TRUYỀN GIÁO và ĐỐI THOẠI

CHẤP NHẬN VÀ TÔN TRỌNG NHAU

“Đối thoại phải diễn ra trong sự thật, lương thiện,

khiêm tốn và kính trọng(GHTCA 21§3).

 

Con người càng ngày càng ý thức về nhân phẩm của mình, mọi quan hệ đều đặt trên nền tảng đó. Muốn truyền giáo và đối thọai, ta phải chấp nhận những khác biệt của tha nhân và biết tôn trọng lẫn nhau. Người khác sẽ rất vui khi thấy mình được đón chấp nhận và tôn trọng, từ đó họ mới lắng nghe những gì ta muốn nói.

I. CHẤP NHẬN VÀ TÔN TRỌNG CHÍNH MÌNH

Mọi sự đều bắt đầu từ bản thân mình. Để chấp nhận và tôn trọng người khác đòi ta trước tiên biết chấp nhận và tôn trọng chính mình, nghĩa là lòng tự trọng.

1. Chấp nhận chính mình

       Ít nhiều ai cũng cảm nhận sự chênh lệch giữa “cái ta là”“cái ta muốn là”. Để có thể chấp nhận chính mình - con người thật của mình - thì trước tiên ta phải có thái độ bình tâm, và hướng tầm nhìn nhất quán vào nhân vị: “thần trí, linh hồn và thân xác” (1 Tx 5, 23). Nhân vị của mỗi người mang một định hướng thiêng liêng cao cả, vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tự bản thân, mỗi người có những yếu tố di truyền khác biệt: mức độ sức khỏe thể chất và tinh thần, cấu trúc tâm sinh lý, khả năng nhận thức, đời sống tâm linh, mẫu tính tình... Ngoài ra, mỗi người còn chịu những ảnh hưởng nhất định bởi những tập tục, những lối sống, những chủ thuyết, những quan niệm... đã tích tụ hình thành kiểu cách sống hiện thời của mình.

       Chấp nhận không có nghĩa là cam lòng chịu vậy, mà là bình tâm đón nhận những gì mình đã được trao ban, đồng thời cảm nghiệm về một sự sống mới luôn phát sinh và triển nở trong ta, bởi lẽ Thiên Chúa không ngừng sáng tạo từ những gì Ngài đã tạo thành. Trong ý nghĩa đó, chấp nhận chính mình không cho phép ta giới hạn khả năng, không khép kín bản thân hay định kiến về mình. Cần triệt tiêu kiểu lý sự : Tôi là vậy, không thể khác hơn. Tất nhiên, mỗi người một tính khí, không thể thay đổi hoàn toàn, nhưng hoàn toàn có thể xóa mờ những vết đen, bào mòn những thô nhám, cắt tỉa những lởm chởm và gai góc nơi cá tính mình. Bản năng vẫn còn đó, cá tính không thể triệt tiêu, nhưng nếu có mục đích cao cả ta sẽ biết nỗ lực vượt thắng chính mình trong ơn Chúa, làm nên một nhân cách cao đẹp, và mọi sự sẽ khác đi.

       Chìm sâu trong cầu nguyện sẽ giúp ta trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng và khiêm tốn chấp nhận chính mình. Chấp nhận mình cũng cần thường xuyên khởi đầu lại, để tiến lên, để đồng hành với những thay đổi vốn luôn có nơi những người xung quanh.

2. Lòng tự trọng

Biết chấp nhận chính mình là ta đã thể hiện lòng tự trọng. Lòng tự trọng đó không cho phép ta đánh giá cao cũng không đánh giá thấp về bản thân mình, nhưng nhận biết sự thật về mình. Sự thật đó có những điều không hay không tốt, nhưng vẫn có những điều tốt điều hay. Đừng chỉ nghiêng về phía này để đánh giá tiêu cực, hay chỉ nghiêng về phía kia để chỉ đánh giá tích cực. Cả hai đều phải được nhìn nhận để quân bình hóa cái nhìn về mình, và từ đó biết cách xúc tiến tốt mọi tương quan và hoạt động của mình. Lòng tự trọng đối với chính mình cũng là lòng tôn trọng đối với tha nhân. Điều đó đòi ta biết rõ thực lực và những mặt ưu khuyết của mình cũng như của người. Sách binh pháp của Tôn Tử có ghi rằng:

“Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi,

Bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhứt thắng nhứt phụ,

Bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất bại”.

Ta không cần phải chiến thắng ai nhưng phải chiến thắng bản thân mình, chiến thắng những khuynh hướng lệch lạc và cách thức sai lạc khi suy nghĩ và đánh giá về mình, để có đủ lòng tự trọng. Lòng tự trọng mang lại niềm vui với cái nhìn tốt hơn trong nghịch cảnh. Nó mang lại cho tâm hồn sự bình an và cảm thấy tự tin khi đương đầu với thử thách, đồng thời có cái nhìn lạc quan trong mọi nghịch cảnh. Lòng tự trọng cho ta nhận ra mình là thành viên của cộng đồng, đang sống hòa hợp với mọi người chứ không sống riêng lẻ, cô độc.

Ngược lại, khi thiếu lòng tự trọng ta thường mang cảm giác bất an, thấy mình dường như không nối kết được với những người xung quanh, và mục đích nhắm tới không chắc chắn. Hơn nữa, khi thấy người khác thành công, ta thường ghen tuông và bực tức cách vô lý. Thiếu lòng tự trọng thì cũng thiếu mong đợi về mình, nên giảm đi nỗ lực, gây ra lo lắng trước thách đố cũng như cơ hội, và hành vi biểu hiện kém thì kết quả đương nhiên kém. Thay vì nhìn ra lý do từ bên trong, ta lại căn cứ theo những yếu tố bên ngoài, nên càng đánh mất lòng tự trọng. Để biết sống tự trọng ta cần ứng dụng nguyên tắc sau:

- Chấp nhận những gì mình là. 

- Vui sống với những gì mình có.

- Khám phá những phẩm chất khác bên trong mình.

- Đừng mong chờ hay phụ thuộc vào lời khen của người khác.

II. CHẤP NHẬN VÀ TÔN TRỌNG THA NHÂN

1. Thiên Chúa nơi tha nhân

Mỗi người là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa và là hình ảnh của Ngài. Mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương như nhau và bình đẳng với nhau về nhân phẩm. Món quà lớn lao nhất mà Thiên Chúa trao ban cho con người chính là sự tự do. Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của con người đến nỗi khi con người giơ tay phá hại công trình tạo dựng, Ngài cũng vẫn không ngăn cản (x. St 3, 1-7), khi con người manh tâm làm điều ác, Ngài vẫn không lên tiếng (x. St 4, 1-16). Ngài chỉ biết âm thầm nhắc nhở và dự định tái tạo lại những gì đã hư mất (x. St3, 15), tiếp tục tôn trọng triệt để tự do của con người. Sự tôn trọng tự do này bắt nguồn từ lòng yêu thương vô cùng của Thiên Chúa, là nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau.

Điều khiến ta thiếu tôn trọng người khác là phê bình, chỉ trích, xét đoán, nói xấu, nhằm hạ bệ người khác để tôn mình lên. Có một số điều khác cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: can dự và phơi bày chuyện riêng tư của người khác; chê cười và châm chọc những khuyết điểm của người khác; coi thường, chê bai bổn phận, trách nhiệm, chức vụ và công việc của người khác; tỏ ra thái độ bất ưng, bất hợp tác, và phát ngôn thiếu suy nghĩ làm ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống tinh thần của người khác; gây áp lực và ảnh hưởng của mình trên người khác; coi rẻ những đóng góp và ý kiến của người khác; chỉ lo đạt hiệu quả mà bất chấp quyền lợi, tâm tư, tình cảm của người khác …

2. Phê bình xây dựng và phê bình phá họai

Cái nguy cơ thường xuyên khiến Thiên Chúa không thể đạt được kế hoạch tình yêu của Ngài nơi ta và tha nhân, chính là sự chỉ trích và phê bình mang tính cách phá hoại. Điều này đi ngược lại với sự phê bình mang tính cách xây dựng. Phê bình xây dựng xem xét và lượng giá một công việc, một tính cách về cả hai mặt tích cực và tiêu cực, đồng thời góp ý nhẹ nhàng để mong ước được hòan hảo hơn. Đó là việc phán đoán có tính cách trí thức, đạo đức, khách quan, hướng thiện. Phê bình xây dựng là điều hết sức cần thiết trên mọi phương diện của đời sống, nhất là về đời sống nhân bản. Phê bình xây dựng phát xuất do lòng yêu thương, với thái độ từ tốn, hiền hoà, tế nhị, nhằm nâng cao phẩm chất sống của mình và đời sống cộng đòan.

