LOAN BÁO TIN MỪNG

“Anh Em hảy đi khắp tứ phương thiên hạ,

Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo  (Mc 16,15)

 

Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội với sứ mạng loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Đây là một sứ mạng lớn lao mà Đức Kitô đã uỷ thác cho toàn thể Giáo hội. Giáo Hội từ hơn hai ngàn năm qua đã cố gắng thi hành bổn phận này dưới sự soi dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, qua gương mẫu đời sống, lời giảng dạy và các Bí tích, để dẫn đưa mọi người đến với đời sống đức tin.

Có rất nhiều phương thế để loan báo Tin Mừng. Dù bằng phương thế nào, thì hoạt động của Giáo Hội bao giờ cũng phải đặt sứ vụ truyền giáo lên mức ưu tiên hàng đầu. Sứ vụ đó luôn bao gồm một lời công bố rõ ràng: “Trong Đức Kitô… ơn cứu độ được cống hiến cho mọi người, như một quà tặng của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa; đó chính là nền tảng, là tâm điểm, và đồng thời là tột đỉnh của động năng việc rao giảng. Mọi hình thức hoạt động truyền giáo đều hướng tới việc rao giảng này, nó tỏ lộ và dẫn tới mầu nhiệm vốn được giữ kín từ bao thế hệ và đã được mặc khải trong Đức Kitô - tâm điểm của việc truyền giáo” (x. RM 44; EN 22).

1. Giáo Hội xác tín về sứ mạng của mình

Công Đồng Vat. II diễn đạt về Giáo Hội như sau: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo (thừa sai), vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2).

Ba Ngôi không chỉ là nguồn mạch cho sự hiện hữu và bản chất thừa sai của Giáo Hội, nhưng còn là cùng đích: “Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thể vũ trụ biến thành Dân Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Chúa Cha Đấng Tạo Thành vũ trụ” (LG 17).

Chính niềm tin vào Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát mà thúc đẩy những Kitô hữu đầu tiên trở thành những nhà truyền giáo (x. Cv 4,10-12). Sự mặc khải và ban tặng nầy là duy nhất và chuẩn mực cho tất cả, nên sứ vụ Kitô giáo mang một giá trị liên tục và cấp thiết. Đánh mất sự  tập trung vào Đức Kitô trong việc Phúc Âm hóa là đánh mất căn tính của sứ vụ Kitô giáo. Xấu hổ về Đức Kitô là kết quả của sự xấu hổ về sứ vụ Kitô giáo, và cuối cùng là xấu hổ về Thiên Chúa và nhân loại. Đức Kitô là con đường duy nhất cho Giáo Hội, cho mỗi người và mọi người, để dẫn đưa tất cả về nhà Cha (x. RH 38).

Trong sứ mạng này, Giáo Hội biết rằng, ý muốn cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô thì không đối lập, không độc lập, cũng không chạy song song với các trung gian cứu độ của những tôn giáo khác, nhưng chúng thành lập một điều cơ bản cho nhau.

Đức Gioan Phaolô II đã minh định: “Tuy không loại trừ những thứ loại và cấp bậc trung gian khác, nhưng những trung gian nầy chỉ có thể có ý nghĩa và giá trị do từ trung gian duy nhất của Chúa Kitô, và những trung gian đó không thể được coi là song hành hay bổ sung cho trung gian của Đức Kitô” (RM 1).

Trước bối cảnh đa phức tôn giáo hôm nay, thì nhiệm vụ của chúng ta là mạnh dạn dấn thân vào con đường đối thoại với tất cả khả năng của trí tuệ, sức mạnh của con tim và niềm tin tưởng lạc quan nơi quyền năng Thiên Chúa, Đấng tác tạo và hướng dẫn muôn vật theo kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Ngài.

Giáo Hội xác quyết rằng, “Sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, cũng như sứ mệnh của Chúa Giêsu, là công việc của Thiên Chúa, hay nói theo thánh Luca, là công việc của Chúa Thánh Thần” (RM 24). Chúa Thánh Thần là tác nhân siêu việt và chính yếu của sứ vụ Giáo Hội. Chính Ngài thúc đẩy mỗi người loan báo Tin Mừng, và từ chiều sâu ý thức, Ngài làm cho người ta đón nhận và hiểu Lời cứu độ. Cũng chính Ngài liên tục gieo những hạt giống chân lý giữa các dân tộc, tôn giáo, văn hóa và triết học của họ (x. RM 36).

Nhờ Chúa Thánh Thần, vị Thầy Nội Tâm, gương mặt và giáo huấn của Chúa Kitô sẽ tỏ hiện lên trong lòng người đón nhận, và đặc biệt hơn trong chính cuộc đời và bản thân của người truyền giáo. Do đó, trong việc truyền giáo, đời sống nội tâm của người truyền giáo là vấn đề căn bản để cho các hoạt động, lời nói và chính đời sống mình trở nên dụng cụ trung thực và sống động của Chúa Thánh Thần.

2. Ý nghĩa và nội dung của việc Truyền Giáo [1]

“Truyền giáo” là một danh từ có gốc tiếng Latinh: Missio, động từ là Mittere. Một trong những nghĩa thường được hiểu là gửi đi, sai phái đi để làm một công tác quan trọng. Chính Đức Giêsu được Đức Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ con người và mọi loài thụ tạo, và các môn đệ cũng được Đức Giêsu sai đi trong sứ mạng cao cả này.

