ĐỐI THOẠI - TRUYỀN GIÁO

QUẢNG ĐẠI VÀ BAO DUNG

Phải đối thoại bằng cuộc sống và bằng con tim. Khi gặp gỡ và đối thoại, người môn đệ Đức Kitô phải có con tim dịu dàng và khiêm tốn của Thầy mình, đừng bao giờ tự phụ, đừng bao giờ trịch thượng”. (GHTCA 31§3).

 

 

       Thiên Chúa là Tình Yêu, nên đường lối và cách hành động của Ngài luôn quảng đại và bao dung đối với hết mọi hạng người. Chúng ta cũng hãy tiến bước theo lộ trình đó để đi vào sứ mạng Truyền Giáo và Đối thoại. Nhờ đó, ta mới phong phú hóa cuộc sống của chính mình, và góp phần để đưa cuộc sống này vào trong khung trời yêu thương bất tận của Thiên Chúa.

I. QUẢNG ĐẠI

1. Trong suy nghĩ

       Quảng đại là mở rộng lòng để đón nhận những khác biệt của tha nhân. Trên phương diện hành xử và giáo dục, ta dễ thất bại vì muốn nắn đúc người khác theo quan điểm và khuôn khổ của mình. Điều tệ hại hơn nữa là dựa trên những tiêu chuẩn chủ quan để phê phán, đánh giá và xếp loại người khác theo từng cấp độ: ai càng phù hợp với khuôn của mình thì càng tốt; ai càng ít phù hợp thì càng xấu; ai càng giống mình thì càng hay; ai càng khác mình thì càng dở. Đây là kiểu giảm thiểu tha nhân xuống hàng các phạm trù tâm lý, hoặc là các mô hình dự báo về ứng xử. Nhận thức chủ quan này sẽ dẫn ta từ sai lầm này đến sai lầm khác, là mầm mống của kiêu căng và thống trị độc tài, phát sinh từ nhân cách nom kém và tâm trí non nớt. Kinh nghiệm sống dạy cho chúng ta biết rằng, trong tương giao, đối thoại, gặp gỡ, việc giống nhau giúp ta dễ hiểu nhau hơn, nhưng khác nhau mới làm cho ta dồi dào phong phú hơn.

2. Trong cách hành xử

       Đối thoại đòi ta phải quảng đại, nếu không, có thể hóa ra một thảm trạng buồn cười như câu chuyện về chiếc giường Procuste trong thần thoại Hy Lạp: ai nằm vừa vặn với chiếc giường, Procuste thả cho đi. Ai dài hơn, anh ta chặt bớt. Ai ngắn quá, anh ta kéo ra cho bằng chiếc giường.

       Đối thoại và hành xử như vậy là làm què quặt và phế bỏ sự sống của tha nhân. Để tránh được sự phế bỏ tai ác này, đòi ta phải phế bỏ định kiến, ra khỏi tháp ngà tự mãn của bản thân để can đảm chỉnh đốn hoặc sửa đổi chính quan điểm và lối suy nghĩ của mình. Hơn nữa, những xác tín của riêng mình cũng cần phải đặt lại vấn đề, nhất là cách thức trình bày và sử dụng ngôn từ. Không thể cứng nhắc trong một hình thức nào đó, làm mất đi tính chất linh hoạt và sinh động của sự hợp nhất trong đa dạng. Sự bất đồng xảy ra nhiều khi không phải do nội dung mà ta muốn truyền đạt, nhưng do cách thái trình bày không được uyển chuyển theo quan niệm của từng giới người, trong từng vùng địa dư và sắc thái văn hóa khác nhau. Có những “phạm trù” tư tưởng và ngữ nghĩa khác nhau, nhưng rồi lại diễn đạt một chân lý như nhau.

       Người khác bao giờ cũng có những quan điểm riêng, những cách thái, ngôn ngữ và lối hành xử khác biệt, có khi đi ngược với ta. Để đi vào đối thoại đòi ta phải quảng đại đón nhận trước đã, đừng quá chú tâm vào những điểm tương khắc, nhưng là những điểm tương đồng.

