Bài 12

 

THẦN KHÍ KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

 

Có 2 vấn đề được đặt ra:

1.     Khái niệm “Kính sợ Thiên Chúa” trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

2.     Chúa Thánh Thần, Thần Khí Kính sợ Thiên Chúa.

I. KHÁI NIỆM “KÍNH SỢ THIÊN CHÚA” TRONG NGÔN NGỮ KINH THÁNH

Nói chung, đây là một khái niệm diễn tả một thứ tình cảm tôn giáo: khi đối diện với thực tại thần linh, con người một đàng vừa sợ không dám đến gần (kính nhi viễn chi), đàng khác vừa cảm nhận như có sức cuốn hút hướng về đó (mysterium tremendum et fascinosum), chứ không phải là những thứ sợ hãi thông thường của con người, như sợ những thiên tai hoặc những cuộc tấn công của kẻ thù (Gr 6,25; 20,10). Vì thế, người ta gọi đó là tâm tình “kính sợ” (gốc Hipri là Yir’ah và gốc Hy lạp là phopos): vừa sợ vừa thích và vừa thích vừa sợ...

1.     Trong ngôn ngữ Cựu Ước, hạn từ “kính sợ Giavê” hay “kính sợ Thiên Chúa”, chiếm một vị trí lớn lao hơn nhiều so với hạn từ “tình yêu” nhằm diễn tả một Vị Thiên Chúa nghiêm minh, siêu việt và đáng sợ... Tuy nhiên, sự kính sợ này không đóng khung trong nỗi lo âu, sao xuyến, mà còn kèm theo nỗi khát vọng và tình yêu đối với Thiên Chúa (Ml 1,6; Dnl 10,12). Nó chính là yếu tố cốt lõi của sự Khôn ngoan, là nền tảng của tôn giáo (Cn1,7; Gv 1,14-21; Tv 111,10). Các Ráp-bi của thời cuối Cựu Ước đã thích gọi Thiên Chúa là “Cha”...

2.     Trong ngôn ngữ Tân Ước ít sử dụng hạn từ này; tuy nhiên, không phải là không biết tới như là một tâm tình tôn giáo trước Thiên Chúa (Dt 10,31; Gc 4,12; Mt 10,28; Ep 3,12; Rm 8,15; 1Ga 4,17; Lc 2,25; Cv 10,22; 1Cr 10,12; Rm 10,20; Pl 2,12; v.v...). Và chính Tân Ước, nhờ hiểu theo một nghĩa sâu xa đã làm cho nó trở nên một nhân đức chính yếu vốn là con đường cứu rỗi bằng đức tin: “Thiên Chúa chẳng thiên vị ai, nhưng bất luận dân nào, hễ ai kính sợ Ngài và thực thi công bình thì đẹp lòng Ngài” (Cv 10,34tt)...

II. CHÚA THÁNH THẦN, THẦN KHÍ KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

Nói như vậy, trước tiên, có nghĩa tâm tình hay thái độ kính sợ Thiên Chúa mà con người có được chính là ân huệ của Thần Khí Thiên Chúa ban cho, và khi nối kết với tâm tình con thảo thì đó là do Thần Khí của Đức Giêsu Kitô... Vì thế, để có thể hiểu được cách dễ dàng và đúng đắn khái niệm “kính sợ Thiên Chúa” của Cựu Ước và Tân Ước, có lẽ nên nhìn nó qua lăng kính của điều mà tư tưởng Đông Phương gọi là thuyết “Chính Danh” (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử: vua thì cho ra vua, quan thì cho ra quan, cha thì cho ra cha, con thì cho ra con):

1.    Con người- thụ tạo đối diện với Thiên Chúa Tạo Hóa:

Tất cả mọi cái con người (être) và (avoir) đều là ân huệ được Thiên Chúa ban cho cách nhưng không và tự do. Vì thế, con người phải luôn sống trong tâm tình lệ thuộc và tri ân đối với Thiên Chúa, và không bao giờ được có ý đồ cướp quyền và thử thách Thiên Chúa (x. St 3,1-24; Lc 4,1-13; Mt 4,1-11; Dnl 6,13tt; v.v...): tâm tình lệ thuộc và tri ân ở đây chính là những dạng thức của tâm tình kính sợ Thiên Chúa...


2.    Con người trần tục - bé nhỏ - yếu đuối đối diện với Thiên Chúa siêu việt - vĩ đại - toàn năng:

Ở đây, tâm tình kính sợ Thiên Chúa được diễn tả qua những thái độ hoàn toàn tin cậy, phó thác và cầu xin (Tl 6,23; Dn 10,12; Lc 1,13.30; Mc 6,50; St 15,1; 26,24; Is 41,10; Lc 12,32; Mt 6,25-34; Ds 21,34; Tv 23,4; 27,1; 91,5-13; v.v...)...

3.    Con người – tội lỗi đối diện với Thiên Chúa - thánh:

Ở đây sự kính sợ Thiên Chúa được diễn tả qua những tâm tình ăn năn sám hối và xin được tha thứ (Hs 11,9; Is 8,13; Xh 19,10-15; Tv 51; Lc 5,8; Is 6,5; v.v...)...

4.    Người-Con đối diện với Thiên Chúa-Cha:

Ở đây tâm tình kính sợ Thiên Chúa được diễn tả qua tâm tình hiếu thảo (Hc 1,11-20; Rm 8,15; 1Ga 4,18; Ga 3,20tt; Ep 3,12; v.v...)

Đó là những tâm tình, những phản ứng mà Đức Giêsu Kitô đã sống và đã kinh qua nhờ Thần Khí của Chúa Cha và đồng thời cũng là của chính Ngài trong tư cách Chúa Con và sau khi Đức Giêsu Kitô đã sống trọn vẹn những tâm tình đó, Ngài đã sở đắc trọn vẹn và tràn đầy Thần Khí, như Ân Huệ được ban cho, và đó chính là Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, trong Chu trình Tình yêu “dâng hiến là nhận lại” (Ga 19,30)... và con người, có được những tâm tình đó cũng là do Ân huệ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô ban cho...

 


Trang Thần Học