Chúng ta nói nhiều đến việc truyền giáo, nhưng mỗi người lại hiểu theo một ý nghĩa và khía cạnh khác nhau, khiến nó dễ trở nên nhập nhằng. Vì thế, cần xác định lại ý nghĩa và mục đích của công việc truyền giáo theo giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Ở đây chỉ nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh truyền giáo “Ad Gentes” (Đến với muôn dân) và Thông điệp “Redemptoris Missio” (Sứ mệnh Đấng Cứu Thế).

a. Theo “Ad Gentes” số 6:

- Công việc truyền giáo là công tác tông đồ đối với anh chị em chưa biết Chúa Giêsu. Tiêu chuẩn để xác định việc truyền giáo là tiêu chuẩn Đức Tin chứ không phải tiêu chuẩn kinh tế (người nghèo hay giầu), xã hội (người bị bỏ rơi, bị áp bức) hay chủng tộc (sắc dân).

- Mục đích cụ thể là rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, để người ta biết và tin vào Ngài. Sau đó, qui tụ những người tin thành cộng đoàn, nghĩa là thiết lập các Giáo Hội địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề phải nêu lên mà phải đợi đến 25 năm sau với Thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” mới xác định rõ ý nghĩa của việc truyền giáo và đặt nó trong tương quan với các công tác tông đồ khác.

b. Theo Thông điệp “Redemptoris Missio”, số 33-34 & 37.

Truyền giáo là rao giảng cho mọi người những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy và dẫn dắt họ trở thành môn đệ của Ngài, rửa tội cho họ: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19-20). Đây là sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội và phải được thực hiện mọi nơi, mọi đời. Tuy nhiên, Thông điệp phân chia đối tượng của sứ mệnh Giáo Hội thành 3 nhóm, với 5 công tác khác nhau, mỗi công tác có mục đích và đặc tính riêng của nó, như mô hình dưới:

http://phatdiem.org/photo/tonghop/baiviet/TRUYEN_GIAO/truyengiao_tanphucam/trg1.jpg

Mặc dù phân chia như trên, nhưng thực tế, việc Tân Phúc Âm hóa và truyền giáo gắn kết làm một với nhau. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi thấy đã đến lúc phải huy động tất cả sức lực của Giáo Hội vào việc tân phúc âm hóa và vào công việc truyền giáo. Không tín hữu nào của Chúa Kitô, không cơ cấu nào của Giáo Hội có thể đứng ngoài lề bổn phận tối hậu này là rao giảng Chúa Kitô cho mọi dân tộc” (RM 3). Không thể truyền giáo nếu thiếu Tân Phúc Âm hóa, vì đó là công tác tông đồ cho một đối tượng cụ thể là những giáo dân trong tình trạng đức tin đã cũ kỹ, hao mòn và lệch lạc, để giúp họ sáng lên một niềm tin mới sâu xa và linh động hơn.

 Làm sáng lên một niềm tin mới không phải vì nội dung Phúc Âm đã thay đổi, hay việc rao giảng Phúc Âm trước đây không đúng, nhưng vì con người hôm nay đã thay đổi não trạng và cái nhìn về mọi phương diện, cách riêng là phương diện tôn giáo, luân lý. Chẳng hạn những gì là tội từ bản chất giờ đây biến thành bình thường trước trào lưu của xã hội vô thần và tục hóa. Tân Phúc Âm hóa là làm mới lại lòng xác tín sâu xa về Lời Chúa, mới về lòng nhiệt thành, mới về phương pháp và cách diễn tả,[2] cho phù hợp với con người thời đại, để tinh thần Phúc Âm có thể thấm nhập vào mọi sinh hoạt của con người.

Đức Gioan Phaolô II đã nói đến những tình trạng phải được Tân Phúc Âm hóa như sau: “Nhiều quốc gia, trước đây có một đời sống Kitô phồn thịnh và có khả năng làm phát sinh những cộng đồng đức tin sống động, nay bị thử thách nặng nề hay có khi bị biến đổi sâu sa vì những hiện tượng thờ ơ, tục hóa và vô thần... Tại các vùng khác trên thế giới, các truyền thống đạo đức và các tâm tình công giáo vẫn còn được bảo tồn sống động, nhưng các gia sản thiêng liêng đó đang gặp nguy cơ bị tan biến dưới sức mạnh của nhiều trào lưu, trong đó có trào lưu tục hóa và sự lan tràn của các giáo phái. Chỉ có cuộc Tân Phúc Âm hóa mới có thể đoan chắc cho đức tin thăng tiến tinh nguyên và sâu xa, có khả năng làm cho những truyền thống ấy trở thành một sức mạnh tự do thật” (CF 34).

Vì vậy mà Thượng Hội Đồng Giám mục 2012 đã khai triển sâu rộng chủ đề: “Tân Phúc Âm Hóa nhắm đến việc truyền đạt đức tin”. Điều phải được lưu ý đặc biệt trong việc tân phúc hóa chính là tinh thần và việc dấn thân truyền giáo. Con số thống kê sau đây cho ta thấy được mức độ còn bé nhỏ của Công Giáo trên thế giới.

http://phatdiem.org/photo/tonghop/baiviet/TRUYEN_GIAO/truyengiao_tanphucam/trg2.jpg

Riêng tại Châu Á, số người Công giáo ở mức độ quá thấp:

Châu lục

Dân số

Công giáo

Tỷ lệ

Châu Phi

993.400.000(+19.983.000)

179.480.000(+6.530.000)

18,07% (+0,3)

Châu Mỹ

921.824.000(+8.744.000)

