Giêsu, Những Ðiều Chúng Ta Biết Về Ngài

 

Ðây là bản dịch của ba bài đăng trong tuần báo Le Figaro Magazine số ngày 01.10.1999 với đề tài chính Jésus, ce que nous savons vraiment de lui . Tuần báo này chuyên về chính trị, xã hội và văn hoá, có khuynh hướng thiên hữu bên Pháp. Cách nhìn về Chúa Giêsu có nhiều điều khác với cách nhìn tôn giáo chúng ta thường quen biết ; nó có tính chất sử học và nhân bản, nhấn mạnh đến ảnh hưởng sâu đậm của Chúa Giêsu trong quá trình tiến hoá tư tưởng tây phương về giá trị của con người. Cách nhìn này phản ảnh một phần nào lối suy nghĩ của nhiều người Pháp hiện tại, đặc biệt trong tầng lớp trí thức. Có lẽ đặc tính này là một trong những yếu tố giải thích tại sao đạo công giáo Pháp hiện nay, mặc dù ảnh hưởng rất sâu đậm trong xã hội, nhưng lại càng ngày càng ít lôi cuốn người tham dự lễ nghi, sống đạo như người công giáo Việt Nam. Trước thực tại này, người ta có cảm tưởng là Giáo Hội Công Giáo Pháp đang tìm một hướng đi có khuynh hướng khiêm nhượng hơn, thực tế hơn, mềm dẻo hơn và tách rời khỏi thế quyền. Một tiểu số có phản ứng cực đoan, được gọi là những người công giáo bảo thủ (traditionalistes) ; họ chối bỏ những cải cách của Công Ðồng Vatican II và trở lại với những giá trị, lễ nghi truyền thống xưa. Hình ảnh một người công giáo bảo thủ, khép kín và có thiện cảm với đảng chính trị cực hữu Pháp, nhất là những người theo cố giám mục Marcel Lefebre đã bị Toà Thánh rút phép thông công, gây một ấn tượng tiêu cực không ít cho người dân Pháp, mặc dù những người công giáo này chỉ là thiểu số .

Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử ? (Jésus a-t-il existé ?)

Không một nhà sử gia nào ngày hôm nay còn nghi ngờ tính chất lịch sử của Chúa Giêsu, khái niệm ngài không phải là một nhân vật đã sống thực sự trong lịch sử không còn giá trị gì trên phương diện sử học.

Ngay cả những nhà tranh luận thời xưa, Celse ở thế kỷ thứ hai, Porphyre ở thế kỷ thứ ba đã qui tụ nhiều lập luận chống lại kytô giáo, dựa trên sự nghiên cứu sâu rộng về Kinh Thánh, về truyền thống truyền miệng ; nhưng các ông không hề nghi ngờ gì về thực tại của những lời chứng do các môn đệ đã biết Chúa Giêsu tuyên xưng, hay những lời của Phaolô, chứng nhân và văn sĩ kitô hữu đầu tiên. Sự sống lịch sử của Chúa Giêsu cũng không bị đặt nghi vấn bởi truyền thống Do Thái và ngay cả kinh Coran cũng coi ngài như một vị tiên tri loan báo đấng Mahomet của hồi giáo.

Hơn nữa, những văn kiện đầu tiên chứng minh sự hiện hữu lịch sử của Chúa Giêsu, dù không cùng thời với ngài, nằm trong khoảng nhiều nhất là hai mươi năm sau cái chết của ngài.

Trong những văn kiện ngoài kitô giáo, chiến tranh Do Thái (la guerre juive) và những cổ truyền do thái (les antiquités judaiques), được soạn thảo bởi sử gia Do Thái Flavius Josèphe, có nói hai lần đến sự hiện hữu của Chúa Giêsu.

Trong những cổ truyền Do Thái (XX & 200), Flavius Josèphe nhắc đến cuộc tử đạo của Jacques năm 62 : Vị giáo quyền Anan triệu họp đại hội những thẩm phán để xử án Jacques, anh em của Giêsu còn gọi là Kitô, và một số phạm nhân khác. Họ bị kết tội đã vi phạm Luật Thánh và bị kết án tử hình bằng ném đá. Bản văn này cần hai chú thích sau : thứ nhất là chữ dịch anh em phải được hiểu theo nghĩa của ngôn ngữ nguyên văn (acception sémitique), nó được dùng để chỉ những người cùng gia đình, họ hàng, bạn bè ; thứ hai là chữ Kitô , dưới ngòi bút của tác giả ngoại giáo và thân Roma này, được dùng theo nghĩa xấu để chỉ những người hay gây rối loạn ở vùng Judée thời đấy.

Trong chiến tranh Do Thái (Flavius Josèphe XVIII,&63-64), ông có viết : Trong thời đó có Giêsu, một người khôn ngoan, nhưng có nên gọi như thế hay không bởi vì đó là một người làm nhiều điều phi thường, một bậc thầy đối với nhiều người muốn tìm chân lý. Nhiều người Do Thái và Hy Lạp theo ông. Ðó là Kitô. Khi ông bị tố cáo và bị Pilate kết án đóng đinh trên thập giá, những người theo ông vẫn không từ bỏ. Bởi vì ông sống lại trong ngày thứ ba ; nhiều vị tiên tri thần linh đã nói về những điều này và muôn vàn những điều kỳ diệu khác về ông. Cho tới bây giờ, nhóm người Kitô vẫn còn tồn tại .

Nếu một số câu trong bản văn trên bị nghi ngờ là được thêm thắt vào thế kỷ thứ ba, nhưng không ai nghi ngờ điều viết về nhân vật Giêsu của Flavius Josèphe.

Trong cuốn Talmud de Babylone của dân do thái, viết vào thế kỷ thứ hai, có nói : Ðây là điều được loan truyền : trong ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua, người ta đã treo cổ Yeshou de Nazareth. Một binh sĩ đã đi trước ông bốn mươi ngày để báo tin ông phải bị ném đá.

Trong những Niên Sử Roma, sử gia Tacite có ghi lại những cuộc bắt bớ đầu tiên mà những Kitô hữu phải chịu : Néron kết án và cho tra tấn dã man những người được gọi là Kitô hữu, bởi vì họ bị khinh ghét do những hành động xấu xa họ làm. Danh ngôn này đến từ ông Kitô, người đã bị tra tấn theo lệnh của trấn thủ Ponce Pilate, dưới thời Tibère .

Vào thế kỷ thứ hai, trong cuốn Cuộc sống của mười hai vị Césars , Suétone kể lại việc hoàng đế Claude, giữa năm 40 và 49, trục xuất những người do thái thuộc phái Chrestos (secte de Chrestos) sống ở Rôma. Pline le Jeune, trấn thủ Bythinie-Pont, ở vùng tây-bắc Tiểu Á, trong bản tường trình gửi hoàng đế Trajan có ghi chú sự lan rộng của kitô giáo trong vùng ông có trách nhiệm và yêu cầu cách phải cư xử. Bản văn này, viết năm 111, cho thấy sự phát triển nhanh chóng của kitô giáo trong thế kỷ thứ nhất cho tới biên giới của lãnh thổ Roma.

Những văn kiện Kitô Giáo đầu tiên nói về sự hiện hữu của Chúa Giêsu là những thư của thánh Phaolô, viết giữa năm 50 và 64. Chính xác hơn là trong thư gửi cho những người Thessalonica, viết trong năm 50 hay 51, chỉ khoảng hai mươi năm sau cái chết của Chúa Giêsu, thánh Phaolô gọi Ngài là Ðấng Cứu Thế, Chúa Con và Chúa. Những thư này dù không nói nhiều chi tiết về đời sống của Chúa Giêsu - thánh Phaolô không biết tận mặt ngài - nhưng soi sáng cho chúng ta thấy những lời Chúa Giêsu truyền dậy và là bước đầu của sự tách lìa giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo xẩy ra vào thế kỷ thứ ba. Nếu Maisen đã nghĩ ra thuyết độc thần (monothéisme) dưới thời vua Ramsès II - một chặng đường quan trọng, nhưng chỉ dành cho dân được tuyển chọn - thì thánh Phaolô, dưới ánh sáng của những lời Chúa Giêsu để lại, đã tưởng tượng ra thuyết độc thần phổ quát cho toàn nhân loại.

Ba năm trời đã làm biến đổi nhân loại (Les trois années qui ont changé le monde)

Ba năm . Chỉ ba năm trong đời sống công khai. Ðó là con số mà mọi sử gia đều đồng ý. Chỉ có Phúc Âm của thánh Matthêu và thánh Luca nói về nơi sinh của Chúa Giêsu là Bethléem và về tuổi trẻ của ngài. Những tác giả khác tường trình cuộc đời Chúa Giêsu từ lúc ngài chịu phép rửa của thánh Gioan Baotixita, người đã bị chém đầu dưới lệnh của vua Hérode. Sự lựa chọn Bethléem là nơi sinh của Chúa Giêsu không phải là việc ngẫu nhiên. Thành phố nhỏ này, nằm ở phía nam Jérusalem quãng mười hai cây số, có lẽ là nơi tiên tri Samuel đã đến tìm người chăn chiên trẻ tuổi David, con của Jessé, để xức dầu phong vương cho cậu. Hơn nữa, tiên tri Michée đã loan báo là Ðấng Cứu Thế (le Messie) sẽ sinh tại Bethléem (Mi V,I). Nhưng nguồn gốc vùng Galilée của Chúa Giêsu là điều không thể nghi ngờ. Ngài lớn lên ở Nazareth, một ngôi làng hẻo lánh vùng Galilée nằm ở phía bắc của nước Do Thái hiện nay. Trong câu nói Giêsu người Nazareth có một nét khinh khi trong miệng của người do thái vùng Judée, và đặc biệt từ những người pharisiens, sadducéens, esséniens và những người Do Thái truyền thống khác ; bởi vì Galilée phần lớn là ngoại đạo (đối với Do Thái Giáo). Có gì tốt lành có thể đến từ Nazareth ? (Jean I,46).

Chúa Giêsu được ra đời vào cuối thời của hoàng đế Hérode le Grand, nghĩa là ngày sinh của Ngài ở vào khoảng năm thứ tư hay sớm nhất là năm thứ sáu trước Tây Lịch. Không có tài liệu nào nói về thời thơ ấu và tuổi trẻ của ngài, ngoại trừ biến cố giáng sinh được viết trong Phúc Âm của thánh Luca và thánh Matthiêu và biến cố ngài đi dự lễ ở Jérusalem năm mười hai tuổi và cuộc đối thoại với những giáo sĩ trong Ðền Thánh chỉ được viết trong Phúc Âm của thánh Luca.

Tuy nhiên người ta có thể chắc là đời sống rao giảng của ngài kéo dài quãng từ ba đến bốn năm trước khi chết. Ngài di chuyển rất nhiều, các sách Phúc Âm gợi lại những cuộc hành trình qua khắp miền Galilée, miền Phénicie méridionale và Décapole ở phía đông sông Jourdain thuộc về tỉnh Syrie, Samarie và Judée. Ngài có một đời sống công cộng lôi cuốn người dân, nhiều người theo làm môn đệ của ngài. Chúa Giêsu tới Jérusalem và gây nhiều xung đột với giới trưởng giả Do Thái ở đây, những lời nói của ngài đối với họ là chống lại Ðền Thánh và cuối cùng ngài bị bắt. Sau khi bị kết tội dám tự xưng là vua, những viên chức giáo sĩ Do Thái đã giao ngài cho quan trấn thủ Ponce Pilate, vị quan này kết án ngài bị đóng đinh trên thập giá. Các Phúc Âm ghi rõ ngày chết của ngài. Thánh Marcô, Matthêu và Luca ghi đó là ngày thứ sáu, ngày lễ Vượt Qua của dân do thái. Theo thánh Gioan, đó là ngày trước ngày lễ Vượt Qua. Phần đông các sử gia chọn ngày này, bởi vì những người bị xử tử không bị hành quyết trong ngày lễ. Một số nhà khoa học đã nghiên cứu hiện tượng trời sụp tối lúc Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá qua hiện tượng nhật thực đã có thể xẩy ra ở gần vùng Palestine, cho là ngày này ở vào khoảng 03/04/30 và 07/04/33.

Theo giáo sư sử học cổ xưa Maurice Sartre, Giêsu trước hết là một bậc thầy về ngôn ngữ, ngài xử dụng một cách khéo léo những tinh vi của ngôn ngữ thời đó, nhưng đồng thời lại diễn tả ý tưởng muốn nói một cách đơn giản và dễ hiểu. Ngài lại thực hiện phép lạ và chữa lành những người bị quỉ ám (exorciste). Ngài rất lôi cuốn đám đông .

Ðó là những yếu tố lịch sử về đời sống của Chúa Giêsu (trong tiếng Do Thái, Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ ) mà người ta có thể chắc. Thế mà chỉ cuối thế kỷ thứ nhất, những lời rao giảng của ngài đã loan truyền sâu rộng trong toàn vùng Méditerranée ; đế quốc Roma ban đầu đã quyết liệt chống lại sự lan truyền này và cuối cùng lấy làm quốc giáo vào thế kỷ thứ ba. Ðó có lẽ là niềm bí ẩn đầu tiên của Giêsu người Nazareth : tại sao và làm thế nào mà ngài thành công đến thế ? Bởi vì những chứng nhân loan báo Ðấng Cứu Thế (mouvements messianiques) có rất nhiều vào thời đó. Những lời rao giảng của ngài có gì đặc biệt mà lôi cuốn nhiều người đến thế ? Ðể có thể hiểu điều đó, chúng ta phải đọc những lời ngài nói đã được viết lại trong sách Phúc Âm và hiểu bối cảnh thời đó. Ngài là người Do Thái và sống theo đạo Do Thái. Ngài thông hiểu sâu xa Cựu Ước, những cuộc tranh cãi xung đột với các vị tiến sĩ ở Ðền Thánh xoay quanh cách giải thích Luật Thánh. Trong những trường phái Do Thái Giáo thời đó, Chúa Giêsu có một cái nhìn đổi mới đặc biệt về đạo lý và những nghi lễ tập tục của những người theo đạo này.

Ngài có gì đặc biệt đến thế ?

(Mais qu avait-il donc de si révolutionnaire ?)

Tại sao những lời Chúa Giêsu dậy đã loan truyền sâu rộng chỉ một thế kỷ sau cái chết của ngài ? Những người điếm đàng và những người thâu thuế sẽ lên trời trước các ngươi . Ai nói như thế ? Ieschoua gọi là Giêsu. Cho ai ? Cho những viên chức cầm quyền tôn giáo. Những môn đệ của Ngài ? Những người phụ nữ, những người nghèo đói, những người bệnh hoạn và những người tàn tật. Và ngài là Ðấng Cứu Thế ? Ðó là một scandale ngay từ đầu cho tới bây giờ và cho tới mãi mãi.

Tại sao ? Tại vì những lời truyền dậy của ngài, những lời không phải chỉ là đường và mật ngọt, mà còn là lửa và muối, không giống một lý thuyết nào, cũng không như một nền đạo đức nào. Một đường lối đặc biệt cho con người, dù là ai và từ đâu đến, để sống trọn vẹn tính chất nhân bản của mình, cả linh hồn lẫn thể xác.

Những lời của Chúa Giêsu biểu lộ một sức mạnh tuyệt đối, trên mọi tầng lớp chủng tộc. Những lời chỉ có thể có từ một mặc khải ( une révélation ) về sự khó nghèo, quyền lực, tình yêu và niềm tin : Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giầu có vào Nước Trời ; Hãy vui lên những người nghèo khó, bởi vì Nước Trời thuộc về họ ; Hãy yêu thương kẻ thù của ngươi và cầu xin cho những người bách hại ngươi ; Ai tự kiếm mình sẽ mất tâm hồn mình và ai mất tâm hồn mình vì ta sẽ tìm lại được chính mình .

Kèm theo những lời nói, ngài chữa lành những người tàn tật và làm phép lạ : người mù được thấy, người bất toại được đi, người chết sống lại. Thay vì theo gương những vị khôn ngoan và những nhà thông thái, ngài khuyên nên sống như những em bé thơ : Hãy để các trẻ em đến với ta và đừng ngăn cản chúng. Bởi vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng .

Trái với các truyền thống, ngài coi liên hệ ruột thịt ít quan trọng hơn là liên hệ tinh thần. Mẹ và anh em ngài muốn gặp ngài, ngài nói một cách thẳng thắn : Ai là mẹ ta, ai là anh em ta ? Quay về phía các môn đệ Ngài nói tiếp : Ðây là mẹ ta và anh em ta. Ai làm theo ý hướng của Cha ta ở trên Trời, người đó là anh em và là mẹ ta .

Người ta muốn biết lập trường chính trị của ngài, câu trả lời của ngài vượt trên những điều họ muốn nghe. Câu hỏi Có nên đóng thuế cho César hay không ? , ngài trả lời : Hãy trả cho César những gì thuộc về César và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài . Nếu ngài trả lời : Phải trả thuế cho César , ngài sẽ bị coi là thuộc về nhóm thân ngoại, chống lại nhóm zélotes, những người yêu nước có quan điểm là một người Do Thái trung thành với Thiên Chúa không thể đóng thuế cho César được. Nếu ngài trả lời không thì lại bị coi như thuộc nhóm zélotes và có thể bị tố như một tên khủng bố .

Chúa Giêsu làm những viên chức tôn giáo thời đó bị bối rối và mất mặt, nhưng Ngài giải thích với họ : Các ông đừng nghĩ ta đến để phá huỷ sách Torah và những vị tiên tri. Ta đến không phải để phá huỷ, mà là để hoàn tất. Về ngày sabbat, việc ăn chay, những nghi thức thanh tẩy và những điều luật nghiêm khắc, Chúa Giêsu có một quan điểm tự do chưa bao giờ có. Bởi vì đối với ngài, không phải là những nghi thức có thể giải phóng con người, cũng như không phải vì không tuân theo những nghi thức đó mà con người trở nên ô uế ; điều quan trọng đến từ nội tâm của con người : Ðiều làm con người ô uế đến từ những ý tưởng xấu xa, ngoại tình, trụy lạc. Nhưng ăn mà không rửa tay không làm cho con người ra ô uế.

Ngài ngăn cản người ta ném đá người đàn bà ngoại tình, ngài hứa Nước Trời cho người tù nhân cùng bị đóng đinh. Ngài không ngừng giảng dậy rằng ai đói, ai khát, ai bệnh tật hay tù nhân mà được nâng đỡ và cứu chữa thì đó là chính ngài được nâng đỡ và cứu chữa. Trái lại, ai bị hiếp đáp mà không được cứu thoát, bệnh tật mà không được săn sóc, đói nghèo mà không được nâng đỡ thì đó là chính ngài không được như vậy.

Nhân danh gì để biện minh cho những hành động và những lời nói gây nhiều hoang mang này ? Nhân danh Nước Trời, mà ngài là người loan báo và là hiện thân. Nước Trời đó không phải là một thực tại tưởng tượng ban hứa cho những người khờ dại hay điên rồ tin vào đời sau hay vào thế giới bên kia (l arrière-monde) như Nietzsche đã nói. Ðối với ngài, Nước Trời đang hiện sinh, trong lúc này, dưới trần gian này, trong hiện tại này : đó là nhân loại đổi mới, thấm nhuần sự sống của Thượng Ðế đến độ biến hình đổi dạng thành những con người mới. Những người pharisiens hỏi ngài : Khi nào Nước Trời sẽ đến ? Ngài trả lời : Nước Trời không đến một cách huy hoàng như các ông tưởng tượng, người ta không nói : Nước Trời ở kia hay ở đây ; bởi vì Nước Trời ở trong nội tâm của mỗi người .

Paris Hè 2000

Nguyễn Văn Thành chuyển ngữ


Trở về Mục Lục Thần Học
Trở Về Trang Nhà