HƯỚNG VỀ ÐỨC MARIA

MẸ CÁC MÔN ÐỆ CHÚA

 

 

Nói đến con, không thể không nghĩ đến mẹ. Chúng ta đã có nhiều suy nghĩ về người con là Ðức Giêsu, thì suy nghĩ lúc này của chúng ta là hướng về Ðức Maria, Mẹ Ngài. Ðức Maria là Mẹ Chúa, đồng thời cũng là Mẹ chúng ta. Ðàng khác, Người còn là môn đệ của Chúa. Augustinô viết: "Ðối với Ðức Maria, so với việc làm Mẹ Ðức Kitô thì việc làm môn đệ Ðức Kitô là điều đáng yêu thích hơn nữa. Ðức Maria sung sướng hạnh phúc, vì trước khi sinh hạ con mình, Người đã được mang vị Thày trong lòng dạ". Trong Thông điệp Mẹ Ðấng Cứu Thế, số 20, Ðức Gioan Phaolô II cũng viết: "Tuy là Mẹ, Ðức Maria, theo một nghĩa nào đó, trở thành người môn đệ đầu tiên của Con mình". Thế nên, dù trong tư cách là Mẹ, Người có thể giúp ta suy nghĩ và sống sâu sắc hơn vai trò của một người môn đệ Chúa.

 

Ðức Maria làm Mẹ chúng ta thế nào? Chúng ta làm con của Người ra sao? Ðó là mấy điểm vắn tắt được khai triển trong bài suy niệm này.

 

1. "Thưa Bà, đây là con của Bà" (Ga 19,26)

 

* Ðây là lời trối của Ðức Giêsu trên Thánh giá, gửi gắm Gioan cho Ðức Mẹ. Sự hiện diện ở đây và lúc này của Ðức Mẹ thật có ý nghĩa. Nó cho thấy Ðức Mẹ, dù không được các Phúc Âm đề cập nhiều lắm, vẫn có mặt ở những thời điểm then chốt trong công cuộc cứu thế của Ðức Giêsu. Mẹ có mặt trong biến cố Nhập thể. Ðương nhiên rồi, vì Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Mẹ có mặt lúc Chúa bắt đầu cuộc đời công khai, khởi sự tỏ vinh quang của Ngài (Cana). Hôm nay, Người hiện diện dưới chân Thập giá. Mai kia, Người còn hiện diện cùng với các môn đệ trong nhà Tiệc ly, chờ đợi Chúa Thánh Thần xuống.

 

Riêng về cảnh Ðức Mẹ đứng dưới chân Thập giá, chỉ có một Phúc Âm Gioan ghi lại. Theo các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm, có những phụ nữ theo Chúa lên đồi Canvê, nhưng đứng xa xa mà nhìn. Không thấy kể tên Ðức Mẹ (Mt 27,55; Mc 15,40; Lc 23,49). Riêng Gioan thì nêu đích danh Người, và cho biết Người đứng gần Thập giá. Sự kiện này chắc chắn có thật, như lời viết trong sách của ông rằng: lời chứng của ông là xác thực (Ga 21,24). Gioan lại là người trong cuộc, cùng đứng dưới chân Thập giá, tất phải biết rõ.

 

Ðiều Gioan ghi nhận, nó quan trọng như thế, sao các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm lại ơ hờ mà bỏ qua? Không ơ hờ đâu. Hẳn là có dụng ý. Nếu để ý, ta thấy các phụ nữ đứng ở đồi Canvê cũng chính là những phụ nữ sẽ chứng kiến cảnh mai táng Chúa, và cũng là những người sẽ đến mộ từ sáng sớm. Có thể ngờ rằng, vì họ là những chứng nhân đầu tiên của sự Phục sinh, nên cũng phải là những chứng nhân về cái chết của Chúa và việc an táng Ngài. Các tác giả kể tên họ ở đồi Canvê, vì sẽ kể tên họ vào sáng Phục sinh. Thế thôi. Sở dĩ Ðức Mẹ không được nói đến, vì không thể đảm nhận vai trò làm chứng Chúa sống lại (Mẹ đâu có thể làm chứng về con. Có làm chứng cũng chẳng ma nào tin!).

* Dù sao, Ðức Mẹ cũng đã đứng gần Thập giá, và nhận được lời trối của Chúa. Lời trối này có ý nghĩa gì?

 

Trước tiên, nó có một ý nghĩa trực tiếp và cụ thể, tưởng không nên bỏ qua. Dựa vào ý nghĩa này, ta có thể khám phá ra một khía cạnh trong hành trình thiêng liêng của Ðức Mẹ. Ðức Mẹ là hình ảnh của một người kiều cư trên trần gian. Người để cho Thiên Chúa đặt định mọi sự. Trong biến cố Nhập thể, khi Ðức Mẹ còn ở trong hoàn cảnh đơn chiếc, Thiên Chúa đã yêu cầu Giuse đón nhận Người về nhà mình cho có đôi (Mt 1,20). Giờ đây, cũng trong hoàn cảnh đơn chiếc, lúc Người sắp mất người Con yêu dấu, Thiên Chúa lại yêu cầu Gioan đem Người về nhà mình. Từ đầu đến cuối, Maria chỉ là người nương tựa vào Thiên Chúa, để Thiên Chúa quyết định về cuộc đời của mình. Chúng ta có dám để Thiên Chúa hành động như thế trên cuộc đời chúng ta chăng?

 

Tuy nhiên, vượt lên trên ý nghĩa trực tiếp và riêng tư này, lời trối của Chúa còn có một ý nghĩa sâu xa khác: ý nghĩa thuộc bình diện cứu độ, bình diện ân sủng, bình diện phổ quát.

 

"Ðây là con của Bà", "Ðây là Mẹ của con", những câu này trình bầy một cấu trúc thường thấy trong các bản văn của Gioan về việc mạc khải. Khi thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, Gioan Tẩy Giả đã nói với các đồ đệ: "Ðây là Chiên Thiên Chúa" (Ga 1,35-36). Một công thức minh xác sứ vụ của Ðức Giêsu. Còn Ðức Giêsu, khi thấy Natanael đến với mình, thì nói: "Ðây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối" (Ga 1,47). Lại cũng là một cách minh xác con người của một môn đệ mới. Tác giả Gioan đã dùng những công thức như vậy để trình bầy ơn gọi và địa vị của một người, trong ý định của Thiên Chúa. Lời trối của Chúa hôm nay, liên hệ đến Ðức Mẹ và Gioan, cũng có một ý nghĩa tương tự.

 

Chúa đã gọi Mẹ mình bằng "Bà". Có lần nào Chúa đã sử dụng ngôn từ như thế đối với Mẹ Ngài không? Có đấy. Chính là ở tiệc cưới Cana, khi Ðức Mẹ cho Chúa biết nhà đám hết rượu. Tiếng đó có liên hệ với Giờ của Chúa. Lúc ấy, Giờ này chưa đến. Còn lúc này, trên đồi Canvê, nó được thực hiện. Ðây cũng là Giờ Chúa chỉ định cho Mẹ mình một vai trò trong công cuộc cứu thế. Giống như ở tiệc cưới Cana, Chúa không nói theo tư cách một người con, nhưng trước hết theo tư cách một người chủ Nước Trời, chỉ định cho Ðức Mẹ vai trò mới ấy.

 

Hình ảnh Ðức Mẹ dưới chân Thập giá, với lời trối của Chúa, có thể đưa suy nghĩ của ta ngược trở lại thuở hồng hoang, thời Sáng thế. Trong vườn Ðịa Ðàng, Evà đứng bên cây trái cấm, chào thua trước cám dỗ của con rắn, khiến cho cả loài người đi vào con đường vô phúc (St 3,1tt). Trên đồi Canvê, Ðức Mẹ cũng đứng gần một cây, nhưng là cây Thập giá. Trên cây đó không phải là con rắn hay Satan cám dỗ, nhưng là Ðức Kitô bị treo lên, mà con rắn đồng của Môsê xưa biểu thị (Ds 21,49). Ngài đang làm công việc cứu thế, kéo mọi người lên cùng Thiên Chúa (Ga 12,31-32). Ðức Mẹ cộng khổ với Con, cũng là cộng tác đưa loài người trở lại con đường ân phúc.

Từ thuở tạo dựng mà đi suốt tới thời kỳ cuối cùng, ta còn thấy lời của Chúa có liên hệ với người đàn bà sinh con nói trong sách Khải huyền, chương 12. Thực ra, đúng hơn, lời của Chúa gợi nhắc điều Ngài đã từng nói: "Khi sinh con, người đàn bà lo buồn, vì đến giờ của mình" (Ga 16,21). Chính lời này ám chỉ những gì sách Khải huyền nói về người đàn bà. Người đàn bà đang trong cơn đau sinh con, trước tiên là chính Giáo Hội sinh ra những người con mới. Nhưng nếu Ðức Mẹ là khuôn mẫu và hình bóng của Giáo Hội (GH 63), thì người đàn bà đó cũng ám chỉ về Ðức Mẹ. Dưới chân Thập giá, bằng niềm tin và đau khổ của mình, Ðức Mẹ sinh ra các con cái của Giáo Hội.

 

Vậy khi Ðức Giêsu trối Gioan cho Ðức Mẹ và Ðức Mẹ cho Gioan, thì ý nghĩa phổ quát của lời trối này là gì? Ðó là: Người môn đệ ở đây không chỉ là Gioan, nhưng là người môn đệ trong tư cách là môn đệ Ðức Giêsu. Thực tế là mọi môn đệ. Ðức Giêsu trong cơn hấp hối trao họ cho Ðức Mẹ, để họ nên con của Người, và trao Ðức Mẹ cho họ, để Người nên Mẹ của họ.

 

Như vậy, lời trối một trật cũng là lời chỉ định cho Ðức Mẹ một sứ mệnh mới để thi hành, sứ mệnh làm Mẹ các môn đệ Chúa. Dưới chân Thập giá, một nữ tử Sion là Maria mất người Con một, thì lại được Thiên Chúa ban cho vô số con cái mới, không theo xác thịt, nhưng theo Thần Khí.

 

Trong Thánh vịnh 86/87, ta đọc được những câu: "Kìa xứ Philitinh, thành Tia cùng xứ Cút, tại đó kẻ này người nọ sinh ra. Nhưng nói về Sion, thiên hạ bảo: người người sinh tại đó". Phải, dòng dõi cũ của Evà sinh ra ở những miền đâu khác. Chỉ riêng ở Sion, ở đồi Canvê, một dòng dõi mới đã được Evà mới là Ðức Mẹ sinh ra. Tất cả chúng ta đều đã được sinh ra tại đó.

 

Thế, phải chăng chúng ta không "được tái sinh nhờ lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi" (1Pr 1,23)? Không phải chúng ta được sinh ra " do bởi Thiên Chúa" (Ga 1,13) hay sao? Chắc chắn là thế. Chính Ðức Kitô, trong mầu nhiệm Tử Nạn, đã sinh ra chúng ta. Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Nhưng Ðức Mẹ, nhờ kết hợp với sự đau khổ của Ðức Kitô, cũng sinh ra chúng ta theo một nghĩa khác, nghĩa tuỳ thuộc và dụng cụ. Ðức Mẹ là dụng cụ để Thiên Chúa sinh chúng ta. Việc Ðức Mẹ sinh chúng ta tuỳ thuộc việc Thiên Chúa sinh chúng ta. Tất cả hoàn toàn là do ân sủng và ý muốn của Thiên Chúa.

 

Những lời sau đây của Phaolô có thể minh giải thêm điều chúng ta vừa nói. Phaolô viết cho các tín hữu của mình thế này: "Trong Ðức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em" (1Cr 4,15), hoặc: "Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa" (Gl 4,19). Phaolô còn nói như vậy, thì nghĩ sao về Ðức Mẹ. Nếu không phải Phaolô, mà là chính Ðức Mẹ nói ra những lời đó, càng phải đúng hơn. Ðức Mẹ đã sinh chúng ta lần đầu. Lúc nào? Chính là lúc Người sinh Ðức Kitô. Người sinh Ðức Kitô cũng là sinh chúng ta, vì chúng ta được tái sinh trong Ðức Kitô, để trở thành phần thân thể của Ngài. Bây giờ, Người sinh chúng ta lần nữa dưới chân Thập giá. Khác chăng là lần sinh này không phải trong vui mừng, nhưng trong nỗi quặn đau.

