Truyền đạt đức tin Kitô giáo

Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội ở trần gian không phải chỉ để gìn giữ Lời Chúa truyền lại như kho tàng báu vật. Mà Giáo Hội còn có nhiệm vụ phải tiếp tục rao truyền quảng bá Lời Chúa cho mọi thế hệ con người vượt qua mọi biên giới không gian hình thể địa lý, lằn ranh thời gian thế kỷ năm tháng ngày giờ, trong khắp mọi nền văn hóa, văn minh nơi mọi dân tộc, cùng xuyên suốt sâu tận đến tâm lý con người, cũng như những hoàn cảnh đời sống thân phận của con người.

„Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (20) dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. ´(Mt 28,19-20̣).

Trách nhiệm này Giáo Hội hằng trung thành với, và luôn hằng thao thức làm sao thực hiện cho đúng ý Chúa muốn, cùng thích nghi với hoàn cảnh đời sống con người vào mỗi không gian thời đại.

Ngày 11.10.2012 Đức giáo hoàng Benedictô XVI. đã mời gọi các Giám chức trong Giáo Hội về Roma họp Thượng hội đồng Giám mục thế giới, để thảo luaận về việc truyền đạt đức tin Kitô giáo trong lòng xã hội thế giới ngày hôm nay.

1. Thượng hội đồng Giám mục trong lòng Giáo Hội

Đức cố giáo hoàng Phaolo VI. ngày 15.09.1965 đã đưa ra sáng kiến, qua Tự sắc Apostolica sollicitudo , ấn định tổ chức thành lập Thượng hội đồng Giám mục thế giới.

Thượng hội đồng giám mục do Đức giáo hoàng triệu tập mời các Giám mục về họp, hoặc cho cả thế giới, hoặc cho một vùng châu lục tùy theo nhu cầu mục vụ việc rao giảng thực hành đức tin vào Chúa.

Thượng hội đồng Giám mục không đóng vai trò một Công đồng, cũng không là một Quốc Hội như của một quốc gia. Nhưng là một Hội nghị thu gọn dưới một hình thái đặc biệt, có chức năng cùng đồng hành cố vấn cho Đức giáo hoàng, cho Giáo triều Vatican.

Thượng hội đồng Giám mục nhóm họp cùng với Đức giáo hoàng như sợi dây liên kết nối liền các Giám mục trên thế giới, cùng bàn thảo cùng đưa ra những đề nghị, những vấn đề liên quan đến đức tin, đến truyền thống tập tục cùng kỷ cương trong đời sống chung của Giáo Hội.

Và từ 1967 cho tới ngày hôm nay đã diễn ra 13 lần Thượng hội đồng Giám mục.

2. Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 13.

Đức giáo hoàng Benedictô XVI. mời nhóm họp Thượng hội đồng Giám mục thế giới từ ngày 11. đến 28. Tháng Mười 2012 ở Vatican dưới đề tài Tân phúc âm hóa về việc truyền đạt tiếp tục đức tin Kito giáo.

Lý do chọn đề tài này làm trung tâm chính cho kỳ họp, vì tình trạng khủng hoảng đức tin Kito giáo ở các đất nước xã hội bên Tây phương. Đứng trước trào lưu tục hóa ngày càng xuống dốc xa rời các gía trị đạo đức tinh thần, chối bỏ nguồn gốc Kitô giáo trong đời sống, nhất là đức tin vào Thiên Chúa. Nên Giáo hội quan tâm lo lắng sao cho nền tảng đức tin vào Thiên Chúa được khơi dậy làm cho sống động trở lại. Cơn khủng hoảng đức tin kéo theo cơn khủng hoảng về các gía trị tinh thần làm đời sống bị bật rễ lung lay chao đảo.

„Từ khi làm giáo hoàng, Bênêdictô XVI tiếp tục ưu tư của vị tiền nhiệm Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II., đã nhiều lần lên tiếng về khủng hoảng đức tin Công Giáo nói riêng, và đức tin Kitô giáo nói chung, ở châu Âu.[4] Theo thống kê về con số, Kitô hữu vẫn gia tăng ở Á Châu và Phi Châu, nhưng con số những người hoặc công khai từ chối đức tin Kitô giáo, hoặc không sống đức tin Kitô giáo, ngày càng nhiều ở Châu âu và Bắc Mỹ. Các nhà thờ vắng bóng giáo dân. Họ không muốn đề cập đến tôn giáo trong học đường hay ngoài xã hội. Ở nước Đức, nhiều Kitô hữu rút tên mình ra khỏi danh sách đóng thuế cho nhà thờ, vì họ tự hỏi tại sao lại đóng thuế cho nhà thờ khi họ không còn tin nữa.

Bên cạnh đó, mức sinh sản của người Âu Châu thấp. Họ nghĩ đến hưởng thụ cá nhân và không nghĩ đến tương lai có con cái hay cho con cái. Ngay cả khi chết, nhiều người không muốn chôn cất theo nghi thức tôn giáo cổ truyền tốn kém, mà chỉ rải tro trên những nơi họ muốn.

Âu châu tục hoá thật sự đang trở lại thời kỳ vô thần, không theo nghĩa là không tin có Thiên Chúa, nhưng theo một dạng vô thần mới ở đó con người sống không cần Thiên Chúa, và nếu có Thiên Chúa thì Ngài cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống con người.

Khi không tin vào Thiên chúa, con người lần mò tìm kiếm cho mình một đối tượng làm căn bản cho giá trị đạo đức và trật tự xã hội. Về mặt sinh hoạt, khi Thiên Chúa và tôn giáo không giải đáp được những nhu cầu hiện tại của con người, họ đặt hy vọng vào khoa học kỹ thuật, một Vị Cứu Tinh mới của họ.

Đức Giáo hoàng lên tiếng rằng khủng hoảng Âu Châu gắn liền với khủng hoảng Giáo Hội. Với nền văn hoá Hậu Hiện Đại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, đặt nặng quyền của con người hơn là nghĩa vụ của họ đối với tha nhân, ĐTC Bênêdictô XVI đã cảnh cáo rằng con người đang tự tiêu diệt mình vì tính ích kỷ, khi con người là đối tượng mà xã hội phục tùng hơn là phục tùng xã hội. ĐTC Bênêdictô còn khẳng định rằng chỉ có một giải pháp cho khủng hoảng hiện tại là Âu Châu cần quay về với nguồn gốc Kitô giáo của mình. (Linh mục Matthêô Nguyễn Khắc Hy, “ĐTC Bênêđictô và Năm Đức Tin” ̣)

Tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới thứ 13. có 262 Nghị phụ. Đây là Thượng hội đồng Giám mục thế giới với con số Nghị phụ tham dự họp đông đảo nhất từ xưa nay. Trong số các Nghị phụ tham dự họp, có 103 Vị từ Âu châu, 63 Vị từ Bắc và Nam Mỹ châu, 50 Vị từ Phi châu, 39 Vị từ Á châu và 7 Vị từ Đại dương châu. Và trong số Nghị Phụ bao gồm 193 Đức Giám mục, 49 Đức Hồng Y, 7 Vị Thượng phụ giáo chủ, và 14 Linh mục. Ngoài ra còn có thêm những Cố Vấn, những Phụ giúp, những người thông dịch được mời cùng tham dự. Theo dự đoán, con số Tham dự viên bao gồm tất cả lên tới khoảng 400 người. Đại diện cho Hội đồng Giám mục Việt Nam có Đức Cha Giuse Vũ duy Thống và Nguyễn Năng cùng tham dự.

Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II. 1962. 11.10. 2012. Và vào ngày mừng kỷ niệm này cũng là ngày mở đầu Năm Đức Tin trong toàn thể Giáo Hội.

3. Nỗi ưu tư

Từ thời các Thánh Tông Đồ và trong suốt dọc đời sống Giáo Hội từ hơn hai ngàn năm nay, Tin mừng Lời Chúa luôn được mang tới rao truyền cho con người vào mọi thời gian cũng như không gian địa lý. Và khi Lời Chúa được mang loan truyền tới đâu, hạt giống đức tin vào Chúa cũng từ từ nẩy mầm phát sinh lên.

Giáo hội bên Âu châu được gọi như cái nôi của nền văn hóa Kito giáo, là trung tâm điểm phát xuất của Giáo Hội ra đi truyền đạt rao giảng Lời Chúa đến các vùng đất nước châu lục khác trên thế giới. Nhìn lại đọc lại lịch sử Giáo hội đất nước Việt Nam, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, rồi các nước bên Phi châu, bên lục địa Mỹ châu, người ta đều nhận ra những bước chân, những công lao hy sinh của các Vị Thừa sai đến từ Âu Châu sang loan báo tin mừng Lời Chúa làm nền tảng xây dựng cho tòa nhà đức tin, tòa nhà Giáo hội ở những xã hội đất nước này từ thế kỷ 15.

Trải qua nếp sống phát triển thịnh vượng nẩy rộ thăng hoa từ hằng nghìn năm nay, Giáo hội các nước bên Âu châu ngày nay đang biến đổi không theo chiều phát triển đi lên như xưa nữa, nhưng đang trên bước đường khủng hoảng xuống dốc về đức tin vào Chúa , về cung cách sống đức tin, nhất là nơi người trẻ.

Dấu chỉ thời đại này là mối lo âu ưu tư của Giáo Hội. Tình trạng tục hóa coi thường đức tin vào Chúa, coi Giáo Hội cũng như ngang hàng với một tổ chức, hội đoàn văn hóa xã hội, ngắm nhìn các nghi lễ Phụng vụ, các Bí Tích không còn tính thánh thiêng chất chứa ơn thánh của Chúa cho nhu cầu ơn cứu chuộc nữa, mà theo con mắt tầm nhìn suy nghĩ như là một nghi lễ trong đời sống xã hội cho nhu cầu ăn mừng của con người.

Gia đình xưa nay là cái nôi tổ ấm cho con người về đời sống thể xác cũng như tinh thần đạo giáo. Và cũng từ thửa đất gia đình, đức tin vào Chúa được gieo trồng vun xới cho phát triển lớn lên. Nhưng nay thửa đất gia đình đang trong cơn lốc khủng hoảng từ gốc rễ, bị đem ra đặt thành vấn đề, tình thương yêu, lòng quan tâm lo lắng cho nhau, cho con cái dần bị suy giảm yếu bớt đi. Tình trạng không muốn có con hay có ít con đang là vấn đề lớn đặt ra cho tương lai của xã hội và Giáo Hội trong lục địa Âu châu.

Tình trạng đòi gia đình hôn nhân không phải là hai người nam nữ nữa, nhưng là hai người cùng phái tính lập gia đình với nhau ngày càng trên đà thắng thế không chỉ là một phong trào thuộc về cảm quan tâm lý, nhưng cả trong lãnh vực luật pháp chính thức nữa. Vì người ta ngày nay cho đó là một hình thức sống của con người với nhau.

Tin vào Chúa, vào Giáo Hội, vào gía trị tinh thần đạo đức xem ra càng xa rời yếu kém phai nhạt đi nhiều so sánh với thời còn đầy tràn lòng tin đạo đức. Nhưng ảnh hưởng tinh thần Kito giáo về lối sống bác ái lòng nhân đạo nơi người Âu châu còn rất cao, rất đáng cho nể phục noi gương. Những vùng quốc gia đất nước trên thế giới xưa nay gặp hoạn nạn thiên tai cần được trợ giúp nhân đạo, người dân Âu Châu luôn sẵn lòng quảng đại ra tay giúp đỡ.

Nhìn vào nếp sống đức tin đang trên đà khủng hoảng xuống dốc bên xã hội các nước Âu châu, Giáo Hội có nhiều ưu tư lo lắng.

Nhìn vào nếp sống đức tin ngày có thêm phát triển, sống động ở bên Giáo hội các nước khác trong các vùng châu lục địa khác, Giáo Hội vui mừng hy vọng nhiều. Nhưng cũng không vì thế mà không có mối quan tâm lo lắng. Nỗi lo âu của Giáo Hội về những ảnh hưởng vũ bão đời sống văn minh vật chất xâm nhập, đây là điều xảy đến trong qúa trình toàn cầu hóa, vào đời sống xã hội cũng như Giáo Hội những nơi đó. Và trong tương lai dài hay ngắn hạn có thể sẽ làm chao đảo lung lay đời sống đức tin ở những nơi đó.

Khi thành lập Giáo Hội ở trần gian, Chúa không trao cho Giáo Hội chiếc đũa thần, hay phép thần thông biến hóa làm phép lạ, có thể chữa trị hết mọi căn bệnh, cũng như khủng hoảng chao đảo. Nhưng Ngài sai Giáo Hội đi đến với con người, sống và làm chứng cho Ngài giữa lòng đời sống xã hội. Đó là nhiệm vụ truyền giáo, rao truyền đức tin vào Chúa cho con người.

Lời Chúa trao truyền lại: „ Anh em hãy đi làm chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” ( Cv 1,8), và theo đó Giáo Hội vẽ ra bản đồ truyền giáo như sau:

Tận cùng trái đất là các biên giới tận cùng về hình thể không gian địa lý các quốc gia đất nước, không kể thành thị hay thôn quê hẻo lánh, vùng đồi núi cao hay thung lũng đồng bằng, vùng đất đã khai hoang hay còn hoang sơ.

Tận cùng trái đất là các biên giới tận cùng về thời gian, ngày, tháng, năm, thế kỷ. Làm sao Tin mừng của Chúa luôn được nói đến vào mọi thời gian.

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng về đời sống con người, như các người nghèo, người bệnh tật, người cô đơn, người bị đối xử phân biệt khinh chê, người bị xâm phạm nhục nhã, bị thiệt thòi .

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng của các lớp tâm sinh lý sâu thẳm làm nên bản thân mỗi người như tính tình, tiềm thức, vô thức, vui mừng và hy vọng, tình yêu, hận thù ghen ghét, lo âu sợ hãi...

Tận cùng trái đất là là biên giới tận cùng các nền văn minh, văn hóa, nghệ thuật, kỹ thuật, dù trải qua ở thời đại nào.

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng các ý thức hệ trong dòng đời sống xã hội con người. Tin mừng Chúa độc lập, không lệ thuộc vào những ý thức hệ đó. Tin Mừng của Chúa là ánh sáng soi đường tìm chân lý, tìm ý nghĩa đời sống, tình yêu thương và hòa bình.

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng các thử nghiệm, các đổ vỡ, cũng như thành công mà con người đã sống trải qua gặt hái được. Tin mừng của Chúa vượt lên trên những điều đó, nâng đỡ tinh thần con người trong mọi giai đoạn đời sống.

Tận cùng trái đất là biên giới tận cùng ở những nơi chối bỏ hay sao lãng quên không còn nhớ cùng nhìn nhận gía trị tinh thần luân lý đạo giáo.

Như thế theo bản đồ truyền giáo, không phải là con người đến với Tin Mừng của Chúa. Nhưng Hội Thánh mang Tin Mừng của Chúa đến với con người, và làm sao cho khuôn mặt Chúa Kito được tỏa sáng rõ nét giữa con người.

4. Đi tìm khuôn mặt Chúa Kito

Thánh Phaolo đã viết về việc đi tìm khuôn mặt Đức Kitô như sau„Chúng ta không làm như ông Môsê lấy màn che để dân Ítraen khỏi thấy khi nào cái chóng qua kia chấm dứt. (14) Nhưng trí họ đã ra mê muội. Thật vậy, cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Ðức Kitô, tấm màn ấy mới được vứt bỏ. (15) Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Môsê, tấm màn vẫn che phủ lòng họ. (16) Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi. (17) Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do. (18) Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” ( 2 Cor 3,13/18) Tất cả những công việc Giáo Hội thi hành nhiệm vụ truyền giáo Chúa trao cho là làm sao đi tìm cùng trình bày khuôn mặt Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, là tình yêu của Thiên Chúa đến trong trần gian đã sống gữa con người. Nhưng trong qúa trình như thế, nhiều khi thay vì đi tìm khuôn mặt hình ảnh Chúa Kito cùng làm cho hình ảnh Chúa được sáng tỏ rõ nét, lại bị làm cho lu mờ hay chỉ là phông nền cho hình ảnh khác do con người tự chế biến tạo ra cho nổi sáng ra hơn. 1. Thiếu tình liên đới trong đại kết „Kẻ thù của mọi việc công bố Tin Mừng là chỉ biết đến mình và theo định nghĩa, ta không thể vượt thắng được kẻ thù này bằng cách chỉ biết đến mình nhiều hơn. Ta phải trở lại với Thánh Phaolô và tự hỏi: “Ta đang nhìn đâu đây?” Có phải ta đang lo âu nhìn các vấn nạn của thời nay, những dị bản khác nhau của lòng bất trung hay các đe dọa đối với đức tin và luân lý, sự yếu kém của định chế? Hay ta đang nhìn vào Chúa Giêsu, vào khuôn mặt không bị che phủ của hình ảnh Thiên Chúa mà dưới ánh sáng của khuôn mặt này ta có thể nhìn thấy hình ảnh khác đang phản chiếu nơi ta và nơi người hàng xóm của mình?” (Ngày 11 tháng 10, tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm Hóa, Giáo Chủ Anh Giáo, Tổng Giám Mục Tiến Sĩ Rowan Williams) 2. Cùng chia sẻ hoàn cảnh cơm áo

Đức Cha Socrates Villegas của giáo phận Lingayen-Dagupan, Phi luật Tân, có suy tư về rao giảng Tin Mừng khuôn mặt Chúa Kitô cho người nghèo, nếu người truyền giảng chia sẻ sự nghèo khó của họ. “Tin Mừng có thể được giảng cho những bao tử trống rỗng, nhưng chỉ khi nào bao tử của người giảng thuyết cũng trống như bao tử các giáo dân của mình”. 3. Lòng khiêm tốn

Và ngài cũng là một trong nhiều nghị phụ nhấn mạnh tầm quan trọng của đức khiêm tốn là khuôn mặt của Chúa Kitô và liên đới với người nghèo, giữa lúc Giáo Hội Công Giáo đang nỗ lực củng cố đức tin của các tín hữu và khích lệ những người Công Giáo xa lìa Giáo Hội hãy trở về. Ngài nói: “Việc tái truyền giảng Tin Mừng kêu gọi chúng ta phải có một sự khiêm tốn mới mẻ. Tin Mừng không thể thu hút trong sự kiêu hãnh.. Theo Chúa Kitô có nghĩa là noi gương Chúa với một “cảm thức sâu xa về lòng kính trọng đối với nhân loại.. Việc rao giảng Tin Mừng đã bị thương tổn và tiếp tục bị cản trở vì sự kiêu hãnh của những sứ giả Tin Mừng”.

4.Thái độ kiêu ngạo nảy sinh từ lòng ích kỷ

Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, nói trước Thượng HĐGM rằng một chướng ngại lớn nhất mà một Linh mục hoặc một nhà thần học gặp phải, trong việc trở thành một nhà rao giảng Tin Mừng đích thực chắc chắn là thái độ kiêu ngạo, cùng với “đồng minh” của tật xấu này là sự ích kỷ. Sự ham hố và miệt mài cố gắng trở thành cao trọng, thành người đặc sắc và quan trọng khiến cho nhiều giáo sĩ trở thành những “người chăm sóc bản thân mình thay vì lo lắng quan tâm cho đoàn chiên”, như thánh Augustino đã nói.

5. Sự phối hợp truyền giáo trong xã hội đa nguyên

Theo Đức Hồng Y Filoni “Thượng HĐGM này phải làm cho chúng ta nhận thấy sự cần thiết phải có một công trình phối hợp hoạt động truyền giảng Tin Mừng, được hiểu như một cuộc rao giảng thứ nhất và mới mẻ, vì đây là một sứ vụ hoàn cầu, xét vì hiện tượng di cư của các dân tộc làm cho đối tượng của việc truyền giáo cho dân ngoại ở khắp mọi nơi, tạo nên những xã hội ngày càng đa nguyên. Ngoài ra, không thiếu những tín hữu đến từ các xứ truyền giáo, nay đang định cư tại các xã hội tây phương, mang lại sức sinh động và sự phong phú cho các giáo xứ và cộng động. Nơi các tín hữu ấy, người ta cảm nhận được đức tin tươi mát của họ, khác với những hình thức mệt mỏi và nguội lạnh của nhiều Kitô hữu kỳ cựu khác”.

6. Trong môi trường căn bệnh lạm dụng tình dục lớp tuổi vị thành niên

Đức Cha Brian Dunn, GM giáo phận Antigonish thuộc bang Canada, là giáo phận bị rúng động mạnh mẽ vị nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trong thời gian qua, đã nói với Thượng HĐGM rằng công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cũng phải đối phó với sự nghi kỵ, mất tín nhiệm và thất vọng mà những gương mù gương xấu đã để lại. “Trước cuộc khủng hoảng do nạn lạm dụng tính dục gây ra, các tín hữu Công Giáo cảm thấy rất hoang mang, và đi tới độ nghi ngờ các giáo huấn và giá trị thiết yếu đối với các môn đệ Chúa Kitô... Giáo Hội Công Giáo không thể làm ngơ trước nhu cầu cần tìm ra một phương thế để rao giảng Tin Mừng cho những người bị thương tổn trầm trọng vì những giáo sĩ lạm dụng tính dục”.

Theo Đức Cha, một trong những phương thế khả dĩ, đó là nhìn câu chuyện các môn đệ bị thất vọng trước cái chết của Chúa Giêsu, nhưng họ đã được gặp Chúa Kitô Phục Sinh trên con đường về làng Emmaus. Chúa Kitô đồng hành với họ, lắng nghe họ. Vì thế, các giáo phận phải thiết lập những cơ cấu thực sự để lắng nghe các nạn nhân và thẩm định mức độ bị thương tổn, sự thịnh nộ và thất vọng của họ trước những xì căng đan như thế.. Đồng thời Giáo Hội cần điều tra về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, thiết lập các biện pháp để bảo vệ trẻ em và những người lớn dễ bị thương tổn...Những người bị tổn thương trầm trọng kêu gọi thay đổi một số cơ cấu trong Giáo Hội, nhưng không phải chỉ có những cơ cấu của Hội Thánh phải thay đổi, cần có một sự thay đổi sâu rộng về não trạng, thái độ và tâm hồn của chúng ta trong những phương pháp làm việc với giáo dân”.

7. Hành hương thánh địa

Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo la tinh ở Jerusalem, khẳng định rằng công trình tái truyền giảng Tin Mừng phải tái khởi hành từ Jerusalem, từ Thánh Địa, là ký ức tập thể sinh động về cuộc đời của Chúa Giêsu; theo chiều hướng đó các cuộc hành hương tại Thánh Địa là cơ hội để củng cố đức tin. Đức Hồng Odilio Scherer, Tổng giáo phận Sao Paolo, nói đến ý nghĩa tầm quan trọng của những nơi thánh địa như nơi chốn nguồn của đức tin. Vì thế ngài đề nghị, cần phải học hỏi kinh nghiệm truyền bá phúc âm của thời trước, nhất là việc lấy các Thánh như gương sáng cho việc sống giữ đức tin vào Chúa.

8. Dấn thân trong đời sống xã hội

Học thuyết xã hội của Giáo hội và sự dấn thân cho sự công bằng là cánh cửa mở ra cho việc rao truyền Tin mừng. Vì thế, Đức Hồng Y Turkson đề nghị Học thuyết xã hội của Giáo Hội cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa trong việc đào tạo giáo dục của Giáo Hội. Công việc đại kết, cùng làm việc chung giữa các Tôn giáo trong công việc xã hội bác ái cần phải được thực hành sâu rộng hơn nữa.

9. Vai trò gia đình trong việc rao giảng đi tìm khuôn mặt Chúa Kitô

Đức giám mục Petru Gherghel, nước Rumania, cùng nhiều Nghị Phụ khác, đã nói đến tầm quan trọng của vai trò gia đình trong việc rao giảng Lời Chúa cùng sống đức tin. Ngài thuật lại dưới thời bị chế độ Cộng sản cai trị cấm cách giữ đạo bên nước Rumania,, gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ và tiếp tục truyền đạt Lời Chúa, đức tin vào Chúa cho con cháu. Nhờ thế mà đời sống đức tin không bị chìm biến mất, trái lại được củng cố sống động trong tâm hồn con người luôn mãi.

Đức giám mục Jose Nambi, nước Angola, đưa đề nghị nên nâng đỡ vai trò gia đình, vì gia đình là nhân tố chính yếu quan trọng trong việc tân phúc âm làm cho đức tin vào Chúa được sống động trở lại. Ngài kể lại trước đây 500 năm đất nước ngài được truyền giáo, được biết đến đức tin vào Chúa. Nhưng ngày hôm nay, Giáo Hội đất nước này đang lo lắng về những người tín hữu Chúa Kitô quay lưng lại với Giáo Hội đi theo những giáo phái khác.

Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM Phát Diệm, một trong hai Đại biểu của HĐGM Việt Nam. Đức Cha nhắc lại lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2: “Tương lai công cuộc truyền giảng Tin Mừng phần lớn tùy thuộc Giáo Hội tại gia” (FC 52).

“Thực vậy, tại Việt Nam, gia đình Công Giáo giữ một vai trò quan trọng trong việc thông truyền và nuôi dưỡng đức tin. Cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên dạy kinh và giáo lý cho con cái, nhất là trong thời kỳ bị bách hại. Nhiều gia đình, nhờ đọc kinh chung ban tối, trong đó họ suy niệm Tin Mừng, dần dần được “Phúc âm hóa”.

Nhiều người ngoài Kitô giáo, do tình liên đới, khi tham dự các lễ cưới và lễ an táng theo nghi thức Công Giáo, họ được nghe nói lền đầu tiên về ý nghĩa và các đặc tính của hôn nhân Công Giáo, ý nghĩa cuộc sống, sự sống lại và niềm hy vọng mai hậu. Thực tế là có nhiều người trở lại để học giáo lý sau khi đã được tham dự các lễ nghi phụng vụ như thế”.

************************

Thượng hội đồng Giám mục thế giới đang nhóm họp ở Vatican cùng nhau bàn thảo tìm ra phương pháp, con đường cho việc tái phúc âm hóa trong lòng xã hội ngày hôm nay. Cho dù những bàn thảo đề nghị của các Nghị Phụ có tính cách cố vấn phụ giúp ý kiến cho Đức giáo hoàng, cho giáo triều Roma. Nhưng những điều đó cần thiết cùng hữu ích cho việc chung của Giáo Hội, mà lại có liên quan chặt chẽ tới đời sống tâm linh tinh thần đạo giáo của con người. Đó là việc ơn cứu rỗi, việc đi tìm khuôn mặt Chúa Kitô.

Tân phúc âm hóa hay tái phúc âm hóa là việc giúp con người đi tìm khám phá dấu vết của Chúa trong thiên nhiên, trong đời sống, mà bấy lâu hoặc nhìn không ra, hay bị chìm vào quên lãng, hay bị hiểu sai lệch.

Lễ Khánh nhật Truyền giáo 2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long (songductin.de)


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