582.012.000(+5.863.000)

63,14% (+0,04)

Châu Á

4.115.586.000(+47.702.000)

125.860.000(+1.814.000)

3,06% (+0,01)

Châu Âu

710.959.000(+1.850.000)

284.030.000 (+597.000)

39,95% (-0,02)

Châu Đại Dương

35.830.000 (+967.000)

9.283.000 (+147.000)

25,93% (-0,3)

TC

6.777.599.000(+79.246.000)

1.180.665.000(+14.951.000)

17,42% (+0,02)

Đứng trước thiên niên kỷ mới, Đức Gioan Phaolô II đã khuyến khích: “Hơn bao giờ hết, hôm nay Giáo Hội có cơ hội thuận tiện để đưa Phúc Âm đến cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, qua chứng nhân cuộc sống, hoặc bằng lời nói. Tôi thấy đang ló rạng một kỷ nguyên truyền giáo và sẽ bừng sáng rạng rỡ và nặng trĩu hoa trái, nếu tất cả mọi kitô hữu, đặc biệt các nhà tông đồ truyền giáo và các giáo hội trẻ đáp lại những kêu gọi và thách đố của thời đại với lòng quảng đại và sự thánh thiện” (RM 92).

3. Nhìn lại công cuộc truyền giáo tại Việt Nam

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã mừng kỷ niệm hai sự kiện lớn trong lịch sử truyền giáo của mình: 350 năm thành lập hai địa phận tông toà và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm. Hai sự kiện này nói lên mức độ trưởng thành của một cơ cấu tổ chức.

Sau khi Lời Sự Sống được gieo trồng trên quê hương Việt Nam, vì nhiều lý do phức tạp, người ta cố tìm cách để trù dập hay thậm chí là muốn nhổ tận gốc mầm của Lời Sự Sống. Dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị rồi Tự Đức, Giáo Hội tại Việt Nam tưởng chừng như không còn đất sống. Nhưng lạ thay, những cực hình, những đòn tra tấn tàn bạo và những cuộc bố ráp để diệt tận gốc đã không làm suy giảm đức tin của các tín hữu nhưng lại làm cho đức tin ấy kiên cường và ngời sáng hơn. Từ năm 1833 đến 1862 là thời kỳ bách hại đạo nghiệt ngã, nhưng số tín hữu vẫn không ngừng gia tăng từ 320.300 vào năm 1800 lên đến 426.000 vào năm 1855.

Thời kỳ cấm cách qua đi, bầu trời trở lại bình yên, Giáo Hội có nhiều cơ hội để thể hiện chính mình hơn. Nhưng nghịch lý thay, càng được yên ổn bao nhiêu thì công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội lại càng ít phát triển, nếu không nói là giậm chân tại chỗ. Theo thống kê của Thánh Bộ Truyền Giáo, chúng ta thử lấy hai con số cách nhau hơn 30 năm để so sánh số thống kê sau đây:

Năm

1970

1990

1993

2004

2010

Dân số

31.993.143

63.286.000

70.257.700

82.320.147

86.927.700

Công giáo

  2.679.776

  4.341.976

  4.641.677

 5.667.428

  6.187.486

Tỷ lệ

8,37%

6,86%

6,60%

6,88%

7,11%

Kết quả so sánh trên cho thấy công cuộc truyền giáo gần như hoàn toàn bị ngưng trệ. Lý do nào đã đưa đến tình trạng như vậy? Linh mục FX Trần Kim Ngọc có bài viết về truyền giáo với đề tựa: “Thiếu lửa truyền giáo tại Việt Nam?”[3]. Đề tài là một câu hỏi, nhưng trong thực chất nội dung là một lời xác quyết. Tác giả đưa ra 5 lý do vì sao thiếu lửa truyền giáo tại Việt Nam:

1) Thiếu nhân lực truyền giáo; 2) Thiếu đào tạo; 3) Thiếu tổ chức; 4) Thiếu mục tiêu; 5) Thiếu cộng tác.

Nói là thiếu nhưng thực tế lại rất thừa trên nhiều phạm vi hoạt động khác của Giáo Hội, do thiếu sự phân bổ để ưu tiên cho việc truyền giáo. Dù việc truyền giáo được quan tâm và nói đến nhiều, nhưng không được huy động toàn lực để thực hiện, mà chỉ là những hô hào, những phong trào, những làn sóng nổi dậy theo từng dịp, từng lúc, rồi đâu lại vào đấy. Các tổ chức, hội đoàn, dòng tu, giáo phận, giáo xứ... đều lấy việc truyền giáo làm mục tiêu chính, nhưng lại thiếu đào tạo, thiếu kế hoạch, nhất là chẳng có tổ chức nào chuyên về việc truyền giáo.

Ngoài ra, còn vài nhân tố quan trọng khiến suy yếu tinh thần truyền giáo[4]:

- Trước hết là do não trạng của người Công giáo Việt Nam hôm nay mang nặng tính cách văn hóa gia đình, làng xóm, cục bộ, chỉ đóng khung trong giáo xứ của mình. Từ đó chỉ lo ganh đua và hơn thua với nhau về danh giá, lợi lộc và những hình thức bên ngoài, đâu còn thời giờ và tâm trí để nghĩ đến việc truyền giáo?

- Thứ đến còn do một thứ tâm lý lệ thuộc và “ăn xin” phát xuất từ cơ cấu văn hóa đẳng cấp thái quá và tình trạng dân bị trị, nghèo đói. Thứ tâm lý này đưa đến cách suy nghĩ và hành động trông chờ, xin xỏ chứ không dâng hiến, cho đi.

