Bài 8   

THẦN KHÍ ĐỊNH LIỆU

 

Có 2 vấn đề được đặt ra:

1.     Ý nghĩa của hạn từ “Định Liệu”

2.     Chúa Thánh Thần, Thần Khí Định Liệu

I. Ý NGHĨA CỦA HẠN TỪ “ĐỊNH LIỆU”:

Hạn từ “Định Liệu” tạm được sử dụng để phiên dịch hạn từ “Conseil” (esprit de conseil) của Pháp  ngữ. Trong Pháp ngữ, hạn từ Conseil có khá nhiều nghĩa (thí dụ: lời khuyên, sự chỉ giáo, sự cố vấn...), nhưng trong văn mạch của Is 11,1-2, ý nghĩa “quyết định đã cân nhắc kỹ” có lẽ là thích hợp hơn cả. Và hạn từ “định liệu” (dù hãy còn bất toàn!) cần phải được hiểu trong chân  trời đó, tức là một sự quyết định sau khi đã được cân nhắc kỹ lưỡng...

Như vậy, trong văn mạch của Is 11,1-2, Sự Khôn ngoan chính là Thiên Chúa, là Lời, Thánh Ý và Ý Định của Ngài mà vốn được mặc khải nơi Chúa Con – Nhập thể và nơi Thần Khí của Chúa Con. Vì thế, người khôn ngoan chính là người luôn luôn lắng nghe, tìm hiểu để thông hiểu được Thánh ý của Thiên Chúa được tỏ bày ra trong lịch sử và trong các biến cố của lịch sử. Và một khi đã thông hiểu được rồi (đặc biệt dưới ánh sáng của lương tâm lành mạnh, ân huệ của Thần Khí Thiên Chúa ), con người cần phải quyết định dứt khoát, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng các khía cạnh của vấn dề, tuân theo Lời Thiên Chúa chỉ dạy và điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ Thần Khí do Đức Giêsu ban cho (Ga 14,26; Rm 12,2; Cl 1,9; 1,10; Ep 5,17; Pl 2,13)...

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ “ĐỊNH LIỆU”:

Điều này có nghĩa là trong những quyết định liên can vận mạng của con người thuộc loại này, con người luôn luôn được Thiên Chúa quan tâm giúp đỡ và chỉ bảo (Pl 2,12-13; Rm 12,2; x. Is 5,19; 14,26...; Gr 23,18-22; Mk4,12; Is 44,28; 46,10...; Hs 2,16; Ed 36,26tt; Gr 31,33; Is 50,5; Tv 40,8t; Is 53,10; v.v...). Và nếu như các ân huệ của Thần Khí là những tâm thái (dispositions) được Thiên Chúa gợi lên trong con người nhằm giúp con người thông lưu được với sự Sống thần linh của Thiên Chúa, thì Thần Khí Định Liệu hiện diện nơi con người vừa như một Ngôi vị Thần linh vừa như một ân huệ tạo điều kiện giúp con người có được những quyết định phải sống như thế nào để có được Hạnh phúc đích thực hay sự Sống đời đời...

Đàng khác, việc đưa ra một quyết định bao giờ cũng bao hàm một số yếu tố sau đây: chủ thể quyết định, hành động quyết định và chính đối tượng mà quyết định nhắm tới..., và để giúp con người có thể có được một quyết định liên hệ đến hạnh phúc đích thực và vĩnh cữu của đời mình, Thần Khí Định liệu chắc hẳn đã phải tác động lên toàn bộ những yếu tố đó:

1.    Đối với chủ thể quyết định:

Con người, muôn thuở, nhiều hay ít, cách này hay cách khác, vẫn thường xuyên vướng phải hoặc có nguy cơ vướng phải tình trạng tha hóa, vong thân, đánh mất chính bản thân mình. Thế mà, để có thể có được những quyết định cân nhắc kỹ lưỡng, việc trước tiên con người phải làm đó là phải “trở nên chính mình” (Sois toi-même!). Nhưng muốn làm được thế, con người cần phải biết mình đang là gì, là ai, và đúng ra mình phải là ai và là gì... Từ đó, sản sinh ra một tâm thái- kép: một đàng là sự ăn năn sám hối (metanoein), một đàng là sự chuyển hướng nội  tâm quay về với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân của mình (epistrephein). Thần Khí Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong toàn bộ quá trình đó và những nỗ lực đó... (Ed 36,26t; Mt 18,3t; 6,33; Lc 18,13; 15,2).

2.    Đối với hành động quyết  định:

Cũng như trong thực tại nội tại của sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là Hành động của Thiên Chúa (Chúa Cha sinh ra Chúa Con, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, Chúa Cha hiểu biết Chúa Con...; và ngược lại, Chúa Con đón nhận sự sinh ra bởi Chúa Cha, Chúa Con yêu thương Chúa Cha, Chúa Con hiểu biết Chúa Cha...), ở đây cũng vậy, Thần Khí Thiên Chúa, vừa như là một Ngôi vị vừa như là ân huệ, cùng hiện diện và cùng “định liệu” với chủ thể chính là con người... (Hs 2,16; Ga 14,26; Rm 12,2; Cl 1,9; Cv 15,28).

3.    Đối với đối tượng mà quyết định nhắm tới:

Hay nói cách khác, đó chính là nội dung của quyết định, tức là: vấn đề phải sống như thế nào, phải làm gì để có được hạnh phúc đích thực và Sự Sống  vĩnh hằng, khát vọng muôn thuở của tất cả mọi người... Ở nơi những nền luân lý tự nhiên, đó là làm điều thiện tránh điều ác, sống theo mệnh trời, hiếu thảo với Tổ tiên, tình phụ-tử, mẫu-tử, huynh-đệ, phu-thê, v.v... Ở nơi nền luân lý mặc khải sơ khai như Cựu Ước, đó là Lề Luật, là 10 Điều răn... Ở nơi nền luân lý mặc khải Tân Ước, đó là “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3), tức là sự Sống trong và bởi sự Hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi... Và tất cả những nỗ lực đó, chỉ có Thần Khí Thiên Chúa mới thực hiện được, dĩ nhiên, cùng với con người...

 


Trang Thần Học