Việt Nam Văn Hóa Chi Ðạo

Dự Thảo về Công Cuộc Ði Tìm và Xây Dựng Việt Triết

Giáo Sư Vincent Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

1. Lời Khai Lộ

Chúng ta từng kiêu hãnh về văn hóa của Việt dân, song khi được hỏi đến, chúng ta thường không thể trả lời, hay chỉ có thể trả lời một cách vu vơ. Lý do chính, là chúng ta cảm nghiệm song thiếu tri thức về văn hóa Việt. Khi giao tiếp với ngoại nhân, cái tri thức hạn hẹp của chúng ta càng hiển nhiên: ngoài ngôn ngữ, một số phong tục, nghệ thuật và.. nghệ thuật nấu ăn, chúng ta có chi để mang trống đi đánh nước người?

Sự nghèo đói tư tưởng càng rõ rệt hơn khi chúng ta bàn tới Việt Triết: chúng ta có triết lý gì đáng được thế giới chú trọng, có thể làm chỉ đạo cho Việt tộc và cho nhân loại?

Chúng ta có Triết lý nào để hướng đạo, làm tinh thần cho Việt tộc hay không? Một dân tộc, một quốc gia thiếu tinh thần dân tộc... chỉ là một ô hợp của các sắc dân, hỗn tạp, vô định mà thôi.

Sự nghèo đói của Việt Triết khiến chúng ta ở trong một tình trạng bần cùng, cho đến độ chúng ta chạy theo bất cứ một lý thuyết nào, chạy theo một cách vô ý thức. Dưới thời đô hộ của Tàu, tổ tiên ta chỉ biết tư tưởng của Tàu, cái học vị chương của Hán nho, cái tổ chức phong kiến, cái chính trị hủ bại của họ. Cho tới thời Pháp thuộc, đa số dân trí thức lại mù quáng chạy theo, học văn minh cũng như tư tưởng của Pháp. Chúng ta học giỏi đến độ chúng ta thuộc lòng những vần thơ của La mạc tinh (Lamartine), những bản văn của Huy-cơ (Victor Hugo), song chúng ta không đọc nổi chữ nôm, chữ của tổ tiên, của dân tộc. Tới thời Mỹ thuộc, Nga thuộc... chúng ta chạy theo y hệt như vậy. Những bản văn "nửa người nửa ngợm nửa đười ươi", những ngôn ngữ lạ hoặc được nhập cảng từ Hoa thịnh đốn, từ Mạc tư khoa, lại được tâng bốc, tôn thờ như "khuôn vàng thước ngọc", như bản đo lượng "trí thức", như một "dấu chỉ" của "bước tiến dân tộc".

Triết lý được "nhập cảng" một cách ồn ào vào Việt Nam: những làn gió hiện sinh của Sa thời, Ca mỹ (Sartre, Camus)... những tư tưởng "vĩ đại" của Lê nin, Sử tà linh (Stalin), những bài "khảo luận" về Ấn Ðộ Giáo, và gần đây những "phát minh táo bạo vĩ đại" của một số "triết gia" làm cho chúng ta càng cảm thấy cái nghèo khó tư tưởng Việt.

Chúng ta sẽ tiếp tục vật vờ như con đom đóm, chúng ta sẽ tiếp tục ở trong tình trạng vong thân cho tới khi nào?

2. Triết lý, Văn hóa không chỉ trong một ngày, do một người... hay của một thời đại hay chế độ

Văn hóa biểu lộ trong mọi sinh hoạt của dân tộc: sinh hoạt nghệ thuật, chính trị, kinh tế, suy tư, khoa học, kỹ thuật... Văn hóa của Việt khác biệt với những nền văn hóa khác, bởi vì văn hóa Việt có thể đưa ra: (1) một cộng tính, (2) cộng thể, (3) cũng như một lối giải quyết hữu hiệu cho những vấn nạn của Việt dân, mà những nền văn hóa khác không thể giải quyết. Tuy nhiên trên một phương diện khác, có những vấn nạn, thí dụ như vấn nạn khoa học và kỹ thuật, hay kinh tế, chúng ta không thể phân biệt một cách minh bạch văn hóa cá biệt, bởi vì những vấn nạn là những vấn nạn chung của con người. Nói cách khác, văn hóa của Việt tộc bao gồm hai bộ phận:

(1) Bộ phận cá biệt, chỉ thấy trong cách sống của Việt dân như ngôn ngữ, phong tục, nghệ thuật, luân lý và tôn giáo.

(2) Bộ phận nhân sinh, có tính cách hoàn vũ như sinh hoạt khoa học và kỹ thuật, kinh tế, y học...

Ngoài ra chúng ta cũng nhận thấy một khía cạnh thứ ba không minh bạch, bao gồm văn hóa cá biệt cũng như văn hóa hoàn vũ như sinh hoạt chính trị giáo dục...

Một nền văn hóa lý tưởng là một nền văn hóa có cả hai tính chất cá biệt và hoàn vũ, có thể giải quyết những vấn nạn nhân sinh trên một bình diện quảng bác. Ðó là một nền văn hóa phát xuất từ tinh thần của dân tộc nhưng đủ sức hướng đạo tinh thần nhân loại cũng như phát triển văn minh con người.

Thế nhưng, một nền văn hóa lý tưởng như trên không phải tự tại, từ trên trời rơi xuống. Nền văn hóa nầy được xây dựng qua bao thế hệ dựa trên kinh nghiệm nhân sinh, những kinh nghiệm về thiên nhiên, về tương giao con người, về định mệnh, hy vọng cũng như tinh thần. Nói cách khác, văn hóa được kiến tạo trong một lịch trình lịch sử của con người, của một dân tộc...

Như vậy, chúng ta phải chấp nhận như triết gia Huyền cách (Hegel) từng nhận định: mỗi thời đại, mỗi chế độ, mỗi nền văn minh chỉ biểu hiệu tính cách cá biệt, giai đoạn của lịch trình nhân loại.

3. Nhận định về Việt Triết

Việt triết được coi như là tinh thần của Văn hóa Việt. Việt Triết nói lên Việt tính hiển nhiên trong các bình diện của văn hóa. Nó chỉ đạo, hướng dẫn cũng như thúc đẩy người Việt phản tỉnh, tìm hướng vươn lên cũng như đi tìm giải đáp cho những vấn nạn của dân Việt.

Thế nên, câu hỏi quan trọng không phải là chúng ta có Việt triết hay không, mà là "làm sao để khai quật, vun trồng, cũng như giúp Việt triết phát động năng lực".

Nhiều nhân sỹ từng bi quan nghi ngờ Việt triết. Thực tế lịch sử làm chúng ta bi quan: Việt triết bị ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Gần đây chúng ta bị ảnh hưởng của những lý thuyết Âu Tây như thuyết của Mã sỹ (Marx), hiện sinh thuyết... Nhưng bi quan như trên chỉ nói lên một tình trạng mà Nghịch tài (Nietzche) cũng như Tạ lạc (Max Scheler) gọi là "phẫn chí" (Ressentiment) mà thôi. Thực tế, chúng ta đã có một nền Việt Triết cá biệt, từng được phong phú hóa qua những trào lưu triết ngoại tại. Việt Triết chưa bị bất cứ một lý thuyết nào thôn tính. Ngược lại qua Việt tính, Việt Triết việt hóa chúng. Thế nên điều mà chúng tôi đề nghị trên con đường khai quật Việt Triết bao gồm: (1) Ði tìm cội nguồn của Việt Triết hay Việt tính qua những công cuộc khảo cổ, ngữ học, nhận diện các bộ mặt của văn hóa Việt. (2) Tiếp tục vun dựng trong phương thế Siêu việt biện chứng, bằng cách tổng hợp những tư tưởng mới. (3) Phát huy Việt Triết bằng cách nhận định tính chất hữu hiệu của nó trong công việc giải quyết các vấn nạn của Việt dân và (4) Khẳng định Việt tộc cũng như tính chất đặc thù của chúng ta trong diễn đàn thế giới.

4. Ði tìm cội nguồn của Việt triết

Triết gia Hãi đức cách (Heidegger) từng nhận định sự mất gốc rễ như là "dị hương" (Verfremdung), "vô hương" (Heimatslosigkeit) hay "thất huong". Trước ông, các đại triết gia như Huyền cách (Hegel) và Mã sỹ (Marx) đồng nghĩa sự mất gốc rễ với dị hóa hay vong thân (Entausserung / Entfremdung). Nói cách khác, một dân tộc thiếu lịch sử, vô ý thức về cội nguồn của giống nòi... là một dân tộc nô lệ.

Thế nên công cuộc đào bới gốc rễ, công việc trở về nguồn là điểm quan trọng để xây dựng tinh thần và phát triển dân tộc. Trên thực tế chúng ta đã bắt đầu công cuộc khảo cổ nầy từ thời Pháp thuộc và xúc tiến tới ngày nay. Chúng ta không được phép chối bỏ những biên khảo hay phát minh của các bậc tôn huynh. Sự khám phá trống đồng tại Ðông sơn có một ảnh hưởng quyết định trong văn hóa Việt. Những bài khảo luận của viện Viễn Ðông Bác Cổ, của một số thừa sai hay của những học giả đáng được tuyên dương, mặc dù những khám phá trên không hội đủ tính cách vẹn toàn.

Ðiểm quan trọng là chúng ta không được phép tự mãn, ngây thơ tin vào tính chất tuyệt đối của công việc khảo cổ. Công việc của Triết học bao gồm: (1) tiếp tục dùng tinh thần phán đoán lại, nhận định những khám phá trên, (2) thúc đẩy các khoa học gia tiếp tục khám phá, (3) tìm ra tương tính giữa những khám phá và tinh thần dân tộc, và (4) nhận định quan trọng tính của những khám phá trên trong mạch sống hiện đại.

Như đã trình bày trên, công cuộc đào bới cội nguồn của những chuyên gia thời Pháp thuộc và sau khi giải phóng chưa được trọn vẹn vì nhiều lý do như kỹ thuật thô sơ, khoa khảo cổ chưa được hoàn toàn khoa học, và quan trọng hơn là, các vị chuyên gia bị ảnh hưởng hay bị lôi cuốn bởi những mục đích chính trị, tôn giáo hay ý thức hệ. Thế nên các khám phá và nhất là những lối giải thích dữ kiện bị lệch lạc hay bóp méo. Một phần khác, những nghiên cứu thường bị hạn hẹp trong một số bộ môn như khảo cổ (Viễn Ðông Bác Cổ) hay nhân chủng học. Một số biên khảo về tôn giáo hay ngữ học hoàn toàn bị ảnh hưởng của tâm linh tây phương, nên khó có thể nói lên được tâm linh Việt. Ðiểm đáng buồn hơn nữa là những biên khảo nầy hoàn toàn do các vị truyền giáo ngoại quốc soạn thảo. Bộ sách của linh mục P. Cadière về tôn giáo Việt, tuy cố gắng trung thực, nhưng sai lầm phần lớn: tất cả những quan sát cũng như nhận định về tính sinh hoạt, tập tục, nghi lễ... tôn giáo hoàn toàn theo những phạm trù thần học Công giáo. Tác giả không nhìn ra cá biệt giữa hai quan niệm về tôn giáo: quan niệm của truyền thống Hy lạp và Do thái và quan niệm của Ðông phương. Nếu Tây dân hiểu tôn giáo (Religion) theo nghĩa Re-ligere, một hoạt động nối kết tâm linh thì người Ðông phuong hiểu tôn giáo như Tông giáo, một lối sư phạm về tôn kính tổ tông. Không hiểu cách biệt như trên, các vị truyền giáo cho công việc thờ kính tổ tiên là man di, vô thần hay phiếm thần. (Xin xem P. Cadière, Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, S.E.I., 1958, cũng như Trần trọng Kim, Nho Giáo, Tân Việt, tr. 41 về Tông giáo). Chúng ta không phủ nhận giá trị của những biên khảo của các học giả ngoại quốc, song chúng ta cũng không được phép tin theo lập luận của họ một cách thiếu phê phán.

Cho tới những thập niên gần đây, một số biên khảo của học giả Việt về ngữ học hay tôn giáo hoặc nhân chủng học mới bắt đầu xuất hiện một cách khêm tốn. Về ngữ học, Tiến sỹ Lê Văn Lý chú ý tới văn phạm Việt ngữ trong luận văn Le Parler vietnamien: Esquisse d'une grammaire vietnamienne (1949?), cũng như ông Nguyễn Bạt Tụy nghiên cứu về ngôn ngữ của các sắc tộc ở Việt Nam (1960-1970). Về nhân chủng học, không có chi tiến bộ. Số lớn chép lại những khám phá của Viễn Ðông Bác Cổ (thí dụ cuốn Nguồn gốc Mã lai Á của dân tộc Việt của nhà văn bình dân Bình Nguyên Lộc). Chúng tôi đương chờ đợi những khám phá mới trong bộ môn nầy.

Trong phạm vi triết học, đa số những đóng góp đều hạn hẹp trong công việc dịch thuật và chú thích những tác phẩm kinh điển Nho học như Ðại Học, trung Dung và của lão Trang như Ðạo Ðức Kinh, Nam Hoa Kinh, và đặc biệt một số kinh như Kinh Dịch, Xuân Thu. Nghiên cứu về Việt triết hoàn toàn là một con số không. Chúng ta phải đợi tới khoảng ba mươi năm gần đây mới thấy xuất hiện những biên khảo của Kim Ðịnh (đặc biệt với Việt Lý Tố Nguyên, Sứ Ðiệp Trống Ðồng, Kinh Hùng Khai Triết, Dịch Kinh Linh Thể, v.v.), và Vũ Ðình Trác (Triết Lý Chấp Sinh của Nguyễn Công Trứ, triết học của Nguyễn Du). Ngoài ra những bài viết của Nguyễn Ðăng Thục, Nghiêm Toản... cũng đã đóng góp một phần nào vào Việt triết.

Thế nhưng những tác phẩm của quý tiên sinh chỉ có giá trị trong phạm vi đi tìm nguồn gốc, chứ chưa có thể đưa ra một tổng hợp hay một triết thuyết mới đáp ứng được Việt tính cũng như hiện đại tính. Chúng ta cần phải đi thêm một bước trong công việc tổng hợp, thu thập những tư tưởng mới, nhìn ra những khó khăn của thời đại ngày nay, cũng như nỗ lực đào bới những khả thể có thể giải quyết những vấn nạn dân tộc và thời đại. Trước khi đi vào công việc xây dựng Việt triết, một điểm cần phải nhắc đến là đề nghị của Bác sỹ Vũ Ðình Trác: Trong những bài viết gần đây, cụ nhận định là công cuộc xây dựng Việt Triết phải được bắt đầu với sự tái dựng của Việt nho. Thế nên công việc khai quật những kho tàng Việt nho là điều tối cần thiết (1983). Trước đây cụ đã từng nhận định là thư tịch của Việt nho rất phong phú, bao gồm kinh bộ, tử bộ, sử bộ, thi bộ và văn bộ (1974), có thể được cứu xét làm những đề án cho nghiên cứu (1985). Quan trọng hơn, tiên sinh đề nghị:

"1. Chuẩn bị cho các luận án triết học Việt Nam ra đời, bằng cách hướng dẫn cho các thế hệ đang lên trở về với văn hóa dân tộc và dấn thân vào con đường phục hồi, khai thác và phát huy văn hóa đặc trưng của chúng ta.

2. Tìm tòi và thu góp những tài liệu về văn hóa Việt Nam đã bị mất mát quá nhiều trong cuộc đốt sách do cộng sản Bắc Việt gây nên từ 1975 tới 1980.

3. Thành lập một tổ chức gồm các bậc thầy để hướng dẫn cho các luận án mới về các vấn đề Việt Nam, cách riêng triết học Việt Nam.

4. Dịch thuật và ấn loát các luận án bằng Pháp văn, Anh văn, Hán văn, Latinh, Ý ngữ ra Việt văn. Ðồng thời dịch các luận án Việt văn, Hán văn ra Anh văn, Pháp văn để giới thiệu toàn bộ văn học và triết học Việt Nam".

Những đề nghị của Hán Chương tiên sinh đáng được chú ý. Trong phần chót của đoản luận nầy, chúng tôi mạn phép xin bổ túc những đề nghị trên.

5. Công việc Tổng Hợp

Chúng tôi nhận định rằng chỉ hạn hẹp vào công cuộc đào bới nguồn gốc thì chưa đủ để xây dựng Việt Triết. Như trong văn hóa, triết học không có tính chất vĩnh cửu bởi vì một nền triết học chỉ là tinh hoa của một thời đại. Những cố gắng tìm kiếm một nền triết lý trường cửu (philosophia perennis) thường kết cục với một thất bại ê chề. (Trừ khi nền triết học nầy đồng hóa với thần học như trong Kinh Viện). Càng nhiều tinh hoa, triết học càng phong phú. Càng gặp nhiều vấn nạn, triết học càng tiến bộ. trong tinh thần nầy chúng tôi muốn bàn tới tính chất tổng hợp hay siêu việt tính, một tính chất thiết yếu trong Việt Triết.

Công việc tổng hợp bao gồm nhiều giai đoạn:

(a) giai đoạn khai quật giá trị truyền thống,

(b) thu nhận những tư tưởng, kinh nghiệm mới hay

(c) học hỏi những giải đáp thức thời đương khi đối diện với những vấn nạn hiện đại, và

(d) tìm trong những tư tưởng mới những khả thể giúp chúng ta giải quyết vấn nạn hiện đại của Việt Nam. Trong giai đoạn cuối cùng nầy, hai đặc tính của tổng hợp cần phải được nhấn mạnh, đó là:

(d1) khả thể tính trong tư tưởng mới phải thích hợp với tâm thức, cuộc sống và truyền thống giá trị của dân Việt,

(d2) khả thể nầy có tính cách hữu dụng giải quyết những vấn nạn của Việt Nam.

(a) Công cuộc khai quật đã được bàn ở phần trên, nên trong phần nầy chúng tôi đặc biệt xin mạn đàm công việc thu thập tư tưởng và kinh nghiệm mới, và công việc tổng hợp. (b và c và d). Phần (d2) sẽ bàn trong phần 6.

(b) Công cuộc thu thập bao gồm giới thiệu những tư tưởng mới qua công tác dịch thuật, trước tác, biên khảo. Những tư tưởng kinh điển, hay có liên quan đến sinh mệnh nhân loại từ những nước ngoài, đặc biệt từ Anh (Mỹ), Pháp, Tàu, Ðức, Nhật... Những tư tưởng gia thời danh, những nhà bác học, những nghệ sĩ đại gia... phải được học hỏi và trình bày cho giới trí thức nhà. Trên thực tế, như chúng tôi biết, ở trong miền Nam đã có nhiều dịch thuật và biên khảo. trong phạm vi triết học, những giáo sư như Tiến sỹ Trần Thái Ðỉnh, Tiến sỹ Trần Văn Toàn, Tiến sỹ Lê Tôn Nghiêm, Linh mục Cao Văn Luận, Trần Văn Hiến Minh... đã dịch, giới thiệu và bình luận nhiều nền triết học Âu tây như Mã Son (Bergson), Mã sỹ (Marx), Giã phi (K. Jaspers), triết hiện sinh, Hiện tượng học, Cơ cấu luận, Khang Ðức (Kant)... Ðồng thời nhiều tác phẩm về Thiền của Linh Mộc (Suzuki), về Ấn độ của Krisnamurti, Radhakrisnan,... cũng được giới trí thức Việt lưu ý. Triết Ấn và Phật giáo như Thích Minh Châu, Thích Nhất Hạnh, Ðoàn Trung Còn, Nguyễn Duy Cần... và một tu sỹ Dòng Tên, Tiến sỹ Hoàng Sỹ Quý.

Tuy thế, công cuộc dịch thuật và trước tác thiếu tổ chức, thiếu nhận định (nên trở nên hỗn độn). Chúng ta nhận thấy những tác phẩm kinh điển của Âu tây, những đại triết gia như Bồ La Thư (Platon), Nhã lí đa đức (Aristotle), Ða mã tư (Thomas Aquinas), Khang Ðức (Kant), Huyền Cách (Hegel)... bị quên lãng, trong khi những tác giả "hạng hai" lại được dịch và giới thiệu. Những danh từ dịch thuật không được đồng nhất nên thường gây ra nhiều hiểu lầm hơn là làm sáng tỏ. Có những bản dịch tối tăm đến độ người đọc không hiểu nỗi từ ngữ, đừng nói đến ý nghĩa của câu văn hay đoạn văn.

Nơi đây chúng tôi không muốn đi sâu vào chi tiết phê bình môn dịch thuật, nhưng muốn nhấn mạnh đến sự thiết yếu của dịch thuật cũng như sự khó khăn trong khi giới thiệu tư tưởng mới. Dù sao, chúng tôi cũng cảm phục sự can đảm và cố gắng của những người như Phạm Công Thiên. Một điểm nữa mà chúng tôi tuy phê bình song bên vực họ Phạm, là bất cứ một bản dịch hay biên khảo nào cũng có lỗi lầm, thế nên qua lời phê bình và đóng góp của độc giả, chúng ta càng hoàn bị những tác phẩm trên. Ngoài ra, nếu có thể được, chúng ta dịch trực tiếp từ nguyên ngữ. Bản dịch từ nguyên ngữ có thể tránh được một số lỗi lầm và trung thực hơn.

(c) Ngoài dịch thuật, những trước tác, biên khảo về những vấn đề sôi bỏng hiện đại có liên quan tới sinh mệnh con người... đáng được khuyến khích và lưu ý. Về phương diện nầy, chúng ta còn thiếu sót nhiều. Ða số những báo chí, tuyển tập, thông luận... ở Việt Nam, hay của cộng đoàn Việt ở hải ngoại thường quá chú trọng tới văn, thơ, hay tranh luận nên chỉ dành cho biên khảo một không gian hạn hẹp, nhỏ bé. Ðã có một thời, những tạp chí như Ðại Học, Phương Ðông, Tư Tưởng... đã tạo nên một phong trào hưng đông, hưng triết, hưng Việt đáng cho chúng ta cảm phục. Gần đây ở hải ngoại có những tờ như Hội Hữu (đáng tiếc chỉ ra được vài số), tờ Văn Lang, hay phổ thông hơn như Thời Ðiểm Công Giáo, hoặc chuyên về phên dịch như Tư Tưởng Thần Học (do các linh mục Dòng Tên tại Ba-lê chủ trương), hay tại Việt Nam, tờ Khoa Học Xã Hội (Hà Nội)... Tuy nhiên nội dung vẫn còn ở trong giai đoạn khiêm tốn chứ chưa đi tới được giai đoạn sáng tác. Ðã đến lúc mà những nhà trí thức Việt, những vị lãnh đạo phải để ý tới những tạp chí nghiên cứu, bởi vì đó là một trong những phương tiện học hỏi, truyền bá và khuyến khích sáng tác.

Chúng tôi xin phép đề nghị cổ võ những bạn trẻ nghiên cứu hay dịch thuật những tác phẩm cổ điển của Tây phương, từ Hy lạp cho tới hiện đại. Ðây là những công việc không kém quan trọng mà chúng ta không được phép quên lãng.

6. Tổng hợp hay Siêu Việt

Khai quật và thu thập những tư tưởng mới chỉ có giá trị nếu qua công việc nầy chúng ta đi tìm ra những khám phá mới, hay tư tưởng hữu hiệu trong việc giải quyết khó khăn của dân tộc, hoặc niềm hy vọng hướng dẫn dân tộc đi vào tương lai. Ðể có thể đạt được mục đích trên, chúng ta không được phép mù quáng bắt chước hay lập lại những điều học hỏi được một cách máy móc. Chúng ta càng phải để ý tới tính chất hiệu năng của bất cứ một phương thế nào trong lịch trình tiến hóa của con người, cũng như sự cần thiết của "nhật nhật tân" (hay cập nhật tiến, aggiornamento). Nơi đây chúng tôi mạn phép đưa ra hai điều kiện trong công việc tổng hợp hay siêu việt: (1) tìm ra Việt tính (hay Việt Ðạo) và (2) Việt hóa những kết quả khảo cổ cũng như những thành quả học được từ ngoại nhân.

6.1. Việt Tính chi đạo,

Khi nói tới Việt tính chúng tôi hiểu như bản tính tất nhiên đồng thời phổ biến của dân tộc Việt, mà nếu thiếu, chúng ta không thể nhận diện được Việt dân hay Việt xã. Nói cách khác, Việt tính là tinh thần, là linh hồn của dân tộc. Do đó khi nói Việt tính mang phổ biến tính, tất nhiên tính và cá biệt tính, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cộng tính của dân tộc Việt. Cộng tính nầy tuy phổ biến giữa dân Việt song tách biệt khỏi các dân tộc khác.

Chúng ta không cần bàn thêm về tầm quan trọng của Việt tính nơi đây. Chỉ một điểm làm chúng ta phải suy nghĩ là nếu thiếu Việt tính, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng thất hương hay vô hương, vô tự ý thức. Thế nên bất cứ một dân tộc nào đều phải có một nền văn hóa cá biệt mà linh hồn của nền văn hóa đó chính là tinh thần.

Ðiểm tối yếu nơi đây bao gồm: (1) làm thế nào để phát hiện hay nhận ra Việt tính, và (2) làm thế nào để bảo vệ và vun trồng Việt tính.

Việt tính ẩn hiện trong ngôn ngữ, trong lối cấu kết của ngữ cấu, trong cách biểu tả và trong ngữ ý; rõ rệt nhất trong ngữ dụng (pragmatic). Qua cơ cấu (hay văn phạm), qua lối biểu tả, qua tính chất thực dụng của ngôn ngữ Việt, chúng ta nhận ra một tính chất cá biệt với ngôn ngữ khác, thí dụ ngôn ngữ của tây phương. Nhưng chúng ta cũng thấy Việt ngữ khác với Hoa ngữ hay cả Hán ngữ. Song Việt ngữ cũng có thể cấu tạo theo lối cấu kết của Âu ngữ hay Hoa ngữ nhưng không mất tính chất đặc thù của mình. Nơi đây, trong phạm vi của bản dự thảo, tuyên ngôn, chúng tôi xin miễn đi vào chi tiết và xin dành công việc tìm tòi cho các ngữ học gia. Chúng tôi chỉ xin phép nhấn mạnh tính chất siêu việt trong Việt ngữ.

Việt ngữ có thể tự cấu kết theo kiểu của Hoa ngữ, bao gồm tượng thanh, tượng hình, chỉ sự, hội ý, chuyển chú và giả tá. Việt ngữ cũng có thể được hình thành theo lối phát âm (phonetics), hay theo lí đơn tử (nguyên tử) như Ferdinand de Saussure từng nhận xét trong ngôn ngữ tây phương. Ðồng thời Việt ngữ giàu hơn trong cách biểu tả, một điều ít thấy trong Hoa ngữ hay Tây ngữ. Thí dụ, để diễn đạt tương quan giữa chủ thể và khách thể, Anh ngữ chỉ có I / me, You, Thou; trong Hoa ngữ chỉ có Ngộ (ngã) và Nị (nễ); trong khi Việt ngữ có Tôi, ta, tao, cha, bố , mẹ mình... cho chủ thể và mày, anh, chị, cô, bác, chú, ông, bà... cho khách thể.

Nói như thế, chúng tôi đã thấy một động lực của tổng hợp, một năng lực phát triển của Việt ngữ mà chúng tôi gọi là siêu việt tính.

Việt tính tiềm ẩn trong huyền thoại, ngụ ngôn, ca dao, vè đối. Huyền thoại Trọng Thủy - Mỵ Châu, chuyện cổ tích Bánh giầy bánh chưng, những câu sấm của Trạng... đều nói lền một tinh thần bất khuất, hòa thuận cũng như khôn ngoan của giống nòi Việt; khôn ngoan, bất khuất, yêu chuộng hòa bình, tương hộ tương thành... là những sắc thái của Việt tính.

Việt tính cũng tiềm tàng trong cơ cấu xã hội, lối tương giao giữa dân Việt, trong tổ chức hành chánh của giới bình dân... Câu nói "Pháp vua thua lệ làng" nói lên một lối hành chánh khác biệt với chế độ tập trung quyền hành.

Nói cách chung, Việt tính ần hiện trong tất cả những hành động, trong cuộc sống chung của Việt dân, và ngay cả trong niềm hy vọng mà mỗi người Việt cưu mang.

6.2. Việt tính chi phát triển

Thế nhưng, Việt tính không bất định và bất biến. Qua sự tổng hợp những văn hóa ngoại lai với nội tính, qua sinh hoạt hiện đại nhằm giải quyết vấn nạn hiện tại... Việt tính trên con đường phát triển. Công việc của triết học là vạch định, cũng như phản tỉnh và phê phán giúp Việt tính phát triển và hoàn bị. Nơi đây chúng tôi xin nhấn mạnh đến điểm thứ hai, tức phát hiện và giải quyết vấn nạn hiện tại, một điểm mà chúng tôi bàn kỹ lưỡng hơn trong Việt triết Khả Khứ Khả Tùng?

Trong phần nầy, các chuyên gia Việt đi tìm những vấn nạn ngăn trở, làm hại hay biến hóa Việt tính... như vong thân, thất hương, dị hóa, hư không, vô ý nghĩa, hoặc những vấn nạn sinh tồn của Việt dân. Nói như thế, triết gia không chỉ chú trọng tới tâm linh mà còn phải để ý tới những điều kiện căn bản như kinh tế... của nước nhà. Triết học Mã sỹ (Marxism) có một tầm giá trị đặc biệt ở điểm họ Mã phản tỉnh về những điều kiện sinh hoạt sinh tồn (kinh tế) của con người, tìm ra nguyên nhân bất công, nghèo khổ, vô nhân tính. Ðúng hay sai, Mã sỹ nói lên được một điểm quan trọng, đó là công việc phản tỉnh về sinh hoạt sinh tồn của con người là một nhiệm vụ của triết học. Khi nhận ra khuyết hay nhược điểm, cùng với chuyên gia, triết gia đi tìm giải đáp, hay ít nhất, khả thể đưa đến giải đáp cho những vấn nạn trên. Giải đáp hay hay dở tùy theo hữu hiệu tính của nó. Tính chất hữu hiệu được đo lường từ (1) tính chất tạm thời của giải đáp, tạm giữ lại tính quân bình, không biến thành có hại, (2) hoàn toàn có thể giải quyết, khiến vấn nạn biến mất và (3) không những giải quyết vấn nạn mà còn giúp con người phát triển. Triết gia không đi tìm một giải đáp tạm bợ ở giai đoạn một, song chú trọng đến giai đoạn ba, giúp con người phát triển tới một giai đoạn toàn vẹn. Trong khi đi tìm giai đoạn thứ ba, chúng ta phải bước qua hai giai đoạn đầu. Trường hợp chỉ thành công ở đợt đầu, triết học đã có đủ lực góp mặt vào cộng đồng hoàn vũ. Nếu thành công trong giai đoạn hai, Việt Triết chắc chắn sẽ có một chỗ đứng trong vũ trụ; và nếu có thể đạt tới giai đoạn ba, Việt Triết sẽ bất tử. Ðức Ky tô, Khổng Tử... bất tử chính vì quý Ngài đã vươn tới giai đoạn thứ ba của Triết học.

7. Việt Triết trong quỹ đạo địa cầu

Một số nhân sỹ có lẽ không đồng ý với nỗ lực đưa Việt Triết vào lòng thế giới. Họ có lý khi đặt ra câu hỏi: chúng ta có triết lý chi để giới thiệu cho nhân loại?

Không quá bi quan như họ, nên trong phần trên chúng tôi đã khẳng định sự hiện diện của Việt Triết trong các sinh hoạt, trong cộng tính của Việt dân, tiềm tàng trong ngôn ngữ, ca dao, luân lý, tập quán, huyền thoại, tôn giáo và kỹ thuật (hay khoa học theo nghĩa rộng). Ðiểm mà chúng ta phải làm là đào bới, tổng hợp và kiến cấu (construct) Việt Triết, cũng như phải thí nghiệm hữu hiệu tính của Việt Triết. Ðưa Việt Triết vào trong quỹ đạo toàn cầu có hai tác dụng: giới thiệu với giới triết gia hoàn vũ để học hỏi thêm, kiếm ra một tổng hợp thích hiệu hơn, và quan trọng hơn, để kiểm nghiệm tính chất hữu hiệu của Việt Triết. Nếu triết học là khoa học về nhân loại, Việt Triết không được phép đóng kín trong "Việt tỉnh", nằm trong đáy giếng, vì đó chỉ là nấm mộ của An Dương vương và Mỵ Châu mà thôi.

Ðể đi vào quỹ đạo, chúng ta phải (1) giới thiệu Việt Triết, (2) đối thoại với các nền triết khác, và (3) đưa ra một lối nhìn, chỉ đạo hay phương pháp... Việt đạo có thể đóng góp vào kho tàng trí tuệ của con người.

Trong phạm vi khó khăn, tứ cố vô thân của chúng ta, điều mà chúng ta có thể, chỉ là một cố gắng giới thiệu, cũng như nỗ lực khiến thế giới chú ý tới Việt Triết mà thôi. Ðể đạt tới một chỗ đứng vững chãi như triết Ðức hay Tàu... chúng ta phải cố gắng và vun trồng thế hệ sau.

8. Những đề nghị cụ thể trong chương trình xây dựng Việt Triết

Chương trình nầy phân ra ba đề mục chính: khai quật, tổng hợp và phát triển:

8.1.Khai quật:


Thành lập những nhóm nghiên cứu làm việc theo tinh thần cộng hoạt (team-work), thí dụ chuyên về ngữ học, huyền thoại, ca dao, văn chương bình dân, văn chương bác học, khảo cổ, xã hội, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật...

Như chúng tôi viết ở phần bốn, nhiều hiền sỹ đã làm và tiếp tục chú ý tới công việc quan trọng nầy. Những công việc của Trần Trọng Kim, Vũ Ðình Trác, Nghiêm Toản, Nguyễn Bạt Tụy... của những học giả ngoại quốc ở Viễn Ðông Bác Cổ, của những nhà truyền giáo như Lm Cadière... đáng được tuyên dương và khuyến khích tiếp tục.

Công việc nầy được bổ túc bằng cách phiên dịch hay giới thiệu những tác phẩm liên quan tới Việt học.

8.2.Tổng hợp:

Tiếp tục công việc khảo cổ bằng cách:

(1) Học tập những quan niệm, khám phá mới trong những lãnh vực trên. Nơi đây công việc dịch thuật, trước tác... giữ một địa vị quan trọng. Những vị như các Tiến sỹ Ðỉnh, Toàn, Nghiêm, Luận hay Hiến - Minh... đáng được kính trọng. Những tác phẩm của các học giả về thiền học, ấn độ giáo... đáng được khuyến khích, bởi vì thiếu công việc giới thiệu, chúng ta khó có thể làm công việc tổng hợp.

(2) Qua những học hỏi và dựa vào những khám phá ở phần khai quật, chúng ta có thể hiểu một cách thấu triệt những vấn nạn cũng như tìm ra một phương pháp thích đáng để tìm hiểu cũng như giải quyết.

Công việc tổng hợp đòi hỏi nhiều công phu và hiểu biết hơn công cuộc khai quật song không thể đơn thế vì phải dựa vào những thành quả của những học giả trên. Thế nên, nói cách chung, việc tổng hợp vẫn còn trong giai đoạn nghèo nàn. Những triết gia làm việc tổng hợp rất ít ỏi, và nếu thành công thì càng họa hiếm. Nơi đây xin tạm đưa ra một vài vị đã từng làm công chuyện nầy:

Người đầu tiên đó là ông Trần Ðức Thảo. Công việc tổng hợp của ông nhằm chứng minh tính cách khoa học của biện chứng duy vật. Tuy chỉ nằm trong phạm vi của hiện tượng học và chủ thuyết Mã-sỹ, tổng hợp của ông đã gây ra một tiếng vang trong giới triết học Pháp. Lần đầu tiên trên diễn đàn thế giới có tên một triết gia Việt. Tuy nhiên tác phẩm của ông không thể đại diện cho triết Việt, một phần vì triết học của ông nằm trong mạch văn Âu tây, một phần vì tính chất hạn hẹp của luận đề do ông đưa ra, một luận đề sai nhiều hơn đúng. Người thứ hai đáng nói là vị giáo thụ lão thành, linh mục Lương Kim Ðịnh. Khác với họ Trần, linh mục đi từ mạch nguồn Ðông phương và dân tộc, song linh mục áp dụng những phương pháp của triết học Tây phương, không những để khai quật nguồn gốc Việt, mà còn đưa ra một triết lý cá biệt của dân tộc mà linh mục gọi là Triết Lý An Vi. Sau khi từ bỏ đại học Sài gòn, Lương tiên sinh có lẽ là người có nhiều nhiệt huyết nhất trong công cuộc xây dựng văn hóa Việt và nhất là Việt Triết. Những tác phẩm của tiên sinh đã gây được một ảnh hưởng đáng kể, nếu không dám nói là quyết định, thúc giục thế hệ trẻ đi tìm kiếm Việt Triết.

(3) Tuy nhiên chúng ta phải nhận rằng, một tổng hợp đích thật vượt khỏi công việc giải thích. Việc mà Lm Kim Ðịnh đương theo đuổi chỉ thỏa mãn "tâm lý" và khát vọng của những người Việt tha thiết với văn hóa nước nhà. Một tổng hợp chân thực phải đưa ra những phương thế hay đạo sống, giúp chúng ta giải quyết vấn nạn hiện đại và phát triển cuộc sống. Vì lý do đó chúng ta nên lưu ý đến sứ mệnh phát triển văn hóa Việt.

8.3. Phát triển:

Công việc phát triển Việt Triết bao gồm hai giai đoạn: đi tìm vấn nạn, và nỗ lực tìm kiếm phương thế giải quyết vấn nạn dân tộc. Tuy giản dị, song đây là những công việc khó khăn nhất. Ðể tìm ra vấn nạn, chúng ta phải hiểu thấu triệt cuộc sống hiện đại, nắm vững truyền thống. Chúng ta cũng phải có một cái nhìn đa diện bao quát mọi môi trường sinh hoạt, và trong quỹ đạo thế giới. Nếu thiếu những điều kiện trên, chúng ta không thể bắt mạch được bệnh trạng, đừng nói là nhìn ra sự khiếm khuyết hay vô dụng của những phương thúc gia truyền. Ðể tìm ra một giải đáp thích đáng, chúng ta phải tìm kiếm, đào bới từ tất cả mọi nơi, từ những nền văn hóa khác nhau, từ những khoa học cá biệt và ngay từ nguồn gốc của văn hóa Việt... Do đó, giải quyết vấn đề không dễ dàng như chúng ta tưởng. Hơn thế, nếu phương thế mà chúng ta đề ra có thể giải quyết những vấn nạn của Việt dân, chúng ta có lý do và can đảm dùng phương thế của mình cống hiến cho nhân loại. Chỉ khi nào phương thế của chúng ta có tính chất hữu hiệu phổ quát, Việt Triết mới có một thế đứng vững vàng trong quỹ đạo hoàn cầu.

8.4. Thành lập các nhóm nghiên cứu, phiên dịch, biên soạn và tài chánh cũng như xuất bản:

1. Nhóm nghiên cứu:
Mỗi nhóm chừng năm thành viên, có tính cách chuyên môn. Nhóm có thể nới rộng tới mười thành viên tùy theo đòi buộc và nhân lực. Những nhóm nầy bao gồm:

1.1. Nghiên cứu về ngữ học
1.2. Nghiên cứu về tôn giáo
1.3. Nhóm Việt Nho
1.4. Nhóm nghiên cứu về huyền thoại
1.5. Nhóm nghiên cứu về văn chương bình dân (như ca dao, vè đối...)
1.6. Nhóm nghiên cứu văn chương bác học
1.7. Nhóm nghiên cứu về đạo đức... học
1.8. Nhóm nghiên cứu về lịch sử
1.9. Nhóm nghiên cứu về chính trị
1.10. Nhóm nghiên cứu về kinh tế
1.11. Nhóm nghiên cứu về xã hội
1.12. Nhóm nghiên cứu về âm nhạc
1.13. Nhóm nghiên cứu về nghệ thuật
1.14. Nhóm nghiên cứu về khoa học
1.15. Nhóm nghiên cứu về kỹ thuật.

 

2. Nhóm phiên dịch:
2.1. Phiên dịch triết Tây phương như Plato, Aristotle, Augustin, Thomas Aquinas...
2.2. Tư tưởng cận đại như Descartes, Kant, Hegel, Locke, Hume, Rousseau, Schelling, Fichte, Nietzche, Kierkegard...
2.3. Tư tưởng hiện đại : (a) triết Ðức như Heidegger, Jaspers, Habermas... (b) triết Pháp như Satre, Merleau Ponty, Marcel, Lévi Strauss, Ricoeur, Foucault, Derrida... (c) triết Anh như Russell, Wittgenstein, Whitehead, Quine, Pierce, Dewey... (d) triết Tàu như Phùng Hữu Lan, Hùng Thích Lập, Phương Ðông Mỹ, Ðường Quân Ý...
2.4. Các tác phẩm kinh điển tôn giáo, thần học (Một phần đã được các tu sỹ Dòng Tên tại Balê, và tiến sỹ Vũ Kim Chính, đại học Phụ Nhân, Trung Hoa thực hiện).
2.5. Các tác phẩm kinh điển về chính trị học như Quân Hoàng của Machiavelli, Cộng Hòa Quốc của Plato, Xã Ước của Rousseau, Lý Tưởng Quốc của Thomas More (Utopia)...
2.6. Dịch các bộ triết sử của F. Copleston, E. Brehier, L. Wildelband, va N. Abbagnano...

 

3. Nhóm biên soạn:

Nghiên cứu về các đề tài bao gồm các đề mục trên, mục đích đưa Việt triết vào trong quỹ đạo hoàn vũ. Những nhóm nghiên cứu nầy được thành lập tùy theo sự đòi buộc của hoàn cảnh, hội nghị quốc tế, hay nhà xuất bản...

 

4. Nhóm xuất bản:
Nếu có thể thành lập một nhà xuất bản có tính cách chuyên nghiệp, phát hành một tạp chí nghiên cứu xuất bản thành quả của các nhóm nghiên cứu hay dịch thuật trên. Sau đó có thể chọn lọc theo đề tài để xuất bản thành sách cống hiến cho giới trí thức nước nhà và những người nghiên cứu ngoại quốc, các thư viện, trung tâm văn hóa...

 

5. Nhóm (ủy ban) kinh tài:
Ủy ban được thành lập với những nhân sỹ uy tín bao gồm học giả, chuyên gia, thương gia và đại diện tôn giáo... Ủy ban nầy chọn nhân viên điều hành, kinh tài (qua các hoạt động văn hóa, chuyển khoản, hay đầu tư), và giúp các nhóm chuyên viên nghiên cứu, tổ chức hội thảo, xuất bản thành quả...

 

Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta không thể tiến hành một cách đại quy mô, song có thể đi từng bước với một nhóm nghiên cứu. Nếu thành công chúng ta có thể thành lập một Chi-Kim-Hội (Foundation), và sau đó tiến tới việc thành lập một trung tâm nghiên cứu Việt học (tương tự như Hàn Lâm Viện) tại hải ngoại.


Trở Về Trang Mục Lục | Trở Về Trang Nhà