THEO ÐỨC KITÔ

 

V. THEO ÐỨC KITÔ

 

Hoán cải là hướng về Ðức Kitô. Diễn tả việc hoán cải không ngừng này chính là đi theo Ngài. Theo Ðức Kitô hay không là một quyết định xác định tận căn cuộc đời và vận mệnh của ta, của từng người hoặc của cộng đồng. Phải luôn đặt lại vấn đề về quyết định này, ít ra ở những khúc quanh quan trọng của cuộc đời, hay những lúc kiểm điểm đời sống, cụ thể là mỗi dịp tĩnh tâm chẳng hạn.

 

Tuy nhiên, quyết định theo Chúa, dù cơ bản, vẫn chỉ là khởi điểm, và chỉ có trong ý muốn. Quan trọng là phải thể hiện nó trong đời sống, không phải đôi ba ngày rồi thôi, nhưng là hằng ngày và cho đến hết đời. Thể hiện bằng cách đáp ứng những điều kiện và đòi hỏi của việc theo này. Chúng ta tự mình đặt ra những điều kiện và đòi hỏi đó chăng ? Ðâu có. Chúa đã nói rồi, rải rác trong các giáo huấn được các tác giả Sách Thánh ghi lại, và ngày nay đang được tái khám phá.

 

Bài này có mục đích khiêm tốn là gợi ra ít nhiều suy nghĩ về việc theo Chúa, và những đòi hỏi đi kèm.

 

1. "Ai muốn theo tôi" (Mc 8,34)

 

Theo Chúa : một hành động hay được Phúc Âm nói tới. Có người theo vì được Chúa kêu gọi đặc biệt. Có người theo vì cảm mến, như người mù ăn xin ở Giêricô được Chúa cho sáng mắt (Lc 18,35-43). Cũng có nhiều đám đông theo Chúa, vì nhận ra Ngài là một tôn sư chưa từng thấy. Tân Ước còn gọi các kitô hữu là môn đệ, tức là những người theo Chúa. Như vậy, có nhiều cách theo, với những động cơ và mức độ khác nhau. Thế nên phải hiểu chính xác ý nghĩa của việc theo Chúa như thế nào, để áp dụng cho chúng ta ngày hôm nay.

 

* Trước hết, có thể nhận ra ý nghĩa nguyên thuỷ của việc theo Chúa trong các trình thuật cề việc Chúa gọi các môn đệ. Lấy thí dụ trình thuật trong Mc 1,16-20. Trên bờ hồ Giênêsarét, Chúa gọi Simon và Anrê: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". "Theo" tiên vàn có nghĩa là đi sau ai. Theo Chúa là đi sau Chúa, theo bước chân Ngài, luôn ở với Ngài (Mc 3,14), cộng tác với Ngài, làm chứng về những điều Ngài đã làm. Vì Simon và Anrê, cũng như Giacôbê và Gioan, là những ngư phủ chuyên nghiệp, Chúa sẽ biến họ thành những ngư phủ chuyên nghiệp kiểu khác. Trước đây là ngư phủ lưới cá, từ nay là ngư phủ lưới người.

 

Tác giả Máccô có dụng ý khi đặt trình thuật ngay đầu sách Phúc Âm của mình. Có cả một thần học về cách theo Chúa. Khởi đầu là sáng kiến của Chúa. Ngài nhìn và gọi họ. Gọi họ đi sau Ngài. Ðấy là nội dung của lời mời gọi. Ðể làm gì? Ðể thành những kẻ lưới người. Ðáp lại sáng kiến này của Chúa là thái độ rất gương mẫu của những người được gọi. Họ từ bỏ gia đình, nghề nghiệp và theo Chúa, đi vào hiệp thông với Ngài. Một việc tiêu cực (bỏ) và một việc tích cực (theo). Cả hai việc xẩy ra tức khắc : bỏ ngay và cũng theo ngay. Ðiều này nói lên một thái độ quảng đại và dứt khoát nơi cả 4 môn đệ đầu tiên.