II. BAO DUNG

1. Bao dung (la tolérance) và khoan dung (l’ indulgence).

      Bao dung là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người với người trong đủ mọi chiều kích. Còn khoan dung là dễ dàng chấp nhận và tha thứ những lỗi lầm hay khiếm khuyết của người khác.

      Một người có thể rất khoan dung mà lại không bao dung, nghĩa là rất dễ tha thứ, thông cảm những lầm lỗi của người khác, mà không thể chấp nhận cho người khác suy nghĩ hoặc hành động khác với mình.

      Còn người bao dung thì thường cũng khoan dung, vì chấp nhận được sự khác biệt của người khác nên cũng dễ chấp nhận những khiếm khuyết hay lầm lỗi của họ. Do đó, khoan dung chỉ là một khía cạnh của bao dung. Bao dung có ý nghĩa tổng quát, rộng lớn hơn khoan dung.

      “Bá nhân bá tánh”. Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vạn vật muôn màu muôn vẻ, chắc chắn Ngài không muốn con người biến nó trở thành một màu một vẻ. Do đó buộc tha nhân phải giống mình, muốn mọi người phải đồng nhất với nhau trong tư tưởng, ngôn ngữ, hành động là ảo tưởng, đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa.

      Điều Ngài muốn nơi con người không phải là sự đồng nhất mà là sự hiệp nhất. Sự đồng nhất chỉ làm thế giới này nghèo nàn đi, chắc chắn sẽ bất lợi cho con người và vũ trụ. Con người tuy khác biệt nhau mà vẫn hiệp nhất lại với nhau được thì sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Sự khác biệt giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa nền văn hoá này với nền văn hoá nọ... là một hồng ân của Thiên Chúa cho con người. Chúng ta phải cảm tạ Chúa về điều đó. Điều Ngài muốn là chúng ta tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt đó để xích lại gần nhau hơn, để bổ túc lẫn nhau, để giúp đỡ nhau, để xây dựng sự hiệp nhất trong yêu thương.

2. Bao dung tích cực

       Không phải ta chấp nhận bao dung vì “cực chẳng đã”, “chẳng đặng đừng”, vì sợ gây đổ vỡ. Nếu bao dung có nghĩa như thế, thì quả là tiêu cực, nói lên tính khiếp nhược và nhát đảm, muốn trốn tránh sự nguy hiểm để được an thân. Bao dung không phải là nói “Amen” với tất cả những gì mà hoàn cảnh có thể cho phép nói và làm. Bao dung trước hết không có nghĩa là đồng lõa, thỏa hiệp, xuề xòa cho qua, hoặc khỏa lấp chân lý để chọn lựa tính cách “Dĩ hòa vi quí”. Tuyệt đối không thể từ bỏ những xác tín cá nhân để trở thành loại người lấp lửng, “ba phải”. Đừng làm con tắc kè luôn thay màu đổi sắc với chiêu bài là để thích ứng với người khác.

       Bao dung đích thực đòi ta phải có lập trường và xác tín riêng, nhưng không áp đặt nó trên người khác. Trái lại, chấp nhận để người khác có những tính cách và lối nhìn riêng. Theo một quan niệm tích cực, bao dung là đường lối xử thế chủ yếu để làm sao người khác được tự do trình bày những quan điểm khác biệt của họ, và nhất là để cho họ được sống theo những nguyên tắc và xác tín riêng. Với ý nghĩa đó, bao dung là một cách thế nêu cao tự do, giải thoát cá nhân khỏi những định kiến và thái độ giáo điều.

       Đối thoại luôn có sự hòa hợp giữa Tình . Hai phương diện này không lấn át và xâm phạm lẫn nhau. Tình không được phép bao che, phủ lấp cho những điều phi lý, và cũng không được phép ngang nhiên võ đoán hay lợi dụng sự chân tình. Cả hai song hành và bổ sung cho nhau để hướng mình và người khác đến một tầm nhìn sâu rộng hơn trong sự hài hòa. Trong hướng đó, tính khách quan luôn được đề cao, để người bao dung biết làm chủ quan điểm và hạnh kiểm của mình.

