ĐỐI THOẠI – TRUYỀN GIÁO

Theo Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã trình bày “Đối Thoại” như là phương thế truyền giáo đặc thù của Giáo Hội Á Châu. Đối thoại là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Hội Thánh,Vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần” (số 29). Từ đó Liên Hội Đồng GM Á Châu (FABC) xét thấy, con đường mới trong sự hiện diện của Giáo Hội là con đường với ba cuộc đối thoại:

-          Đối thoại với nền văn hóa bản xứ.

-          Đối thoại với các tôn giáo địa phương.

-          Đối thoại bằng cuộc sống với người nghèo.

Đó là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim, nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng chính là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ (Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 75-79; Vatican II, GS 92; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 29). (TC 2011, số 39).

Đối thoại – Truyền giáo là để mở lòng ra với mọi người, để đón nhận mọi người, để sống với mọi người, và để phục vụ mọi người bằng tình yêu thương theo gương Chúa Giêsu. Đó là ơn gọi thâm sâu của mỗi Kitô hữu, một ơn gọi mời gọi phải tích cực đi đến với mọi anh chị em để lắng nghe, chia sẻ, hiểu biết, cảm thông, và loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống mình.

Trước 25 ngàn tín hữu trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên 27-3-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy ra khỏi chính mình để tìm đến với tha nhân. Ngài nói như sau: “Theo Chúa Giêsu có nghĩa là học cách ra khỏi chính mình, để đi gặp tha nhân, nhất là những người bị lãng quên, những người đang cần được cảm thông hơn cả,cần an ủi, giúp đỡ. Theo Chúa Kitô, đòi ta phải “ra khỏi” chính mình, ra khỏi lối sống đức tin mệt mỏi chỉ theo thói quen, ra khỏi cám dỗ co cụm trong những khuôn khổ của mình, và rốt cuộc khép kín chân trời hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ra khỏi chính mình để đến ở giữa chúng ta, Ngài đã cắm lều giữa chúng ta để mang cho chúng ta lòng từ bi của Thiên Chúa thì bản thân chúng ta cũng phải trở nên giống Ngài như vậy.

Tiếp theo trong Thánh Lễ sáng ngày 5/11/03 tại Vatican,  Đức Thánh Cha cũng nói về ý nghĩa của việc cầu nguyện như sau: “Lời cầu nguyện chính thật là việc làm cho chúng ta thoát ra khỏi chính mình để đến với Chúa Cha: là một sự xuất hành để ra khỏi chính mình. Nếu chúng ta không thể thoát ra khỏi chúng ta để đến vói những người anh em thiếu thốn, những người bệnh tật, dốt nát, nghèo đói, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể đến với Chúa Giêsu.

Qua Tông Huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha cũng lên tiếng mạnh mẽ: "Hãy lên đường, hãy lên đường cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô…Tôi muốn thấy một Giáo Hội bị bầm giập, tổn thương và lấm lem trên đường dấn thân, chứ không phải là một Giáo Hội 'xanh xao vàng vọt' vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an toàn của riêng mình… Tôi không muốn có một Giáo Hội chỉ lo cho mình phải là 'cái rốn của vũ trụ', và sau đó, kết thúc bằng việc bị giam cầm giữa một mạng lưới định kiến và thủ tục...”(số 49).

 

TỔNG QUAN VỀ ĐỐI THOẠI – TRUYỀN GIÁO

 

Giáo hội chỉ có thể hoàn thành sứ mạng của mình khi theo đúng cách mà Thiên Chúa đã hành động trong Chúa Giêsu Kitô: Người trở nên người, chia sẻ đời sống chúng ta và nói bằng tiếng nói con người để truyền thông cứu rỗi của Người. Cuộc đối thoại mà Giáo hội đề nghị thì đặt nền tảng trên logic của mầu nhiệm Nhập Thể…

Đáp ứng với sứ mạng đã lãnh nhận, Giáo hội mạo hiểm đi tìm các dân tộc trong thế giới, vẫn biết mình là “một đoàn chiên nhỏ” giữa đám đông bao la nhân loại (x.Lc 12,32). Trước hết, Giáo hội cố gắng dấn thân đối thoại với những kẻ chia sẻ niềm tin với mình vào Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Thế. Sự đối thoại trải rộng sang bên kia thế giới Kitộ giáo tới những kẻ theo tất cả truyền thống tôn giáo khác, dựa trên cơ sở này là tâm hồn mọi người đều mong muốn tôn giáo. Đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn tạo thành một ơn gọi thật đối với Giáo hội (số 29).

I. ĐỐI THOẠI

1. Ý nghĩa đối thoại

Trong mấy thập niên gần đây, đối thoại đã trở thành danh từ thời thượng, một cách thế sống và một lối giải quyết vấn đề được đề cao trong xã hội. Có thể coi đây là một trong những thành công của nhân loại khi quyết định dùng trí tuệ thay thế cho bạo lực và bom đạn, ngõ hầu giải quyết một cách hữu lý và phù hợp với nhân tính hơn những bất đồng quan điểm, tranh chấp, xung đột… giữa người với người, cũng như giữa các quốc gia với nhau.

Đối thoại là nói vớinói cùng người khác. Lời nói là nhịp cầu để đi tới tha nhân, để lấp đầy khoảng trống và hố cách biệt giữa người với người. Nó đòi hỏi phải vượt thắng cảm xúc, thiên kiến, tập quán để bình thản đặt vấn đề, kiên nhẫn lắng nghe và sáng suốt lãnh hội quan điểm của người khác.

Tự bản chất, đối thoại đòi hỏi phải tôn trọng sự khác biệt và chối từ tham vọng chinh phục người khác. Cám dỗ thường xuyên của con người là muốn nhanh chóng loại trừ mọi khác biệt, muốn đúc nặn người khác theo quan niệm và hình ảnh của riêng mình. Và nhiều khi còn lấy tiêu chuẩn chủ quan của mình để đánh giá phê phán và xếp loại tha nhân: ai phù hợp với tiêu chuẩn của ta sẽ được liệt vào hạng người gương mẫu, còn ai có lối sống nếp nghĩ thâm thức khác ta sẽ bị nghi ngờ và đánh giá thấp.

Đối thoại luôn bao hàm thái độ dấn thân và chấp nhận thách đố. Nó đòi hỏi người đối thoại phải ra khỏi tháp ngà định kiến và can đảm sữa đổi quan điểm cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đối thoại phải đưa tới chân lý và phải giữ vững căn tính của mình. Trong ý nghĩa đó ta nói về đối thoại liên tôn; đối thoại với dân chúng, đặc biệt là người nghèo; đối thoại với văn hóa bản xứ; truyền giáo và đối thoại với các tôn giáo bạn.

2. Đối thoại liên tôn

Theo cách nói của Redemptoris Missio (Số 55), đối thoại liên tôn là “một phần của sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh,” và vì thế nó là yếu tố cơ bản trong mọi việc truyền thông truyền giáo.

Tuyên Ngôn Nostra Aetate tuyên bố: “Hội Thánh Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Hội Thánh xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Hội Thánh duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho mọi người. . . Vì thế Hội Thánh khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và các giá trị xã hội văn hoá của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy. ..”.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiếp nối chủ trương này trong Evangelii Nuntiandi (1975, số 53) khi nói rằng Hội Thánh “tôn trọng và đánh giá cao các tôn giáo ngoài Kitô giáo này, vì đó là những biểu hiện sống động của các nhóm người rất đông đảo. Họ mang theo nơi mình âm vang của hàng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa, một cuộc tìm kiếm vẫn còn chưa đầy đủ nhưng thường phát xuất từ lòng chân thành và tâm hồn ngay thẳng”.

Tông huấn Ecclesia in Asia (số 31) bổ sung mối quan tâm này khi trích dẫn các nghị quyết của Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Á: “Các mối quan hệ liên tôn được phát triển tốt nhất trong một bối cảnh cởi mở với các tín hữu của các tôn giáo khác, thiện chí lắng nghe và ước muốn tôn trọng và hiểu biết các tôn giáo khác trong sự khác biệt của họ. Để đạt những điều này, lòng bác ái đối với người khác là yếu tố không thể thiếu. Nó phải dẫn đến sự hợp tác, hoà hợp và làm giàu lẫn cho nhau.”

Hết mọi người được kêu gọi đến với cuộc đối thoại này và nhờ đó tham gia vào việc truyền thông truyền giáo của Hội Thánh. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II quả quyết trong Redemptoris Missio: “Đối thoại là một con đường dẫn tới Nước Thiên Chúa và chắc chắn sẽ sinh hoa kết quả, dù rằng chỉ một mình Chúa Cha biết thời gian và kỳ hạn” (x. Cv 1:7). 

Có thể liệt kê các lý do và lợi ích của việc đối thoại liên tôn như sau:

- Giúp giải toả các hiểu lầm;

- Cải thiện các mối quan hệ;

- Giải thoát con người khỏi sợ hãi lẫn nhau;

- Góp phần đào sâu đức tin của mình;

- Dẫn tới hợp nhất hơn.