 

Chúa cần những con người có thái độ như thế, vì Ngài đang làm một công việc quan trọng là quy tụ mọi người, để khi nghe sứ điệp của Ngài, người ta có thể đi vào Nước Trời và được cứu. Tất cả đều phải nghe sứ điệp này, tin vào Ðức Kitô, hết lòng hướng về Chúa. Nhưng chỉ có một nình Chúa thì làm sao có thể thực hiện công trình lớn lao như thế, cho dù Ngái có giảng dạy ở nhiều nơi : bên bờ hồ, tại tư gia, trong hội đường, trên núi, ngay cả trong các cuộc tranh luận với nhóm Biệt phái và Luật sĩ. Cần có những con người đi theo để tiếp tay. Có thể thấy rõ điều này trong việc Chúa sai các môn đệ đi thực tập truyền giáo (Mc 6,7-17).

 

Dĩ nhiên, trong đám đông, cũng có những người tin, những người theo, những người đáp ứng. Nhưng cách theo chung chung của họ khác xa với cách theo của những người được kêu gọi đặc biệt để trở nên môn đệ. Những người này, khi theo Chúa, còn phải chấp nhận những đòi hỏi gắt gao của Chúa dành cho họ. Phải từ bỏ hết : gia đình, của cải, tham vọng, danh giá, quyền lực.

Vậy trước lời Thiên Chúa mời gọi, trước giờ cứu độ đã điểm, mọi người đều phải đáp ứng. Nhưng chỉ có các môn đệ được Ðức Giêsu kêu gọi riêng mới đi theo Chúa cách đặc biệt. Và chính hành động này làm nên ý nghĩa nguyên thuỷ của việc đi theo Chúa.

 

* Ý nghĩa nguyên thuỷ này, cùng với lời mời gọi của Ðức Kitô, sớm được Giáo Hội sơ khai nới rộng tới mọi tín hữu. Giáo Hội nghĩ rằng Chúa Giêsu, dù đã vinh hiển, vẫn tiếp tục gắn bó với các người thuộc về mình. Không chỉ với các môn đệ đầu tiên, nhưng là với mọi người tin vào Ngài mà trở thành môn đệ của Ngài.

 

Quả thực, các tín hữu được gọi là môn đệ (x.Cv 6,21), tức cũng là những người theo Chúa. Thế nên, điều ngay từ đầu chỉ dành cho một số người thân tín và trung thành nhất, cho bầy chiên nhỏ (Lc 12,32), thì giờ đây được áp dụng cho các tín hữu mới.

 

Ðối với tác giả Gioan, theo Chúa là những ai tin Chúa. Gioan liên kết ý tưởng theo Chúa với lời Chúa mời gọi người ta tin (Ga 8,12; 12,35tt). "Theo" không còn là "đi sau" Chúa như nghĩa gốc, nhưng với nghĩa bóng là gắn bó với Chúa bằng tinh thần, tức là tin. Nói đúng ra, người tín hữu vẫn còn đi sau Chúa trên con đường mà Ngài đã đi qua, nhưng họ sẽ lên sau Chúa và cùng với Ngài. "Lên" là một khía cạnh mới. Lên tới đâu ? Tới trời, vì Ngài là ánh sáng từ trời soi chiếu thế gian (Ga 8,12); vì Ngài được đưa lên cao, giờ đây lôi kéo người ta lên với Ngài (Ga 12,32).

Thánh Phaolô thì không dùng từ "theo". Nhưng đối với vị Tông Ðồ này, tất cả đời sống kitô giáo là một đời sống với Chúa Kitô. Ðó chính là theo Chúa. Theo, và phải gắn bó mật thiết nữa. Chỉ có thể theo trong sự hiệp thông với Ðức Kitô, hiệp thông trong tình huống cụ thể của ngày hôm nay. Thế mà trong tình huống này, quyền lực sự dữ luôn ra oai tác quái, và chúng ta còn là những người lữ hành đang chiến đấu vất vả. Cho nên phải cùng với Chúa thực hiện lại lộ trình của Chúa, là qua Thập giá để tới Phục sinh, qua đau khổ tới vinh quang.

