 16,13; Am 3,8; 7,14t; Gr 20,7t;v.v...)... Đằng khác, nếu nhìn Thần Khí từ góc độ hệ quả của những tác động của Ngài trong Lịch sử, người ta sẽ có thể phát hiện ra được phần nào dung mạo và chức năng của Ngài trong lịch sử và cả trong Mầu Nhiệm Thần Linh vĩnh hằng.

a. Chức năng của Thần Khí:

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, sự tuôn tràn Thần Khí như cơn mưa đem sự sống cho vùng đất khô cằn (Is 32, 15; 44,3; Ed 36, 25; Gr 3,1t) như sinh khí làm sống động những bộ xương khô (Ed 37); như một cuộc sáng tạo mới thay đổi bộ mặt của xứ sở (Is 32,16), thay đổi con tim, lòng dạ của con người (Is 59,21; Tv 143,10; Ed 36,27); mặc khải dung mạo đích thực của Chúa Cha (Ed 39,29), dung mạo đích thực của Chúa Con (Ga 14,16; 16,7.13t; 14,26); tác sinh (Ga 6, 63; St 1,2; Lc 1,35; Mt 1,18-20); tái sinh (Ga 3,8; Ep 2,1-2); phục sinh (Rm 8,11); mặc khải chân lý (Ga 16,13; Ep 1,17-18; v.v...).

b. Phác thảo một thứ ngôn ngữ Thần Khí học:

Nói chung, có thể nói rằng ngôn ngữ Thần Khí học đích thực phải là thứ ngôn ngữ có tính tình yêu và lịch sử. “có tính tình yêu”, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8b) “có tính lịch sử”, bởi vì dung mạo đích thực của Chúa Thánh Thần vốn được biểu lộ qua Hành động Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con mà chính Ngài là Đấng thực hiện, trong vĩnh hằng và trong lịch sử...

Để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa nói chung, ngôn ngữ Kinh Thánh khi thì sử dụng khái niệm “tình vợ chồng”, “tình yêu nam- nữ” (chủ yếu trong ngôn ngữ Cựu Ước), khi thì sử dụng khái niệm “tình Cha- Con” (Cựu Ước và Tân Ước). Như vậy, có thể nói tình yêu Thiên Chúa là một thứ tình yêu tổng hợp tất cả mọi đặc tính, mọi khả năng tích cực của những thứ tình yêu, hay nói cách khác, mọi thứ tình yêu nhân loại đích thực đều mang dáng dấp hay dấu vết của tình yêu Vĩnh hằng:

1. Sự “tận hiến”, “hiến dâng” (oblation totale): yêu nhau, trước tiên, có nghĩa là trao tặng cho nhau tất cả những gì mình (être) và mình (avoir). Và, trong tình yêu Thần linh, quà tặng (Donum, Don) đó chính là Thần Khí tình yêu, vốn là một Đấng, một Ngôi vị được Cha trao ban và được Con đón nhận, và trở thành của Cha và của Con, hay nói cách khác, là “của chúng ta”, hay “ của nhau” (Etre- le Nôtre)... Nói theo ngôn ngữ Augustin, đó chính là Ân huệ của Thiên Chúa (Cv 2,38; Ga 4,10).

2. Qui trình “ra đi -  trở lại” (exitus-reditus): thứ đến, yêu nhau có nghĩa là “ra khỏi chính mình” (exitus de soi-même) để đến và hòa nhập với nhau (reditus à nous- même et à soi-même)... Và, trong tình yêu Thần linh, Thần Khí Tình yêu vừa chính là “Đấng ra đi” vừa chính là “Đấng trở lại” của Cha và của Con và của chính Ngài (Ga 10,17-18; 19,30; Cv 2,33).

3. Sự “hiện diện trong nhau và với nhau” (présence reciproque, intériorité reciproque; Hy ngữ: périchorèse; La ngữ: circumincessio): yêu nhau, còn có nghĩa là luôn luôn hiện diện trong nhau và với nhau (những khái niệm thời gian và không gian, ở đây không còn ý nghĩa), đến độ là nhau (Être in personna)... Và trong Tình Yêu Thần linh, chính Thần Khí Tình yêu vừa là Đấng tác sinh ra sự Hiện diện trong và với Nhau đó (sự “tương nhập của Cha-Con-Thần Khí), vừa chính là Đấng, nói theo ngôn ngữ Phaolô, làm cho Cha có thể nói: “Cha sống, nhưng không phải là Cha sống, mà chính Con và Thần Khí sống trong Cha; làm cho Con có thể nói: “Con sống, nhưng không phải Con sống, mà chính Cha và Thần Khí sống trong Con”; làm cho Ngài có thể nói: “Thần Khí sống, nhưng không phải Thần Khí sống, mà chính Cha và Con sống trong Thần Khí” (x.Gl 2,20; Pl 1,21), hay nói cách khác, Thần Khí Tình Yêu chính là Đấng làm cho Cha- Con- Thần Khí là Nhau hay là Một (Ga 10,30; 14,26)... Đó chính là sự sống Tình Yêu Thần linh, sự sống Ba Ngôi, sự sống đời đời...

4. Sự “độc hữu” hay “độc chiếm” (monogamie): Yêu nhau, ngoài ra, còn có nghĩa muốn người mình yêu (Aimé) chỉ thuộc về một mình Mình mà thôi (Aimant): một chồng- một vợ; một cha-một con (ngôn ngữ Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa vốn là Đấng hay ghen: Xh 20,5; Is 43,10t; 48,11- ngôn ngữ Tân Ước trình bày Đức Giêsu Ktiô như là “Con Một”(Unigenitus): Ga 3,16; 1Ga 4,9)... Và, trong Tình yêu Thần linh, Thần Khí Tình Yêu vừa không phải là Cha- Đấng yêu thương (Aimant), vừa không phải là Con- Đấng được yêu thương (Aimé), vừa không phải là “kẻ thứ ba quấy rầy”, mà là “ Đấng- Người yêu của chúng ta” (Notre Aimé) đối với Chúa Cha và Chúa Con. Thật vậy, Thần Khí Tình Yêu chính là Đấng hằng” tạo tác”, “ vun đắp”, “tạo điều kiện” cho tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Thiên Chúa và loài người và giữa loài người với nhau... (ngôn ngữ Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, không bao giờ nói “Chúa Cha hay Chúa Con yêu Chúa Thánh Thần” và ngược lại, mà chỉ nói “Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau trong (en) Chúa Thánh Thần...)...

5. Sự “siêu việt thời gian và không gian” (transcendance du temps et de l’space):

Đối với những kẻ yêu nhau, những khái niệm thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai; mau hay lâu, nhanh hay chậm, v.v...), không gian (gần hay xa) dường như không còn tồn tại, và không hẳn chỉ là trong ý thức: họ cảm thấy “có nhau” dường như cách vĩnh hằng và từ “Muôn kiếp” họ cảm thấy luôn luôn hiện diện bên nhau và với nhau (đã hẳn họ sẽ mất tất cả những cảm nhận đó khi họ không còn yêu nhau!)... Và trong Tình yêu Thần Linh, chính Thần Khí Tình yêu là Đấng làm cho “thời gian yêu nhau” của Chúa Cha và Chúa Con là Vĩnh hằng và “khoảng cách Cha - Con” hoàn toàn bị xóa nhòa... Và, trong Lịch sử hay trong nhiệm cục Cứu độ, Thần Khí Tình yêu chính là Đấng làm cho toàn thể Lịch sử (thời gian và không gian) hội tụ lại và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô vôn là Chúa Con - nhập thể, và như vậy, Đức Giêsu Kitô trở thành “Đấng luôn luôn là Hôm nay” (Lc 4,21) của Cha - Con - Thần Khí, “Đấng Hằng hữu” (Ga 8,24.27.57; 13,19), “Sự hoàn tất toàn bộ Lời hứa, Ý định Tình yêu, một lần thay cho tất cả, của Thiên Chúa”... Như vậy, vấn đề còn lại là của con người: đó là vấn đề sở đắc Ân sủng Tình yêu đó (possession de la Grâce). Và trong lịch sử, Thần Khí Tình yêu đồng thời vừa là Đấng làm cho con người từ bỏ những “Quê hương cũ”, những “bây giờ” (maintenants) của riêng mình để mãi mãi “lên đường”, mãi mãi “ra đi”, mãi mãi “xuất hành”, hướng về những chân trời tương lai, theo sự hướng dẫn của Thần Khí Tình yêu, Đấng muốn thổi tới đâu thì thổi (Ga 3,8), những chân trời nhiều khi hoàn toàn mới mẻ, ngoài sức tưởng tượng của con người; vừa là Đấng hiện tại hóa Ân sủng Tình yêu đó (actualiser) để con người mọi nơi và mọi thời đều có thể sở đắc: quá khứ, hiện tại và tương lai. Như vậy, còn có thể nói Thần Khí Tình yêu chính là Dung mạo tương lai của Thiên Chúa...

 


Trang Thần Học