Làm sao Phúc âm hóa văn hóa?

(tonggiaophanhanoi.org)

THỨ BẢY, 27 THÁNG 10 2012 23:15

Hội nhập văn hóa là một trong những đề tài nóng bỏng nhất đã và đang được đặt ra một cách gay gắt cho đức tin Ki-tô Giáo, vì đức tin này có tham vọng trở thành đức tin phổ quát, nghĩa là có khả năng và mong muốn trở thành nền tảng cho mọi nền văn hóa không phải là văn hóa nền mà từ đó Ki-tô Giáo đã được khai sinh. Đây là một vấn đề không chỉ liên quan tới việc phúc âm hóa tại các nước và trong những nền văn hóa ngoài Ki-tô Giáo, mà còn liên quan trực tiếp tới những nước phương Tây và văn hóa Ki-tô Giáo Tây phương.

Mối khủng hoảng đang kềm kẹp thế giới phương Tây hiện nay, đi đôi với sự chẩn đoán bệnh tình mà các nhà thần học và các văn kiện Tòa Thánh đã nhiều lần đưa ra - từ bệnh chủ trương tương đối, thực dụng, chủ quan, dửng dưng, đến chủ trương bất khả tri – đã khiến Ki-tô Giáo không còn làm điểm tham chiếu cho các giá trị và các lối ứng xử - phần lớn là vì Ki-tô Giáo đã không được hội nhập vào văn hóa xã hội, trong khi xã hội đã thay đổi từ thời đại này sang thời đại khác. Từ văn hóa nông nghiệp và thủ công, chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta đã bước sang văn hóa hậu công nghiệp, văn hóa tin học và truyền thông. Người ta đã có cái nhìn mới hoàn toàn về cuộc sống và thực tế. Trước đây Tin Mừng, được sinh ra trong một xã hội nông nghiệp và trong môi trường sê-mít, đã phải hội nhập vào văn hóa của xã hội Hy-La, thì nay Tin Mừng cũng cần được hội nhập văn hóa vào tình hình mới của con người và vào lịch sử đương thời của con người. Bằng không, Tin Mừng sẽ chẳng nói được gì nữa với con người, Tin Mừng sẽ không còn đáp ứng các nhu cầu, chờ đợi, thắc mắc của con người hôm nay. Đó là lý do khiến Ki-tô Giáo tại châu Âu, nhất là tại Hoa Kỳ của châu Mỹ, phải rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhưng cũng chính vì thế mà hiện nay người ta đang bàn tới một cuộc phúc âm hóa mới. Vấn đề này được đặt ra còn sâu sắc hơn nữa, khi phải loan báo Tin Mừng cho những nơi không theo Ki-tô Giáo và cho những nền văn hóa không nằm trong ảnh hưởng của phương Tây. Vấn đề không phải chỉ là làm sao cho người ta hiểu mình, làm sao cho sứ điệp trở nên có thể hiểu được (vấn đề này có lẽ không khó lắm khi đã có những kỹ thuật truyền thông), nhưng là làm sao cho Tin Mừng chẳng những không nằm ngoài các nền văn hóa, mà còn trở thành tác nhân thúc đẩy và linh hoạt các nền văn hóa ấy, không khác gì một hàn thử biểu, một điểm tham chiếu căn bản cho các giá trị và cho chính xã hội.

....một khi nói tới việc hội nhập văn hóa

Không thể coi hội nhập văn hóa là là làm sao đưa nhà truyền giáo hội nhập vào trong Giáo Hội hay đất nước mình cập bến, bằng cách yêu cầu ngài học tiếng, lịch sử, thích nghi với lối sống của địa phương. Đây chính là tiến trình tiếp biến văn hóa buộc phải có, mà bất cứ ai muốn sống trong một đất nước và trong một Giáo Hội không phải là đất nước và Giáo Hội của mình buộc phải tiến hành.

Hội nhập văn hóa không phải là học hỏi quan niệm về con người theo văn hóa hay nhân chủng học của các cộng đồng nhân loại ấy, hầu thích nghi phụng vụ hay giáo lý Giáo Hội cho phù hợp. Học hỏi như thế đúng ra chỉ là một kỹ thuật giúp truyền thông giữa hai nền văn hóa và hai tôn giáo, chỉ là phương thế cần thiết để hội nhập văn hóa. Nhưng đó không phải là cốt lõi của việc hội nhập văn hóa. Xét cho cùng, học hỏi quan niệm về con người theo văn hóa hay nghiên cứu cấu trúc của xã hội, tất cả chỉ giúp Giáo Hội ý thức rằng mình không được coi văn hóa của mỗi dân tộc như một sự kiện bên lề, có thể bỏ qua, miễn là bảo đảm truyền thông một sứ điệp có giá trị vĩnh cửu và siêu việt; nhưng như thế có thể biến sứ điệp ấy vượt ra ngoài lịch sử và thời gian. Chính văn hóa của một dân tộc nhất định nào đó sẽ trở thành cỗ xe chuyên chở ơn cứu độ phổ quát của Đức Ki-tô và làm cho ơn ấy trở thành cụ thể.

Đàng khác, hội nhập văn hóa cũng không phải là công việc của vài người, như thể công việc này hoàn toàn nằm ngoài đời sống đức tin của Giáo Hội và của các cộng đoàn tín hữu, hoặc chỉ là một việc làm song song hay là một việc làm bên cạnh đời sống đức tin của Giáo Hội. Làm thế là giết chết mọi hình thức hội nhập văn hóa và mọi hình thức cộng đoàn ki-tô hữu, khiến cho cộng đoàn ấy bị nhào nặn theo những cảm quan thần học của một số người. Có thể người ta đâm ra nghi ngờ và khó chịu đối với vấn đề hội nhập văn hóa là do chính các chuyên viên hội nhập văn hóa. Hiện nay,việc loan báo Tin Mừng và các cộng đoàn ki-tô hữu có sức sống hay không là do việc hội nhập văn hóa này: tại châu Mỹ la-tinh, hội nhập văn hóa không phải chỉ là một bổn phận, mà còn là một món nợ phải trả cho các dân tộc này. Tại Á châu, nơi các ki-tô hữu bị gọi là 'kat-ferenghi', nghĩa là sòng phẳng vì không thuộc về quốc tịch nào, Ki-tô Giáo thường đóng vai trò quan trọng trong việc đối thoại với các nền văn hóa lớn hay các tôn giáo lớn. Tại châu Phi, việc phúc âm hóa thành công là do Ki-tô Giáo tại đó có khả năng thấm nhập vào các nền văn hóa địa phương, tới tận gốc. Tại phương Tây, rất cần giải thích lại đức tin và Tin Mừng. Tuy nhiên, công việc này không phải là công việc riêng của các nhà thần học. Nó đòi phải có hay phải phát triển một cộng đoàn ki-tô hữu (một giáo hội) bắt nguồn từ đức tin Ki-tô Giáo nhưng tại một mảnh đất không phải là mảnh đất nguyên thủy của dức tin ấy và vì thế, mang những đặc điểm của mảnh đất văn hóa của nơi nó được gieo trồng (từ lối sống, các sắc giọng ngôn ngữ, các cảm nhận, cho đến cơ chế, tác vụ, v.v...). Đây cũng có thể là một thực tế khá đơn giản, không cần phải đặt thành vấn đề, nếu chúng ta không phải kéo theo một di sản lịch sử nặng nề sau lưng.

