ĐỐI THOẠI - TRUYỀN GIÁO

TRONG SÁNG VÀ CHÂN THẬT

“Khi đối thoại liên tôn, các Kitô hữu xác tín rằng chỉ có Đức Kitô mới đem lại sự cứu độ trọn vẹn”. (GHTCA 31§1).

Ngày nay, con người dễ lầm lẫn giữa bề ngoài với bề trong, giữa hình thức với nội dung, giữa hình tướng và chân tướng, do dễ ưa chuộng những gì đẹp mắt, dễ coi.

Ngày nay, con người dễ bị sai lầm trong những quảng cáo, mời mọc thật chất lượng nhưng nhưng lại giả trang, thiếu phẩm chất.

Ngày nay, con người thích xây dựng tương lai của mình bằng các chất liệu mì ăn liền, tạo nên một bức tranh tuy nhiều mầu sắc, nhưng lại kém về nghệ thuật và độ bền.

Ngày nay, con người thích tô vẽ cho nhau bằng nhưng kiến thức rẻ tiền, lời lẽ ngon ngọt, cách thức hoa mỹ, nhưng bên trong thì trống rỗng hoặc có ý đồ…

Ai cũng thích tìm kiếm sự thật, đối xử bằng sự thật, nhưng lại ít khi sống thật, hoặc khi nghe sự thật về mình hay về người khác thì lại bực bội, khó chịu.

Ai cũng mong được chữa lành bệnh tật thể xác và tinh thần, nhưng sợ đắng đót khi dùng thuốc, sợ đau đớn khi giải phẩu, sợ thương tổn khi sửa dạy... Nếu không có tâm hồn trong sáng và yêu chuộng sự thật, con người quả thật phức tạp, và đời sống thật đa đoan.

I. TRONG SÁNG

1. Trong sáng để thấy sự thật

      Tâm hồn trong sáng là nền tảng để thấy sự thật và sống chân thật. Tâm hồn bị hỗn loạn, mờ đục, thì chỉ còn quờ quạng trong bối tối, không còn biết đâu là thực hư. Muốn trở nên con người truyền giáo và đối thoại đòi ta phải khai sáng tâm hồn mình, để đến với mọi người bằng sự chân thật, và chỉ có sự thật mới giải thoát con người.

Thực tế cho thấy khi con người sinh ra, tâm hồn trẻ thơ rất hồn nhiên trong sáng, nhưng từ khi biết tiếp xúc với cuộc đời, tình thương trong sáng này đã bị hoàn cảnh xã hội và các nghiệp tập bao bọc lại, khiến người ta luôn sống với những gì xã hội tác động, sống với những gì nghiệp lực thúc bách. Từ đó, tình cảm trong sáng và tình thương chân thật đã bị biến dạng, trở thành tình cảm xấu như tham lam, hung dữ, si mê, cố chấp, vụ lợi, kiêu ngạo, đố kỵ, ganh ghét, v.v…

Ví dụ như sự thương hại làm cho người ban phát tình thương trở nên kiêu căng, còn người được thương thì bị mặc cảm, buồn tủi … Hoặc tình yêu nam nữ, hay tình yêu của những người đồng phái có tính chất khát ái, ích kỷ, lợi dụng, nô lệ hóa cho nhau và làm khổ lẫn nhau.

2. Lương tâm trong sáng

Trong thư mục vụ năm 2006 mang tựa đề Sống đạo hôm nay (8-9-2006), các giám mục cho thấy: Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng” (số 5 ).  Nhận định như thế là quá nhẹ nhàng, có lẽ các ngài không muốn nói cho tới bến. Phải đi vào lòng xã hội mới thấy được lương tâm gần như bị biến chất hay đã biến mất. Chỉ cần nghe báo, đài và qua các phương tiện truyền thông thôi, ai cũng thấy được tình trạng suy thoái lương tâm hay ý thức đạo đức tới mức báo động. Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội thẳng thắn nói: “Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành “đạo đức”, mà cái “đạo đức” đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái nguy nhưng tôi thấy ít người quan tâm”.

Chỉ vì mất đạo đức mà người ta tự định đoạt về hành vi luân lý của mình mà bất chấp luật lệ tự nhiên, hành động theo định luật lợi ích chứ không theo lẽ phải. Cái gì phù hợp và có lợi thì đúng, cái gì không hợp và bất lợi thì sai. Lương tâm bị coi quá rẻ, người ta không xài nữa hoặc đã vất vào một xó, còn thua xa lương bỗng, nên đời sống chỉ còn là lương lẹo. Một lối sống như thế thì lương tâm không còn khả năng phân biệt điều thiện với điều dữ, càng không thể nghe tiếng Thiên Chúa nói qua lương tâm. Đang khi đó, lương tâm con người tùy thuộc vào Thiên Chúa, vào các lề luật của Thiên Chúa và vào chân lý khách quan. Do đó, Giáo Hội chống lại mọi thứ duy chủ quan sai lầm.

Lương tâm sẽ mất hẳn sự trong sáng và bén nhạy nếu một người luôn để tội ngự trị trong tâm hồn họ. Lương tâm được ví như một tấm gương soi mình, phản chiếu mọi hình ảnh thu nhận được. Hình ảnh được phản chiếu trong sáng và trung thực hay không là do độ trong và sạch của tấm gương. Tấm gương lương tâm có trong và sạch hay không là do việc gìn giữ của chủ nhân. Nếu chủ nhân siêng năng lau chùi và đánh bóng, tấm gương sẽ sáng tỏ và phản chiếu mọi điều thu nhận.

Như vậy điều quan trọng cho mỗi người Kitô hữu là hãy giữ mình sạch tội và năng tự vấn lương tâm. Sạch tội và tự vấn lương tâm sẽ giúp lương tâm mình sáng tỏ trước việc phân biệt thiện ác, phải trái. Lương tâm trong sáng và ngay lành giúp ta phát hiện những mưu mô cạm bẫy và thấy được bản chất sự vật, sự việc. Đúng như Khổng Tử đã nói: “Chánh tâm, thành ý, cách vật trí tri”.

Sống trong một xã hội thiên về thực nghiệm và duy vật con người dễ để mình bị lôi cuốn trong những đòi hỏi quá đáng nhằm thỏa mãn những thèm muốn thuộc bản năng thấp hèn trong con người. Bên cạnh những cám dỗ do những hào nhoáng bề ngoài của xã hội còn là các phương tiện truyền thông mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa và trục lợi. Hoàn cảnh đó khiến con người sống trong xã hội như đi giữa rừng già tăm tối và rất dễ bị ảnh hưởng trong cung cách phán đoán một chiều của xã hội. Biên cương giữa thiện và ác, giữa phải và trái mờ nhạt dần. Con người rồi đây bước đi trong tội mà vẫn hân hoan thơ thới như bước trên đại lộ của niềm tin!

Truyền giáo và đối thoại là để chuyển tải tình thương trong sáng từ trong tâm hồn mình, là biểu tỏ Đấng là Ánh Sáng trong mình. Nhưng nếu tình thương và lương tâm không còn trong sáng thì mọi sự đều trở nên tối tăm. Bản thân mình không còn tỏa sáng sự thiện hảo thì ta còn có thể chuyển tải gì đây? Đúng như Lời Chúa nói: Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” (Mt 6, 23). “Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn toả sáng chiếu soi anh." (Lc 11, 36).

II. CHÂN THẬT[1]

1. Chân thật với chính mình

Nếu ta cho rằng hạnh phúc là khi mình tích góp được thật nhiều tiền bạc hay danh vọng thì chắc chắn ta không thể nào đem lòng thành thật ra như một bảo bối để ứng chiến giữa những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Người thấy được hạnh phúc chân thật từ cõi lòng bình yên, thì buông bỏ bớt những mong cầu hay chống đối không cần thiết, họ cũng không muốn thỏa mãn cảm xúc trong nhất thời, và bằng mọi giá họ sẽ bảo vệ tâm hồn mình. Họ thà chấp nhận để cho việc bất thành chứ không để cho tâm mình bất hảo. Tâm bất hảo là tâm đã bị hư. Tâm hư khó sửa gấp trăm ngàn lần việc hư. Và nếu việc thành mà tâm hư thì đâu còn gì là hạnh húc.

Người sống có chiều sâu sẽ luôn ý thức giữ tâm hơn giữ cảnh. Thế nhưng, lắm lúc ta cũng hoang mang đứng trước sự chọn lựa nên giữ gìn lòng thành thật hay bước vào vai diễn để dối gạt đời, vì không phải lúc nào nội lực ta cũng đủ mạnh để phòng ngự sự kích động của những hấp lực bên ngoài. Muốn làm chủ được bản thân thì ta phải hiểu được chính mình, muốn hiểu được chính mình thì ta không được dùng ý chí để nhồi nặn tâm mình thành ra một sản phẩm tốt đẹp để rồi tự đánh lừa mình.

Mình đang giận mà không chịu nhận là mình đang giận; mình ganh tỵ mà cố nghĩ là mình đang phấn đấu thi đua; mình hèn yếu mà lại cho rằng mình đang nhịn nhục... Lý do mình không thấy được chính mình cũng do sự can thiệp quá vội vàng của ý chí. Ý chí là năng lực hướng tới sự tốt đẹp, nó được làm ra từ những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, trong khi thực tại là một cái gì đó rất khác với trình độ ý chí. Mà bản thân của ý chí cũng chỉ có thể kềm hãm sự phát triển của phiền não chứ không thể nào chuyển hóa trọn vẹn, nên ý chí không những không giúp được trường hợp như vậy mà khiến ta đánh giá sai lệch về tâm thức của mình. Ta trở nên chủ quan và sẽ bất ngờ trước những phản ứng vụng về đến tệ lậu của mình mà không hiểu tại sao.

Loại trừ được thái độ yêu thích hay ghét bỏ trong khi nhìn vào tâm mình thì chắc chắn ta sẽ thấy rõ chân tướng của nó, thấy rõ nguyên nhân sâu xa nào đã thúc đẩy và tạo nên tâm lý mình đang có. Chỉ cần im lặng và thong thả quan sát thì ta sẽ tháo gỡ được từng mảnh tâm lý từ thô đến tế. Điều này phải cần quá trình luyện tập kiên trì chứ không thể thành công ngay. Tuy nhiên khi ta bắt đầu thành thật với chính mình, chấp nhận những gì mình đang có rồi mới tìm cách tháo gỡ thay vì phủ nhận hay chống đối, đó là bước tiến rất quan trọng của công trình chuyển hóa bản thân mình.

Ta đã từng thấy có nhiều người quyết tâm cải thiện mình rất lớn, nhưng trải qua nhiều năm tháng mà họ vẫn không tiến được bước nào, đôi khi còn lui sụt. Nguyên nhân thường thấy nhất là do họ chỉ dùng toàn ý chí, họ không chấp nhận trình độ mình đang có, thậm chí họ còn có thái độ khinh ghét bản thân mình, luôn mặc cảm khi nhìn thấy những năng lượng xấu trong tâm mình. Nhưng đó là kết quả của lối sống thiếu tỉnh thức của chính ta gây ra, ta không thể ra lệnh nó thay đổi liền khi ta chưa thật sự tập luyện cho mình một thói quen mới. Ta cần phải chấp nhận nó, làm hòa với nó để hiểu được nó thì ta mới chuyển hóa nó được.

Vì vậy, nghệ thuật sống cao cấp nhất không phải là trình độ kỹ xảo uốn nắn tâm mình thành một kiểu mẫu tốt đẹp nào đó mà không có nền tảng của sự chuyển hóa thật sự. Chỉ cần lúc nào cũng thấy rõ tâm mình và hiểu biết nó một cách sâu sắc, kiên trì quan sát nó nhiều lần bằng thái độ nhẹ nhàng và từ tốn thì kết quả tự nhiên sẽ xảy ra. Sống được với tính hồn nhiên chân thật là hòa điệu với sự vận hành của vũ trụ, là lối sống của bậc trí thức, là ước mơ của bao người đã không tìm thấy giá trị chân thật từ những vở tuồng đầy kịch tính và màu sắc của cuộc đời. Nhạc sĩ Phạm Duy đã thốt lên những lời tâm sự thật cảm động trong bài hát Kỷ niệm: "Cho tôi lại còn nhiều, cho tôi lại tình yêu, tôi không cần khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu, cho tôi lòng non yếu, dễ khóc dễ tin theo… Cho tôi lại ngày đầu, chưa đi vội về sau, xin đi từ thơ ấu, đi vui và bên nhau…".

2. Chân thật với nhau

Con người ngày càng nghiêng về chiều hướng hưởng thụ, luôn đi tìm những cảm xúc tốt từ những tiện nghi vật chất đến sự công nhận của những người chung quanh, nên chẳng còn mấy ai ý thức giữ gìn lòng chân thật. Nhiều khi người ta còn dám tuyên bố sống giữa đời sống bây giờ mà cố giữ lòng thành thật thì đó là thái độ sống rất ngây thơ, phải khôn khéo và đầy kỹ xảo trong từng hành động mới là kẻ thức thời và dễ dàng thành đạt.

Đừng quên rằng: Sự thật sẽ giải phóng chúng ta (x. Ga 8, 32). Đành rằng cuộc sống đôi khi cũng cần sự khôn khéo, nhưng chút ít thôi, chỉ nên dùng nó trong những trường hợp đối phương chưa sẵn sàng tiếp nhận sự thật, chứ không phải để tạo thêm lớp phấn son giả tạo cho mình. Song ta phải có trách nhiệm tìm cơ hội đã trình bày sự thật trở lại, đừng đợi người kia phát hiện ra thì ta sẽ mang tội danh lừa dối.

Một trong những lý do khiến ta có được niềm tin vào cuộc sống là khi mỗi lời mình thốt ra đều được bên kia lắng nghe và tin tưởng. Không gì thoải mái cho bằng được sống chung với những người mà ta không cần phải dò xét hay đối phó bằng bất cứ chiêu thức nào, chỉ nhìn nhau là đã hiểu nhau rồi. Bởi lẽ muốn thương nhau thì phải hiểu nhau, mà muốn hiểu nhau thì phải tin tưởng nhau, mà muốn tin tưởng nhau thì phải thật lòng với nhau.

Phải thật lòng với nhau thì mới có thể đối thoại với nhau, vì đối thoại là nói với nhau bằng sự thật. Tuy nhiên sự thành thật của mình hay người khác cũng chưa chắc đã là sự thật, vì thế trong đối thoại cần luôn khai mở để cùng khám phá, và hướng đến sự thật là chính Thiên Chúa, là Lời của Ngài trong chính Đức Giêsu Kitô. Vì thế, truyền giáo là loan tin về Ngài là Đấng chân thật, và đối thoại là thể hiện chính Ngài trong đời mình qua mọi cuộc tiếp xúc và gặp gỡ. 

II. ỨNG DỤNG LỜI CHÚA

1. Ga 9, 24-38: người mù bẩm sinh được Chúa Giêsu cho sáng mắt

Việc Đức Giêsu cho anh mù sáng mắt trong bài Tin Mừng trên mạc khải cho ta biết Ngài là ánh sáng cứu độ, Đấng soi chiếu nhân loại đang còn nằm trong bóng tối tăm và sự chết. Tuy nhiên, con đường tiếp nhận ánh sáng đó là hành trình đức tin đầy cam go và thử thách, giữa một cuộc sống đầy những phức tạp và nhiễu nhương do lòng người, đầy những ảnh hưởng của sự dữ. Kinh nghiệm thiêng liêng cho ta thấy nhiều khi ta rất sáng mắt nhưng không sáng lòng. Thấy sự việc nhưng mà không thấy sự thật. Thấy rõ hành động của một người nhưng lại không thấy nguyên nhân và ý nghĩa của nó.

Lý do có thể là ta bị đóng khung, cứng ngắt theo một thói suy nghĩ, chỉ dựa vào luật lệ và đạo đức bên ngoài, mà cũng có thể do sự chật hẹp của lòng mình. Lý do khác nữa vì tự ái, vì thành kiến, vì quyền hành, danh giá, nhất là vì ghen ghét mà ta muốn suy diễn khác đi, cũng giống như những người Biệt phái trong Tin Mừng: họ không muốn coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, vì điều đó đòi họ phải thay đổi lối nghĩ và lối sống đạo, thay đổi bộ mặt tôn giáo của cha ông, nhất là đòi họ phải tin và theo Ngài. Họ tự hào mình hiểu biết và đạo đức. Chính niềm tự hào này đã khiến họ khép lại, không có can đảm chấp nhận mình sai lầm, và cố chấp ở lại trong bóng tối.

Mù không phải là một tội. Cố ý không muốn thấy mới là đáng tội. Chúng ta ai cũng sợ bị mù trên phương diện tâm hồn, nhưng lắm khi ta lại tự làm cho mình mù, khi không chấp nhận thực tế về bản thân, về tha nhân, khi né tránh sự thật và không muốn nghe ai.

Trên phương diện đức tin có những khi ta giống như những Biệt phái, từ ánh sáng lại rơi vào bóng tối, nhưng rồi có những khi chúng ta cũng giống như anh mù, từ bóng tối đã tìm thấy ánh sáng nhờ nghe và tin vào lời Chúa. Tuy nhiên, anh ta vui mừng chưa hết thì bao nhiêu thử thách lại ập tới. Người ta nghi ngờ anh, xoi mói anh, gây khó khăn và đe dọa đời sống anh. Dù anh ta đã được sáng mắt, có được niềm tin, nhưng gia đình và những người thân anh lại tỏ ra thờ ơ lãnh đạm, coi thường, bỏ rơi.

Sự căng thẳng lên đến cực điểm khi anh phải đối đầu với quyền lực tôn giáo, là những người dạy dỗ, hướng dẫn, và là mẫu gương sống đức tin cho dân Chúa. Họ mạt sát anh là sinh ra trong tội lỗi. Họ tố cáo Chúa Giêsu đã lỗi phạm luật nghỉ ngày Sabbat. Và sau cùng, họ khai trừ anh khỏi hội đường. Đây là hình phạt nặng nề nhục nhã nhất đối với người Do Thái. Bị giáo hội khai trừ, bị người thân chối từ, bị dân chúng xa lánh. Anh đau lòng, tủi hổ và cảm thấy cô đơn hoàn toàn, quả là một thử thách ghê ghớm.

Để vững niềm tin, anh đành chấp nhận hành trình đơn độc. Để sống cho sự thật anh chấp nhận bị loại trừ. Lựa chọn của anh giờ đây là dứt khoát. Mất tất cả chỉ để trung tín với niềm tin của mình. Đúng lúc đau đớn nhất Chúa Giêsu lại xuất hiện, để nâng đỡ và khen thưởng cho đức tin kiên vững của anh. Ngài tỏ mình cho anh ta biết Ngài là Đấng Cứu Thế. Lập tức anh sấp mình xuống thờ lạy Người. Hành trình đức tin gian khổ thế là chấm dứt. Anh đã gặp được Chúa Kitô. Đời anh từ nay tràn ngập ánh sáng niềm tin.

Hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng vậy, không thiếu những gian nan thử thách và bóng tối vây quanh. Nhưng nếu không như vậy thì đức tin ta không thể lớn lên và rạng sáng được. Đức tin Chúa ban cho chúng ta giống giống như viên ngọc quí vậy. Nhưng “ngọc bất trác bất thành khí”, đức tin mà không được tinh luyện thì trở thành vô hiệu. Phải làm sáng lên đức tin của mình, một đức tin có thể còn mù mờ và luôn bị bao phủ bởi nhiều bóng tối: bóng tối của lòng mình, bóng tối của anh chị em mình, bóng tối của đời sống cộng đoàn. Chúa đang đón đợi mỗi người chúng ta trên từng chặng đường và từng biến cố lớn nhỏ, để an ủi, nâng đỡ và làm sáng lên cuộc đời ta.

Vì thế, lời nguyện hằng ngày của chúng ta là xin Chúa phá tan bóng tối trong con, cho con được gặp Chúa, được thấy Chúa trong mọi sự, nơi mọi người, và ngay trong những thử thách của đời con. Trong thông điệp Deus Caritas Est, Đức Bênêđictô khẳng định rằng:

“Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng, mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (số 11).

Thật vậy, có gặp được Chúa cách nào đó, đời chúng ta mới bừng sáng lên trong tin yêu, để trở nên nhân chứng sống động trong mọi tương quan gặp gỡ và đối thoại hằng ngày.

2. Ga 3, 16-21: ánh sáng và bóng tối

“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”.

Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều ảnh hưởng của mê lầm và dối trá. Các nhà lãnh đạo quốc gia không dám nói hết sự thật. Các cấp lãnh đạo tôn giáo đôi khi cũng sợ nói sự thật. Các nhà giáo dục cũng không muốn đặt vấn đề sự thật trong các ngành nghề. Các bậc bề trên, phụ huynh và người hướng dẫn cũng che dấu sự thật. Vì nói sự thật thì có khi mất lòng, mất danh dự, mất uy tín, mất địa vị, mất công ăn việc làm và có thể mất đi chính mạng sống mình. Chúng ta sợ sự thật của gia đình, của con cái, của cha mẹ, của nhân viên, của các cộng tác viên và của chính mình bị phơi bầy và tỏ lộ. Sự thật mà có lợi thì quá dễ dàng cho ta thể hiện, nhưng khi sự thật mà bất lợi thì mấy ai can đảm nói hết sự thật.

Chúa Giêsu không chỉ là con đường dẫn tới sự thật, mà còn là chính Sự Thật. Chúa thấu tỏ lòng người. Chúa hiểu thấu được lòng con người nghĩ gì và muốn gì. Nhiều người nghe Chúa giảng đã phải thốt lên: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách thẳng thắn, không thiên vị ai, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa” (Lc. 20,21).

Chúa Giêsu thẳng thắn phê bình những lầm lỗi và cách hành xử của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Họ chỉ thích được ưa chuộng những hình thức xuất hiện bên ngoài, giả dạng và khoe khoang. Họ ngại bước vào đời sống nội tâm vì sợ nhìn thấy mặt trái của đời sống mình. Vì sống theo sự thật là sống trong ánh sáng: “Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga. 3,21).

Chúa Giêsu giảng dậy chân lý và áp dụng lời giảng trong chính cuộc sống mình. Còn chúng ta đôi khi nói một đàng, làm một nẻo. Ngôn hành bất nhất. Chúng ta muốn có sự thật nhưng đôi khi không thực hành sự thật. Sự dối trá cứ len lỏi ràng buộc chúng ta vào những mê lạc, tự vệ, cố chấp, ương ngạnh và sống giả hình.

Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. Chúa Giêsu nói với những người Do-thái rằng: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga. 8,32). Sự thật thì đơn sơ chân thành ví như tâm hồn trong trắng của trẻ thơ. Tâm hồn chân thật thì thanh thoát và không lệ thuộc vào những tranh đua hơn thua ở đời. Khi so sánh hơn thiệt và đua đòi cuộc sống dễ dẫn chúng ta đến những sự dấu diếm và dối gian. Lúc đó mới cho thấy: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.

Chúa Giêsu là sự thật trên mọi sự thật, sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người, để ai tin tưởng nơi Ngài thì được sống trong niềm vui của sự thật, cũng là niềm vui ơn cứu độ. Vì thế Ngài đã tha thiết cầu nguyện cho các môn đệ: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga. 17,17).

 

Lm. Thái Nguyên

 



[1] Trích tóm tắt từ bài Thành Thật của Minh Niệm, trong cuốn Hiểu về trái tim, tr. 205.


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