LÀM CHỨNG VỀ ÐỨC KITÔ

 

 

XIV. LÀM CHỨNG VỀ ÐỨC KITÔ

 

Người môn đệ biết Ðức Kitô, đi theo Ngài, học tập với Ngài, tin yêu Ngài, không thể không làm chứng về Ngài cho người khác.

 

Chứng từ là thứ ngôn ngữ hay được nhắc tới hôm nay, đặc biệt là chứng từ đời sống. Nó không phải là kiểu nói thời thượng, nhưng thực sự là một yêu cầu không thể thay thế. Nó là hình thức đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng. Quả thực, "con người ngày nay tin vào các chứng nhân hơn là các thày dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là giáo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết" (ÐGH Gioan Phaolô II, TÐ Sứ vụ Ðấng Cứu Thế, số 42).

 

Tuy chứng từ đời sống được nhấn mạnh, nhưng chúng ta cũng không bỏ qua những hình thức làm chứng khác về Chúa. Rập theo đối tượng lời rao giảng đầu tiên của các Tông Ðồ, chúng ta suy niệm về chứng từ của ta xoay quanh mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Kitô, vì đây là trọng tâm của kitô giáo cũng như của đời sống chúng ta.

 

1. "Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ" (Ga 20,17)

 

* Tảng sáng ngày Phục Sinh, khi hiện ra với Maria Mađalêna, Chúa đã truyền cho cô đi báo cho các môn đồ biết Ngài đã sống lại. Ngày hôm nay, Chúa cũng truyền cho mỗi người chúng ta làm chứng cho các anh chị em Tin Mừng Chúa đã sống lại.

 

Nhưng sao lại là Maria Mađalêna? Sao lại qua trung gian của cô? Bộ các Tông Ðồ không đáng để Chúa nói trực tiếp hay sao? Người ta có thể nghĩ rằng đó là vì Maria đã tìm đến Chúa trước. Có thể là như vậy. Ðể hiểu hơn, chúng ta hãy trở lại với câu truyện.

 

Câu truyện chứa đựng nhiều ám chỉ và biểu tượng. Chúng ta biết: sáng ngày thứ nhất trong tuần, lúc tờ mờ đất, M.M đã đi đến mộ và thấy mộ trống (Ga 20,1). Không phải chỉ có mình cô. Khi trở lại gặp Phêrô và Gioan, cô đã nói cho các ông là: "Chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu". "Chúng tôi", có nghĩa là cô đã đi chung với người khác nữa. Quả thực, Phúc Âm Nhất Lãm rõ ràng cho biết có những phụ nữ khác. Tuy vậy, tên của M.M vẫn được các tác giả này ưu tiên ghi nhận (Mt 25,1; Mc 16,1.9; Lc 24,10). Do đó, chắc chắn M.M có vai trò đặc biệt hơn các phụ nữ khác. Cụ thể là chính cô đã đi báo tin cho các môn đệ Chúa về ngôi mộ trống. Ðặc biệt hơn, cô là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra với mình. Ðó là sự ưu ái Chúa dành cho một nữ môn đệ.

 

(Nhiều phụ nữ có mặc cảm tự ti so với nam giới. Nhất là trong hoàn cảnh long đong, họ còn nghĩ mình giống như lời cô Kiều than khóc: "Ðau đớn thay phận đàn bà!". Ðó là phận của nàng ca kỹ Ðạm Tiên thôi. Ngày nay, người ta thích nói ngược lại: "Sung sướng thay phận đàn bà, Ði đâu cũng được người ta nuông chiều").

Theo trình thuật của Gioan, khi Phêrô và Gioan vào trong mộ và thấy mộ trống, mỗi người tìm ra những kết luận cho mình rồi trở về. Riêng M.M hành động cách khác. Vốn không giống đàn ông ở nhiều mặt, người phụ nữ có tên là M.M cũng có một các xử sự khác trong tình huống này. Cô không vào trong mộ, cũng không bỏ đi, nhưng đứng lại ở ngoài. Phụ nữ thường tò mò hơn cánh đàn ông mà lại đứng ở ngoài là cả một sự lạ. Có thể vì trước đó cô đã thấy mộ trống rồi. Nhưng có lẽ đúng hơn, như chính tác giả Gioan ghi nhận, qua cách dùng thì vị quá khứ ở động từ "đứng", cô đứng lâu ở ngoài chính là để bộc lộ những cảm xúc mạnh mẽ của mình. Nói rõ hơn là để khóc. Chắc là khóc không ít. Câu truyện vắn tắt thôi mà 4 lần nói đến những giọt nước mắt của M.M.

 

Phúc Âm nhiều lần cho biết người này người kia khóc. Bà goá ở Naim khóc con trai chết. Chúa khóc thương thành Giêrusalem. Maria người Bêtania khóc trên mộ Lazarô làm cho Chúa phải mủi lòng và rơi lệ. Phêrô khóc lóc sau khi chối Thầy. Tiếng khóc giãi bầy nhiều tậm sự mà lắm khi lời nói không diễn tả hết hay không tác động đủ. Những giọt nước mắt chảy ra từ tượng Ðức Mẹ, một hiện tượng còn thấy ngay cả bây giờ, có thể hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn cả những lời Ðức Mẹ nói trắng ra ở Fatima chẳng hạn.

 

Hôm nay, M.M cũng đã khóc cho vơi nỗi sầu. Nỗi sầu nào? Một phần như cô nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu". Nhưng còn hơn thế nữa. Cô đã có một mối liên hệ mật thiết với Chúa, ý thức thâm sâu về mối liên hệ này. Bởi cô đã được Chúa trừ khỏi 7 quỷ (Mc 16,9; Lc 8,2). Khiếp! Một quỷ đã khốn đốn, huống hồ 7 quỷ thì sức ám hại không biết đâu mà lường. Nhưng cô đã được Chúa thương giải thoát. Rồi cô đã luôn ở bên Chúa trong cuộc hành trình cuối cùng của Ngài lên Giêrusalem. Việc Chúa phải chết, chắc chắn đã làm cho cô đau lòng, thấy cuộc đời mình như hụt hẫng. Cô đã đứng dưới chân Thập giá (Ga 19,25), đã theo đến tận huyệt mộ và nhìn kỹ chỗ đặt Chúa (Mc 15,42). Thế mà, ngay cả xác Chúa, dấu tích còn lại của tình yêu, giờ đây cũng bị lấy mất. Không buồn sao được? Không khóc sao được?

 

Tuy khóc đấy, nhưng không tuyệt vọng. Nếu tuyệt vọng, tiếng khóc có thể đưa đến những hành vi chống lại mình (vd: tự tử), hoặc chống lại người khác (vd: nổi khùng làm bậy). Ðàng này, M.M còn nhìn vào trong mộ. Từ trong bóng tối vẫn có thể bùng lên ánh sáng. Trong thất vọng, vẫn có thể loé lên tia hy vọng. Thì điều đó đã xẩy đến cho cô. Có lần Chúa nói: "Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" (Mt 5,5). Lời Chúa quả được thực hiện lúc này. M.M đã ưu phiền, nhưng giờ đây được an ủi, vì cô lại được thấy Chúa.

 

Chúng ta cũng biết: lúc đầu M.M đã không nhận ra Thầy, dù đó là người cô đang thiết tha tìm kiếm. Cho hay, để nhận ra Ðấng Phục Sinh, một Ðức Giêsu đổi mới, ngưới ta không thể nhìn bằng cặp mắt cũ, theo não trạng cũ, với cách thức cũ.

 

Ðể giúp cho M.M nhận ra mình, Chúa không cần dẫn giải dài dòng như với 2 môn đệ Emmau, mà chỉ gọi tên cô. Trong những trường hợp khác, gọi tên ai là chuyện bình thường, chẳng nói lên điều gì đặc biệt. Nhưng lúc này, trong hoàn cảnh này, với giọng nói này, chính việc gọi tên Maria là cách mạc khải thân mật nhất, không chỉ liên hệ đến việc Ngài sống lại, mà còn gợi lên mối tương giao thân tình của Ngài với Maria. Nhiều lần trong đời, chắc hẳn Chúa cũng gọi tên ta, gọi đích danh, trong tận đáy tâm hồn ta, để nhắc cho ta rằng Ngài đang sống gần ta, ở trong ta, và yêu thương ta vô cùng. Chúng ta có biết thế không?

 

Những diễn biến trên đây có thể giúp chúng ta hiểu hơn sứ mạng Chúa trao cho M.M: "Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy và cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em". Chúng ta biết trước đó M.M đã phủ phục dưới chân Chúa, muốn ôm hôn chân Ngài như ngày trước. Nhưng Chúa Phục Sinh đã nói: "Ðừng giữ Thầy lại.". Không thể giữ Chúa cho riêng mình mà thôi, còn phải loan báo Ngài cho người khác.

 

Theo Matthêu, chính thiên sứ bảo các phụ nữ mau đi nói cho các mộn đồ là Chúa đã sống lại từ cõi chết (Mt 28,7). Chúa đã sống lại: đó là điều chủ yếu phải cho các môn đệ biết trước tiên. M.M đã làm như vậy. Cho nên, vừa gặp mặt các ông, cô đã nói ngay: "Tôi đã thấy Chúa". Chúa đây là Ðấng mà các ông đã theo, đã thụ giáo, đã gắn bó, Ðấng ấy đã chết nhưng nay đã sống lại. Sau đó cô mới kể lể những điều khác, trong đó chắc chắn có lời trên đây ("Thầy lên cùng Cha của Thầy."), mà Chúa truyền cho cô nói lại với các môn đệ. Một khi lên cùng Chúa Cha và cử Thánh Thần xuống, Chúa Phục Sinh sẽ tạo nên một mối tương giao mới, một cách thức hiệp thông mới của con người với Ngài và với Thiên Chúa. Từ nay, các môn đệ trở thành anh em với Ðức Giêsu và con cái của Cha trên trời.

 

Ðiều đáng lưu ý là sứ mạng loan báo Chúa Phục Sinh lại được trao cho phụ nữ, cách riêng cho M.M. Chúng ta cũng biết: khi nghe M.M nói Chúa đã sống lại và cô đã thấy Ngài, các môn đệ chẳng tin (Mc 16,11), còn hoảng hồn (Lc 24,22), và cho đó là những lời nói trăng nói cuội, tầm bậy tầm bạ, những chuyện vớ vẩn (Lc 24,11). Chẳng tin, có thể vì chứng của phụ nữ thường được coi là khó tin, có thể vì việc Chúa sống lại là điều các môn đệ không hề nghĩ tới (cứ nhớ lại lời hai môn đệ Emmau đã nói với Chúa mà coi).

 

Dầu sao, đối với Chúa, M.M hay bất cứ một người nào đều có thể cảm nhận được mầu nhiệm PhụcSinh, dù không thể cắt nghĩa cho người khác hiểu tường tận mầu nhiệm ấy. Bất cứ ai cũng đều có thể là sứ giả loan báo và làm chứng sự Phục Sinh của Chúa. Nhưng chính việc Chúa trao sứ mạng này tiên vàn cho phụ nữ hẳn nói lên thâm ý của Ngài, đồng thời cũng cho thấy vinh dự dành cho phụ nữ. Có điều, để được thế, phải là người có một hành trình thiêng liêng tương tự với hành trình của M.M: hoán cải, yêu mến, trung thành, gắn bó với Chúa, luôn tìm kiếm Ngài.

 

* Chúng ta hôm nay cũng phải là chứng nhân của sự Phục Sinh. Trong đức tin, ta đã gặp Chúa, và qua cuộc gặp gỡ này, đã đón nhận sứ điệp sự sống cứu độ, vui mừng, bình an, hy vọng. Hãy biết chia sẻ những thiện ích này cho người khác, cho các anh chị em của ta. Chúng ta biết Chúa theo mức độ làm chứng về Chúa giữa thế gian (J.Guillet).

 

Vớ được của ăn ngon, ta muốn có người khác cùng ăn. Biết một điều gì hay, ta muốn có người khác cùng biết. Gặp được người tốt, ta muốn nhiều người khác cũng được gặp. Anrê ngày xưa khi đã gặp Chúa, thì về nói với em là là Simon đi gặp. Cũng vậy, Philipphê, khi đã được Chúa gọi, thì giới thiệu Chúa cho Natanael. Chúng ta hôm nay cũng bắt chước làm như thế.

 

Hơn nữa, đây không chỉ là tâm lý tự nhiên, phản ứng dây chuyền, mà còn là một lệnh. Lệnh truyền của Chúa. Cũng như M.M, chúng ta được Chúa truyền loan báo sứ điệp Phục Sinh, làm chứng Ðức Kitô đã sống lại và nên sự sống cho mọi người. Chính lệnh truyền này đã thúc đẩy các Tông Ðồ, sau khi được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh mẽ rao giảng: Ðức Giêsu mà anh em đã treo trên Thập giá, thì Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại.

 

Ðối với chúng ta, loan báo bằng lời rao giảng chắc không thực tế bằng chứng từ đời sống, tuy cả hai hình thức đều là bổn phận của mọi người tín hữu. Chúng ta làm chứng về đời sống và giáo lý của Chúa nói chung. Chúng ta còn đặc biệt làm chứng về mầu nhiệm Phục Sinh nói riêng. Làm chứng bằng cách sống đúng ý nghĩa và hiệu quả của mầu nhiệm này. Ðó là mầu nhiệm đem lại ơn cứu độ, sự sống, hoan lạc và bình an. Một cuộc sống trong Ðức Kitô, trong Thần Khí của Ngài.

 

Các môn đệ và cộng đồng tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem đã làm chứng như vậy. Ngoài việc rao giảng bằng lời, họ còn sống với lòng hân hoan và dạ đơn thành (Cv 2,46). Hân hoan vui mừng là nét nổi bật hơn các tâm tình khác (Cv 5,41; 8,39; 13,48). Luca còn cho biết, ngay sau khi chứng kiến Chúa về trời, các môn đệ "lòng đầy hoan hỉ" (Lc 24,52). Hoan hỉ, vì chính khi Chúa ra đi, thì sự hiện diện của Ngài giữa họ lại càng thâm sâu hơn.

 

Ơn Phục sinh còn làm cho họ thành những con người chung lòng hợp ý, hiệp thông huynh đệ, chuyên chăm cầu nguyện, chen vai sát cánh với các Tông Ðồ, loại trừ mọi hình thức vị kỷ, vụ lợi. Chính nếp sống này đã làm cho các môn đệ ở Giêrusalem, ít nhất tinh thần của họ, giống như những cây con ươm trong nhà kính, để sẽ được đem đi trồng khắp nơi.

 

Cuộc sống của cộng đồng tín hữu sơ khai, như nói trong sách Công Vụ, tuy còn có mặt tiêu cực, vẫn là một bài học sáng chói cho ta, đòi hỏi ta phải nỗ lực thăng tiến không ngừng. Thành thật mà nói, so cộng đồng ấy với cộng đồng chúng ta đang sống hôm nay, khoảng cách còn xa lắm. Có đi hia bẩy dặm cũng khó đuổi kịp.

 

Nói thế không phải để chúng ta thất vọng. Ðàng khác, chúng ta cũng không được phép tự mãn ở mức độ hiện có. Phải coi những yếu tố tích cực của cộng đồng tín hữu sơ khai là tấm gương luôn mời gọi ta vươn tới. Phải coi cộng đồng ấy không chỉ như một bức tranh đẹp để trầm trồ, thưởng lãm, mà còn phải vẽ thêm vào đó nét đẹp của chính chúng ta. Ðiều quan trọng là phải có tinh thần, để Thần Khí thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta. Và muốn cho cả cộng đồng tốt thì từng người phải sống tốt, sống đời sống Phục sinh, nhất là có tâm hồn vui tươi, bác ái và bình an.

 

Làm chứng sự Phục Sinh của Chúa là điều quan trọng. Làm chứng cuộc Tử Nạn của Chúa cũng là điều quan trọng không kém. "Thập giá không chỉ là một mầu nhiệm để chiêm ngưỡng và tôn thờ, mà còn là . một sứ điệp phải loan truyền, để nó trở thành nguồn ơn cứu độ cho mọi người" (ÐGH Gioan Phaolô II, 10.3.1991). Thực ra, làm chứng sự Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa là hai việc luôn đi đôi với nhau, như cả hai biến cố làm nên một mầu nhiệm duy nhất, tức Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa. Ðể sống lại vinh quang, Chúa đã đi qua con đường Thập giá. Vậy để có thể có đời sống phục sinh và làm chứng về nó, chúng ta cũng phải thực hiện một đời sống tháp nhập vào Thập giá Chúa và làm chứng về nó.

 

Chúng ta thử suy nghĩ một chút về khía cạnh này.

 

2. "Chúng tôi rao giảng một Ðức Kitô chịu đóng dinh"

(1Cr 1,23)

 

* Phaolô khẳng định như trên ở đầu thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô. Không những coi Ðức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng của việc rao giảng Tin Mừng nói chung, Phaolô còn nói mình không muốn biết gì khác hơn ngoài Ðức Kitô Giêsu bị đóng đinh Thập giá (1Cr 2,2). Theo một tác giả, "thư Corintô là một cuốn giáo lý đầy đủ, mà các vấn đề xoay quanh Thập giá" (Allo). Dám nói rằng sự cứu rỗi bằng Thập giá là trọng tâm tất cả giáo thuyết của Phaolô.

 

Thế Phaolô không nói tới sự Phục Sinh của Chúa hay sao? Có chứ. Và nói rất nhiều về mầu nhiệm then chốt này, cũng như hệ quả của nó trong đời sống người kitô hữu. Sở dĩ Phaolô nhấn mạnh một Ðức Kitô chịu đóng đinh, một phần là do hoàn cảnh đặc biệt ở Corintô.

 

Corintô là một thành phố xa hoa, truỵ lạc. (Kiểu nói "sống theo cách người Corintô" bao hàm một nghĩa xấu: sống phóng túng). Tuy vậy, nó lại là thành phố nằm trong cái nôi văn minh Hy Lạp, một trung tâm trí thức tìm tòi và giảng dạy sự khôn ngoan của con người. Cộng đồng kitô giáo ở đây, Do Thái có, nhưng đa số là dân ngoại. Cho dù phần đông thuộc giai cấp bạch đinh, nghèo khổ, chắc chắn các tín hữu cũng thấm nhiễu ít nhiều tư tưởng tìm kiếm sự khôn ngoan trên đây. Tư tưởng này chi phối cả cách đánh giá của họ về Tin Mừng. Theo họ, dường như Tin Mừng cũng chỉ là một hệ thống tư tưởng, một sự khôn ngoan thuần tuý nhân loại, với những thầy này thầy nọ. Bởi vậy mới có kẻ xưng mình thuộc phe Phaolô, thuộc phe Apollô, thuộc phe Kêpha, thuộc phe Ðức Kitô (x.1Cr 1,12).

 

Riêng về Thập giá thì, xét theo sự khôn ngoan của con người, đó là chuyện không thể hiểu nổi, do đó không thể chấp nhận. Ðối với người Do Thái, Thập giá là cớ vấp phạm, vì chứng tỏ Ðức Kitô không có quyền năng thoát khỏi cái chết, để cứu dân theo nguyện vọng của họ. (Tryphon, người Do Thái, nói với thánh Giustinô tử đạo: "Một người bị treo thập giá không thể là Ðấng Mêsiâ"). Thập giá là một thất bại hoàn toàn, còn gì để nói nữa? Còn đối với người Hy Lạp, Thập giá là một sự điên rồ, phi lý, trái với điều người ta suy nghĩ. Một người khôn ngoan, rao giảng sự khôn ngoan và chân lý, lại chấp nhận cái chết ô nhục mới có thể cứu người ta hay sao? Hoạ có điên mới làm như thế (Cho nên có nơi mô tả Ðức Giêsu bằng một chiếc đầu lừa gắn vào thập giá. Ðó là hình ảnh của người ngu si rồ dại).

 

Như vậy, lời rao giảng Thập giá đi ngược lại điều người ta chờ đợi. Là cớ vấp phạm thay vì là dấu chỉ quyền năng Thiên Chúa. Là sự điên rồ chứ không phải khôn ngoan gì ráo!

 

Ðể củng cố niềm tin của các tín hữu vào Thập giá, Phaolô đã phản bác lại những ý nghĩ trên đây. Người ta không thể nói về Thập giá theo quan điểm triết học, nhưng theo quan điểm thần học. Không được dựa vào sự khôn ngoan nhân loại, nhưng là dựa vào đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, Thập giá chính là quyền năng của Thiên Chúa. Chính Thập giá đem đến cho con người ơn giải thoát cứu độ. Ðó là phép lạ mạnh mẽ nhất dưới hình thức yếu đuối, một sự khôn ngoan siêu việt nhất dưới hình thức điên rồ.

 

(Nhại theo câu của thi sĩ Trần Tế Xương "Khôn nghề cờ bạc là khôn dại. Dại cái văn chương ấy dại khôn", ta có thể nói: "Khôn của người thế là khôn dại. Dại Ðức Kitô ấy dại khôn". Nói thế không có ý loại trừ sự khôn ngoan nhân loại đâu, vì sự khôn ngoan này cũng là ân huệ của Thiên Chúa. Có điều phải chấp nhận nó có giới hạn. Không được coi nó như quy tắc độc nhất và tối hậu để đánh giá sự việc).

 

Thập giá là một trong những hình ảnh cụ thể và độc đáo nhất cho thấy đường lối, tư tưởng và hành động của Thiên Chúa khác hẳn và vượt xa sự suy nghĩ của con người (Is 55,8-9). Chính vì Thập giá là đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa, là mạc khải vĩ đại, mà Phaolô xác tín và rao giảng một cách hăng say, không mỏi mệt. Thánh Tông Ðồ cũng muốn cho chúng ta xác tín và rao giảng như vậy.

 

* Ngày nay, chúng ta có thể rao giảng và làm chứng một Ðức Kitô chịu đóng đinh như thế nào?

 

Nhìn vào đời sống bên ngoài của chúng ta, của dân Chúa, thậm chí của xã hội, dường như hình ảnh Chúa chịu đóng đinh hay Thập giá vẫn còn thấy nhiều, còn được nói đến nhiều. Không phải vậy sao? Trong nhà bất cứ một gia đình công giáo nào, thường ra đều có một Thánh giá treo tường. Nếu không công khai treo ở phòng trước, thì cũng kín đáo treo ở phòng sau. Chuyện đeo Thánh giá trên cổ hay trên áo không phải là hiếm. (Tu sĩ đeo không nói làm gì. Cả người ngoài đạo cũng đeo nữa, đến nồi có lúc trở thành mốt thời thượng. Trong phim "Bản tình ca cuối cùng", nữ diễn viên Lê Khanh đeo một Thánh giá to tướng, có cả tượng Chịu nạn hẳn hoi). Khởi sự một công việc đạo đức, làm dấu Thánh giá đã đành, mà ngay cả để bắt đầu làm một số công việc, nhiều người kitô hữu vẫn có thói quen làm dấu Thánh giá (Cầu thủ bóng đá Nam Mỹ ra sân thường quẹt bàn tay xuống đất rồi làm dấu Thánh giá). Có khi sốt sắng hơn, một vài ngưới còn làm dấu Thánh giá trên trán, trên miệng, trên ngực.

 

Thế nhưng, cứ nhìn vào những hiện tượng đó, những việc đó, mà bảo rằng người ta đang làm chứng về Thập giá, thì phải lấy làm ngờ. Tâm trí của một người tín hữu hôm nay treo ảnh Thánh giá lên bức tường trong nhà, và tâm trí của một Christoforro Colombo ngày xưa cắm cây Thánh giá trên đất Tân Thế giới vừa khám phá, hẳn là có sự khác nhau. Là vì, hành vi ấy của người xưa ít nhiều có hơi hướng truyền đạo, muốn cho phần đất mới này thuộc về Chúa, muốn cho những thổ dân ở đây được nghe rao giảng Tin Mừng của Chúa.

 

Nói chung, những hiện tượng và công việc trên đây còn thua xa so với ngày trước (ngày trước là kể từ thời Trung Cổ cho tới khỏng giữa thế kỷ XX). Ở Tây Phương và cả ở Việt Nam, Thập giá là hình ảnh nổi bật trong đời sống đạo của dân Chúa, trong Phụng vụ, trong đời sống tu trì, ngay cả trong đời sống xã hội. Các nhà thần học (vd: Anselmô), các bậc thầy tu đức (vd: tác giả sách Gương Chúa Giêsu), các Ðấng lập dòng (vd: Phanxicô Assisi, Inhaxiô Loyola, Anphongsô Liguori) đua nhau khai triển giáo lý về cuộc Khổ Nạn, đưa đến những hình thức cụ thể suy tôn Thánh giá trong đời sống (Dòng Mến Thánh Giá chẳng hạn, phát sinh từ trào lưu này).

 

Trước đây là thế. Ngày nay khác rồi. Ðiều này có lý do. Lý do nhiều ít thế nào không rõ, nhưng ít nhất có hai.

 

Có lý do thần học: Từ giữa thế kỷ XX, người ta nghiên cứu nhiều về sự Phục Sinh, và nhấn mạnh ý nghĩa của mầu nhiệm này trong đời sống. Hệ quả là trong Phụng vụ cũng như trong đời sống đạo nói chung, hầu như chỉ còn nói đến lễ lạc, niềm vui, sự sống. Nhiều người xa dần sự khôn ngoan của Thập giá. Một dấu chỉ: Có một số Thánh giá trên đó không phải là tượng Chịu Nạn, nhưng là tượng Chúa Phục Sinh vinh thắng.

 

Lại có lý do tâm lý xã hội. Xã hội ta đang sống ngày càng phát triển, kinh tế đi lên, đời sống của nhiều người thêm khấm khá. Ai nấy đều muốn có một cuộc sống tiện nghi hơn, thoải mái hơn, sung sướng hơn. Trước một não trạng và ước vọng như thế, lời rao giảng về Thập giá dường như lạc lõng. Hơn nữa, đối với một số người, lối tu đức Thập giá phải chăng quá khép kín, trong khi nhìn ra chung quanh, có biết bao nhiêu việc phải làm cho người nghèo khó, đau khổ.

 

Hướng tâm trí về những bổn phận xã hội là điều tốt thôi. Nhưng chỉ lăm le lao vào những công việc đó, mà không muốn xây dựng đời sống của mình dựa trên những nền tảng vững chắc, thì cũng khó làm chứng về Thập giá.

 

* Trước tình hình như vậy, còn có thể làm chứng về Thập giá được chăng? Còn. Và cần thiết phải làm. Dĩ nhiên, không phải hoặc không chỉ bằng cái kiểu cắm Thánh giá chỗ này, treo Thánh giá chỗ nọ, nhưng bằng một đời sống tháp nhập vào mầu nhiệm Thập giá.

 

Nói đến Thập giá là nói đến tình yêu, ơn tha thứ cứu độ, sự chiến thắng. Nói đến Thập giá cũng là nói đến đau khổ, sự chết. Ðức Giêsu đã dùng đau khổ của Thập giá như phương tiện thực hiện công trình cứu độ. Khi suy nghĩ về việc làm chứng sự Phục sinh, chúng ta đã nhấn mạnh niềm vui, thì khi suy nghĩ về việc làm chứng Thập giá, trộm nghĩ không gì hơn là nhấn mạnh sự đau khổ. Chúng ta giới hạn chứng từ về Thập giá ở hai khía cạnh này: biết làm điều tốt nhờ đau khổ và biết làm điều tốt cho người đau khổ.

 

Về việc làm điều tốt nhờ đau khổ, có thể lấy lời của thư Colossê làm nguyên tắc chỉ đạo. Phaolô viết: "Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em; những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của Thân Thể là Hội Thánh" (Cl 1,24). Câu này được dịch sát là: Tôi bổ khuyết trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong những nỗi quẫn bách Ðức Kitôphải chịu .

 

Nhưng sao lại bổ khuyết? Bộ đau khổ của Chúa chưa đủ hay sao? Công trình cứu độ của Ngài còn khiếm khuyết hay sao? Không phải thế. Ơn cứu độ đã sung mãn rồi. Ðau khổ của Chúa đã tột đỉnh rồi. Nhưng trong Hội Thánh, ơn cứu độ còn đang phát triển để làm cho Hội Thánh tăng trưởng. Và nếu Ðức Kitô phải chịu đau khổ để thực hiện ơn cứu độ, thì những ai làm phát triển ơn này, như Phaolô, cũng phải qua con đường đau khổ. Phaolô gọi con đường đau khổ này là "bổ khuyết" cho những đau khổ của Chúa. Nói đúng ra, đó là những đau khổ nối dài sự đau khổ của Chúa, như Hội Thánh nối dài công trình cứu độ của Ngài, cho tới khi Nước Chúa viên thành. Bổ khuyết kiểu đó, bằng sự đau khổ của mình kết hợp trong tin yêu với sự đau khổ của Chúa, chính là một chứng từ. Và nếu thực sự vui sướng trong các đau khổ này, như tâm tình của Phaolô, thì đây quả là một chứng từ có thế giá.

 

Khía cạnh thứ hai là làm tốt cho người đau khổ. Chúng ta đã có dịp khai triển dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,29tt). Dụ ngôn cho thấy mỗi người chúng ta phải trở thành thân cận thế nào đối với người đồng loại gặp đau khổ. Không được dửng dưng đi qua, nhưng phải dừng lại bên họ. Dừng lại cũng không phải vì tò mò, như biết bao nhiêu người hiếu kỳ xúm xít lại xem một người bị tai nạn ôtô chẳng hạn. Dừng lại là vì sự nhạy cảm của tâm hồn, xúc động trước nỗi bất hạnh của người khác, mở lòng xót thương và sẵn sàng giúp đỡ.

 

Tại sao giúp người đau khổ lại là cách làm chứng cho Thập giá? Vì Ðức Kitô vẫn còn đau khổ cho tới tận thế nơi Thân Mình Ngài, biểu lộ trong đau khổ của các chi thể thuộc Thân Thể này. Chính các chi thể này đang chia sẻ sự đau khổ của Chúa. Họ được Chúa yêu thương đặc biệt, và được đồng hoá cách nào đó với Ngài (Mt 25,40.45). Xoa dịu nỗi đau khổ của họ, bằng sự thương cảm giúp đỡ, đó là xoa dịu nỗi đau khổ của chính Chúa. Ðó cũng là một hình thức trao tặng chính mình cho người khác, như Ðức Kitô đã thí mạng sống mình trên Thập giá cho nhân loại.

 

*

 

Ðể làm chứng về Ðức Kitô đã chết và đã sống lại, nhất thiết phải kết hợp sâu xa với Mầu nhiệm này. Chúng ta có một phương tiện quý giá, ngay trong tầm tay, là Thánh Lễ, vì Thánh Lễ chính là cử hành Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, không những chúng ta được sống Mầu nhiệm Ðức tin trọng đại, được ơn cứu độ, chúng ta còn luôn xin, đặc biệt trong Lời nguyện Hiệp lễ, cho ân huệ này trổ sinh hoa trái trong đời sống chúng ta, những hoa trái đã nhắc đến trong phần khai triển trên. Có những hoa trái ấy, và thể hiện chúng trước mặt mọi người, đó là một trong những chứng từ hữu hiệu nhất về Ðức Kitô, Chúa chúng ta.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà