NHỮNG LỜI TÂM TÌNH ĐẦU TIÊN

CỦA ĐGH BÊNÊĐÍCTÔ XVI

(Lm Anphong Trần Đức Phương dịch).

LTS: Đức Hồng Y Giuse Ratzinger đã được chọn làm Giáo Hoàng thứ 265 kế vị Thánh Phêrô vào chiều ngày 19/4/2005, lấy danh hiệu Bênêdictô XVI. Buổi sáng ngày hôm sau (20/4/2005), Ngài dâng Thánh Lễ cùng với các Hồng Y tại nhà nguyện Sistine. Sau đây là Bản Dịch bài Chia Sẻ của Ngài vào cuối Thánh Lễ sáng hôm đó. Ngài nói bằng tiếng Latin và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản dịch tiếng Việt này căn cứ vào bản Tiếng Anh của Văn Phòng Thông Tin Vatican (Vatican Information Service - V.I.S.). Các hãng Thông Tấn Quốc Tế, cũng như các nhà Lãnh Đạo các Quốc Gia cũng như các vị Lãnh Đạo các Tôn Giáo đã căn cứ vào bài “Nói Chuyện” này của Đức Thánh Cha để nhận ra lập trường của Ngài đối với mọi Tôn Giáo, mọi Quốc Gia và các vấn đề của thế giới hôm nay.

Xin ơn thánh và sự bình an tràn ngập trong quý vị tất cả.

Tâm hồn tôi lúc này có hai tâm tình trái ngược nhau. Một đàng, tôi cảm thấy bất xứng và theo tính tự nhiên tôi cũng cảm thấy thật xao xuyến trước trách nhiệm được trao phó cho tôi hôm qua như một người kế vị thánh Phêrô Tông Đồ tại Ngai toà Rôma để điều hành Giáo Hội hoàn vũ. Đàng khác, tôi cũng cảm thấy lòng cảm tạ sâu xa đối với Thiên Chúa là Đấng - như giờ kinh phụng vụ hôm nay hát - đã không bỏ rơi Đoàn chiên Chúa, nhưng luôn luôn dẫn giắt Giáo Hội qua mọi thời đại dưới sự lãnh đạo của các vị chủ chăn chúa chọn như các Đại Diện của Con Chúa và là Chủ Chăn.

Quý vị thân mến, lòng tri ân sâu xa về tình thương của Thiên Chúa lúc này trổi vượt trong tâm hồn tôi hơn mọi điều gì khác. Tôi coi ân huệ này như đã được ban cho tôi do Đức Tiền Nhiệm khả kính Gioan Phaolô II. Tôi cảm thấy như bàn tay dũng cảm của Ngài nắm chặt lấy tay tôi; tôi như nhìn thấy ánh mắt tươi cười của Ngài; tôi như đang lắng nghe Ngài nói với tôi đặc biệt vào lúc này: “Con đừng sợ!”

Giờ phút Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời và những ngày tiếp theo đã là những thời gian ân huệ tuyệt vời cho toàn thể Giáo Hội và Thế Giới. Nỗi đau thương về sự qua đời của Ngài và khoảng trồng để lại cho mỗi người chúng ta đã được làm dịu đi nhờ tác động của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã tỏ mình ra suốt những ngày dài này qua sự hoà hợp nhịp nhàng giữa đức tin, tình yêu và tinh thần liên đới được quy tụ cao điểm trong Tang Lễ long trọng của Ngài.

Chúng ta có thể nói rằng: Đám tang của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thực sự là một kinh nghiệm tuyệt vời, qua đó chúng ta có thể cảm nhận một cách nào đó quyền năng của Thiên Chúa là Đấng, qua Giáo Hội của Ngài, mong muốn kiến tạo một Đại Gia Đình các Dân tộc gắn bó, hiệp nhất Chân Lý và Tình Yêu. Trong giờ phút ‘hấp hối’, cũng như Đấng vừa là Thầy vừa là Chúa của Ngài, Đức Gioan Phaolô II đã làm vinh hiển triều đại Giáo Hoàng dài lâu và phong phú của Ngài, đồng thời cũng làm kiên vững đức tin của các Kitô hữu, quy tụ họ chung quanh Ngài và làm cho toàn thể gia đình nhân loại cảm thấy gần gũi nhau hơn. Làm sao chúng ta không cảm thấy được nâng đỡ nhờ vì chứng nhân này? Làm sao chúng ta không cảm thấy lòng phấn khởi qua biến cố ân sủng này?

Tôi thật không ngờ, sự quan phòng của Thiên Chúa, qua ý muốn của các vị Hồng Y đáng kính, đã gọi tôi đến kế vị Đức Giáo Hoàng tuyệt vời này, và tôi đang tưởng nhớ đến điều đã xảy ra ở miền Cesarea Philiphe hai ngàn năm trước: Tôi như được nghe lời Thánh Phêrô “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!” và lời Chúa long trọng xác định “Con là Đá! Trên Đá này, Thày sẽ xây dựng Giáo Hội của Thày…Thày ban cho con chìa khóa nước trời!”

“Thày là Chúa Kitô!” “Con là Đá!” Tôi như đang được sống lại khung cảnh Phúc Âm này. Tôi, người kế vị của Thánh Phêrô, run sợ nhắc lại những lời lo âu của người ngư phủ Galilêa và tôi cũng lắng nghe được với cả tâm hồn xúc cảm lời hứa của Thày Chí Thánh. Nếu sức nặng của trách nhiệm đang đè trên đôi vai hèn mọn của tôi quá lớn lao, thì quyền năng mà tôi dưa vào lại thực bao la: “Con là Đá. Trên viên Đá này, Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày!”…Chọn tôi như một Giám Mục của Thành Rôma, Chúa đã muốn tôi làm Đại Diện của Ngài, và mong rằng tôi là Hòn Đá Tảng mọi người có thể đặt niềm tin trên đó. Tôi xin Chúa bù đắp cho tôi những thiếu sót, yếu kém để tôi có thể là một chủ chăn can đảm và trung tín của Đoàn chiên Chúa, luôn luôn vâng theo sự soi dẫn của Thần Linh Chúa. Như vậy, tôi dám nhận sứ vụ đặc biệt này, sứ vụ của Phêrô để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, với sự khiêm tốn phó thác nơi bàn tay Quan Phòng của Chúa. Chính nơi Chúa Kitô, tôi lặp lại niềm tin tưởng tuyệt đối này “Lạy Chúa, nơi Chúa con tin tưởng, con sẽ không thất vọng bao giờ.” (In Te, Domine, speravi; non confundar in aeternum!)

Các Đức Hồng Y thân mến, tôi xin dâng cả tấm lòng biết ơn đối với các Đức Hồng Y, vì đã đặt niềm tin tưởng nơi tôi. Tôi xin các Đức Hồng Y nâng đỡ tôi bằng lời cầu nguyện và bằng sự cộng tác khôn ngoan, bền bỉ và năng động. Tôi cũng xin các anh em Giám Mục của tôi hãy luôn ở gần tôi bằng lời cầu nguyện và khuyên bảo để tôi có thể là “Đầy Tớ của các Đầy Tớ Chúa!” (Servus Servorum!) Cũng như Thánh Phêrô và các Tông Đồ xưa đã là một tập thể các Tông Đồ, người kế vị Thánh Phêrô và các Giám Mục, kế vị các Tông đồ - như Công Đồng đã hết sức nhấn mạnh - phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Sự hiệp thông trong Tông đồ đoàn này, dù có sự dị biệt về vai trò và nhiệm vụ của Giáo Hoàng và các Giám Mục, là để phục vụ Giáo Hội và gìn giữ sự duy nhất trong Đức tin, nhờ đó mới có thể đem lại hiệu quả lớn lao cho công cuộc rao giảng Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Cũng trên con đường mà các vị tiền nhiệm khả kính của tôi đã đi trước, tôi cũng muốn bước theo chỉ với một niềm lắng lo cho việc rao truyền sự hiện diện sống động của Chúa Kitô cho thế giới.