- Hơn nữa, trong nhiều giáo xứ, giáo dân ít được gây ý thức về truyền giáo, càng không có tổ chức và kế hoạch để đưa giáo dân vào hoạt động. Trước tình trạng này, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã đặt vấn đề phải chăng “Chương trình huấn luyện trong các Chủng viện, Nhà tập, Học viện…: thiếu môn truyền giáo hoặc có học mà không có hành, có huấn mà không có luyện”.

Biết rằng phần đông các giáo xứ đều quan tâm thực hiện công việc bác ái xã hội, chăm lo cho những người nghèo khổ, tật nguyền, neo đơn, bị bỏ rơi... Nhưng nếu việc bác ái xã hội không gắn liền với công cuộc truyền giáo thì chẳng ăn nhằm gì! Người nghèo không bao giờ thiếu trong đời ta (x. Ga 12,8), nhưng cần tận dụng mọi cơ hội để cho họ chính Đức Kitô (x. 2Tm 5,2). “Chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới được giải thoát khỏi mọi vong thân và hư hoại” (x. RM 11).

Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris Missio cũng cho thấy việc bác ái từ thiện không thể thay thế cho việc loan báo Tin Mừng. Sứ mạng đến với muôn dân không chỉ ở việc cho người ta cơm áo gạo tiền, nhưng trên hết phải mang sứ điệp cứu độ của Đức Kitô đến cho họ. Thánh Phêrô đã làm rõ sứ mạng đó: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3, 6).

Trong thông điệp Deus Caritas est, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến ba chiều kích của Giáo Hội theo thứ tự ưu tiên: rao giảng Đức Kitô (truyền giáo); cử hành mầu nhiệm Đức Kitô (phụng vụ); thực thi đức ái (tông đồ bác ái). Đức Kitô phải là ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ đến với muôn dân.

Dù có bao nhiêu hoạt động tông đồ khác, nhưng nếu Đức Kitô không được rao giảng thì Giáo Hội vẫn còn cuộn tròn trên chính mình, không thể phát triển theo ý định của Thiên Chúa.

4. Truyền giáo: nhiệm vụ của mọi Kitô hữu

Sứ vụ truyền giáo không của riêng thành phần nào trong Giáo Hội mà là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu, như Vat.II đã xác định: “Sứ vụ truyền giáo đòi hỏi tất cả những ai đã chịu phép Rửa Tội đều được kêu gọi quy tụ vào một đoàn duy nhất, và như thế họ có thể đồng lòng làm chứng về Chúa Kitô, Chúa của họ, trước mặt muôn dân” (AG 6). Chính Đức Giêsu đã giao phó sứ vụ đó cho tất cả những ai là môn đệ Ngài, và đòi họ phải trở nên muối men cho đời và ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13-16). Đương nhiên trước hết là các giám mục, linh mục, tu sĩ, cũng như một số giáo dân được bổ nhiệm và sai đi.

Riêng đối với người giáo dân, Đức Gioan Phaolô II đã xác định trong Tông huấn Ơn gọi và Sứ mạng như sau: “Các tín hữu giáo dân, vì thuộc thành phần của Giáo Hội nên được mời gọi và nhận lãnh sứ mệnh rao truyền Phúc âm: Họ đã được chuẩn bị để dấn thân chu toàn hoạt động này bằng các Bí Tích của đời sống Kitô hữu và ơn Chúa Thánh Thần”. Hiểu được như thế, chúng ta cũng có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Việc truyền giáo trước tiên là “vấn đề của đức tin, là thước đo lường của lòng tin vào Chúa Kitô và tình yêu của Ngài đối với chúng ta” (RM 11). Tin vào Chúa Kitô không đơn thuần là chấp nhận một hệ thống giáo điều hay một lý thuyết, nhưng chính là sống gắn bó với Chúa Kitô và để cho tinh thần của Ngài thấm nhập vào tất cả cuộc sống mình. Cũng như cành nho phát sinh và tăng trưởng tùy thuộc vào việc chúng gắn liền với cây nho (Ga 15,4-5). Trong chiều hướng này, mỗi tín hữu truyền giáo trước tiên bằng đời sống hơn là lời nói hay những hình thức bên ngoài (x. RM 23). Đó là một đời sống đã được thấm nhập và đổi mới nhờ Lời Chúa, nhờ đó góp phần thăng tiến xã hội theo tinh thần Phúc Âm. 

Quả thật, không ai có thể rao truyền Phúc Âm cho người khác nếu tâm hồn chưa được Phúc Âm biến đổi. Cũng vậy, “không ai có thể làm chứng cho Chúa nếu không phản chiếu hình ảnh của Ngài” (RM 87). Kinh nghiệm của các tín hữu sơ khai cho thấy đời sống tu đức là căn bản, và là nguồn sinh lực của việc truyền giáo. Mặc dù thiếu thốn và nhiều khốn đốn (1Cr 1, 23), nhưng các tín hữu vẫn luôn đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện và siêng năng trong nghi lễ bẻ bánh. Họ sống tình yêu thương chan hòa trong sự chia sẻ với nhau, và nêu cao phẩm chất của đời sống Kitô hữu, do vậy họ “được toàn dân thương mến” (Cv 2,46).

Nhờ đời sống thánh thiện của các cộng đoàn sơ khai mà sau một thời gian vắn, Phúc Âm đã lan tràn khắp nơi. Sự liên kết mật thiết với Đức Kitô chính là nguồn mạch sâu kín và là mực thước vững chắc cho hoạt động tông đồ và hứng khởi truyền giáo của Giáo Hội.

Tông Huấn Giáo Dân cũng đã xác định: “Sự thánh thiện là nền tảng căn bản, là điều kiện không thể thay thế để có thể chu toàn sứ mệnh cứu độ đã được phó thác cho Giáo Hội” (CL 17).

Vì thế, “chỉ thay đổi các phương pháp mục vụ không đủ; hoặc chỉ tổ chức hay điều hợp khéo léo hơn các lực lượng trong Giáo Hội... cũng chưa đủ. Cần phải khơi dậy một bầu nhiệt huyết thánh thiện nơi các thừa sai và cả trong cộng đồng dân Chúa” (RM 90).

Sự thánh thiện là dấu chỉ đời sống chứng tá hữu hiệu nhất trong việc truyền giáo, vì “con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có tin vào các thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân” (Đức Phaolô VI).

5. Tính cách người truyền giáo

Như Đức Kitô

Khi nói về tính cách truyền giáo tại Á Châu, Hội Đồng Giám Mục đã lên tiếng như sau:“Sứ mệnh rao giảng Chúa Giêsu trong môi trường Á Châu đòi hỏi trước tiên các tín hữu, cá nhân và cộng đồng, phải làm chứng cho các giá trị Nước Trời qua những hành động giống như Chúa Kitô, sống giống như Ngài giữa những người thuộc các tín ngưỡng và xác tín khác[5]. Vì vậy “Điều mà Chúa Thánh Thần đang thôi thúc đòi hỏi Giáo Hội tại Á Châu trong sứ mệnh tông đồ là trở nên giống và hoàn toàn đồng hóa với Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài”[6].

Để được như vậy, người tông đồ phải là người của Thinh Lặng và Chiêm Niệm.

Thinh lặng là khả năng lắng nghe để được Chúa chinh phục. Chiêm niệm là bước đường tìm kiếm và gặp gỡ Chúa, để được chiếu sáng mầu nhiệm linh thánh của Ngài trên mọi tư tưởng và hành động. Bước đường thinh lặng và chiêm niệm chính là cuộc hành trình tiến tới say mến Chúa. “Nhà tông đồ truyền giáo, nếu không phải là nhà chiêm niệm, không thể rao giảng Chúa Giêsu cách đáng tin tưởng” (RM 91).

Chính Đức Kitô đã để cho mình được hoàn toàn chi phối bởi kế hoạch của Chúa Cha: “Đây là một sự tự hủy vì tình yêu nên cũng diễn tả tình yêu” (RM 86). Người truyền giáo cũng thế, cách có hiệu quả nhất để làm cho thế giới biết Đức Kitô là sự từ bỏ mình để ràng buộc với Ngài, để cho Ngài chi phối hoàn toàn cuộc sống mình, đến độ có thể nói như Thánh Phaolô: “Tất cả, tôi làm chỉ vì Phúc Âm” (1Cr 9, 22-23; RM 88).

Trong Chúa Thánh Thần   

Chính thái độ vừa từ bỏ mình lại vừa ràng buộc với Đức Kitô mà ta có thể tiến bước vững vàng trong Chúa Thánh Thần, Đấng điều khiển toàn bộ việc rao giảng Tin Mừng. Ngài luôn hiện diện sinh động trong thế giới, trong tâm hồn mỗi người, trong xã hội, trong lịch sử, trong các nền văn hóa và các tôn giáo. “Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của các lý tưởng cao đẹp và các sáng kiến tốt của nhân loại trên đường lữ hành” (RM 28).

Dưới sự hướng dẫn của Ngài, ta mới có đủ khôn ngoan để nhận ra những nẻo đường nhiệm mầu của Thiên Chúa, dám lao mình vào những viễn tượng mới của công cuộc truyền giáo và biến đổi các khó khăn thành những cơ hội mới để rao giảng Tin Mừng (x. RM 87).

“Qua Bí Tích Thêm Sức, chúng ta được trở nên mạnh mẽ nhờ ơn huệ của Thánh Thần để có thể làm chứng cho Tin Mừng một cách trưởng thành hơn. Do đó, chính Thánh Thần của tình yêu là nguồn trợ lực cho sứ mạng chúng ta. Thánh Thần thúc đẩy chúng ta biết “đi ra” khỏi mình và “ra đi” để loan truyền Tin Mừng”.[7]

Sự vâng nghe Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt ta chuyển dần từ đời sống hoạt động sang đời sống thụ động, nhưng lại linh động hơn đời sống hoạt động. Đó là cách đào luyện của Thánh Thần để ta đừng bôn chôn thiết lập kế hoạch theo ý mình và đo lường mọi sự theo tính toán khôn ngoan người đời. Để việc việc vâng nghe Thánh Thần được sâu sát đòi ta phải luôn thanh lọc bản thân khỏi những tư lợi và ham muốn trần tục, là những thứ dễ làm mờ tâm trí mình.

Trong tâm tình đó ta mới có khả năng làm cả những điều mình không ưa thích, đi đến những nơi không muốn. Đó là ý nghĩa lời Chúa nói với thánh Phêrô: “Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mặc áo lấy, và đi tới nơi ngươi muốn; nhưng khi ngươi đã về già, ngươi sẽ giang tay ra để người khác choàng áo cho, và dẫn ngươi đi nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18). Già trẻ đây không tính về tuổi tác, nhưng về sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, và “người khác” ở đây chính là Chúa Thánh Thần. Người tông đồ sẽ trở nên can đảm và khôn ngoan lạ thường nhờ buông theo Thánh Thần, không còn lo lắng gì cả đến sự an toàn của mình (x. Mt 10,37-39).

