CẦU NGUYỆN VỚI ÐỨC KITÔ

 

 

X. CẦU NGUYỆN VỚI ÐỨC KITÔ

 

Người có tâm hồn tôn giáo là một người cầu nguyện (homo orans). Người môn đệ của Chúa càng không thể không là người cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ vì Chúa dạy, cho dù giáo huấn về sự cầu nguyện được Kinh Thánh, nhất là chính Ðức Giêsu, thường xuyên nói đến, kèm thêm những lời cầu nguyện đã trở thành khuôn mẫu. Chúng ta cầu nguyện vì tin và yêu. Tin yêu Chúa, chúng ta muốn hội ngộ với Chúa, sống tương giao thân mật với Ngài, hướng tâm hồn lên cùng Ngài, đáp ứng lời Ngài mời gọi. Ở đó, chúng ta sẽ thinh lặng chiêm ngắm Chúa hoặc trò chuyện với Ngài. Ở đó, chúng ta sẽ thốt ra lời tán tụng vì những kỳ công và cảm tạ vì muôn ơn lành Chúa làm cho ta và cho cả tạo thành. Ở đó, chúng ta dâng lên Chúa mọi tâm tư, khát vọng và tất cả đời sống của ta. Ở đó, chúng ta sẽ xin Chúa ban thêm ơn cứu độ . Tất cả đều là cầu nguyện. Và những việc này chỉ có thể làm được, và làm một cách trung thực, cho những ai tin yêu Chúa thật lòng.

 

Tiếp theo những bài suy niệm về tin Chúa, yêu Chúa, bài này gợi lên một vài ý về việc cầu nguyện với Chúa.

 

1. "Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít,

xin dủ lòng thương tôi" (Mc 10,47)

 

* Lời kêu cứu trên đây là của người mù ăn xin ở cửa thành Giêricô. Anh ta - Bartimê, theo sự ghi nhận của Maccô - nghe có đám đông khác thường, bèn hỏi người chung quanh xem có chuyện gì xẩy ra. Khi biết là Ðức Giêsu Nagiarét đi ngang qua, anh đã kêu cứu như trên. Chắc chắn anh đã từng nghe biết về Chúa, với những phép lạ Chúa làm đây đó cho nhiều người được khỏi bệnh. Nay may mắn được gặp Ngài, thật là cơ hội ngàn năm một thuở, dễ gì anh để nó vuột mất. Niềm hy vọng loé lên sau bao nhiêu năm tháng thất vọng, để nó tắt ngúm sao được? Cho nên, anh đã kêu lên, kêu ngay, kêu to: "Lạy ông Giêsu, con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Không phải kêu một lần, mà là hai. Ðó là Mc viết vậy, chứ chúng ta có thể nghĩ anh còn kêu nhiều hơn nữa kia! Ðể phản đối những người ngăn cản, bắt anh im. Ðể lời van xin thấu đến tai Chúa.

 

Lời kêu này không chỉ đơn thuần là lời xin, mà trước hết còn là lời tuyên tín. Một lời tuyên tín khá hoàn hảo. Bartimê tuyên xưng Chúa là con vua Ðavít, là Ðấng Mêsia. Con vua Ðavít là tước hiệu của Ðấng Mêsia, theo như dân gian nghĩ. Dựa trên lời sấm nói về Ðấng Mêsia như một Ðavít mới, hoặc như một người thuộc miêu duệ Ðavít, mà Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện (Is 23,5; 33,14), người Do thái đương thời vẫn chờ mong vị đó. Tiếng kêu của người mù nói lên sự chờ mong này. Có điều anh chưa thể tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Mà đâu có trách được, vì đến như các môn đệ thân tín mà còn cần phải có ơn trên mới tuyên xưng được nữa là.

 

Thế sao những người đứng đó lại ngăn cản anh lên tiếng? Ngăn, không phải vì lời tuyên xưng, nhưng là vì những lời tiếp sau: những lời kêu cứu. Cũng dễ hiểu thôi. Hệt như chuyện vẫn xẩy ra chung quanh chúng ta. Người ta không muốn thấy người nào đó, nhất là người thuộc loại sống bên lề xã hội như Bartimê, làm phiền hà một nhân vật đáng kính. Hơn nữa, những người đi theo Chúa đều có vấn đề riêng và muốn được Chúa lưu ý cách nào đó. Sự xin xỏ của tên mù này có thể làm "rách việc", làm cho vấn đề riêng của họ bị đẩy xuống dưới.