...vài yếu tố thần học

Chính hiến chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã khiến một Giáo Hội đang gặp khủng hoảng phải suy nghĩ về vai trò của mình trong thế giới hôm nay. Ở đây chúng ta không thể nào phân tích vấn đề rộng lớn này, từng bắt Giáo Hội phải tự chất vấn mình để làm cho Tin Mừng trở nên hiệu quả trong thế giới hôm nay. Điều duy nhất tôi muốn nêu lên ở đây – cũng là điều căn bẳn – chính là làm thế nào cho thấy Đức Ki-tô và sứ điệp của Ngài rất có ý nghĩa đối với con người hôm nay. Kết luận như thế không phải là dựa vào một sự phân tích từ trên xuống, mà là xuất phát từ những hoàn cảnh văn hóa, tâm linh và xã hội của con người ngày nay và của nhân loại nói chung. Đây chính là dấu chỉ thời đại rõ ràng mà Giáo Hội buộc phải đọc thấy và cũng chính là tiền đề căn bản để Giáo Hội thi hành sứ mạng. Thế nhưng, nếu bắt đầu từ chỗ phân tích thân phận con người hiện nay, ta sẽ thấy thực tế trở nên đáng thắc mắc, trở nên phức tạp, không thể xác định một lần là xong, vì không thể nhốt nó vào trong những phạm trù nhân triết học. Thế giới con người không đơn giản, không tĩnh, mà tiến hóa không ngừng. Thế giới con người không đồng nhất mà phân chia, manh mún ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta không thể nhìn thực tế một cách toàn diện và thống nhất. Chủ nghĩa thực dân đã tới hồi suy tàn, ý thức mới mẻ, các tôn giáo và các nền văn hóa lớn được tái khẳng định, cũng như các tôn giáo mang tính vũ trụ; sự tiếp xúc giữa tín đồ các tôn giáo lớn nhờ những cuộc di dân hằng loạt; các khoa học nhân văn và công nghệ phát triển, các nền văn hóa nhỏ quy định những căn tính mới trong văn hóa xuất hiện một cách ồ ạt đến bất ngờ; các giá trị tôn giáo truyền thống mất chỗ đứng; những thay đổi trong tri thức luận đang tìm cách làm cho mọi thực tại chỉ còn giá trị chủ quan; càng ngày càng có ý kiến cho thấy rằng không có tôn giáo nào đủ sức giữ tín đồ của mình lại trong cộng đoàn mình nếu không cộng tác với các tôn giáo khác; càng ngày người ta càng nhận thức rõ rằng các tín đồ của một tôn giáo không thể tự giải quyết các vấn đề nghèo đói, áp bức, bất bình đẳng, những hậu quả của những bất công trong cơ chế; tôn giáo nào cũng tìm cách trở về nguồn..., tất cả những vấn đề này và nhiều vấn đề khác nữa đang đóng một vai trò khá quyết định trong tiến trình đưa Tin Mừng hội nhập văn hóa.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta sẽ dựa vào đâu để khẳng định đưa Tin Mừng vào hội nhập văn hóa vừa là một nhu cầu vừa là một bổn phận?

Chúng ta có thể liên tưởng tới hai đòi hỏi căn bản đã khiến Giáo Hội phải triệu tập công đồng Vatican II: 1/ Cần lấy ánh sáng Chúa Ki-tô soi chiếu mọi người – ánh sáng ấy đang phản chiếu trên khuôn mặt Giáo Hội. 2/ Cần đọc và giải thích các dấu chỉ của thời đại cũng như lịch sử đương thời để ơn cứu độ của Chúa – được ban cho chúng ta dưới một hình thức lịch sử nhất định trong Đức Ki-tô – phải có mặt trong hiện tại và vì thế, có thể hiểu được cũng như trở thành cụ thể trong nhân loại hôm nay. Mục đích là "phải làm sao cho mọi người, từ nay đã được hiệp nhất với nhau chặt chẽ hơn nhờ những quan hệ xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng sẽ được hiệp nhất với nhau trọn vẹn trong Đức Ki-tô" (Lumen Gentium 1).

Giáo Hội – bí tích của Đức Ki-tô – đã xem xét các điều kiện sống của nhân loại hôm nay. Trước tiên, xem xét những gì con người có chung với nhau, thúc đẩy họ sống định mệnh chung với nhau (Nostra Aetate, 1A). Mọi dân tộc chỉ làm nên một cộng đoàn vì chỉ có một gốc là Thiên Chúa; Ngài mở rộng tầm quan phòng của mình đến mọi người. Chúa Cha – đấng tạo dựng mọi loài dựa vào Lời – sẽ nói với mọi người cũng qua Lời; toàn thể thụ tạo và lịch sử nhân loại đều mang dấu tích của Ngôi Lời. Lời là đấng soi sáng mọi người có mặt trong thế gian. Như thế, có nhiều dấu vết của Ngôi Lời trong trật tự sáng tạo và trong lịch sử tôn giáo và văn hóa của các dân tộc ấy. Mặc khải của Chúa Cha cho nhân loại, trước tiên được gởi cho hết mọi người, sau chỉ được gởi cho một dân tộc nhất định và vì thế, trở nên đầy đủ, dứt khoát, trở thành khuôn thành phép nơi Đức Giê-su người Na-da-rét.

Giáo Hội không thể làm ngơ không biết rằng trong lịch sử nhân loại đã có biết bao tôn giáo và văn hóa được thành hình, mình có bổn phận phải phân tích và đánh giá dựa vào Ngôi Lời nhập thể để đưa tất cả các tôn giáo và văn hóa ấy vào lại trong kế hoạch cứu độ. Đó chính là trước hết phải coi tôn giáo là một hiện tượng phổ quát có mặt khắp nơi trong lịch sử nhân loại ngay từ buổi ban đầu; thứ đến là phân tích và đánh giá các tôn giáo không phải Ki-tô Giáo; sau cùng là phân tích và đánh giá bản thân Ki-tô Giáo (Redemptor Hominis 11b). Có thể nói trong các tôn giáo và các nền văn hóa luôn có những mầm giống, những yếu tố, những tia sáng của chân lý và ân sủng (Nostra Aetate 2; Ad Gentes 3), phản ảnh sự phong phú của các dân tộc (Ad Gentes 11), có thể mang đến cho chúng ta những ý tưởng cụ thể về việc cứu độ của các tín đồ các tôn giáo ấy (Ad Gentes 3), không hẳn là không đi ngược Tin Mừng, nhưng cũng chẳng thể nào đồng nhất với Tin Mừng. Tất cả trông giống như những phản ảnh về một thực tại duy nhất là nhân loại, và chứng tỏ mọi người đều đang tìm kiếm Chúa.

Lập trường của Giáo Hội không phải là từ khước những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo và văn hóa, mà là tôn trọng những cách hành động, những giáo lý và những yêu cầu, phản ảnh sự thật của Ngôi Lời. Nếu vậy, sứ mạng của Giáo Hội không phải là phá hủy, mà là tiếp nhận lại và xây dựng lại các giá trị.

Sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần không chỉ đụng chạm tới các cá nhân mà cả xã hội và lịch sử, các dân tộc và các nền văn hóa, cũng như các tôn giáo. Bằng sự quan phòng tuyệt vời, Chúa Thánh Thần điều khiển thời gian và đổi mới bộ mặt địa cầu. Nhờ việc nhập thể "Thánh Thần Đức Ki-tô đã một cách nào đó kết hợp với mọi người. Không phải những con người trừu tượng, dù có thật, mà là những con người cụ thể trong lịch sử. Đó là mỗi một người...Là con người như Chúa từng muốn, từng được Chúa chọn từ ngàn xưa, được Chúa gọi, được tiền định để hưởng ân sủng và vinh quang" (Redemptor Hominis 13). Đó cũng chính là con người đã viết lên lịch sử đời mình xuyên qua biết bao quan hệ, tiếp xúc, tình huống, cơ chế xã hội, tùy theo khuôn khổ gia đình, quốc gia hay dân tộc, hoặc toàn thể nhân loại: chính những con người này là những con người Đức Ki-tô muốn liên kết và là lộ trình đầu tiên và căn bản mà Giáo Hội muốn đi qua (cf. Redemptor Hominis 13).

Như thế, chúng ta cần phải phân tích bối cảnh văn hóa và tôn giáo của các tập thể mà chúng ta muốn giới thiệu Tin mừng, để Lời Chúa và bản thân Đức Ki-tô không còn là những nhân tố siêu lịch sử, mà trái lại đi sâu vào các biến cố của con người, vì đối với con người đó chính là chút men cứu độ được vùi vào toàn bộ thực tế của con người.

1. Con người và văn hóa

Chỉ cần quan sát kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy ngay những đặc điểm cố hữu của mỗi cộng đồng nhân loại. Văn hóa có thể là vũ trụ mà mỗi cộng đồng tạo ra cho mình, với một hình ảnh nào đó của quá khứ cũng như với một viễn tượng nào đó của tương lai, với một thế giới quan nhất định nào đó, với hệ thống các mối quan hệ xã hội, các thói quen và tín ngưỡng, các phản ứng tức thời và các cách ứng xử điển hình, với một cung cách riêng trong giao tiếp và làm việc. Văn hóa là một tâm thức đặc biệt mà mỗi con người sắm lấy cho mình khi đồng hóa mình với một cộng đồng nhân loại nào đó, có cả một gia sản nhân văn truyền từ đời nọ sang đời kia. Một người đạt tới sự sung mãn nhân cách khi hội nhập một cách nhịp nhàng vào trong di sản văn hóa của cộng đồng mình. Sự hiệp thông giữa cá nhân người ấy với cộng đồng sẽ diễn ra ở chiều sâu, xuất hiện qua các nguyên tắc, các nguyên tượng chi phối tư duy và nếp sống. Nhờ đó không có người nào trở thành một cá nhân cô lập, mà luôn luôn là một ngôi vị hiệp thông với đồng loại, luôn luôn là một phần tử trong một cộng đoàn đã được xây dựng dựa trên những nền tảng thường tại, gọi là những cội rễ văn hóa.

Con người không thể đạt được chiều kích nhân bản đích thực, nếu không nhờ đến văn hóa. Nhưng văn hóa cũng tùy thuộc con người: một nền văn hóa chỉ có thể là văn hóa của con người, bằng không nó sẽ không là gì hết: "Muốn tạo dựng một nền văn hóa, cần phải nhìn nhận con người vì chính con người, chứ không vì một lý do nào khác: chỉ vì chính con người thôi" (Đức Gio-an Phao-lô II, Diễn Văn tại UNESCO, Paris, 2.6.1980). Một nền văn hóa có đặc điểm thế nào là tùy theo con người trong một bối cảnh địa lý, lịch sử, nhân chủng, khoa học nào đó. Bởi đó, văn hóa bao giờ cũng đa dạng và dị biệt. Văn hóa đến với mỗi người qua một văn hóa nhất định nào đó. Thế nên, chúng ta có thể nói văn hóa, mà cũng có thể nói các nền văn hóa. Sau thế chiến thứ hai, người ta đã từng nuôi ý tưởng về một nền văn hóa hoàn bị, nền văn hóa châu Âu mà mọi nền văn hóa khác phải liên hệ. Nhưng các phong trào quốc gia chủ nghĩa khác nhau, các chủ trương tôn giáo bảo thủ đa dạng, những đòi hỏi lấy lại căn tính dân tộc đã bị chủ nghĩa thực dân đánh mất, phản đối các mô hình mới của chủ nghĩa thực dân, tất cả những hiện tượng ấy không những đã gián tiếp khẳng định sự đa dạng trong văn hóa, mà còn gây ra tình trạng văn hóa khép kín, mệnh danh là chủ nghĩa duy văn hóa.

Chúng ta vừa nói những sự dị biệt trong văn hóa chính là những cách diễn tả khác nhau về con người – con người vừa gầy dựng vừa cổ võ sự dị biệt ấy, con người vốn tốt lành nhưng đã bị tội chi phối và đang được mời gọi đi theo Đức Ki-tô ('sequela Christi'). Giáo Hội không muốn khống chế các nền văn hóa, cũng không muốn phải nô lệ các nền văn hóa. Không được quan niệm sự duy nhất của Giáo Hội như thể đó là một mô hình độc nhất có khả năng triệt tiêu mọi mô hình khác, nhưng đó là một Giáo Hội mời gọi sự hiệp thông và coi sự đa dạng văn hóa chính là một nguồn phong phú không gì sánh được.

2. Tin Mừng và văn hóa

Đức Phao-lô VI đã cảnh báo dân Ki-tô Giáo rằng một trong những yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng của xã hội Ki-tô Giáo là sự đoạn giao giữa Tin Mừng và văn hóa. "Sự đoạn giao giữa Tin Mừng và văn hóa chắc hẳn là bi lịch lớn của thời đại chúng ta, như đã từng là bi kịch của các thời đại trước" (Evangelii Nuntiandi 20). Đức Gio-an Phao-lô II đã giải thích bản chất của cuộc khủng hoảng ấy như sau: "Mọi hoạt động của con người đều diễn ra trong khuôn khổ một nền văn hóa nào đó và là phản ứng đối với nền văn hóa ấy. Nếu Tin Mừng không xâm nhập được vào bản tính của con người, Tin Mừng sẽ không thể tăng trưởng được bằng chính bản tính loài người của mình. Con người sẽ xả thân xây dựng tương lai của mình thế nào là tủy con người quan niệm thế nào về bản thân mình và số phận của mình. Giáo Hội đóng góp được điều gì một cách đặc biệt và có tính quyết định cho nền văn hóa đích thực chính là ở bình diện này" (cf. Đức Gio-an Phao-lô II, tông thư "Centesimus Annus"). Thiên Chúa đã có sáng kiến và đã kêu gọi con người gặp gỡ Ngài trong tình yêu, mà như thế là Ngài chờ đợi con người đích thân hưởng ứng một cuộc hiệp thông giữa tâm hồn với tâm hồn. Có rất nhiều mối liên hệ giữa Tin Mừng và văn hóa. "Khi mặc khải mình cho dân tới mức bộc lộ toàn diện mình nơi người Con nhập thể của mình, là Thiên Chúa đã sẵn sàng nói năng theo những nền văn hóa khác nhau tùy theo từng thời đại" (Gaudium et Spes 58 #1).

3. Giáo Hội vượt lên trên mọi nền văn hóa

Mỗi nền văn hóa đều có tính nội tại và vì thế, văn hóa nào cũng có sự giới hạn, văn hóa nào cũng không thoát khỏi những hạn chế, khiếm khuyết và lệch lạc. "Được sai đến với tất cả mọi dân tộc thuộc mọi thời và ở mọi nơi, Giáo Hội không gắn chắt một cách độc quyền và không thể tháo gỡ được với một chủng tộc, một quốc gia, một kiểu sống, một phong tục xưa cũng như nay" (Gaudium et Spes 58#3). Không nền văn hóa nào có thể tự cho là mình đứng cao hơn các nền văn hóa khác, càng không có nền văn hóa nào dám cho là mình đại diện cho một giá trị tuyệt đối; mà "văn hóa nào cũng phải tùy thuộc sự phát triển toàn diện của con người, tùy thuộc ích lợi của cộng đoàn và của toàn thể nhân loại" (Gaudium et Spes 59 #1). Thế nên, văn hóa là để phục vụ con người và nhân loại. Và nếu như con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là phải hiện hữu một cách tùy thuộc kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa và Cứu Độ, thì văn hóa cũng phải tùy thuộc kế hoạch của Thiên Chúa. Rất cần khẳng định lại tính siêu việt này của văn hóa, nhất là hiện nay trong một thế giới đã bị tục hóa, khi Giáo Hội không còn được coi là điểm tham chiếu và vì thế có thể phải bị cô lập. Giáo Hội phải đảm trách vai trò ngôn sứ là rao giảng văn hóa Tin Mừng, dựa trên tám mối phúc thật và dựa trên định mệnh của con người, như Giáo Hội đã từng làm thế vào thời đế quốc Roma. Dĩ nhiên vai trò này hiện nay khó khăn hơn nhiều so với ngày xưa. Ngày nay, con người đang trải qua một cuộc khủng hoảng về căn tính, do những biến đổi trên cấp hành tinh đụng chạm cả những xó xỉnh xa xôi nhất của hành tinh, đến nỗi người ta phải gọi hành tinh hôm nay là ngôi làng toàn cầu chính là vì lý do này. Dường như nay không còn thời gian để chuyển từ một giai đoạn văn hóa này sang giai đoạn văn hóa khác (văn hóa nông nghiệp, thủ công, công nghiệp, thông tin). Các giai đoạn văn hóa này có thể xuất hiện cùng với nhau tại cùng một địa phương, trong cùng một thời đại và nơi cùng một tập thể. Trong lúc có nhiều nền văn hóa khác chưa được xác định rõ ràng đang thành hình, thì những điểm tham chiếu gắn liền với những mô hình văn hóa cũ lại biến mất. Đó là tình trạng khủng hoảng rất bi đát, vì các mô hình tư duy và ứng xử cũ đã bị bỏ quên hay chối bỏ, mà mô hình mới lại chưa hiện rõ. Chính trong bối cảnh này mà người ta đã lao vào tìm kiếm các căn cơ cội nguồn văn hóa của mình – lo lắng tìm kiếm và bất mãn tìm kiếm – cũng như người ta quay ra bám víu vào tất cả những gì khám phá thấy trong quá khứ của mình và thường hay chọn một vài giai đoạn lịch sử của mình để tuyệt đối hóa những giai đoạn ấy, trong một thế giới chẳng có chuẩn mực hay giá trị nào. Chủ nghĩa đề cao những gì là của bản địa đang diễn ra hiện nay chính là hình ảnh giúp chúng ta hiểu hiện tượng văn hóa đó, mà cho tới hôm nay chúng ta cũng chưa nhìn thấy hết hậu quả của hiện tượng văn hóa này, nhất là chủ nghĩa cô lập trong văn hóa, gạt bỏ những gì không thuộc về văn hóa của mình, có thể gọi là thói khiếp sợ các nền văn hóa ngoại lai, chủ nghĩa bảo thủ hay cực đoan xảy ra kèm theo đó, và sự kỳ thị và bất khoan dung.

4. Đức tin hội nhập văn hóa

Có một mối quan hệ hữu cơ và thiết yếu giữa Ki-tô Giáo và văn hóa, và từ đó giữa Ki-tô Giáo với con người trong nhân tính trọn vẹn của mình...- một mối quan hệ có sức tạo ra văn hóa trong chính nền tảng của Ki-tô giáo. Nếu văn hóa làm cho con người trở nên con người hơn, thì đúng là văn hóa có liên hệ tới định mệnh của con người, và tất cả những gì có liên quan tới định mệnh con người đều được Giáo hội quan tâm và khiến Giáo Hội có trách nhiệm đối với toàn thể nhân loại. Từ những ngày thi hành Công Vụ Các Tông Đồ tới khi phát động cuộc phúc âm hóa mới, các nhà thừa sai của Tin Mừng đã rảo khắp thế gian và loan báo Đức Giê-su Ki-tô, để Lời Chúa đi vào lòng người và khơi dậy nơi họ sự đáp trả đầy yêu thương. Từ Biển-Đức, Xi-ri-lô và Mê-thô-đi-ô đều vừa là nhà truyền giáo vừa là những thiên tài sáng tạo ra văn hóa. Ngay từ đầu, việc truyền giáo của Giáo Hội đã mang dáng dấp của một cuộc hội ngộ làm phong phú nhau giữa các nhà rao giảng Tin Mừng với các nền văn hóa khác nhau. Các nhà giảng thuyết và các nhà thần học thiên tài đều đã biết cách diễn tả điều cốt yếu của Tin Mừng, làm cho những con người chìm sâu trong các nền văn hóa thống trị thời ấy hiểu được Tin Mừng. Muốn cho con người đáp lại tiếng gọi của Chúa vừa trọn vẹn vừa nhân bản, cần làm cho con người tiếp nhận đức tin của Giáo Hội, không để cho những trở ngại văn hóa làm lu mờ đi nội dung của đức tin ấy hay không để cho người ta nghĩ rằng Ki-tô Giáo là một tôn giáo được tạo ra cho những người ngoại quốc. Con người chính là lộ trình Giáo Hội sẽ đi qua. Văn hóa con người cũng vậy. Giáo Hội phải học nói ngôn ngữ của loài người để con người biết nói ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của chính mình.

5. Hội nhập Tin Mừng vào văn hóa và phúc âm hóa văn hóa

"Cần phải phúc âm hóa – không phải chỉ để trang điểm như quét một lớp sơn hời hợt lên trên, mà là một cách sinh tử, sâu xa và đi tới tận gốc rễ - văn hóa con người và các nền văn hóa của con người, theo nghĩa vừa rộng rãi vừa phong phú cùa từ ngữ này trong hiến chế "Gaudium et Spes", luôn luôn bắt đầu từ con người và luôn luôn quay về lại các quan hệ giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa" (Evangelii Nuntiandi 20). Giáo Hội biết rằng văn hóa là một thực tế cần được phúc âm hóa, Giáo Hội phải lắng nghe con người để thông cảm với con người và phải tìm ra từ ngữ đúng đắn để cho con người trong tâm thức thời đại hiểu được nét độc đáo của sứ điệp Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng là đề nghị với con người Tin Vui cứu độ, nhưng cũng là tìm cách đi vào cái cốt lõi của các văn hóa, rồi làm nó lớn lên cho vừa với đức tin, đức cậy và đức mến Ki-tô Giáo.

Đưa Tin Mừng hội nhập văn hóa là bước vào một tiến trình vừa dài vừa cam go, có mục tiêu là biến đổi các mô hình ứng xử điển hình của một môi trường, biến đổi các tiêu chuẩn phán đoán, các giá trị đang thống trị, các phong tục tập quán xác định một cuộc sống lao động, các giải trí, đời sống gia đình, kinh tế, xã hội và chính trị.