 

* Người ta có thể thắc mắc: Sao Chúa không nói trắng ra sứ mệnh phổ quát của Ðức Mẹ, sứ mệnh làm Mẹ các tín hữu, mà lại chỉ định Người làm Mẹ Gioan thôi? Chắc phải có một chủ ý. Có thể nghĩ rằng Chúa muốn cho thấy rõ khía cạnh cá nhân của tình yêu nơi Ðức Mẹ. Tuy là Mẹ chung của mọi người, nhưng tình yêu của Người không phải là một tình mẹ chung chung dành cho các con. Không có thứ tình mẹ nào chung chung hết. Nó là tình yêu dành cho từng đứa con một. Ðức Mẹ yêu Gioan thế nào, thì cũng yêu từng môn đệ Chúa thế ấy. Mỗi môn đệ sẽ nhận được từ Ðức Mẹ tất cả tình thương đặc biệt mà người ta có thể nhận được từ một người mẹ.

 

Có thể kiểm chứng điều này ngay trong mối liên hệ mẹ con nơi các gia đình. Có người mẹ nào lại không yêu con? Nhưng còn hơn thế nữa, tình yêu này là dành cho từng đứa con, con lớn cũng như con bé ("Con yêu con ghét": đúng ra là thương con này hơn con kia thôi). Dù mẹ có "quen dạ đẻ cách năm đôi" (Trần Tế Xương) mà đông con đi nữa, từng đứa con vẫn được mẹ lưu tâm cách riêng, tuỳ theo điều kiện cụ thể của chúng. Liên hệ mẹ con phải là liên hệ cá nhân.

 

Nói về các chiên của mình, Ðức Giêsu bảo: "Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi" (Ga 10,14). Theo một nghĩa nào đó, liên hệ giữa Ðức Mẹ và các môn đệ Chúa cũng thế. Mẹ biết và yêu thương từng người.

* Ðây quả là một vinh dự và diễm phúc cho ta. Chúng ta có một người mẹ biết và yêu thương các con cái của mình. Biết, không chỉ là một kiến thức, như khi nghe nói về người này người nọ mà ta bảo rằng có biết người đó. Ðây là một sự biết vào sâu, một sự hiệp thông giữa hai người. Do sự hiệp thông này, Ðức Mẹ biết rõ những nhu cầu và ưu tư khắc khoải của ta. Tất cả đều mong đợi một sự đáp ứng từ phía Mẹ. Và quả thực chúng ta được đáp ứng.

 

Một chỉ dẫn trong Phúc Âm cho thấy sự đáp ứng này. Ðó là hành vi can thiệp của Ðức Mẹ tại tiệc cưới Cana. Hành vi này có ý nghĩa như sự can thiệp của một người mẹ, khi thánh Gioan (chỉ mình Gioan ghi lại câu truyện) muốn đối chiếu trình thuật này với cảnh Ðức Mẹ trên đồi Canvê, nơi Người được trao sứ mệnh làm Mẹ các môn đệ.

 

Thấy tiệc cưới hết rượu, Ðức Mẹ nói với Chúa: "Họ hết rượu rồi" (Ga 2,3). Thông tin cho Chúa chăng? Không hẳn chỉ có thế, nhưng chính là một lời thỉnh nguyện kín đáo. Khi hai bà chị của Lazarô nhờ người đi nói với Chúa: "Thưa Thày, người Thày thương mến đang đau nặng" (Ga 11,3), thì không phải chỉ là báo cáo suông về cơn bệnh của Lazarô, nhưng hàm ý xin Chúa đến chữa. Ở Cana cũng vậy. Ðức Mẹ mong đợi Chúa làm một điều gì đó, để chủ nhà khỏi hổ thẹn và thực khách khỏi cụt hứng. Một lợi ích vật chất, một điều thừa thãi hơn là một sự cần thiết, một niềm vui thế tục, cả khi người ta chưa ngỏ ý, còn được Ðức Mẹ lưu tâm đáp ứng, huống hồ là những nhu cầu thực sự và hữu ích cho đời sống thiêng liêng của con người.

 

Ðức Mẹ đáp ứng vì yêu thương chúng ta. Thực ra, tình yêu này chỉ là nối dài tới các chi thể tình yêu mà Người đã dành cho Ðầu, cũng là Con yêu dấu của Người, tức Ðức Giêsu. Tình yêu cao cả nhất, thể hiện trong hành vi cao cả nhất, là ban cho ta Ðức Giêsu, nguồn ơn cứu độ. Trước đây, ngày thụ thai, Người đã đem Chúa đến trong thế gian. Từ nay, Người tiếp tục đưa Chúa đến với ta và đưa ta đến với Chúa, giúp ta nhìn lên Ðấng bị đâm thâu, để hưởng ơn cứu độ chảy ra từ cạnh sườn Chúa. Người còn lôi kéo ơn Thánh Thần xuống cho ta, như Người đã hiệp công trong việc tuôn đổ Thánh Thần vào dịp lễ Ngũ Tuần. Trước sau, Ðức Mẹ vẫn là người ban Ðức Giêsu cho ta, nhớ quyền năng của Thánh Thần.

 

Tóm tắt mối liên hệ giữa Ðức Mẹ và chúng ta, Công đồng Vaticanô II viết: "Sau khi về trời, vai trò của Người trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Người vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu, để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Người chăm sóc những anh em của Con Người đang lữ hành trên dương thế, và đang gặp bao nguy hiểm thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời" (GH 62). Công đồng cũng không ngần ngại lặp lại những tước hiệu mà các tín hữu xưa nay vẫn nại đến khi kêu cầu cùng Mẹ: Trạng sư, Ðấng Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ, Ðấng Trung Gian (Tuy nhiên, Công đồng cũng lưu ý phải hiểu các tước hiệu này thế nào để không xúc phạm vai trò của Ðức Kitô là Ðấng Trung Gian duy nhất).

 

Cả con người của Ðức Mẹ lẫn vai trò của Người là Mẹ chúng ta quả là một sáng kiến vĩ đại của Thiên Chúa. Sáng kiến này không làm tổn hại tí nào vinh quang và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngược lại, qua Ðức Mẹ, vinh quang và lòng nhân hậu này lại được biểu lộ dưới một bộ mặt dường như thân quen hơn, gần gũi hơn, lôi cuốn hơn. Qua mẹ thì dễ đến với cha. Ấy là thói thường. Cũng vậy, nhiều người nhờ Mẹ Maria để dễ đến với Chúa.

 

2. "Người môn đệ rước bà về nhà mình" (Ga 19,27)

 

Trở lại với cảnh trên đồi Canvê. Sau khi trối Gioan cho Ðức Mẹ, Chúa tiếp tục trối Ðức Mẹ cho Gioan.

 

Ðúng ra, Chúa chẳng cần trối thêm lời này. Câu Ngài nói với Ðức Mẹ đã quá đủ. Ðủ hiểu cho Ðức Mẹ cũng như đủ hiểu cho Gioan. Tình mẫu tử thiêng liêng đã được thiết lập. Người môn đệ phải nhận ngay Ðức Maria làm mẹ. Lời của Thày, ai nào dám trái?

 

Thế nhưng, Chúa không muốn lời trối liên hệ đến hai người mà lại chỉ nói với một người, không muốn tình mẫu tử vừa thiết lập bị coi như một lệnh truyền bó buộc. Ngài muốn cả Gioan nữa cũng trực tiếp nghe một lời trối riêng. Nghe và đáp ứng. Ðáp ứng bằng cách tỏ lòng hiếu thảo thật sự với Mẹ mình, trong tình yêu mến.

 

* Từ đầu đến giờ, chúng ta vẫn gọi người môn đệ nhận lời trối là Gioan. Gọi thế là do suy nghĩ của người sau, chứ trong bản văn, tác giả chỉ nói trống: "môn đệ được Chúa yêu mến". Gioan khiêm nhường nên giấu tên, gây khó khăn một chút cho người đọc là phải mày mò xác định danh tánh. Nhưng ở một khía cạnh khác, việc giấu tên lại là một điều hay, lại được việc. Nghĩa là: ông như vượt lên trên một con người cụ thể, để trở thành một môn đệ tiêu biểu, hấp dẫn mọi người, kêu gọi mọi người đồng hoá với mình (Ga 19,35).