Chỉ khi người tông đồ biết chấp nhận chết cho chính mình mới trở nên người của Thánh Thần để phục vụ Chúa và làm vinh danh Chúa, hay nói theo khẩu hiệu của thánh I Nhã:  Omnia ad majorem Dei gloriam.

Tuy nhiên, ta vẫn luôn bị cám dỗ qui hướng về bản thân mình, dễ đặt nặng danh dự, quyền hành, lợi lộc, chức tước và ý riêng trong mọi hoạt động. Vì vậy, vâng nghe theo Thánh Thần là một cuộc chiến đấu liên lỉ và cam go. Cuộc chiến này sẽ đưa dến cái chết thực sự cho chính bản thân mình, để mầm sống mới vươn lên và sinh hoa kết quả dồi dào theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa.

6. Giới trẻ truyền giáo

Đức Bênêđictô XVI mời gọi các bạn trẻ hăng say dấn thân vào sứ mạng truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 16-11-2012 nhân ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ tiến hành vào tháng 7 năm 2013, tại thành phố Rio de Janeiro Brazil, với chủ đề: Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ” (Mt 28,19).

Lời kêu gọi cấp thiết

Mở đầu Sứ điệp trên, Đức Thánh Cha lên tiếng như sau: “Các con thân mến, cha hạnh phúc vì thấy các con đang dấn thân vào sứ mạng truyền giáo, một sứ mạng đã vươn ra tới mọi ngõ ngách của thế giới, để làm cho Đức Kitô được biết đến, như là một món quà quý giá nhất mà các con có thể trao ban cho người khác...”

Để được như vậy, Đức Thánh Cha khuyên nhủ: “Các con hãy để cho chính mình được dẫn dắt bởi tình yêu Thiên Chúa. Hãy để cho tình yêu đó giúp các con vượt qua mọi khuynh hướng khép kín lại nơi thế giới, nơi các vấn đề và thói quen của mình. Hãy can đảm để “đi ra” khỏi mình, “để đến” với người khác và chỉ cho họ thấy con đường gặp gỡ Thiên Chúa...”

“Cha muốn mỗi người trong các con hãy tự vấn chính mình: Tôi đã bao giờ có đủ can đảm để đề nghị một người trẻ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chưa? Tôi đã bao giờ mời gọi ai đó dấn thân vào hành trình khám phá niềm tin Kitô giáo chưa? Các bạn thân mến, đừng e ngại đề nghị một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô cho con người trong thời đại hôm nay. Hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho các bạn con đường để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, và để trở nên đầy sáng tạo trong việc loan báo Tin Mừng”.

Ý nghĩa việc truyền giáo

Đức Thánh Cha xác định: “Khi loan báo Tin Mừng, chính các con lớn lên trong đức tin vì được cắm rễ sâu nơi Đức Kitô và trở thành những người Kitô hữu trưởng thành. Chúng ta không thể trở thành những tín hữu đích thực nếu không loan báo Tin Mừng. Việc loan báo Tin Mừng chỉ có thể là kết quả của niềm vui lãnh nhận từ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô và thấy rằng Ngài là viên đá sống động mà chúng ta xây đắp cuộc đời mình trên đó. Khi lao tác để giúp đỡ người khác và loan báo Tin Mừng cho họ, thì chính đời sống các con vốn bị phân tán vì quá nhiều hoạt động, sẽ tìm thấy sự hội nhất nơi Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, để trở nên một nhà truyền giáo thì Đức Thánh Cha cho biết, trước hết phải trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô. Điều này đòi ta phải “lắng nghe sự mới mẻ trong lời mời gọi theo Ngài và cậy dựa vào Ngài... Môn đệ là người chú ý đến lời của Đức Giêsu; là người hiểu rằng Đức Giêsu là Thầy và là Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi hiến mạng sống mình vì chúng ta. Vì thế, mỗi người trong chúng ta nên để cho mình được khuôn đúc bởi lời của Thiên Chúa mỗi ngày. Điều này làm cho ta trở thành bạn của Thiên Chúa, Đức Giêsu, và có thể dẫn những người trẻ khác đến và trở nên bạn với Ngài”.

Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ hãy nhớ đến những quà tặng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để đến lượt họ cũng có thể trao ban cho người khác: “Hãy đọc lại lịch sử cá nhân đời mình. Hãy ý thức về những di sản tuyệt các con đã lãnh nhận được từ các thế hệ trước... Chúng ta đừng bao giờ quên mình là những mắt xích quan trọng trong một dây chuyền vĩ đại, nơi đó những người nam và người nữ đã thông truyền chân lý đức tin và họ cần chúng ta để có thể thông truyền nó cho người khác”.

Ngài còn nêu lên một xác tín thâm sâu rằng: “Phúc Âm Hoá luôn khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Những người đã đến với Đức Giêsu và đã kinh nghiệm về tình yêu của Ngài, lập tức họ sẽ muốn chia sẻ vẻ đẹp và niềm vui phát sinh từ tình bạn có được với Đức Kitô. Càng biết về Đức Giêsu, chúng ta càng muốn nói về Ngài. Càng thưa chuyện với Đức Kitô, chúng ta càng khao khát để nói về Ngài. Càng để Đức Giêsu chiếm đoạt mình, chúng ta càng khao khát lôi kéo người khác về với Ngài...”.

Kiên vững trong đức tin

Đức Thánh Cha cũng cho thấy thực tế là:Đối diện với những khó khăn của sứ mạng loan báo Tin Mừng, lắm khi các con dễ bị cám dỗ để từ chối như ngôn sứ Giêrêmia: “Ôi! Lạy Ðức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”. Tuy nhiên đối với các con, Thiên Chúa cũng phán rằng: “Ðừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi” (Gr 1, 6-7). Trong việc loan báo Tin Mừng và làm chứng tá đức tin, nếu khi các con thấy mình không xứng đáng, thiếu khả năng và yếu kém, các con đừng sợ hãi gì! Việc loan báo Tin Mừng chẳng phải do sáng kiến của chúng ta và cũng chẳng tùy thuộc vào tài năng của chúng ta. Nó là một sự đáp ứng đầy tin tưởng và vâng theo lời mời gọi của Thiên Chúa, không dựa trên sức riêng của chúng ta, nhưng là dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa” (2Cr 4, 7).

“Vì thế cha mời gọi các con hãy bén rễ trong cầu nguyện và trong các Bí Tích…. Thời gian các con lắng nghe và thưa chuyện với Chúa Giêsu hằng hiện diện trong Mình Thánh sẽ trở nên nguồn lực mới mẻ Cho lòng hăng say mới trong việc truyền giáo”.

Lãnh vực truyền giáo

Đức Thánh Cha nhấn mạnh hai lãnh vực mà người trẻ có thể dấn thân truyền giáo:

- Lãnh vực truyền thông xã hội, đặc biệt là Internet[8]:

Các con hãy đưa vào nền văn hóa của môi trường truyền thông mới này, những giá trị vốn làm nền tảng cho cuộc sống của các con. Các con là những người trẻ hầu như cảm thấy tự nhiên hợp với các phương tiện truyền thông mới mẻ ấy, các con có nghĩa vụ đặc biệt loan báo Tin Mừng trong đại lục kỹ thuật số này. Vậy các con hãy biết sử dụng phương tiện này một cách khôn ngoan, để ý đến cả những cạm bẫy chứa đựng trong đó, đặc biệt là nguy cơ nghiện nó, lẫn lộn thế giới thực tế với thế giới tiềm thể, thay thế cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với con người bằng những tiếp xúc trên mạng”.

- Lãnh vực thứ hai là môi trường lưu động:Ngày nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ du hành, vì học hành, vì công ăn việc làm hoặc để giải trí. Các con đừng sợ làm chứng cho đức tin của các con cả trong những bối cảnh đó: thông truyền niềm vui vì gặp gỡ Chúa cho những người các con gặp, đó thực là một món quà quí giá”.

Ngài cũng gợi lại tượng Chúa Cứu Thế ở thành Rio de Janeiro đang mở rộng đôi tay và con tim cho tất cả mọi người: Các con chính là con tim và vòng tay của Chúa Giêsu! Các con hãy ra đi làm chứng về tình thương của Chúa, hãy trở thành những thừa sai mới, được tình thương và tinh thần hiếu khách linh hoạt! Hãy noi gương các nhà đại truyền giáo của Giáo Hội, như thánh Phanxicô Xaviê và bao nhiêu vị khác”.     

Hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ

Trong bài giảng chính thức của Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 28 tại Brazil, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích và tóm tắt chủ đề ra đi rao giảng Tin Mừng (Mt 28,19) trong ba từ: Hãy ra đi - không sợ hãi - để phục vụ:

-      Hãy ra đi không phải là một điều tùy ý, nhưng là mệnh lệnh của Chúa. Mệnh lệnh này không phát sinh từ ý muốn thống trị hoặc quyền lực, nhưng từ sức mạnh của tình thương, vì Chúa Giêsu trước tiên đến giữa chúng ta không để ban một điều gì đó, nhưng là ban toàn thể con người của Ngài.

-      Không sợ hãi, vì là mệnh lệnh của Chúa được trao ban với quyền năng của Ngài nên cũng không có gì phải sợ hãi. Chính khi chúng ta cùng nhau đương đầu với các thách đố, thì chúng ta mạnh mẽ, và khám phá những năng lực mà chúng ta không biết là mình có.

-      Để phục vụ. Để loan báo Chúa Giêsu, thánh Phaolô đã trở nên “đầy tớ mọi người”. Rao giảng Tin Mừng là đích thân làm chứng về tình yêu Thiên Chúa, là vượt thắng sự ích kỷ của chúng ta, là phục vụ bằng cách cúi mình xuống rửa chân cho anh em chúng ta như Chúa Giêsu đã làm.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Các con hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ. Khi sống theo 3 lời này, các bạn sẽ cảm nghiệm được rằng người rao giảng Tin Mừng thì cũng được trở nên Tin Mừng. Ai thông truyền niềm vui đức tin, thì cũng nhận được niềm vui... Khi Chúa sai ngôn sứ Giêrêmia, Ngài ban cho ông quyền được “loại bỏ và phá đổ, phá hủy và san bằng, xây dựng và vun trồng” (Gr 1,10). Cả các bạn cũng như thế. Mang Tin Mừng là mang sức mạnh của Thiên Chúa để nhổ bỏ và phá hủy sự ác và bạo lực; để phá tan và đạp đổ những hàng rào ích kỷ, bất bao dung và oán thù; để kiến tạo một thế giới mới. Chúa Giêsu Kitô hy vọng nơi các bạn! Giáo Hội cậy dựa vào các bạn! Giáo Hoàng hy vọng nơi các bạn! Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta luôn tháp tùng các bạn với sự hịu hiền của Mẹ: Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ!”.

7. Đức Maria, nhà truyền giáo mẫu mực tiên khởi

Đức Maria là tín hữu và là môn đệ đầu tiên của Đức Kitô, cũng có thể được gọi là nhà truyền giáo đầu tiên, vì là người đã ban Chúa Kitô cho thế giới. Qua đó, Mẹ trở thành mẫu mực của Hội Thánh truyền giáo và mẫu mực của mọi người tông đồ. Ở đâu ơn cứu độ trong Chúa Giêsu được rao giảng, ở đó cũng có Đức Maria. Do đó, việc rao giảng của Hội Thánh luôn mang chiều kích Thánh Mẫu này. Giáo Hội nhìn nhận mẫu gương Đức Maria như là một môn đệ hoàn hảo của Chúa Giêsu, và như là nữ tỳ của mầu nhiệm cứu chuộc.

Lịch sử Giáo Hội cho thấy Đức Maria đã gợi hứng cho nhiều người nam nữ các Hội Dòng noi gương Mẹ, dấn thân phục vụ cho việc truyền giáo bất cứ nơi đâu, kể cả những nơi ngặt nghèo và nguy hiểm. Qua mọi thế hệ, mọi tín hữu đều coi Mẹ thật “diễm phúc” vì đã tin vào lời rao giảng đầu tiên về Tin Mừng cứu độ. Mẹ là mẫu người “được rao giảng Tin Mừng hoàn hảo” và là “nhà rao giảng Tin Mừng hoàn hảo” để ta noi theo.

Kết luận

Sứ mạng truyền giáo là nhiệm vụ bức thiết của Giáo Hội, như Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Sứ mệnh của Chúa Kitô Cứu Thế được trao phó cho Giáo Hội vẫn đang còn nhiều dang d... Nhìn vào số đông nhân loại chưa biết Chúa cũng đủ cho thấy rằng sứ mệnh này mới chỉ đang ở những bước đầu tiên và chúng ta còn cần phải dồn hết mọi nỗ lực của mình cho công trình này” (RM 1).

Cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông bát ngát. Cần phải tận dụng mọi cơ hội để đưa Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài đến cho mọi người. Hơn bao giờ hết, lời Chúa Giêsu vẫn vang lên trong tâm hồn mỗi người chúng ta hôm nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2).

Riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, thợ gặt bây giờ không thiếu, chỉ thiếu lửa hăng say nhiệt thành, thiếu đời sống hy sinh và cầu nguyện, thiếu khôn ngoan và đạo đức, thiếu tổ chức và đào luyện cũng như hợp tác với nhau. Vì quá thiếu nên tay nghề thợ gặt quá yếu. Lời cầu xin phải đi kèm với nỗ lực quyết liệt của chúng ta, chứ không thể khoán trắng cho Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục chúng ta qua Tông Huấn đầu tiên của Ngài: “Hãy lên đường, hãy lên đường cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô…Tôi muốn thấy một Giáo Hội bị bầm giập, tổn thương và lấm lem trên đường dấn thân, chứ không phải là một Giáo Hội 'xanh xao vàng vọt' vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an toàn của riêng mình… Tôi không muốn có một Giáo Hội chỉ lo cho mình phải là 'cái rốn của vũ trụ', và sau đó, kết thúc bằng việc bị giam cầm giữa một mạng lưới định kiến và thủ tục”; “…bao nhiêu người đang chết đói trước cửa nhà chúng ta, và Chúa Giêsu vẫn không mệt mỏi nhắc nhở chúng ta: "Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, s.48.49).

 

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu! Ước chi con ý thức được ý nghĩa cao cả của đời mình là ra đi cho một sứ mạng - sứ mạng loan báo Tin Mừng - nối tiếp sứ mạng của Chúa, Đấng cứu độ trần gian.

Tuy nhiên, trước tiên con cần được Lời Chúa thanh tẩy, thấm nhuần và đổi mới bản thân con. Chỉ khi con trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn, Chúa Thánh Thần mới có thể thực hiện nơi con sứ mạng của chính Chúa.

Một sứ mạng mà đòi con phải bỏ mạng như chính Chúa, để được hiệp làm một với hiến lễ đồi xưa, hầu được sống lại trong niềm vui ơn cứu độ muôn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên



[1]  Dựa trên bài chia sẻ về Truyền giáo và Tân Phúc Âm hóa của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo vào ngày 15-06-2012.

[2] Gioan Phaolô II, trong “Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, VI/I (1983), tr. 698

[3] Web. VietCatholic News 20/08/2010

[4]  Bài chia sẻ về Truyền giáo và Tân Phúc Âm hóa của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo ngày 15-06-2012, simonhoadalat.com/HOCHOI/TaiLoanBaoTinMung.

 

[5] FABC, Đại Hội Đồng lần V, “Journeying Together Toward the Third Millenium ", Final Statement 4.1, trong ASIA NEWS, 15.9.1990, p. 370.

[6]  FABC, Evangelization in Asia Today. A Message to the Churches , trong East Asian Pastoral Review, 4 (1988), p. 335.

[7] Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Benêđictô, nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013

 

[8] Sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 43 ngày 24-5-2009.


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