Bài 5    

BẢY ÂN HUỆ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

I. NHẬN XÉT:

1.     Ở Việt Nam, hiện nay, đang có một tình trạng lẫn lộn, thiếu thống nhất trong cách hiểu và dịch thuật 7 khái niệm này mà vốn là nền tảng và cơ sở để hiểu về Chúa Thánh Thần và Bí tích Thêm sức...

2.     Tình hình đó có lẽ phát xuất, một đàng, từ chỗ cái “logic” của Is 11,1-2 vẫn chưa được quán triệt cách sâu sắc và đúng đắn: người ta sẽ thấy rõ điều đó khi thử so sánh cách dịch và cách xếp thứ tự các ân huệ nơi một số dịch gỉa Việt Nam, như Lm. Nguyễn Thế Thuấn trong bản dịch Kinh Thánh trọn bộ, Gm. Paul Bùi Văn Đọc trong tác phẩm tập thể “Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự Sống” (tr. 292-293), nhóm soạn bộ Giáo Lý Hồng Ân của TGM. Xuân Lộc trong “Lớn lên trong Chúa Thánh Thần, Đấng Ban sự sống”(tr. 87-94), Ủy Ban Giám Mục về Phụng vụ trong bản dịch về Bí tích Thêm sức, v.v...; đàng khác, từ chỗ một nền thần học về Chúa Thánh Thần vẫn chưa được nghiên cứu kỹ và sâu ở Việt Nam...

II. NGUỒN GỐC CỦA KHÁI NIỆM “BẢY ÂN HUỆ”:

1.     Lịch sử: đã thấy xuất hiện trong ngôn ngữ phụng vụ khoảng cuối thế kỷ IV (thánh Ambroise de Milan và ĐGH. Sirice 385)..

2.     Kinh Thánh: từ Is 11,1-2. Trong Is 11,1-2, chỉ có 6 ân huệ. Có lẽ một số dịch gỉa Hy lạp và cả Latinh khi dịch Is 11,1-2 đã tách đôi ân huệ thứ 6 “sự kính sợ Thiên Chúa” ra thành hai và thêm vào đó một ân huệ nữa cho đủ con số 7, biểu tượng của sự phong phú, đầy tràn, đó là khái niệm eusebes/ eusebeia hoặc pietas mà vốn không có tương đương trong ngôn ngữ Hipri, và rồi sau đó đã đi vào ngôn ngữ phụng vụ... Để dễ dàng so sánh đối chiếu giá trị một số bản dịch Việt ngự hiện nay, xin mạn phép trích ra đây 2 bản dịch Pháp ngữ quan trọng:

a.     Is 11,1-2 qua bản dịch của Bible de Jerusalem:

“... sur lui repose l’Esprit de Yahvé

Esprit de sagesse et d’intelligence,

Esprit de conseil et de force.

Esprit de science et de crainte de Yahvé”.

b.     Cuốn GLHTCG, 1992:

“... donne-leur en plénitude l’Esprit qui reposait sur ton Fils Jésus:

Esprit de sagesse et d’intelligence,

Esprit de conseil et de force,

Esprit de connaissance et d’effection filliale:

Remplis-les de ‘Esprit de la crainte de Dieu...”

III. THẦN HỌC VỀ 7 ÂN HUỆ CỦA CHÚA THÁNH THẦN:

Trước tiên, cần lưu ý là một thứ thần học về Chúa Thánh Thần hay về những ân huệ của Ngài chỉ có thể hiểu được khi được định vị:

·         Trong Hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi

·         Trong Kế hoạch Mặc khải cứu độ của Ba Ngôi vốn được diễn ra trong Lịch sử...

Thật vậy, chính trên nền tảng của chân trời đó, người ta mới có thể phát hiện ra được cái “logic nội tại” ẩn tàng trong Is 11,1-2, và áp dụng của Giáo Hội đối với bản văn này và trong Bí tích Thêm sức.

1.    Thần Khí Khôn ngoan và thông hiểu:

Là “Ân huệ Thần Khí” giúp con người luôn ở trong tư thế “tìm kiếm Thiên Chúa và Thánh ý của Ngài” (Am 5,4tt; Mt 7,8; Is 59,2; Kn 1,1; Xp 2,3; Tv 22,27; Dnl 3,39tt; Cv 3,27; Gr 29,14; Tv 69,33; Ga 8,21; Pl 3,8.12; Rm 10,3; Cl 3,1; Ga 13,33; v.v...), đồng thời hiểu được đâu là Thánh ý Chúa, cái gì tốt, cái gì xấu... (Ga 6,44; 14,26; Rm 12,2; Cl 1,9; v,v...).

Thử so sánh đối chiếu các khái niệm “Thần Khí khôn ngoan và thông hiểu” của Is 11,1-2 với Ga 14,6 “chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống “ với kinh nghiệm của Khổng Tử, một hiền triết Đông Phương: “Ta 15 tuổi để trí vào việc học Đạo; 30 tuổi, biết tự lập (tự mình theo chính Đạo); 40 tuổi, không còn nghi hoặc về Đạo; 50 tuổi, biết Mệnh trời; 60 tuổi, đã biết theo Mệnh trời; 70 tuổi, theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ Đạo lý” (Luận ngữ, II.4).

2.    Thần Khí định liệu và mạnh bạo: là “Ân huệ Thần Khí” giúp con người có được những quyết định đúng đắn được cân nhắc kỹ lưỡng cho cuộc sống hiện tại và tương lai của mình, hợp với Thánh ý Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc đích thực, đồng thời có đủ mạnh bạo thực hiện những quyết định đó (Lc 11,28; 14,28-33; 12,57-59; 12,47; Mt 7,21; 21,31; Dt 13,21; Pl 2,13; v.v...).

3.    Thần Khí nhận biết và hiếu thảo: là “Ân huệ Thần Khí” giúp con người biết được:

a.     Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa duy nhất và chân thật;

b.     Mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu là mối quan hệ Cha-Con trong vĩnh hằng và trong lịch sử, đồng thời là Đấng sai đi Đấng được sai đi (Ga 17,3).

c.      Mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người là mối quan hệ Cha-Con nhờ được thông hiệp với tình Phụ-Tử của Đức Giêsu Kitô (Mt 6,9; Rm 8,29; Gl 3,26; 4,5tt; Dt 12,5-12).

d.     Mối quan hệ nhân loại với nhau là tất cả mọi người đều là anh, chị, em với nhau vì cùng có chung Thiên Chúa là Đấng Tạo thành và là Cha (Mt 6,9; 2Pr 1,4).

e.     Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và muốn mọi người đều được cứu rỗi (1Tm 2,4).

f.       Vì thế, con người cần đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng “tình con thảo” (1Ga 4,7-8; Gl 4,6)...

4.    Thần Khí kính sợ Thiên Chúa.

Là “ân huệ Thần Khí” giúp con người luôn có được những thái độ, những tâm tình đúng đắn và quân bình “vừa yêu vừa kính sợ” đối với Thiên Chúa, Đấng vừa đáng sợ vừa đáng yêu (Mysterium tremendum et fascinosum) (Ml 1,6; Dnl 10,12; Cn 1,7; Cv 10,34tt).

Như vậy, với cái vẻ bên ngoài thoạt tiên có vẻ như không ăn nhập vào đâu, Is 11,1-2 quả thực có cái “logic nội tại” sâu sắc của nó. Qua những phân tích khái quát và sơ lược trên đây, có thể coi Is11,1-2 như là tóm lược toàn bộ quá trình Mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa và quá trình đáp trả từ phía con người. Việc nghiên cứu và phân tích từng ân huệ trong những bài sau đây sẽ còn cho thấy rõ hơn những điều đó...

 


Trang Thần Học