TIN ÐỨC KITÔ

 

 

VI. TIN ÐỨC KITÔ

 

Ðức tin là bước đầu để đến với Ðức Kitô và sống mầu nhiệm của Ngài. Ðó cũng là nguyên lý và trọng tâm của đời sống kitô giáo. Nó muốn nói lên rằng chúng ta đi theo chân lý và công nhận Ðức Giêsu là "Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16), là Ðấng, bằng cả cuộc đời, sự chết và sự sống lại của mình, đã đem đến cho con người ơn tha tội, sự công chính hoá và Thần Khí. Ngài là Chúa và là Ðấng Trung Gian duy nhất. Nhân danh Ngài, con người có thể tìm thấy ơn cứu độ. Lời rao giảng của các Tông Ðồ và các sách Phúc Âm nhắm tới điểm đó, khơi giục, thanh tẩy và củng cố đức tin của ta vào Dức Kitô, Con Thiên Chúa, để khi tin thì có sự sống nhờ danh Ngài. Ðấy là mấy nét chủ yếu về đức tin cần được nhắc lại.

 

Vì phạm vi của đức tin quá rộng, cả về đối tượng nội dung (fides quae) lẫn về sự đáp ứng của ta (fides qua), trong một bài hạn chế, tôi chỉ khai triển một vài điểm của cả hai khía cạnh trên đây, để chúng ta cùng nhau suy niệm (Ngoài ra, còn khai triển hay nhấn mạnh thêm, rải rác trong các bài khác).

 

1. "Thày là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống"

(Mt 16,16)

 

* Chúng ta quá rõ câu tuyên tín trên đây là của ai, trong bối cảnh nào. Bối cảnh là lúc Chúa và các môn đệ đang ở địa hạt Cêsarêa Philipphê, và đã đi hết nửa chặng đường truyền giáo. Còn câu tuyên tín là của Phêrô, tuyên xưng thay mặt các anh em, lúc được Chúa hỏi xem các ông nghĩ Ngài là ai.

 

Tuy nhiên, trước đó, để chuẩn bị cho lời tuyên tín này, và cũng để làm nổi bật lời tuyên tín này, Phúc Âm cho biết Chúa đã dò hỏi nơi các môn đệ xem dân chúng nghĩ thế nào về Ngài. Ðây là những cách đánh giá khác nhau của dân chúng : Ngài là Gioan Tẩy Giả : chính Herođê và các cận thần nghĩ như vậy, cho Ngài là Gioan Tẩy Giả tái sinh, do đó mới làm được nhiều phép lạ (Mt14,2); Ngài là Êlia: dựa vào lời ngôn sứ Malaki (3,1), người ta tưởng Ngài là sứ giả dọn đường cho Ðấng Cứu Thế. Sứ giả này chính là Êlia (Ml 3,23); Ngài là Giêrêmia: ngôn sứ này ngày xưa bị bách hại. Ðức Giêsu cũng không khá hơn. Vì vận mệnh giống nhau giữa hai người, nên có người đồng hoá Ngài với Giêrêmia.

 

Nói chung, dân chúng nghĩ Chúa là một ngôn sứ. Nhưng chính điều này chứng tỏ họ không biết Chúa như Ngài muốn. Quả thực, Ngài không phải là ngôn sứ theo nghĩa quen hiểu. Ngôn sứ thì bởi dưới đất, còn Ngài đến từ trên cao (Ga 3,31). Ngài là Ðấng mọi ngôn sứ làm chứng (Cv 3,18). Trí óc nhân loại có thể phát minh ra tia laser xuyên thủng mọi vật, nhưng không một trí óc nào có thể chọc thủng mầu nhiệm Ðức Giêsu, vừa là Con loài người vừa là Con Thiên Chúa. Ðây là một sự mới mẻ triệt để, cho thấy vì sao Chúa ở trên một cấp khác hẳn với những Gioan Tẩy Giả, những Êlia, những Giêrêmia. Chỉ người nào được Chúa Cha mạc khải mới nhận ra sự mới mẻ này mà thôi (Mt 16,17).

 

* Người đương thời đã nghĩ sai hay thiếu sót về Chúa. Hai ngàn năm sau cũng không thiếu những người nghĩ sai hay thiếu sót về Chúa, với những nhận định khác nhau còn hơn người xưa nhiều. Có người nói như các môn đệ thuở đầu thấy Chúa đi trên mặt nước, vào một đêm không trăng không sao: Ma đó (Mt 14,26). Nói theo ngôn ngữ thời đại thì Ðức Giêsu là một huyền thoại, do trí tưởng tượng của con người bày đặt. Có người coi Ngài cũng chỉ là một con người, nhưng là một nhân vật xuất chúng, một con người đạo đức, thánh thiện, đáng kính, có những lời giảng dạy làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống. Nhân tính được tôn dương. Thần tính bị lu mờ hoặc không được biết đến. Rốt cuộc, Chúa chỉ còn được coi như một vị thánh (thánh không theo nghĩa của ta, nhưng theo quan niệm của người đời), chứ không phải là Chúa nữa.

 

Từ một Ðức Giêsu được đánh giá như vậy, người ta rút ra những khía cạnh trong cuộc đời và giáo lý của Ngài để phục vụ cho lối sống, quan điểm chính trị, xã hội, luân lý. của mình.

 

Ðan cử một hiện tượng : Những người lớn tuổi hẳn còn nhớ phong trào Hippie phát sinh ở Mỹ vào cuối những năm 60, sau đó lan rộng hầu như trên khắp thế giới. Những người trẻ của thế hệ "beat" lao đầu vào ma tuý và tình dục, trông như ma lem, thấy mà phát sốt, bỗng dưng được lôi cuốn hướng về Ðức Giêsu, với những khẩu hiệu kêu gọi đón nhận Ðức Giêsu, và làm cuộc cách mạng tình dục (Phương châm dựa vào câu của thánh Augustinô nhưng được hiểu bậy hiểu bạ : Cứ làm tình đi và làm điều bạn muốn), với những bài hát và kịch tuồng ca ngợi Ðức Giêsu là thần tượng, là siêu minh tinh (Jesus Superstar), tô vẽ trên áo quần và thân thể những cánh hoa sặc sỡ, xen lẫn với chữ Giêsu và ảnh Thánh giá (nay, đeo Thánh giá cũng là một mốt thời thượng, đặc biệt ở các tài tử, ca sĩ, người mẫu thời trang).

 

Có thể nhận định một cách tổng quát thế này về cái gọi là "Cuộc cách mạng Giêsu": Ðức Giêsu là một yếu tố phát động trong cuộc sống của nhiều người trẻ. Những người này coi Ngài như một lý tưởng sống, một thực tại sống động và giải phóng. Nhưng hình ảnh Ðức Giêsu mà họ đưa ra thực khác xa với những gì truyền thống trình bày. Tiếc thay! (Hết phong trào Hippie, đến thập niên 80, lại xuất hiện phong tràp Yuppie, với quần jean, tóc dài, xách kè kè máy tính bỏ túi ! Thập niên 90 lại có đợt sóng mới của phong trào trẻ Zippie, kết hợp lối sống không xem nặng hình thức của Hippie với sự đam mê công nghệ hiện đại của Yuppie)

 

* Thế còn chúng ta, nghĩ Ðức Giêsu là ai đây ? Nếu được Chúa hỏi, chúng ta cũng phải trả lời như Phêrô thôi: "Thày là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Ðó là lời tuyên tín của ta. Tin, cơ bản là tin vào một con người. Con người này là Ðức Giêsu. Nhưng chúng ta phải rõ Ngài là ai, để đáng cho chúng ta tin, và tin cho chính xác. Khi viết sách Phúc Âm, tác giả Gioan cũng nhằm nói với chúng ta như thế: "Những điều được chép ra ở đây là để anh em tin rằng: Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa" (Ga 20,31).