 

Và cũng hệt như điều vẫn xẩy ra trong đời sống thiêng liêng của từng người. Mỗi lần chúng ta muốn hướng về Chúa để cầu nguyện, thì hầu như lần nào cũng có những tiếng nói muốn bóp nghẹt việc cầu nguyện của ta. Có thể là những tiếng nói bên ngoài. Có thể là những tiếng nói trong thâm tâm. Hãy điểm mặt chúng thử coi. Này nhé: cầu với chả nguyện, ích gì đâu, được gì đâu? biết bao phen đã làm mà nào Thiên Chúa có đoái hoài, cơ hồ Ngài vẫn xa vắng, chỉ tổ mất giờ . Ðó là tiếng nói của Satan luôn cám dỗ ta thất vọng và bỏ cuộc.

 

Vậy phải làm gì? Ðừng bao giờ nghe những tiếng nói đó. Chúng càng réo to, ta càng phải mạnh mẽ làm ngược lại. Như Bartimê. Cứ kêu lên, cứ hướng tới Chúa, bởi vì Ngài là Ðấng hằng nghe ta. Và cũng như Ngài đã chữa lành cho Bartimê, Ngài cũng sẽ đáp lời ta kêu cứu.

 

* Bartimê đã kêu xin Chúa dủ lòng thương xót. Nhiều thế hệ kitô hữu sau này đã lặp lại lời xin trên. Vắn tắt như ta vẫn đọc trong Thánh Lễ: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Hoặc dài hơn: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội ("kẻ có tội": lời thú nhận của người thu thuế lên Ðền thờ cầu nguyện, x.Lc 18,13), như truyền thống Ðông phương nhấn mạnh.

 

Với lời kêu trên, ta không chỉ nhằm nói lên lời tuyên tín, nhưng đặc biệt muốn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. Bartimê đau khổ vì mù nơi thân xác. Còn chúng ta đau khổ vì mù trong tâm hồn: mù quáng trong tội, trong "cái tôi đáng ghét" (Pascal). Thế nên chúng ta nài van lòng thương xót của Chúa.

 

Có người quan niệm thương xót như một thứ thương hại, như thái độ của một người từ trên nheo mắt nhìn xuống nỗi cơ cực của người dưới. Nhưng đấy không phải là quan niệm của Kinh Thánh, khi Kinh Thánh ca ngợi Thiên Chúa là Ðấng "giầu lòng thương xót" (Ep 2,4). "Xin thương xót" (eleison) cùng một gốc với từ hy lạp "elaion" có nghĩa là cây ôliu hoặc dầu ôliu. Muốn hiểu ý nghĩa đầy đủ của từ này, cứ đọc những chỗ Sách Thánh sử dụng nó.

 

Sau trận Hồng Thuỷ, cành ôliu mà chim bồ câu mang về cho Noe giúp ông hiểu rằng Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ, tạo cơ may lần thứ hai cho con người. Nếu họ sống tử tế với Thiên Chúa, Ngài sẽ không thịnh nộ với họ nữa. Còn dầu ôliu được dùng để xức trên các vua và tư tế, tràn xuống chòm râu ướt cả áo chầu của họ (Tv 133,2). Dầu đó biểu thị ân sủng của Thiên Chúa dư đầy trên họ, ban cho họ sức mạnh mới, để làm những công việc vượt quá khả năng của họ. Công việc nào? Nhà vua thì hướng dẫn dân đi theo đường lối của Thiên Chúa, làm theo ý Ngài. Tư tế thì công bố ý muốn của Thiên Chúa, hành động nhân danh Thiên Chúa, nói lên những huấn lệnh của Ngài, thi hành phán quyết của Ngài.

