TẠ ƠN CHÚA

 

 

XV. TẠ ƠN CHÚA

 

Hằng ngày, trước khi làm một việc đạo đức, học tập hoặc trước bữa ăn, chúng ta vẫn thường xin ơn Chúa giúp sức hoặc chúc lành cho ta. Và khi xong việc thì dâng lời tạ ơn.

 

Làm một công việc thường ngày mà còn thế, huống hồ một công việc trọng đại, dài ngày, như tuần tĩnh tâm hay học hỏi, chúng ta càng phải có hành vi tạ ơn lúc cuối. Làm chung là chuyện đương nhiên, nhưng mỗi người cĩng cần làm riêng nữa.

 

Tôi kết thúc loạt bài suy niệm bằng đôi ba ý gợi ra việc tạ ơn, giúp chúng ta suy nghĩ về hành vi tốt đẹp này, một hành vi phải được thực hiện lúc này lúc khác trong cả cuộc đời.

 

Hãy bắt đầu bằng lời khuyên sau đây.

 

1. "Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh" (1Tx 5,18)

 

* Khi nhận được từ ai một ân huệ nào (một món quà, một lời khuyên tốt, một sự giúp đỡ.) ta vẫn nói lời cám ơn. Ân huệ càng lớn, cám ơn càng nồng. Ðây không chỉ là cách giao tế, phép lịch sự, mà chúng ta được dạy từ bé, nhưng chủ yếu nói lên tấm lòng biết ơn của ta đối với người khác, về một điều tốt nào đó họ làm cho ta.

 

Nếu giữa con người với nhau là như thế, thì đối với Thiên Chúa là Ðấng thi ân gấp bội so với con người, ta càng phải bày tỏ tâm tình và thái độ này hơn. Ðó là nét riêng của con người Kinh Thánh và của người kitô hữu. Gọi là nét riêng vì, đối chiếu với nhiều tôn giáo đương thời, người ta không thấy hoặc ít thấy tâm tình và thái độ tương tự. Ở đầu thư Rôma, Phaolô tố giác tội nặng nhất của dân ngoại là đã không tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa (Rm 1,21).

 

Thật ngược hẳn với Kinh Thánh. Ta thường xuyên bắt gặp trong đó những lời lẽ tạ ơn, những lời lẽ lắm khi gợi lên những cảm xúc mãnh liệt. Quả thực, tạ ơn có một vai trò quan trọng trong Kinh Thánh, vì là một phản ứng tôn giáo căn bản của con người, rung cảm, vui mừng, kính phục khi khám phá ra hành động của Thiên Chúa, khi nhận biết ân sủng của Thiên Chúa.

 

Ở đây, tạ ơn không phải là hoàn lại ân huệ đã nhận hay dâng một điều gì đó để đền đáp, theo kiểu "Hòn đất ném đi hòn chì ném lại". Ai có thể đền bù lại cho Thiên Chúa? Và có thể lấy gì mà bù lại cơ chứ? Tạ ơn, đúng hơn, là nhìn nhận ơn Chúa ban, và đón nhận ân sủng nhưng không của Ngài, không dám mong tự chuộc mình hay trả giá thục hồi cho Ngài (Tv 49,8). Tạ ơn không khác gì nhìn nhận mình là người chịu ơn, là kẻ tuỳ thuộc, để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa.

 

Ði sâu vào việc tạ ơn trong Kinh Thánh, ta thấy nó gói ghém nhiều khía cạnh. Hoặc biểu lộ ý thức của con người trước những kỳ công của Thiên Chúa, các hồng ân Thiên Chúa ban cho mình, từng cá nhân hay cả cộng đồng. Hoặc là sự bộc phát của một/những tâm hồn kinh ngạc về một Thiên Chúa thật quảng đại. Hoặc bày tỏ niềm hân hoan tri ân trước sự cao cả của Ngài. Có bao nhiêu khía cạnh là có bấy nhiêu hình thức tạ ơn: ca ngợi, tôn vinh, công bố, tuyên xưng, nhất là chúc tụng (bénédiction). Cái hay của hình thức chúc tụng là có thể bộc lộ được nhiều tình cảm, kéo dài lời lẽ, vì hoài niệm nhiều kỳ công Thiên Chúa làm trước đó.

 

Chúng ta hẳn còn nhớ bài ca thắng trận trong sách Xuất Hành (15,1tt), vẫn được Phụng vụ lặp lại trong đêm Vọng Phục Sinh. Con cái Israel bấy giờ vượt qua Biển Ðỏ, thấy Thiên Chúa quăng tùm xuống biển xa mã và kỵ binh Ai Cập, đã hát mừng tán dương Ngài uy hùng cao cả. Tán dương như thế chính là tạ ơn Thiên Chúa đã cúu thoát họ khỏi tay quân thù. Một ví dụ khác: Khi Ðức Maria tôn dương Thiên Chúa ra oai hạ kẻ kiêu căng và tôn người khiêm nhượng, thì cũng là tạ ơn Ngài đã đoái nhìn phận tớ nữ hèn mọn, đã thực hiện nơi người tớ nữ này những điều cao cả (kinh Magnificat).

 

Nếu tạ ơn gắn liền với chúc tụng, ca ngợi. thì quả nó có thêm một sắc thái tuyệt vời. Thông thường, tạ ơn hay cám ơn bao hàm một chút vụ lợi, vị kỷ. Tạ ơn là vì nhận được một điều tốt. Nhưng khi kèm thêm tâm tình chúc tụng ca ngợi, hoặc thể hiện chỉ bằng lời chúc tụng ca ngợi, việc tạ ơn của Kinh Thánh và của kitô giáo là một hành vi có ý nghĩa ít nhiều vô vị lợi. Chúng ta không nghĩ tới mình, nhưng nghĩ tới Ðấng ban ơn. Tuy trong việc tạ ơn ta vẫn biết đến những ơn lành Chúa ban cho ta, nhưng đi xa hơn, ta nhìn đến sự cao cả của Ngài, những việc kỳ diệu của Ngài. Rồi bày tỏ tâm tình thán phục, hân hoan, chúc tụng. Tạ ơn phải đi đến tột đỉnh là chúc tụng. Nó hướng tới Ðấng ban tặng, chứ không chỉ vì những điều được ban tặng.

 

Nhiều bộ tộc ở sa mac có thói quen tiếp đãi khách thật nồng hậu, chu đáo. Cũng phải thôi. Sa mạc mênh mông, nếu không được giúp đỡ, làm sao khách có thể băng qua? Khách được coi như vua, nô lệ và thi sĩ. Một kiểu gói ghém hơi lạ. Vua, vì được cung phụng đủ thứ. Nô lệ, vì phải nghiêm giữ một số quy củ, mà nếu không tuân, dám bị giết lắm (ví dụ đụng đến đàn bà con gái của gia chủ). Thi sĩ, nghĩa là khi từ giã ra đi, tiếp tục hành trình, khách sẽ lãm thơ ca ngợi và rao báo cho người khác biết nghĩa cử của chủ nhà. Cái kiểu cám ơn này mới ý nghĩa làm sao!

 

Trước Thiên Chúa, tạ ơn mà không đạt tới tột đỉnh là chúc tụng, ta sẽ là những con người sợ hãi. Về phương diện tôn giáo, có thể phân biệt 3 cấp độ trong ý thức tôn giáo. Ðầu tiên là ngạc nhiên, thán phục trước sứ điệp và hành động phi thường của Thiên Chúa. Nếu thấy Ngài như một quyền lực đe doạ, đương nhiên là phải sợ rồi. Có tạ ơn về một điều lành nào Ngài ban cho, cũng là tạ ơn trong sợ hãi. Nhưng nếu thấy đó là một quyền năng thực sự thi ân, thì sợ hãi biến thành tin tưởng, từ đó mà có hành vi chúc tụng ca ngợi.

 

* Có một từ ngữ mới, thông dụng trong Tân Ước, biểu lộ tính cách độc đáo và tầm quan trọng của tạ ơn kitô giáo. Từ ngữ bày không xa lạ gì với chúng ta. Eucharistia đó! Ðể đáp lại ơn Thiên Chúa ban trong Ðức Kitô Giêsu. Việc tạ ơn kitô giáo là một eucharistia. Nghi thức hoàn hảo của việc tạ ơn này là Thánh Thể, là Lễ Tạ Ơn của chính Ðức Kitô, được Ngài ban cho Giáo Hội.