       Như vậy, bao dung là một nhân đức của những người quân bình, biết uyển chuyển để tránh nóng giận, biết phân biệt “của anh và của tôi”. Lòng bao dung ghê tởm những thứ độc đoán, kỳ thị, hình thức, cũng như mọi tật xấu của tâm hồn, là hệ lụy của việc phế bỏ lý trí. Nói cách khác, lòng bao dung là thắng lợi của lý trí đối với tinh thần phe nhóm, không lập dị, bè phái, cũng chẳng ô hợp.

       Một tinh thần bao dung như vậy mở ra thái độ tiếp nhận, vì bao dung hàm ngụ những phẩm tính căn bản của sự tiếp nhận cuộc đời và tiếp nhận tha nhân: tâm trí cởi mở, quan điểm rộng rãi, con tim sáng suốt, tấm lòng nhân hậu, nhất là kính trọng người khác về những gì không thể giản lược mà cũng không thể phê phán được. Vì thế, hãy biết nhận ra nơi sắc thái đa dạng của mỗi người để giúp ta đi vào quan hệ với họ một cách tốt nhất. Nhưng rồi cũng phải xác định về chính mình: đường hướng và lý tưởng, khả năng và tính cách, vị thế và vai trò, đang là ai, trong môi trường nào, đang tin gì và tin vào ai? Cho dù mình có tầm ảnh hưởng và thế giá lớn lao tới đâu đi nữa, cũng không để mình trở thành kẻ cao ngạo, hoặc bám trụ chết cứng vào những xác tín của mình. Nhưng còn phải biết để cho người khác đi vào bên trong những tường lũy của mình, để chính mình cũng được củng cố bởi sự tiếp cận của họ.

3. Bất bao dung là hạng ác nhân

       Sự bao dung trong đối thoại đòi ta phải biết khiêm tốn, để tránh nguy cơ chìm đắm trong kiêu ngạo. Đó là sự kiêu ngạo của kẻ bị bao bọc bởi những điều hiển nhiên và an toàn, một thứ kiêu ngạo làm phát sinh kiểu niềm tin chiếm hữu chân lý, chôn vùi mọi thiện chí và nỗ lực vươn lên của người khác, cũng như mọi khúc mắc có thể được đặt ra. Lịch sử từ xưa tới nay cho thấy thái độ độc tôn chân lý, độc tôn niềm tin, độc tôn chủ nghĩa... đã gây ra biết bao cảnh tương tàn, “nồi da xáo thịt”. Biết bao con người của nhiều thế hệ đã trở thành nạn nhân thảm khốc của chiến tranh chủ nghĩa cuồng ngạo, niềm tin cuồng tín, chân lý cuồng si, giáo thuyết cuồng dại. Thái độ độc tôn đã biến niềm tin trở thành tuyệt vọng, chân lý trở thành tuyệt mệnh, giáo thuyết trở thành tuyệt tự. Quốc gia, chế độ, chủ nghĩa hay giáo hội nào có thể rửa tay tuyên bố mình vô tội trước những thảm trạng đã từng xảy ra cho đồng loại, vì tính độc tôn vô nhân?

       Ngay như Phật giáo được coi là đạo từ bi hỷ xả cũng đã có những lần cưỡng chế các tôn giáo khác, như trường hợp Trần Nhân Tông đi các nơi kêu gọi phá bỏ dâm từ[1], hay như ở Nhật, chuyện Phật giáo vũ trang là một thực tại lịch sử. Cũng thế, đã có từng mấy thế kỷ, các nhà Nho và các quan lại theo Khổng giáo đã chủ trương loại trừ Phật giáo, còn triều Nguyễn thì chống báng Kitô giáo mạnh mẽ. Đó là chưa nói đến chính sách dân tộc của Nho giáo về lệ “tru di tam tộc”, hay đường hướng trọng nam khinh nữ, .v.v... Còn về các tôn giáo độc thần như Do thái giáo, Kitô Giáo, Hồi giáo, thì thái độ tuyệt đối hóa và bất bao dung còn diễn ra ở một mức độ cao hơn nhiều.

Đó là lý do mà Giáo hội Công giáo đã từng đấm ngực ăn năn, đã công khai sám hối về những lỗi lầm trong quá khứ. Một trong những lỗi lầm đó được nêu rõ là thái độ bất bao dung và bạo động chống lại những người ly khai, chiến tranh tôn giáo, việc dùng vũ lực trong các chiến dịch của nghĩa binh thánh giá, những hình thức tra tấn, cưỡng bức... Giáo hội đã bày tỏ nỗi đau đớn sâu xa về những lần đã sử dụng bạo lực để bảo vệ chân lý, một hành động hoàn toàn đi ngược với Tin Mừng. Bất bao dung chẳng giải quyết được gì, mà còn tạo thêm hằn thù, phản loạn. Chính sách bất bao dung có thể có những thành công tạm bợ bên ngoài, nhưng là một thất bại não nề, và là một vết nhục mãi mãi trong cái nhìn của mọi người. Chính lòng nhân ái mới nâng cao tâm hồn con người, chứ không phải tài năng chinh phục bằng những lý lẽ, hay giáo thuyết cao siêu.

Trong tương quan đối thoại cá nhân hay tôn giáo cũng vậy, ta dễ bị tính cao ngạo và thành kiến khống chế, nên cách xử thế trở nên bất bao dung. Khi có những quan điểm bất đồng, ta dễ chụp mũ lên người khác bằng những quyết đoán tiêu cực, hoặc “cả vú lấp miệng em”: áp đặt tính cách và quan niệm của mình để phủ bỏ tính cách và quan niệm của họ.

Trong có vấn đề với nhau, ta cũng dễ rơi vào thái độ “vạch lá tìm sâu” để chứng minh mình có lý, là tốt, là đúng, là hơn kẻ khác. Cứ như vậy, trong tiến trình đối thoại, người khác trở thành không, để ta trở thành . Đối thoại như thế là xúc phạm đến nhân phẩm người khác, là biến họ thành cái phông để ta vẽ vời theo ý mình. Đối thoại như thế trở thành độc thoại. Bất bao dung trong mọi trường hợp có thể đồng nghĩa với bất nhân, bất nghĩa, bất chính, là một thái độ phi nhân hóa tha nhân.

4. Chiêm nghiệm lòng thương xót Chúa

Chỉ có ai thật sự chiêm nghiệm và tiếp cận đời sống Thiên Chúa mới có đầy Thần Khí Chúa, và kẻ đó mới có thể sống ở mức độ cao nhất của lòng từ bi Chúa. Chiêm nghiệm là tấm gương cho ta thấy được tấm lòng bao dung cao cả của Thiên Chúa. Đó cũng là cái bình lọc, qua đó ta có thể nhận định được sự nghèo hèn và phẩm cách của mình. Người chiêm nghiệm không tìm sự toàn hảo ngoài Chúa, vì biết sự nghèo hèn của mình, và cũng biết rằng, chính sự nghèo hèn là nhu cầu cho mình khao khát và cảm nhận việc Chúa đến để lấp đầy tâm hồn mình.

Nếu phải xét xử hay phân định một người, cứ xem lòng bao dung của mình và của người đó mà xét thì không thể sai lầm. Tiêu chuẩn tối hậu của ngày phán xét chung cũng là thế thôi (x. Mt 25, 31-46). Chân lý tiềm ẩn trong mỗi người, nơi mỗi tôn giáo. Không ai có quyền giới hạn chân lý hay Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện trong mỗi hữu thể, và ngược lại, mỗi hữu thể là một thành phần tham dự vào hữu thể thuần túy. Cứ tưởng mình, hay đạo giáo của mình mới có chân lý, có Thiên Chúa, để dựa vào đó mà “thay Trời hành đạo” thì quả là tai ương.

Con người chỉ có thể theo Trời chứ không thể thay Trời: “Thuận Thiên giả tồn”. Chỉ khi luôn ý thức đặt mình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và thuận theo ý muốn của Ngài, ta mới thấy Ngài đang lên tiếng khắp nơi, đang hành động trong mọi lúc qua mọi người, để rồi nhận biết rằng chẳng ai là xa lạ, không ai là thấp kém. Lúc đó, lòng bao dung trở thành ngọn lửa đốt cháy của tình yêu mà Chúa Giêsu đã mang đến và đã nhóm trong lòng mọi người bằng Thánh Thần của Ngài. (x. Lc 12, 49).