Ngược lại, việc phê bình chỉ trích phát xuất do sự bất mãn tiềm ẩn, do tính kiêu căng thúc đẩy, do tính hờn mát bị va chạm, do tính hung hăng không kềm chế nổi. Trong tâm lý sâu xa hơn thì người ta thường chỉ trích vì ganh ghét, vì thất vọng, nên chụp mũ vào kẻ khác hình ảnh của chính tâm trạng mình. Phê bình chỉ trích không những chỉ là sự xác định ưu thế của mình trên người khác, mà còn là một hành vi chiếm đoạt thẩm quyền và địa vị của Thiên Chúa, gây hỗn loạn cho đời sống. Trái lại, “Nơi nào vắng bóng phê bình chỉ trích thì sự hiện diện của Thiên Chúa gia tăng, lòng kiên nhẫn hình thành, nghị lực tâm hồn tăng trưởng, con tim được mở rộng và các đam mê dịu lại, bản năng đòi hỏi sẽ im hơi lặng tiếng, con người được giải thoát khỏi tính ích kỷ và những cái nhỏ nhoi, ta sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng bình an trong Chúa” (Luis-Marie Parent).

3. Sự tôn trọng đích thực

Sự tôn trọng đích thực chỉ có khi ta biết gìn giữ phẩm cách của mình, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, không ngang nhiên phát ngôn bừa bãi, không chủ ý loan tin độc địa. Chỉ thật sự tôn trọng người khác khi nào ta yêu thương quí mến họ, không còn phán đoán họ một cách bất lợi và nghiêm khắc nữa. Đó mới là lúc ta thiết lập một sự tương giao sâu rộng và cao đẹp cho đời sống nhân vị của mình và mọi người.

Một khi tránh được thói phê bình chỉ trích, tâm hồn ta sẽ lắng dịu, cảm thấy tiếng mời gọi của Chúa mạnh mẽ hơn, nhận ra sự hiện diện của Chúa gần gũi và thân tình hơn. Với lòng yêu thương tôn trọng, ta sẽ dễ dàng thấu hiểu người khác bằng đôi mắt của tâm hồn, thấy mọi người đang nằm trong hoạt động của Thánh Thần Chúa, Ngài đang xúc tiến sửa chữa, chỉnh đốn và đổi mới lại mọi sự trong ngoài nơi ta và nơi mỗi người. Tôn trọng nhau chính là đó là tôn trọng chính Chúa nơi nhau.

Là Kitô hữu - những người mang Chúa Kitô trong mình, ta phải tích cực dấn thân trong việc truyền giáo và đối thọai để đem Chúa đến với mọi người. Lý tưởng dấn thân đó phải đưa đến thái độ nhìn nhận tầm quan trọng của tha nhân đối với bản thân mình. Thái độ ấy bao hàm một sự khẩn cầu đối với tha nhân, nghĩa là phải tỏ cho thấy mình thật sự cần họ. Chỉ có thái độ đó mới mở đường cho tình yêu thật sự, và giúp chúng ta thấu hiểu hơn mầu nhiệm tình thương “hạ giáng” của Thiên Chúa: một thái độ khẩn cầu tình yêu của nhân loại - một nhân loại rất yếu hèn nơi mỗi người chúng ta.

Nhân phẩm của chúng ta triển nở trong nhân phẩm của người khác; sự tự trọng của chúng ta chỉ đúng đắn và chân thực trong sự biết tôn trọng mọi người. Sự thành hình của Thiên Chúa trong lòng mình tuỳ thuộc vào tương quan của mức độ giao hảo với tha nhân.

Chỉ chìm sâu trong cầu nguyện qua mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày, chúng ta mới nghiệm thấy Chúa tôn trọng ta biết dường nào. Khi thấm sâu vào tâm tình của Chúa ta mới biết tôn trọng đúng mức cuộc sống của anh chị em mình trong mọi diễn biến của nó.

III. ỨNG DỤNG LỜI CHÚA

1. Mt 15, 21-28: người đàn bà ngoại giáo xin Chúa chữa cho con gái bị quỉ ám

Người Do Thái, cách riêng người Pharisêu, coi dân ngoại bang hay những người ngoài Do Thái giáo là những người tội lỗi, bị ô uế về tinh thần, nên họ khinh bỉ coi thường. Người phụ nữ đến với Đức Giêsu là người Canaan, là người ngoại bang và cũng là ngoại giáo. Vì thế, khi đến với Đức Giêsu là người Do Thái, chắc bà cũng đã mường tượng trước thái độ thiếu thân thiện có thể có của Đức Giêsu đối với bà. Để đón nhận Chúa Giêsu, và đạt được nguyện vọng của mình, người đàn bà Canaan này phải đương đầu với 3 thử thách lớn:

(1) Theo William Barclay, bởi lòng kiêu căng, người Do Thái gọi dân ngoại là “những con chó ngoại đạo”, “những con chó vô tín ngưỡng”. Họ không muốn có bất cứ liên hệ gì với dân ngoại. Bà ngoại giáo này đụng phải bức tường kiên cố không thể lay chuyển của nạn kỳ thị, nhưng bà đã can đảm và kiên trì vượt qua khi dám đến gặp và ngỏ lời cầu xin Chúa Giêsu.

(2) Trước thái độ lạnh lùng và im lặng của Chúa Giêsu, Bà vẫn cứ chờ đợi. Còn các môn đệ coi Bà như một gánh nặng cần trút bỏ càng sớm càng tốt: “Xin Thầy bảo Bà ấy về đi, vì Bà ấy cứ theo sau chúng ta mà xin mãi!”. Bà vẫn ôn tồn tha thiết kêu xin.

(3) Sau đó, Chúa Giêsu đáp lại, nhưng bằng câu nói nặng nề, so sánh Bà với chó: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà đã hạ mình triệt để, chấp nhận mình là chó, và chỉ dám trông chờ những vụn bánh từ bàn rơi xuống.

Tại sao Chúa Giêsu lại có thể cư  xử có vẻ thiếu tình người như vậy, đang khi Ngài đến là để mang ơn cứu độ cho mọi người? (Mt 28,19). Chắc chắn Ngài có lý do sâu xa và mục đích riêng khi cư xử với bà như thế.

Để hiểu thái độ của Đức Giê-su trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta nên đặt Ngài ở vị thế của một đạo sư Đông phương chứ không phải của một người thông thường. Các đạo sư Đông phương nhiều khi có những cách hành xử khác thường, với mục đích giáo dục  hoặc thử thách người đệ tử. Chẳng hạn thiền sư Đơn Hà chẻ tượng Phật trong chùa ra làm củi để sưởi vì đệ tử kiếm củi không ra. Mục đích của ông là dạy cho họ biết Phật không phải là những bức tượng bằng vật chất, mà là một thực thể sinh động và thiêng liêng ở ngay trong tâm hồn của mỗi người: “Tức Tâm tức Phật”. Ông làm thế vì thấy các đệ tử quá chú trọng vào những nghi thức bề ngoài trước tượng Phật, mà quên bổn phận quan trọng hơn rất nhiều là phải ý thức tâm mình mới là Phật đích thực, và phải tu tâm dưỡng tánh, tập sống cho xứng với phẩm giá cao quí đó.

Cũng vậy ở đây Đức Giêsu muốn thử thách niềm tin của người đàn bà này xem như thế nào. Nếu bà này thật sự không có đức tin, Ngài không thể giúp bà được gì cả. Đức Giêsu đã thử thách và bà đã vượt qua thử thách ấy, bà đã thắng được lòng tự ái bản thân, tự ái dân tộc, nhận rằng mình bất xứng và  vững  tin vào quyền năng và tình thương của Ngài. Vì thế, Ngài đã cho bà được toại nguyện: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Và con gái bà đã được khỏi ngay lúc ấy. Quả thực, qua phép lạ này Chúa Giêsu muốn xoá bỏ mọi ngăn cách và kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo để hiệp nhất mọi người trong đức tin vào Ngài.

