Bài 6    

THẦN KHÍ KHÔN NGOAN

 

Ở đây, có 2 vấn đề được đặt ra:

1.     Ý nghĩa sự Khôn ngoan trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

2.     Chúa Thánh Thần, Thần Khí khôn ngoan.

I. SỰ KHÔN NGOAN TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH

a.     Trong ngôn ngữ Cựu Ước

-          Nguồn gốc: có thứ khôn ngoan do con người sở đắc được nhờ học hỏi hoặc nhờ kinh nghiệm, tuy nhiên có thể mang nội dung luân lý tôn giáo và cũng có thể không (Xh 28,3; 2Sm 13,3; G 8,8; Gr 2,8; Gv 39,1tt.8; 51,23; Cn 20,22-24; 22,2.4.22tt; 24,21; 25,21tt; 29,13;v.v...); và nền tảng của sự khôn ngoan có mang nội dung luân lý tôn giáo là Sự Kính Sợ Yahvé: người khôn ngoan ở đây, là người biết làm điều đẹp lòng Thiên Chúa và tránh điều mà Ngài không hài lòng (Cn 1,7; 9,10; Gv 1,11-21; 19,20; G 28,12tt; Cn 6,16; 8,13; 11,20; 12,22; Gv 1,27; Kn 4,10.14; 7,14.28) hay nói cách khác, đó là tuân theo Lề Luật (Gv 15,1; 19,20; Br 4,1)... có thứ khôn ngoan do Thiên Chúa ban cho (G 28,12-27; Br 3,15-38; Is 28,29; Xh28,3; St41,8.38-39; Dnl 1,17; Kn 7,20; Ds 11,17.25; Dnl 1,13; Cn16,10; 2Sm 14,17.20; 1V 3,11.28; 2Sm 16,23; Is 11,2-5; v.v...). Như một sự hiểu biết siêu nhiên và đồng nghĩa với Thần Khí của Thiên Chúa (St 41,8.38; Dnl 34,9; Is 11,2-6; Dnl 4,5tt; Kn 7,22;1,4tt; 9,17; v.v...).

-          Bản tính: chưa rõ ràng được coi như là một Ngôi vị, đúng hơn, sự Khôn Ngoan ở đây là một thực hữu có tính thần linh mới chỉ là một đặc tính hay thuộc tính mà thôi, dù đó là một thực hữu đã có từ muôn thuở và sẽ còn mài mãi (Cn 8,22-26; Hc 24,9), thoát ra từ miệng Đấng Tối Cao như một hơi thở hoặc Lời của Ngài (Hc 24,3), Hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, loan truyền vinh quang của Đấng Toàn Năng, phản chiếu ánh sáng vĩnh cữu, gương soi hoạt động của Thiên Chúa, hình ảnh sự tuyệt hảo của Ngài (Kn 7,25tt), ở trên trời (Hc 24,4), thông phần ngai báu của Thiên Chúa (Kn 9,4) và sống thân mật với Ngài (Kn 8,3) (theo Điển ngữ Thần học Thánh Kinh).

b.     Trong ngôn ngữ Tân Ước: Đức Giêsu được gọi là “Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24.30), sự Khôn Ngoan mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa (1Cr 2,6tt), là tột đỉnh của sự hiểu biết tôn giáo (Cl 1,9). Và những gì Cựu Ước đã gán cho Sự Khôn ngoan thì Tân Ước lấy lại gán cho Đức Giêsu, như: là Trưởng tử trước mọi tạo vật và là Tác nhân cuộc sáng tạo (Cl 1,15tt; x. Cn 8,22-31), tỏa sáng vinh quang Thiên Chúa và là hình ảnh bản thể Thiên Chúa (Dt 1,3; x.Kn 7,25tt), là Sự Khôn ngoan của Chúa Cha vì cũng là Lời của Ngài (Ga 1,1tt)...

Là Sự Khôn ngoan mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa, Đức Giêsu, như vậy, vừa mặc khải cho biết sự Sống đích thực bên trong Thực tại thần linh vĩnh hằng, vừa mặc khải cho biết Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi diễn ra trong lịch sử, như một lịch sử tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhau và với loài người chúng ta, lịch sử của một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới... Đó chính là sự Khôn ngoan đích thực mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người, sự Khôn ngoan mà thế gian lại coi như là điên rồ (Rm 1,21tt; 1Cr 1,21; 1Cr 2,8), và chỉ được mặc khải ra cho những con người “bé nhỏ” luôn luôn tìm kiếm và sẵn sàng vâng nghe Thần Khí của Thiên Chúa (1Cr 2,10-16; 12,8; Ep 1,17; Mt 11,25tt; 1Cr 2,7tt; Rm 11,33tt; Gl 2,3).

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ KHÔN NGOAN:

Đã hẳn, người ta có thể nói Chúa Thánh Thần là Thần Khí Khôn ngoan bởi vì Ngài là Thần Khí của Chúa Con (Gl 4,6; Rm 8,9; 2Cr 3,17), nhưng người ta cũng có thể nói điều ngược lại. Tuy nhiên, phải hiểu những điều đó như thế nào?

Trong ngôn ngữ thần học, người ta khẳng định Chúa Cha được mặc khải qua Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Con được mặc khải nhờ Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG, các số 238-248). Còn ngôn ngữ Kinh Thánh thì không chỉ gọi Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Con mà còn là Thần Khí của Chúa Cha hay Thần Khí của Thiên Chúa (chữ Thiên Chúa trong Tân Ước chỉ Chúa Cha, x. 1Cr 8,6). Như vậy, khi khẳng định Chúa Thánh Thần là Thần Khí Khôn ngoan, thì một đàng, vừa có nghĩa Chúa Thánh Thần là Thần Khí của sự Khôn ngoan của Chúa Cha được mặc khải qua Chúa Con là chính sự Khôn ngoan được tác sinh và ban tặng bởi Chúa Cha; đàng khác, vừa có nghĩa Chúa Thánh Thần là Thần khí của sự Khôn ngoan được tác sinh và ban tặng là chính Chúa Con, trong mối tương quan tình yêu Phụ - Tử vĩnh hằng: đó chính là sự sống thần linh, là hạnh phúc đích thực, là Khát vọng muôn đời của tất cả mọi người... Hay nói cách khác, Chúa Cha là Đấng tác sinh và trao ban sự Khôn ngoan là Chúa Con trong và nhờ Thần Khí Khôn ngoan là Chúa Thánh Thần. Trong nội tại thần linh, chính Thần Khí Khôn ngoan là Hoạt động vĩnh hằng của tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa Ba Ngôi, một tình yêu hoàn toàn vô vị lợi, vô điều kiện và vô biên giới...

Đàng khác, nếu như kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa vốn được diễn ra trong lịch sử là kế hoạch cứu độ (do chính cái tên Giêsu của Chúa Con-nhập thể mà trong ngôn ngữ Hipri là Yehôsa hay Yesa và có nghĩa là “lạy Yavê, xin hãy cứu!”), thì có thể nói rằng sự Khôn ngoan đồng nghĩa với sự Cứu độ hay sự Sống đời đời, sự Sống thần linh; và người khôn ngoan chính là con người được cứu độ, được tha thứ, người có sự sống thần linh, sự sống đời đời hay sự Sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, v.v... (Kn 8,3; 7,27;1Cr 2,6tt; Ep 3,10; 1Cr 2,10-16; 12,8; Ep 1,17; Ga 15,9-17; 17,3; Mt 11,25tt...); hay, nói theo ngôn ngữ của Phaolô, đó là sự Sống mà trong đó Thiên Chúa là tất cả, và trong Ý định tình yêu của Ngài, nơi mọi sự và nơi mọi người (1Cr 15,28; Pl 1,21; x. Am 5,4tt; Hs 6,1tt)...

Kết luận:

Như vậy, Chúa Thánh Thần, Thần Khí Khôn ngoan là Đấng hiện diện trong toàn bộ quá trình tìm kiếm Thiên Chúa của con người, sự tìm kiếm mà theo ngôn ngữ của các Ngôn sứ Amốt và Hôsê đó chính là nỗ lực làm cho sự sống của con người đạt được ý nghĩa đích thực của nó (Am 5,4tt; Hs 6,1tt), thông qua việc “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và Chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3), và cuối cùng là “Thiên Chúa trở thành là tất cả trong mọi sự, nơi mọi người” (1Cr 15,28).

Sự “nhận biết” đó chính là sự Khôn ngoan đích thực, là sự Sống đích thực và là niềm hạnh phúc đích thực...


 


Trang Thần Học