 

Cũng Giáo Hội sơ khai còn gán thêm yếu tố "bắt chước" vào ý tưởng theo Chúa. Người môn đệ phải phục vụ theo gương Chúa (Mc 10,34tt), phải rửa chân cho các anh chị em theo gương Chúa (Ga 13,14). Phải bắt chước Phaolô như Phaolô đã bắt chước Chúa Kitô (1Cr 11,1). Ðặc biệt, sự đau khổ và sự chết của Chúa có một ý nghĩa gương mẫu mà người môn đệ phải bắt chước. Tuy nhiên, như đã nói ở bài trước, bắt chước không phải là sao chép thuần tuý. Việc Chúa rửa chân cho các môn đệ chẳng hạn chỉ là để nêu gương, không nhất thiết phải làm lại y như vậy.

 

* Những ý nghĩa trên đây có thể giúp chúng ta hiểu thế nào là theo Chúa ngày hôm nay. Tôi gợi một vài ý :

 

Chúng ta chỉ có thể theo Chúa trong sự hiệp thông với Ðức Kitô, kết hợp mật thiết với Ngài nhờ ân sủng. Theo Chúa là một đòi hỏi phát xuất từ chính thực tại của ta là "ở trong Ðức Kitô". Ðây cũng là ý nghĩa của đoạn văn nổi tiếng trong thư Philipphê. Sau khi khuyên các tín hữu hiệp nhất với nhau trong sự khiêm nhường và quên mình, Phaolô xen vào bài ngợi ca Ðức Kitô đã hạ mình, để rồi được Thiên Chúa siêu tôn (Pl 2,1-11). Ở đây, Phaolô không tiên vàn cho thấy Chúa như một mẫu gương để bắt chước, mà còn , và nhất là còn, như một người đi trước, một hướng dẫn viên trên con đường do Thiên Chúa chỉ định. Con đường này cũng chính là con đường ta phải đi, vì ta kết hợp với Ðức Kitô. Cũng như Ðức Kitô, khi vâng phục Chúa Cha, đã đi vào con đường của mình với tư cách một người tôi tớ, thì chúng ta đi trên đường này cũng phải là những tôi tớ phục vụ vô vị lợi.

 

Thế cho nên người ta hay nói Sequela Christi (Theo Ðức Kitô), chứ ít khi nói Sequela Jesu (Theo Ðức Giêsu). Giêsu chỉ là tên nhân loại, mặc dù có nghĩa là Thiên Chúa cứu, nhưng là tên chung có thể đặt cho bất cứ ai. Còn Kitô mới là tước hiệu cứu thế đích danh, tước hiệu dành riêng cho một vài hạng người, đặc biệt cho Ðức Giêsu. Theo Ðức Kitô là đi vào con đường cứu thế, con đường phục vụ.

 

Ðể làm được điều trên đây, cần suy nghĩ và củng cố sự kết hợp của ta với Chúa. Nói cho cùng, cần củng cố đức tin, vì chúng ta "nhờ lòng tin mà được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn" (Ep 3,17). Sự kết hợp của ta với Ðức Kitô bén rễ trong đức tin của ta.

 

Theo Ðức Kitô hôm nay cũng là theo con đường riêng mà mỗi người được Thiên Chúa kêu gọi vào. Có thể là con đường đi giữa trần gian, với những nhiệm vụ thuộc gia đình, xã hội, Giáo Hội. phải đảm nhận, với những liên đới cụ thể hằng ngày với bao nhiêu thứ người. Có thể là con đường ngăn cách hơn với thế giới bên ngoài, tận hiến đời mình hơn cho Thiên Chúa và cho ơn cứu độ của con người.

 

Hơn nữa, dù theo bất cứ con đường nào, chúng ta còn có một vận mệnh riêng mà Thiên Chúa chỉ định cho mỗi người. Từng người chúng ta cảm nghiệm vận mệnh của mình như một cái gì có tính cách cá nhân, liên hệ tới riêng ta, và phải đi tới cùng. Trong đức tin, chúng ta đảm nhận nó bằng cách theo Ðức Kitô, Ðấng ở trần gian đã đi qua con đường khổ ải, nhưng luôn nhắm tới đích, và thật sự đã đạt tới đích. Như vậy, việc theo Ðức Kitô trở thành một ý tưởng thấm nhiễm tất cả cuộc đời của ta, giúp ta chiến thắng mọi trở ngại, để cũng sẽ đạt tới đích.

