ĐỐI THOẠI - TRUYỀN GIÁO

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

“Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”

(Mt 11,25-30)

      Truyền giáo trước tiên không phải là trình bày một giáo thuyết, mà là trình bày về chính Đức Kitô. Nhưng người ta chỉ cảm nhận về Đức Kitô qua đời sống của người môn đệ: là người đã gặp gỡ Ngài, đã sờ chạm vào Ngài, đang sống kề cận bên Ngài, và không ngừng đổi mới bằng chính sức mạnh tình yêu của Ngài. Từ đó, việc gặp gỡ và đối thoại với người khác là chuyển tải sự sống của Đức Kitô từ chính tâm hồn mình cho họ. Tính chất của việc đối thoại đó là tâm tình Đức Kitô được khơi nguồn từ một trái tim đến một trái tim, nên không phải lo vận dụng những lý lẽ và kỹ thuật bên ngoài để chinh phục đối phương. Không gặp nhau từ bên trong thì mọi hình thức rao giảng và truyền giáo bên ngoài cũng chỉ là những não bạt vang rền. Vì vậy ta cần đào sâu việc truyền giáo và đối thoại bằng trái tim hiền lành và khiêm nhường, là phẩm chất cao quí của người môn đệ Đức Giêsu.

I. HIỀN LÀNH (meek)

1. Định nghĩa

      Người hiền lành là người có đức độ, lương thiện (good); có lòng thương người (helpful); người tỏ ra kiên nhẫn (patient), dễ tùng phục (submissive), tử tế và hòa nhã với người khác (kind). Trái nghịch với hiền lành là người độc ác, ích kỷ, nóng nẩy, hay gây lộn “thượng cẳng chân hạ cẳng tay!”; người hay “bới lông tìm vết”; nói xiên nói xỏ, nói bóng nói gió, gây chia rẽ trong gia đình, cộng đoàn, xã hội, v.v…

      Trong nguyên bản hy lạp, thánh Matthêu dùng chữ praus: nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế, "hiền lành" bao gồm một tâm thế bên trong và một phong thái đáp ứng bên ngoài.

      - Tâm thế bên trong là luôn êm ái hoà nhã : nghĩ về người khác thì nghĩ tốt, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Đón nhận những lời nói và cách cư xử của người khác đối với mình thì không thành kiến, biết phải quấy, sẵn sàng đối thoại, chấp nhận sửa đổi.

      - Phong thái đáp ứng bên ngoài : nhẹ nhàng, tôn trọng, không thô bạo.

      Hiền lành thì không nóng nảy. Tảo cấp tắc bại sự (nóng tính thì hỏng việc), hoặc dục tốc bất đạt. Thánh Francois de Sales nói: “Tất cả đều được chinh phục bởi hiền dịu chớ không phải bạo lực”.

2. Sự hiền lành của Đức Giêsu

      Sự hiền lành của Chúa Giêsu không phải là sự thỏa hiệp với thế gian. Chúa không im lặng trước sự dữ. Chúa đã từng lên án gắt gao thói giả hình và gian tà của nhóm biệt phái. Chúa đã từng xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ. Chính vì những điều Chúa làm, những lời Chúa nói đã ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo, đến địa vị, chỗ đứng của các biệt phái mà họ tìm cách giết Chúa.

      Sự hiền lành của Chúa là vì công lý mà chịu nhiều thiệt thòi không kháng cự. Vì dám nói sự thật mà phải chết nhục nhã trên cây thập giá, nhưng Ngài không oán hận, và còn xin cùng Chúa Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Chúa đấu tranh nhưng bất bạo động, vì “ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Ngài hoàn toàn tha thứ cho sự xúc phạm của tha nhân không chỉ “7 lần mà là 70 lần bảy”.

      Trong tám mối phúc, Chúa đã chúc phúc những cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nườc Trời là của họ. Như thế hiền lành ở đây là sống thật và làm chứng cho sự thật. Không nhượng bộ, không thỏa hiệp với dối gian. Cho dù vì lẽ công chính mà ta phải bị thiệt thân, vì gia nghiệp của chúng ta là Nước trời. 

      Sự hiền lành của Chúa còn hệ tại ở sự cảm thông sâu xa với người tội lỗi. Ngài không thành kiến với họ mà còn yêu thương họ. Ngài đến gặp gỡ, đối thoại, và đồng bàn với họ. Ngài mở cho họ một con đường mới. Ngài giúp họ làm lại cuộc đời như Madalena, như Giakêu, hay như người thiếu phụ bên bờ giếng Giacóp. Dụ ngôn người Cha nhân hậu nói lên tấm lòng hiền lành sâu thẳm của Ngài.

II. KHIÊM NHƯỜNG

1. Định nghĩa

Trong nguyên bản hy lạp, thánh Matthêu dùng chữ tapeinos. Chữ này có nghĩa là chấp nhận "đứng thấp", "ở dưới", "bị hạ xuống", hoặc tự ý xuống thấp, ở dưới.

Căn bản của khiêm nhường là biết mình "là" thế nào: từ đó không muốn tỏ ra hơn cái "là" ấy và giả như người khác có coi mình kém hơn cái "là" ấy thì mình cũng không màng tới. Điều quan trọng là sống thanh thản và thành thật đúng với cái "là" của mình. Dụ ngôn của Đức Giêsu về những chỗ ngồi (Lc 14,7-11) giúp ta hiểu rõ hơn về thái độ khiêm tốn đối với danh dự :

- Danh dự của ta không phải do ta tranh dành mà có : khi được mời đi ăn cưới thì đừng tự ý dành chỗ nhất.

- Danh dự của ta là do chính cái "là" của ta tạo cho ta : chủ tiệc thấy ta xứng đáng chỗ nào thì sẽ đặt ta vào chỗ đó.

- Nhất là danh dự của ta là do Thiên Chúa sắp xếp cho ta : chủ tiệc cưới trong dụ ngôn này là chính Thiên Chúa. Ngài sẽ mời ta vào chỗ Ngài xếp đặt.

      Người khiêm nhường luôn mở rộng mở tâm hồn để đón nhận, học hỏi và thay đổi. Nó là thành quả của lòng tự trọng, phát xuất phát từ ý thức rằng chúng ta chỉ là một phần của tổng thể. Một người khiêm nhường không bao giờ sợ bị tổn thương hay mất mát. Nếu chúng ta muốn một điều gì đó luôn tồn tại trong bản thân mình thì không ai có thể lấy đi được. Nhờ nảy sinh từ sự yên ổn nội tâm, khiêm nhường khiến chúng ta trở nên cởi mở, hợp tác và sẵn sàng tiếp nhận, học hỏi từ những suy tư và cách thức của người khác.

      Các bậc chân nhân là những người đã sống khiêm nhường sâu xa, không muốn tỏ lộ gì ra bên ngoài, nhưng âm thầm kín đáo bên trong: “Chân nhân bất lộ tướng”. Khiêm nhường là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho chúng ta tránh khỏi bờ vực của thói kiêu căng, tự mãn. Người kiêu căng là người vượt quá cái “là” của mình, bị coi là người VIỆT VỊ trong bóng đá vì đã vượt quá vị trí của mình. Sách Châm Ngôn cho biết: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào”(Cn 16, 18).

      Kinh Dịch, quyển sách căn bản của đạo học Đông Phương rất chú trọng đến đức Khiêm. Quẻ thứ 15 trong Kinh Dịch là Địa Sơn Khiêm, nghĩa là núi tuy cao nhưng chịu nhún nhường nằm dưới đất, hoặc nói cách khác đất tuy thấp nhưng trong lòng lại chứa núi non. Quẻ này chứa nhiều câu giảng trình thâm thúy về đức Khiêm.

      Trong sách Học Làm Người của Nguyễn Hiến Lê có đoạn: “Kinh Dịch, đạo của người quân tử: Khiêm là đạo của trời, đất và người. Trời có đức Khiêm vì ở trên đi xuống chổ thấp mà sáng tỏ; đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm). Đạo đất cũng vậy. Còn đạo nguời, thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng, mà thích kẻ khiêm nhường (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm)”. Như vậy, biết sống khiêm nhường là người đã thông đạt Thiên lý.

      Những điều trên như dọn đường cho Kitô giáo. Quả thật, hạ mình là con đường của Thiên Chúa và là khuôn mặt của Ngài. Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống nên những ai kiêu căng hay tìm cách nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài. Vì thế, chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu nói: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống...”

      Khiêm nhường là bằng chứng của sự tự chủ vững vàng, của khả năng chiến thắng “cái tôi” và coi thường sự sở hữu: là những thứ có thể đẩy một cá nhân vào vòng quay của trò chơi quyền lực, từ đó đánh mất lòng tự trọng và tình cảm trong các mối quan hệ. Đừng bao giờ hành động như thể chúng ta là chủ nhân của bất cứ điều gì hoặc của bất cứ ai. Quyền sở hữu tạo nên nỗi lo sợ bị mất mát. Những người cho rằng họ đang sở hữu điều gì đó sẽ luôn mang tâm trạng nghi ngờ, cảnh giác. Có một nghịch lý là khi ta không cố chiếm giữ điều gì hết, thì ta lại nhận được mọi điều tốt đẹp, mà ai cũng yêu quí và khát mong.

      Sự hiền lành thường đi song song với khiêm nhường. Hiền lành để tha nhân dễ gần ta và khiêm nhường để ta dễ gần tha nhân, tạo cơ hội cho ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Kẻ kiêu căng thường phân loại để đối xử. Người khiêm nhường thì đối xử mọi người như nhau. Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài cũng có thể gặp gỡ trao đổi với mọi người: từ em bé đến người già, từ người giầu có đến kẻ nghèo hèn, từ người công chính đến kẻ tội lỗi.

      Nhà văn Lewis Wallace trong tác phẩm BEN HUR cũng nói lên tâm tư sững sờ trước sự khiêm nhường sâu thẳm của Đức Kitô. Ben Hur khi chứng kiến cảnh Đức Kitô bị Giuđa phản nộp và bị các tên lính bắt trói, chàng hăm hở tiến đến gần Chúa Giêsu và hỏi :

      - Lạy Thầy, hãy nghe tôi, có phải Thầy tự ý muốn đi theo bọn lính và các giáo sĩ hay không ? Đức Giêsu lặng thinh.

      - Lạy Thầy, tôi có một binh đoàn quân Galilê trong thành phố này. Hãy ra lệnh đi, họ sẽ phục tùng Thầy. Thầy có thuận không ? Đức Giêsu vẫn một mực cúi nhìn đăm đăm xuống đất.

      - Lạy Thầy, một lời thôi, một lời của Thầy thôi, tất cả sẽ theo Thầy... Đức Giêsu vẫn im lặng, đến nỗi Ben Hur ngã vật xuống bờ sông Cédron và thốt lên : “Người Nazareth, hỡi người Nazareth, thế thì thông điệp của Người mang ý nghĩa gì?”

      Mang một ý nghĩa gì ư ? Đó là “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là mặc lấy tính của Ngài: tính cách hiền lành và khiêm nhường.

2. Hiền lành và khiêm nhường của người môn đệ Chúa.

      Sự hiền lành và khiêm nhường của Đức Kitô không phải là một sự nhu nhược nhát đảm, nhưng đó là đức tính của những bậc chân nhân, thánh nhân. Bởi vì chính tính khí kiêu căng đã làm cho thế giới bị đảo lộn, tạo nên hận thù ghen ghét và chiến tranh. Những kẻ kiêu căng tự mãn được Khổng Tử xếp vào hạng tiểu nhân, còn những tâm hồn hiền lành và khiêm nhường được xếp vào hạng chính nhân quân tử. Vì họ đã anh dũng chiến thắng được bản thân, đã vượt ra khỏi sự kềm chế của bản năng theo vật tính.

      Vương Thông đã định nghĩa Anh Hùng như sau : ANH là người tự biết mình. HÙNG là người tự thắng mình. Những người hiền lành và khiêm nhường là những người anh hùng, vì họ đã tự biết mình và đã thắng được mình, thắng được tính nóng nảy và kiêu căng của mình. Thánh nhân là gì nếu không phải là người đã chiến thắng được chính mình, không còn nô lệ cho bản năng và dục vọng của mình, để có thể thanh thản sống trong sự hiền lành và khiêm tốn.

Người hiền lành và khiêm nhường là dấu chỉ của Chúa Cứu thế. Bao người đang sống như thế trong nếp sống bé nhỏ âm thầm. Trong một xã hội cạnh tranh, giữa những lối sống phô trương và loại trừ, họ biết sống âm thầm lặng lẽ và chia sẻ nỗi đau của người khác. Họ giống như những tia sáng nhỏ trong bóng tối mênh mông, nhưng đủ để làm sáng lên một dấu chỉ nhiệm mầu. Cách sống của họ là một đối thoại không lời. Xưa Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong con người khiêm hạ của Đức Kitô, thì nay, Chúa cũng đang tỏ mình ra trong những thân phận bé nhỏ, nhưng ít ai nhận ra. Trong mọi hoàn cảnh, họ vẫn sống an vui, là dấu chỉ của niềm hy vọng vào Chúa.

       Chỉ trong sự hiền hậu và khiêm nhường, ta mới thực sự là chính mình và mới có khả năng đạt tới cùng đích của đời mình. Đức Gioan Phaolô I nói rằng: “Trên thiên đàng không thiếu những người thu thuế và gái điếm, nhưng chắc chắn không có kẻ kiêu ngạo”. Tuy rằng trong thực tế, người hiền hậu và khiêm nhường luôn phải lãnh nhận những đau khổ, thiệt thòi và bất công, nhưng không thể xác định chân giá trị của một tính cách như thế dựa trên những quan niệm tạm bợ và cái nhìn cạn cợt của con người. Nếu chỉ nhìn con người qua những gì trước mắt, thì rõ ràng quyền lực và sức mạnh áp chế luôn thắng thế. Vì vậy mà Đức Giêsu bị đóng đinh, Stêphanô bị ném đá, và những người nối tiếp các Ngài bị coi là điên rồ.

       Chỉ khi nào đứng trên quan điểm tinh thần và chân lý, ta mới thấy được giá trị cao thâm của hiền lành và khiêm nhượng. Phải thẩm định giá trị thành bại trong nhãn quan con người toàn diện và siêu nhiên, ta mới thấy được sức mạnh của nội tâm. Chính trong lối sống hiền lành và khiêm nhường mà ta lớn lên trong tự do và trưởng thành trong ơn thánh Chúa. Thiếu hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu, đời sống Kitô hữu của ta sẽ là một thất bại. Không thể nói tới Truyền Giáo và Đối Thoại khi bản thân ta chưa đủ hiền lành và khiêm nhường.

       Trong thánh lễ sáng (24-1-2014) tại Nhà Thánh Matta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Người Kitô hữu phải luôn luôn xây những nhịp cầu đối thoại với người khác, chứ không là những bức tường cay đắng. Họ được mời gọi luôn lắng nghe người khác và tìm kiếm con đường hòa giải, với lòng hiền lành và khiêm nhường, giống như Con Thiên Chúa dạy cho chúng ta”.

       Đức Thánh Cha nói đến Đavít, người đã có cơ hội để giết Sa-un nhưng chọn “đường hướng khác: con đường tiếp cận, để làm rõ tình hình, để giải thích chính mình. Con đường “đối thoại để kiến tạo hòa bình”. Ngài nhấn mạnh: “Đối thoại cần sự hiền lành, không lớn tiếng. Chúng ta cũng cần phải nghĩ rằng người khác có cái gì đó hơn tôi, như Đavít đã làm: ‘Người là đấng đã được Chúa xức dầu tấn phong, người quan trọng hơn tôi.’

       Đức Thánh Cha cho thấy, khiêm nhường, hiền lành là để đối thoại và “trở nên mọi sự cho mọi người”. Để làm được việc nầy chúng ta phải ngậm đắng nuốt cay nhiều lần. Nhưng chúng ta phải thực hiện điều đó, vì đó là cách để kiến tạo hòa bình: với lòng khiêm nhường, hạ mình, luôn luôn tìm cách để nhìn thấy hình ảnh Chúa nơi tha nhân.

       Ngài cho biết, đối thoại thì khó khăn, nhưng điều tồi tệ là để cho sự oán giận chế ngự tâm hồn ta. Theo cách nầy chúng ta bị “cô lập trong sự oán hờn cay đắng của mình”. Kitô hữu phải như Đavít, người đã vượt qua hận thù với một hành động khiêm tốn. Hạ mình và luôn xây những nhịp cầu nối. Đó mới chính là Kitô hữu. Thật không dễ dàng. Đức Giêsu đã làm như thế: Ngài hạ mình đến cùng, Ngài đã chỉ cho chúng ta con đường. Và chúng ta đừng để thời gian đi qua, chúng ta phải đến gần người kia trong đối thoại, bởi vì theo thời gian bức tường ngăn cách sẽ lớn lên, tựa như cỏ dại làm ngột cây lúa. Và khi những bức tường lớn lên thì sự hòa giải trở nên rất khó khăn, rất khó khăn”. Phải “tìm kiếm sự hòa giải càng sớm càng tốt”, bằng một lời nói, một cử chỉ. Một nhịp cầu chứ không phải là một bức tường, “ngay cả trong tâm hồn chúng ta, có thể trở thành một bức tường Bá-linh ngăn cách chúng ta với những người khác”.

       Đức Thánh Cha Phanxicô thú nhận: “Tôi sợ những bức tường nầy. Những bức tường lớn lên mỗi ngày và nuôi dưỡng sự oán giận. Thậm chí là hận thù. Chúng ta nghĩ về chàng Đavít trẻ tuổi: anh ta đã có thể đòi sự trả thù, anh ta đã có thể trục xuất nhà vua, nhưng thay vào đó anh ta đã chọn con đường đối thoại, với lòng khiêm tốn, hiền hậu, dịu dàng. Xin cho chúng ta biết xây dựng những nhịp cầu nối với người khác, không bao giờ là những bức tường ngăn cách.”

III. ỨNG DỤNG LỜI CHÚA

1. Mc 8, 11-13: Thái độ trước sự thách thức

11. Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12. Người thở dài não nuột và nói : "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết : thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả." 13. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

      Những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi một dấu lạ từ trời xuống để thử Ngài, đúng hơn là thách thức Ngài. Hóa ra họ lại vấp vào tội của cha ông họ thời xưa trong hoang địa: “Tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95, 8-11). Mọi sự thách thức đều do sự xui khiến của ma quỉ. Ma quỉ cũng đã từng thách thức Chúa Giêsu như thế trong sa mạc (x. Mt 4, 1-6). Người Do Thái còn thách thức Ngài lần cuối cùng hãy xuống khỏi thập giá (x. Mt 27, 40). Thách thức là thái độ ngạo mạn muốn trấn áp người khác, không muốn tìm hiểu, không có kính trọng nhau nên cũng không có đối thoại.

      Đứng trước thái độ đó, Chúa Giêsu thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?" (Mc 8,11-13). Nếu phải chứng minh mình là Đấng Mêsia, Đức Giêsu chỉ cần làm một dấu lạ cũng đã đủ rồi. Chúa Giêsu đã làm biết bao điềm thiêng dấu lạ, ấy thế mà những người Pharisêu vẫn chưa cho là đủ lại còn đòi hỏi "một dấu lạ từ trời." Cái gì khiến những người Pharisêu khó tin nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến? Thực ra không cần Chúa Giêsu phải làm thêm dấu lạ nào nữa mà chỉ cần biết cởi mở tâm hồn, biết xoá bỏ mọi thành kiến: phải thật lòng như Nicôđêmô khi đến gặp Chúa Giêsu ban đêm (Ga 3,1-21); phải khiêm tốn như người phụ nữ xứ Canaan lượm nhặt cả "những vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống" để rồi đón nhận được ơn trọng đại hơn nhiều (Mt 15,21-28).

      Phản ứng “buồn và bỏ đi” của Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài không thể chấp nhận sự kiêu căng của người biệt phái. Chúa Giêsu có thể làm những phép lạ cả thể trước mặt họ, nhưng Ngài đã không làm, vì làm cũng thừa đối với những người đã không muốn tin. Ngài không tức khí để tỏ ra quyền năng của mình, vì nếu như vậy Ngài lại áp chế họ về mặt tâm lý. Mọi hình thức áp chế đều tạo bất ổn dù là muốn biểu hiện điều tốt, vì nó đi ngược với đường lối Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến là để thi hành ý Chúa Cha chứ không phải để phô trương quyền lực của mình. Trước cái nhìn thế gian, Ngài có vẻ như thua cuộc, Ngài buồn bã bỏ đi. Làm như vậy Ngài không chứng minh được điều gì hơn về bản thân Ngài. Làm như vậy nhóm biệt phái càng thắng thế và ngạo mạn hơn. Nhưng Ngài có thể làm gì hơn trước những tâm hồn chai đá? Thái độ bỏ đi của Chúa Giêsu là thái độ từ tốn, khoan dung, chờ đợi...

      Trong chiến lược binh pháp có những khi phải chấp nhận lui binh để bảo tồn lực lượng, chờ dịp khác. Trong việc truyền giáo và đối thoại cũng vậy, có những lúc phải chấp nhận rút lui để giữ được sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, giữ được phẩm chất đạo đức, giữ được lòng nhân ái. Hơn nữa, còn phải biết chấp nhận thua để có thể thắng: thắng tính kiêu căng, thắng sự tức khí, nghĩa là thắng được chính mình để có thể thật sự là mình. Không thắng được mình mới thật sự là thua. 

      Trong cuộc đời, có những lúc, chúng ta cũng phải tỏ thái độ thích hợp như Chúa Giêsu, nhất là phải xác tín được điều nồng cốt của sứ mạng mình là gì? Chúa Giêsu đến không phải để phô diễn quyền năng hay phép lạ, nhưng là để mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa, là để loan báo Tin Mừng cứu độ, mà bản thân Ngài phải hiển hiện điều đó. Bản thân chúng ta, những người được sai đi cũng vậy, là trở nên giống Thầy mình như thế. Tuyệt đối không lạm dụng hay phô trương quyền hành, hoặc cố cương lên để chứng tỏ tài đức của mình. Trong mọi sự phải biết tìm ý Chúa để biết hành động như thế nào là tốt nhất. Có những lúc phải rút lui, phải bỏ đi, phải nhường bước, phải biết thua, phải biết phó thác cho Chúa để Ngài định liệu trong chương trình mầu nhiệm của Ngài.

2. Lc 14, 1.7-11: Bài học khiêm tốn

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : 'Xin ông nhường chỗ cho vị này.' Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: 'Xin mời ông bạn lên trên cho.' Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."  

Câu mở đầu đoạn Phúc Âm, thánh Luca cho chúng ta nhìn ngắm thái độ của Chúa Giêsu, là người có khả năng thiết lập tương quan gần gũi và thân thiện với mọi hạng người, kể cả những kẻ có ý đồ và manh tâm đối với mình. Đây là tính cách của một con người có bản lãnh, không chấp nhất và câu nệ về những gì người khác nghĩ về mình, kể cả việc họ muốn đối đầu với mình, song điều quan trọng là sự hiệp thông giữa người với người.

Tuy nhiên, khi đón nhận người khác, Chúa Giêsu cũng mời gọi họ thanh lọc những quan niệm cổ hủ, cải thiện một lối sống còn mang tính cách trịch thượng, nhất là lối sống đó lại nằm trong thành phần trí thức tôn giáo, ảnh hưởng rất lớn trên mọi người. Vì thế, nhân cơ hội quan sát những người đi dự tiệc, Ngài đã đưa ra một dụ ngôn, như một điển hình về phép xã giao, ý muốn cảnh giác thái độ tự tôn tự mãn của người Pharisêu. Điều mà Chúa Giêsu nói ra cũng từng là giáo huấn của sách Châm ngôn: 25, 6-7: “Chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: xin mời ông lên trên, còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng”.

Và rồi Chúa Giêsu kết thúc bằng một bài học về đức khiêm nhường, tương phản với những lo lắng về tôn ti trật tự của giới Do thái giáo: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Câu này cũng rút từ Ez 21, 31, và sẽ còn được thánh Luca nhắc lại một lần nữa ở 18, 14: để kêu gọi mọi người sống tính cách khiêm tốn.

Lời Chúa Giêsu nói với những người thời xưa cũng là lời rất hợp thời đối với những người ngày nay. Chúng ta thấy phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời thường xoay quanh những chiếc ghế. Lúc đầu ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng. Dần dần nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước. Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình. Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường; Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu; Philatô đóng đinh Chúa Giêsu vô tội, vì ông sợ mất ghế.

Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế. Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là chuyện của các cụ ngày xưa ở đình làng, mà còn là chuyện của các bạn trẻ trong xã hội hôm nay muốn tiến thân bằng sự bất chấp mọi phương cách, để có thể ung dung hưởng thụ một chỗ đứng trong xã hội. Và điều này cũng lây lan không ít trong đời sống Giáo hội, dễ tạo thành một giai cấp quan liêu mà người giáo dân đang ta thán khá nhiều.

Chúa Giêsu mời gọi ta vượt qua thói háo danh để sống khiêm tốn. Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên. Khiêm tốn không phải là coi thường mình hay e sợ người khác, cũng không phải là rụt rè, không dám nhận trách nhiệm. Khiêm tốn là nhận biết sự thật về mình, một sự thật còn nhiều thiếu xót và tiêu cực, cần được sự nhắc nhở và sửa chữa của anh em. Thiếu sự nhắc bảo lẫn nhau là ru ngủ nhau trong cái ảo tưởng về chính mình. Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa, và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.

Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay ghế nhất. Ghế nào chăng nữa thì cũng là một phương tiện để phục vụ mọi người. Chức vụ nếu có, thì cũng là cho ta một cơ hội để cúi xuống thật gần với những nỗi đau của biết bao người đang cần nhờ đến chúng ta. 

Thánh Phanxico Borgia viết: “Tôi thực tâm muốn đặt mình ở dưới Giuđa, vì tôi đã thấy Đức Giêsu ngồi dưới chân anh ấy”. Nếu chúng ta chọn ngồi ở chỗ cuối, thì chỉ vì đó là chỗ ngồi quen thuộc của Đức Giêsu. Là những người được kêu gọi góp phần vào sự nghiệp của Đức Kitô, chúng ta cần có tâm tình khiêm hạ của Ngài trong cung cách sống và phục vụ của mình. Không thể hạ mình, nếu chưa biết yêu thương như Chúa. Chủ yếu của đức ái mà chúng ta đang sống là mở ra con đường khiêm hạ để sống thuộc về Chúa và tận tình cho nhau.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