 

Ðó là chuyện của Cựu ước. Còn trong Tân ước, ta thấy người Samari nhân hậu, trong một dụ ngôn Chúa đưa ra, đã dùng dầu ôliu xoa dịu và chữa trị những vết thương của người bị nạn.

 

Như vậy, ta hiểu ôliu muốn nói gì. Muốn nói rằng Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ, rằng Thiên Chúa đã chữa cho ta lành, hầu ta có thể sống và đáp lại ơn Chúa gọi. Nhưng vì Thiên Chúa biết ta không thể dùng sức riêng làm tròn ý muốn của Ngài, nên Ngài ban cho ta dồi dào ân sủng (Rm 5,20). Ngài giúp ta làm điều ta không thể làm. Tất cả là do tình yêu của Chúa. Bởi vậy, khi ta xin Chúa dủ lòng thương xót, ta không chỉ xin Ngài nguôi cơn giận, mà là xin chính tình yêu. Lời kêu xin Chúa thương xót cho thấy mối liên hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và các tạo vật thật phong phú.

 

Do nó có ý nghĩa như thế, và cũng do vắn tắt, lời cầu xin trên, lặp lại lời của Bartimê ngày xưa, rất được các kitô hữu Ðông phương coi trọng và năng sử dụng trong đời sống. Chúng ta cũng hãy dùng nó làm lời nguyện tắt trong mọi lúc và mọi sinh hoạt của đời sống chúng ta. Ðó là cách dễ dàng nhất để cầu nguyện với Ðức Giêsu. Và, hơn mọi kinh nguyện khác, nó thường xuyên đặt ta hiện diện trước mặt Chúa, không còn nghĩ điều gì hơn là chỉ có Chúa và ta. Một khi thấm nhập vào tâm trí ta, một khi năng được thốt ra trên vành môi cửa miệng, thì dù ta vui hay buồn, lời cầu đó sẽ là một động lực thúc đẩy tâm hồn hướng về chúa.

 

* Lời kêu cầu trên đây chỉ là một trong những cách diễn tả một hình thức kinh nguyện nói chung: cầu nguyện xin ơn. Như chúng ta biết, cầu nguyện có thể mang nhiều hình thức: chúc tụng Thiên Chúa là nguồn mạch mọi phúc lành và đã ban phúc lành cho con người; ngợi khen vì những kỳ công của Thiên Chúa; thờ lậy Thiên Chúa là Ðấng toàn năng cao cả; cảm tạ vì ơn Chúa cứu độ; cầu xin cho những nhu cầu của ta và của Nước Trời.

 

Trong số những hình thức này, phải nói ngay hình thức xin ơn hay được lưu ý nhất, hay được sử dụng nhất, cả trong kinh nguyện riêng tư lẫn trong kinh nguyện của Giáo Hội. Không phải vậy sao? Cứ xem những lời kinh của Giáo Hội trong Phụng vụ Giờ Kinh, trong Thánh Lễ và các nghi thức khác là thấy ngay. Phần lớn các lời cầu nguyện là các lời xin ơn.

 

Tuy nó được thực hành nhiều, nhưng vẫn có người xem nhẹ loại cầu nguyện này, xếp nó vào hạng bét trong bậc thang giá trị. Người ta bảo nó vụ lợi, chỉ nghĩ đến mình, trong khi những lời cầu nguyện chúc tụng tạ ơn là đưa về Chúa, nghĩ đến Chúa. Vậy mới vô vị lợi! Quả có thế thật. Ít ra có một phần đúng. Vì thực sự nhiều lời cầu nguyện xin ơn chỉ xoay quanh con người ích kỷ của ta, chỉ nhằm những gì đáp ứng với nhu cầu tức thời của ta. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nó kém giá. Không phải bỗng dưng mà cả và Giáo Hội dùng nó. Tất có lý do.

 

Trước hết, lời cầu nguyện xin ơn vẫn là một nhu cầu đặc biệt và cần thiết cho Giáo Hội tại thế, cho chúng ta còn sống tại thế. Tuy chúng ta đã được cứu độ, nhưng chưa đạt tới viên mãn. Cái viên mãn còn đang ở phía trước. Ơn cứu độ mới chỉ đến cho ta như một hy vọng (Rm 8,24), trong nguyên lý và trong mầu nhiệm thôi. Thế nên, ta còn phải cầu xin Chúa thêm ơn cứu độ cho ta.

 

Lại nữa, chúng ta là những con người tội lỗi, yếu đuối, thiếu thốn, cần có sự trợ giúp không ngừng của Thiên Chúa, để sống xứng đáng là con cái Ngài. Chính ý thức này giúp chúng ta khiêm tốn để cầu xin, tức mở lòng đón nhận ơn Chúa. Ngoài nhu cầu của riêng ta, còn biết bao nhu cầu khác của Giáo Hội, của thế giới. Không thấy một nhu cầu nào để xin, là muốn mình hoá thành Thiên Chúa, Ðấng duy nhất không có một nhu cầu nào hết. Có thể nói, lời cầu xin ơn chỉ chấm dứt khi mà tất cả chúng ta được sống lại hoàn toàn trong ngày tận thế.

 

[Chúng ta còn có thể suy nghĩ theo một phương diện khác. Vì cầu nguyện phát xuất từ tình yêu và là cách diễn tả tình yêu, chúng ta có thể suy nghĩ từ chính tình yêu để thấy được giá trị của lời cầu xin ơn. Trong tình yêu có cho có nhận. Nhận cũng rất có thể cao cả như cho. Nó cũng là một cách cho, vì nhận là mở lòng cho người mình yêu. Cho người yêu một món quà và nhận từ người yêu một món quà, đàng nào làm người yêu thích hơn ? Thích hơn hay thích kém là tuỳ mỗi người, tôi không dám đường đột quả quyết. Nhưng dù sao, cả cho lẫn nhận đều biểu thị tình yêu.

 

Những lời cầu xin (cũng như những lời ca tụng) của ta, dù không thêm gì cho Chúa mà chỉ mang lại ơn cứu độ cho ta (Kinh Tiền tụng chung, IV), nhưng những lời ấy tựa như món quà ta dâng lên Chúa, với tất cả lòng yêu mến. Không quý sao? Không làm đẹp lòng Chúa sao? Và khi Chúa nhận lời ta cầu xin, thì đó cũng là cách Ngài mở lòng Ngài ra, tức là một cách Ngài yêu ta, y như lúc Ngài ban tặng chính mình cho ta vì yêu ta. Như vậy, lời cầu nguyện xin ơn, khởi đầu thì vụ lợi, nhưng rốt cuộc lại cho thấy tình yêu].

 

* Có gì bảo đảm cho những điều nói trên về lời cầu xin ơn chăng? Có đấy. Chính Ðức Giêsu đã nhấn mạnh hình thức này. Chính Ngài đã làm trước và dạy các môn đệ làm. Hầu hết các lời nguyện của Chúa mà ta còn giữ lại được, đều là những lời nguyện xin ơn. Ngài đã cầu nguyện cho mình, vì Ngài còn phải đi về với Thiên Chúa và nhận lấy sự sống sung mãn, thần linh của mầu nhiệm Phục Sinh. Thư Do thái viết: "Khi còn sống kiếp phàm nhân, Ðức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Ðấng có quyền năng cứu Người khỏi chết" (Dt 5,7). Ngài đã thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin cứu con khỏi Giờ này" (Ga 12,27). Ngài cũng cầu xin cho các môn đệ, các kẻ thuộc về mình (Ga 17).

 

Lời kinh duy nhất Chúa dạy cho các môn đệ (Kinh Lạy Cha) chỉ gồm toàn những lời cầu nguyện xin ơn. Ngoài ra có 3 dụ ngôn về việc cầu nguyện: dụ ngôn về người bạn quấy rầy (Lc 11,5-13), dụ ngôn về người biệt phái và người thu thuế lên Ðền thờ cầu nguyện (Lc 18,9-14), dụ ngôn về viên quan toà bất chính (Lc 18,1-8), thì cả ba đều nói về việc cầu nguyện xin ơn. Riêng dụ ngôn cuối cùng mở đầu như sau: "Ðức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Vậy chính lối cầu nguyện xin ơn là lối cầu nguyện không bao giờ ngưng nghỉ.

 

Là môn đệ, chúng ta không thể không theo cách thức mà Chúa là Thày đã làm khi cầu nguyện, không thể không theo lời Ngài dạy về việc cầu nguyện. Chúng ta không những có tâm tình hân hoan chúc tụng, ca ngợi và cảm tạ Chúa, mà còn khiêm tốn cầu khẩn Chúa ban ơn, đổ tràn Thánh Thần vào lòng ta, nhất là biết cầu xin cho những nhu cầu chung của Giáo Hội, của Nước Trời, của thế giới, như Giáo Hội gợi ý, đặc biệt qua các lời nguyện tín hữu (lời nguyện giáo dân) trong Thánh Lễ và qua các lời cầu trong Giờ Kinh Phụng Vụ ban sáng và ban chiều.

 

2. Cầu nguyện "nhân danh Ðức Giêsu"

 

Trong lời giã biệt của Chúa với các môn đệ, Chúa đã lặp đi lặp lại việc cầu nguyện nhân danh Ngài, hoặc xin với Ngài nhân danh Ngài (Ga 14,14), hoặc xin với Chúa Cha nhân danh Ngài (Ga 15,16). Những điều ta xin cũng được ban nhân danh Ngài nữa (Ga 16,23).

 

Người ta có thể hành động nhân danh một người hay một tập thể. Khi hành động như thế, phải lãnh sứ mệnh từ người đó, tập thể đó, phải nhờ quyền bính của người đó, tập thể đó, phải làm theo ý của người đó, tập thể đó. Thực tế có những người nhân danh người khác nhưng hành động "tưới hạt sen", chẳng kể gì đến ý hay lệnh của người mình nhân danh. Nhưng đó là chuyện chúng ta không đề cập ở đây. Chúng ta muốn nói đến việc cầu nguyện nhân danh Ðức Giêsu, như chính Chúa chỉ thị. Thế nào là cầu nguyện nhân danh Ðức Giêsu?

 

Trong tất cả các kinh nguyện của Giáo Hội, nếu là kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa, ta đều thấy câu kết thúc là: Nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con; hoặc dài hơn: Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, là Thiên Chúa . "Nhờ" nói lên vai trò của một người trung gian, một người môi giới. Ngại xin với Bề Trên một điều gì chẳng hạn, ta nhờ một người khác, nhất là người có thế giá, nói dùm. Chúng ta cũng nhờ Ðức Giêsu chuyển lời cầu của ta lên Thiên Chúa. Không phải vì ngại, nhưng vì lời cầu của ta không thể lên tới Chúa Cha, nếu không có Ðức Giêsu làm trung gian. Vai trò trung gian này của Chúa, Kinh Thánh đã nói rõ: Ðức Giêsu là Ðấng thâu góp những lời cầu nguyện của các thánh, và dâng lên để tôn vinh Thiên Chúa (Kh 4,1tt). Ngài là Thượng tế không ngừng can thiệp cho con người (Dt 3,17), là Ðấng bầu chữa cho ta trước ngai toà Chúa Cha (1Ga 2,1).

 

Tuy nhiên, đừng nghĩ vai trò trung gian của Chúa như chỉ đứng ở giữa chuyển dùm lời cầu nguyện của ta lên Thiên Chúa, như thể Ngài không mắc mớ gì với những lời cầu nguyện ấy. Ðể thấy rõ vai trò này, cũng như để hiểu hơn việc cầu nguyện nhân danh Ðức Giêsu, tưởng có thể mượn lời của Augustinô để xác định như sau: Ðức Kitô là Ðấng mà nhờ Ngài và trong Ngài chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, và cũng là Ðấng mà chúng ta chúc tụng. Ðó là 3 khía cạnh lớn của việc cầu nguyện nhân danh Ðức Giêsu. Chúng ta khai triển thêm đôi ba ý.

 

Chúng ta phải nhờ Ðức Kitô để tôn vinh Chúa Cha trong sự thật. Vì sao? Vì chúng ta đâu có biết Chúa Cha: "Không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho" (Mt 11,27). Chỉ mình Chúa Giêsu biết Chúa Cha. Chỉ mình Ngài đã dâng lên Cha việc phụng thờ đích thực, hoàn hảo. Nên muốn phụng thờ Thiên Chúa, ta phải dựa vào Ngài. Ðúng ra là tham dự vào lời tôn vinh của Ngài, như Phaolô nói: "Nhờ Ngài mà chúng ta hô lên "Amen" để tôn vinh Thiên Chúa" (2Cr 1,20).

 

Chúng ta lại phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Không chỉ nại đến danh Chúa Giêsu như ta thường nghĩ, nhưng là thực sự ở trong Ngài, tức là kết hợp mật thiết với Ngài. Lời cầu nguyện nhân danh Ðức Giêsu, khi đó, sẽ phát ra tự đáy lòng, nơi ta được đồng hoá cách mầu nhiệm với Ðức Kitô. Kinh nguyện của ta trở nên đồng nhất với kinh nguyện của Ðức Kitô, do Ngài biến đổi nó thành kinh nguyện của mình. Dĩ nhiên, để được thế, kinh nguyện của ta phải luôn được làm theo ý muốn của Chúa, theo cách Chúa dạy, nhất là trong kinh Lạy Cha.

 

Cuối cùng, cầu nguyện nhân danh Ðức Giêsu là cầu nguyện với chính Ðức Giêsu, như lời Ngài nói: "Nếu anh em nhân danh Thày mà xin điều gì ." (Ga 14,14). Từ sau ngày Chúa sống lại, các tín hữu đã hướng về Ngài mà tôn vinh và cầu xin: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con" (Lời cầu của Têphanô lúc tử đạo, Cv 22,20).

 

Ðiều được các tín hữu thực hiện, thì Giáo Hội đã đưa vào trong Phụng vụ. Ðưa ngay từ đầu. Cho dù lời cầu nguyện thường hướng lên Chúa Cha, Giáo Hội vẫn có những lời cầu nguyện hướng về Chúa Kitô. Chính là rập theo Phụng vụ thiên quốc, vì trên trời Chiên Con cũng được toàn thể tạo thành chúc tụng cùng với Ðấng ngự trên ngai (Chúa Cha), như thị kiến trong sách Khải Huyền (5,13). Tuy vậy, có hướng lên Chúa Kitô là đối tượng trực tiếp đi nữa, kinh nguyện của ta vẫn là nhờ Ðức Kitô hướng tới đối tượng cuối cùng là Chúa Cha.

 

Như thế, ta thấy việc cầu nguyện nhân danh Ðức Giêsu có ý nghĩa phong phú. Nó cũng bảo đảm là lời cầu nguyện của ta được Thiên Chúa đoái nhận (Ga 14,16), với điều kiện ta phải cầu nguyện đúng như Chúa muốn nói. Nhất là phải có lòng tin sâu xa, lòng mến nhiệt thành, sẵn sàng để Thần Khí hướng dẫn ta, vì chính Thần Khí là Ðấng giúp ta biết cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,26).

 

3. "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện"

(Lc 11,1)

 

Khi xin với Ðức Giêsu như trên, chắc hẳn các môn đệ đã thấy Chúa cầu nguyện nhiều, cũng như đã được nghe Chúa dạy cầu nguyện, mà Phúc Âm ghi lại vô số khía cạnh. Cho đến lúc chịu Khổ nạn, Chúa còn lưu ý cho các ông về công việc quan trọng này (Mc 14,37). Có thể nói, sau 3 năm theo Chúa như hình với bóng, các môn đệ vẫn chỉ là những người tập sự trong việc cầu nguyện.

 

Thế còn chúng ta thì sao? Cũng vậy thôi, cho dù thời gian chúng ta đi theo Chúa lâu hơn nhiều. Một khẳng định bi quan chăng? Không đâu. Thử hỏi ai dám tự phụ mình biết cầu nguyện và cầu nguyện nên. Trước mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta luôn là những người tập sự. Rồi trong thực hành, có biết bao nhiêu trở ngại gây khó khăn cho việc cầu nguyện của ta. Thế nên phải luôn lặp lại lời của các môn đệ: Thưa Thày, xin dạy chúng con cầu nguyện.

 

Ngày xưa, để đáp lại lời xin của các môn đệ, Chúa đã dạy các ông kinh Lạy Cha, nói lên những nội dung chủ yếu của lời cầu nguyện. Ngày nay, khi xin Chúa như trên, không phải chúng ta không muốn xin được biết cầu nguyện theo lời kinh Chúa dạy (sẽ được khai triển trong một bài suy niệm riêng). Ý thức mình chỉ là những người tập sự, chúng ta muốn tiên vàn xin cho chúng ta biết đương đầu với những khó khăn của việc cầu nguyện. Qua được cửa ải này, chúng ta hy vọng mỗi ngày làm tốt hơn việc cầu nguyện của ta.

 

Không thể vạch mặt chỉ tên cho hết những khó khăn này. Vả lại còn tuỳ tâm tính và hoàn cảnh của mỗi người. Có người gặp khó khăn này. Có người gặp khó khăn kia. Tôi chỉ nêu lên một vài khó khăn chung liên hệ đến tri thức, tình cảm và ý muốn của chúng ta.

 

Có người nghĩ hễ cầu nguyện là phải có dồi dào ý tưởng, hoặc lãnh hội được dồi dào ý tưởng. Người đó giống như một người tình, nghe tình nhân thổ lộ tâm tình thì vội vàng nói: "Khoan nghe, anh, để em từ từ ghi lời anh vào sổ tay, anh nói hay quá!" Nói chuyện yêu đương mà như vậy thì hết ý! Ðến với Chúa không phải là đến với một lớp thần học, cũng không phải để làm một bài khảo luận, trình bầy mạch lạc khúc chiết, có đầu có đuôi, nhưng là để hài hoà ý muốn của ta, dự phóng của ta, với ý muốn và dự định đầy yêu thương của Chúa. Ðến với Chúa, chỉ cần là con người vất vả gồng gánh nặng nề (Mt 11,28), là con người khao khát được no thoả. Ðến với bàn tiệc, chỉ cần là những con người đói khát. Khi vất vả, khi đói khát, người cầu nguyện không muốn điều gì khác hơn là chính Chúa, chính tình yêu của Chúa. Ðơn sơ vậy thôi.

 

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không có tối thiểu một ý tưởng nào đó, kẻo rồi xác ngồi đấy mà hồn bay nhảy tận đâu đâu. Phải có ý tưởng cho tâm trí đậu lại, hoặc lôi tâm trí trở lại khi nó đi quá xa do chia trí. Ước muốn của ta, xuyên qua ý tưởng đó, là gặp gỡ Chúa, làm cho ý muốn và tình yêu của ta trở thành của Chúa. (Nhân nói về sự chia trí, rất nhiều người than phiền mình không thoát được khó khăn này. "Khi ít khi nhiều khi nào cũng có": một công thức xưng tội quen thuộc được dạy từ bé.. Chia trí thực ra là chuyện thường. Không chia trí mới là chuyện lạ. Có xua đuổi xong, nó vẫn trở lại như cũ. Ðành rằng ta phải cố gắng lôi kéo tâm trí về với công việc đang làm, với ý tưởng của ta, nhưng đàng khác, hãy đối diện với nó. Cái gì làm ta chia trí, hãy dâng nó cho Chúa trong một cử chỉ tôn kính hoặc xin tha thứ).

 

Một khó khăn khác: cầu nguyện mà chẳng cảm thấy gì, nhất là khi cầu nguyện riêng. Ngồi đó như ngồi ở một nơi trống vắng, thấy lời mình nói cơ hồ rơi vào quãng không, thấy tâm hồn không chút dao động, là điều lẽ ra phải có khi gặp người mình yêu. Thực sự, trừ khi có ơn đặc biệt, chứ bình thường ta sẽ không cảm thấy gì khi cầu nguyện. Mọi cảm xúc là từ giác quan. Nhưng cầu nguyện lại là cuộc gặp gỡ với Ðấng vô hình, không đến với ta qua sự tiếp xúc khả giác. Chúng ta không thể cầu nguyện trung thực bao lâu chỉ chờ đợi những cảm xúc do kinh nghiệm đem lại.

 

Có người than phiền cầu nguyện mà chả được gì, nhất là khi cầu xin. Cầu không được, ước không thấy. Thế nhưng, ai luôn tìm cách có được cái gì đó nơi người mình yêu, thì không phải là một người yêu, nhưng là người muốn đổi chác, theo kiểu "do ut des" (tôi cho anh để anh cho lại tôi). Kinh nguyện của ta rất thường là một hình thức đổi chác với Chúa, tức là muốn nó đem lại một kết quả cụ thể cho ta. Và vì thấy dường như chẳng được gì, nên không hứng thú, có cảm tưởng mất thời giờ, muốn làm những việc khác được coi là hữu ích hơn.

 

Phải biết rằng chủ yếu của việc cầu nguyện là cho, chứ không phải nhận, tuy ta vẫn nhận được nhiều điều từ Chúa mà lắm lúc không để ý. Thiên Chúa chúng ta không phải là một Thiên Chúa trám lỗ. Ngài không phải là "phương tiện" cuối cùng được nại đến, khi chúng ta thất bại với những phương tiện khác.

 

Cầu nguyện là hành vi nhưng-không (gratuit). Những gì có mầu sắc vụ lợi, phải gạt ra ngoài. Chính sự nhưng không vô vị lợi này của tình yêu là một trong những nét phân biệt con người với thú vật. Thú vật hết ham muốn một khi bắt được con mồi. Ngược lại, nơi con người, dù khao khát đã được thoả mãn, nhưng tình yêu không vì vậy mà chấm dứt. Nó vẫn tiếp tục hướng tới người yêu, khám phá nét đẹp của người yêu để ca ngợi. Ðối với Chúa, không phải vì cần Ngài mà ta ca ngợi Ngài, nhưng vì Ngài là Ðấng mà ta thấy đáng ca ngợi, đáng nhận những lời chúc tụng của ta.

 

Những suy nghĩ trên đây phải giúp ta loại bỏ đầu óc tính toán, so đo hơn thiệt, khi cầu nguyện. Ðây là một trong những dấu chỉ rõ nét nhất cho thấy một tâm hồn nghèo khó khác với một người giầu có. Người giầu tính toán khi nhận và cho, và sống bằng sự tính toán này. Người có tâm hồn nghèo khó thực thì không tính toán. Chính vì vậy mà một Ðavít chẳng hạn, dù đã là vua oai phong, vẫn có thể nhảy múa như trẻ con trước Hòm Bia Giao Ước (2Sm 6,16tt), một Maria đã có thể đập vỡ cả bình ngọc đựng đầy dầu thơm để xức cho Chúa (Mc 14,3-6).

 

Một vài điểm gợi ra trên đây chắc chắn không nói hết về việc cầu nguyện. Mà làm sao có thể nói hết trong phạm vi một bài suy niệm. Chỉ hy vọng chúng khơi dậy những suy nghĩ tiếp theo, để ta có thể làm tốt hoạt động cầu nguyện, là việc tối quan trọng cho đời sống thiêng liêng của mỗi người.

 

Chúng ta kết thúc bài suy niệm bằng lời cầu nguyện sau đây:

 

Lạy Chúa,

con không biết xin gì.

Chỉ mình Chúa biết rõ những nhu cầu thật sự của con.

Chúa yêu con hơn chính con yêu con.

Xin cho con thấy những gì cần cho con mà con không thấy.

Con không dám xin Chúa ban thập giá hay sự an ủi

mà chỉ chờ đợi một mình Chúa.

Tâm hồn con mở rộng đón Chúa.

Xin đến với con và lấy lòng thương xót giúp đỡ con.

Xin âm thầm ca ngợi thánh ý và đường lối khôn dò của Chúa.

Con hiến mình con làm lễ dâng cho Chúa.

Con hết lòng tin tưởng vào Chúa.

Con không muốn gì hơn là thực hiện ý Chúa.

Xin dạy con cầu nguyện và cầu nguyện trong con. AMEN

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà