Thập Giá Trong Thần Học Cổ Điển

Lm Giuse Phan Tấn Thành, OP (daminhvn.net)

Kính thưa quý vị và các bạn,

Sau khi rảo qua những suy tư về Thập giá trong Kinh thánh, hôm nay chúng ta sẽ bàn tới những suy tư của các giáo phụ và các nhà thần học.

Kinh thánh gắn liền Thập giá với ơn cứu rỗi của nhân loại. Chúng ta đọc thấy những lời tuyên xưng đức tin về ý nghĩa của cái chết của đức Kitô: tuy không mắc tội tình gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá; thế nhưng, đó không phải là cái chết oan uổng, bởi vì theo 1 Cor 15,3: Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo như lời Sách thánh. Công thức còn được thánh Phaolô lặp lại ở nhiều nơi khác nữa, thí dụ như: 1Tx 5,9; 2Cr 5,14-21; Rm 4,25. Những lời tuyên bố khi thiết lập bí tích Thánh Thể cũng cho thấy rằng máu của đức Kitô được đổ ra “để mang lại ơn tha thứ tội lỗi cho muôn người” (Mt 26,28; xc. Mc 14,24; Lc 22,20). Ngoài ơn tha thứ tội lỗi, thánh Phaolô cũng còn nêu bật rất nhiều hồng ân khác như hiệu quả của Thập giá, thí dụ như: ơn trở thành công chính, ơn cứu chuộc, sự bình an hòa giải (Rom 3,24; Col 1,20)

Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của cái chết của đức Giêsu đối với chúng ta: tại sao Tân ước lại quả quyết đức Kitô chết vì chúng ta? làm thế nào mà cái chết của đức Kitô trên Thập giá có sức mang lại ơn cứu độ cho chúng ta? Đây là vấn đề mà trong quá khứ quen được bàn trong thiên về công hiệu cứu chuộc của Thập giá, nhưng gần đây đã bị xét lại vì muốn tìm lối giải thích hợp với tư tưởng Kinh thánh hơn.

Để trả lời cho câu hỏi về mối liên hệ giữa cái chết của đức Giêsu trên Thập giá với ơn cứu chuộc ban cho nhân loại, các giáo phụ và nhà thần học đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau, tóm được vào 3 khuynh hướng chính: mẫu gương; giá chuộc; hy lễ.

1/ Dựa trên đoạn văn Phúc âm theo thánh Gioan 19,37 (Họ sẽ nhìn thấy kẻ họ đâm thâu), các giáo phụ tiên khởi cho rằng thập giá là mặc khải của Thiên Chúa, giống như ánh sáng chiếu tỏa ra giữa đêm tối. Vài giáo phụ khác, khi chú giải đoạn văn 1Pr 2,21 (đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một mẫu gương cho anh em dõi bước theo Ngài), đã nêu bật giá trị của Thập giá ở chỗ nó là bài học, tấm gương và chứng tá. Dù sao chúng ta cũng đừng nên quên rằng từ thánh Irênêo, các giáo phụ đã coi sự cứu độ được ban cho nhân loại không phải chỉ nguyên từ Thập giá nhưng mà ngay từ lúc đức Kitô nhập thể, khi Thiên Chúa kết hợp với nhân tính để chữa trị và thánh hóa nó. Nói khác đi, toàn thể cuộc đời đức Kitô (từ khi nhập thể, giáng trần, trong thời ẩn dật tại Nadaret lẫn những lời nói việc làm trong khi hoạt động công khai) đều trở nên mầu nhiệm cứu độ.

2/ Một số giáo phụ giải thích ơn cứu độ do Thập giá mang lại theo chiều hướng chuộc lại, nghĩa là giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi. Thập giá là nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa đức Giêsu với các lực lượng của sự dữ và sự chết. Trước đây, trong vườn địa đàng, vì một cây mà con người bị làm nô lệ cho ma quỷ; giờ đây, nhờ cây Thập giá, Thiên Chúa qua đức Giêsu đã đến trợ giúp con người trong cuộc giao tranh và và chiến thắng. Thực ra tư tưởng “chuộc lại” đã gặp thấy trong Tân ước, thí dụ như thánh Phaolô ví Thiên Chúa như một ân nhân đã bỏ một số tiền ra để chuộc một nô lệ. Tân ước dùng hình ảnh đó để mô tả việc con người được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của lề luật cũ, của cái chết và tội lỗi nhờ cái chết của đức Giêsu (Gal 3,13; 4,4; 2 Cor 5,21; Col 2,14; một cách tương tự như vậy: Tt 2,14; 1 Pr 1,18).

Tuy nhiên đó chỉ là một hình ảnh loại suy, khi mà sự dữ và cái chết được nhân cách hóa như những ông chủ đang xiềng xích con người. Tư tưởng chính mà Phaolô muốn nói là: con người được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết và được trở về sống trong ơn nghĩa Chúa. Phaolô không có đề cập tới cái giá phải trả để chuộc lại. Thế nhưng về sau, các giáo phụ và các nhà thần học lại giải thích theo từ ngữ pháp lý: vì tội lỗi mà con người phải làm nô lệ của ma quỷ; cho nên đức Kitô phải nộp mình chết thay cho con người để chuộc nó lại. Cái chết của đức Kitô trở nên giá chuộc tội. Chúng ta thấy rằng tuy cùng dùng một từ ngữ “chuộc lại”, nhưng ý nghĩa của nó nơi thần học kinh viện không hoàn toàn trung thực với ý nghĩa của Tân ước nữa.

3/ Một chiều hướng khác thì dựa vào tư tưởng hy lễ (hiến tế) đã được Kinh thánh nói tới, nhất là “hy lễ xá tội” ở trong thư gửi Hi bá chương 9 và 10. Hy lễ được giải thích như là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người qua Con của mình để nhờ đó con người có thể hiến dâng cho Thiên Chúa hy lễ thiêng liêng. Việc con người hiến dâng mạng sống mình cho tha nhân thì cũng giống như việc đức Giêsu đã hiến mình làm hy lễ vâng phục và yêu mến lên Chúa Cha vậy (Ep 5,2). Mặt khác, tác giả của thư gửi Hi bá cũng nhấn mạnh rằng hy lễ của đức Kitô hoàn toàn khác với các hy lễ trước đó, bởi vì giá trị của nó không phải là máu me sát tế đổ ra, nhưng là tinh thần vâng phục (Dt 5,8; 10,1). Các giáo phụ cũng không ngừng lặp đi lặp lại rằng Thiên Chúa không có cần tới hy lễ; nếu Chúa muốn hy lễ thì chỉ là vì loài người mà thôi. Đó là đạo lý của các giáo phụ được thánh Augustinô diễn tả trong De Civitate Dei X,5-20.

Tiếc rằng kể từ thánh Anselmô, hy lễ xá tội được giải thích hoàn toàn theo phạm trù triết học và pháp lý, hơn là dựa trên đạo lý của toàn bộ Kinh thánh. Theo lập luận này, Thiên Chúa nhân hậu muốn tha tội cho con người, nhưng đồng thời  cũng cần phải tôn trọng sự công bằng nữa. Tội lỗi đã gây ra sự xáo trộn trật tự, làm xúc phạm đến Thiên Chúa công thẳng vô cùng; vì thế mà cần phải có Con Thiên Chúa mới có khả năng dâng lên hy lễ của chính mạng sống mình (có giá trị vô cùng) thì mới có thể khôi phục lại trật tự. Từ đó Thập giá được giải thích theo chiều hướng là hy lễ sát tế đền bồi phép công thẳng của Chúa (đức

Kitô đền tội thay cho chúng ta, hứng lấy tất cả những hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu: substitutio, expiatio); còn chiều kích tình yêu trao hiến, vâng phục không được nêu bật.

Có lẽ khuyết điểm lớn của thần học trong quá khứ là khi sử dụng các từ ngữ của Kinh thánh họ đã giải thích các từ ngữ ấy theo triết lý hay pháp luật mà bỏ qua toàn thể bối cảnh của mặc khải. Thực vậy, khi Kinh thánh nói tới sự “công bằng” của Thiên Chúa, thì chúng ta đừng nên hiểu theo nghĩa như ông chủ nợ khắc nghiệt, hạch sách cho tới đồng xu cuối cùng. Ngay từ Cựu ước, sự “công bằng” của Thiên Chúa ám chỉ việc Ngài giữ lời hứa, lòng trung tín đối với giao ước. Tuy rằng Israel có thất trung, nhưng Thiên Chúa không rút lời. Tư tưởng đó được nối dài qua Tân ước, nơi mà Thiên Chúa bày tỏ sự công bằng qua việc duy trì lời hứa: chính Ngài không ngừng yêu thương nhân loại cho dù tội lỗi của loài người gây ra bao nhiêu rối loạn. Ngài đứng ra khởi xướng cuộc giao hòa với nhân loại nhờ đức Kitô. Như thế chúng ta đừng hiểu sự “công bằng” của Thiên Chúa như là “công thẳng”, nhưng phải nói là sự “trung tín” thì mới đúng. Một cách tương tự như vậy, các từ ngữ đọc thấy trong KT như là “công trạng”, “chuộc lại”, “hy lễ”, “làm nguôi lòng” cần phải hiểu theo nghĩa loại suy (như thánh Tôma Aquinô đã nhắc nhở nhiều lần: ST III, q.47,3; q.48, 1-5), và nhất là cần được đi kèm theo với những từ ngữ khác biểu lộ ơn cứu độ: “trao ban, hòa giải, bình an, ban sự sống, vv.

Tóm lại, để trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: “tại sao ơn cứu độ thế gian được thông ban qua cái chết của đức Giêsu?”, chúng ta cần phải dựa theo lời giảng đầu tiên của thánh Phêrô để nói rằng: “tại vì tội lỗi và vũ lực của con người đã khai trừ đức Giêsu, người công chính tuyệt đối”. Cái chết của đức Giêsu là do con người đã gây ra; còn sự sống thì xuất phát từ Thiên Chúa khi cho đức Kitô sống lại (xc. Cv 2,23-24). Thiên Chúa luôn luôn trung tín với lời hứa ban ơn cứu độ, bất chấp sự phá hoại của con người. Nói khác đi, xem ra trước đây, thần học nhìn từ đất lên trời, chú ý tới giá trị công nghiệp đền tội của đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa; còn ngày nay, người ta muốn nhìn từ trời xuống đất, để ý tới tình thương của Chúa Cha tỏ ra cho nhân loại khi ban chính Con của mình cho nhân loại. Một cách tương tự như thế, Thập giá được nhìn như biểu hiệu tình yêu của đức Kitô trao ban mình cho các bằng hữu. Dù sao, thiết tưởng cả hai chiều hướng đi lên hoặc đi xuống (hoặc nói theo kiểu của thánh Tôma: đi ra đi về , exitus - reditus, con người từ Chúa đi ra và lại trở về với Chúa) cũng cần được bổ túc cho nhau. Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này trong bài tới khi bàn về ý nghĩa của sự đau khổ.

Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của trí óc chúng ta khi đứng trước Thập giá: mãi mãi Thập giá vẫn là một mầu nhiệm, đồng thời cũng là một sự điên rồ phi lý theo kiểu tính toán của con người.


Trở về Mục Lục Thần Học