       Người ta có thể lý luận rằng, bao dung quá hóa ra dại khờ. Đúng thế, Đức Giêsu đã trở nên dại khờ khi quá bao dung. Người Kitô hữu chúng ta dễ bị cám dỗ chạy theo lý lẽ và khôn ngoan của thế gian, có mấy khi bình tâm đào sâu lý lẽ và khôn ngoan của Thiên Chúa? Theo lối nhìn của người đời, Galeria cũng nói rằng: “Quá khoan dung với kẻ hung bạo thành ra bất công với người lương thiện”. Hoặc như Napoléon khẳng định rằng: “Sự khoan hồng nào đối với kẻ có tội cũng biểu thị một sự đồng mưu”.

       Nói vậy chẳng lẽ Thiên Chúa bất công và đồng mưu với tội lỗi hay sự gian ác của con người? Dụ ngôn cỏ lùng là sai lạc ư? (x. Mt 13, 24-30). Tận diệt bất công hay kẻ tạo ra bất công? Khai trừ tội lỗi hay kẻ có tội? Cho dù sự bao dung có thể thực hiện bằng nhiều phương cách cho mỗi trường hợp, nhưng không có trường hợp nào là không thể bao dung. Sự bao dung khoan nhượng của Thiên Chúa đối với con người, là để con người có cơ hội trở về với Ngài, để khơi động và phục hồi những trái tim đã băng giá và hư hoại do sự bất bao dung của chính con người đối với nhau.

       Đành rằng làm như vậy là chấp nhận liều lĩnh, có thể có nguy cơ bị phản phúc và tình trạng sẽ trở nên tệ hại gấp bội. Trái tim Chúa bị đâm thâu là vì thế. Nhưng nếu không như vậy, ta sẽ trở thành người lãnh đạm, vô tâm, hoặc ngang nhiên tiêu diệt cách bừa bãi sự sống và tự do của con người. Có ai đi vào con đường “cách mạng” của lòng bao dung quyết liệt mà không phải trả giá như Đức Giêsu, như Mahatma Gandhi, Martin Luther King... Ai dám cho mình khôn ngoan và tài giỏi hơn Thiên Chúa?  (x. Is 40, 13-14). “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13; x. Hs 6, 6).

Cái nhìn bao dung cho ta biết nhìn thấy điều chính đáng ngay trong cái không xác đáng, thánh thiện ngay trong tội lỗi, trong sạch ngay trong bợn nhơ, điều lành ngay trong sự dữ, may mắn ngay trong rủi ro, thành công ngay trong thất bại, hạnh phúc ngay trong đau khổ. Chỉ khi nào lòng bao dung rộng mở, mọi sự mới trở nên rõ ràng: không còn luật lệ nào là tuyệt đối; không còn một tội nào mà không được tha; không còn một nhu cầu nào mà không được coi trọng; không còn một đau khổ nào bị bỏ quên; không còn yếu hèn nào mà không được nâng đỡ; không còn một phủ nhận nào mà không được đón nhận.

III. ỨNG DỤNG LỜI CHÚA

1. Mc 9, 38-40 : Gioan ngăn cản một người lấy danh Thầy trừ quỉ

Ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

-      Khuynh hướng bè phái và muốn độc quyền của các tông đồ

Một trong những khuynh hướng rất thông thường nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn độc quyền. Khuynh hướng này được biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giêsu trong bài Tin Mừng trên. Theo quan niệm của các ông, chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới có quyền nhân danh Thầy để làm phép lạ, trừ quỉ, chữa bệnh… Nếu có ai khác làm điều ấy được, lập tức các ông nhận thấy độc quyền của mình bị xâm phạm. Các ông cảm thấy bực bội vì điều ấy nên đã cố ra tay ngăn cản họ. Đức Giêsu rõ ràng không tán thành khuynh hướng bè phái và muốn độc quyền của các ông. Trái lại Ngài có cái nhìn lạc quan và tích cực: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

-      Cám dỗ mang tính bè phái và độc quyền nơi người Kitô hữu

Nhiều khi chính chúng ta cũng bị cám dỗ bởi não trạng bè phái và ham muốn độc quyền như các tông đồ xưa. Chẳng hạn những người cùng tin vào Đức Giêsu và cùng nhận Ngài là Cứu Chúa, theo thời gian, bị phân thành nhiều giáo phái khác nhau. Việc bị phân hóa như thế theo một cái nhìn nào đó là một việc tự nhiên. Vì tất cả mọi tôn giáo, mọi trường phái tư tưởng, nghệ thuật, v. v… đều bị phân hóa theo thời gian theo định luật đa dạng hóa của tự nhiên.

Tuy nhiên, cái đáng tiếc và đáng trách là giáo phái nào cũng tự cho mình là đúng đắn nhất, là gần với chân lý nhất. Thực tế dù có khác nhau – chủ yếu là trong tiểu tiết – các giáo phái vẫn hết sức giống nhau trong đại thể. Giáo phái nào cũng đều tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Giáo phái nào cũng coi Kinh Thánh là chân lý hướng dẫn toàn thể cuộc sống mình. Giáo phái nào cũng chủ trương: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu thoát” (Rm 10,13). Nhưng giáo phái nào cũng muốn độc tôn chân lý, và hăng say chiêu mộ các tín hữu mới theo giáo phái của mình.

Quả là gương mù đối với những người ngoài Kitô giáo, khi mà: – một đằng Đức Giêsu – Đấng mà các Giáo hội và mọi giáo phái Kitô đều tôn thờ, đều nhận là Chúa, là Thày – đã tuyên bố: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13, 35). – đằng khác, lại coi nhau như là ngoại đạo! Lịch sử cho thấy các Giáo hội và các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, một vài trường hợp khủng bố lẫn nhau! Nhiều giáo phái Kitô phủ nhận khả năng được cứu rỗi của những người thuộc giáo phái khác, cho dù tất cả đều tin và tuyên xưng những điều căn bản y hệt như nhau! Dường như giáo phái nào cũng muốn hạn chế hoặc chỉ dành riêng sự cứu rỗi cho những ai theo giáo phái của mình!

Đây quả là một gương xấu vĩ đại, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả chúng ta, vì gương xấu này là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo, khiến họ thất vọng về con đường đưa tới Đức Kitô! Ước gì chúng ta đều đọc và suy nghĩ câu Chúa Giêsu vẫn nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.

-      Mở rộng quan điểm

Sở dĩ Đức Giê-su không đồng ý cho ông Gioan ngăn cản người lạ mặt đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ, là vì ông nghĩ rằng quan điểm của Thầy cũng giống như ông và như bao nhiêu người: rất khó chịu khi thấy người khác hơn mình và phải độc quyền bá chủ.

Thiếu lòng quảng đại và bao dung khiến ta luôn đi ngược đường với Chúa Giêsu và gây ra chia rẽ, loại trừ. Để tránh điều đó, ta nên đón nhận chân lý bất cứ từ phía nào tới, vì mọi chân lý phát đều xuất từ Thiên Chúa (x Mt 23,8-10). Thực tế, ai trừ được quỷ, ai rao giảng hay, là người ấy ủng hộ và cộng tác vào chương trình cứu độ mà Đức Giê-su đã trao cho Hội Thánh, là tiếp tục công việc của Ngài là đánh bật satan ra khỏi lòng người (x Mc 16,17). Đó là ơn nhận được từ nơi Chúa Giê-su Phục Sinh (x Mt 28,18 ; Ga 20,19t). Đúng là không ai có thể lãnh nhận điều gì mà không do từ Chúa ban cho (x Ga 3,27), nên chẳng có gì để vênh vang với ai (x 1Cr 4,7). Ai làm điều tốt cũng được, miễn là điều tốt đó có người làm, thì Đức Kitô được rao giảng! (x Pl 1,12-18).

2. Lc 9, 51-56: khắt khe là hủy diệt và giết chết

Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gio-an nói rằng : "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không ?" Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác”.