 

Khi đi sau Chúa, việc quan trọng nhất không phải là bắt chước cách sống và hành động của Chúa. Chúng hoàn toàn là riêng của Ngài. Chúng đã thuộc về một thời điểm của lịch sử. Ði sau Chúa là để Ngài định hướng cho ta. Có thể thấy một định hướng tổng quát trong lời Chúa nói: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống" (Ga 8,12). Ði theo ánh sáng của Chúa là có sự sống, có hạnh phúc, có sự phù hộ của Thiên Chúa, có niềm vui, có sự công chính thánh thiện, có sự khôn ngoan hiểu biết. Ðó là những đặc tính của sự sáng. Ðức Kitô có những đặc tính đó, và là nguyên nhân của những đặc tính đó cho những ai tin, tức là những kẻ theo Ngài.

 

Sự định hướng cơ bản của ta hướng về Ðức Kitô còn quan trọng hơn là những cách biểu hiện bên ngoài và cách sống cụ thể. Tuy vậy, trong vấn đề này, Ðức Kitô cũng dạy chúng ta những cách đáp ứng cụ thể, có tính cách quyết định, nhất là lời Ngài dạy ta phải "yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương ta" (Ga 13,34).

 

2. "Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình"

(Mc 8,34)

 

Người theo Chúa phải chấp nhận những đòi hỏi của Chúa. Ðây là những điều kiện cần thiết để có thể chu toàn trách nhiệm của một môn đệ.

 

* Trước hết, phải từ bỏ chính mình. Hành vi này bao hàm nhiều khía cạnh. Có thể kể :

 

- Từ bỏ những liên hệ thân thiết nhất, là liên hệ gia đình. Chúa nói :"Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,26). Ðộng từ "dứt bỏ" ở đây dịch cho sát phải là "ghét". Nghe phũ phàng qúa! Một điều kiện quá đáng chăng ? Hẳn cũng có môn đồ nào đó lẩm bẩm, như đã lẩm bẩm khi nghe Chúa giảng về Bánh ban sự sống: "Lời này chướng tai quá. Ai mà nghe nổi ?" (Ga 6,60). Thực ra, như đã thấy trong Cựu Ước (St 29,31.60), động từ "ghét" không có nghĩa như ta quen hiểu, mà chỉ là yêu ít hơn. Tác giả Matthêu đã hiểu như thế, nên đã ghi lại lời Chúa như sau :"Ai yêu cha mẹ. con trai hay con gái hơn Thày thì không xứng với Thày" (Mt 10,37). Vậy phải yêu Thiên Chúa hơn những người thân thuộc. Phải đặt những đòi hỏi của Chúa trên những mối liên hệ gia đình. Người đã đáp lời Thiên Chúa mời gọi không được coi những mối liên hệ này ưu tiên hơn lời mời gọi.

 

Bình thường thì chúng ta (cho dù là người đi tu đã rời xa gia đình đi nữa) vẫn có mối liên hệ mật thiết với những người ruột thịt, vẫn có ít nhiều bổn phận đối với họ, nhất là bậc sinh thành, như điều răn thứ IV dạy. Nhưng nếu có sự đối kháng giữa quyền lợi của Thiên Chúa và quyền lợi của gia dình, quyền lợi sau phải nhường bước. Nếu liên hệ gia đình cản trở vai trò làm môn đệ của ta, chẳng hạn gia đình ngăn cản tôi đi tu thì sao ? Phải theo tiếng gọi của Chúa hơn. Phanxicô Assisi đã làm như thế đó, đã cắt đứt liên hệ, thậm chí bằng cách trút hết áo quần để lại nhà. (Hay như truyện ông Alêxù, trước đây rất phổ biến, qua truyện thơ do tu sĩ Hoàng Diệu soạn. Alêxu bị cha mẹ ép lấy vợ, nhưng anh lại muốn dâng mình cho Chúa nên phải trốn khỏi nhà. Một thời gian rất lâu sau, Alêxù trở về mái nhà xưa. Chẳng còn ai nhận ra nữa, bèn xin làm người gác dan "Ở lặng chân thang, Mười bẩy năm tràng, Trăm đàng khổ sở, Trông thấy mặt vợ, Những thẹn cùng e. ").

 

Theo một kiểu nói của Cựu Ước, Chúa là Thiên Chúa cả ghen. Ngài không chấp nhận ta yêu bất cứ ai hay bất cứ sự gì hơn Ngài.