Phúc âm hóa cũng là biết phê bình và tố giác tất cả những gì trong nền văn hóa ấy đi ngược với Tin Mừng và chống lại phẩm giá con người ở cấp độ cá nhân lẫn cộng đoàn. Nhưng tố giác những cách ứng xử phản lại con người và phản lại Tin Mừng vẫn chưa đủ. Công việc phúc âm hóa còn đòi chúng ta tìm hiểu những gì con người thời nay đang chờ đợi trong đời sống tâm linh, những nơi sứ diệp Tin Mừng có thể gặp gỡ con người hôm nay, để có thể đáp ứng những khát vọng thầm kín trong các nền văn hóa. "Mỗi khi rao giảng Tin Mừng, là Giáo Hội đang có trong tay những người đang chờ nghe để tin và để tuyên xưng đức tin... Hoạt động của Giáo Hội sẽ mang tới kết quả là chẳng những không làm mất đi tất cả những gì vốn tốt đẹp trong tâm hồn, trí óc, nghi thức và văn hóa của con người; mà còn là để chữa trị, nâng cao và hoàn thành hầu tôn vinh Thiên Chúa" (Lumen Gentium 17).

Phúc âm hóa văn hóa và hội nhập Tin Mừng vào văn hóa, chính là đưa đức tin nhập thể vào văn hóa. Khi hội nhập Tin Mừng vào văn hóa, người ta tìm cách đưa Lời Chúa đi vào toàn diện con người và những khả năng của con người. Muốn cho hành động đi đôi với bản tính con người, toàn thể con người phải được xây dựng trên nền tảng là Đức Giê-su Ki-tô. Đức tin sẽ trở thành văn hóa, khi đức tin trở thành nền tảng làm nên hữu thể, tư duy và hành động của con người. "Tổng hợp văn hóa và đức tin không phải chỉ là yêu cầu của văn hóa, mà còn là đòi hỏi của chính đức tin. Một đức tin mà không trở thành văn hóa là một đức tin chưa được tiếp nhận trọn vẹn, chưa được suy tư trọn vẹn và chưa được sống trọn vẹn".

6. Một nền văn hóa được khuôn đúc theo Tin Mừng

Việc hội nhập văn hóa cũng giống một cách loại suy với mầu nhiệm Nhập Thể: đức tin mà Giáo Hội công bố có mục đích là sẽ nhập thể vào mọi dân tộc, đón nhận lấy các nền văn hóa và phát huy sức giải thoát của Tin Mừng trong các nền văn hóa ấy, mở cửa cho mọi người tham gia sự cứu độ bằng cách đề nghị họ bước theo Đức Ki-tô trên con đường Ngài đã vạch ra. Hội nhập đức tin vào văn hóa là tạo ra một nền văn hóa hết sức nhân bản vì được cảm hứng và được khuôn đúc theo Tin Mừng và theo các giá trị của Nước Trời.

Trung thành với sứ mạng đã nhận lãnh từ Đức Ki-tô, Giáo Hội sẽ làm cho các nền văn hóa được phong phú lên nhờ hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào đó và sẽ góp phần nhân bản hóa con người và xã hội. Thật vậy, phúc âm hóa là phúc âm hóa con người và cách làm người, là phúc âm hóa con người trong văn hóa của con người, là phúc âm hóa chính văn hóa.

7. Một cách đọc Tin Mừng theo lối Á châu

Có thể nói hoạt động của các nhà truyền giáo nhằm hai mục tiêu, dù chưa hẳn là một cách có suy nghĩ bàn bạc:

a. Giữ gìn và làm sống lại các vền văn hóa địa phương

b. Ghép Ki-tô Giáo vào gốc của các nền văn hóa địa phương bằng một tiến trình tìm cách chính thức hóa các giá trị của các nền văn hóa ấy, hầu làm cho chúng được linh hoạt lại

Nếu Tin Mừng không ăn sâu, không đi tới tận gốc rễ của các nền văn hóa, Tin Mừng sẽ chỉ là một hiện tượng mau qua và hời hợt, thiếu đi sức sáng tạo và đổi mới, không đủ sức đứng vững trước những thăng trầm và biến động của lịch sử, hay những áp lực, cưỡng bách và bách hại, vẫn đang hoành hành tại Á châu.

Trong thời gian gần đây, người ta đã tổ chức nhiều cuộc tranh luận thần học lớn về tầm quan trọng và phương cách thực hiện tiến trình hội nhập văn hóa của Tin Mừng. Hơn thế nữa, đề tài đó còn được coi là nội dung thường xuyên của các họp: hội nhập văn hóa đã trở thành một cách xác nhận mọi nỗ lực truyền giáo của chúng ta. Chúng ta đã có kinh nghiệm bản thân rằng không thể thành lập Nước Chúa mà coi thường văn hóa và các nền văn hóa của con người. Dù hoàn toàn độc lập với các nền văn hóa, Ki-tô Giáo và việc phúc âm hóa không phải là không thể bắt tay với các văn hóa, mà thậm chí còn có thể đi vào các văn hóa dù không hề bị nô lệ cho các văn hóa. Sau khi đã phân tích một cách có phê bình và dự đoán, chúng ta cần ngồi lại xem làm thế nào ghép các giá trị của Tin Mừng vào trong ngóc ngách của nền văn hóa, vốn luôn luôn là nền văn hóa của con người. Đây là một công việc khó khăn ở phương Tây, nhưng ở phương Đông tất cả mọi việc này đều dễ dàng.

Thật vậy, tại phương Đông văn hóa không còn được coi là một cài gì tĩnh như một bảng liệt kê các giá trị và mô hình đã được quyết định xong xuôi và nếu có xét lại thì chỉ trong sự tưởng tượng của tập thể. Tôi muốn nói tới vùng Đông Nam Á, được coi là nơi cất giữ cuối cùng các giá trị nhân bản. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng đang chứng kiến một giai đoạn trong quá trình biến đổi. Ở đó hiện nay cũng thấy bóng dáng của một xã hội công nghệ và kèm theo đó, các mô hình sống đang thay đổi. Các nền văn hóa khác nhau đang giao thoa và thậm chí đang va chạm ngay bên trong các khối văn hóa ấy. Nếu trước đây chúng ta rất dễ xác định các khối văn hóa nguyên bản thì nay rất khó làm như thế, nếu không muốn khái quát hóa, nhưng như thế sẽ không phản ảnh đúng thực tế.

Hiện nay ai cũng muốn mở lòng tiếp nhận một thế giới rộng lớn hơn (nhờ hệ thống truyền hình vệ tinh), nhất là trong những gì liên quan tới công nghệ và các sản phẩm tiêu thụ, sự cộng tác và trao đổi trong kinh tế, hay sự va chạm với các mô hình văn hóa và tôn giáo khác.

Có thể nói hiện nay đang có thái độ vừa khép kín vừa cởi mở, vừa đối thoại vừa bảo thủ, vừa cục bộ vừa phổ quát. Các triệu chứng của thái độ ấy cũng rất trái ngược: một đàng là chối bỏ các quyền dân sự, nhất là quyền tự do phát biểu, thái độ bao dung tôn giáo, dù chỉ được nhắc tới rất ít nhưng lại đang có mặt rộng rãi, hay bạo lực, đang có mặt một cách hết sức kinh khủng ; đàng khác là mong muốn và khao khát được sống hòa bình từ trong nội tâm và có mặt khắp nơi, thích chiêm ngắm sự sống, chân thành nỗ lực và tìm cách kiến tạo sự hòa điệu của mỗi người với toàn thể, chủ trương bất bạo động, cam lòng chịu đựng và những gì thuộc về thần thánh. Đó chính là khung cảnh chung đang có mặt trong các nền văn hóa phương Đông hiện nay. Chúng ta không thể đặt mình đối diện với các nền văn hóa ấy với một cặp mắt bất lịch sự như thể mọi sự đã là thiên đàng và như thể chúng ta đã tìm ra một hệ thống các giá trị đã được hài hòa và đón nhận, chứ không còn gây tranh cãi hay tệ hơn, chưa hề được tôn trọng. Quả là một ảo tưởng lớn và cũng vì thế mà không được tự hào về nền văn hóa phương Đông, bằng không chúng ta sẽ vỡ mộng. Chỉ khi nào dám có cái nhìn quân bình và phê phán giữa các văn hóa phương Đông và phương Tây, chúng ta mới thấy một điều gì đó có ích lợi cho chúng ta. Như vậy, nhà truyền giáo phải duy trì gốc gác văn hóa của mình để bảo vệ căn tính của mình: tiến trình hội nhập văn hóa nào cũng luôn luôn đòi phải có hai thực thể hay hai ngôi vị cưu mang những nền văn hóa khác nhau. Muốn thế, cần phải loan báo Tin Mừng trên đúng tần sóng của mình thì mới có thể được tiếp thu và được coi là một thành tố ăn nhập một cách hết sức hài hòa vào một khung cảnh văn hóa nhất định nào đó.

8. Thử tổng hợp các giá trị văn hóa của Á châu

Trước tiên, hình như mỗi khi nói tới "văn hóa phương Đông", ai ai cũng hiểu đó là một nền văn hóa đối lập với nền văn hóa phương Tây. Thế nhưng, chẳng có gì sai khi chúng ta tự hỏi có một điều gì đó thực sự ăn khớp với cái mà người ta gọi là văn hóa phương Đông hay không. Chúng ta chỉ dám nói: ý tưởng về phương Đông và văn hóa phương Đông là những điều được khai sinh ra tại Trung Quốc, trước khi Nhật Bản biến thành của mình, rồi được quảng bá ra khắp các nước châu Á, đối lập với văn hóa phương Tây, thường được cho là theo chủ nghĩa duy vật, tiêu thụ và man rợ. Dù gặp nhiều khó khăn rất rõ, tôi vẫn tin rằng chúng ta luôn có thể phân biệt được một số nét có thể cho chúng ta biết cái 'hồn' ('animus') của châu Á. Trước tiên là những khái niệm văn hóa, tôn giáo và triết học, như người phương Đông đã hiểu. Đối với người Á châu cần phải khẳng định không úp mở rằng tôn giáo chính là nền tảng của văn hóa. Phân rẽ tôn giáo với văn hóa (như tại phương Tây) và ngược lại, phân rẽ văn hóa với tôn giáo (như trong Ki-tô Giáo của Hy-lạp) sẽ chẳng có nghĩa lý gì. Trong bối cảnh Á châu, nhất là tại Đông Nam Á, văn hóa và tôn giáo là hai mặt của khoa cứu chuộc học thống nhất không thể phân chia – quan niệm về sự cứu chuộc cũng là quan niệm về cuộc đời và là đường lối giúp chúng ta xây dựng cuộc đời. Bởi đó, tại phương Đông triết học và ý thức hệ trùng hợp với nhau, vì triết học và tôn giáo là hai điều không thể phân biệt. Triết học tại phương Đông chính là một quan điểm về tôn giáo và ngược lại, tôn giáo nào cũng là một quan điểm triết học về cuộc đời. Và không chỉ là một nhãn quan về thế giới, nó còn là một chương trình hành động.

Quý chuộng tôn giáo, đó chính là một cách hiện hữu và là một cách nhận thức, nhất là khi con người sâu xa (tinh thần, trái tim, linh hồn, ý thức) đã được biến đổi tận căn bởi những khổ chế và hy sinh.

Mục tiêu của những việc đạo đức này là làm sao giải cứu con người khỏi cái tôi của mình, thanh tẩy con người cho khỏi cơn khát quyền lực trên người khác và tham lam tích trữ. Trong văn hóa châu Á, không có thuật ngữ tôn giáo, chỉ có những từ rút ra từ những phương diện khác nhau của cái có thể coi là tôn giáo. Trong văn hóa châu Á, tôn giáo còn sống động hơn nhiều hơn chứ không chỉ là một vai trò của cuộc sống, bởi chưng "ethos" hay 'đạo đức' phải bao trùm toàn bộ cuộc sống con người. Điều này còn đúng hơn nữa khi nhìn vào tôn giáo của các bộ tộc, thường được xếp chồng lên văn hóa.

Một yếu tố khác cũng góp phần làm nên bối cảnh văn hóa châu Á chính là sự nghèo khó, không phải một sự nghèo khó bắt phải chịu, mà là một sự khó nghèo tự nguyện, được bày tỏ và phát huy như tâm hồn một người không còn tham lam chút nào. Chúng ta không thể giải thích sự nghèo khó này dựa trên một vài phạm trù kinh tế. Cũng vậy, không thể định nghĩa hay giải thích tôn giáo của người Á châu chỉ bằng những thuật ngữ văn hóa thuần túy.

Có thể tóm tắt ba đặc điểm xác định ranh giới tôn giáo và văn hóa của người Á châu như sau:

a. Khác biệt trong ngôn ngữ

b. Đưa những yếu tố vũ trụ vào trong các tôn giáo châu Á

c. Đông đảo các quan điểm về sự cứu chuộc ngoài Ki-tô Giáo.

9. Ngôn ngữ không đồng nhất

Châu Á phân biệt ít là bảy khu vực ngôn ngữ lớn. Mỗi ngôn ngữ chính là một cách riêng biệt cho người ta trải nghiệm sự thật và gián tiếp cho thấy sự đa nguyên về ngôn ngữ là một dấu chỉ nói lên sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa và chính trị xã hội. Mỗi ngôn ngữ là một cách trải nghiệm thực tế và mỗi tôn giáo là một cách diễn tả thực tế.

"Hãy đọc những gì mà giai cấp vô sản châu Á đã làm ra qua bao nhiêu thế kỷ, và không chỉ những tác phẩm phức tạp như kinh Vệ Đà và kinh Áo Nghĩa Thư. Trước tiên, hãy học ngôn ngữ bình dân. Hãy tham dự cac nghi thức và lễ nghi của dân Á châu bằng cách nghe các bài ca, rung động theo nhịp điệu của những bài ca ấy; hãy giữ các bước chân khi khiêu vũ, hãy thưởng thức thi ca và học cho biết các thần thoại của dân tộc ấy. Bạn sẽ thấy nhờ ngôn ngữ bạn đang nghe đó bạn được tiếp xúc với các chân lý căn bản của mỗi tôn giáo, mỗi tôn giáo diễn tả các chân lý ấy cách khác nhau; các chân lý về ý nghĩa và định mệnh của cuộc sống con người, sự giải thoát con người và vũ trụ, hay tắt một lời, đấu tranh để con người được làm người trọn vẹn".

10. Tích hợp những yếu tố vũ trụ và siêu vũ trụ

Khuôn khổ mà trong đó mỗi tôn giáo tại Á châu hoạt động luôn gồm hai yếu tố bổ sung cho nhau: một là tôn giáo của vũ trụ, được coi như nền tảng, và hai là quan điểm cứu chuộc học vượt lên vũ trụ, được coi như tòa nhà.

Nói tôn giáo vũ trụ là chúng ta muốn nói tới loại tôn giáo thường được mệnh danh là 'duy hồn'. Một đặc điểm của các tôn giáo châu Á là tôn giáo vũ trụ không bao giờ xuất hiện trong hình thức nguyên tuyền và nguyên thủy của mình, trừ khi ở những nơi mà các nhà nghiên cứu về con người hay lui tới. Thực tế mà nói, tôn giáo vũ trụ đã được đưa vào một trong ba tôn giáo siêu vũ trụ là Ấn Độ Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo. Sự thiện tối cao mà các tôn giáo này giới thiệu là một điều vượt lên trên hiện tượng, phải được thể hiện ngay lúc này và tại đây thông qua sự giác ngộ. Đây là lí do giải thích tại sao trong các tôn giáo này có chủ trương duy tâm mang tính thần bí và đan tu. Chúng được coi như những khuôn mẫu và biểu tượng của những con người đã được giải thoát. Thế nên, các tôn giáo siêu vũ trụ không bao giờ xuất hiện một cách trừu tượng, mà luôn luôn bị chi phối bởi nhãn quan tôn giao vũ trụ của một nền văn hóa nào đó. Mọi hoạt động chính trị xã hội, cũng như mọi tiến bộ khoa học và công nghệ đều thuộc về chiều kích vũ trụ của tôn giáo. Còn mọi việc nhằm giải thoát con người tự trong nội tâm thì thuộc về chiều kích siêu vũ trụ của tôn giáo. Cả hai yếu tố này hòa hợp với nhau chặt chẽ đến nỗi hệ thống tôn giáo có thể không còn giữ được sự thăng bằng là do các hoạt động vũ trụ đủ loại, hoạt động chính trị cũng như hoạt động khoa học, như đã xảy ra khi Phật Giáo tiếp xúc với công nghệ của chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội khoa học do thuyết mác-xít đưa tới.

Công nghệ cũng có giá trị nước đôi như các sức mạnh vũ trụ mà công nghệ cho là đã khuất phục được. Sử dụng công nghệ một cách thiếu phân biệt sẽ biến con người thành nô lệ - nô lệ cho tình trạng ô nhiễm, nô lệ cho chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật và biết bao điều xấu đã thấy được trong thế giới thứ nhất, Công nghệ đã cướp đi khỏi tâm trí con người những huyền thoại và nghi lễ. Liệu công nghệ có đủ sức giải thoát con người không ?

Chắc chắn không, nếu công nghệ xuất hiện dưới hình thức mà các quốc gia Ki-tô Giáo đã trao cho chúng ta. Công nghệ chỉ tìm cách khai trừ các tôn giáo vụ trụ và tìm cách thay thế các tôn giáo bằng cách tạo ra tình trạng rối loan thần kinh. Công nghệ dẹp bỏ sự nghèo khó của tôn giáo và đem lại sự giàu sang nhưng là giàu sang đồi bại. Cần phải có sự tương tác giữa công nghệ đang được đưa vào các tiến bộ của khoa học và sự khôn ngoan đang điều khiển công nghệ từ xa. Tuy nhiên, trải qua bao thế kỷ, Giáo Hội tại Á châu đã chứng kiến thấy các công nghệ khi được ứng dụng trong các tiến bộ của khoa học, không thể không bắt tay với sự minh triết đang điều khiển mọi sự từ xa. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, tại Á châu, các sức mạnh vũ trụ hay các khoa học tự nhiên đều không thể đi vào lãnh vực minh triết của tôn giáo. Đó cũng chính là nhược điểm căn bản của các hiện tượng tôn giáo tại Á châu.

11. Truyền giáo và phúc âm hóa

Khi nói tới hội nhập văn hóa, người ta cũng dùng những thuật ngữ như gặp gỡ giữa các nền văn hóa, đối thoại giữa các nền văn hóa, đối thoại liên tôn. Xét cho cùng, hội nhập văn hóa không phải chỉ là một hoạt động mà còn là cách thức thi hành việc phúc âm hóa.

Một tên gọi chung, có thể bao gồm hết mọi thuật ngữ diễn tả sứ mạng "ad gentes" hay 'đến với muôn dân', chính là sứ mạng phúc âm hóa, tức la loan báo ơn cứu độ trong Đức Ki-tô, mà mục tiêu chung cuộc là quy tụ tất cả mọi dân Chúa dưới quyền của một người cha duy nhất là Thiên Chúa. Chúng ta có truyền giáo là truyền giáo trong viễn tượng xây dựng một giáo hội hiệp thông. Chúng ta cũng phải nhắm tới mục tiêu này thì mới hiểu được việc hội nhập văn hóa.

Đối tượng hay nội dung mà việc loan báo nhắm tới là chính Đức Giê-su Ki-tô Cứu Thế, "trung tâm điểm của niềm tin và đời sống Giáo Hội". Tuy nhiên, việc loan báo, đi trước khi có đức tin, phải xuất hiện một cách đúng bài bản từ lịch sử, giống như Đức Giê-su Ki-tô Cứu Thế và ơn cứu độ do Ngài mang lại cũng đều là những sự kiện xảy ra trong lịch sử.

a. Nhìn trong viễn tượng lịch sử phổ quát, chính Ki-tô Giáo hiện nay đã bật đèn xanh cho công cuộc loan báo Tin Mừng cũng như việc quan tâm tới Đức Ki-tô. Thế nên, cộng đoàn ki-tô hữu chính là nơi chính thức loan báo về Đức Giê-su và gặp gỡ Ngài. Chỉ có thể tin vào Đức Giê-su Ki-tô, khi người ta đã gặp các ki-tô hữu tin tưởng vào Đức Giê-su Ki-tô. Cộng đoàn ki-tô hữu được mời gọi trước tiên là để sống các giá trị của Nước Trời và làm chứng Thiên Chúa là Cha cứu độ, như đã được bày tỏ nơi Đức Giê-su Ki-tô, trở thành mầm mống cho một cộng đoàn sẽ thay thế cho cộng đoàn trong thế giới mà các ki-tô hữu đang sống.

b. Khi loan báo Tin Mừng, chúng ta không được bỏ quên các mô thức trường tồn mà qua đó công trình cứu độ được thực hiện –một cách tiệm tiến, trong lịch sử và trong đối thoại. Chúng ta không thể loan báo Tin Mừng ngoài lịch sử vì như thế là sẽ thu gọn Đức Ki-tô chỉ còn là một khuôn mặt thần thoại. Phải hết sức coi trọng lời quả quyết trong tông thư "Redemptoris Missio": "Giáo Hội ban tặng cho loài người chính Tin Mừng, vì đó là văn kiện mang tính tiên tri, khi đáp ứng các đòi hỏi và khát vọng từ chính tâm hồn con người" (Redemptoris Missio 11).

c. Phải loan báo Tin Mừng một cách hiện sinh, tức là hoàn toàn tôn trọng và bằng những ngôn ngữ trong văn hóa địa phương. Đây không phải chỉ là mặc ra ngoài một lớp áo, cũng không phải chỉ là chuyển từ nền văn chương này sang nền văn chương khác. Mà kỳ thật đó là đưa sứ điệp Tin Mừng nhập thể vào bối cảnh xã hội và tôn giáo, vào nỗ lực chung và những bận tâm chung đang có hay vừa được tạo ra. Loan báo Tin Mừng trong bối cảnh lịch sử, đụng chạm tới những yêu cầu công bình, bác ái và hòa bình, sẽ giúp chúng ta dần dần phá vỡ những mâu thuẫn nội tại có mặt trong bất cứ hệ thống xã hội, văn hóa và tôn giáo nào, hướng hệ thống ấy tới chỗ thanh lọc, nâng cao và từ từ đảm nhận lấy như công đồng Vatican II đã nhắc nhở.

d. Sau cùng, phải loan báo Tin Mừng một cách căn bản, như trao một cái nhân hay một hạt giống, cần được phát triển theo thời gian, mang lấy cành, lá và quả của mỗi địa phương, nhờ Thánh Thần quyền năng và nhờ đời sống của cộng đoàn ki-tô hữu. Đây chính là lúc mỗi người phải kiên nhẫn chờ đợi lâu, chấp nhận thời gian của Thánh Thần và thời gian để thính giả hoán cải. Như thế, không thể có loan báo Tin Mừng mà không sống trong Thánh Thần và theo linh đạo đối thoại.

12. Đối thoại liên tôn

Đây chính là một yếu tố tất yếu khác để thực hiện công việc phúc âm hóa, đi kèm với việc hội nhập văn hóa. Nhờ việc này, cộng đoàn ki-tô hữu có thể phân định cách đúng đắn kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế giới. Nói thể cũng có nghĩa là Giáo Hội luôn tiếp cận một cách kính sợ và yêu thương các thực tại tôn giáo, văn hóa và xã hội mà Giáo Hội đã từng kiến tạo trong lịch sử các dân. Người ta không loan báo Tin Mừng dựa trên một trang giấy trắng, nhưng dựa trên một mô hình dù bất toàn do Thánh Thần kiến tạo từ trước.

Giáo Hội được mời gọi tham gia vào kế hoạch của Thiên Chúa muốn cứu độ thế giới. Để phân định những đau đớn lúc sinh đẻ, như đã nói trong thư Roma, và những dư chấn của Nước Trời nơi các tôn giáo và văn hóa khác, Giáo Hội phải tham gia vào một cuộc đối thoại hết sức thiện cảm để cùng với các tôn giáo và văn hóa ấy đào sâu thêm. Khi đã có đủ năng lực để phân định và nhận ra những âm vang Nước Trời nơi các tôn giáo và văn hóa khác, Giáo Hội có thể trở thành bí tích của sự hòa giải và đoàn kết.

Giáo Hội đồng hành với các tôn giáo và văn hóa khác, nhưng không vì thế mả dẹp bỏ căn tính của mình cũng như mặc khải viên mãn được ban cho mình, để ngày càng đào sâu những điều ấy và quay về với Chúa, để có thể truyền đạt cho người khác knh nghiệm KI-TÔ của mình; để có thể hiểu kinh nghiệm của người khác về Thiên Chúa và vì những lý do nào mà họ tin; để có thể cùng nhau hoán cải, nhất là hoán cải cả một hệ thống tôn giáo khi thấy hệ thống này không đáp ứng đúng tiếng gọi của Chúa và khi thấy hệ thống ấy không phải là con đường cứu độ. Mục tiêu của truyền giáo là hợp nhất, hợp nhất tất cả mọi dân tộc và tất cả mọi tôn giáo trong Đức Ki-tô, trong các nền văn hóa vừa đa dạng vừa khác biệt, và – tại sao không – trong hình thức tôn giáo riêng của mỗi tôn giáo.

Ki-tô Giáo sẽ mang hình thức nào trong tương lai? Đâu sẽ là sự hộp nhất các tôn giáo trong tương lai? Hay Ki-tô Giáo sẽ hướng tới những hình thức hội nhập văn hóa nào trong tương lai? Chúa không cho chúng ta biết những điều ấy ngay từ bây giờ. Chúng ta chỉ biết trong Đức Ki-tô Thiên Chúa sẽ trở nên tất cả trong mọi người.

Giáo Hội chỉ có bổn phận là làm ngôn sứ hòa giải và hiệp thông. Giáo Hội biết rõ nguồn duy nhất đưa tới sự kết hợp ấy chính là các giá trị của Tin Mừng hay chính Đức Giê-su Ki-tô, đấng đang nhờ Thánh Thần tiến tới gặp Chúa Cha khi kết thúc lịch sử nhân loại.

Nhìn cánh chung thế nào thì cũng thực hiện việc hội nhập văn hóa như thế. Viễn tượng ấy chính là chân trời mà chúng ta phải đặt toàn bộ hoat động phúc âm hóa của Giáo Hội vào. Chúng ta không thể quên Ki-tô Giáo là tôn giáo của tương lai, nhìn thực tế như lịch sử - mở ra cho một tương lai càng ngày càng rộng lớn hơn. Đó không phải là tôn giáo của những người đã no nê rửng mỡ, mà là của những người đang đói khát sự công chính. Tin vào Nước Trời sẽ không chỉ làm chúng ta bình an mà còn thiếu kiên nhẫn nữa.

Ki-tô Giáo là tôn giáo của tương lai tuyệt đối. Nó không đòi phải có sự chẩn đoán, cũng không cần phải đưa ra những dự phóng nằm trong lịch sử này dù hướng tới tương lai, cũng là những dự phóng vừa ý thức về sự hữu hạn vừa không quên sự hoàn bị. Ki-tô Giáo chỉ mở ra cho tương lai của Thiên Chúa, đấng sẽ hoàn thành ơn cứu độ khi nào Ngài muốn và theo cách nào Ngài muốn. Chỉ chắc một điều là Chúa đã đi vào lịch sử nhưng không tự giải quyết mọi sự ngay trong lịch sử. Ngài chứng tỏ Ngài là Chúa trong và qua lịch sử. Giáo Hội phải là Giáo hội đồng hành với con người, trong thân phận khá phức tạp vừa là thầy vừa là môn đệ, vừa là lữ khách vừa là chứng nhân, vừa là Giáo Hội cùng với người khác vừa là Giáo Hội cho người khác. Giáo Hội phải đồng hành với người khác, làm cho người khác được phong phú và để người khác làm cho Giáo Hội được phong phú dựa vào những giá trị nhân học, triết học, tu đức, thần bí của họ để rồi chia sẻ lại cho họ sự viên mãn của Đức Ki-tô. Giáo Hội phải trung thành với sứ điệp từ tạo vật cũng như sứ điệp từ Đức Ki-tô, trung thành với các truyền thống tôn giáo của nhân loại cũng như trung thành với biến cố Đức Ki-tô, bằng cách trở thành dấu chỉ ngôn sứ có thể trông thấy được về sự hiệp thông của toàn thể nhân loại trong Đức Ki-tô.

Dựa theo "Culture évangélisée" của Vito Del Prete, trong cuốn "La Bonne Terre – Réflexions sur l'Évangélisation" do Emilia Paola Pacelli, xuất bản, trực thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, Roma tháng 3/2010

Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành

 


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