TRUYỀN GIÁO - ĐỐI THOẠI

TÌM HIỂU VÀ LẮNG NGHE

“Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe”. (1V 3,9)

 

       Để đối thoại, trước tiên đòi ta phải tìm hiểu và lắng nghe người khác. Không có bước đầu này thì không thể có những bước kế tiếp, hoặc chỉ có một cách chủ quan, võ đoán và những lý lẽ bên ngoài. Cần phải đi vào bên trong con người để nhận ra tâm tư, nguyện vọng, quan điểm và sự thật. Tìm hiểu và lắng nghe giúp ta gột rửa những thành kiến, định kiến và đi vào sự thông giao. 

I. TÌM HIỂU

1. Đừng căn cứ vào bề ngoài.

      Điều khó khăn trong đối thoại thường là do ta không chịu tìm hiểu kỹ về nhau, mà chỉ nghe theo dư luận, hoặc chỉ dựa vào những gì bề ngoài: “Xem mặt bắt hình dong”. Vẫn biết rằng “Trăm nghe không bằng một thấy”, nhưng thấy cái gì? thấy như thế nào? Phải đặt lại cái thấy của mình bằng việc tìm hiểu cặn kẽ, đừng vội quyết đoán. Chúng ta hãy đọc lại câu chuyện của Khổng Tử và Nhan Hồi:

      Thời Đông Chu bên Tàu, chiến tranh liên miên, dân chúng lầm than đói khổ... Thầy trò Khổng Tử trên đường từ Lỗ sang Tề cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. May mắn thay, có một nhà hào phú đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

      Khi Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng "cộp" từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử liếc mắt nhìn xuống thì thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ... Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh... rồi từ từ đưa cơm lên miệng... Thấy vậy, Khổng Tử đau lòng thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Chao ôi! Học trò giỏi nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!".

      Khi dọn cơm lên, Khổng Tử mới nói: "Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, vẫn yêu thương đùm bọc nhau... Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn thầy trò ta lại có được bữa cơm... Thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ, nhớ đến cha mẹ... nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ... Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?"

      Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì. Bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: "Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch." Khổng Tử hỏi: "Tại sao?"

      Nhan Hồi thưa: "Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi... nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì mất một phần ăn. Vì thế con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em... Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau”.

      Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!"

      Khổng Tử ít ra còn thể hiện thái độ để Nhan Hồi hiểu ý mà tỏ rõ sự tình. Còn chúng ta, nhiều khi chỉ thầm lặng đánh giá người khác và rồi mang nặng một thành kiến về họ, không chịu tìm hiểu nguyên do của vấn đề và nhất là chẳng cho họ một cơ hội giải thích.

      Bên ngoài dễ làm ta lầm lẫn, vì “thấy vậy mà không phải vậy”. Cái ta thấy trước mắt có thể chỉ là hiện tượng hay sự kiện bề mặt, còn ý nghĩa và sự thật nằm ở bên trong. Hơn nữa, có những nguyên nhân sâu xa mà ta không thể biết ngay được, và người khác cũng chưa thể nói được.

      Ngoài ra, lời nói và thái độ của người khác có khi chỉ là sự bức xúc nhất thời, do những chấn động tâm lý, do sự bất ổn về sức khỏe thể chất hay tinh thần,v.v... Chẳng may ta quyết đoán tiêu cực về họ trong tình trạng như vậy thỉ quả thật bất công, vì đó không phải là con người thật của họ. Quyết đoán sai lầm và tiêu cực, khiến ta và người khác đều bị tổn thương, mang thêm ác cảm và bất mãn, đồng thời có thể đánh mất một người bạn tốt. 

2. Đừng căn cứ vào những gì đã biết

      Khi đối thoại, ta hay dựa vào những gì mình đã nghe, đã biết về người khác, nên có một cái nhìn cứng đọng về họ, thấy họ vỏn vẹn chỉ có thế thôi. Đó là cái biết hẹp hòi, nông cạn, tự giới hạn và chặng đứng mình trong tương quan với tha nhân. Đời sống con người là một mầu nhiệm sâu thẳm, không chỉ có thế thôi. Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, đang nằm trong tiến trình trở nên chính mình, “hoàn thiện như Cha trên Trời”. Đó là khát vọng thâm sâu mà Chúa đã đặt để nơi mỗi người.

      Những gì đã biết dễ làm nên những thành kiến và quyết đoán về nhau cách sai lạc, nên việc đối thoại không còn trong sáng và chân chính. Có thể hôm qua người khác như thế này, nhưng hôm nay có thể họ đã đổi khác rồi. Dù sao thì cũng phải cho mình cái nhìn mới để có thể khám phá những cái mới còn đang tiềm ẩn nơi tha nhân, mà chưa có cơ hội bộc phát.