Hai dân tộc Do Thái và Samari thù ghét nhau nặng nề. Vì thế, không lạ gì nhà người Samari cửa đóng then cài không đón tiếp các khách hành hương Do Thái. Phản ứng nóng nảy của Giacôbê và Gioan muốn thiêu hủy cả làng để trả thù cũng là lẽ thường tình. Đức Giêsu đả phá ý hướng nông nổi của hai ông. Ngài đòi các môn đệ vượt lên trên cách ứng xử tầm thường đó, để có một tâm tình cao thượng. Tâm tình này có thể được tóm tắt qua hai chữ: bao dung.

Bao dung là mở rộng tình yêu thương bao la, có thể dung chứa và bao gồm hết mọi loại người, mọi kiểu cách, mọi thái độ, mọi cá tính, mọi quan niệm sống … của người khác cách bình thản mà không dị nghị, dị ứng, không câu nệ vào những hình thức và tiểu tiết bên ngoài, nhưng trước tiên luôn cố gắng hiểu biết và đồng cảm với người khác từ bên trong.

Sống đời Kitô hữu là tập luyện cho mình có được tâm tình bao dung như Đức Giêsu. Có được tâm tình này, chắc chắn ta sẽ cảm thấy cuộc đời an vui và hạnh phúc hơn nhiều. Hơn nữa, lý tưởng của chúng ta là nối tiếp sứ mạng của Đức Giêsu, nên phải có khả năng đón nhận hết mọi hạng người, hầu trao ban bình an và hạnh phúc cho họ bằng tấm lòng bao dung, và thực tế là những anh chị em đang sống chung quanh chúng ta hằng ngày.  

Lòng bao dung đã được Chúa Giêsu nêu cao trong 3 dụ ngôn: Con chiên lạc, Lúa và cỏ lùng, Người cha nhân hậu. Lòng bao dung chính là thước đo sự cao cả của một con người. Lòng bao dung càng lớn càng biểu hiện sự hiện diện sống động của Thiên Chúa nơi bản thân mình. Đời sống thì không toàn hảo, và con người cũng không hoàn hảo. Chỉ có lòng bao dung mới mới làm cho chúng ta hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi nhân danh đạo đức hay lẽ phải mà ta thiếu lòng bao dung, thì việc nhân danh ấy trở thành vô nghĩa và hành động trở thành vô nhân. Lòng khoan dung bị bỏ quên thì tôn giáo bị lầm lạc, lẽ phải bị thất lạc, đức hạnh bị sai lạc. F.Voltaire nói thật chí lý: "Sự khoan dung là một vị thuốc duy nhất để chữa những lỗi lầm đang làm bại hoại con người khắp vũ trụ". Đó là đức tính mà sẽ cứu thế giới này khỏi mọi thảm họa.

Càng không thể nhân danh luật lệ, nguyên tắc, quyền bính, chức vụ, để hành xử trái ngược với lòng bao dung. Nếu chúng ta là những người biết chiêm nghiệm và tiếp cận với đời sống của Thiên Chúa, là những người có Thần Khí Chúa, thì chúng ta cũng phải sống ở mức độ cao nhất của lòng từ bi Chúa. Cũng như lời Thánh vịnh: “Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững…”.

Chính vì vậy mà ta thấy ân ban lớn lao nhất của Thiên Chúa cho loài người chúng ta được cứu độ là lòng thương xót của Ngài. Cũng vì vậy lễ vật lớn lao nhất mà chúng ta có thể dâng lên cho Thiên Chúa chính là lòng bao dung của mình đối với mọi người. Nhờ của lễ đó mà của lễ dâng trên bàn thờ mỗi ngày trở nên hiện thực từ chính trái tim của chúng ta. Chúng ta cần chiêm nghiệm lòng thương xót Chúa mỗi ngày trên cuộc đời mình, để mình cũng biết sống lòng thương xót đối với tha nhân như vậy. (x. 1Cr 13,7).

Lm. Thái Nguyên



[1] Dâm từ: các từ đường thờ các thần dâm dục như một thứ tín ngưỡng dân gian, vì coi đó như nguồn phát sinh sự sống. Được ghi nhận trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Cao Huy Giu, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