SỨ VỤ J’RAI TẠI PLEIKLY

 

Cố gắng sắp xếp công việc của giáo họ R’lơm – Fyan, cùng với các cha trẻ trong giáo phận Đàlạt, tôi lên đường “theo chân các nhà truyền giáo.” Không biết có phải là do ý Chúa hay chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên mà điểm tôi đặt chân đến đầu tiên lại là điểm mà 4 năm trước tôi đã có dịp thực tập mục vụ hơn một tháng? Điểm trùng hợp thứ hai nữa là, các vị truyền giáo đầu tiên đặt chân đến nơi đây cũng lại là các vị đã có khởi điểm từ R’lơm - Fyan. Chỉ có điểm khác nhau là, ngày xưa các ngài đi bộ còn tôi hôm nay đi xe có máy lạnh; ngày xưa các ngài đi ở lại còn tôi chỉ ghe thăm rồi bỏ đi. Thế nhưng, dù sao thì tôi cũng đã từng có dịp tiếp xúc trực tiếp hoặc cũng đã từng được sống trên mảnh đất này. Và như thế, kể lại cho mọi người nghe để thấu hiểu những khó khăn khổ cực và cái chết của các ngài là điều tôi nên làm. Hy vọng câu chuyện sẽ giúp cho mọi người có thêm được tinh thần nghị lực để tiếp bước các vị cha anh trên con đường truyền giáo.

 

Theo như lời của các cha trong dòng Chúa Cứu Thế kể lại: Bốn vị thừa sai đầu tiên đến truyền giáo cho những con người sinh sống ở mảnh đất này là các cha: Antôn Vương Đình Tài, Giuse Trần Sĩ Tín, Phêrô Nguyễn Đức Mầu và thầy Phêrô Hồ Văn Quân. Trước Khi các vị đặt chân đến nơi đây, các vị là những người đang phục vụ cho anh chị em dân tộc K’ho tại R’lơm – Phú Sơn (Fyan). Thấy các cha Dòng Chúa Cứu Thế người Canađa phục vụ cho người K’ho quá tốt, cho nên, các ngài đã xin Bề Trên lên đường tìm vùng đất mới. Hướng đi đầu tiên của các ngài là hướng Ban Mê Thuột. Khi đến gặp Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, qua cuộc trò chuyện trao đổi, có lẽ ý Chúa không muốn cho nên các ngài lại phải tiếp tục lên đường. Đến Pleiku gặp Đức Cha Paulz Kim và trình bày ước nguyện muốn được truyền giáo cho người dân tộc J’rai thì Đức Cha Paulz Kim lại vui vẻ nhận lời. Hơn thế nữa, ngài còn chở các vị thừa sai đến tận nơi, trao tận tay cho các ngài vùng đất Pleiky. Khi được thả xuống mảnh đất trống đối diện với ngôi trường làng, trong lúc chiều tối, các vị đã ngơ ngác nhìn nhau hỏi, đêm nay chúng ta sẽ ngủ ở đâu? Loay hoay đi tìm chỗ ngủ qua đêm rồi tính tiếp. Rất may là có 1 gia đình nhận cho tá túc qua đêm. Thế nhưng, chỉ vài phút sau, bà vợ hớt hải từ rẫy chạy về, xua tay nói là không được, vì trong nhà đang có người bệnh. Theo phong tục của làng, nhà có người bệnh thì không được đón khách trọ qua đêm. Và, ông già làng đã chỉ cho các ngài 1 ngôi trường tiểu học trước mặt, trong đó có một gian không dùng làm lớp học mà dùng để nhốt đàn dê, nồng nặc mùi phân và nước tiểu của dê. Nhà hàng xóm bên cạnh thấy vậy cho mượn một chiếc giường để trưởng đoàn ngả lưng, còn ba người còn lại thì an giấc trên nền xi măng sau khi đã làm vệ sinh qua loa căn phòng. Căn phòng này đã trở thành nơi ở tạm bợ của các thừa sai trong suốt hơn hai tháng đầu, mãi đến lễ Noel năm 1969, nhóm mới có được ngôi nhà tươm tất. Đến năm 1970 thì nhóm có được một ngôi nhà rông nho nhỏ đủ để cho các em nhỏ đến ca hát và người lớn tới chơi.

 

Sau khi đã có nơi ăn chốn ở ổn định, các vị thừa sai bắt đầu thi hành nhiệm vụ của mình. Công việc chính của các ngài không phải là dâng lễ, dạy giáo lý hay là thăm viếng mục vụ như các thừa sai khác, mà là cùng ăn, cùng ở, và cùng làm rẫy với dân, làm dân với dân. Công việc tưởng chừng như êm xuôi không có gì trở ngại, thế nhưng, ở đâu có hạt giống Tin Mừng được gieo vãi thì ở đó có sự cấm cách bách hại. Khó khăn nhất của giai đoạn này vẫn là cuộc chiến tranh giữa Mỹ ngụy và Cộng sản. Hậu quả là năm 1971 cha Tín, cha mầu và thầy Đàn (người nhập nhóm năm 1970) đã bị bắt đưa qua biên giới Campuchia. Suốt thời gian dài các vị bị giam trong rừng, phần vì đói rét phần vì bị sốt rét rừng hành hạ; thầy Đàn do tuổi già sức yếu không thể chịu đựng được nên đã phải để xác lại nơi cánh rừng vào đêm 12 tháng 5 năm 1971. Cha Mầu cũng trong tình trạng mê man chết đi sống lại mấy lần. Cuối cùng thì hai cha cũng được trả tự do. Sau những khó khăn vất vả của năm 1971, các ngài vẫn không nản chí, quyết tâm sứ vụ loan báo Tin Mừng cho anh chị em J’rai. Chiến lược cùng ăn cùng ở với người J’rai lại tiếp tục. Trong suốt thời gian này, ngoài việc lên nương lên rẫy với bà con là việc học tiếng, học hỏi về văn hóa của người J’rai. Âm thầm sống giữa dân mãi cho tới năm 1985 mới bắt đầu có người xin học đạo. Đến năm 1988 (năm phong thánh cho các vị tử đạo tại việt nam) hạt giống Tin Mừng mới đồng loạt sinh hoa kết quả, người người xin theo đạo, nhà nhà xin theo đạo. Như lời khẳng định của các ngài, “truyền giáo là công việc của Chúa Thánh Thần”. Và đến hôm nay, sau 45 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vãi, anh chị em dân tộc J’rai đã có trên 50 ngài người theo đạo, tập trung chủ yếu ở ba vùng: Pleikly, Cheoreo, và Pleichuét.

 

Khi được hỏi về việc phải sống âm thầm trong dân suốt 18 năm trời, không làm việc mục vụ, các cha có thấy uổng phí không? Cha Giuse Trần Sĩ Tín trả lời: “Để rao giảng nước trời trong 3 năm, Chúa Giêsu đã phải chuẩn bị tới 30 năm, còn chúng tôi mới có 18 năm thì chưa nhằm nhò gì cả so với Chúa Giêsu. Nhờ thời gian được sống với dân như vậy mà chúng tôi học được ngôn ngữ, học được văn hóa và học được các phong tục tập quán của người J’rai ở đây rất nhiều. Có thể nói, ngôn ngữ và văn hóa là cửa ngõ để chúng tôi đến với anh em J’rai và dẫn anh em J’rai đến với Chúa.”

 

Nhìn lại hành trình truyền giáo của các bậc cha anh đi trước, tôi cảm thấy rùng mình khiếp sợ trước những hy sinh lớn lao của các ngài. Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng được sống trong thời đại văn minh hưởng thụ đã khiến cho tôi sợ phải dấn thân? Thời đại hôm nay có khác với thời xưa không? Chắc có lẽ là khác, nhưng Đức Kitô thì vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời. Và như vậy, 3 câu  trả lời của Đức Cha Micael luôn đúng cho các hội dòng ngại dấn thân truyền giáo bằng việc hỏi ngài: lên chỗ Đức Cha chúng con sẽ ở đâu? Chúng con sẽ làm việc gì và chúng con sẽ làm gì để nuôi sống cộng đoàn (ăn gì)? Ngài dựa vào cuộc đời của Chúa Giêsu để trả lời: “Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng không biết mình sẽ ở đâu, bởi con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. Còn chuyện ăn uống thì vào nhà nào, người ta dọn cho anh em thức ăn gì thì hãy ăn thứ đó, đừng lo lắng và cũng đừng đòi hỏi gì. Và cuối cùng, tôi xin nói với anh chị em thế này: cứ đến nơi, thấy người ta cần gì thì làm giúp họ, người ta có nhu cầu gì thì mình hãy cố gắng đáp ứng theo mức độ và khả năng của mình. Hãy cho cái người ta cần, chứ đừng cho cái mình có. Một trong những sai lầm lớn nhất của các nhà truyền giáo là cứ mang những nét văn hóa văn minh của mình rồi áp đặt cho người khác, bắt người khác phải theo, đồng thời đi tới đâu là dẹp bỏ văn hóa bản địa tới đó.”

 

Lm. Gioan Phùng Bá Trung

                                                                          Nhà Thờ R’lơm

 


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