MARIA

MẸ THIÊN CHÚA

 

 

            Vào năm 429 sau công nguyên, tại thành phố Constantinople, dân chúng được nghe một bài giảng. Vị giảng thuyết đã nói: “Đừng ai gọi Ma-ri-a là mẹ Thiên Chúa.  Ma-ri-a chỉ là một phụ nữ, và đã là một phụ nữ thì không thể sinh ra Thiên Chúa.”  Những lời kỳ quặc này đã tạo chấn động lớn nơi tín hữu Constantinople, nhất là khi đạo lý đó lại được chủ trương do một người tên là Nestorius – vị giám mục của họ.  Ông từ chối gọi Đức Ma-ri-a là mẹ Thiên Chúa vì ông không tin rằng Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô là một và cũng là cùng một ngôi vị.  Ông chủ trương Thiên Chúa và Đức Ki-tô là hai ngôi vị riêng biệt, được kết hợp với nhau một cách lạ lùng, nhưng tách biệt nhau, do đó Đức Ki-tô con người chỉ bắt đầu hiện hữu khi được sinh ra do Đức Maria, trong khi Đức Ki-tô Thiên Chúa thì đã có từ trước muôn đời.  Cho dù Nestorius có đề cao sự kết hợp mật thiết giữa Đức Kitô con người và Đức Ki-tô Thiên Chúa đến thế nào đi nữa, thì đối với ông, Đức Kitô và Thiên Chúa vẫn là hai ngôi vị khác nhau.  Do đó Ma-ri-a chỉ là mẹ của một con người – hoàn toàn một con người.

 

            Tất cả điều này nghe thật chói tai đối với người Công Giáo thời ấy cũng như với chúng ta ngày nay.  Nó đã gây nên rối loạn cho đức tin Kitô giáo nơi dân chúng.  Bởi đó, để đối phó kịp thời, hai năm sau, các giám mục trong Hội Thánh Công Giáo nhóm họp công đồng tại Ê-phê-xô, đã làm sáng tỏ tất cả những gì thuộc đức tin Ki-tô giáo trước đó, và những gì thuộc đức tin Kitô giáo từ đó trở đi.  Các ngài đã khẳng định: “Đức Kitô là Thiên Chúa thật và do đó, Thánh Nữ Đồng Trinh cũng là mẹ Thiên Chúa – bởi vì Mẹ đã sinh ra thân xác của Ngôi Lời làm người, như Kinh Thánh đã viết rằng: ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’.” Kitô hữu không còn phải bận tâm, vì không còn gì để nghi ngờ nữa.

 

            Thời đó cũng như ngày nay, hiển nhiên cái lý do cạm bẫy để những ai từ chối không gọi Đức Ma-ri-a là mẹ Thiên Chúa chính là sự tách biệt Đức Ki-tô ra – tách biệt Đức Kitô thành “Đức Giê-su con người” và “Đức Giê-su Thiên Chúa – “Đức Gie-âsu trên trời” và “Đức Giê-su dưới thế”. Nhưng theo thánh Gioan Tông đồ: “Thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa” (1 Ga 4:3).  Cho nên hữu ý hay vô tình, họ đã biến Đức Ki-tô thành một con người hoàn toàn phàm tục nếu họ cho rằng Maria chỉ là mẹ của một con người mà thôi.

 

            Trả lời cho câu hỏi:  “Có phải Đức Ma-ri-a là mẹ Thiên Chúa không?” cũng chính là trả lời cho câu hỏi:  “Đức Giê-su là ai và làm gì?”  Hai câu hỏi không thể tách biệt, cũng như Đức Ma-ri-a và Con của ngài không thể tách biệt.  Câu trả lời của Công Giáo luôn luôn rõ rệt và nhất quán – nhất quán theo những đòi hỏi của lẽ phải và theo những dữ kiện gặp thấy trong Tân Ước.

 

ĐỨC KITÔ LÀ THIÊN CHÚA

 

 

            Những dữ kiện này là gì?  Chúng ta có thể trình bày những dữ kiện ấy cách ngắn gọn như sau:  trong Tân Ước, Đức Giê-su Ki-tô được nói đến như là Thiên Chúa và Ngài rõ ràng được gọi là Thiên Chúa. Ngài được mô tả như một con người đích thực cũng như Ngài được gọi là một người đàn ông.  Điều ấy rõ ràng có nghĩa Ngài là một ngôi vị Thiên Chúa nhưng lại có bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Không phải bản tính Thiên Chúa trở thành loài người hoặc bản tính loài người trở thành Thiên Chúa.  Hai bản tính vẫn riêng biệt, nhưng kết hợp lại nơi Ngài vì chúng thuộc về cùng một ngôi vị là Đức Giê-su Ki-tô.

 

            Xác nhận những dữ kiện này trong Kinh Thánh không có gì là khó hoặc không thích đáng.  Đức Giê-su Ki-tô rõ ràng được gọi là “Thiên Chúa” trong một số đoạn Kinh Thánh.  Sau khi sống lại, lúc Ngài hiện ra với các Tông đồ và trách Tô-ma thiếu lòng tin, thì “Ông Tô-ma thưa Ngài: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con’” (Ga 20:28).  Đơn thuần là Tô-ma muốn tuyên xưng đức tin của ông, không hẳn về việc Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, nhưng còn về thần tính trong ngôi vị của Ngài, điều được minh chứng do sự phục sinh là chứng lý hiển nhiên cuối cùng.  Trong ý nghĩa ấy, Đức Giê-su đã trả lời ông: “Tô-ma, vì anh đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.”

 

            Viết cho Ti-tô (2:12), thánh Phao-lô đã đơn giản gọi Đức Ki-tô là Thiên Chúa khi ngài khích lệ Ki-tô hữu hãy “sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.” Điểm đáng chú ý là thánh Phao-lô không nói về hai người khác nhau nhưng ngài muốn nói chỉ duy Đức Ki-tô mới vừa là “Thiên Chúa vĩ đại”, vừa là “Đấng Cứu Độ” chúng ta.

 

            Thánh Gio-an Tông đồ đã hết sức rõ ràng khi ngài viết: “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật và chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô.  Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời.” (1 Ga 5:20).

 

            Không còn khẳng định nào rõ ràng hơn những lời thánh Phao-lô nói về Đức Ki-tô “là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự.  Chúc tụng Ngài đến muôn thuở muôn đời” (Rm 9:5).

 

            Trong Kinh Thánh Đức Giê-su Ki-tô không chỉ được gọi là Thiên Chúa mà thôi, nhưng Ngài còn được gán cho những đặc tính mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể có và được thuật lại như những hành động thực hiện mà chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được. Những đoạn như thế thật nhiều, nhưng chúng ta chỉ nhắc đến một số thật hiển nhiên.  Chỉ duy Thiên Chúa mới có quyền phép lớn lao và chỉ có Ngài mới có thể tạo dựng do quyền phép vô cùng của Ngài. Khi nói về Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đã viết: “Vì trong Người muôn vật được tạo thành” (Cl 1:16). Và “chỉ có một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành” (1 Cr 8:6). Và thánh Gio-an đã viết: “Không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3).

 

            Chỉ có Thiên Chúa mới là vĩnh cửu, nhưng chính Đức Ki-tô lại nói Ngài có trước Áp-ra-ham là người đã sống và đã chết cả hàng trăm năm trước khi Đấng Cứu Thế ra đời (Ga 8:58). Ngài còn nói Ngài có trước khi thế gian được tạo thành (Ga 17:5).

 

            Do đó, không ngạc nhiên khi thấy Đức Ki-tô đòi hỏi người ta phải tôn kính Ngài với sự tôn kính dành cho Thiên Chúa mà thôi (Ga 5:23), và Ngài đã đưa ra những lời hứa mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thực hiện được: “Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14:14).

 

            Ở đây chúng tôi không có ý trích dẫn thật nhiều đoạn Tân Ước để trình bày và xác nhận việc Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật.

 

ĐỨC KI-TÔ LÀ NGƯỜI   

 

            Tân Ước cũng rõ ràng khi bàn về một sự kiện khác.  Đó là Đức Giê-su Ki-tô đã sống như một người phàm thật sự.  Lịch sử cuộc đời Ngài và cách cư xử của Ngài với người khác đã được ghi lại chi tiết.  Sau phục sinh, khi gặp lại các tông đồ, Ngài đã phản đối họ: “ ‘Sao lại hoảng hốt?  Sao lòng anh em còn ngờ vực?  Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!  Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?’ Nói xong, Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem... và Ngài ăn trước mặt các ông” (Lc 24:38-43).  Đó là những lời nói của một người đã bị đóng đinh, là người đã cùng sống, cùng ăn uống và cùng ngủ nghỉ với các tông đồ, là người đã làm việc tại Na-da-rét, và là người như một hài nhi được đặt nằm trong máng cỏ.  Ngài đã sử dụng cách lý luận thật đơn giản và chắc chắn. “Trong quá khứ anh em đã không nghi ngờ rằng Thầy là người thật sự đã sống trong những năm chúng ta cùng sống với nhau. Vậy thì giờ đây đừng nghi ngờ gì nữa, vì anh em đã nhìn thấy và rờ thấy nên hãy tin.”

 

            Chỉ có những ai muốn coi nhẹ mọi lịch sử chính đáng, thì mới chối nhận con người lịch sử Đức Giê-su Ki-tô không phải là một con người thật sự.  Nhưng cùng những sử liệu minh chứng việc thừa nhận Đức Giê-su là con người lịch sử thật sự, thì chính những sử liệu đó cũng minh chứng việc thừa nhận Ngài là một ngôi Thiên Chúa với tất cả những đặc tính của Thiên Chúa.

 

            Từ Kinh Thánh chúng ta biết được rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta... Ngôi Lời là Thiên Chúa” và Ngôi Lời là Đức Giê-su Ki-tô; “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác... còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1:1-18).

 

            Trình bày về Đức Giê-su Ki-tô, thánh Phao-lô đã nói về Ngài như “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.  Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8).  Đúng như vậy!  Đấng là Thiên Chúa do bản tính Thiên Chúa của Ngài đã trở nên người phàm bằng cách mặc lấy bản tính loài người.

 

TÂM ĐIỂM CỦA KI-TÔ GIÁO

 

            Có chỗ nào trong sách Tân Ước cho thấy sự khác biệt giữa Đức Giê-su Thiên Chúa và Đức Giê-su con người không?  Hay có chỗ nào nói lên rằng Ma-ri-a là mẹ của một Giê-su và chúng ta được cứu chuộc nhờ một Giê-su khác không?              

 

Khi chúng ta trả lời câu hỏi “Con của Ma-ri-a là ai?” và trả lời dựa trên những gì Kinh Thánh nói với chúng ta, thì chỉ có thể có một câu trả lời:  Ngài là một ngôi vị Thiên Chúa nhưng có cả bản tính Thiên Chúa lẫn bản tính loài người.  Hai bản tính của Ngài với hai quyền lực khác biệt không làm cho Ngài trở nên hai người riêng biệt.  Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, người Con Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đây là sự thật của Mầu Nhiệm Nhập Thể.

 

            Đó là tâm điểm chân lý Ki-tô giáo. Đó là chân lý căn bản, là trọng tâm của Kinh Tin kính Ki-tô giáo.  Kitô hữu đã nói đến mầu nhiệm này qua nhiều thế kỷ và người ta đã sớm nhận thức được rằng nếu dùng ngôn ngữ loài người để nói về Đức Giê-su Ki-tô, thì chúng ta phải sử dụng thận trọng cũng như phải nghiêm túc giải thích mầu nhiệm ấy.

 

            Thiên Chúa – một ngôi vị Thiên Chúa – đã mặc lấy thân xác phàm nhân với cơ cấu và những chức năng giống như thân xác mà mỗi người chúng ta đều biết rất rõ.  Người đã tự mặc lấy một linh hồn của con người, một trí khôn của con người, những cảm nghĩ và cảm xúc của con người, giống y như chúng ta khi sinh ra đều có những đặc tính chung của một con người.  Nhưng không vì thế mà Ngài không còn là Thiên Chúa, Đấng có bản tính hoàn toàn là thiêng liêng, không cần một hình thể cấu thành nào, quyền lực ý chí của Người là toàn năng, trí tuệ của Người là thông biết mọi sự, và sự sống của Người đã có từ trước muôn đời và sẽ tồn tại cho đến mãi mãi thiên thu vạn đại.  Thánh Kinh diễn tả Ngài một cách đơn giản là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).

 

            Ý nghĩa trọng đại của sự thật này bắt đầu soi sáng chúng ta khi chúng ta suy nghĩ rằng: Tất cả điều ấy là thực đối với Thiên Chúa và tất cả điều ấy là thực đối với con người này, tức là với Đức Giêsu Kitô.  Những gì là thực đối với bản tính Thiên Chúa và những gì là thực đối với bản tính loài người đều phải được khẳng định về chính Ngài, tức là về Đức Giêsu Kitô.  Ngài là vô biên, quyền phép vô cùng, thông biết mọi sự và vĩnh cửu. Và cũng là thực khi Ngài là con người nên cũng phải chết, cũng bị giới hạn về sức lực, có thể cảm thấy mệt nhọc và đau đớn, lệ thuộc vào sự tăng trưởng của hình dáng cơ thể và sự hiểu biết loài người.

 

            Điều đó không có nghĩa là bản tính Thiên Chúa trở thành loài người hay trí khôn không sai lầm của Thiên Chúa trở nên sai lầm, hay bản tính bất tử của Thiên Chúa trở thành phải chết. Thần tính đã không hề biến thành nhân tính. Nhưng có nghĩa là một ngôi Thiên Chúa đã mang lấy bản tính loài người, và nếu ngôn ngữ loài người diễn tả được sự thật, thì những gì Ngài có trong bản tính nhân loại cũng phải là của chính Ngài.

 

TÂN ƯỚC HỢP LÝ

 

            Với ý nghĩ này, chúng ta có thể bắt đầu thấy rằng những gì coi có vẻ là mâu thuẫn trong một số đoạn Tân ước thì lại thật là hợp lý.  Thực sự một lần Đức Ki-tô đã có thể nói về chính Ngài: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14:28), và lần khác Ngài lại nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:30).  Vì bản tính loài người của Ngài, Ngài thực sự lêï thuộc vào Thiên Chúa và có thể cầu nguyện cùng với Chúa Cha trên trời, cũng là Cha của mọi người.  Rồi vì cùng một bản tính Thiên Chúa với Chúa Cha, nên Ngài ngang hàng và là một với Chúa Cha.

 

            Do bản chất yếu đuối của con người, Ngài có thể đổ mồ hôi máu trước cái chết của Ngài, nhưng do quyền phép vô cùng của bản tính Thiên Chúa, Ngài có thể chỉ phán một lời làm cho người chết sống lại.

 

            Bởi vậy, thánh Phê-rô Tông Đồ đã không vô lý khi ngài tố cáo dân chúng: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3:15).  Hay thánh Phao-lô cũng không vô lý khi ngài viết về những kẻ đã “đóng đinh Đức Chúa vinh hiển vào thập giá” (1 Cr 2:8).  Họ đóng đinh và giết Đức Giê-su Ki-tô là Đấng khơi nguồn sự sống, là Đấng Tạo Hóa bất diệt theo như bản tính Thiên Chúa của Ngài, nhưng cũng là Đấng phải chết theo bản tính loài người hay chết của Ngài.

 

            Vậy rõ ràng là nếu không phải là phi lý khi Phê-rô đã nói Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa lúc ngài nói về những những kẻ giết Đấng khơi nguồn sự sống, thì cũng không phi lý khi chúng ta nói về Đức Giê-su Ki-tô là “Thiên Chúa đã chịu cắt bì – Thiên Chúa đã lạc mất cha mẹ Ngài – Thiên Chúa lớn lên trong sự khôn ngoan và khỏe mạnh – Thiên Chúa đã mệt nhọc và nằm ngủ.”

 

SINH RA BỞI MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ

 

            Thánh Phao-lô cũng không đến nỗi phi lý mấy khi ngài nói về việc xuất hiện của Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ, trong những lời sau đây:  “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật” (Gl 4:4).  Con Thiên Chúa đã sinh ra bởi một người đàn bà.  Ngôi Lời, Đấng là Thiên Chúa, đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta bằng cách sinh ra bởi một người đàn bà.  Đức Chúa là Thiên Chúa và cứu chuộc chúng ta bằng cái chết trên thập giá, đã sinh ra bởi một người đàn bà.  Người đàn bà đó là Ma-ri-a, mẹ Ngôi Lời, mẹ Thiên Chúa.

 

            Dẫu vậy, có nhiều người tuy nói một cách thuộc lòng về Ma-ri-a là mẹ Đức Giê-su, lại ngần ngại không muốn gọi Ma-ri-a là mẹ Thiên Chúa.  Họ không hiểu hết ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể.  Không có lý do thích đáng giải thích tại sao một ngôi Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, Đấng thật sự là người, không thể được thụ thai và sinh ra theo như bản tính loài người này. Điều này không có nghĩa là mẹ Ngài, giống như một thứ nữ thần, sẽ làm cho bản tính Thiên Chúa của Ngài trở nên hiện hữu.  Cũng không có nghĩa là với tính cách là mẹ của một ngôi Thiên Chúa, Ma-ri-a phải hiện hữu trước Ngài.  Đức Ki-tô đã khẳng định rằng Ngài có trước khi Áp-ra-ham sinh ra.  Là Thiên Chúa, nên Ngài là vĩnh cửu.  Và là con người, nên Ngài bắt đầu sống một cuộc sống loài người khi Ma-ri-a mang thai Ngài. Ma-ri-a đã không có trước Thiên Chúa, nhưng Ma-ri-a có trước khi Thiên Chúa mặc lấy bản tính loài người trong cung lòng của bà.

 

            Nếu không phải là phi lý khi nói Đức Giêsu Kitô, một ngôi Thiên Chúa, đã được mẹ Ngài là Ma-ri-a cho Ngài sự sống loài người, thì cũng không phải là phi lý khi nói cha của Ma-ri-a là ông ngoại của Ngài.  Thiên Chúa có ông ngoại không?  Nếu đặt câu hỏi này mà không liên hệ gì đến Đức Giê-su Ki-tô, thì câu hỏi này thật là ngớ ngẩn.  Nhưng nếu có liên quan đến Đức Giê-su Ki-tô, thì câu trả lời khẳng định sẽ là chân lý phúc âm.

Nguyễn Việt Hữu, chuyển ngữ


Trở Về Trang Mục Lục Thánh Mẫu Học
Trở Về Trang Nhà