Vào lúc này, hiện diện đặc biệt trước mắt tôi là chứng tử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã để lại cho chúng ta một Giáo Hội can đảm hơn, tự do hơn, trẻ trung hơn. Một Giáo Hội mà, nhờ lời giảng dạy và gương sáng của Ngài, có một sắc thái bình thản với quá khứ và không sợ hãi tương lai. Cùng với năm 2000 Hồng Phúc, Giáo Hội đã bước vào thiên niên kỷ mới với Tin Mừng trên tay đem áp dụng cho thế giới theo đường hướng CÔNG ĐỒNG VATICANO II. Đức Gioan Phaolô II đã thật đúng khi Ngài chỉ cho thấy Công Đồng như ‘kim chỉ Nam’ để giúp chúng ta định được hướng đi trên biển rộng mênh mông của Thiên Niên thứ ba. Trong bản chúc thư Tinh Thần, Ngài đã viết: “Tôi xác tín rằng cho đến mãi mãi về sau, các thế hệ vẫn múc ra được những nguồn tài liệu phong phú mà Công đồng của Thế Kỷ 20 đã để lại cho chúng ta. Phần tôi, tôi cũng muốn xác quyết ngay từ lúc khởi đầu nhiệm vụ của người kế vị Thánh Phêrô, ý chỉ quyết tâm của tôi là thực hiện Công Đồng Vaticano II theo như các Đấng tiền nhiệm, và tôi cũng quyết tâm trung thành tiếp tục truyền thống đã có từ ngàn năm trong Giáo Hội. Năm nay là năm kỷ niệm kết thúc 40 năm Công Đồng (vào ngày 8 tháng 12 năm 1965). Theo dòng thời gian, những trài liệu của công Đồng không mất đi hiệu quả của nó, nhưng lại càng mật thiết liên hệ với những đòi hỏi của Giáo Hội toàn cầu và xã hội ngày nay.

Một cách rất có ý nghĩa, triều đại Giáo Hoàng của tôi khởi đầu khi Giáo Hội đang sống trong năm đặc biệt kính Chúa Giêsu Thánh Thể. Làm sao tôi lại không nhận ra sự trùng hợp đó của Chúa Quan Phòng để đánh dấu sứ vụ mà tôi đã được kêu gọi. Bí tích Minh và Máu Thánh Chúa, trọng tâm của đời sống Kitô hữu và là nguồn mạch của sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, không thể không là trung tâm thường trực và là nguồn mạch của sứ vụ Phêrô được trao phó cho tôi.

Bí tích Thánh Thể làm cho Chúa Giêsu Phục Sinh luôn hiện diện và hiến ban chính mình cho chúng ta, trong khi mời gọi chúng ta đến tham dự Bàn Tiệc Mình và Máu Thánh Ngài. Sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu Thánh Thể làm nảy sinh ra đặc tính của đời sống Giáo Hội: sự hiệp thông giữa các tín hữu, sự quyết tâm rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng, lòng nhiệt thành trong các công cuộc bác ái đối với mọi người, nhất là những người nghèo khó và hèn mọn. Vì thế, trong năm nay phải đặc biệt tôn sung Chúa Giêsu Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể phải là trọng tâm, vào Tháng Tám, trong dịp Đại Hội Giới Trẻ ở Cologne (Đức) và vào Thánh Mười, trong Đại Hội thường niên của các Giám Mục. Chủ đề của Đại Hội này la “Bí Tích Thánh Thể, cội nguồn và tuyệt đỉnh của đời sống truyền giáo của Giáo Hội.” Tôi kêu gọi mọi người trong những ngày tháng sắp tới hãy tăng cường tinh yêu và sự tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể và hãy bày tỏ một cách can đảm và minh bạch sự Hiện Diện Thực Sự (của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể), trên hết tất cả, là qua các cuộc cử hành long trọng và nghiêm chỉnh. Tôi đặc biệt đòi hỏi điều đó nơi các Linh Mục, những người mà lúc này tôi đang nghĩ đến với tất cả tấm lòng trừu mến. Chức Linh Mục đã xuất phát từ “Bữa Tiệc Ly” đi đôi với Bí Tích Thánh Thể. Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm của tôi nhấn mạnh nhiều lần. Đời sống Linh Mục phải đặc biệt mang “hình ảnh của Chúa Giêsu Thánh Thể!” Ngài đã viết như thế trong Thư Mục Vụ cuối cùng của Ngài về ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Việc cử hành hàng ngày một cách đạo đức Thánh Lễ, trung tâm của đời sống và sứ vụ Linh Mục, sẽ góp phần vào mục đích đó.

Được nuôi dưỡng và nâng đỡ bằng Bí Tích Thánh Thể, người Công Giáo sẽ không thể không cảm thấy được thúc đẩy để sống sự hiệp nhất hoàn toàn, như Chúa Giêsu đã ước nguyện trong Bữa Tiệc Ly. Như người thừa kế Thánh Phêrô, tôi biết mình phải có lòng mộ mến tuyệt vời Thày Chí Thánh, vì tôi đã được trao phó nhiệm vụ ‘làm cho đức tin của anh em con được kiên vững!’ Vậy, ý thức trọn vẹn ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ của Giáo Hội tại Rôma, nơi đã tắm máu đào của Thánh Phêrô, người kế vị hiện tại của Thánh Phêrô phải lãnh nhận như nhiệm vụ đầu tiên là phải làm việc không mệt mỏi để phục hồi sự hiệp nhất trọn vẹn và minh bạch mọi người theo Chúa Kitô. Đó là ước vọng, là nhiệm vụ dòi buộc Ngài. Để thực hiện điều đó, bày tỏ tâm tình chưa đủ. Phải có những hành động cụ thể để thấm nhập vào các tâm hồn, đánh động lương tâm, khuyến khích mọi người hồi tâm; đó là căn bản để đi đến sự tiến triển trên con đường đi đến “ĐẠI KẾT” (Ecumenism). Đối thoại về thần học là cần thiết. Xét lại kỹ càng về những lý do trong lịch sử đưa đẩy đến các chọn lựa khác nhau càng cần thiết hơn. Khẩn thiết hơn nữa là sự “tẩy rửa hoài niệm (purification of memory), điều mà Đức Gioan Phaolô II thường gợi lại, và cũng là điều duy nhất cần thiết để chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón nhận sự thật trọn vẹn của Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô, vị Thẩm Phán tối cao của mọi sinh linh, mà mỗi người chúng ta sẽ phải đối diện, ý thức rằng một ngày nào đó chúng ta phải giải thích cho Ngài những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta đã không làm để mưu ích lớn cho sự hiệp nhất trọn vẹn, minh bạch như môn đệ của Chúa Kitô. Người kế vị hôm nay của Thánh Phêrô tự cảm thấy tụ mình phải làm, và phải sẵn lòng làm, trong quyền hạn của mình, để cổ võ những gì là căn bản để xây dựng “Đại kết”. Theo bước chân của các vị tiền nhiệm, người kế vị Thánh Phêrô hiện nay phải tuyệt đối quyết tâm vun trồng mọi sáng kiến thích hợp để cổ võ sự tiếp xúc và đồng thuận với các đại biểu từ các giáo hội khác nhau, và từ các cộng đoàn các nơi. Trong dịp này, tôi cũng xin gửi đến toàn thể quý vị lời chào mừng chân tình trong Chúa Kitô, là Chúa của mọi người chúng ta.

Giờ đây, tôi lại nhớ đến kinh nghiệm khó quên mà tất cả chúng ta đã trải qua về sự ra đi và đám tang của Đức Gioan Phaolô II đáng thương nhớ của chúng ta. Chung quanh thân xác của Ngài nằm trên mặt đất đá trơ trọi, là các vị lãnh đạo các quốc gia cùng với bao người thuộc mọi tầng lớp xã hội, nhất là giới trẻ, đã hiệp nhất trong một vòng tay yêu thương, trân trọng, tưởng không bao giờ có thể quên được. Hơn nữa, cả thế giới hướng về Ngài với niềm tin tưởng cậy trông. Đối với nhiều người, cuộc tham dự đám tang khổng lồ đó đã làm vang động cả hành tinh này nhờ các phương tiện truyền thông xả hội, giống như một bản nhạc hoà tấu vang lên lời kêu gọi cứu giúp của Ngài cho nhân loại đang quằn quại trong sợ hãi, xao xuyến, lo âu về tương lai của mình.

Giáo Hội ngày nay phải làm sống lại từ nội tâm ý thức về nhiệm vụ phải giới thiệu cho thế giới của Đấng đã nói: “Ta là Ánh Sáng thế gian; ai theo ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng đi trong ánh sáng của sự sống!” Lãnh nhận sứ vụ của mình như một tân Giáo Hoàng, tôi hiểu rằng tôi có nhiệm vụ phải mang ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi cho mọi người nam nữ thời nay; không phải ánh sáng của mình, nhưng là ánh sáng của Chúa Kitô. Với ý thức đó, tôi xin nói với moị người, kể cả các vị thuộc TÔN GIÁO KHÁC, cũng như những người đang đơn giản tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề căn bản của cuộc đời mà chưa tìm ra. Tôi xin nói với mọi người với tất cả thành tâm, thiện chí để bảo đảm rằng Giáo Hội muốn tiếp tục xây dựng mộ sự ĐỐI THOẠI chân thành và cởi mở với tất cả, để cùng tìm kiếm những lợi ích thật sự cho nhân loại và xã hội. Tôi khẩn cầu với Chúa ban sự Hiệp nhất và Hoà bình cho gia đình nhân loại và tôi xác định rằng mọi người Công giáo đều mong muốn cộng tác để phát triển một xã hội thực sự, một xã hội biết tôn trọng phẩm giá của mọi người. Tôi sẽ cốn gắng hết mình và hiến toàn thân để theo đuổi sự đối thoại đang có nhiều triển vọng mà các vị tiền nhiệm của tôi đã khởi đầu, cuộc đối thoại với mọi nền văn minh để đi đến sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.

Tôi đặc biệt nghĩ đến GIỚI TRẺ, là những người đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt thích đối thoại với họ. Tôi gửi đến các bạn trẻ lòng âu yếm mến thương với niềm hy vọng rằng, nếu Chúa muốn, tôi sẽ gặp các bạn ở Cologne vào dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới. Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn tiếp tục đối thoại với các bạn, lắng nghe các ước vọng của các bạn, trong niềm hy vọng tôi sẽ giúp được các bạn gặp gỡ Chúa Kitô luôn sống động và trẻ trung.

“Mane Nobiscum, Domine!” (Lạy Chúa xin ở lại với chúng con!) Lời cầu khẩn đó là đề tài chính của Tông Thơ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Năm Thánh Thể. Lời khẩn cầu đó lúc này cũng bất ngờ xuất hiện trong tâm hồn tôi, lúc này là lúc khởi đầu Sứ vụ mà Chúa trao cho tôi. Cũng như Thánh Phêrô xưa, tôi cũng hứa lại với Chúa lời hứa trung thành vô điều kiện. Chỉ mình Chúa mà thôi là Đấng tôi tận hiến để phục vụ qua công việc hiến toàn thân cho Giáo hội của Ngài. Để trợ giúp cho lời hứa này, tôi cầu khẩn với Mẹ Maria chí thánh chuyển cầu cho tôi. Nơi bàn tay Mẹ, tôi đặt trọn cả hiện tại và tương lai của tôi và của Giáo Hội. Tôi cũng xin hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và các Thánh chuyển cầu cho tôi.

Cùng với những tâm tình trên đây, tôi xin gửi đến các Đức Hồng Y đáng kính, anh em của tôi, cũng như những người đang tham dự nghi lễ ở đây, và mọi người đang theo dõi truyền hình, truyền thanh, lời chúc lành đặc biệt và đầy tình thân mến.

+ ĐGH Benedictô XVI

 


Mục Lục Giáo Hội Hoàn Vũ