Trong cuộc đời, rất nhiều khi ta bị được Thiên Chúa thử thách, nghĩa là Ngài cố tình để ta lâm vào cảnh đau khổ, cùng khốn, khó khăn. Sách Gióp cho thấy Chúa thử thách ông tới mức độ khủng khiếp. Nhưng cuộc thử thách nào cũng phát xuất từ tình thương vô biên của Chúa đối với con người. Thử thách rất cần thiết để giúp con người tiến bộ, và phát phát triển trên nhiều phương diện. Nhờ có thử thách ta mới biết được đức tin, đạo đức, tài năng hay bản lãnh của ta tới mức độ nào. Vì thế, Thiên Chúa luôn luôn thử thách con người, nhất là những ai yêu mến Ngài, đến nỗi thánh Têrêxa Avila khi bị thử thách quá độ đã phải kêu lên: “Chúa đối xử với bạn thân của Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn thân là phải!”.

Chúa cũng thường thử thách ta qua thái độ lạnh nhạt, hững hờ, vô tâm của người khác; qua lời nói trịch thượng, khinh bỉ, chê bai của anh chị em, qua sự thinh lặng, phủ nhận, từ chối của những kẻ quyền thế... Xét trên phương diện nhân bản thì ta không thể chấp nhận được, nhưng Chúa lại dùng ngay những những điều đó để thử thách. Cần coi đó như cơ hội để giúp ta từ bỏ chính mình, giống như người đàn bà Canaan, dám coi nhẹ “cái tôi” của mình, đồng thời ý thức sự hư vô của mình. Chúa ở ngay trong cơn thử thách. Chính trong thử thách mà ta dần dần lớn lên trong đức tin, trong sự chấp nhận sự thật về mình, để có thể chấp nhận tha nhân trong mọi tình trạng, và đem lại những kết quả lành thánh trong mọi cuộc đối thoại với mọi hạng người.

2. Ga 4, 7- 42: Cuộc đối thoại bên bờ giếng Giacop

- “Cho tôi chút nước uống.” Ðức Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời nài xin. Ngài chẳng sợ thú nhận sự thiếu thốn của mình. Xin nước uống là làm một cuộc cách mạng, là bắc một nhịp cầu qua vực sâu ngăn cách hai dân tộc Samari và Do thái vốn dĩ đã thù ghét và xa lánh nhau từ bốn thế kỷ. Chẳng ai hiểu nổi một bậc thầy như Ðức Giêsu lại nói chuyện và xin nước một phụ nữ Samari. Ðức Giêsu đã cúi mình phá bỏ những hàng rào để xây dựng một cuộc đối thoại đích thực và bình đẳng.

- “Cho tôi chút nước uống.” Ngài là người xin nước trước khi là người cho… Chúng ta cũng có nhiều điều phải xin nơi chính những người cần chúng ta giúp đỡ. Ðức Giêsu cho thấy Ngài có một thứ nước lạ lùng, uống vào không còn khát nữa. Người phụ nữ vội vã xin Ngài thứ nước kỳ diệu đó. Chị đâu ngờ chính mình đã bắt đầu được nếm rồi. Nước đó chính là Lời của Ðức Giêsu, Lời vén mở dần dần con người thâm sâu của Ngài.

Ðức Giêsu cho thấy Ngài biết rõ gia cảnh của chị. Cái biết của Ngài không nhằm soi mói, nhưng để cảm thông. Cái biết của Ngài về những điều riêng tư thầm kín đã khiến chị coi Ngài là một ngôn sứ đáng tin. Từ đó, chính chị gợi lên vấn đề tôn giáo, một vấn đề khiến chị rất bận tâm. Chính chị nói lên niềm mong đợi của mình về Ðấng Mêsia, Ðấng sẽ đến dạy dỗ mọi sự (Ga 4,25); rồi cũng chính chị đã bỏ vò nước lại mà hân hoan chạy đi giới thiệu Ðức Giêsu cho đồng bào.

 

Nghệ thuật truyền giáo và đối thoại của Chúa Giêsu

- Đòi can đảm

Để đối thoại với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu đã chấp nhận những rủi ro có thể xảy đến với Ngài: Ngài sẽ bị búa rìu của dư luận và tập tục phê phán, bị các môn đệ hiểu lầm, vì dám nói chuyện công khai với một người phụ nữ ở giữa nơi công cộng, điều mà luật không cho bất cứ vị đạo sĩ nào làm. Đã vậy, đây lại là người phụ nữ Samari, kẻ thù của dân Do thái, cũng là người đang bị mang tiếng xấu. Chúa Giêsu ý thức rất rõ điều đó. Tuy nhiên, Ngài vẫn chủ động đối thoại với chị. Nhờ cuộc đối thoại, Ngài đã gỡ bỏ hàng rào ngăn cách giữa người Do thái và Samari, xua tan mối bất hòa chia rẽ giữa hai quốc gia suốt mấy trăm năm. Từ việc đối thoại, Ngài muốn cho mọi người thấy được tính cách phổ quát của Phúc Âm. Bởi lẽ, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân tộc Do thái, nhưng còn được dành cho cả dân ngoại, cụ thể là người Samari. Đặc biệt hơn, Ngài muốn khai mở ra một cách thế độc đáo và hiệu quả trong việc truyền giáo, đó là “đối thoại chứ không đối đầu”.

- Vượt lên chính mình

Đối thoại là chấp nhận vượt qua những rào cản của lề thói, của sự dị biệt văn hóa, của não trạng và những ý thức hệ, của niềm tin tôn giáo, của những nghi kỵ và thù hận vì hiểu lầm… Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cần phải vượt qua vẫn là chính con người của mình. Bởi vì muốn đối thoại, cần phải ra khỏi bản thân, đặt mình vào vị thế và suy nghĩ của người khác thì mới có thể hiểu họ và cảm thông với họ. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự hy sinh, chấp nhận những thiệt thòi và rủi ro có thể xảy đến cho mình.

- Khéo léo và tinh tế, nhưng cũng giản dị và gần gũi

Điều đặc biệt từ cuộc đối thoại, đó là sự khéo léo và tinh tế của Chúa Giêsu. Nhờ sự khéo léo và tinh tế, Chúa Giêsu đã tiếp cận được với dân ngoại mà đại diện là người phụ nữ Samaria. Ngài đã dắt dìu chị đi từ chỗ thù nghịch, nghi kỵ đến chỗ thân thiện; từ người được xin nước trở thành người đi xin Nước Hằng Sống của Chúa. Để có được thành công này, Chúa Giêsu đã tiếp xúc với cách thức hết sức giản dị và gần gũi, không kỳ thị, không phân biệt đối xử. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy đến với mọi người bằng lối sống thân tình. Đây chính là “chiếc chìa khóa” để mở lối đưa đường cho mọi người đến với Chúa.

 

Lời tự tình của phụ nữ Samaria

Cuộc sống con người có nhiều mối tương quan liên đới với nhau, và có nhiều cuộc gặp gỡ khác nhau. Có những cuộc gặp gỡ như gió thoảng, như mây trôi… gặp đó rồi tan biến đi không để lại một dấu tích nào trong cuộc đời. Nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ đã làm biến đổi cả một đời người. Đó là cuộc gặp gỡ kỳ diệu của tôi, người con gái dân làng Samaria, với Đức Giêsu bên bờ giếng.

Hơn hai ngàn năm trước, giữa trưa hè oi bức, trong lúc mọi người đang nghỉ trưa, nhìn trước nhìn sau không thấy bóng người, tôi một mình lén lút mang bình ra giếng để múc nước với hy vọng không phải gặp mặt những người thân quen. Tôi muốn chạy trốn vì gốc gác thấp hèn không trong sạch của mình, nên những người hàng xóm láng giềng luôn xa lánh tôi. Tôi muốn trốn chạy vì trót mang thân phận hồng nhan đa truân, tình duyên lỡ làng với 5 đời chồng, nên những người họ hàng bà con luôn nhìn tôi bằng con mắt chê trách khinh bỉ. Tôi muốn chạy trốn vì xã hội này đã quay lưng với tôi, đã không có chỗ dành cho tôi, đã âm thầm kết án tôi là phường đàng điếm tội lỗi.

Một mình tôi bước đi trong cuộc đời, và hôm nay, một mình tôi bước ra bờ giếng để lấy nước, với hy vọng không phải gặp mặt một người nào đó. Nhưng kìa… một người đàn ông Do Thái đang ngồi nghỉ trưa bên bờ giếng. Ông ngước mắt nhìn tôi, tôi không còn cách nào chạy trốn nên đành phải cúi đầu bước đi trong thinh lặng. Tôi bước đi nhưng lòng tôi lại có ý nghĩ khinh thường người đàn ông này. Hắn chỉ là một gã Do Thái đói rách bẩn thỉu, có lẽ hắn cũng tham lam và coi trọng lề luật như bao gã Do Thái khác. Nhìn quần áo của hắn thì biết rõ hắn còn là một gã Do Thái nghèo. Cuối cùng bước chân nặng nề cũng mang tôi đến bên bờ giếng. Tôi mong muốn múc nước đổ đầy bình cho thật nhanh để ra về ngay, tránh cái nhìn soi mói của gã đàn ông Do Thái này. Hơn nữa, theo luật Do Thái, Samari và Do Thái là hai thế giới riêng biệt, không bao giờ được phép gặp gỡ chung đụng, vì người Samari bị coi là phường ngoại đạo.

Bỗng dưng người đàn ông lên tiếng gợi chuyện với tôi: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (Ga.4:8). Tôi bâng khuâng ngỡ ngàng về giọng nói trầm ấm đó. Tôi ngạc nhiên về lời xin nước để uống. Tôi ngước mắt nhìn ông, nhìn vào vầng trán cao với khuôn mặt nhân hậu … nhìn vào cặp mắt sáng ngời với nụ cười hiền hoà tươi vui … Tôi nhủ thầm trong lòng: “Chắc hẳn ông này không phải là người tầm thường”. Tôi lên tiếng nói với ông: ” Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?” (Ga.4:9). Nghe tôi nói, ông nở nụ cười thật tươi, thật hiền hòa như trả lời với tôi rằng "ông chẳng nặng lề luật, nhưng trọng tình người".

Qua gặp gỡ đối thoại, tôi mới hiểu ra rằng ông chỉ giả vờ xin nước để gợi chuyện với tôi mà thôi. Ông không khát nước, nhưng từng bước rồi từng bước, ông tế nhị chỉ bảo cho tôi biết chính tôi mới là người khát, khát Nước Hằng Sống. Ông hé mở cho tôi biết ông là ai, và ông sẽ làm gì để tôi hết khát. Giờ đây sự xa lạ, nghi ngờ và coi thường đối với ông đã dần dần tan biến trong tôi, nhường chỗ cho sự yêu thương kính trọng.

Trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, ông nhìn thấu suốt con người của tôi: những cuộc tình vụng trộm chóng qua, những thù hận và trốn chạy trong cuộc đời, những vết thương lòng nhói đau … tất cả ông đều biết rõ, cái biết của ông không nhằm soi mói, nhưng để cảm thông. Tôi giật mình sấu hổ khi thấy ông biết rõ những bí ẩn của đời tôi. Nghe lời nói của ông, niềm yêu thương và lòng kính trọng trong tôi mỗi lúc một biến đổi trào dâng, để rồi tôi phải cúi đầu tôn kính ông là ngôn sứ của đời mình.

Trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, ông chỉ vẽ cho tôi biết về Thiên Chúa:” Thiên Chúa là thần khí, và những ai thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga.4:24). Và cũng trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, khi nghe tôi nhắc đến Ðấng Mêsia, còn gọi là Ðức Kitô. Ông đã tỏ mình cho tôi biết: “Ðấng ấy chính là Tôi, Người đang nói với chị đây" (Ga.4:26).

Tôi bàng hoàng đứng dậy, để lại vò nước bên bờ giếng, chạy như bay về nhà, thông báo với bà con họ hàng, với hàng xóm láng giềng, với mọi người tôi gặp gỡ trên đường đi… những người mà chỉ vài giờ trước đây tôi còn nghi kỵ và chạy trốn không muốn gặp mặt, nay tôi mạnh dạn lớn tiếng nói với họ: “Đến mà xem! Hãy đến mà xem một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô đó sao?” (Ga.4:29).

Giêsu ơi! Cuộc gặp gỡ kỳ diệu bên bờ giếng đã biến đổi đời con, giúp con trở thành con người mới, với trái tim mới; trái tim của yêu thương và hy sinh phục vụ ... Xin cho con được gặp gỡ Ngài mỗi ngày trong suốt cuộc đời của con. Amen

Lm. Thái Nguyên


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