Bài 11

THẦN KHÍ HIẾU THẢO

 

Có 2 vấn đề cần được đặt ra:

1.     Khái niệm “Hiếu thảo” trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

2.     Chúa Thánh Thần, Thần Khí hiếu thảo.

I. KHÁI NIỆM “HIẾU THẢO” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH.

Nói chung, đây là một hạn từ rất phức tạp và hàm hồ về mặt ngữ nghĩa và cả về mặt ứng dụng.

Từ gốc trong ngôn ngữ Hipri là hesed, trước tiên biểu thị mối tương quan nối kết họ hàng (St 47,29), bạn hữu (1Sm 20,8), “đồng minh” (St 21,23), và giả thiết có sự tương trợ hữu hiệu và trung thành (hesed / emet: hiếu từ / trung thành có liên hệ với nhau). Bản dịch LXX đã dịch hesed ra Hy ngữ là éleos vốn có nghĩa là “nhân từ”, và từ đó ra La ngữ  là “missericordia” và ra Pháp ngữ là “misséricorde”. Các dịch gỉa tân thời đôi khi coi hesed như tương đương với hạn từ “piété” và Việt ngữ đã dịch “piété” ra là “đạo đức”... GLHTCG, bản Pháp ngữ không dùng hạn từ “piété” mà dịch hesed ra là “affection filiale” (“tình con thảo”). Thật ra, trong ngôn ngữ Cựu Ước, hesed nhấn mạnh mối quan hệ của Thiên Chúa với con người (“từ”) hơn là mối quan hệ của con người với Thiên Chúa (“hiếu”), vì thế, trong Việt ngữ, khi thì được dịch ra là “hiếu từ” (đức tốt của con đối với cha mẹ là “hiếu”, đức tốt của cha mẹ đối với con là “từ”) (x. Bản dịch ĐNTHTK, hạn từ “Hiếu Từ”), khi thì được dịch là “tín nghĩa” (bản dịch Kinh Thánh của Lm. Nguyễn Thế Thuấn)...Có thể nói ngôn ngữ Tân Ước coi cả hai mối quan hệ trong mối tương quan biện chứng và quân bình hơn, vì thế rất ít khi sử dụng hạn từ piété (gốc Hy ngữ là eusebes/ eusebeia). Trong bối cảnh của vấn đề phân chia “ ân huệ thứ sáu” của Is 11,1-2 (“sự kính sợ Giavê”) ra thành 2, có thể nói rằng việc nhấn mạnh mối quan hệ của con người đối với Thiên Chúa (“hiếu”) của GLHTCG, bản Pháp ngữ là điều hợp lý và có cơ sở... Đó là lý do tại sao hạn từ “Thần Khí Hiếu thảo” hay “Thần Khí của Tình con thảo” được sử dụng ở đây:

1.    Cơ sở Cựu Ước:

Trong ngôn ngữ Cựu Ước những thời kỳ đầu, khái niệm Cha- Con trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người và ngược lại không bao giờ thuộc phạm vi nhục thể, nhưng thuộc lãnh vực luân lý và tâm linh và trong viễn ảnh tập thể và lịch sử nhiều hơn là cá nhân (Xh 4,22; Ds 11,12; Dnl 14,1; Is 1,2tt; 30,1.9; Gr 3,14; Hs 11,3t.8t; Gr 3,19; Tv 27,10; Cn 3,12; Kn 2,13-18; Gs 17,2;v.v..). Gần kỷ nguyên Kitô giáo, khái niệm Thiên Chúa là Cha dân Ngài và Cha mỗi tín hữu được ý thức cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn (trong các văn phẩm của các Rabbi thời cuối Cựu Ước này, người ta gặp thấy nguyên văn công thức mà sau này Đức Giêsu đã sử dụng lại: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “).

2.    Cơ sở Tân Ước:

Đức Giêsu Kitô hoàn thành điểm tinh túy của tư tưởng Dothái về tình Phụ-tử trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người và ngược lại: nếu loài người có khả năng trở thành con Thiên Chúa chính là vì Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa - làm người, tự bản tính là Con Thiên Chúa (Ga 1,12). Và nói theo ngôn ngữ của 1Ga 4,7-8, con người chỉ là con Thiên Chúa khi con người yêu thương nhau trong Thần Khí Tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Thần Khí Tình yêu mà đã sinh ra tình Phụ-tử giữa Chúa Cha và Chúa Con trong thực tại Mầu nhiệm Ba Ngôi: “phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra...” (1Ga 4,7b)

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ HIẾU THẢO

Nếu như Tình yêu thương tạo ra tình Phụ-Tử giữa Thiên Chúa và con người và ngược lại, thì điều đó đồng thời cũng có nghĩa chính Thần Khí Hiếu thảo của Chúa Con tác sinh ra tình Hiếu thảo của con người đối với Thiên Chúa (Gl 3,26; Ep 1,5; Gl 1,5t; Rm 8,14-17; 8,29; Tt 3,5; Rm 6,4; Dt 12,5-12; Ga 1,12; 3,3.5):

“Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Bố ơi!”...” (Gl 4,6).

Cũng như trong vĩnh hằng và trong lịch sử, Chúa Cha hằng sinh ra Chúa Con và Chúa Con hằng đón nhận sự sinh ra bởi Chúa Cha trong và nhờ Thần Khí Tình yêu hỗ tương, con người nếu muốn luôn luôn vẫn là con của Chúa Cha, điều kiện tất yếu là phải luôn luôn yêu thương nhau trong Thần Khí Tình yêu hay Thần Khí Con thảo của Đức Giêsu Kitô.

Như vậy, tình Phụ–Tử nói ở đây là một mối tương quan luôn luôn ở trong tư thế năng động, nghĩa là ở trong hành động yêu thương chứ không chỉ là một mối tương quan tĩnh tại và thụ động như dựa trên huyết thống, dân tộc, cơ cấu... (Mt 3,9tt; Lc 19,9; Mt 5, 9; x. Mt 12,46-50). Bởi vì Thần Khí Hiếu thảo là Thần Khí khi ở trong hành động (en acte)...

 


Trang Thần Học