      Kinh nghiệm sống với nhau cho thấy có những hiểu lầm không tài nào xóa được, làm bế tắc mọi cuộc đối thoại chỉ vì đã có thành kiến với nhau. Chính vì vậy mà ta phải đến với người khác với một cái nhìn mới trong hiện tại, cái nhìn chưa bị vẩn đục dù có biết về họ thế này hay thế khác. Với tâm thế đó, ta mới có thể lắng nghe tận nguồn cơn.

II. LẮNG NGHE

Thiếu lắng nghe sẽ thất bại trong đời, không thể nên người tốt, mà còn dễ trở thành kẻ hàm hồ, cổ hủ, cố chấp. Mỗi ngày lớn lên thì khả năng lắng nghe cũng phải lớn thêm. Biết lắng nghe cho rõ thì mới biết nói cho đúng. Lắng nghe giúp ta học hỏi rất nhiều và biết nhận định rất sâu. Muốn lắng nghe và thấu hiểu người khác thì trước tiên phải biết lắng nghe và thấu hiểu chính mình.

1. Lắng nghe chính mình

Cần thường xuyên lắng nghe chính mình, để biết mình như thế nào? tình trạng ra sao? đang mong cái gì? Đang muốn cái chi? Điều nào là chính yếu quan trọng và điều nào chỉ là phụ thuộc thường tình? Hãy lắng nghe những điều tích cực và cả những điều tiêu cực trong mình: những vang vọng của giận hờn và ghen ghét, của những tự mãn và nghi kỵ, của những phê phán và xét đoán, của những phân biệt và loại trừ, v.v... Tuy nhiên, đừng vội phê phán gì cả, chỉ lắng nghe thôi và biết mình là như thế.

Nhờ biết lắng nghe chính mình mà ta khám phá ra những ngõ ngách còn sâu kín và mờ tối trong tâm hồn, để đưa ra vùng ánh sáng của sự bình yên. Trong thinh lặng lắng nghe chính mình, ta có khả năng tách rời khỏi mình, đồng thời biết tách ly khỏi sự ràng buộc của hoàn cảnh, của những áp lực ngoại tại, của thế thái nhân tình... để thực hiện quyền làm chủ của mình. Khi làm chủ được mình ta mới đủ sáng suốt, bản lĩnh và khách quan để lắng nghe tha nhân từ những gì sâu thẳm trong lòng họ. 

2. Lắng nghe tha nhân.

Mình cần sự lắng nghe, hiểu biết, cảm thông và nâng đỡ trong cuộc sống thế nào thì người khác cũng vậy. Nhưng điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, nhưng mình chẳng mấy khi chịu lắng nghe ai. Nhiều khi sống bên nhau nhưng tâm hồn lại xa cách nhau, ở với nhau nhưng không hiện diện cho nhau, người ở nhưng lòng không ở, mỗi người một thế giới đơn độc, không ai hiểu ai, chỉ vì thiếu lắng nghe nhau. Không chỉ nghe qua lời nói bên ngoài, mà còn nghe được tâm ý bên trong. Không chỉ nghe qua loa mà nghe thật lòng. Nghe như vậy mới thấu hiểu điều người khác muốn nói.

Trong Hán Văn có chữ “đế thính” nghĩa là “nghe hết lòng”: nghe hết lòng thì người khác mới dám nói thật lòng.

Trong tiếng Anh cũng có chữ “listening deeply” nghĩa là “nghe thật sâu”: nghe thật sâu ta mới cảm thấu tâm ý và nỗi lòng kẻ khác.

Trong tiếng Việt chữ “lắng nghe” còn có một ý nghĩa thâm trầm hơn nữa: phải “lắng” mới “nghe” được. “Nghe” mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không gạn đục khơi trong, không xóa bỏ định kiến, không dẹp tan phiền não đang chế ngự trong tâm, thì không thể thấu hiểu điều mình nghe. Còn nôn nóng trong lòng, còn giận hờn bực tức, thì không thể nghe được, hoặc nghe sai lạc, nghe không chính xác, càng gây thêm bức xúc và thương tổn cho mình.

Lắng chính là sự im lặng của con tim... Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối, ta sẽ nghe được rất nhiều tiếng động chung quanh đang diễn ra. Dù đó là tiếng thở dài não ruột của người kia ở nơi xa hay cả tiếng vô thanh của dòng sông, của ngọn đồi. Cuộc sống bận rộn quá, dễ khiến ta quên đi thói quen lắng nghe sâu sắc bằng trái tim. Nhiều khi, người kia đã nói rõ ràng ra mà ta còn chưa chịu hiểu huống chi chỉ nói nửa câu hoặc im lặng để ta tự suy gẫm… Bởi có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể dễ dàng nói ra khi người nghe không thể hiện được độ rung cảm chân thành từ nơi trái tim. Chỉ cần im lặng lắng nghe mà đừng vội can thiệp hay phán xét để ta hiểu được những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn”[1].

3. Tính cách lắng nghe

- Nhẫn nại và khiêm tốn. Có những người giải bày tâm sự trắc trở của họ cách lượm thượm, dài dòng, dai dẳng, khiến ta ngán ngẫm. Dù vậy, ta vẫn phải nhẫn nại để nghe họ, thì mới có thể nói cho họ nghe. Có thể ta chưa nói được gì, nhưng thái độ tận tình lắng nghe cũng đã khiến họ cảm thấy an vui và cảm nhận sức sống mới.

Khi có chuyện hiểu lầm, bất hòa, mâu thuẫn, thì càng cần phải lắng nghe nhau bày tỏ. Hãy tập lắng nghe từ chính trái tim mình dù cho người kia có nói những lời chói tai, sai sự thật, hay chua chát nặng nề thì ta vẫn khiêm tốn và im lặng lắng nghe. Lắng nghe như thế ta mới biết được những nguyên nhân sâu xa, và cảm thấu hết nỗi đau mà người kia phải gánh chịu. Điều này chẳng dễ chút nào, nhất là khi người kia vẫn khăng khăng chủ quan, cố chấp và có những lời nói trịch thượng gây tổn thương. Nhưng sự nhẫn nại và khiêm tốn lắng nghe là sức mạnh nội tâm, có khả năng hóa giải dần dần những bất đồng và đố kỵ đã nhen nhúm từ lâu.

       - Đơn sơ và chân thành: lắng nghe những điều người khác muốn nói chứ không phải những điều mình muốn nghe. Lắng nghe không phải mong tìm những sơ hở hay khiếm khuyết của đối phương để biện bạch hay chống trả, nhưng để khám phá và tiếp nhận những điều hay lẽ phải, cả những điều không hay không phải. Cái dở của người khác biết đâu lại là chính cái dở của mình.

       Lắng nghe là cơ sở cho những điều mình muốn nói. Muốn lắng nghe người khác phải có khả năng lắng nghe chân lý. Chân lý không phải là người khác, cũng không phải là mình, nhưng chân lý tiềm ẩn nơi nhau: phía sau của những ngôn từ, cách thế và hình thức đối thoại; phía dưới những quan niệm, cá tính và quan điểm dị biệt; trong tấm lòng và trên những lý lẽ.

III. ỨNG DỤNG LỜI CHÚA

1. Lc. 10, 38-42: Câu chuyện Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu

Matta và Maria đều tỏ lòng hiếu khách khi đón tiếp Chúa Giêsu đến thăm, nhưng hai chị em đón tiếp bằng hai thái độ khác nhau. Thái độ đáng quí trọng chắc chắn hệ tại sự trân trọng lắng nghe khách và đáp ứng nhu cầu của khách hơn là bắt khách phải chiều theo sự đón tiếp của mình.

Theo R. Meynet:

- Matta tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà thì cô lo lắng mọi sự chỉ trừ Chúa. Cô không quan tâm đến nhu cầu của Chúa Giêsu: Ngài cần thiết điều gì, mong muốn điều chi? Vì đặt nặng bản thân và công việc của mình, nên sự phục vụ của cô lấn lướt cả vị khách, và ganh tỵ ngay cả với em mình. Điều Chúa mong thì cô không làm, và điều cô làm thì Chúa lại không mong. Nhìn thấy nhau nhưng không gặp gỡ nhau, gặp gỡ nhau nhưng lại không hiểu nhau. Không hiểu nhau nên không thể đáp ứng nhu cầu của nhau, và như vậy cuộc gặp gỡ hay đối thoại là một thất bại, vì mình không có khả năng lắng nghe người khác.

- Về phần Maria, cô giữ một thái độ xứng hợp nhất, ngồi bên chân Chúa và chăm chú lắng nghe. Cô đã quên tất cả mọi sự, trừ Chúa. Khi gặp gỡ Chúa, Maria nhạy bén đón biết nhu cầu muốn chia sẻ, muốn tâm sự của Ngài sau những nặng nề, mệt nhọc, căng thẳng vì sứ vụ... Maria chỉ biết lắng nghe với cả tâm tình yêu mến, và đó là tất cả mong muốn của Chúa Giêsu lúc đó, còn cái gì khác chỉ là phụ thuộc.