3. Đối thoại với Dân chúng/Người nghèo

Tại Đại Hội đầu tiên của Liên Hội Đồng GM Châu Á (FABC) năm 1974 ở Đài Bắc, các Giám mục đã nêu lên nhu cầu đối thoại với dân chúng và đối thoại đời sống. Với chủ đề của Đại Hội là “Loan Báo Tin Mừng tại Châu Á Ngày Nay”, các Giám mục tuyên bố rằng cuộc đối thoại này ở Châu Á có nghĩa là đối thoại với những người nghèo bởi vì “phần lớn dân Châu Á là những người nghèo.” (Số 19).

Về phương diện truyền thông truyền giáo, đối thoại này bao gồm “một kinh nghiệm và hiểu biết đích thực về tình trạng nghèo khổ, thiếu thốn và áp bức của quá nhiều người”. Truyền thông truyền giáo không nên là truyền thông cho họ nhưng với họ để hiểu “các nhu cầu và khát vọng thực sự của họ”. Đối thoại như thế phải dẫn tới nhiều “công bằng xã hội trong các xã hội chúng ta” hơn. Phương thức truyền thông này cũng phải giúp “gây ý thức” (Paolo Friere) cho dân chúng để họ “lãnh trách nhiệm và tham dự thực sự vào các quyết định định đoạt cuộc đời họ” và nhờ đó họ tự giải phóng mình. Sự truyền thông này mang tính chất tham dự và giúp phát triển cũng như giải phóng các sức mạnh sáng tạo nơi những người tham gia tiến trình truyền thông.

4. Đối thoại với các nền Văn hoá (văn hóa bản xứ)

Hiến Chế Gaudium et Spes (1965) mở cửa cho phương thức đối thoại với thế giới đương đại. Một cách đặc biệt phương thức này cũng bao gồm sự đối thoại với các nền văn hoá. Văn hoá là một biểu hiện về cách sống của dân chúng. Điều này làm cho việc đối thoại văn hoá đặc biệt quan trọng đối với hoạt động truyền thông truyền giáo: mọi việc truyền thông đều diễn ra trong một nền văn hoá nhất định và phải thích nghi với nó.

Vì vậy các suy tư của Gaudium et Spes về văn hoá (các số 52-62) có tầm quan trọng đặc biệt, vì Thiên Chúa “nói theo nền văn hoá riêng của mỗi thời đại,” nên Hội Thánh cũng “đã sử dụng các nguồn lực của các nền văn hoá khác nhau trong việc rao giảng của mình để truyền bá và cắt nghĩa thông điệp của Đức Kitô.” Vì vậy “Tin Mừng của Đức Kitô không ngừng canh tân đời sống và văn hoá.” (Số 58).

Ðức Phaolô VI nhận định rằng bi kịch của thời nay là tình trạng phân rẽ giữa Tin Mừng và văn hóa; ngài muốn ám chỉ đến hiện trạng của Tây phương (x. EN 18-20). Văn hóa đang biến đổi nhanh, theo chiều hướng đa dạng (cùng với đà “toàn cầu hoá”); Giáo hội cũng thích nghi theo chiều hướng đa dạng ấy. Hơn nữa, các nền văn hóa còn giao thoa trộn lẫn với nhau, và lắm khi Giáo hội địa phương cũng mang tính cách đa văn hóa. Trong bối cảnh như thế, việc “hội nhập văn hóa” trở thành một tiến trình phải được thường xuyên cập nhật hóa trong khắp thế giới.

Dù chỉ thành tựu ở trong văn hóa, bao giờ con người cũng vượt lên trên văn hóa, cũng là cá vị siêu việt đối với văn hóa, không thể trở nên nô lệ của văn hóa, v.v... Tin Mừng cũng siêu việt đối với văn hóa, phê bình văn hóa và lên án những khía cạnh tội lỗi trong văn hóa. Ðôi lúc văn hóa ngày nay làm như đã trở thành hiện thân của tính kiêu căng loài người; quả vậy, các ngẫu tượng là những sản phẩm của văn hóa. Vì thế, đức tin không thể quên đi được chiều kích “sứ ngôn” của mình và lắm khi cần phải tỏ rõ thái độ “phản lại văn hóa” (counterculture). Và bởi không bao giờ Tin Mừng đồng nhất hóa mình với một nền văn hóa, thế nên không thể nào tránh cho hết được những xung khắc với văn hóa.

Hiện nay, Giáo hội đang liên tục và thiết bách nhắc nhở: cần phải “Phúc âm hóa văn hoá”. Ngày càng đông hơn số người đến sống trong các thành thị lớn: “mất gốc rễ,” ngỡ ngàng, bơ vơ,  họ bước vào sống trong một nền văn hóa mới, khác hẳn với nền văn hóa cha sinh mẹ đẻ. Việc hội nhập văn hóa trong môi trường như thế là một vấn đề đặc biệt gai gốc: đó là thách đố gặp phải hiện giờ.

II. ĐỐI THOẠI-TRUYỀN GIÁO VỚI CÁC TÔN GIÁO

Đối thoại với các tôn giáo khác là một "ưu tiên hàng đầu" đối với Giáo Hội, cũng như việc đào tạo linh mục và giáo dân. Điều này đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh sáng ngày 03/03/2011 khi ngài tiếp kiến nhóm giám mục thứ hai của Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân hành hương Ad Limina tại Tòa Thánh Vatican:

"Trong khi Giáo Hội tuyên bố không sai lầm Chúa Kitô là đường, là sự thật, và là sự sống” (x. Ga 14,6), tuy nhiên “Giáo Hội cũng tôn trọng tất cả những gì là đúng đắn và tốt đẹp nơi các tôn giáo khác, và Giáo Hội tìm cách, với sự thận trọng và bác ái, để tham gia vào một cuộc đối thoại chân thành và thân thiện với các tín hữu của các tôn giáo mỗi khi có thể. Để làm được như thế, Giáo Hội làm việc hướng đến sự hiểu biết lẫn nhau và sự tiến bộ vì lợi ích chung của nhân loại".

Đức Thánh Cha nói tiếp: "Tôi khuyến khích chư huynh đệ, bằng các phương tiện của đối thoại đã được thiết lập, tiếp tục đẩy mạnh con đường hướng đến hoà bình thật sự và lâu dài với tất cả láng giềng của chư huynh đệ, đừng bao giờ đối xử không đúng với mỗi người, bất kể niềm tin của họ, vốn được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa".

Những giáo huấn trên giúp ta nhận ra nền tảng của việc đối thoại-truyền giáo.

1. Nền tảng của việc đối thoại

Ta có thể vạch ra 4 khía cạnh hay 4 chiều kích như sau:

- Nhân bản. Sự tôn trọng con người; sự đối thoại là con đường dẫn tới sự khám phá sự thật. Sự thật, cách riêng sự thật về tôn giáo, chỉ có thể chấp thuận cách tự do nhờ việc nhìn nhận ra lý lẽ, chứ không thể áp đặt cưỡng chế.

- Xã hội. Sự đối thoại là cách thế cần thiết để duy trì sự sống chung trong cộng đồng xã hội; việc thiếu đối thoại và hiểu biết nhau sớm muộn gì cũng sẽ đưa tới đố kị tranh chấp giữa các tín ngưỡng.

- Thần học. Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái của Chúa. Chính đức Kitô đã để lại gương sáng cho chúng ta: Ngài đi gặp gỡ, giải thích trình bày chân lý với thái độ nhã nhặn kiên nhẫn.

- Cứu rỗi. Giáo hội nhìn nhận những giá trị của đạo lý và tinh thần nơi các tôn giáo, coi đó như phản ảnh của đức Kitô Lời chân lý, và tác động của Chúa Thánh Linh. Sự đối thoại với các tôn giáo giúp Giáo hội khám phá thêm sự sung mãn của chân lý, cũng như tự kiểm thảo, sửa sai những khuyết điểm của mình.

Như vậy, điểm then chốt của đối thoại là nhằm tìm kiếm sự thật. Người kitô hữu, tuy thâm tín gắn bó với đức tin của mình, nhưng luôn mở rộng tiến đến chân lý sung mãn, nhất là chân lý về tình thương biểu lộ qua sự tôn trọng tha nhân.

2. Nguyên tắc đối thoại

Giáo Hội đã đề ra một số nguyên tắc cho việc đối thoại tôn giáo như sau:

(1)- Văn kiện “Đối thoại và truyền giáo” xác định:

a) Đối thoại tôn giáo là một hình thức truyền giáo đặc biệt và quan trọng trong thời đại chúng ta, trong đó, người Kitô hữu gặp gỡ các tín đồ tôn giáo khác để cùng đồng hành đi đến chân lý, và cùng cộng tác với nhau trong những dự án thực hiện những quan tâm chung. Như thế, “đối thoại chính là truyền giáo”.

b) Đối thoại liên vị (giữa người với người) phải đi đến sự hiệp thông liên vị, nghĩa là phải có sự hiểu nhau, thông cảm lẫn nhau, và yêu thương nhau, để có thể đi đến đồng hành và cộng tác với nhau.

c) Các thành viên đối thoại phải ý thức được giới hạn của mình và có khả năng vượt lên giới hạn ấy. Đừng ai nghĩ rằng mình nắm được chân lý một cách hoàn toàn và trọn vẹn. Nhưng hãy nghĩ rằng mọi người có thể cùng đồng hành với nhau để đạt đến mục đích ấy.

d) Việc đối thoại tôn giáo có thể làm cho những kinh nghiệm tôn giáo của mỗi thành viên đối thoại được tinh luyện và phong phú hơn.

e) Khi đối thoại với các tín đồ tôn giáo khác, người Kitô hữu cần yêu thương và tôn trọng họ, lắng nghe cố gắng thấu hiểu những gì mà họ muốn thông truyền cho mình, coi đó là những món quà Thiên Chúa ban cho để đem lại lợi ích thiêng liêng cho mình.

f) Công Đồng Vatican II xác định: trong các tôn giáo khác vẫn có những điều “chân thật và thánh thiện”, “thường có ánh sáng của Chân Lý vốn hằng chiếu soi cho hết mọi người” (NK 22), “những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ” (TG 11, 2). Kitô hữu cần khám phá những điều ấy nơi họ để làm phong phú hóa kinh nghiệm và hiểu biết của mình, không chỉ trong những tương đồng, mà cả trong những dị biệt.

(2) - Hình thức đối thoại

Nói chung, có bốn hình thức đối thoại:

- Đối thoại bằng đời sống, nghĩa là qua những mối tương giao hàng ngày, giữa bà con lối xóm, qua những công việc giúp đỡ nhau, tương thân tương trợ, và nhất là qua thái độ kính trọng lẫn nhau. Người công giáo hãy đối thoại với họ, hãy đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm cách kiện toàn những cơ cấu xã hội và quốc gia theo tinh thần Phúc Âm”. (GHTCA 14§2).

- Đối thoại bằng việc làm, qua những hoạt động của các phần tử thuộc những tôn giáo khác nhau, nhằm tới sự thăng tiến con người, công bằng xã hội. “Tiếp xúc, đối thoại và cộng tác với tín đồ các tôn giáo khác chính là một công việc mà Công Đồng Vatican II đã giao cho toàn thể Giáo Hội làm như một bổn phận và một thách đố” (GHTCA 31§1).

- Đối thoại đạo lý, qua những cuộc trao đổi, đối chiếu quan điểm về triết học, luân lý, thần học. “Người công giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho bất cứ những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Pl 4,8),(TĐ 14§2).

- Đối thoại về cảm nghiệm tâm linh, về cách thức cầu nguyện tu đức.

Dĩ nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thực hiện tất cả bốn hình thức nói trên. Nhưng chắc rằng, ai ai cũng có dịp để thực hành sự đối thoại bằng đời sống.

3. Truyền giáo và đối thoại

Đối thoại không thay thế truyền giáo, nhưng là một hình thức của hoạt động truyền giáo, nằm trong kế hoạch đối thoại cứu rỗi của Thiên Chúa cho con người, giúp con người đáp lại lời mời gọi của Ngài qua đức tin và sự hoán cải.

Dĩ nhiên, nhà truyền giáo luôn mang cùng một tâm tình khi đối thoại cũng như khi truyền giáo, đó là: lòng gắn bó với đức Kitô (ước ao cho Ngài được biết và yêu mến) cũng như lòng yêu thương với tha nhân (ước ao cho họ được hạnh phúc).

Từ định hướng qua các giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta lần lượt khai triển các chủ điểm sau:

1.   Đối thoại-Truyền giáo bằng việc tìm hiểu và lắng nghe nhau.

2.   Đối thoại-Truyền giáo bằng việc chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau.

3.   Đối thoại-Truyền giáo bằng việc sống quảng đại và bao dung với nhau.

4.   Đối thoại-Truyền giáo bằng việc sống trong sáng và chân thật với nhau.

5.   Đối thoại-Truyền giáo trong sự hiền lành và khiêm nhường.

6.   Đối thoại-Truyền giáo phải giữ vững căn tính và sứ mạng của mình.

7.   Đối thoại-Truyền giáo phải hướng tới chân lý.

8.   Đối thoại-Truyền giáo bằng việc sống cách riêng cho người nghèo hèn, bé mọn.

Lm. Thái Nguyên


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