 

Tiêu biểu ở chỗ nào? Ở những khía cạnh này: Ðó là người có lòng tin, tin Ðức Giêsu, Ðấng được Thiên Chúa sai đến. Ðức tin nhạy bén khi thấy các dấu lạ (Ga 19,24.35; 20,8), khi được nghe các lời thiêng liêng (Ga 2,21), khi trực giác thần tính của Chúa trong cách cư xử của Ngài (Ga 21,7). Ðức tin làm cho người đó gắn bó ngày càng mật thiết hơn với Chúa, yêu mến Chúa, mà dấu chỉ là có và giữ các mệnh lệnh của Ngài (Ga 14,21). Ðó là người được Chúa yêu, được gọi là bạn hữu (Ga 15,16), được thánh hiến (Ga 17,19), chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, đồng hoá với Thày, luôn ở lại với Thày, cho tới lúc Thày chết. Những khía cạnh đó không làm nên một môn đệ lý tưởng hay sao?

 

Nhưng để được thế, nhất thiết phải làm một cuộc tái sinh. Cứ xem ngay Gioan. Không phải nhất đán mà ông trở thành một môn đệ tiêu biểu đâu. Cùng với anh là Giacôbê, các ông được Chúa đặt cho biệt danh là "con của thiên lôi" (Mc 3,17). Chắc là do tính khí, hăng hái đấy mà cũng nóng tính đấy (Tên riêng ta gán cho ai trong các anh em thường nói lên một nét gì đó của người ấy). Còn nhớ khi thày trò toan vào một làng người Samari và bị họ ngăn cản, hai thiên lôi ấy đã xin Chúa để được hành động, muốn lửa trời xuống đốt quách bọn vô đạo kia cho rồi. Dễ sợ! Thiên lôi chỉ đâu đánh đó, nhưng lần này thì hố to. Chúa đã không cho thiên lôi ra oai, mà còn mắng cho một trận cả thể (Lc 9,52tt).

 

Chưa hết. Còn cái tệ là ham quyền chức nữa chứ! Hai anh em đã chẳng xin Chúa cho được ngồi hai bên tả hữu Ngài trong nước Ngài đó sao? Và lời xin này đã làm cho các môn đệ khác đâm ghen tức (Mc 10,35-41).

 

Một Gioan như thế chắc chắn đã phải tái sinh mới có thể trở thành người môn đệ Chúa yêu.

 

Chúng ta hôm nay cũng không thể làm khác hơn. Phải tái sinh làm môn đệ đích thực, để xứng đáng có Ðức Maria làm Mẹ. Ngày xưa, nghe Chúa nói về sự tái sinh, Nicôđêmô đã lấy làm một sự thắc mắc: Sao người ta lại có thể lại chui vào bụng mẹ để sinh ra lần nữa nhỉ? (Ga 3,4). Ngày nay, chúng ta hiểu lời Chúa muốn nói gì. Hãy để Thần Khí tác sinh hành động nơi ta. Vả lại, chúng ta còn có Ðức Mẹ. Người là tạo vật tuyệt mỹ của Thánh Thần, sẽ giúp vào công việc của Thánh Thần làm cho ta. Nói theo cách của Nicôđêmô, chúng ta hãy chui vào trong tâm hồn Ðức Mẹ, để ở đó, được Thánh Thần cùng với Ðức Mẹ nắn đúc, chúng ta sinh ra thành những con người mới.

 

* Nghe lời trối của Chúa, Gioan đã rước Ðức Mẹ về nhà mình. Trước hết là về nhà thực đó. Chúa muốn Gioan làm cho Mẹ Ngài điều chính Ngài đã làm cho ông trong buổi đầu gặp gỡ. Khi ấy Gioan bỏ vị Tiền Hô mà đi theo Chúa, và được Chúa dẫn vào nhà Ngài, nhờ đó mà thành môn đệ (Ga 1,39). Nay, Gioan trả ơn Thày bằng cách đưa Mẹ của Thày về nhà mình.

 

Ðưa về nhà chỉ để phụng dưỡng chăng? Hiểu như vậy thì nông cạn quá. Ðúng ra, việc đưa Ðức Mẹ về nhà có ích cho Gioan hơn là cho Ðức Mẹ. Trong bài Tự ngôn sách Phúc Âm của mình, Gioan đã viết: "Còn những ai đón nhận Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Ga 1,12). Môn đệ đón nhận Chúa thì chỉ có lợi cho mình, vì được trở nên con của Thiên Chúa. Cũng vậy, môn đệ đón nhận Mẹ Chúa thì cũng chỉ lợi cho mình, vì được trở nên con của Mẹ. Chúng ta không thể hình dung cho hết hệ quả lớn lao của việc này. Ðược Ðức Mẹ ở bên mình ngày đêm, được nhìn gương của Người, được Người chỉ dạy, điều này chắc chắn có ảnh hưởng lớn tới đời sống của Gioan, và không thể không tác động đến công trình suy tư và trước tác của ông.

 

Tuy nhiên, đưa về sống chung dưới một mái nhà là một chuyện, sống chung có tốt đẹp hay không lại là chuyện khác. Phải có yếu tố liên kết. Có khối gia đình Việt kiều về đón mẹ từ Việt Nam sang ở cho có mẹ có con. Lúc đầu đoàn tụ vui vầy. Sau thì rắc rối, cơm không lành, canh không ngọt. Ðấy không phải là trường hợp của Gioan. Bởi ông còn rước Ðức Mẹ về nhà theo một nghĩa thiêng liêng hơn, tức rước vào tâm hồn mình. Ông đón nhận Ðức Mẹ như một báu vật, với tất cả tấm lòng yêu mến. Ðó là tình yêu mà Chúa dành cho người môn đệ. Từ đây, ông sẽ yêu mến Ðức Mẹ như Chúa đã yêu mến Người.

 

* Chúng ta hãy bắt chước Gioan rước Ðức Mẹ về nhà ta. Ðặt tượng hay ảnh Ðức Mẹ trong nhà, trong phòng, trên bàn làm việc, tốt thôi, nhưng chưa đủ. Phải đón nhận Người trong tâm hồn ta, trong cuộc đời của ta nữa kia! Và điều này mới cần thiết và quan trọng.

 

Trước hết là để Ðức Mẹ giúp cho chính cuộc đời của ta. Linh đạo của thánh Louis Maria Grignion de Montfort có thể được coi như mẫu mực, gói ghém trong công thức này: "Thực hiện mọi hành vi nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ, để thực hiện chúng cách hoàn hảo hơn nhờ Ðức Giêsu, với Ðức Giêsu, trong Ðức Giêsu và vì Ðức Giêsu". Chúng ta phó thác theo tinh thần của Ðức Mẹ, để Người thúc đẩy và dẫn dắt theo cách Người muốn. Chúng ta đặt mình trong đôi tay tinh khiết của Người, như dụng cụ trong tay người thợ, như chiếc đàn trong tay người nhạc công đại tài.

 

Phải chăng như thế là tiếm đoạt vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống ta, vì lời Sách Thánh nói ta phải để cho Thánh Thần dẫn dắt (Gl 5,18), và phải làm mọi sự trong Thánh Thần? Ðâu có. Ở đây phải xác định rõ vai trò và vị trí của mỗi bên. Thực ra, Ðức Mẹ là một phương thế ưu việt mà Chúa Thánh Thần dùng để dẫn dắt các tâm hồn, và đưa họ tới chỗ nên giống Chúa Kitô. Trung gian thụ tạo chỉ là phương tiện của Trung Gian bất thụ tạo là Chúa Thánh Thần. Lại là dịp nại tới Phaolô để hiểu điều trên. Phaolô viết cho các tín hữu Philipphê: "Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành" (Pl 4,9). Tín hữu thấy Phaolô làm thế nào thì hãy làm như vậy. Nói thế không có nghĩa là Phaolô đoạt quyền của Thánh Thần. Chẳng qua ngài nghĩ rằng noi theo ngài chính là giúp cho Thánh Thần, vì Thánh Thần đang hoạt động nơi ngài. Ðiều này cũng đúng cho Ðức Mẹ.

 

Ðón nhận Ðức Mẹ để noi gương Người, học hỏi với Người, yêu mến và tôn kính Người. Thái độ sau cùng, tức việc tôn kính Mẹ, lẽ ra được khai triển trong một đề tài riêng mới phải. Tôi chỉ gợi sơ một chút.

 

Dường như trong nhiều tôn giáo và niềm tin dân gian, các nữ thần nữ thánh vẫn được mộ mến cách riêng. Nói ngay ở Việt Nam, những Phật Bà Quan Âm, Bà Chúa Xứ (núi Sam, Châu Ðốc), Bà Ðen (Tây Ninh), Thiên Y Thánh Mẫu (Nha Trang), Bà Chúa Liễu Hạnh (Thanh Hoá, Nam Ðịnh.) Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), thu hút không những tín nữ, mà cả thiện nam nữa mới kỳ. Ðối với Ðức Mẹ thì từ xưa đến nay, bên Ðông cũng như bên Tây, các kitô hữu, thậm chí một số người ngoại, vẫn dành cho Người một sự tôn kính đặc biệt. Người kitô hữu Việt Nam cũng vậy.

 

Nhưng thành thật mà nói, lòng tôn kính này đôi khi quá đáng, ít suy nghĩ, thiếu thận trọng, có khi còn lấn át cả việc tôn thờ Chúa. Công đồng Vaticanô II nhắc rằng: "Lòng sùng kính đích thực không hệ tại chút nào trong những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở một sự dễ tin phù phiếm" (GH 67).

Công đồng muốn nói gì? Muốn nói rằng đừng tôn kính bằng thứ tình cảm ướt át, uỷ mị, theo kiểu mẹ mẹ con con, không hiểu đúng chân tính của Ðức Mẹ, và không có thay đổi nào trong đời sống. Cũng đừng tôn kính đến độ mê tín, cả tin về những lời đồn đại Ðức Mẹ hiện ra chỗ này chỗ nọ, chỉ để ý đến những cái bên ngoài mà không đi sâu vào đức tin.

 

Theo Tông huấn của Ðức Phaolô VI về việc tôn sùng Ðức Mẹ (Marialis cultus, 2.2.1974), nguyên tắc căn bản hướng dẫn việc tôn sùng này là phải quy hướng về mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội. Ngoài ra, việc tôn sùng này phải có những đặc tính: mang dấu ấn Kinh Thánh, hài hoà với phụng vụ, phản ánh mối quan tâm của Giáo Hội về sự hiệp nhất các kitô hữu, lưu ý tới những kiến thức chắc chắn của các khoa học nhân văn, đặc biệt lưu ý đến văn hoá thời đại.

 

Kết thúc phần nói về việc tôn sùng Ðức Mẹ, Tông huấn còn nhấn mạnh: "Việc tôn sùng này phải đưa đến mục đích tối hậu là tôn vinh Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dấn thân vào cuộc sống hoàn toàn phù hợp với thánh ý của Ngài (các số 25-39).

 

* * *

 

Trong 3 Tông huấn "Kitô hữu giáo dân", "Ðào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay" và "Ðời sống thánh hiến", Ðức Gioan Phaolô II đều kết thúc bằng một lời kinh dài dâng lên Ðức Mẹ. Tôi mượn đoạn cuối của lời kinh trong Tông huấn về đào tạo, đặt trên môi miệng một người môn đệ Chúa cầu nguyện với Ðức Mẹ, để kết thúc bài suy niệm hôm nay:

 

Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu Kitô

và là Mẹ các môn đệ Chúa

Mẹ đã có mặt với Người

ngay từ buổi đầu cuộc đời và sứ vụ của Người

Mẹ đã đi tìm Người

lúc Người đang giảng dạy cho dân

Mẹ đã trợ giúp Người lúc Người bị treo trên cao

Và lúc Người đã hoàn tất hiến lễ duy nhất và vĩnh tồn

Mẹ đã có Gioan ở kề bên làm con của Mẹ

Xin Mẹ đón nhận ngay từ bước đầu

những người được Chúa gọi

Xin che chở phù trì

cho sự tăng trưởng của những người con của Mẹ

Và xin đi cùng với họ

trên đường đời và đường sứ vụ của họ.

Amen

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà