Sứ vụ của Giáo Hội tại Việt nam

Lm. Dominique Ngô Quang Tuyên

(tgpsaigon.net)

WGPSG – Chủ đề của tài liệu làm việc (Lineamenta) của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới cho thấy một sứ mạng hết sức cấp thiết của thời đại chúng ta: Tân Phúc Âm Hóa. Đề Cương này, đã đưa ra những điểm thiết thực và cũng không ít thách đố cho Giáo hội trong tương lai. Dọi chiếu với Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, một hướng đi đã mở ra cho Giáo hội Việt Nam phù hợp với tinh thần của bản đề cương, nhất là giúp cho Kitô hữu Việt Nam bắt kịp những nhịp đập của hoạt động truyền giáo trong Giáo hội hoàn vũ.

Ta hãy trở lại với tinh thần của bản Đề Cương khi nói về Tân Phúc Âm Hóa. Tân Phúc Âm Hóa là làm cách nào để việc loan báo Tin mừng được đổi mới về nhiệt tình, về phương pháp và cách biểu hiện.

1. Nhìn từ bên ngoài

Trong những thập niên gần đây Giáo hội tại Việt Nam đã mở rộng cánh cửa hội nhập. Thay cho sự khép kín là hiệp thông; thay cho sự vun quén là chia sớt. Hình ảnh ngôi Thánh Đường cổ kính, trang nghiêm, nhường chỗ cho bầu khí cởi mở, chia sẻ. Nói khác đi, nhà thờ không còn kín cổng cao tường, mà trở thành một SÂN CHƠI cho nhiều người, không phân biệt lương giáo. Đây là nơi dân Chúa, nhất là các bạn trẻ được quy tụ để sớt chia, để học hỏi, để rèn luyện những kỹ năng sống, để tìm về lời Chúa; là môi trường giáo dục không chỉ cho những người được giáo dục mà ngay cả những người giáo dục; là nơi tìm về Lời loan báo ban đầu. Thật ý nghĩa khi ta thấy nhiều Giáo xứ đã lấy lại chữ Nhà Chung thay cho Nhà Xứ... Tất cả những điều này cũng phần nào minh chứng cho những nỗ lực không ngừng thay đổi náo trạng Kitô hữu Việt Nam trong việc đáp lại lời mời gọi Tân Phúc Âm Hóa của Giáo hội hoàn vũ.

Với ý tưởng tạo ra những sân chơi lành mạnh, nhà thờ gần như trở thành cầu nối giữa Xã hội và Giáo hội. Có những nơi có những hoạt động mạnh mẽ, khiến Chính quyền lúc đầu cũng e dè, nhưng dần dà với thời gian, họ hiểu được những gì mà Giáo hội đang làm. Nhờ những sân chơi bổ ích này, những bạn trẻ di dân, tuy là bước đầu chưa có nhiều, cảm nhận được sự đỡ nâng về mặt tinh thần, sự liên đới với Giáo hội, nhất là thấy mình được trân trọng như thành viên trong giáo xứ, nơi mình trú ngụ để làm việc; cũng nhờ đó, những giáo hữu hoặc những anh chị em lương dân cũng không ngần ngại để bước chân vào nhà xứ…

2. Các lãnh vực

Không dừng lại việc tạo môi trường tốt, tạo Sân Chơi cho mọi người, những nỗ lực của Giáo hội vươn lên không ngừng. Giáo hội chủ động đi vào các lãnh vực khác trong xã hội. Giáo hội cũng ý thức việc mình đang làm không chỉ tập trung vào một số Linh mục, Tu sĩ mà lan tỏa đến mọi thành phần trong Giáo hội, nhất là những anh chị em Giáo dân. Tất cả cùng trong tinh thần cộng tác, liên đới, hiệp thông với nhau để loan báo Tin mừng cho muôn dân.

Nói đến thành phần Giáo dân, ta thấy Giáo hội rất trân trọng, ngay tại Việt Nam, trước đây có lẽ còn do ảnh hưởng phần nào tinh thần giáo sĩ trị, và chính văn hóa Việt Nam cũng còn lạ lẫm với vị trí và những đóng góp của người Giáo dân trong tổ chức, điều hành Giáo hội, nên họ còn bị giới hạn trong việc hội nhập. Sau Công Đồng Vatican II, một luồng gió mới đã thổi vào Giáo hội, người giáo dân được mời gọi để đóng góp tích cực hơn, họ là những người không chỉ thực thi mà là những thành phần cốt cán để sớt chia sứ vụ của Giáo hội. Mới đây trong Đại Hội Dân Chúa, Giáo hội Việt Nam tái xác quyết vị trí của người Giáo dân và những đóng góp tích cực của họ, cũng như mời gọi họ cộng tác hơn nữa trong nhiều lãnh vực khác nhau, giúp tăng triển công cuộc Tái Phúc Âm Hóa.

Để thấy rõ hơn những điều này, ta cùng tìm hiểu những đóng góp của người các thành phần dân Chúa, nhất là người Giáo dân qua các lãnh vực:

3. Tổ chức:

Khơi dậy lòng nhiệt thành loan báo Tin mừng của các thành phần dân Chúa: Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân… Hầu hết các trung tâm mục vụ của các Giáo phận đều có những khóa để hướng dẫn, khích lệ, định hướng hàng năm. Những khóa bồi dưỡng này thành phần giáo dân đóng góp rất tích cực: họ không chỉ là những học viên, nhưng là những chuyên viên giảng dạy. Qua những khóa huấn luyện đã kịp thời đáp ứng cho nhu cầu của thời đại, nhất là giúp nhau tìm ra những phương pháp mới, những cách thể hiện mới trong hoạt động truyền giáo. Những nhóm này lan tỏa về các địa phương, chia thành những nhóm nhỏ để đi vào từng giới, từng thành phần giúp dễ dàng trong việc thực thi điều đã lĩnh hội. Đương nhiên, kết quả mang lại cũng khả quan hơn. Những thành phần đáng kể này phần đa là những anh chị em giáo dân.

Giáo hội nhìn nhận rằng, thái độ sống tinh thần Tân Phúc Âm Hóa ngày càng cao, đã giúp họ nghiêm chỉnh để tìm hiểu–lắng nghe–tìm ra những phương cách mới, phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin mừng của mình. Khóe nhìn và cách thực thi này mở ra chân trời mới nơi Đất Việt: việc loan báo Tin mừng không còn bị giới hạn vào một nhóm người nào mà là sự rộng mở với hết mọi thành phần.

4. Hội Nhập Văn Hóa - Đối thoại liên tôn:

Trải qua những biến động xã hội qua nhiều thập niên, Giáo hội Việt Nam đã quá kinh nghiệm và ý thức việc phải hội nhập vào nền văn hóa cần thiết ra sao. Nhờ những kinh nghiệm từ các vị Tiền bối, những thế hệ Hậu bối đã dần tránh được đầu óc Thực Dân: ép người khác theo mình. Chính lối hành xử sáng suốt này đã đánh đổ được những trì trệ, gạt bỏ được những hiểu lầm về đạo giáo, nhất là mời gọi được nhiều anh chị em, ngay cả lương dân cộng tác tích cực hơn vào sứ mạng loan báo Tin mừng. Cho dù ban đầu có thể bị giới hạn bởi hình thức công việc bác ái.

Qua những Hội Nghị về Hội Nhập Văn Hóa được tổ chức tại Tổng Giáo Phận Huế và Sài gòn, cũng thấy phần nào nói lên những nỗ lực trong việc Tân Phúc Âm Hóa của Giáo hội Việt Nam. Mục đích của những Hội Nghị này không gì khác hơn là làm sao đưa những giá trị Tin mừng vào cuộc sống; làm sao trình bày được nền Văn Hóa Tình Thương của Tin mừng mà vẫn bảo tồn và làm phong phú nền văn hóa Việt Nam. Nói cách đơn giản là ta Phúc Âm hóa văn hóa và các nền văn hóa. Việc hội nhập không chỉ nơi nền văn hóa của dân tộc Việt mà các anh em sắc tộc tại Việt Nam cũng được quan tâm nhiều hơn. Đã có những nhóm cùng với những anh em sắc tộc tìm về với nền văn hóa của họ: Giáo phận Đà Lạt, Kontum, Huế, Hưng Hóa, Lạng Sơn… Điều này đã thể hiện rõ qua Đại Hội Dân Chúa năm 2010.

Ban đối thoại Liên tôn của TGP Saigon xuất bản một tập san như một diễn đàn cho các tôn giáo chia sẻ thông tin, quan điểm, hoặc tâm tình tôn giáo, và chúc mừng nhau Những diẹp kỷ niệm của các tôn giáo... Đây là bước khởi đầu tiến trình đối thoại tôn giáo.

5. Tham gia vào lãnh vực giáo dục - y tế:

Ở đây xin dùng chữ THAM GIA, vì chúng ta chưa được đi vào các lãnh vực giáo dục trong xã hội. Tuy nhiên không vì vậy mà chúng ta không nỗ lực để tìm ra những cách thế mới trong lãnh vực này. Giáo hội Việt Nam đã mạnh dạn đề nghị với chính quyền hãy mở rộng cánh cửa giáo dục để Giáo hội tham gia. Đây không phải là đòi hỏi quyền lợi gì cho mình, nhưng là do ý thức trách nhiệm của mình trước vận mệnh đất nước, trước những đối tượng giáo dục cần được quan tâm. Giáo hội mời gọi trước mắt các cộng đoàn Kitô hữu, các đoàn thể giáo xứ, các Dòng tu hãy có những quan tâm, dồn tâm huyết và trợ giúp cho lãnh vực này.

Cụ thể hơn đó là sự cộng tác tích cực vào học đường, trước là để hiểu về con cái mình, hiểu những người được giáo dục, sau là tìm ra những phương thế để trong tinh thần đồng giáo dục, giúp cho con em mình cách thiết thực. Những lãnh vực chúng ta có thể lội vào: hội Phụ Huynh học sinh, hội những người thiện nguyện. Tuy là gián tiếp, nhưng qua đó ta có thể cùng với nhà trường giáo dục các học sinh, giúp cho chúng không chỉ đong đầy kiến thức của mình, mà còn là những con người nhân bản… và dần trở thành những người được giáo dục toàn diện.

Bên cạnh đó Giáo hội cũng có những sáng kiến như việc lập nhóm các Giáo viên không chỉ Công giáo mà tất cả những ai thao thức với vấn đề giáo dục. Trước hết, nhóm cùng nhau quan tâm đến việc giáo dục lương tâm, những giá trị nhân bản, văn hóa đối thoại theo tinh thần Tin mừng. Mục đích của nhóm là giúp cho các em tránh được thứ chủ nghĩa tương đối về luân lý và ngày càng sống xứng đáng hơn với ơn gọi làm người của mình. Từ nền tảng này hướng các em đi vào chiều sâu của giáo dục – đời sống nội tâm – dẫn các em đến gần với việc ý thức mình là Công Dân Nước Trời. Tuy bước đầu còn những giới hạn, nhưng cũng là những khơi mào cho những nỗ lực trong giáo dục. Với Giáo hội Việt Nam, đây phải kể là những bước táo bạo trong lãnh vực giáo dục.

Lãnh vực Y tế cũng có nhiều hướng như vậy, nhiều Linh mục, tu sĩ, giáo dân đã tham gia rất tích cực việc hỗ trợ bệnh nhân, già yếu, mồ côi, .v.v...

6. Sân của dân ngoại:

Học nơi tinh thần của thánh Phaolô, ngày nay Giáo hội cũng mở ra nhiều SÂN CHƠI. Những sân chơi này sao có thể đáp ứng cho nhu cầu của thời đại, nhất là những người trẻ (không phân biệt Lương-Giáo).

Giáo hội Việt Nam nhấn mạnh đến việc quan tâm đến người trẻ, bởi họ là những thành phần cốt cán, là những người đóng góp tích cực cho sức sống mới và việc loan báo Tin mừng. Vì vậy, Giáo hội mời gọi mọi người hãy lưu tâm đến những người trẻ: có những buổi phụng vụ thích hợp, lưu tâm đến việc giáo dục đức tin, đồng hành với họ, khuyến khích họ tham gia các hội đoàn, sinh hoạt cộng đồng mình đang sống…Những người trẻ không chỉ là tương lai mà còn là chính hiện tại của Giáo hội.

Giáo hội Việt Nam cũng rất nỗ lực trong việc đào tạo những linh hoạt viên giới trẻ có tinh thần truyền giáo, biết làm việc tập thể. Chính nhóm này sẽ là những người sinh động và làm cho sống động tinh thần truyền giáo của những người trẻ, để những người này ý thức hơn việc cống hiến của mình cho Giáo hội, cho Xã hội.

Có những Hội Dòng, có những Giáo xứ đã mạnh dạn đi vào những lãnh vực nóng như: nghiên cứu Game-online về Kinh thánh; trả lời cho những vấn đề của người trẻ qua phương tiện truyền thông... Lãnh vực này đạt nhiều thành quả tốt, và trong tiến trình nghiên cứu, nhiều bạn trẻ say mê tin học, và những phương tiện truyền thông cập nhật, các bạn đã có thể tự viết blog, lập các website để trao đổi những hiểu biết về Lời Chúa, Giáo huấn của Hội Thánh, .v.v... (các tu sĩ Dòng Tên quy tụ được khoảng gần 1000 em, đa phần là các sinh viên; các Giáo phận và các Uy Ban trực thuộc HĐGM, một số Giáo xứ… đều có những thành phần trẻ đảm trách). Những em này dần được giáo dục về lãnh vực truyền thông, hiểu được những giá trị do phương tiện truyền thông mang lại, họ trở thành những nhà “thừa sai truyền thông”. Những bước khởi đầu đã tốt đẹp, nhưng làm sao để có những người đồng hành với các em, có những người có con tim, có lửa truyền giáo để làm thăng hoa sự nhiệt huyết loan truyền Tin mừng của các em.

7. Những người trẻ di dân:

Đây là thành phần cần quan tâm nhiều nhất trong bối cảnh Việt Nam và các nước Á Châu hiện nay. Trong bài huấn từ cho các Giám mục Việt Nam nhân lần Ad limina năm 2009 Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã nhắn gởi: Mong rằng anh em phát triển nền mục vụ thích hợp cho các người trẻ di dân trong nước qua việc tăng cường sự hợp tác giữa các giáo phận gốc của họ và các giáo phận họ đến, và bằng việc cung cấp cho họ những lời khuyên về mặt đạo đức và các chỉ dẫn thực hành. Trong suốt 20 năm qua thành phần này đã chịu nhiều áp lực, gặp nhiều khó khăn nhất là về mặt xã hội: cơm-áo-gạo-tiền, môi trường sống, cuộc sống, y tế, đời sống tâm linh…các Giáo phận, chẳng hạn Tổng Giáo phận Sài gòn đã có những nỗ lực rất lớn, đã có những chuyên viên nghiên cứu và một đội ngũ những người thiện nguyện đồng hành với họ. Tuy vậy, sự giúp đỡ cũng còn rất giới hạn.

Đường hướng cho công việc mục vụ này: Giáo Hội không chỉ giúp họ, nhưng cố gắng biến họ thành những người cộng tác. Trước hết là khích lệ và tạo điều kiện cho họ tham gia vào đời sống và hoạt động của cộng đoàn tín hữu địa phương, sau là khơi lên nơi họ lòng nhiệt thành truyền giáo, thành men, thành muối trong công sở, trong môi trường họ sống và tiếp xúc.

Điểm đặc biệt trong lãnh vực này là nhiều di dân công giáo đã tiếp cận được các chủ doanh nghiệp để hình thành những nhóm người tiên phong bảo vệ quyền lợi công nhân. Hơn nữa nhiều giáo phận đã thành lập những nhóm chủ doanh nghiệp, công ty, để qua đó có thể đem lại sự an toàn, công bằng giúp ổn định cuộc sống của những anh chị em công nhân di dân.

8. Bảo vệ môi trường:

Đây là môi trường tinh thần, môi trường sống đạo: sự sống và phẩm giá con người, những chuẩn mực đạo đức, những tương quan trong xã hội... đang mời gọi Giáo Hội không ngừng cải thiện. Có lẽ đây là một thách đố cho việc Tân Phúc Âm Hóa, vì nó đòi chúng ta một sự mạnh mẽ, táo bạo và luôn tìm ra những phương thức phù hợp. Nói theo tâm tình của Kinh Thánh là ta hãy nỗ lực làm cho môi trường ta đang sống thực sự trở thành môi trường của Thần Khí.

Những thách đố đó là: những bất công, óc thực dân, quy nhân... khiến cho môi trường tinh thần bị ô nhiễm trầm trọng. Thiết nghị bước đầu tiên phải khởi đi là từ chính gia đình, đến làng xóm và từ đó như những hương thơm, lan tỏa ra những môi trường xã hội rộng lớn hơn.

9. Lãnh vực Giáo lý:

Các lớp giáo lý cần được quan tâm hơn để giúp các em dần ý thức việc loan báo Tin mừng. Những sáng kiến trong tiến trình huấn giáo cần phải được cập nhật cho kịp thời, để khơi gợi cho các em ý thức mình thuộc về Giáo hội, và là những nhà thừa sai cho tương lai gần.

Giáo lý dự tòng: những anh em dự tòng người dân tộc đã trở thành những người loan báo Tin mừng rất tích cực và là tấm gương sáng cho ta. Nơi một vài Giáo phận, đã có những anh chị em chưa lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội nhưng lại trở thành những nhà thừa sai, vì chính họ cảm nghiệm được nguồn ơn họ đang lãnh nhận, cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong đời sống họ. Họ đã đơn thành chia sẻ với những người anh chị em khác về những gì họ đã cảm nhận. Thực tế qua cách làm của họ đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường họ sống. Qua một vài ghi nhận từ những ngày lễ Áo Trắng đã nói lên tất cả điều này: Tin Mừng Tình Yêu vẫn có một hấp lực rất mạnh nơi kiếp nhân sinh.

Trong quá khứ, có thể một nơi trong một vài Giáo phận chưa lưu tâm đủ đến tiến trình tòng giáo. Đây là dịp rất tốt để ta canh tân và tìm ra những phương thức mới mẻ hơn và chất lượng hơn; là dịp để ta lan tỏa ánh sáng Tin mừng cho những vùng thiếu thốn các vị chủ chăn, những nơi chưa một lần tiếp chạm với Lời Thiên Chúa.

Kết:

Hẳn sẽ còn nhiều điều khiến ta quan tâm trong việc Tân Phúc Âm Hóa theo tinh thần từ bản Đề Cương và trong bối cảnh thực tế của Giáo hội và Xã hội tại Việt Nam sau Đại Hội Dân Chúa 2010. Thiết nghĩ chúng ta không chỉ ngồi ở bàn việc để tìm ra những điều này, điều kia mà trong tinh thần của nhà thừa sai: vén tay áo lên, bắt tay vào việc. Có như thế ta mới cảm thông, mới hiểu được những gì đang biến chuyển quanh ta, mới cảm nhận được những gì ta cần cống hiến…mới thấy cần Tân Phúc Âm Hóa thế nào và ra sao. Hãy mạnh dạn như Phaolô xưa: cùng với Thánh Thần chúng tôi làm chứng.

Lm. Dominique Ngô Quang Tuyên

(Tham dự Hội Thảo Truyền Giáo Tại Roma - Tháng 4-5/2012)

 


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