VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 

Ma-ri-a, Mẹ Đức Giê-su có được cứu khỏi tội không? Giáo Hội Công giáo trả lời: Thưa có.  Câu trả lời này gây ngạc nhiên cho những ai cứ tưởng người Công giáo tin rằng Đức Ma-ri-a đã không được cứu chuộc.  Chẳng phải người Công giáo luôn tin rằng Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội và ngài không có tội đấy ư?  Điều này chẳng nghịch lại chính lời của Đức Ma-ri-a: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc1:47) hay sao?

 

Theo đức tin Công giáo, Ma-ri-a, cũng như bất cứ trẻ nhỏ nào thuộc dòng dõi A-đam, đều cần được cứu độ và đã được cứu độ.  Giống như tất cả chúng ta, Mẹ đã có thể nhận được ân sủng, sự thánh thiện, và ơn cứu chuộc chỉ do công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô.  Thực vậy, đối với ngài cũng như đối với chúng ta, chẳng có sự cứu độ nào ngoài sự cứu độ trong Đức Giê-su Ki-tô và chẳng có danh nào ngoài danh Đức Giê-su nhờ đó chúng ta được cứu chuộc.

 

Là E-và Mới liên kết với Con Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc, Đức Ma-ri-a cũng cần đến những gì ơn cứu chuộc mang lại cho nhân loại, nghĩa là cần đến những công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô.  Bởi đó chẳng có gì nghịch lý khi Đức Ma-ri-a vừa hợp tác với chương trình cứu độ, đồng thời cũng vừa được hưởng nhờ ơn cứu độ ấy.

 

Chúng ta có thể thấy một điểm tương đồng như vậy trong việc tổ tông loài người sa ngã và điểm ấy chỉ là đặc nét của việc giống nhau giữa sự Sa ngã và việc Sửa chữa.

 

Hậu quả của tội A-đam phạm không những làm cho chính ông và con cháu ông mất đi tình trạng vô tội, mà còn làm cho E-và cũng mất tình trạng vô tội nữa, vì bà xúi giục nên ông đã phạm tội.  Dĩ nhiên, bà đã lỗi phạm nghịch lại Thiên Chúa, nhưng tội của bà có thể chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bà.  Còn A-đam dù một mình ông lỗi phạm thì cũng có thể ảnh hưởng đến mọi người bởi ông là đầu.  Vậy E-và đã dụ dỗ A-đam phạm tội và tội của ông đã làm cho bà mất đi tình trạng vô tội cùng tất cả con cháu bà sau này.

 

Hiệu quả việc cứu chuộc của Đức Giê-su Ki-tô không chỉ là ơn cứu độ cho nhân loại mà cũng là ơn cứu độ cho chính Đức Ma-ri-a.  Qua sự ưng thuận, Đức Ma-ri-a đã giúp cho ơn cứu độ có thể đến với chúng ta và chính Mẹ cũng được hưởng ích lợi của ơn ấy như mọi người và lại còn đầy đủ hơn mọi người nữa. 

 

Chúng ta hãy trình bày điểm quan trọng này một cách khác.  A-đam có thể nói với E-và: “Bởi chính lời dụ dỗ của bà mà tôi đã phạm tội;” còn E-và cũng có thể nói thật với A-đam:  “Bởi tội lỗi của ông mà tôi đã mất đi tình trạng vô tội khi tôi được tạo dựng.”  Cũng thế, Đức Giê-su có thể nói với Mẹ Ma-ri-a: “Do sự ưng thuận của mẹ, mẹ đã giúp cho Con có thể cứu chuộc thế gian;” và Mẹ có thể nói với Ngài:  “Mẹ cần đến sự hy sinh nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Con cho sự cứu rỗi của chính mẹ.”

 

Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

Đối với việc cứu chuộc nhân loại, vai trò của Đức Ma-ri-a quả thật là độc đáo, cho nên không có gì là ngạc nhiên khi thấy việc Mẹ được cứu chuộc cũng thật độc đáo.  Không phải Mẹ đã được giải thoát khỏi tội ngài đã phạm, cũng chẳng phải Mẹ đã được tẩy sạch khỏi tội ngài đã bị lây nhiễm; nhưng là Mẹ đã được gìn giữ cho khỏi tội, Mẹ đã được ngăn ngừa khỏi sự lây nhiễm của tội nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên khi Mẹ được hình thành trong bụng mẹ mình.  Đức Ma-ri-a đã được thụ thai tinh tuyền ngay trong bụng mẹ – không vướng mắc tội lỗi và được tràn đầy ân sủng của Đức Ki-tô nhờ công nghiệp đã được dự liệu do cuộc khổ nạn và sự chết của Ngài.

 

Việc gìn giữ Đức Ma-ri-a khỏi bị di truyền tội tổ tông thường được gọi là Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Như rất nhiều người đã hiểu sai, Vô Nhiễm Nguyên Tội không đồng nghĩa với  việc Mẹ thụ thai Đức Giê-su mà vẫn còn đồng trinh, và cũng không ràng buộc với việc Đức Giê-su không có một người cha phàm trần nhưng đã được thụ thai cách lạ lùng trong dạ Mẹ Ma-ri-a.  Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng không có nghĩa là Đức Ma-ri-a đã được thụ thai cách mầu nhiệm trong lòng mẹ mà không cần đến quan hệ vợ chồng với người nam.  Không, không  có nghĩa như vậy.  Đối với phụ mẫu của Đức Ma-ri-a thì Mẹ đã được thụ thai theo cách sinh sản tự nhiên của con người.  Được thụ thai theo cách thức tự nhiên, nên đúng ra Đức Ma-ri-a sẽ được tạo thành mà không được ân sủng của Thiên Chúa và cũng sẽ phải chịu mất tình trạng vô tội như tất cả con cháu A-đam sinh ra theo cách tự nhiên của loài người.  Nhưng Thiên Chúa đã cứu Mẹ khỏi những điều ấy là vì phận vụ của Mẹ trong kế hoạch của Người.

 

Đức tin của Giáo Hội Công giáo trình bày ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội một cách đơn giản như sau:  Ngay từ lúc đầu tiên khi được thụ thai, bởi ơn đặc biệt của Thiên Chúa Toàn Năng, nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu độ chúng ta, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã được gìn giữ cho khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ.

 

 

Việc Đức Ma-ri-a không dính một vết nhơ nào của tội nguyên tổ là yếu tố quan trọng của ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Tất cả con cháu A-đam đều mất đi tình trạng vô tội thuở ban đầu của tổ tông mà lẽ ra họ sẽ được nếu A-đam vẫn trung thành với Thiên Chúa.  Sự thiếu vắng ân sủng và vô tội này được hình dung như là “vết nhơ”, để nói lên sự thiếu vắng hào quang ân sủng Thiên Chúa mà linh hồn con người bị mất khi kết hợp với thân xác trong bụng mẹ.  Vắng bóng ân sủng Thiên Chúa là vắng bóng sự thánh thiện và là tình trạng làm mất lòng Chúa.  Tình trạng thiếu vắng này thông thường được sửa chữa lại qua việc tái sinh thiêng liêng nhờ Đức Ki-tô qua bí tích Rửa tội.  Tuy nhiên Đức Ma-ri-a đã không bao giờ mang tì vết này, mà ngay từ lúc thân xác và linh hồn ngài kết hợp với nhau thì Ngài đã ở trong tình trạng vô tội và tình bạn của Thiên Chúa.

 

Chiến thắng đã được hứa ban

 

Ngay khi Thiên Chúa hứa sẽ ban ơn cứu rỗi trước sự hiện diện của Xa-tan và hai người tội lỗi là A-đam với E-và, chúng ta đã thấy dấu chỉ đặc ân của Đức Ma-ri-a. “Ta sẽ gây mối thù giữa mi (Xa-tan qua hình ảnh con rắn) và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống (Đức Giê-su Ki-tô, Đấng sẽ đạp dập đầu con rắn) người ấy” (St 3:15).  Các Kitô hữu đã luôn nhìn thấy trong lời loan báo này một lời hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế trong tương lai cùng với chiến thắng của Người trên tội lỗi và ma quỷ.  Bởi vì chính Đức Giê-su là dòng giống của người đàn bà đang đối đầu với dòng dõi của con rắn.

 

Tuy nhiên, mục đích Đức Giê-su là dòng giống của người đàn bà là để chống lại Xa-tan, chứ không phải để nói lên một liên hệ nào đó với E-và, bởi vì chúng ta không thấy ở nơi bà E-và một sự chống lại Xa-tan được hứa ban.  Giống như A-đam, bà E-và cũng chỉ là nạn nhân của con rắn mà thôi.  Nhưng chỉ có nơi Đức Ma-ri-a liên kết với Con mình để chống lại con rắn, chúng ta mới thấy có mối thù như vậy.

 

Cũng thế, người đàn bà và dòng giống của bà sẽ toàn thắng con rắn, đầu nó sẽõ bị đạp dập.  Nếu có lúc nào đó Đức Ma-ri-a lại bị khuất phục do tội lỗi và ma quỷ, thì chiến thắng hoàn toàn và khôn lường của Người Con và mẹ Ngài, đấng liên kết với Ngài trong lời hứa chiến thắng, sẽ không thể thực hiện được.

 

Giả như có tội lỗi nơi Đức Ma-ri-a, thì tội lỗi ấy sẽ chống lại Thiên Chúa chứ không phải chống lại Xa-tan.  Nhưng trong lời hứa, Thiên Chúa đã đặt sự thù nghịch giữa người đàn bà và Xa-tan, và nhờ dòng giống người đàn bà, Ngài sẽ ban sự toàn thắng trên Xa-tan.  Cho nên Thiên Chúa đã làm tròn điều hứa này bằng cách gìn giữ Đức Ma-ri-a khỏi tội nguyên tổ.

 

Rõ ràng qua các tài liệu được lưu trữ đến nay, người ta thấy các Ki-tô hữu thuở ban đầu đã hiểu tường tận ý nghĩa lời hứa này của Thiên Chúa.  Những ai cho rằng người Công Giáo ở những thế kỷ gần đây đã thêm vào giáo huấn nguyên thủy của Ki-tô giáo những giáo điều mới về sự thánh thiện của Đức Ma-ri-a nói riêng và mọi đặc ân chúng ta gán cho ngài nói chung, thì họ cần phải đọc những gì các Kitô hữu ở những thế kỷ đầu đã dạy.

 

Sự tôn kính của Kitô hữu sơ khai

 

Nhiều đoạn sách quan trọng trong các tác phẩm của họ đã được chuyển dịch ra Anh ngữ và đóng thành bộ như quyển Đức Trinh Nữ  qua những tác phẩm của các Giáo Phụ thuộc sáu thế kỷ đầu của tác giả Thomas Livius, do nhà xuất bản Burns & Oates.  Trong lời mở đầu, học giả đã viết:  “Cố gắng không thiên vị, tôi xác tín rõ ràng rằng… các tác giả thuộc sáu thế kỷ đầu đã đồng thanh tán dương Đức Bà như ngài vẫn được tán dương do những người Công giáo ở các thời đại sau này;  và tôi cũng xác tín rằng tất cả những gì Giáo Hội ở mọi thời đại đã định tín và xác nhận về những đặc ân và vinh dự Mẹ đáng lãnh nhận… cũng đều thấy có nền tảng, nguyên tắc hoặc manh nha nơi những tác phẩm của những tác giả ấy (tức là những tác phẩm tôi góp lại ở đây)… Hơn nữa, rõ ràng qua những đoạn mà tôi trích dẫn… cho thấy nhiều Giáo phụ đã trình bày cách minh nhiên và sâu sắc trong các bài ca tụng Mẹ Thiên Chúa, và các ngài đã chẳng dành lại một khoảng thật nhỏ nào cho những người đi sau, đến nỗi họ chỉ còn biết lập lại chính các lời của các giáo phụ và làm vang vọng lại những lời tán tụng này mà thôi.”

 

Vậy những Ki-tô hữu đầu tiên đã nói gì về sự thánh thiện của Đức Ma-ri-a?  Họ nói:  “Những người khác có thể thánh thiện, còn Đức Ma-ri-a thì được thánh thiện toàn vẹn.”  “Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên trinh nữ thứ nhất (E-và) không có tội, nay đã dựng nên trinh nữ thứ hai (Đức Ma-ri-a) không một khuyết điểm.”  Nói về sự thánh thiện của Mẹ, họ đã sử dụng những tĩnh từ chỉ sự thánh thiện như “nguyên vẹn”, “không ô uế”, “không nhiễm mắc”, “không hư nát”, “vô tội”.  Mẹ không chỉ vô nhiễm mà là “hoàn toàn vô nhiễm.” – “hoàn toàn không vướng tội”, “hoàn toàn không lây nhiễm tội”, “không bị tội lỗi đụng chạm tới”.  Vậy thì việc người Công giáo hôm nay tin rằng Đức Ma-ri-a đã được gìn giữ khỏi mọi bợn nhơ của tội lỗi, kể cả tội nguyện tổ, có thêm được điều gì mới vào những gì đã được nói trong suốt lịch sử Ki-tô giáo không?

 

Nếu bạn thắc mắc lý do tại sao việc không vướng mắc tội lỗi ngay lúc ban đầu cuộc đời của Mẹ quan trọng như thế nào và tại sao các Ki-tô hữu luôn tôn vinh Mẹ là đấng vô nhiễm và không tỳ vết, thì lý do ấy là Mẹ phải được xứng hợp để làm mẹ của Đấng Cứu Thế, xứng đáng để hợp tác với Con Thiên Chúa trong mối quan hệ mật thiết nhất.  Nơi Đức Ma-ri-a không có một sự hổ thẹn tội lỗi nào có thể ảnh hưởng đến Con của ngài.  Thân xác mà Đấng Thánh đã nhận từ người làm mẹ của Ngài phải là thân xác của một người không bao giờ là kẻ tội lỗi  theo bất cứ ý nghĩa nào.

 

Sự vắng bóng của tội lỗi nơi Đức Ma-ri-a đồng nghĩa với sự thánh thiện – sự thánh thiện ngày càng phát huy nơi Ngài.  Vào thời điểm đã định để sứ thần Thiên Chúa đến viếng thăm Mẹ, sứ thần đã có thể chào Mẹ là “Đấng đầy ân sủng” và “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.” Chưa bao giờ một thiên sứ chào người nào với những lời lẽ như thế.  Chắn chắn điều đó phải có lý do thích hợp.

 

Những lý do về sự thánh thiện của Đức Ma-ri-a

 

Có hai điểm quan trọng chúng ta cần nhớ khi tìm hiểu những lý do này.  Trước hết, Thiên Chúa không làm điều gì một cách ngẫu nhiên hoặc theo hứng.  Thiên Chúa Hằng Hữu không làm như thế.  Điều gì Người làm nơi trần thế, Người đã hoạch định từ ban đầu.  Người đã chẳng tự dưng sai sứ thần đến với một thiếu nữ Do-thái dễ thương ở một thị trấn nhỏ miền Giu-đê để chọn làm mẹ Đấng Mê-xi-a, sau một thoáng nhìn mọi thiếu nữ khác rồi quyết định tức thời Ma-ri-a sẽ được chọn.  Đức Ma-ri-a đã ở trong trí của Thiên Chúa từ thuở ban đầu. Ngài sinh ra là để làm Mẹ Thiên Chúa.

 

Điểm thứ hai là khi Thiên Chúa chọn ai làm công việc gì, thì Người ban cho họ mọi sự để làm việc đó cho nên.  Thí dụ thánh Phao-lô đã nói: “Thiên Chúa ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới” (2 Cr 3:6).  Nói cách khác, nhờ ân sủng Người, Người đã cho chúng ta khả năng để chu toàn điều Người mời gọi chúng ta làm.  Vậy, khi chọn Đức Ma-ri-a làm Mẹ Thiên Chúa, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ ân sủng, phúc lành, và sự thánh thiện để làm cho Mẹ nên xứng đáng với địa vị đó.  Mẹ xứng hợp làm Mẹ Thiên Chúa và tiếp nhận chính Thiên Chúa vào cung lòng mình.

 

Nguyễn Việt Hữu (chuyển ngữ)


Trở Về Trang Mục Lục Thánh Mẫu Học
Trở Về Trang Nhà