 

Thực ra, suốt cuộc đời Chúa đã là lời tạ ơn liên lỉ dâng lên Chúa Cha. Ðôi khi lời tạ ơn này được bộc lộ công khai, long trọng, để lôi kéo người ta cùng với Ngài tin tưởng và tạ ơn Thiên Chúa. Chẳng hạn trước khi cho Lazarô sống lại, Chúa đã ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng chung quanh đây nên con đã nói, để họ tin là Cha đã sai con" (Ga 11,41-42).

 

Thế nhưng chính hành vi sau cùng của Chúa trước khi chịu chết là một Lễ Tạ Ơn độc đáo. Chúng ta nghĩ ngay đến Thánh Thể, được Ngài thiết lập trong bữa Tiệc Ly. Thánh Thể là bí tích mà cũng là hy tế, thực hiện trước và làm lưu tồn hy tế thực hiện ngày hôm sau trên Thánh giá, trong đó Chúa dâng hiến mạng sống mình vì ơn cứu độ của muôn muôn người. Trong bữa Tiệc Ly cũng như trên Thánh giá, Chúa cho thấy động lực chi phối tất cả cuộc đời cũng như cuộc Khổ Nạn của Ngài. Ðộng lực này là tạ ơn bằng tấm lòng của một người con. Cử chỉ cuối cùng biểu lộ việc này chính là lời tạ ơn của Chúa khi Ngài cầm bánh và chén rượu lúc lập phép Thánh Thể.

 

[(Ở đây, chúng ta gặp lại ý nghĩa tương đồng thực tế giữa tạ ơn và chúc tụng như nói ở trên. Theo Mt, Chúa đọc lời chúc tụng trên bánh và tạ ơn trên chén (Mt 26,26-27). Theo Phaolô, Chúa lại đọc lời tạ ơn trên bánh (1Cr 11,24) và lời chúc tụng trên chén (1Cr 10,16). Không có gì khác nhau đâu. Theo cách này, các Kinh Nguyện Thánh Thể trong Thánh Lễ cũng sử dụng những công thức khác nhau: hoặc chúc tụng tạ ơn cả trên bánh lẫn trên chén (KNTT 1và 3), hoặc chỉ tạ ơn (KNTT 2), hoặc chúc tụng trên bánh và tạ ơn trên chén (KNTT 4)]

 

Khi ban bí tích Thánh Thể cho Giáo Hội, Ðức Kitô muốn nói lên chân lý nền tảng này: chỉ mình Ngài là lời tạ ơn của ta, chỉ mình Ngài là lời ngợi khen của ta. Ngài đi tiên phong dâng lời tạ ơn Chúa Cha. Sau đó mới đến lượt ta chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa "nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài", như đọc trong Vinh tụng ca kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể. Ðức Kitô là gương mẫu và trung gian duy nhất của mọi lời cầu nguyện nói chung. Ngài cũng là gương mẫu và trung gian duy nhất của mọi lời chúc tụng tạ ơn nói riêng.

* Ý thức ân huệ mình đã lãnh nhận, cũng như noi theo gương Thày, người môn đệ chúng ta cũng hãy biết dâng lời tạ ơn Chúa. Phaolô thường xuyên nhắc cho các tín hữu biết tạ ơn, trong hầu hết các thư của ngài. Chính ngài cũng thi hành điều mình nhắc cho người khác, như khi ngài viết: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Kitô Giêsu" (1Cr 1,4).

 

Khởi đầu kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ, bao giờ chúng ta cũng nghe đọc: "Tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con". Chính đáng và phải đạo, vì chúng ta là con cái được Chúa Cha ban cho vô vàn ân phúc, mà chủ yếu là ơn cứu độ. Càng cảm tạ, càng được thêm ơn cứu độ.

 

Những lời trên đây của Kinh Thánh cũng như của Giáo Hội không nhắc cho ta nhớ việc quan trọng này hay sao? Nhắc làm, và còn nhắc phải làm luôn, làm không ngừng, trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi mọi lúc. Ngạn ngữ Anh có câu: "Cám ơn nhiều quá là âm thầm xin thêm". Có thể đúng. Và nếu thế thì khi thụ ân, liệu cám ơn vừa phải thôi, kẻo gây khó nghĩ cho người thi ân (nghĩ rằng: chắc nó muốn mình cho nó thêm cái gì nữa đây!). Nhưng đấy là giữa con người với nhau. Còn đối với Thiên Chúa, chẳng bao giờ cám ơn Ngài cho đủ đâu. Augustinô bảo: "Khi bạn nói đủ rồi, tức là bạn đã chết" (Ubi dixisti satis, periisti). Hơn nữa, nếu cám ơn để được thêm ơn, càng tốt chứ sao, vì ta vẫn không ngừng xin thêm ơn Chúa.

 

Trong những dịp tĩnh tâm dài ngày chẳng hạn, ta tin Chúa ban cho ta nhiều ơn, kể chẳng xiết. Những điều kiện thuận lợi bên ngoài. Những ơn soi sáng, hướng dẫn và thúc đẩy bên trong. Cho dù có hình thức tạ ơn chung đi nữa, mỗi người hãy thực sự cảm nghiệm ơn Chúa dành cho mình để, một cách bộc phát, biến tâm tình của ta thành lời ca ngợi chúc tụng Chúa.

 

Nói như trên, tâm trí chúng ta cơ hồ chỉ nghĩ đến ơn này ơn khác, nhiều hay ít, đặc biệt hay không đặc biệt, được Chúa ban cho lúc này lúc nọ. Một suy nghĩ như thế có thể đưa đến hệ quả là chỉ tạ ơn khi nhận được một ơn nào cụ thể. Các tấm bảng Tạ Ơn Ðức Mẹ gắn la liệt chung quanh các tượng đài Ðức Mẹ phải chăng nói lên điều đó?

 

Ðể giúp ta tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, cần suy nghĩ về ơn Chúa theo một hướng khác nữa, dựa vào lời sau đây.

 

2. "Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1Cr 15,10)

 

* Trong dụ ngôn về cây nho thật, Chúa khẳng định với các môn đệ: "Không có Thày, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5). Không có ơn Chúa ban, ta không thể làm được gì. Nhưng còn hơn thế nữa: Không có ơn Chúa ban, ta không là gì cả, như lời Phaolô nói trên đây.

 

Ðúng ra, Phaolô đang nghĩ đến trường hợp cá biệt của mình. Như chính ngài tự thú, ngài chỉ là đứa con ranh, mạt rệp, đã từng bắt bớ Hội Thánh. Dầu vậy, ngài vẫn được Chúa kêu gọi làm Tông Ðồ. Thế thì con người tông đồ của ngài hoàn toàn là do ơn Chúa. Ngài có làm được gì trong công tác tông đồ cũng là nhờ ơn Chúa tất.

 

Chẳng riêng gì Phaolô, tất cả chúng ta cũng thế thôi, tuy hoàn cảnh từng người có thể khác Phaolô. Chính Tông Ðồ này cũng nói với chúng ta: "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh" (1Cr 4,7). Phải, trừ tội ra, chúng ta nhận lãnh mọi sự từ Thiên Chúa. Bên bờ giếng Giacóp, Ðức Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban" (Ga 4,10). Phải chăng đây cũng là lời Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay? Chúng ta nhận ra điều gì? Tất cả là hồng ân của Chúa. Con người chúng ta là hồng ân. Ðược tạo dựng là hồng ân. Ðược sống và được cứu là hồng ân. Làm điều tốt cũng là nhờ ân sủng.

 

(Thi sĩ Lamartine, một hôm băng qua rừng, nghe thấy có tiếng đập đá, sau mỗi tiếng đập lại vang lên tiếng cám ơn. Ông tò mò tìm đến nơi. Hỏi: "Bác cám ơn ai vậy?" - "Tôi cám ơn Chúa" - "Giả như bác giầu có, thì cám ơn Chúa cũng được đi. Ðàng này Chúa chỉ cho bác cái búa và bắt làm nghề vất vả, sao phải cám ơn mãi? - Không do dự, người đập đá trả lời: "Thiên Chúa đã thương một người thấp hèn như tôi, thì dù Ngài chỉ thương một lần là cho tôi được sống, ngần ấy cũng đủ để tôi cám ơn Ngài cả đời". Thế đấy. Dù nhận được tình yêu của Chúa một lần thôi, cũng phải cám ơn Ngài cả đời, huống hồ nhận được biết bao nhiêu ơn lành này khác).

 

Sự thật là như vậy. Nhưng khổ nỗi, không phải lúc nào cũng nhận ra hay dễ nhận ra. Ðành rằng chúng ta không phủ nhận cần có ơn Chúa, nhưng lắm lúc chúng ta không thấy nó rõ nét trong cuộc sống bình thường. Ðấy là một chuyện. Rồi khi cần một ơn nào cụ thể, đặc biệt khi gặp khó khăn, ta lại thấy dường như không thể có được nó. Chính Phaolô đã rơi vào trường hợp tương tự. Ngài bị một cái dằm chết tiệt đâm vào thân xác, van nài miết mà Chúa không cất đi cho. Nhưng Chúa bảo sao? "Ơn của Thầy đủ cho con" (2Cr 12,9). Ơn Chúa lúc nào cũng có. Ơn Chúa lúc nào cũng đủ. Nó không giống như ân nghĩa của con người. Ân nghĩa của con người nay còn mai mất. Thậm chí mất vào chính lúc ta cần nó mới tệ. Ðiều này không phải hiếm. Nhưng Thiên Chúa thì khác, vừa ân nghĩa lại vừa tín thành (Xh 34,4). Ân nghĩa và tín thành của Ngài luôn theo ta "hết mọi ngày trong suốt cộc đời" (Tv 23,6). Không một lúc nào rút lại ơn ban. Không một lúc nào ngừng ban ân sủng.

 

Nếu tất cả con người, đời sống, hoạt động của ta, sự cứu rỗi của ta, ta đều nhận lãnh từ Thiên Chúa, hằng ngày, hằng năm và cho đến hết đời, thì không được phép tự vinh vang đã đành, ngược lại, phải đưa vinh vang ấy về cho Thiên Chúa, tức là chúc tụng tạ ơn Ngài, và tạ ơn không ngừng.

 

* Nói dện việc tạ ơn, tưởng cũng nên ghi nhận một chút ơn mà chúng ta cảm tạ.

 

Ngoài những ơn riêng được ban cho từng người, tất cả đều đã nhận được ân sủng chung cho mọi người.

Kết thúc thư thứ hai gửi tín hữu Corintô, Phaolô viết: "Chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần" (2Cr 13,13). Trong Thánh Lễ, Giáo Hội đã dùng lời trên làm lời chào chúc mở đầu của linh mục chủ sự, tuỳ nghi thay cho công thức quen thuộc "Chúa ở cùng anh chị em". Ân sủng, tình yêu, sự hiệp thông không chỉ diễn tả một mong ước, mà còn nói lên một thực tại. Linh mục nguyện xin cho ân sủng. ở cùng chúng ta, kỳ thực ân sủng đó đã ở cùng chúng ta rồi. Nếu để ý, ta còn thấy trong mỗi lá thư, Phaolô đều mở đầu bằng một ý tương tự: Xin Chúa ban cho anh em ân sủng và bình an . (x.Gl 1,3).

 

Phaolô muốn nhấn mạnh điều gì vậy? Nhấn mạnh rằng ta đang ở trong ân sủng, đang có ân sủng của Thiên Chúa. Ðó là ân sủng Chúa Kitô, là tình yêu của Chúa Cha, là sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

 

Công thức ân sủng Chúa Kitô hiểu là ân sủng của Chúa Kitô hoặc hiểu Chúa Kitô là ân sủng, đàng nào cũng được. Là Thiên Chúa, Ngài tràn đầy ân sủng. Nhưng cũng vì là Thiên Chúa và là Ðầu Giáo Hội, Ngài ban ân sủng cho ta. Thiên Chúa của Kinh Thánh không chỉ là Ðấng hiện hữu vì mình, mà còn là Ðấng hiện hữu vì ta. Với tư cách là Lời nhập thể và cứu chuộc, Ðức Kitô là Ân sủng lớn nhất của Thiên Chúa, bao gồm mọi ân huệ khác.

 

Tình yêu của Chúa Cha hay của Thiên Chúa cũng được hiểu theo cách trên đây. Thiên Chúa là Tình Yêu, đồng thời cũng ban tình yêu. Ban, không phải giữa Ba Ngôi với nhau, vì sự thể hiện tình yêu giữa Ba Ngôi với nhau là điều tất yếu, do bản tính Thiên Chúa. Chúa Cha yêu Chúa Con, đó không phải là ân sủng, nhưng là đòi hỏi của tình phụ tử, và, theo một nghĩa nào đó, thì là một bổn phận. Ban là ban cho thụ tạo. Và tình yêu lúc đó trở thành ân sủng, ơn ban. Việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta hoàn toàn là ân sủng, là ân huệ nhưng-không mà Thiên Chúa tự do ban cho ta, không vì một công trạng nào của ta cả.

 

Thánh Thần cũng là ân huệ được ban cho ta đi kèm với ân sủng của Thiên Chúa và làm phát sinh các ân huệ thiêng liêng, những đoàn sủng riêng biệt của đời sống người kitô hữu chúng ta.

 

Nói vắn tắt thì ân sủng chính là sự hiện diện cứu độ và yêu thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa ở nơi ta, mỗi Ngôi tuỳ theo cách thế của mình góp phần vào công trình cứu rỗi chung.

 

Chính ân sủng vì đại này đã được ban cho ta, làm nên tất cả đời sống của ta, những con người đang được hưởng tình yêu của Thiên Chúa qua Ðức Kitô, được cứu chuộc, trở nên con cái và môn đệ, được hưởng những hoa quả của Thần Khí. Do đó ta hiểu vì sao Phaolô ưu tiên khơi dậy nơi ta ý thức mãnh liệt về ân sủng, vì sao ngài rao giảng không mỏi mệt về ân sủng, vì sao ngài nhắc nhở ta không ngừng tạ ơn Chúa. Tiếc rằng ngày nay giáo lý về ân sủng có lẽ là phần được nói sơ sài nhất trong thần học và trong đời sống người kitô hữu.

3. Ðể việc tạ ơn có ý nghĩa

 

Chúng ta đáp lại ơn Chúa bằng lời chúc tụng tạ ơn, đó đã là một việc chính đáng, phải đạo. Nhưng để hành vi này thật sự có ý nghĩa và hữu hiệu, còn phải biết sử dụng ơn Chúa sao cho đích đáng. Nhận được món quà quý giá, cám ơn xong, rồi cứ để nó yên đó, hoặc sử dụng nó ngược với ý muốn của người cho, coi sao được? Không phải là bằng chứng vô ơn sao?

 

Bởi vậy, Phaolô mới khuyên: "Ðừng để ân huệ của Thiên Chúa trở nên vô hiệu" (2Cr 6,1). Vô hiệu, khi ta sống không tương ứng với ân sủng đã lãnh nhận. Vô hiệu, khi ta không vun xới ân sủng, để nó mang lại hoa trái là những hoa trái của Thần Khí và các nhân đức. Mà ân sủng không được tích chứa nơi ta thì thay vào đó sẽ là gì? Là kho thịnh nộ của Thiên Chúa trong ngày phán xét (x.Rm 2,4-5). Dễ sợ vậy đó.

 

Chúng ta có thể làm cho ơn Chúa ra vô hiệu khi cố tình sống trong tội. Thời Phaolô, có một số người tưởng là có thể vừa sống trong ân sủng vừa sống trong tội lỗi. Họ nghĩ thế này: Cứ sống trong tội để được thêm ơn, vì ở đâu tội lỗi gia tăng, thì ở đó ân sủng siêu bội. Cứ việc phạm tội thoải mái, vì đã sống dưới chế độ ân sủng rồi, cần gì phải lo! (x.Rm 6,1-15). Ôi! Ý nghĩ sao mà ngược ngạo.

 

Phaolô phản ứng ra sao? "Ðừng nói gở", ngài bảo thế, nghiêm khắc mà bảo. Gở, vì muốn để sự chết đội trời chung với sự sống.

 

Mức độ vô hiệu trầm trọng nhất là để mất ơn Chúa, sống trong tình trạng hoàn toàn thất sủng với Ngài. Ðó là cái chết được báo trước. Nói đúng hơn, cái chết đã đến, đã thấm nhập vào ta rồi, dù nhìn bên ngoài ta vẫn sống phây phây, phơi phới như đầy sức sống nữa là khác. Trong bài hát "Ngụ ngôn của mùa đông" của Trịnh Công Sơn, ta được nghe câu này: ". Trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan". Chính trái mìn nổ chậm là tội lỗi nơi ta đã làm tan nát đời sống ta, trước khi thân xác ta nát tan trong lòng đất.

 

Nếu quả ân sủng là khởi đầu của vinh quang, thì thất sủng là khởi đầu của án phạt. Sống trong tình trạng mất ân nghĩa với Chúa là sống như kẻ mang án phạt đời đời, cho dù ta chưa cảm nghiệm được điều này.

 

Thế nên, đừng cố chấp trong tội. Một khoảnh khắc thôi cũng đừng. Kinh Thánh nói: "Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn" (2Pr 4,26). Nhưng quan trọng hơn: Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận của Chúa chưa nguôi. Thánh Gioan Bosco đã giúp cho một cậu bé ăn năn hối lỗi bằng cách nhét dưới gối cậu mảnh giấy với hàng chữ này: Nếu đêm nay em chết thì sao?

 

Ðể khỏi làm mất ơn Chúa, không những cố gắng gìn giữ nó bằng cách xa tránh tội, khử trừ tội, mà còn biết vun trồng ân sủng, làm cho nó lớn lên trong ta. Hành vi tích cực này thật đáng quan tâm. Phúc Âm mô tả Ðức Giêsu, lúc còn nhỏ, ngày một "tấn tới thêm về. ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta" (Lc 2,52; bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn). Dĩ nhiên, với tư cách là Thiên Chúa, Ngài đã đầy tràn ân sủng rồi, còn chỗ nào đâu để tấn tới? Tấn tới là với tư cách một con người. Và đó là gương cho ta.

 

Khi suy nghĩ về ơn Thiên Chúa dành cho mình, Phaolô đã dám khẳng định: "Ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu" (1Cr 15,10). Ơn Thiên Chúa ban cho Phaolô quả không vô hiệu, khi không những ngài hăng say loan báo nó, mà còn làm cho nó phát triển trong cuộc đời tông đồ của ngài.

 

Chúng ta cũng hãy vun trồng ân sủng trong đời sống ta, cộng tác với ơn Chúa để làm cho đời sống luôn tươi đẹp, vì có ân sủng là có sự mỹ miều, nếu không phát lộ ra bên ngoài, ít nhất cũng làm nên một tâm hồn đẹp đẽ trước mặt Thiên Chúa.

 

Không làm mất ơn Chúa và biết vun trồng nó, đó cũng là cách tạ ơn làm đẹp lòng Chúa, một cách tạ ơn bằng chính nỗ lực của ta, kéo dài suốt cả đời người.

 

Trong kho tàng Thánh ca Phụng vụ, có khối bài ca tạ ơn. Truyền thống la tinh hay sử dụng bài Te Deum (bây giờ không còn mấy nơi hát. Ngay cả các linh mục cũng ít người thuộc). Thôi thì lần dò vào tuyển tập những bài hát nội địa vậy. Bài quen nhất có lẽ là bài "Ðến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa". Bài này, cũng như đa phần các bài khác, chẳng hạn bài "Xin dâng lời cảm tạ", đều khai triển những lý do tạ ơn: tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Sở dĩ tôi nhắc đến nó, phần vì nhạc dễ và tương đối nghe được, phần vì cái ý lặp đi lặp lại: đến muôn đời, muôn muôn đời, và mãi mãi. Chính là nhắc cho ta phải không ngừng tạ ơn Chúa trong suốt cuộc đời ta. Nếu còn quên nữa, chúng ta có Thánh Lễ hằng ngày là Lễ Tế Tạ Ơn. Cụ thể những lời "Tạ ơn Chúa" do chính chúng ta đọc lên (sau bài đọc lời Chúa, kinh Tiền Tụng, kết lễ) phải nhắc nhở chúng ta thực hành việc quan trọng này.

 

Làm sao cho tất cả con người và đời sống của ta, từ những ý tưởng trong tâm trí, những lời nói trên môi miệng, đến những việc chúng ta làm, tất cả là một lời chúc tụng tạ ơn dâng lên Thiên Chúa, để làm vinh danh Ngài.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà