Bài 10    

THẦN KHÍ NHẬN BIẾT

 

Có 2 vấn đề được đặt ra:

1.     Khái niệm “nhận biết” trong ngôn ngữ Kinh Thánh

2.     Chúa Thánh Thần, Thần Khí Nhận biết.

I. KHÁI NIỆM “NHẬN BIẾT” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH

Trong ngôn ngữ Hipri hạn từ Yd (nhận biết) vượt qua trí thức trừu tượng và diễn tả một liên hệ hiện sinh: biết một cái gì chính là có kinh nghiệm cụ thể về cái đó (Is 53,3; Kn 3,13; Tl 3,1; Is 59,8; St 2,9.17; v.v...) và biết một người nào chính là có những mối quan hệ cá nhân với người đó (Dnl 33,9; St 4,1; Lc 1,34; Ed 12,15; Gr 31,34; v.v...) (x. ĐNTHTK, từ “Biết”)... Như vậy, đối với người Sêmita, khi nói “biết Thiên Chúa” có nghĩa là có những mối quan hệ cá nhân, trực tiếp, thân tình...với Thiên Chúa. Thế nhưng, điều đó diễn ra như thế nào khi mà Yavê luôn là Đấng siêu việt, siêu hình xa cách vời vợi (Xh 3,1-15; 33,18-23; 34,1-7; Tl 5,4t; Xh19,16; Is 6,2; Hs 11,9; Is 57,15; 40,25; v.v...)? Đối với Amốt, biết Thiên Chúa đó chính là được Thiên Chúa biết đến (Am 3,2) và là khám phá ra Ngài là nguồn gốc hiện hữu của mình. Như vậy, hành vi “nhận biết Thiên Chúa” vừa có nguồn gốc do Thiên Chúa vừa là ân huệ của Ngài, nghĩa là con người chỉ nhận biết được Thiên Chúa nhờ chính Ngài tự mặc khải mình ra cho con người ở nơi và khi mà Ngài muốn, và theo cách thức mà Ngài muốn, qua Lời và Thần Khí của Ngài (Dt 1,1-3; Mt 11,27; Ga 14,17.26; 16,13; v.v...).

Mối quan hệ cá nhân, thân tình của con người với Thiên Chúa, trong ngôn ngữ Cựu Ước, được diễn tả dưới những kiểu nói đặc biệt như “Thiên Chúa của...ai đó” (St 14,22; 16,13; 17,1; 35,7; 21,33; 14,22tt; 18,25; 49,24; 2Sm 23,3; Tv 18,3; 144,2; 84,10; 89,19; Mk 7,14; Tv 23,1; v.v...), “Ta đã nhìn thấy... Ta đã lắng nghe... Ta đã thấu hiểu... Ta quyết định... Ta sai ngươi” (Xh3,7-10)...

Mối quan hệ càng trở nên gần gũi, cụ thể, hữu hình hơn khi chính Ngôi Lời, Con Một của Thiên Chúa và là Thiên Chúa “mặc xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14; Rm 8,32; Cl 1,27; 2,2; Ep 2,18; 3,12; Ga 1,18; 17,3; v.v...)...

Vấn đề là làm thế nào cho con người nhận biết được Thiên Chúa...

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ NHẬN BIẾT

Thư 1 Gioan khẳng định: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8).

1Ga 4,7-8, như vậy cho thấy “yêu thương” không chỉ là điều kiện để nhận biết Thiên Chúa, mà còn chính là “nhận biết”:

1.    “Yêu thương nhau”, điều kiện để “nhận biết” Thiên Chúa:

Để có thể có được mối quan hệ cá nhân thân tình, cụ thể với Thiên Chúa, điều kiện trước tiên là con người phải yêu thương nhau, bằng một thứ tình yêu có tính liên vị, thân tình và cụ thể (x. Lc 10,29-37). Khi yêu thương ai tức là người ta đã “sinh ra” người đó, hay nói cách khác, người ta chấp nhận sự hiện hữu và sự hiện diện của người đó cùng với mình. Thế nhưng, khi nói con người yêu thương ai thì điều đó đồng thời có nghĩa là con người đã để Thần Khí Tình yêu yêu thương mình và tha nhân, vì thế, khi con người yêu thương nhau tức là con người vừa “được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 4,7b) vừa “sinh ra tha thể (Thiên Chúa và tha nhân)”...: đó chính là sự hiện diện liên vị hiện diện trong nhau như trong chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Ga 10,38; 14,10t; 17,21; 5,20.23; 10,15; 14,31; 17,24t; v.v...) và chính trên cơ sở chân trời đó, người ta có thể nói: biết là yêu thương và ngược lại...

2.    “Yêu thương nhau” chính là “biết Thiên Chúa”:

Điều này chỉ có thể có trong điều kiện chính Thiên Chúa đã tự mình “đồng hóa” với nhân loại. Và điều này quả thực đã diễn ra trong mầu nhiệm Sáng tạo, Nhập thể và Cứu độ: trong mầu nhiệm Sáng tạo, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài (St 1,26-27); trong mầu nhiệm Nhập thể, bởi vì Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14; x. Mt 25,31-46; Cv 9,5; Ep 1,23); trong mầu nhiệm Cứu độ, bởi vì được cứu độ có nghĩa là được trở nên con của Thiên Chúa và được sống sự sống thần linh của Thiên Chúa- Ba Ngôi và Thiên Chúa trở nên Cha của loài người (2Tl 1,4; 1Ga 3,2; 3,1; Ga 1,12; Gl 1,5t; Rm 8,14-17; 6,4), hay nói cách khác, con người và vũ trụ “đi vào trong sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,19): lúc ấy Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong tất cả mọi người” (1Cr 15,28), và “tất cả trong tất cả mọi sự” (Ep 1,23)... Vì thế, 1Ga 4,20 đã khẳng định: “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” và Paul Ternant đã vọng lại tư tưởng đó “Thiên Chúa không bao giờ là Cha chúng ta bằng lúc Ngài tỏ lòng yêu thương và tha thứ, và chúng ta không bao giờ là con Ngài bằng lúc ta cũng hành động như vậy đối với mọi anh em chúng ta”...

Như vậy, khi nói Thần Khí Nhận biết chính là nói về Thần Khí Tình yêu của Thiên Chúa, Đấng làm cho con người, khi yêu thương nhau, hòa nhập vào Cơn Lốc Sự sống Tình yêu Thần linh là chính Thiên Chúa Ba Ngôi ... (Ga 17,3).

 


Trang Thần Học