MẦU NHIỆM BA NGÔI LÀ NIỀM VUI ÐỜI NGƯỜI TÍN HỮU


"Khi tôi bị cám dỗ để mình rơi vào buồn phiền thì tôi ngồi trong tu phòng và nghĩ đến sự vui mừng của Thiên Chúa ngự trong tôi". Ðó là lời tâm sự của một nữ tu đời đã xế bóng. Tại sao vậy? Vì người tín hữu tin ở mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa thì có sự vui mừng nhận biết mình sống đắm chìm trong một tình yêu vô tận. Nhưng để có sự vui mừng ấy, thì ta phải hiểu biết sơ qua mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là gì.

I. Sự vui mừng của ngôi Cha

"Con là Con chí ái của Ta mà Ta lấy làm hoàn toàn hài lòng" (Mc 1,12). Tất cả sự vui mừng, tất cả đời sống của ngôi Cha ở tại việc sinh ra ngôi Con, nhìn ngắm ngôi Con và được ngôi Con yêu dấu. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu sự thật này.

1. Sinh ngôi Con.

Khi ta thấy đôi cha mẹ ước ao có con, đem lại tình yêu và hạnh phúc cho con cái mình, thì ta chẳng lấy gì làm lạ, vì đó là lẽ thường. Nhưng có lẽ ta không biết rằng họ có trạng thái tâm hồn trên, vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, ngôi Cha "từ Người mọi hình thức sinh thành đều bắt nguồn ở đó" (Ep 3,15).

Nhưng cha mẹ thế gian phải là con cái trước khi là cha mẹ, chỉ có Thiên Chúa Cha mới chỉ là cha mà thôi. Ông Tertulliên viết: "Chẳng có ai là cha bằng Người". Người không phải nhờ vào một vật khác để có, Người không lệ thuộc vào ai để hiện hữu, Người là khởi điểm tuyệt đối. Từ muôn thuở, ngôi Cha vẫn là Cha và chỉ là Cha.

Nhưng ngôi Cha là gì và có gì đã ban tất cả cho một ngôi khác là Con một của Người mà không mất đi nơi Người cái gì. Ðó là sự vui mừng và sự sống của Người. Ðó cũng là mầu nhiệm khôn tả của Ðấng đầy quảng đại và quyền năng. Sự quảng đại của ngôi Cha không phải do một quyết định vất vả, khó khăn, Người không là thế khác được vì bản tính Người là như vậy. Khi Ðức Kitô tuyên bố: "Cho thì có nhiều vui mừng hơn nhận" (Act 20,15) thì Chúa đã gián tiếp xác định về lòng quảng đại của ngôi Cha.

2. Nhìn ngắm ngôi Con.

Sự vui mừng của ngôi Cha còn ở tại được nhìn ngắm "Con tình yêu" mà mình sinh ra như phản ảnh sự huy hoàng của chính mình. Ngôi Cha không nhìn ngắm chính bản thân mình, nhưng Người nhìn ngắm mình là gì trong ngôi Con. Ngôi Cha biết mình và yêu mến mình trong ngôi Con. Người mến phục sự đẹp đẽ khôn lường của ngôi Con là chính sự lóe sáng ra của sự trẻ trung muôn thuở của Người. "Phải, Con là Con chí ái của Ta, Ta đặt tất cả sự vui thỏa của Ta trong Con" (Mt 17,5).

Sự vui thỏa có nguồn ở Thiên Chúa Ba Ngôi này giúp ta hiểu rằng loài người sẽ không tìm thấy vui thỏa nếu ở cô đơn. Họ được dựng nên theo hình ảnh một Thiên Chúa hiệp thông giữa nhiều bản vị, họ không có thể sống đầy đủ nếu không sống với và vì người khác. Những người chọn bậc độc thân hay góa bụa cũng chỉ triển nở khi ở bên mình luôn có một hiện diện của tha thể?

3. Ðược ngôi Con yêu mến.

Sau hết, ngôi Cha còn vui mừng vì thấy ngôi Con hướng về mình tất cả sự nhìn nhận mình là Con. Sự qui hướng đầy tình yêu này là chính Chúa Thánh Thần như ta sẽ thấy ở sau. Sự cảm tạ đời đời của ngôi Con làm cho lòng ngôi Cha vui sướng. Người không như các người cha trần gian đôi khi bị con cái mình vô ơn. Người thật là Thiên Chúa đầy vui thỏa mà ta phải loan truyền và hưởng sự hiện diện bên ta (1Tm 1,11).

II. Sự vui mừng của ngôi Con.

"Lạy Cha, Con chúc tụng Cha" (Mt 11,25).Vì ta được mời gọi vào Giáo Hội để trở nên con trong ngôi Con, nên ta phải biết để mà thông hiệp với ngôi Con trong sự vui mừng của Người.

1. Vui mừng vì được đón nhận ân huệ của ngôi Cha.

Trước hết, ngôi Con vui mừng vì đã luôn nhận được chính mình từ ngôi Cha. "Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật". Vì nhận được mọi sự bởi ngôi Cha, nên ngôi Con sống trong một thái độ phục tùng căn bản đối với ngôi Cha. Ngài luôn giơ đôi tay rộng mở lên ngôi Cha, nhưng đôi tay ấy luôn được ân huệ tràn đầy. Khi Ðức Giêsu công bố trong Phúc Âm:

"Phúc cho kẻ nghèo khó!" thì Người nói theo kinh nghiệm bản thân. Vì là Con, Người hoàn toàn lệ thuộc ở hiện hữu vào ngôi Cha, Người thật là kẻ nghèo khó. Nhưng sự nghèo khó ấy không kèm theo mặc cảm tự ti vì Người cũng là Thiên Chúa như ngôi Cha. "Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật", tuy nhận được tất cả bởi ngôi Cha, Người không thua kém ngôi Cha. Do đó, sự lệ thuộc vĩnh viễn không làm cho Người khó chịu, mà còn làm cho Người vui mừng nữa, vì Người biết rằng: Khi ngôi Cha ban cho Người tất cả là lúc ngôi Cha yêu thương và vui mừng không bờ bến.

Mặt khác, ngôi Cha chỉ hiện hữu như Cha vì sinh ra Con. Có Cha thì mới có Con, nhưng cũng phải có Con thì mới có Cha. Không có thể là cha nếu không có con. Giữa ngôi Cha và ngôi Con, có một sự tùy thuộc liên chủ thể cần cho cả hai bên.

Sau hết, hữu thể mà ngôi Con nhận được khác với hữu thể của ta. Ta chỉ là một hiện hữu thụ tạo, có giới hạn và luôn biến đổi, còn người có hữu thể của Thiên Chúa vô biên và không biến đổi. Hữu thể của ngôi Con cũng vẫn là hữu thể của ngôi Cha, cả hai cùng có một trí tuệ, một ý muốn và một hoạt động.

2. Ngôi Con cảm tạ.

Vì nhận được mọi sự bởi ngôi Cha, ngôi Con hằng hướng về Người với một tâm tình cảm tạ mà ta có thể diễn tả trong lời cầu nguyện sau đây: "Lạy Cha, Cha là nguồn mạch đời sống và sự vui mừng của Con, Con cảm tạ Cha về sự tốt lành của Cha!".
Nhìn vào ngôi Cha với tình yêu của Người, ngôi Con nhận biết mình và yêu mến mình. Như sự vui mừng của ngôi Cha, sự vui mừng của ngôi Con có tính thoát thân, đôi tay Người mở ra trước ngôi Cha để nhận lãnh tất cả cũng là đôi tay đưa ra để dâng lại tất cả cho ngôi Cha. Ngôi Con không có thể nhìn về mình vì người luôn hướng về ngôi Cha và thưa với Người: "Lạy Cha! Con là Con Cha".

Và khi ngôi Con đến trong thế gian, nguyện vọng của Người là biến loài người nên những người thờ phượng ngôi Cha (Ga 4,24). Người muốn cho bài ca tạ ơn Người không ngừng hát lên ngôi Cha cũng là bài ca làm rạng rỡ con tim loài người đã nên hình ảnh ngôi Con.

III. Sự vui mừng của Chúa Thánh Thần.

"Chớ gì tình yêu mà Cha đã yêu Con có trong chúng" (Ga 17,26). Trong mầu nhiệm Ba Ngôi, ta biết chắc rằng ngôi Cha là nguồn mạch duy nhất của cả Hữu thể của Ba Ngôi. Nhưng ta cũng biết chắc rằng ngôi Cha ban cho ngôi Con tất cả những điều mình có, kể cả khả năng yêu mến và khả năng là nguồn tình yêu. Mặt khác, ta cũng biết rằng: ngôi Con không nhận tình yêu của ngôi Cha như một kho báu vật chất, nhưng một nhiệt tình của tình yêu Thiên Chúa. Vì nhận được nhiệt tình này, ngôi Con nhận được khả năng hiến thân cho ngôi Cha với nhiệt tình mà chính ngôi Cha đã có khi ban mình cho ngôi Con. Nhiệt tình trong tình yêu chung cho ngôi Cha và ngôi Con này là Chúa Thánh Thần. Cha Durwell nói về Chúa Thánh Thần như sau: "Người là một bản vị trong cả hai (Cha và Con) theo bản tính là tình yêu của Người, tình yêu cho đi và tình yêu đón nhận. Trong ngôi Cha, trước hết Người là tình yêu cho đi, sinh ra, rồi đến tình yêu đón nhận ngôi Con. Trong ngôi Con, trước hết Người là tình yêu đón nhận ân huệ, tình yêu đón nhận sự sinh thành, rồi đến tình yêu tự dâng hiến cho ngôi Cha" (F.X. Durwell: l'Esprit Saint de Dieu, Cerf. 1953, p. 12).

Các Giáo phụ đã dùng nhiều so sánh để nhắc đến thực tại sống động của Chúa Thánh Thần trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Người là nhiệt tình của tình yêu nơi ngôi Cha cho ngôi Con, và cũng là nhiệt tình của tình yêu nơi ngôi Con cho ngôi Cha. Người là nồng nhiệt của cái hôn trao đổi giữa ngôi Cha và ngôi Con, sự vui mừng của ánh mắt nụ cười đầy ân tình mà hai ngôi hướng về nhau.

Nhưng ta không được áp dụng vào đời sống nội tâm của Thiên Chúa các phạm trù tự nhiên về nguyên nhân và hiệu quả. Chúa Thánh Thần không phải là hiệu quả của hoạt động trước đó của ngôi Cha và ngôi Con. Người chính là tình yêu nhờ đó ngôi Cha không ngớt sinh ngôi Con và ngôi Con không ngớt tự đón nhận mình bởi ngôi Cha và vươn đến Người. Chúa Thánh Thần không phải là sự thán phục lẫn nhau giữa ngôi Cha và ngôi Con theo sau việc sinh thành, Người là chính tình yêu chủ trị trong việc sinh thành này. Không có ngôi Cha và ngôi Con nếu thiếu tình yêu này.

Ngôi Cha là khởi thuỷ, nhưng ở khởi thuỷ, đã có tình yêu trong Ba Ngôi, nghĩa là Chúa Thánh Thần. Vì thế mà thánh Maximô đã viết: "Thiên Chúa ngôi Cha, vì điều động bởi một tình yêu vĩnh cửu đã nhiệm xuất sự phân biệt các ngôi vị" (P.G. 4,221).

Như vai trò sau này của Người trong Giáo Hội, vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa vừa là sức mạnh bành trướng vừa là sức mạnh hợp nhất. Trong Chúa Thánh Thần, ngôi Cha sinh ra một chính mình khác, nhưng Chúa Thánh Thần cũng là Ðấng qui tụ lại làm một ngôi Cha và ngôi Con. Căn bản của mầu nhiệm Ba Ngôi là có nhiều mà vẫn là một. Tương quan giữa Cha, Con và Thánh Thần có tính hỗ tương: mỗi ngôi vị đều là một thông ban và một tiếp nhận, không có ngôi vị nào đủ cho chính mình, và có thể trốn vào cô đơn được. Mỗi ngôi nhận được sự vui mừng và sự hoàn hảo trong hai ngôi khác, vì cả Ba Ngôi có chung tất cả những gì làm nên sự hoàn hảo, sự quảng đại, tình yêu đối với một bản tính chung, nhưng cũng có sự dị biệt sâu xa giữa ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần. Sự dị biệt này cần để có một thông hiệp thật sự.

Khi ta biết rằng loài người là "hình ảnh" Thiên Chúa, ta sẽ không còn bỡ ngỡ khi thấy trong lòng con người mơ ước mà mọi thất bại không làm thất vọng, muốn thể hiện những cộng đồng trong đó có sự duy nhất mà vẫn bảo vệ được bản vị của mỗi ngôi vị.

Linh Mục Giuse Thân Văn Tường


Trở về Mục Lục Thần Học
Trở Về Trang Nhà