Đó cũng là cách ta tiếp xúc và đối thoại với tha nhân. Mỗi khi tiếp xúc với tha nhân là mỗi lần ta hiện diện trước Thiên Chúa, vì nơi mỗi con người đều mang dấu ấn thần linh - nơi Thiên Chúa ngự trị, ngay cả khi họ đánh mất những nét tương đồng với Thiên Chúa. Buồn thay nhiều khi tha nhân hoặc chính ta trở thành một bức màn che chắn Thiên Chúa, thay vì phản ảnh dung nhan sáng ngời của Ngài. Dù sao đi nữa thì mọi tiếp xúc với tha nhân trong hiện tại đòi ta phải vét cạn mọi ảo tưởng về bản thân mình để có một thái độ hiện thực của lòng yêu mến. Mọi quan hệ với tha nhân, tuy thật bình thường, nhưng luôn là cơ may tuyệt vời để sống giây phút hiện tại với Chúa và hoàn tất điều Ngài muốn thực hiện nơi ta, khi ta biết tìm hiểu và lắng nghe họ.

2. Mt 14, 13-21: Phép lạ của sự lắng nghe

Theo tường thuật của thánh Matthêu, phép lạ diễn ra ngay từ lúc đám đông tìm kiếm Chúa. Họ tìm Chúa để được nghe lời Người rao giảng. Họ muốn tìm ra chân lý của cuộc đời. Họ muốn hiểu về giá trị và mục đích của cuộc sống. Thực sự họ đã say mê khi nghe Chúa giảng về Nước Trời. Họ đã bị lôi cuốn bởi lời rao giảng của Chúa đến mức độ quên cả thời gian. Trời đã tối mà xem ra dân chúng vẫn chưa muốn rời xa Chúa. Họ vẫn muốn được nghe lời hằng sống phát ra từ môi miệng Chúa. Nhờ biết lắng nghe Chúa, mà người ta biết lắng nghe nhau.

Thánh Matthêu còn kể tỉ mỉ là số lượng khoảng trên 5000 người đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em. Đây cũng là một sự kiện lạ mà cho tới hôm nay dù rằng có âm thanh hỗ trợ, có phương tiện tối tân vẫn khó khăn truyền tải sứ điệp đến với thỉnh giả tại bãi biển đầy sóng gió ồn ào. Thế mà, lời rao giảng của Chúa Giêsu lại đến với tai mọi người. Mặc dù không micro, không loa phóng thanh. Ngài nói trong gió trời lồng lộng, trong sóng vỗ miên man mà ai cũng nghe được. Ai cũng hiểu. Ai cũng say sưa nghe giảng.

Quả thực, đây là một phép lạ! Phép lạ của sự tôn trọng và lắng nghe. Họ tôn trọng Chúa là người đang nói và cũng tôn trọng tha nhân là người đang lắng nghe. Thông thường ai cũng muốn nói, nhưng ở đây hầu như ai cũng muốn lắng nghe. Chính nhờ thế mà đám đông đã tạo thành một không gian thanh bình, một nơi chốn của thinh lặng cho con tim rung cảm chan hoà yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Và hôm nay phép lạ đó vẫn có thể tái diễn trong cuộc sống khi chúng ta biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, biết cảm thông và nhường nhịn nhau. Thế giới hôm nay rất cần phép lạ này để thế giới được thanh bình hơn. Để con người biết đối thoại với nhau trong chân thành, cởi mở và yêu thương. Một thế giới mà con người biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, đó cũng là một thế giới hòa bình, một thế giới của bình an mà người người biết trao cho nhau niềm vui và hoan lạc hạnh phúc. Một thế giới mà còn đầy những hiềm khích, nói xấu, bỏ vạ cáo gian thì làm sao có những giây phút bình yên. Một thế giới chưa an bình, một xã hội chưa an hòa, một cộng đoàn chưa an vui, là vì bản thân ta chưa biết lắng nghe Chúa, chưa biết lắng nghe nhau. Chúng ta còn đặt nặng bản thân mình nên chưa thực tâm muốn nghe anh em.

Nét đẹp của bài Phúc Âm trên không chỉ dừng lại ở việc con người biết lắng nghe và tôn trọng nhau mà còn quan yếu ở chỗ sự chia sẻ lương thực được trao tặng cho nhau. Cho dù chỉ với phần lương thực quá ít ỏi của một đứa bé. Thế nhưng, với 5 chiếc bánh và hai con cá được trao ban từ lòng quảng đại đã được Chúa nhân lên đến nỗi nuôi đủ 5 ngàn người ăn, không kể đàn bà và trẻ con.

Biết lắng nghe bằng con tim là cách chia sẻ và trao tặng chính bản thân mình cho tha nhân, là góp phần làm nên sự sống cho nhau. Xin cho chúng ta luôn đơn sơ nhỏ bé để dễ dàng lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, để xây dựng một nền văn minh tình thương.

Lm. Thái Nguyên

 

      

 



[1] Minh Niệm, Hiểu về trái tim, NXB Trẻ, 2010, tr. 151.


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