THIÊN CHÚA NHƯ LÀ NGƯỜI MẸ
MỘT CỐ GẮNG HÌNH DUNG


Lm. Anathasiô Nguyễn Quốc Lâm

Ngươi đã khinh màng Ðá Tảng đã sinh ngươi
Thiên Chúa đã mang nặng đẻ đau, ngươi quên lãng.
Ðnl 32, 18

Khám phá ra một ý niệm, một lý thuyết, đôi khi không quan trọng bằng đặt mình vào một chân trời mới, để trong chân trời đó, mỗi thực tại lại lộ hiện dưới những đường nét khác, đôi khi khác đến mức không ngờ.

Thiên Chúa như là Mẹ, có lẽ là một chân trời như thế. Một chân trời mới mẻ, hay đúng hơn, một chân trời đã bị quên lãng.

Thiên Chúa đã mang nặng đẻ đau
Ngươi quên lãng!

(Ðnl 32, 18)
Ðọc lại những trang đầu của sách Khởi Nguyên:
.Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành
và Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng.

(St 1, 10.12.18.21.25.)

Ta như hình dung thấy khuôn mặt hạnh phúc, hớn hở của người mẹ khi thấy con ra đời.

Và cứ như thế người mẹ bồng ẵm, ấp yêu, dắt dìu con cho đến lúc trưởng thành (x. Hs 11,1).

Mẹ là nguồn sinh,
Là chân trời sống của Con, Ðất Mẹ. Lòng Mẹ
Và cũng có thể nói y như thế về Cha: Quê Cha,
Cha như là quê hương (Patrie, Fatherland)
Thiên Chúa là Cha, nhưng có trái tim người mẹ và cũng có thể nói, Người có khuôn
mặt người mẹ và trái tim của người Cha.
Thiên Chúa như Ðấng Sinh Thành.

Ngôn ngữ Mẹ (Maternal language) (Is 49, 15)
Ngôn ngữ Cha (Paternal Language) Ðnl 32, 6)
Ngôn ngữ bậc sinh thành (Parental language) (Ðnl 32, 18)
Ðiều đó có cần thiết lắm không, khi nói về Thiên Chúa?

Có lẽ cần lắm bởi dường như, theo dòng thời gian, chúng ta chỉ còn quen với ngôn ngữ Cha, hình dung Thiên Chúa theo hình ảnh người cha mà thôi.

Ðúng, Thiên Chúa là Cha. Ðó là mặc khải, là lời tuyên xưng, là truyền thống.

Nhưng để đến gần, đi sâu, cảm nghiệm lấy thực tại "là Cha theo nghĩa tràn đầy, sung mãn nhất như mặc khải Kinh Thánh muốn tỏ bày, loan báo, thì e rằng ngôn ngữ, hình ảnh của người cha vẫn là không đủ.

Ðó là chưa kể hình ảnh người cha có nguy cơ bị bóp méo rất nhiều đối với con người thời nay, thậm chí dần dần đồng nghĩa với Quyền Bính, Quyền lực, Ðộc tài, Ðộc quyền, Ðộc chiếm. với phóng chiếu tham vọng ngự trị, tranh đoạt, thâu tóm của con người.

Vì thế, nói rằng Thiên Chúa như là Mẹ, hình dung Thiên Chúa theo đường nét của người nữ, người Mẹ, không có nghĩa chỉ vì ham lạ hay suy nghĩ tùy tiện, nhưng là một cố gắng hay khiêm tốn hơn, phong phú hơn về hình ảnh người mẹ, người bạn, người yêu, có lẽ là một cách để phá vỡ nguy cơ giản lược, thậm chí "tạo dựng" Thiên Chúa theo hình ảnh con người, thay vì ngược lại.

Tại sao chúng ta lại không thể đến với Thiên Chúa như đến với người mẹ sinh thành (agape, tình yêu ban tặng sự sống) với người yêu (Eros, tình yêu kết hợp) hay người bạn (philia tình yêu đồng hành)?

Kinh nghiệm của Abraham, Môsê, của Thánh Vịnh, của sách Diệu ca, của Hôsê, Amos, Isaia, Giêrêmia. không phải là như thế sao?

I. AGAPE - TÌNH YÊU THIÊN CHÚA THEO MẪU NGƯỜI MẸ

Agape thường được hiểu trong bối cảnh cứu độ. Lòng mến của Thiên Chúa cứu vớt chúng ta hoàn toàn là nhưng không, vô cầu, bất chấp, không màng đến (unmotivated, disinterested) tội lỗi của chúng ta.

Dù chúng ta có là gì, có như thế nào đi nữa, tội lỗi, vô giá trị. thì người vẫn yêu thương.

Một số khuynh hướng thần học, tu đức làm nổi bật khía cạnh này: cứu độ hoàn toàn là bởi ân sủng Chúa, còn mọi giá trị, công đức của con người kể bằng không. Con người không có gì là đẹp, là đáng mong ước, đáng bận tâm (interested), nhất là con người tội lỗi.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta
Khi chúng ta còn là tội nhân
(Rm 5,5-6)

Agape - Tình yêu nhưng không, nhấn mạnh như thế là đúng, nhưng nếu nhấn mạnh đến mức biến con người thành con số không, thì một lúc nào đó, người ta sẽ phải tự hỏi:

Tình yêu của một người mà đối với người đó, mình chẳng là gì, chẳng có một chút gì để người đó thực sự mong ước, khao khát, để tâm. tình yêu đó rốt cuộc là gì? Chúng ta có cần một tình yêu như thế không?

Ðã đành kinh nghiệm về ơn cứu độ là kinh nghiệm về tình yêu "bất chấp" (disinterested) của Thiên Chúa, như thánh Phaolô, như Augustinô hay Têrêsa Hài Ðồng đã từng thốt lên: "Tất cả là ân sủng". Thế nhưng, xét dưới một khía cạnh khác, điều đó không có nghĩa chúng ta chỉ là con số không, không giá trị, không đáng mong ước, không thực sự được Thiên Chúa "bận tâm" (interested).

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng:
"Vì chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Ngài đã."

Chữ "vì" đó là nhưng không, nhưng vấn đề là, nó có thực sự làm trĩu nặng tấm lòng của Thiên Chúa hay không? Thông thường, Thiên Chúa được quan niệm như là Ðấng toàn mãn, túc mãn trong đời sống Ba Ngôi, đến nỗi không một điều gì, không một ai khác có thể thêm hay bớt đi niềm vĩnh phúc tràn đầy của Người. Nói như C.S. Lewis: God is "at home" in the land of Trinity
(The four loves, NY 1960, p. 176)

Nếu Người không cần gì, cũng chẳng cầu ai, cần đến ai, thì phải chăng tất cả thụ tạo của Ngài, kể cả con người, đều là thừa thãi (wholly superfluous creatures)!

Một tình yêu rất nhưng không, mà cũng rất thừa!.

Ðây là điều không thể chấp nhận nổi, nếu chúng ta hiểu theo lòng mến (agape) của Thiên Chúa theo hình ảnh của người Mẹ.

Người Mẹ nào cũng thế, tình yêu của Mẹ
Vừa sinh thành, vừa ôm ấp,
Vừa rất nhưng không, vừa tha thiết muôn vàn
Vừa chấp nhận để tự do ra đi, để tự lập trách nhiệm,
Vừa thống thiết kêu gọi trở về để kề cận, thương yêu,
Không cầu mong gì cả, mà vẫn là cầu mong tất cả.

Tình yêu Thiên Chúa vừa sinh ra,
Vừa ôm ấp trở lại
Vừa là agape, vừa là Eros.

Tình yêu của cha, của mẹ luôn luôn là như thế.
Tình yêu của Ðấng sinh thành mãi mãi là như thế.

Thật khó mà đo lường hết các chiều của tình yêu, tình của cha, của mẹ, của bậc sinh thành. Tình yêu sinh thành, tặng ban (agape) của Thiên Chúa càng muôn trùng hơn thế. Ở đấy chúng ta chỉ tạm dừng lại ở ba khía cạnh chính yếu của tính yêu sinh thành:

- Mong muốn, quý trọng hiện hữu của đứa con.
- Lo lắng, nuôi dưỡng mọi đức con.
- Ðưa dẫn tới chỗ thành toàn.

Ðiều tha thiết nhất, làm cho cha mẹ vui mừng nhất, đó chính là hiện hữu của đứa con, sự ra đời của đứa con.

Kinh Thánh cũng đã khẳng định như thế, ngay từ đầu, về tình yêu sinh thành của Thiên Chúa.

Trước mỗi thực tại "ra đời", dù là cỏ cây, Thiên Chúa khác nào người mẹ, đã thốt lên:

"Thật là tốt lành!" (x. St 1, 10.12t).

Nỗi ngạc nhiên hạnh phúc đó của Thiên Chúa chính là huyền nhiệm của hiện hữu (the miracle of birth, the wonder of existence).

Vì sự sống, cho sự sống (pro-life) đó là nét nổi bật trong tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Và sự sống ở đây là sự sống, là hiện hữu của từng vật thể, từng sinh vật, cho đến cả vũ trụ mênh mông, chứ không phải chỉ là sự sống của con người mà thôi.

Sự sống của chính chim muông, cầm thú
Của cánh rừng và dòng sông
Của hành tinh đỏ và hành tinh xanh
Tất cả đều nằm trong hòa điệu bí ẩn,
Vĩ đại của sự sống.
Và sự sống là quà tặng của Ðấng Sinh Thành.

Kitô giáo thường nhấn mạnh đến lần sinh ra thứ hai và nhiều khi đã quên đi, hoặc làm lu mờ nỗi ngạc nhiên của chính Thiên Chúa trước lần sinh ra thứ nhất của mọi thụ sinh. Và cũng vì thế mà thế giới rất thực, rắt cụ thể này đã không được đón nhận như nó cần phải được đón nhận.

Ðã có một thời con người nghĩ mình là trung tâm, và muốn khẳng định vai trò là chủ tể, tự quyết định tất cả, khai thác tận dụng. Thế nhưng chính thực trạng của cuộc sống, chính thiên nhiên với muôn hình thái của nó đã buộc "cái tôi khổng lồ" (colossal Ego) là nhân loại phải bừng tỉnh: hiểm họa hạt nhân, hiểm họa môi trường, viễn tượng hủy diệt bởi chính bàn tay con người.

Con người - hình ảnh của Ðấng Sinh Thành- cần phải sống, phải cư xử theo bản năng, cung cách làm cha mẹ (parental inclination) hơn là cung cách của một chủ nhân ông.

Bởi lẽ, làm cha mẹ qua sự cưu mang, sinh hạ, cho bú mớm, chăm sóc. là một kinh nghiệm vừa rất hạnh phúc vừa là mồ hôi nước mắt. Hết lòng yêu thương, hết lòng tận tụy. Và hơn nữa, nếu kinh nghiệm căn bản của cha mẹ là trao ban sự sống, bao giờ cũng đứng về phía sự sống để nâng niu, tôn trọng và bảo vệ, thì vấn đề hôm nay của nhân loại không chỉ dừng lại ở "loài người", mà là mọi loài, là tất cả môi trường sinh thái cần được bảo vệ, nâng niu.

Trong Chân Trời người Mẹ (Ground of being) mối liên hệ giữa con người với thế giới không chỉ là mối liên hệ giữa bàn tay và dụng cụ. Thế giới quanh ta không phải là "dụng thể" mà là "sinh thể", và có thể nói mạnh hơn nữa, con người và thế giới là "đồng bào", cùng được sinh thành từ một lòng Mẹ, cùng chia một dòng sữa sự sống.

Thiên Chúa là Ðấng-hoàn-toàn-khác (leTout Autre)
Là đấng siêu việt trên mọi thụ tạo.

Con người là hữu thể ưu đẳng,
Vượt trên thế giới vật chất,
Là thụ tạo hoàn hảo
Và là chóp đỉnh của công trình tạo dựng.

Ðó là những điều đã được khẳng định, tuyên xưng, không thể tranh cãi.

Tuy nhiên nhấn mạnh sự phân biệt, khác biệt mà không đồng thời cho thấy khía cạnh gần gũi, gắn liền thì không phải là không có những nguy cơ và những hệ lụy đáng tiếc, nhất là trong thời đại như thời đại của chúng ta, một thời đại rất dửng dưng, xa lạ với Thiên Chúa đồng thời nằm trong tay những sức mạnh khai thác, hủy diệt đến mức khủng khiếp. Thời đại của khai thác lợi nhuận, thời đại máy móc, kỹ thuật ngự trị (technocratie).

Dùng hình ảnh lòng mẹ, bào thai, cho bú bằng dòng sữa của mình để nói về Thiên Chúa tác thành, về mối liên hệ anh em giữa con người và thế giới quả là hơi quá đáng, nhưng dù sao đó cũng là một trong số rất nhiều hình ảnh mà Kinh Thánh đã sử dụng để soi sáng mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người.

Vả chăng, sáng tạo (creation) lại không thể hình dung như một sự cưu mang, sinh thành (gestation, giving birth)? Cho bú mớm, dưỡng nuôi.

"Ngõ hầu các ngươi được bú no nê sữa ủi an. ngõ hầu các ngươi được hút uống thỏa thuê sữa vinh quang từ đó ứa ra vì đây là lời của Giavê: Này Ta sẽ hướng bình an tới nó như sông cả, Nguồn phú vinh các nước như thác lũ Và các ngươi sẽ được bú mớm, được bế bên sườn Và được nâng niu trên đầu gối, Như một người mẹ an ủi." (Is 66,11-13)

II. HOẠT ÐỘNG CỦA THIÊN CHÚA NHƯ LÀ MẸ: SÁNG TẠO

Hình dung Thiên Chúa theo mẫu người Mẹ hẳn nhiên liên quan trước tiên và căn bản đến mầu nhiệm sáng tạo, bởi lẽ hoạt động chính yếu của người Mẹ là sinh thành.

Học thuyết truyền thống về mầu nhiệm sáng tạo bao hàm rất nhiều khía cạnh. Ở đây chúng ta chỉ dừng lại ở hai điểm chính yếu: sáng tạo từ hư vô (ex nihilo) và sáng tạo theo phẩm trật (con người-thế giới, nam-nữ, tinh thần-vật chất).

Hành vi sáng tạo của Thiên Chúa được hình dung như một hoạt động của trí tuệ (sáng tạo bằng lời) hoặc như hoạt động của một nghệ nhân (sáng tạo bằng tay nhào nặn). Cả hai cách hình dung đều làm nổi bật hai khía cạnh:

- Thiên Chúa tạo dựng từ những gì hoàn toàn khác biệt với Ngài.
- Vũ trụ hình thành là vũ trụ được sắp xếp theo phẩm trật: con người ở trên thiên nhiên, tinh thần trên vật chất, nữ phụ thuộc nam.

Như đã nói trên, chúng ta không đặt lại vấn đề về tính siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa, khoảng cách tuyệt đối giữa hữu hạn và vô hạn, ta cũng không thể không nhìn nhận một trật tự sắp xếp nào đó giữa các cấp bậc hữu thể. Thế nhưng cả hai cách hình dung đó chỉ mới làm nổi bật khía cạnh phân biệt, khác biệt, nghĩa là khía cạnh phủ định, chứ chưa nói lên được gì về mối tương qua sống động, phong phú giữa Thiên Chúa với tạo thành, nhân loại với tự nhiên, tinh thần với vật chất. Hơn nữa, nhấn mạnh một chiều đến sự khác biệt, xa cách khiến chúng ta dễ hình dung Thiên Chúa theo kiểu của Platon, Aristote, của các triết gia hơn là Thiên Chúa của mạc khải, của truyền thống Do Thái-Kitô giáo.

Thiên Chúa của mạc khải Do Thái-Kitô giáo, là Thiên Chúa của giao ước, của tương quan gần kề, của nhập thể.

Lịch sử tín điều cho thấy, ngay từ đầu đã có một nỗ lực mạnh mẽ, cố gắng dung nhập truyền thống Hy lạp với truyền thống Do Thái-Kitô giáo về Thiên Chúa, thế nhưng rốt cuộc, người ta vẫn cảm thấy câu nói của Tertullianô là hợp lý nhất:

Credo quia absurdum!

Thiên Chúa của Giao Ước, của nhập thể-cứu độ là một Thiên Chúa gần gũi đến mức phi lý, gần gũi ngay cả theo nghĩa thể lý!

Và Lời đã thành xác phàm (Ga 1, 14)

Nếu quan niệm về sáng tạo xuất phát từ sự chiêm nghiệm về mầu nhiệm nhập thể-cứu độ, thì tại sao lại chỉ hình dung Thiên Chúa theo mẫu "Tác giả-tác phẩm" (artistic model), với mối liên hệ bên ngoài hơn là bên trong. Trong khi mối liên hệ sự sống là mối liên hệ thâm sâu nhất, thâm nội nhất. Ðàng khác, nghệ sĩ thường chỉ trân trọng tác phẩm khi nó đẹp, nó có giá trị. Mối liên hệ sinh thành thì rất khác, xấu hay tốt cũng là con từ lòng dạ mình. Thậm chí càng xấu, càng khốn khổ, lại càng thương!

Vậy trong chân trời người Mẹ, sáng tạo "Ex nihilo" có nghĩa như thế nào?

"Ex nihilo - từ hư vô" có nghĩa trong một lập luận chứ không hề có giá trị diễn tả. "Từ hư vô" không nói lên điều gì cả, bởi lẽ hư vô không là dạ mẹ, không là mảnh đất cưu mang, không là gì cả.

Vậy Thiên Chúa sáng tạo "từ đâu" nếu không phải là từ chính nơi Ngài.

"Chỉ có một Thiên Chúa là Cha
do tự nơi Người mà có mọi sự
và vì Người mà ta được có"
(1Cr 8, 6)

Thiên Chúa như là mảnh đất mà từ đó ta được cưu mang, sinh thành (Ground of being) là Quê Hương, là Cõi đi về:

"Vì chưng trong Người, ta sống, ta cử động, ta có" (Cv 17, 28)

Thụ tạo không "là' Thiên Chúa
Nhưng cũng chính là hiện -hữu (Ek - Sistence)
Của những gì xuất phát từ Thiên Chúa (Offspring).

Chúng ta ý thừc nguy cơ của hình ảnh người mẹ cưu mang, sinh hạ. Nguy cơ đó là sự lẫn lộn, đồng hóa của thuyết Phiếm thần (Panthéisme) hay của Lưu xuất thuyết (Emanatisme). Nhưng có lẽ không nên vì thế mà làm lu mờ đi khía cạnh thân cận, gần gũi, yêu thương của mầu nhiệm sáng tạo. Bởi lẽ nếu sáng tạo, nếu tất cả tạo thành này không xuất từ lòng của Thiên Chúa, như quà tặng sự sống (don de la vie) của chính Thiên Chúa, thì liệu có còn gì là ý nghĩa hay không? Hay cuối cùng cũng chỉ là hư không (nihilisme)? Ðó là chưa nói đến việc hình dung sáng tạo theo mẫu "nghệ nhân" (nhào nặn, nắn đúc) cũng đưa đến những nguy cơ tai hại không kém: con người chỉ còn là "dụng cụ" trong tay Thiên Chúa, thiên nhiên là "dụng cụ" trong tay con người, người này là dụng cụ của người khác.

Thế giới dụng cụ là thế giới chết! Bởi thế giới đó không có tương giao, phá vỡ mọi tương giao.

Thiên Chúa Ba Ngôi tự tại, toàn mãn có mối liên hệ "sự sống" (vital) thực sự với tất cả tạo thành hay không? Câu hỏi này dường như có nét tương tự với câu hỏi: Con người - homo faber, homo sapiens - có mối liên hệ sống còn (vital, fatal) nào đó với thiên nhiên (nature) hay không? Dĩ nhiên, tương tự ở đây theo nghĩa loại suy, giống nhưng đồng thời rất khác, bởi lẽ con người không tạo ra thiên nhiên, trong khi Thiên Chúa lại là Ðấng Sinh Thành ra tất cả.

III. LUÂN LÝ TỪ HÌNH DUNG THIÊN CHÚA NHƯ LÀ MẸ

Công chính (Justice)
Tất cả chúng ta đều thuộc lòng hai giới răn căn bản:
"Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn ngươi. Và thứ đến là: ngươi hãy yêu mến đồng loại ngươi như chính mình" (Mc 12, 28-31)

Ðặt trong chân trời người cha theo nghĩa gia trưởng (paternalisme) hay của vị vua, ông chủ (monarchisme) thì công chính liên hệ đến trật tự, đo lường công tội. Nếu không tái lập được trật tự thì phải gánh tội, hoặc ai đó phải đền tội. Con người được công chính hóa khi trật tự được tái lập.

Ðặt trong chân trời người cha, người mẹ sinh thành (parental) thì quan tâm chính yếu là cứu lấy, bảo vệ sự sống bằng mọi gía và đem tới chỗ thành toàn, hơn là nghĩ đến danh dự, phẩm giá của mình. Nếu có tái lập quân bình thì đó là quân bình sự sống. Nếu có thiết lập cống lý thì không phải như một quan tòa mà như là người gìn giữ trông nom.

Cha mẹ trông nom, chăm sóc con cái: như chính mình" không theo nghĩa vị tha (egocentrisme) nhưng theo nghĩa hoàn toàn vị tha (agape).

Vì thế, "như chính mình" theo mẫu Thiên Chúa như là Mẹ, không phải lấy cái "tôi nhân loại" (anthropocentrisme) làm trung tâm, làm thước đo, nhưng là đặt mình vào mối tương liên sự sống, mối liên hệ tình yêu, để chăm nom (caretakers) theo bản năng làm cha mẹ (universal parenthood) đối với mọi loài.

Ðến đây, tưởng cũng nên đọc lại Tin Mừng Luca 10, 29:
"Người ấy như muốn biện minh cho chính mình thì nói cùng Ðức Giêsu: Nhưng ai là đồng loại của tôi?"

Và chúng ta biết câu trả lời của Ðức Giêsu, không phân biệt ai là anh em, ai không là anh em, mà chỉ hỏi khéo người luật sĩ:

"Vậy theo ý ông, thì ai trong ba người ấy đã nên đồng loại của người sa vào ổ cướp?" (Lc 10, 36).

Ðiều cốt yếu không phải là ngồi đó mà phân chia hay xác định, nhưng là "trở nên đồng loại". Phải chăng vấn đề cũng tương tự như thế trong mối tương quan giữa con người với thế giới chung quanh, với môi trường sống và mọi hình thái, cấp độ của sự sống?

Tội lỗi đối với người khác thì dễ nhìn thấy, dễ nhìn nhận, nhưng xúc phạm, thậm chí hủy diệt đến mức tàn bạo đối với sinh vật, thú vật, đối với môi trường sinh thái thì có gọi được là tội lỗi không?

Vấn đề tưởng không còn quá xa vời, bởi lẽ nhân loại hôm nay đã bừng tỉnh - dẫu có hơi muộn màng - trước mối liên hệ sống còn giữa con người với thiên nhiên, giữa thiên nhiên với lịch sử. Ðe dọa đến sự sống là đe dọa loch sử, hủy diệt thiên nhiên cũng là hủy diệt lịch sử. Vì thế con người lại phải tập trung sống, tập thứ nói ngỗ ngữ của cộng đồng, của hành tinh, của vũ trụ vĩ mô, của môi trường sinh thái.

Nói đến luân lý, đạo đức là nói đến thái độ sống, cung cách cư xử. Vậy trong chân trời "Thiên Chúa như là Mẹ" có lẽ con người phải "hoán cải" ngay cả về cách cư xử, về thái độ sống đối với thế giới vật chất này. Cần phải "trở nên đồng loại", trở nên người cha, người mẹ, người chăm nom săn sóc cho tất cả mọi hình thái của sự sống và như người anh em để đồng hành (companionship) thay vì tìm cách khẳng định vai trò làm chủ để tận dụng và tận diệt.

Hình dung Thiên Chúa như là người Mẹ dù sao cũng chỉ là một trong nhiều cách hình dung về Thiên Chúa là Cha, Ðấng giàu lòng thương xót.

Hình ảnh đó không nhằm đưa tới một khẳng định hay một quan niệm nào khác về Thiên Chúa.

Thiên Chúa vẫn luôn siêu vượt trên mọi quan niệm mọi hình dung của con người. Ngài vẫn là Ðấng Hoàn-Toàn-Khác (Le Tout-Autre).

Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn được mời gọi đi đến với Ngài trên chính con đường mà Ngài đã đến với chúng ta. Ngài đã đến với chúng ta trong Người Con Một như là vị Thiên Chúa chạnh thương, tín nghĩa, huệ ái, bao dung (Xh 34, 6; Lc 15). Thiết tưởng có hình ảnh nào gần gũi hơn là hình ảnh người Mẹ?

Hình ảnh đó tuy có những điểm mơ hồ, những khiếm khuyết cần bổ túc, nhưng ít nhất nó cũng giúp chúng ta có được một cái nhìn tích cực hơn, một thái độ sống gần gũi, thâm thiết hơn đối với Thiên Chúa là Cha và với trần gian rất đáng yêu này.

(Gợi hứng từ chủ đề : God as Mother trong tác phẩm Models of God của Sally Mc Fague, SCM Press Ltd. 1987)


Trở về Mục Lục Thần Học
Trở Về Trang Nhà