 

- Từ bỏ của cải. Theo Lc 14,33 Chúa nói lên điều kiện này khi đưa ra hai dụ ngôn : một dụ ngôn về người xây nhà, một dụ ngôn về ông vua đi đánh giặc. Người muốn xây nhà phải có tiền. Ông vua muốn thắng kẻ địch phải có bộ máy quân sự hùng mạnh. Từ đó, kết luận tưởng sẽ là : người muốn đi theo Chúa cũng phải có cái này cái nọ. Sai bét ! Hoàn toàn ngược lại. Trong cuộc sống bình thường của người đời, "có" là điều chủ yếu. Trong cuộc sống của người môn đệ, "không có" là điều chủ yếu. Phải từ bỏ cái có, vì họ có Ðức Kitô là tất cả. Ngài phải là tất cả cho họ.

 

Tuy vậy, chúng ta cũng biết : Chúa không đòi hỏi việc từ bỏ của cải như một luật chung đâu. Các môn đệ Chúa cũng không hiểu nó như một điều buộc mọi người phải làm như nhau đâu. Cứ xem các ngưòi của gia đình Bêtania thì biết : Họ đâu có nghèo, đâu có bỏ nhà cửa. Hay Giuse Arimathia, một môn đệ âm thầm, sau đã mua mộ táng xác Chúa : không có tiền là gì ? Hoặc gia đình của chính Simon Phêrô ở Capharnaum : nếu không có của, làm sao trở thành một trung tâm hoạt động truyền giáo của Chúa được ? Thật ra, lời Chúa mời gọi từ bỏ của cải chỉ có giá trị cho những con người cụ thể nào đó, và luôn liên hệ với tình huống cụ thể của người đó. Chẳng hạn Chúa đã đòi hỏi như thế với chàng thanh niên giầu có đến xin làm môn đệ (Mc 10,21). Chúng ta hẳn nhớ kết cục câu truyện ra sao.

Dầu sao, theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Người ta không thể đi vào đó với quá nhiều hành trang cồng kềnh, vướng víu. (Phải biết bỏ bớt thì mới dần dần thành hoàn thiện. Giống như một người tạc tượng. Không phải là thêm vào, nhưng là đục bỏ chỗ này chỗ nọ của khối đá hay khúc gỗ. Cuối cùng mới được một pho tượng. Cho nên, nhà điêu khắc vĩ đại Michelangelo, tác giả bức tượng trứ danh Pietà, mới nói: "Tôi chỉ bỏ đi những gì che giấu bức tượng đẹp". Có điều, nhà điêu khắc hơn chúng ta ở chỗ biết bỏ đi cái gì. Còn chúng ta, người không biết tạc tượng, cái đáng bỏ lại không bỏ, cái không đựoc bỏ lại đẽo đi. Cuối cùng chỉ còn là bức tượng méo xẹo, chẳng giống con giáp nào). Theo Chúa là chấp nhận một cuộc sống mới, một cuộc sống không được bảo đảm bằng của cải trần gian. Như chính Chúa, mà cả một nơi tựa đầu thường xuyên cũng không có (Lc 9,58).

 

- Từ bỏ chính mình. Từ bỏ những điều kiện của con người thuần tuý tự nhiên, với những mộng mơ, bản năng kiêu sa, ham sống, thích địa vị. Ngay cả những gì không xấu đi nữa, nếu cần, cũng phải từ bỏ. Phaolô là con người nhiệt thành với Lề luật, thông minh, đa tài. Chẳng tốt đó ư ? Vậy mà ngài đã nói: "Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Ðức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi còn coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô, và được kết hợp với Người" (Pl 3,7tt). Ðúng vậy. Ðể thuộc về Ðức Kitô, để là môn đệ Ngài, phải kể mọi sư khác của ta như đồ bỏ, như phân bón.

 

Có thoát ra ngoài cái kén, con sâu cam mới có thể là con bướm sặc sỡ. Có vượt qua điều kiện của con người thuần tuý tự nhiên, mới có thể có đời sống mới của một người đi theo Chúa. Khi ấy, cả hồn xác, mọi tâm tư, ý nghĩ, ước muốn, tình cảm. được hiến trọn cho Ðức Kitô. Khi ấy, dù ta vẫn sống trong thân xác, nhưng chính là Ðức Kitô sống trong ta (Gl 2,20). Khi ấy, Ngài là Thày sẽ trở nên chủ mọi sinh hoạt của ta là môn đệ.

 

Nhân nói về sự từ bỏ, trộm nghĩ cần lưu ý điểm này : Phải phân biệt sự từ bỏ bên trong với những hình thức từ bỏ bên ngoài.

 

Từ bỏ bên trong có tính cách tuyệt đối. Một tâm hồn muốn theo Chúa không thể vấn vương quyến luyến bất cứ cái gì cản trở hay làm trì hoãn bước tiến của mình. Lại là dịp để nhớ tới câu nói bất hủ của thánh Gioan Thánh Giá: "Tâm hồn cũng như con chim sẻ, bị ràng buộc bởi dây thừng hay sợi chỉ, không quan trọng. Dây nào cũng thế thôi. Ðã bị buộc thì không thể có chuyện bay bổng lên cùng Thiên Chúa được". Do đó, phải có ý muốn từ bỏ mọi sự. Theo Luca, khi kêu gọi các môn đệ, Ðức Giêsu luôn đòi họ từ bỏ mọi sự (Lc 11,28; 18,22. ). Chúng ta hôm nay phải có ý muốn như thế. Có nó là có tự do. Và nó sẽ chắp cánh cho ta bay cao. Không có nó thì không hy vọng gì theo Chúa đích thực và lâu dài.

Tuy nhiên, trong những hình thức thực hiện bên ngoài, nhất là trong việc sử dụng tiền bạc của cải, tính cách tuyệt đối không còn nữa. Ở đây, vấn đề chỉ là tương đối. Từ bỏ gì, giữ lại gì, sử dụng ra sao, với mức độ nào, là tuỳ sự khôn ngoan cân nhắc của mỗi người, nếu cần thì hỏi ý kiến, sao cho phù hợp với điều kiện của mình hoặc của cộng đồng.

 

* Vác thập giá của mình. Ði theo Chúa là đi vào con đường thập giá. Ðức Giêsu có thập giá của Ngài. Ta có thập giá của ta. Ðối với những môn đệ đầu tiên thì thập giá hẳn là cái chết vì đạo, như chính Thày của họ đã tử đạo trên thập giá. Ðối với ta hôm nay, thập giá có vô số loại, thiên hình vạn trạng, và có hằng ngày. Vì vậy, theo Luca 9,23, Chúa dạy phải vác thập giá của mình hằng ngày.

 

Ai nấy đều có thập giá hết, bất kể ở địa vị nào, bất kể sống trong bậc nào. Người thế gian thường cho người đi tu là sướng ("Tu là cõi phúc tình là dây oan"). Tiếc rằng, nhận định của họ chỉ dựa vào một vài cách biểu hiện bên ngoài (hiền lành, đẹp đẽ, được kính nể, không phải vất vả.). Có biết đâu rằng thập giá cắm ở mọi chỗ, mọi người, như hình tượng thập giá vẫn được treo khắp nơi

 

Vác thập giá là hy sinh. Có thể là một sự từ bỏ. Cò thể là một sự chấp nhận. Từ bỏ những đòi hỏi của con người cũ nơi ta. Từ bỏ những liên hệ về gia đình hay tiền của như đã nói ở trên, đó là vác thập giá. Vác thập giá còn là chấp nhận những gì làm nên khổ giá hằng ngày cho ta. Ðó là những khó khăn của cuộc đời, những lo toan vất vả, những công việc bổn phận buồn chán, những điều gây phiền hà bực bội. Thiếu gì ! Hơn nữa, không chỉ là cam chịu thập giá, mà, can đảm hơn, đưa tay ra đón nhận mà vác lấy (Nói vậy nhưng cũng còn tuỳ. Có những đau khổ không cần thiết, tránh được vẫn hơn).

 

Thành thật mà nói, đối với con người xác thịt của ta, vác thập giá, nhất là vác hằng ngày, e rằng khó. Thói thường, trước những khó khăn đau khổ xẩy ra trong đời, ta hay than van, tả oán, kêu khổ. Thậm chí có người còn nghĩ mình khổ hơn Chúa. Thập giá của mình còn nặng hơn thập giá của Chúa. Trời đất ! Chính Ðức Giêsu đâu có coi thập giá của mình là nhẹ. Thập giá luôn là một cực hình, cho cả thể xác lẫn tinh thần. Không có thập giá nếu không có phanh thây. Không có thập giá nếu không có tủi nhục. Trong xã hội Rôma, đó là hình phạt ghê gớm nhất dành cho những phần tử nổi loạn. Chúa đã run rẩy, mướt mồ hôi máu khi nghĩ đến nó. Cho dù Phục sinh có gắn liền với thập giá, thì thập giá không vì vậy mà nhẹ hơn. Sau khi Chúa sống lại, các vết thương còn hằn in trên tay chân và cạnh sườn Ngài (Ga 20,27). Trên trời, Chiên Con vẫn mang dáng dấp của một con chiên đã bị tế sát (Kh 5,6). Trước sau, thập giá vẫn là một sự điên rồ trước mắt thế gian.

 

Cái nặng nề của thập giá không phải ở chỗ Chúa vác nó trong một ngày một buổi. Nếu chỉ có thế thì, xin lỗi, chắc chúng ta vác cũng được. Nhưng đó là cái nặng nề trong tâm hồn Ngài. Với đau khổ này, không một đau khổ nào của chúng ta có thể sánh nổi. Ngay cả đau khổ của nhân loại xưa nay cộng lại cũng không sánh nổi. Thế mà Chúa đã chấp nhận vác nó, yên lặng vác nó như con chiên bị đem đến lò sát sinh (Is 53,7). Không kêu ca, không giải thích. Vác, vì vâng phục và yêu thương.

 

Chúa đã đi trước ta và mời gọi ta. Chúng ta sẽ có can đảm vác thập giá của mình, khi biết rằng - theo lời một thi sĩ Ba lan mà Ðức Gioan Phaolô có nhắc đến trong cuốn Entrez dans lespérance - "chúng ta không theo Chúa bằng cách vác thập giá của Ngài, nhưng chúng ta theo Chúa là Ðấng vác đỡ thập giá của ta" (Cyprian Norwid).

 

 

Có lần Chúa nói: "Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống" (Mt 7,14). Theo Chúa là đi qua cửa này, đi vào đường này. Không phải là con đường nhung lụa. Không phải là con đường phủ hoa hồng. Hoa hồng chỉ có ở cuối một đoạn cành đầy gai góc. Ðó là con đường hẹp. Hẹp, nhưng không phải đường cùng, trái lại, nó dẫn tới sự sống. Sự sống đã có sau thập giá của Chúa, khi Ngài đi hết con đường của mình. Nó cũng thấp thoáng sau thập giá của ta. Ðó là điều làm ta hy vọng, cảm thấy phấn chấn khi theo Chúa. Chúng ta hiểu rằng những từ bỏ, hy sinh.., tuy một cách nào đó làm ta chết dần chết mòn, nhưng chết đó không phải là vô ích, không làm cho ta tiêu vong. Có chăng là làm tiêu vong con người chỉ biết sống cho mình ở nơi ta, để trở thành con người sống cho Chúa.

Ðối lại với con đường hẹp này là con đường thênh thang, con đường dẫn tới sự chết.

 

Sống và chết, đúng là "Thiên đàng hoả ngục hai bên", như một bài trẻ con hay hát. Chúng hát tiếp rằng: "Ai khôn thì lại ai dại thì qua" (hoặc: "Thiên đàng hoả ngục hai quê, Ai khôn thì về ai dại thì sa"). Lời Chúa hoặc câu hát này có thể là dịp giúp chúng ta xác định lại sự lựa chọn của mình. Chúng ta muốn là người khôn đi vào con đường hẹp, là con đường theo Chúa để được sống, hay thích là người dại đi vào con đường rộng để phải chết ?

 

Khi nói về những con đường này, Chúa còn báo trước một điều khiến chúng ta không thể không suy nghĩ : Chỉ có ít người đi vào con đường hẹp thôi (x.Mt 7,14). Mong rằng chúng ta muốn và luôn thuộc vào số ít người đó.

 

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà