KẾT HỢP VỚI ÐỨC KITÔ

 

 

XIII. KẾT HỢP VỚI ÐỨC KITÔ

 

Môn đệ là người đi tìm Thày. Gặp và nhận biết Thày rồi thi theo Thày, yêu mến, học tập, trò chuyện, phục vụ, trung thành với Thày. Về phía Thày thì nhận môn đệ, cho đi theo, yêu thương và giáo huấn. Giữa con người, tương quan thày trò là như vậy, hoặc ít ra đó là lý tưởng mà cả thày lẫn trò đều muốn. Nó đã từng được thể hiện trong các môn phái triết học. Nó đã và còn đang được thể hiện trong các môn phái tôn giáo.

 

Người môn đệ của Chúa không chỉ có những thái độ và hành vi trên đây đối với Chúa, mà còn có cái gì khác hơn. Ði sau Chúa, ở bên Chúa, đối diện với Chúa, chưa đủ. Thậm chí có sống thân mật như kiểu thày trò ăn chung ở chạ như ngày trườc, cũng chưa đủ. Giữa ta và Chúa còn phải có sự cư ngụ nội tại hỗ tương (immanence réciproque, Schnackenburg). Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Một sự kết hợp mật thiết không thấy có trong bất cứ tương quan nào giữa con người với nhau. Chúng ta thử xem sự kết hợp này như thế nào, cùng với những thái độ cần có nơi chúng ta.

 

1. "Hãy ở lại trong Thày" (Ga 15,4)

 

* Ở lại hay lưu lại là một kiểu nói đặc trưng của thánh sử Gioan, được tác giả sử dụng tới 41 lần trong sách Phúc Âm và 24 lần trong thư I. Nó diễn tả một trong những hành vi cơ bản của người môn đệ đáp lại sáng kiến mời gọi đầy yêu thương của Chúa. Người môn đệ không những phải thấy, biết, đón nhận, nghe, tin, yêu . mà còn phải lưu lại trong Thày.

 

Như đã thấy trong trình thuật của Phúc Âm Gioan về việc Ðức Giêsu kêu gọi hai môn đệ đầu tiên, các ông đã đi theo Chúa và đã ở lại với Ngài ngày hôm đó. Việc ở lại này quan trọng và có ý nghĩa biểu trưng ra sao, chúng ta đã có dịp nói qua. Ðây cũng là việc mà mọi môn đệ của Chúa phải làm: khám phá nơi Chúa ở và lưu lại với Ngài.

 

Khi rao giảng cho người Do Thái và thấy một số người đã bắt đầu tin, Chúa nói với họ: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi" (Ga 8,31). Môn đệ là người luôn phải trung thành với thày. Một trong những cách chứng tỏ sự trung thành này là vâng nghe và gắn bó với lời thày dạy, tức ở lại trong lời thày. Vậy lời Chúa phải thấm sâu vào con người của ta. Không những nó vang lên trong đó, mà còn phải được thực sự đón nhận, tiêu hoá, trở thành nguyên tắc chi phối tất cả mọi tư tưởng, tình cảm, lời nói và hành động của ta. Lời Chúa phải là nguyên tắc sống.

 

Ở lại với Chúa, ở lại trong lời Chúa, ở lại trong tình yêu (Ga 15,9-10), ở lại trong ánh sáng (1Ga 2,10), ở lại trong sự thật., tất cả đều quy về thực tại cơ bản này là ở lại trong Chúa, kết hợp và hiệp thông sâu xa với Ngài. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ về việc ở lại này trong hai diễn từ khác nhau của Chúa, một về cây nho thật xen giữa diễn từ giã biệt sau bữa Tiệc Ly, một về Bánh hằng sống.

 

* Khởi đầu diễn từ về cây nho (Ga 15,1tt), Ðức Giêsu xưng mình là cây nho thật. Chúa Cha là người trồng. Các môn đệ là nhánh. Nhánh phải dính vào thân cây để có thể sống, tăng trưởng và sinh hoa trái. Chính việc gắn bó tháp nhập này được Chúa chỉ định bằng kiểu nói "ở lại". Ngài bảo các môn đệ: "Hãy ở lại trong Thày". Ở lại trong Chúa, vì Ngài là cây nho thật.

 

Thật, vì có giả. Cây giả ở đâu và thời nào khiến Chúa phải xưng mình là cây nho thật để đối lại? Chính là Israel. Các ngôn sứ thường ví Israel là cây nho hay vườn nho của Thiên Chúa, được Ngài chọn lọc và chăm sóc tận tình. Nào ngờ, thay vì cho quả ngọt, vườn nho này lại cho nghững trái chua. Là vì Israel đã thường xuyên bất trung với Giao Ước, xé rào đi đến với các tà thần dân ngoại. Thiên Chúa đã xử phạt, để vườn nho bị dày xéo. Nhưng, như TV 80 nói, Thiên Chúa hứa sẽ trồng lại.

 

Nay Ðức Giêsu tuyên bố mình là cây nho thật. Lời này quả sâu xa và thấm thía đối với những ai hiểu biết Kinh Thánh. Họ biết lời Thiên Chúa hứa đã được thực hiện. Thay cho vườn nho cũ là Israel, giờ đây Thiên Chúa đã trồng cây nho mới là Ðức Kitô. Tất cả vườn nho thu lại trong một cây nho. Vườn nho cũ bất trung, bất tuân, thì cây nho mới trung thành và vâng phục. Vườn nho cũ cho trái xấu thì cây nho mới sinh trái tốt. Vườn nho cũ dẫn tới sự chết thì cây nho mới đem lại sự sống. Qua cây nho thật này, từ đây, tình yêu của Thiên Chúa, sự sống của Thiên Chúa, đổ tràn xuống trên con người.

 

(Hiểu như vậy thì từ "thật" của tác giả Gioan thường ra không chỉ có ý nghĩa là phù hợp với một mẫu mực nào đó, như khi ta nói vải thật, hàng thật. Nó còn diễn tả một điều vượt lên trên thực tại trần thế, diễn tả chân lý của Thiên Chúa, mà tạo vật chỉ là hình ảnh mô phỏng. Khi Chúa nói: "Thịt tôi là của ăn thật" (Ga 6,55), thì Ngài muốn ta hiểu rằng đó không phải là lương thực trần gian, dù là lương thực lạ lùng như manna, nhưng là lương thực ban sự sống thật là sự sống đời đời. Hoặc khi Chúa nói: "Thày là cây nho thật", thì phải hiểu đó không phải là cây nho vật chất và cụ thể, nhưng là nguyên lý cao cả của sự sống thần linh được thông ban cho các tín hữu).

 

Nếu Ðức Giêsu là cây nho thật, đem lại sự sống, thì ai muốn được sống, phải là nhánh ghép vào thân cây, phải gắn bó vững bền với Chúa. Ơn cứu độ của Chúa như nhựa luyện từ thân cây sẽ lưu chuyển đến tận các nhánh, làm cho chúng được sống, xanh tốt và sinh hoa kết quả. Chủ yếu là mối liên hệ gắn bó mật thiết của nhánh với thân cây, của ta với Ðức Giêsu (Những chữ "trong Thày" được nhấn mạnh tới 5 lần trong bản văn). Ðó là mối liên hệ sinh tử, mang tính quyết định. Nó đưa đến hệ quả trực tiếp là làm cho ta sinh nhiều hoa trái.

 

Ở lại trong cây nho thật là Ðức Giêsu cũng chính là ở lại trong Chúa Cha, vì Chúa Cha là người trồng và chăm sóc cây nho, vì Chúa Cha kết hợp với Chúa Giêsu trong tình yêu, vì Chúa Cha với Chúa Giêsu là một.

 

Ở lại trong Chúa là thái độ phải có của ta. Nhưng liên hệ giữa ta với Chúa không chỉ theo một chiều. Chính Chúa cũng ở lại trong chúng ta, như hai lần Ngài quả quyết: "Thày ở lại trong anh em" (Ga 15,4-5). Quả quyết này thật quan trọng. Nó xác định mối liên hệ hỗ tương giữa thân cây và các nhánh, giữa Ðức Kitô và chúng ta. Chúa ở lại trong ta không đơn thuần như nhựa cây lưu chuyển trong các nhánh, không chỉ qua các hồng ân cứu độ hằng được Ngài trao ban, nhưng Ngài thực sự hiện diện trong chúng ta.

 

Chính việc Chúa ở lại trong ta giúp ta có thể là người môn đệ, và làm những công việc của một môn đệ, vì ngoài Chúa ra ta không thể làm được gì (Ga 15,15). Chính việc Chúa ở lại trong ta khiến ta xin gì được nấy. Chính nhờ việc ở lại này mà ta có thể sinh hoa trái dồi dào và làm cho Chúa Cha được hiển vinh. Ngoài ra, nó còn tạo nên sự hiệp nhất của hết thảy chúng ta.

 

Những viễn tượng trên đây diễn tả và chi phối tất cả một đời sống thiêng liêng. Ðiều kiện của đời sống này là ta ở trong Chúa. Thực hiện đời sống này là Chúa ở trong ta.

Sự kết hợp sâu xa giữa ta và Chúa, qua kiểu nói "ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta", cũng được Chúa tuyên bố trước đó trong một bối cảnh khác. Ðó là lúc Chúa giảng về Bánh ban sự sống, giảng cho nhiều người nghe là đám đông dân Do Thái (Ga 6,22tt). Chúa nói thế này: "Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy". Yếu tố kết hợp ở đây, có thể nói, là một thực tại cao hơn, cụ thể hơn, so với hình ảnh thân nho và các nhánh. Thực tại này là một bí tích do chính Chúa sẽ lập trong bữa Tiệc Ly. Ðó là bí tích Thánh Thể, mà người môn đệ lãnh nhận trong đức tin, và lãnh nhận như một lương thực nuôi sống. Cũng như khi ở lại trong lời chúa, chúng ta dần dần đi sâu vào chân lý, để có thể thực sự sống trong tự do, như những con cái Thiên Chúa (Ga 8,32-36), cũng vậy, nhờ Thịt Chúa mà ta ăn, nhờ Máu Chúa mà ta uống, ta có thể thâm nhập vào chính Sự Sống để được sống đời đời. Ta sống nhờ Chúa Kitô Thánh Thể như Chúa Kitô sống nhờ Chúa Cha là Ðấng hằng sống.

 

2. "Ai ăn thịt và uống máu tôi" (Ga 6,54)

 

Ăn thịt và uống máu Chúa thì ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta. Ăn thịt và uống máu Chúa thì có sự sống đời đời. Như thế, ở lại trong Chúa cũng chính là được sống đời đời. Kết quả này có được là do ăn uống Thành Thể. Vậy rước lễ là điều kiện để ở lại trong Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa và là điều kiện sống. Ngược lại là chết, như lời Chúa long trọng khẳng định: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình". Do đó, Thánh Thể không phải là chuyện bày vẽ để tuỳ nghi sử dụng, thích thì đến, không thích thì thôi, nhưng thực sự cần thiết cho con người. Thử suy nghĩ một chút về điều kiện này.

 

* Muốn sống, phải ăn phải uống. Ðó là chuyện đương nhiên. Ðiều xẩy ra cho đời sống thân xác thế nào, cũng xẩy ra cho đời sống thiêng liêng như vậy. Tuy nhiên, so với của ăn phần xác, của ăn phần hồn là Thánh Thể cao quý gấp bội. Thánh Thể chính là sự sống của Thiên Chúa, mang lại cho ta sự sống đời đời.

 

Sự sống này tiên vàn được ban cho Ðức Giêsu. Ðức Giêsu lãnh nhận nó cho đời sống nhân loại của Ngài kể từ lúc nhập thể. Ðến lượt ta, ta lãnh nhận sự sống ấy nơi Ðức Giêsu, đặc biệt qua việc ta rước lễ. Chúa nói rõ: "Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy" (Ga 6,57). Lời trên đây đối chiếu hai cách chuyển đạt sự sống của Thiên Chúa, một cho Ðức Giêsu và một cho ta. Lời trên đây cũng đối chiếu tương quan của Chúa Cha với Ðức Giêsu và tương quan của Ðức Giêsu với ta. Chỉ mình lời đó đủ cho thấy việc rước lễ thật cao cả, thật nhiệm mầu.

 

Sự sống ta lãnh nhận trong Thánh Thể là sự sống phát xuất từ Chúa Cha. Từ đời đời, Chúa Cha đã sinh Chúa Con và chuyển thông sự sống này cho Chúa Con. Rồi khi Chúa Con nhập thể, Chúa Cha đã mở rộng sự sống này cho nhân tính của Chúa Con. Như vậy, nơi Thiên Chúa, sự sinh con trong thời gian nối dài sự sinh con tự đời đời. Chúa Cha còn mở rộng hơn sự sinh con này, khi chuyển thông cho ta sự sống của Ngài qua Thánh Thể. Mỗi lần ta rước lễ là mỗi lần như làm cho Chúa Cha trở thành Cha hơn, và làm cho chúng ta trở thành con cái hơn, vì ta được đồng hoá với sự sống của người Con Một là Ðức Kitô.

 

Quả thực, rước lễ là được đồng hoá với Ðức Kitô. Nhưng phải hiểu ý nghĩa này cho đúng. Khi ta dùng lương thực tự nhiên, lương thực này được tiêu hoá, biến đổi thành chất dinh dưỡng, thành năng lượng phục vụ cho đời sống tự nhiên của ta. Của ăn thức uống nuốt vào trong dạ là để trở nên chính ta.

 

Ðối với lương thực thiêng liêng là Thánh Thể thì ngược lại. Thánh Thể không bị người sử dụng tiêu hoá, nhưng tiêu hoá chính người sử dụng. Các Giáo Phụ đã diễn giải điều đó như sau: Nguyên lý sống nào mạnh hơn, thì làm biến đổi nơi mình nguyên lý sống nào yếu hơn: thực vật tiêu hoá khoáng vật, động vật tiêu hoá thực vật, thiêng liêng tiêu hoá vật chất. Ở đây, bánh thần thiêng có ưu thế hơn vật chất là chính người sử dụng nó, cho nên tiêu hoá người sử dụng nó. Do đó, trong việc rước lễ, không phải ta làm biến đổi Ðức Kitô nơi ta, nhưng chính Ðức Kitô làm biến đổi ta trong Ngài. Ta dần dần trở nên cái mà ta ăn. Ta không chiếm hữu Thiên Chúa, nhưng để chính Ngài chiếm hữu ta. Bởi vậy, một Augustinô chẳng hạn, đã sớm nghĩ đến điều ấy và đã đặt vào miệng Chúa lời sau đây: "Không phải Ta biến đổi Ta trong ngươi, như là đồ dinh dưỡng thân xác ngươi, nhưng ngươi sẽ được biến đổi trong Ta" (Confessions I,7,10).

 

Chính nhờ rước lễ, ta có khả năng thực hiện điều Phaolô viết: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Thực tế, ta vẫn sống đời sống của ta, nhưng trước mặt Thiên Chúa, trong đức tin, ta biết Ðức Kitô đã nên như chủ thể của đời sống ấy. Càng năng rước lễ, Ðức Kitô càng làm chủ tâm hồn ta, càng làm phát triển sự sống của Ngài nơi ta, càng chia sẻ cho ta những tư tưởng, tình cảm, ước muốn và hoạt động của Ngài. Ðời sống của ta, ngày qua ngày, sẽ trở thành đời sống của chính Ðức Kitô.

 

* Kết hợp với Thánh Thể là kết hợp với sự sống của Thiên Chúa. Kết hợp với Thánh Thể cũng là kết hợp với tình yêu, vì Thánh Thể là hiện thân của tình yêu. Khi rước lễ, ta được Chúa chia sẻ tình yêu của Ngài.

 

Chúa nói: "Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy". Ðức Giêsu sống nhờ Cha, không chỉ do nhận được sự sống từ Cha, mà con là sống vì Cha, sống cho Cha. Cha là lý do, là động lực, là mục tiêu của cuộc đời trần gian của Ngài. Ðến nỗi, cả cuộc đời này chỉ là những chuỗi ngày bày tỏ liên tục tình yêu đối với Cha, bằng sự vâng phục và tự hiến.

 

Nếu người rước lễ là chúng ta phải sống nhờ Ðức Kitô và vì Ðức Kitô, như Ðức Kitô đối với Chúa Cha, thì ta cũng phải có Ðức Kitô như là lý do, là động lực, là mục tiêu của cuộc đời ta. Phải dâng cho Ngài tất cả tình yêu của mình. Phải hoà trộn tình yêu của mình trong tình yêu của Ngài.

 

Khi ta rước lễ, Chúa mời gọi ta tới một tình yêu hoàn hảo hơn. Tình yêu này, Ngài đã thực hiện cho ta trong phép Rửa Tội. Bí tích này giúp cho tâm hồn lần đầu tiên thực sự gặp được Ðức Kitô. Bằng ân sủng, Chúa đến chiếm hữu ta, ban cho ta sự sống của Thiên Chúa. Rước lễ là lặp lại cuộc gặp gỡ này, nhưng là cuộc gặp gỡ có tính cách cá nhân hơn, ý thức hơn: cuộc gặp gỡ của hai ngôi vị. Ðiều mà phép Rửa Tội không cho ta có được, thì việc rước lễ lại cống hiến cho ta. Ðiều gì vậy? Ðó là đích thân Chúa hiện diện, một sự hiện diện ngay cả bằng xác thể. Trong phép Rửa Tội, ân sủng của Ðức Kitô chạm đến ta. Còn trong việc rước lễ, ta lãnh nhận con người Ðức Kitô. Chính sự hiện diện đặc biệt này giúp cho tình yêu của ta hội nhập vào tình yêu của Chúa.

 

Thế, hoà trộn tình yêu có giống với tiêu hoá sự sống nói ở trên chăng? Không đâu. Phải phân biệt hai hiệu quả này. Tiêu hoá sự sống thì đời sống của ta ngày một biến đổi để trở thành đời sống của Chúa. Ngược lại, hoà trộn tình yêu lại không làm mất đi ngôi vị của ta. Không thể có tình yêu nếu không có chủ thể để yêu và đối tượng được yêu. Cho dù ta với Chúa có kết hợp với nhau mật thiết, vẫn còn hai ngôi vị tách biệt. Tuy nhiên, do sự kết hợp này, Chúa lôi kéo tình yêu của ta hướng về ngôi vị của Ngài.

 

* Ngoài việc đưa ta đến kết hợp mật thiết với Chúa, rước lễ còn giúp ta kết hợp sâu xa hơn với Nhiệm Thể, với Giáo Hội, vì Ðức Kitô cùng với Giáo Hội làm nên một Thân Thể mà Ngài là Ðầu. Ta tháp nhập hơn vào cộng đồng, liên đới hơn với các anh chị em.

 

Ðây là nói về việc rước lễ trong Thánh Lễ. Chính Thánh Lễ đã là một bữa tiệc cộng đồng. Cùng nhau tham dự một bữa ăn chẳng hạn, mọi người đều phải có một tình huynh đệ liên đới nào đó, một mối thiện cảm nào đó, một sự hiệp thông nào đó với nhau. (Trong bữa ăn gia đình, có những cha mẹ, vì không đào đâu ra thì giờ để gặp gỡ con cái trong ngày, nên lợi dụng bữa ăn để khiển trách chúng về lỗi này lỗi nọ. Ðâu phải lúc! Họ vô tình làm mất đi những tính cách trên. Dân gian có câu: "Trời đánh còn tránh bữa ăn". Trời tránh, nhưng lắm cha mẹ không biết tránh. Làm cho con cái chịu không nổi phải bỏ đũa đứng lên, thì còn đâu là ý nghĩa của bữa ăn chung. Những cha mẹ đó không biết tới lời của sách Châm Ngôn: "Thà bữa rau bữa cháo mà yêu thương nhau còn hơn mâm cao cỗ đầy mà bất hoà bất thuận. Thà ăn mẩu bánh khô mà được êm ấm còn hơn yến tiệc mà nhà cửa bất hoà" (Cn 15,17; 17,1).

 

Những tính cách hiệp thông, thiện cảm, bình đẳng . càng phải có trong bữa tiệc Thánh Thể, để bữa tiệc này thực sự nói lên giá trị cộng đồng của nó. Ðức Kitô đến trong Thánh Thể, ban mình cho mọi người không phải với tư cách từng cá nhân riêng rẽ, nhưng là những phần tử của một cộng đồng. Cộng đồng tham dự Thánh Thể còn biểu thị cho cộng đồng lớn lao hơn, là Giáo Hội.

 

Việc tham dự Thánh Thể còn cho thấy sự hiệp nhất của chúng ta quy tụ quanh bàn tiệc. Việc rước lễ càng cho thấy sự hiệp nhất đó, vì tất cả chúng ta cùng ăn một của ăn duy nhất. "Vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1Cr 10,17).

 

Trong một bữa ăn thông thường, các của ăn được chia giống nhau cho mọi người. Ai nấy đều có phần trong các của ăn đó. Trong tiệc Thánh Thể, chỉ có một của ăn duy nhất là Ðức Kitô ban mình cho các người chịu lễ. Mọi người lãnh nhận cùng một của ăn ấy, thậm chí của ăn còn giống nhau về hình dạng bên ngoài, là một mẩu bánh thánh "hình tròn, sắc trắng, mùi ngon". Chính một của ăn duy nhất tạo nên sự hiệp nhất nơi các người ăn.

 

Như vậy, việc rước lễ không ngừng làm tăng trưởng Giáo Hội, vì đưa vào tâm hồn các tín hữu Ðấng là nền tảng đời sống của họ. Ở bàn tiệc thánh, nhất là nhờ việc rước lễ, Giáo Hội mỗi ngày tìm lại được nguyên lý sống động chi phối sự hiệp nhất của mình.

 

Khi nói về sự kết hợp vợ chồng, Phaolô đã đưa ra khuôn mẫu là sự kết hợp giữa Ðức Kitô và Giáo Hội. Phaolô bảo rằng Ðức Kitô đã phó nộp mình để tắm rửa Giáo Hội bằng nước và lời, làm cho Giáo Hội được thánh thiện và vô tì tích (Ep 5,25-27). Chúng ta có thể nối dài tư tưởng trên đây như sau: Ðức Kitô còn phó nộp mình làm lương thực cho Giáo Hội, để giúp Giáo Hội sốt mến hơn trong tình yêu, vững chắc hơn trong sự hiệp nhất.

* Việc ăn uống Mình Máu Chúa, với những giá trị và tầm quan trọng của nó trong đời sống kitô giáo, của từng người cũng như của cả cộng động, thật đáng cho chúng ta quan tâm suy nghĩ. Nhất nữa, đây lại là việc chúng ta thực hành hằng ngày hay thường xuyên. Không quan tâm, ăn riết dám nhàm chán lắm đa!

 

Người ta có thể ăn vì nhu cầu. Người ta cũng có thể ăn vì khoái. Một con mực khô, nướng lên, xé từng sợi, nhấm nháp, hẳn không làm cho dạ dầy no thêm chút nào, nhưng quả là khoái cái miệng. Một tách cà phê Buôn Ma Thuột, nhâm nhi lúc tinh mơ hay lúc nhàn tản, có mấy hương vị nào khác bì kịp? Uống xong, chép miệng còn thấy dư hương đọng trên đầu lưỡi!

 

Ðối với của ăn là Thánh Thể, trước hết phải cảm thấy nhu cầu thực sự. Việc rước lễ hằng ngày chưa chắc đã biểu lộ nhu cầu ấy. Có thể rước lễ vì thói quen. Có thể rước lễ vì bổn phận, như trường hợp chủ tế. Có thể rước lễ vì thấy chung quanh người nào cũng lên cả, mình không lên e có kẻ nghĩ xấu: hẳn tên này mới phạm tội gì trọng đây.

 

(Như chúng ta đều biết: để có thể rước lễ, cần phải sạch tội trọng và có ý ngay. Người mắc tội trọng mà ăn của ăn thánh tức là xúc phạm đến Mình Máu Chúa, chuốc lấy án phạt cho mình, như lời Phaolô cảnh cáo (1Cr 11,27-29). Thay vì làm ta kết hợp với Chúa, lại làm ta xa cách Chúa. Trong Giáo Hội sơ khai, lúc sắp sửa nghi thức hiệp lễ, thày Phó Tế tuyên bố trước cộng đoàn: "Ai thánh thiện, hãy tiến lên. Ai không thánh thiện, hãy thống hối" (Didachè 10). Nay mà nói như vậy, khối người không dám rước lễ. Còn lên rước lễ chỉ vì người khác, cũng là không có ý ngay).

 

Chúng ta chỉ cảm thấy nhu cầu khi thâm tín rằng Thánh Thể là sự cần thiết sinh tử cho đời sống thiêng liêng, ít nhất để đời sống này có thể tăng trưởng. Tuy nhiên, ăn vì nhu cầu thôi chưa đủ, bởi lắm lúc không cảm thấy nhu cầu này, hoặc không thấy rõ nét. Thật khác với nhu cầu của thân xác, không ăn thì bụng sẽ đói meo, cồn cào, biết ngay.. Hơn nữa, ăn uống vì nhu cầu đôi khi làm cho ta có cảm tưởng bị bó buộc. Ai vì bệnh nọ tật kia phải ăn uống theo chế độ riêng, không thấy khó chịu đó sao?

 

Người dùng lương thực thánh còn phải biết vượt lên trên mức nhu cầu, nghĩa là phải thấy khoái với lương thực này nữa. Dĩ nhiên, về hương vị mà giác quan cảm thấy, Thánh Thể quả không sánh được với các thứ cao lương mỹ vị do con người chế tác. Thánh Thể không làm ta khoái trên chót lưỡi đầu môi, trong từng sợi gân thớ thịt. Vậy phải tập cảm nếm hương vị của Thánh Thể tận trong tâm hồn. Ðó là hương vị của việc chiếm hữu Thiên Chúa, hương vị của tình yêu.

 

Chính hương vị này làm cho những ai rước lễ cảm thấy vừa còn đói, vừa không còn đói. Sách Huấn Ca viết: "Ai ăn Ta sẽ còn đói" (24,21). Ðói, vì không bao giờ thấy chán ngán. Có được Chúa thì ngọt ngào hơn cả tầng mật ong (Hc 24,20). Ăn một lại muốn ăn hai. Ăn ngày trước ngày sau còn thèm. Nhưng Ðức Giêsu lại nói: "Ai đến với tôi, không hề phải đói" (Ga 6,35). Không còn đói, vì được Chúa là được no thoả vui khoái sâu xa, khiến không còn khao khát điều gì khác trên đời nữa.

 

Thánh nữ Catarina Siêna dâng lời cầu nguyện lên Ba Ngôi như sau: "Một cách nào đó Chúa làm no thoả tâm hồn, nhưng lại để nó đói khát thêm, bởi vì trong sự thâm sâu của Chúa, Chúa làm no thoả tâm hồn theo cách lại để nó còn đói khát, muốn ao ước được thấy Chúa là Ánh sáng trong chính ánh sáng của Chúa". Ðem những lời trên mà áp dụng vào Thánh Thể thì cũng đúng thôi.

 

Có một Thánh Vịnh, tuy chủ yếu nói lên tâm tình khao khát Thiên Chúa, nhưng cũng có một vài ý đáp ứng với đề tài của chúng ta về việc kết hợp với Ðức Kitô. Ðó là TV 62/63.

 

Sau khi đã mòn mỏi đợi trông tìm kiếm Chúa, người cầu nguyện cảm thấy "lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc". Vì sao? Vì được "ngắm nhìn Chúa trong nơi thánh điện", và tán dương cầu khẩn Ngài. Ðó cũng là trường hợp của chúng ta.

 

Thế nhưng, hơn tác giả Thánh Vịnh ngày trước, sau khi tìm gặp Chúa "ngay từ rạng đông" mỗi ngày, chúng ta được thoả thuê không phải "như" khách dự tiệc mà thôi, nhưng là sự thoả thuê của những người được dự tiệc thực sự. Ðó là tiệc Thánh Thể mà Chúa cho ta chia sẻ. Ở đó, Ngài bảo ta: "Hãy cầm lấy mà ăn". Ðó là bánh thánh. Ðó là Mình Thánh. Ăn bánh này, ta hoàn toàn mãn nguyện, vì đó là bánh thật nuôi dưỡng ta, đem lại cho ta sự sống đời đời. Từ đó, tâm trí ta luôn "tưởng nhớ Chúa" cả "trên giường ngủ", môi miệng ta "suốt năm canh thầm thĩ với Ngài", cuộc đời ta tìm "nương bóng Ngài", "trót cả tâm tình" ta "cùng Ngài gắn bó". Như thế là ta muốn kết hợp mật thiết với Chúa từng giây từng phút trong suốt cuộc đời ta.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà