TIN VÀO CHÚA THÁNH THẦN


Lm. Phaolô Phạm Công Phương

Con người tắt thở khi trái tim ngừng đập nhưng không ai lại phải thức dậy ban đêm để ý thức mình đang thở và ước mong trái tim mình cứ mãi luôn lúc lắc để bảo tồn sự sống. Cũng vậy, đời sống Kitô hữu chúng ta cũng không nhất thiết lúc nào cũng phải chăm chú tưởng nhớ đến Chúa Thánh Thần, Ðấng là hơi thở và nhịp đập tình yêu của chúng ta. Ðó là điều mà Ðức Cha Jacques Perrier (Fête et Saisons số 517, tháng 8-9 năm 1997, trang 31-35) nêu ra để khẳng định rằng dù Chúa Thánh Thần có bị lãng quên trong đời sống Kitô hữu thì Chúa Thánh thần vẫn hoạt động nơi họ mà không cần họ phải nghĩ tưởng đến Người.

Niềm tin vào Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi cái nhìn của chúng ta về chính Thiên Chúa và Hội Thánh, và như vậy cũng biến đổi cả cái nhìn của chúng ta về người khác và về chính mình.

I. TIẾP CẬN CHÚA CHA TRONG THÁNH THẦN

Nếu người bên cạnh chúng ta đây còn là một mầu nhiệm đối với ta thì chắc chắn Thiên Chúa là một mầu nhiệm còn bí ẩn hơn nữa. Thế nên "chỉ trong ánh sáng của Ngài chúng ta mới nhìn ra Ánh Sáng" (Tv 35, 10), chỉ trong Thánh Thần của Ngài chúng ta mới nhận ra Ngài.

Thiên Chúa tự hiến trong Chúa Thánh Thần để cứu độ con người; ÐGH Gioan Phaolô II trong thông điệp về Chúa Thánh Thần (Dominum et vivificantem) nhấn mạnh "Thiên Chúa tự hiến mình trong Chúa Thánh Thần để cứu độ chúng ta" (s.11). Ngay từ đầu công cuộc sáng tạo, Thần Khí Thiên Chúa đã bay lượn trên mặt nước cho thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong việc tạo thành, nghĩa là "Thiên Chúa bắt đầu ban chính mình Ngài cho những gì mà Ngài đã sáng tạo, ngõ hầu chúng ta được cứu độ". Sáng tạo đồng nghĩa với cứu độ bởi vì Thiên Chúa tạo dựng con người là để con người được hạnh phúc đời đời, mà con người là thụ tạo không thể tồn tại mãi mãi nên Thiên Chúa phải cứu độ thì con người mới được sống đời đời. Liên kết với khởi nguyên sáng tạo này chúng ta sẽ hiểu được việc ra đi của Ðức Giêsu như một điều kiện cho Ðấng Bảo Trợ đến khai mở một khởi nguyên mới của ân huệ Thiên Chúa, trong đó Thiên Chúa tự hiến mình để cứu độ trong mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Giêsu Kitô, nghĩa là lúc Thánh Thần được tuôn đổ cho loài người. Ðó là khởi nguyên mới bởi khởi nguyên cũ đã có tội chen chân vào, và ÐGH định nghĩa tội chính là "chống lại ân huệ của Thiên Chúa tự hiến mình cho con người để cứu độ con người" (s. 13) mà ân huệ Thiên Chúa đây chính là Chúa Thánh Thần (Lc 11, 13). Sở dĩ tội phạm đến Chúa Thánh Thần không được tha, nghĩa là không được cứu độ, vì họ từ chối ơn cứu độ được ban qua Ðức Kitô trong Thánh Thần.

Thánh Thần dẫn chúng ta vào trong tương quan của Thiên Chúa: Chính sự mạc khải về Chúa Thánh Thần làm cho tương quan Ba Ngôi trở nên phong phú nhưng cũng không phải dễ dàng thấu đáo. Cho dẫu suy nghĩ về mầu nhiệm Ba Ngôi là một vấn đề gai góc nhưng không vì thế mà bỏ qua vì đức tin là sự sống nên suy nghĩ tìm tòi của chúng ta về Thiên Chúa là một hành trình đi tìm lẽ sống cho chính mình.

Chúa Thánh Thần là Tình Yêu khai mở giữa Chúa Cha và Chúa Con (Chúa Cha là Người Yều (Amant), Chúa Con là Người được Yêu (Aimé) và Chúa Thánh Thần là Tình Yêu (Amour)), thì chính Tình Yêu ấy cũng làm cho các tương quan nhân loại của chúng ta sống động và kết trái. Thế nhưng tình yêu là trao ban khi nó được đón nhận, chứ gỗ đá không thể đón nhận tình yêu. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con nên Chúa Thánh Thần cũng la nụ hôn giữa Thiên Chúa và con người nếu chúng ta biết mở lòng ra với Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần làm cầu nối tình yêu thì chúng ta sẽ sống trong gia đình Thiên Chúa và cảm nhận được sự hiện diện thân mật của Người.

Làm thế nào để giữa muôn ngàn hỏa mù của cuộc sống nhộn nhịp, người thời nay có thể thấy được Ðấng Vô Hình? Con người thời nay cũng hoài nghi và đòi hỏi như Philip ngày xưa: "Xin tỏ cho chúng tôi thấy Chúa Cha!". Ðó là một thách đố đối với chúng ta hôm nay: Sống thế nào để qua con người của mình, anh chị em đồng loại cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Ðiều đó chỉ khả thể nếu đời sống chúng ta tỏa hương Thánh Thần.

II. TIẾP CẬN CHÚA CON TRONG THÁNH THẦN:

Thánh Thần mạc khải Chúa Kitô:

Chúa Thánh Thần chẳng hề có diện mạo, Người ở tận bên kia hình ảnh của Thiên Chúa tỏ hiện trong Ðức Kitô. Ðúng hơn, Người được lồng vào tận thâm cung Chúa Giêsu khiến Chúa Giêsu trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế mà Chúa Thánh Thần là Ðấng nối kết chúng ta với Ðức Kitô ở tận thâm sâu của mối tương quan. Không có Thánh Thần, Ðức Kitô chỉ là một kẻ đối diện có thể linh hoạt gần gũi nhưng lại ở bên ngoài, giống như chúng ta đứng trước mặt nhau vậy.

Kinh nghiệm của các môn đệ trong suốt thời gian sứ vụ của Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy điều đó. Các môn đệ nghe Người giảng, nhìn việc Người làm, thậm chí chia sẻ một chút quyền lực của Người mà họ vẫn là những kẻ ở bên ngoài, chẳng hiểu biết gì về Người. Thế nên phản ứng có tính anh hùng của Phêrô hay của Tôma (nào chúng ta đi Giêrusalem để chịu chết với Ngài) chỉ đưa đến thất bại thảm thương. Lý do đã được Ðức Giêsu giải thích vì chưa có Thánh Thần nên họ chưa thể chia sẻ mầu nhiệm khổ nạn của Người (Ga 739).

Còn chúng ta, chúng ta không phải là những người đương thời với Ðức Giêsu lại càng khó khăn hơn khi phải tiếp cận với Người nếu Thánh Thần không trợ giúp chúng ta. Sự Phục Sinh của Ðức Giêsu Kitô không đưa Người đến gần chúng ta theo cách thế gặp gỡ một con người thông thường. Ðó sẽ là một thách đố nếu chúng ta chủ trương gặp gỡ con người Ðức Giêsu bằng xương bằng thịt. Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ Chúa Giêsu bằng Thánh Thần của Người. Chính Chúa Thánh Thần giúp các Tông Ðồ nhớ lại, hiểu và cảm nhận được ý nghĩa lời nói cùng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời của các ông, thì chúng ta cũng phải nhờ Thánh Thần mới đón nhận được Chúa Giêsu.

Thực vậy, Chúa Thánh Thần tạo nên những kinh nghiệm thiêng liêng, nhờ đó các tông đồ hay mỗi người chúng ta nhận ra biết bao hồng ân mà Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta. Còn chính bản thân Chúa Thánh Thần, Ngài vẫn ẩn kín, không lộ dạng. Chúng ta có thể dùng kiểu sánh ví của Cha F. Durrwell khi so sánh Thần Khí với tiếng nói: Tiếng nói ôm lời nói, làm cho người ta nghe được lời, hiểu được ý nghĩa của lời nói, và khi đó tiếng nói cũng như lời nói không còn quan trọng bằng ý muốn của người nói. Chúa Cha nói với chúng ta qua Con của Người, thế nên Chúa Con là Lời của Chúa Cha, còn Chúa Thánh Thần là âm thanh mang tải Lời Thiên Chúa. Khi ta bảo rằng tiếng ai đó lanh lảnh như tiếng đồng hoặc êm mượt như nhung là ta nói về nó mà không diễn tả nó được, không nắm bắt được nó. Hoặc đơn giản hơn ta có thể bảo Thánh Thần là trang giấy có ghi chép lời: Người ta có thể đọc được mẫu tự viết trên đó, còn chính trang giấy thì không đọc được. Chúng ta vẫn thường nghe trong Kinh Thánh: "Thánh Thần nói qua các ngôn sứ, qua Chúa Giêsu". Thế nhưng Thánh Thần không phải là Lời nhưng chỉ chuyển đạt Lời.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu cũng đã nói trước với các môn đệ về Thánh Thần: "Ngài không tự mình mà nói. Ngài sẽ nhận những gì của Thầy mà thông đạt lại cho anh em". Những gì mà ngày xưa các ông không hiểu, không cảm nhận được thì sau Phục Sinh nhờ có Thánh Thần mách bảo, các ông mới đón nhận được và còn cảm nhận một cách sâu xa, hơn cả khi Ðức Giêsu còn ở với các ông. Trước Phục Sinh, các ông sống như người mất hồn, thiếu dưỡng khí, cứ co cụm và tàn lụi dần. Nhưng khi Chúa Phục Sinh, Người mang hơi thở, mang sức sống, niềm vui và hi vọng đến thì con người các ông được biến đổi hoàn toàn.

Thánh Thần nối kết chúng ta với Ðức Kitô:Cũng vậy, cuộc gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay với Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thần là một sự tiếp cận thật sâu xa và gần gũi. Thánh Thần nối kết tình cảm của chúng ta với Ðức Kitô làm cho tình yêu của chúng ta với Ðức Kitô trở nên mãnh liệt, và chính đam mê này sẽ khiến chúng ta bỏ rơi những quyến rũ của thế gian. Thánh Thần nối kết tư tưởng của chúng ta với Ðức Kitô, giúp chúng ta luôn nghĩ tới Ðức Kitô, và nhờ đó chúng ta ít bị chi phối bởi những tư tưởng đen tối hằng quấy rầy chúng ta.

Chúng ta vẫn thường hát: "Gặp gỡ Ðức Kitô, biến đổi cuộc đời mình". Nhưng biến đổi cuộc đời mình thành cái gì, thành con người nào? Chắc chắn là thành con người mới rồi, nhưng xét cho cùng, con người mới ấy không phải là tôi nhưng là chính Ðức Kitô. Gặp gỡ Ðức Kitô biến đổi cuộc đời mình thành cuộc đời Ðức Kitô. Nhưng điều ấy xảy ra thế nào được nếu không xảy ra trong Thánh Thần, nếu không phải được biến đổi trong Thánh Thần ?

Chính vì thế mà Thánh Phaolô đã kêu lên: "Nếu tôi sống, không còn là tôi sống nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2, 20). Sở dĩ Thánh Phaolô nói được như vậy là vì Phaolô là con người sống theo sự hiện diện của Ðức Kitô trong cuộc đời mình. Mình vẫn là mình nhưng không còn là của mình nữa. Mỗi ngày phải bớt là mình để Thánh Thần dễ tác động, để thuộc về Ðức Kitô nhiều hơn.

Các Thánh Tử Ðạo cũng đã cảm nghiệm được điều đó hơn ai hết trong cuộc tuẫn giáo của mình. Dường như có một ai đó đang hít thở trong con người của các ngài, đang nói tiếng nói của các ngài, đang rung cảm và thống khổ bằng nhịp đập của trái tim các ngài. Dường như có một sức mạnh thần thiêng làm cho các ngài không bao giờ mỏi mệt, không mất sức trên con đường thập giá. Bởi vì các ngài xác tín rằng cho dù Hội Thánh có bị bách hại nhưng Thánh Thần Chúa vẫn còn đang sống trong các Giáo Hội và gìn giữ Giáo Hội.

III. TIẾP CẬN HỘI THÁNH TRONG THÁNH THẦN:

Tác động sinh thành của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh:

Phúc Âm Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu hiện đến giữa các môn đệ, Ngài thổi hơi trên họ và nói: "Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần". Rõ ràng là thánh Gioan có một tư duy biểu tượng của Kinh Thánh về Chúa Thánh Thần rất sâu sắc. Hơi thở của Thiên Chúa đã xuất hiện ngay từ ngày thứ nhất, ngày khởi sự công cuộc tạo dựng, và dưới tác động Thần Khí đó vũ trụ đã có sự sống. Adam đã bừng tỉnh đi vào sự sống. Cũng một ngày đầu tuần như thế, Chúa Giêsu đã hà hơi trên các môn đệ và các ông đã bừng tỉnh nhờ sự sống mới này. Cử chỉ ấy cho thấy Hội Thánh được tạo dựng từ Thần Khí của Ðức Kitô Phục Sinh.

Còn đối với Thánh Luca, cuộc sinh thành của Hội Thánh được biểu lộ ra bên ngoài theo nhịp đi của lịch sử. Cũng như chúng ta chỉ có thể biết được Thiên Chúa khi Người can thiệp vào cuộc đời và lịch sử của ta, khi Người trở thành Ðấng Emmanuel, thì chúng ta cũng chỉ có thể biết được Chúa Thánh Thần qua những hoạt động của Người trong Hội Thánh. Vì thế không thể tách Chúa Thánh Thần ra khỏi Hội Thánh vì nếu không có Chúa Thánh Thần, Hội Thánh sẽ chỉ là một tổ chức như bao tổ chức khác, rồi cũng tan ra, và nếu không có Hội Thánh thì có lẽ Chúa Thánh Thần không có gì để tác sinh, giống như có không khí mà không có buồng phổi để hít thở. Không khí và sự sống gần như đi đôi với nhau, nơi nào có không khí là nơi đó có hi vọng, có sự sống. "Ðâu có Thanh Thần là nơi đó có Hội Thánh" và ngược lại "Ðâu có Hội Thánh là ở đó có Thánh Thần" (Giáo Phụ)

Tác động xây dựng của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh: Ðứng trước thiên niên kỷ thứ ba nay, có người lo ngại rằng tổ chức có tên là Hội Thánh để phân biệt với Hội Ðường Do Thái giáo đã có từ thế kỷ thứ nhất mà lịch sử không thể chối cãi ấy, liệu có còn đứng vững trước những biến động sau 2000 năm chuyển mình không?

Người Kitô hữu chúng ta có thể thẳng thắn trả lời như kiểu nói quen thuộc mà ÐGH Gioan Phaolô II hay dùng: "Anh em đừng sợ". Không có gì phải lo ngại vì Ðức Kitô đã hứa cho Hội Thánh rằng mọi quyền lực dưới đất này không thể làm tan rã Hội Thánh của Người (Mt 16, 18). Vì sao vậy?

Chắc chắn khi nói những lời đó, Chúa Kitô có ý muốn nói về tác động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Chào đời tại Giêrusalem, giữa dân Do Thái, từ hơi thở Thánh Thần, Hội Thánh cũng từ đó lớn lên, lớn dậy bằng cách sinh thành hoài dưới tác động của Thần Khí Ðức Kitô trong cả thế giới. Nơi nào Giáo Hội sinh nở, tất nhiên nơi đó phải có Thánh Thần hoạt động. Vì thế, Chúa Thánh Thần luôn luôn là Thần Khí khơi nguồn. Thử hỏi trong thế giới này có ai sinh ra mà không phải là kẻ ngoại, không cần Kitô hóa? Thế nên Hội Thánh cứ mãi được sinh thành, và ngay cả đối với những người đã được Kitô hóa, Hội Thánh vẫn cứ triển nở "nhằm trở nên nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thần Khí" (Ep 2,22)

Như vậy, một khi chúng ta xác tín được vai trò của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, chúng ta sẽ có được một cái nhìn lạc quan và tin tưởng về Hội Thánh mà chúng ta đang sống và phục vụ. Không có Chúa Thánh Thần, Hội Thánh hữu hình này chỉ là một khối bất động không sức sống. Còn nếu chúng ta tin vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần thì chúng ta sẽ yêu mến Hội Thánh, gắn bó và sẵn sàng phục vụ Hội Thánh, không ngừng tiếp xúc với Hội Thánh bằng cách đón nhận và sống các bí tích trong Hội Thánh.

IV. TIẾP CẬN THA NHÂN TRONG THÁNH THẦN:

Thần Khí chúa phủ đầy mặt đất: Con người thời nay, mặc dầu có tiền của tiện nghi dư thừa, vẫn còn âm ỉ một khát vọng tôn giáo rất lớn. Hạnh phúc vẫn còn là điều mơ ước chứ chưa phải là cái đã nắm trong tay. Họ đang tìm kiếm Thiên Chúa nhưng lộn địa chỉ, xem nhầm nhãn hiệu, giống như Augustinô thời trai tráng vậy.

Chúng ta phải xáx tín ơn cứu độ của Ðức Kitô dành cho hết mọi người không loại trừ ai bởi vì như sách Khôn Ngoan đã nói: "Thần Khí Chúa phủ đầy mặt đất" (1,7) và Ngài không ngừng biến đổi mặt trái đất này" (Tv 103, 30). Như vậy có thể gọi Chúa Thánh Thần là vị truyền giáo vĩ đại nhất khiến Phêrô và các tín hữu gốc Do Thái phải sửng sốt khi thấy Thánh Thần đổ xuống ào ạt trên dân ngoại. Phêrô còn đang ngập ngừng chưa quen "nhậu" chó mèo, rắn rết, mấy con vật mà luật Do Thái cho là dơ dáy, thì Thánh Thần đã lôi ông đi đến với Cornêliô Cv 10, 10-23). Quả thực, Vị Truyền Giáo này muốn thổi đâu tùy ý, không có gì ngăn cản nổi! Ai mở lòng ra để cho Ngài tự do chiếm hữu, người ấy sẽ là tông đồ với Ngài, đến nỗi mà các tông đồ dám nói cách mạnh mẽ và mật thiết rằng: "Thánh Thần và chúng tôi quyết định" (Cv 15, 28).

Thiết lập quan hệ với mọi người trong Thánh Thần

Bản chất của người Kitô hữu là truyền giáo nhưng chỉ có Chúa Thánh Thần mới làm cho người ta nên con cái Thiên Chúa. Từ lễ Ngũ Tuần đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang chiếm lĩnh thế giới này, mọi người đều ở dưới quyền của Người, tức là ở trong tình yêu của Thiên Chúa, thế nên mọi người đều có thể được cứu độ. Do đó, chúng ta chỉ là công cụ, là chứng tá của Chúa Thánh Thần về Ðức Kitô và Tin Mừng của Ngài. Vì chính Ngài mới là người hoạt động trong các tâm hồn, tác động của cả người nói lẫn người nghe mà biến đổi tất cả mọi người là con cái Thiên Chúa và là anh em với nhau chứ không phải chúng ta. Ngay cả khi mà nỗ lực truyền giáo xem ra thất bại, thì chúng ta cũng phải xác tín như công đồng Vaticanô II đã nói: "Con người không ngừng được khơi động bởi Thần Khí của Thiên Chúa" và Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô, theo cách thế mà chỉ mình Thiên Chúa biết" (VM và HV 41.22).

Trong nhãn quan hi vọng đó, chúng ta nhìn tất cả mọi người, kể cả những người không cùng một niềm tin hay chống đối chúng ta, trong tương quan của họ với Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới làm cho chúng ta hiểu rằng Nước Trời không chỉ là một thứ đời sau mà là bắt đầu từ chính thế giới này, một thế giới phải được biến đổi để trở thành thế giới mới. Dù rằng người ta vẫn sát phạt nhau nhưng tất cả vẫn đang được Chúa Thánh Thần đổi mới thành một thế giới của tình yêu thương. Xây dựng thế giới này trên tình yêu thương là xây dựng trên chính tên gọi của Chúa Thánh Thần: TÌNH YÊU giữa Chúa Cha và Chúa Con. Xây dựng gia đình trong tình yêu là sống trong gia đình Thiên Chúa, và xây dựng xã hội trong tình yêu là sống trong vương quốc của Thiên Chúa.

V. TIẾP CẬN CHÍNH MÌNH TRONG THÁNH THẦN

Trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Thánh Thần: Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa như lời Thánh Phaolô trong thư Rôma (8, 15): "Anh em đã lãnh được Thần Khí Con thảo và trong Ngài chúng ta kêu lên 'Abba, cha ơi!'".

Tước vị làm con Thiên Chúa ở đây không nên hiểu quá đơn thuần như được nhận làm con nuôi, bởi vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí tác tạo nên phải nói là Thánh Thần hay Hội Thánh sinh chúng ta ra làm con Thiên Chúa chứ không hẳn là giao kèo pháp lý. Chúa Giêsu trong cuộc nói chuyện với Nicôdêmô (Ga 3,5) khẳng định chúng ta được sinh ra từ "nước và Thần Khí",cũng như đứa trẻ lọt lòng mẹ từ nước trong bào thai. Kinh Thánh cũng còn khẳng định sự tái sinh chúng ta là do mầm giống thần linh bởi Thánh Thần cấy vào con người mầm giống của Thiên Chúa (1Ga 3, 9) và làm cho nó nảy nở thành sự sống thần linh: "Anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống đã mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi" (1P 1, 23).

Theo Cha L. Cerfaux, đây không phải chỉ là quyết định pháp lý của Thiên Chúa, nhưng chúng ta còn được tạo dựng, được sinh ra thành con theo Thánh Thần, bằng cách vinh hóa ta trong Ðức Kitô, Con Thiên Chúa. "Khi Thiên Chúa cho con người trở thành con, Ngài hành động không theo pháp định, mà theo thần tính, nghĩa là với tư cách Ðấng Tạo Thành" (F.X. Durwell). Như thế cuộc sinh hạ làm con trong Thánh Thần là một cái gì hoàn toàn mới mẻ mà Cựu Ước không hề biết tới, một mầu nhiệm xưa kia bị giầu kín nay mới tỏ lộ ra, không chỉ là mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô mà còn là mầu nhiệm Thánh Thần được hiến ban trong Ðức Kitô.

Sống sự tự do của con cái Thiên Chúa nhờ Thánh Thần: Không có Chúa Thánh Thần, làm sao chúng ta hiểu được "ách" của Ðức Kitô là êm ái, "gánh" của Người là nhẹ nhàng khi chúng ta dống theo những đòi hỏi gắt gao của Ðức Kitô?

Chỉ trong Thần Khí của Ðức Kitô, chúng ta mới cảm thấy có một cái gì đó nhẹ nhàng uyển chuyển, tự do và trung tín. Nhẹ nhàng và tự do vì Thần Khí không ở một nơi nào cả nhưng lại làm cho mọi sự được tràn đầy bởi vì Người có sức năng kỳ diệu hòa tan chính mình vào những gì là tốt lành, những gì là tình yêu.

Chúa Thánh Thần không tạo nên những anh hùng nhưng Thánh Thần kích thích những thái cử tự do và làm cho con người có khả năng táo bạo. Cứ nhìn vào chứng từ của các vị tử đạo, chúng ta sẽ thấy rõ điều mà Thánh Thần khai mở trong lòng họ. Thực vậy các vị tử đạo đâu muốn chủ trương làm những điều kỳ lạ ngược đời ấy, đâu muốn mình trở thành những tấm gương anh hùng lao mình vào chỗ chết. Các ngài chỉ mong rằng không có gì có thể ngăn cản ước muốn dâng hiến cho Chúa Kitô để không có gì có thể cắt đứt tình yêu của họ với Chúa, dù là gươm giáo, đòn vọt, tù đầy hay là chính cái chết đi nữa! Bởi vì Thánh Thần là Tình Yêu nên nhiệm vụ của Thánh Thần là không để cho Tình Yêu (chính mình) bị sứt mẻ.

Ðối với chúng ta, sức mạnh ấy là Thần Lực của Chúa Kitô Phục Sinh. Chỉ có cuồng phong bão táp mới xô đẩy con người, còn bình thường, gió không thổi mạnh đến nỗi chúng ta không cưỡng lại được. Cũng vậy, tác động của Thánh Thần kích thích tự do của chúng ta nhưng không ép buộc chúng ta. Nếu chúng ta để cho Thần Khí Chúa Kitô thổi, chúng ta sẽ thưởng nếm được sự ngọt ngào và thanh thoát của hương vị Trời Mới Ðất Mới.

Chúa Thánh Thần là tình yêu và sự sống của Chúa Cha và Chúa Con, là chính sự sâu thẳm của Cha-Con, nên Ngài cũng là sự tiếp cận thân mật nhất giữa Thiên Chúa và con người. Vì thế mà Chúa Kitô thiết lập các bí tích nhưng Chúa Thánh Thần làm cho con người sống được nhờ các bí tích đó. Chúa Giêsu rao giảng nhưng Chúa Thánh Thần làm cho người ta tiếp thu và nhận được sự sống.

Nói theo kiểu Thượng Phụ Athenagoras là "không có Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa vẫn chỉ là một Thiên Chúa xa lạ; Ðức Kitô chỉ là một con người của quá khứ; Tin Mừng vẫn chỉ là những dòng chữ chết; Hội Thánh chỉ là một tổ chức đầy quyền bính; truyền giáo chi là một thứ tuyên truyền rỗng tuếch; tế tự là một hành động không sức sống, và hoạt động Kitô giáo sẽ chỉ là một đạo đức nô lệ".

Nhưng làm thế nào để tiếp nhận và sống theo Thánh Thần, làm thế nào để biện biệt đâu là âm thanh của Thần Khí Thiên Chúa và đâu là âm điệu ròn rã của thần khí Satan cứ luôn quấy nhiễu chúng ta? Xác tín vào Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ yên tâm vì biết rằng chuyển động của Thánh Thần thúc đẩy chúng ta, lôi cuốn chúng ta, kéo chúng ta hướng tới Thiên Chúa cùng với mọi người anh em.


Trở về Mục Lục Thần Học
Trở Về Trang Nhà