 

Trước hết, Ðức Giêsu chính là Ðấng Kitô. Dựa vào một vài bản văn Cựu Ước (St 49,10 ; Ds 24,17 ; 2Sm 7 ; Tv 2,72. ), người Do thái cho rằng Ðấng Mêsia hay Kitô là ông vua được loan báo trong những bản văn đó. Quả thực, người Do thái hằng mong chờ Ðấng này đến khai mào thời kỳ cứu thế. Ðặc biệt khi bị Rôma đô hộ, họ mong Ngài đến giải thoát để lập một vương quốc Israel thống trị toàn thế giới. Không phải chỉ có dân chúng mà thôi. Tâm trạng này có cả ở nơi các môn đệ Chúa nữa, chẳng hạn qua lời của hai môn đệ Emmau: "Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Israel" (Lc 24,21). Thậm chí lúc Chúa đã sống lại và sắp lên trời, nhiều môn đệ vẫn còn ý nghĩ đó, qua lời họ thưa với Chúa: "Thưa Thày, có phải bây giờ là lúc Thày khôi phục vương quốc Israel không ?" (Cv 1,6).

 

Chúng ta hôm nay tin Ðức Giêsu là Ðấng Kitô Cứu Thế không phải với não trạng trần tục và chính trị như Israel. Ngài là Kitô, đem đến cho con người ơn cứu độ của Thiên Chúa, giải thoát ta khỏi ách thống trị của Satan , đưa ta vào vương quốc ánh sáng và sự sống, cho ta được làm con cái tự do của Thiên Chúa, sống theo Thần Khí. Ngài còn hơn là một ngôn sứ. Ngài vượt hẳn lên trên tất cả những gì người Do Thái có thể mường tượng về một Ðấng Kitô. Trước phiên toà xét xử Chúa, chính Chúa đã rõ ràng xác nhận tước hiệu và vai trò Kitô của mình (Mc 14,60tt). Nếu trả lời khác đi, người ta có thể tưởng là Ngài cũng đang chờ đợi một Ðấng Cứu Thế khác, lớn hơn và đến sau. Không, không còn Ðấng nào khác. Chỉ mình Ðức Giêsu là Kitô, Ðấng cứu chúng ta.

 

Không những tin Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, chúng ta còn biết và tin Ngài là Con Thiên Chúa. Chỉ cần dựa vào lời xác nhận của chính Chúa, hoặc của Thiên Chúa Cha, hoặc của thần sứ được Thiên Chúa sai đi loan báo, trong những thời điểm chóp đỉnh của mạc khải. Ngày Truyền tin, thần sứ Gabriel đã nói với Ðức Maria :"Người con sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35). Khi Chúa vừa được Gioan Tẩy Giả làm lễ rửa ở sông Giođanô xong, thì Chúa Cha từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con" (Mc 1,11). Lúc Chúa biến hình trên núi, cũng tiếng Chúa Cha phán những lời tương tự: "Ðây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người" (Mc 9,7). Trước Công nghị Do thái, lúc mọi người hỏi: "Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?", thì Chúa xác nhận ngay: "Ðúng như các ông nói. Chính tôi đây" (Lc 22,70tt).

 

Có thể kể thêm lời tuyên xưng của một sĩ quan ngoại đạo chứng kiến Chúa tắt thơ: "Quả thật người này là Con Thiên Chúa" (Mc 15,39). Một lời tuyên xưng đầy ý nghĩa, cho thấy thời của do thái giáo chấm dứt, và ơn cứu độ của Chúa đã đến với mọi người. Chính lời tuyên xưng này, được Maccô dùng để kết thúc sách Phúc Âm của mình, hàm ý kêu gọi chúng ta hôm nay cùng với tác giả tuyên xưng đức tin, công nhận Ðấng bị treo trên Thập giá đích thật là Con Thiên Chúa.

 

Tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa thì cũng tin Ngài là Chúa và Thiên Chúa, như lời tuyên tín của Tông Ðồ Tôma sau ngày Chúa sống lại (Ga 20,28), vì Chúa Giêsu và Chúa Cha là một (Ga 10,37). Tin Ðức Giêsu là Chúa thì cũng tin Thánh Thần là Thiên Chúa, vì Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con.

 

Như vậy, lời tuyên tín của ta, lặp lại lời của Phêrô ngày xưa, xác nhận chân tính của Ðức Giêsu, nói lên nội dung và đối tượng cơ bản của đức tin, của những gì chúng ta tin.

 

2. Thế nào là tin ?

 

Lời tuyên tín nói lên đức tin của ta. Ðức tin này đòi phải được đáp ứng bằng những thái độ và hành vi cụ thể. Những thái độ và hành vi này rất đa dạng. Tôi chỉ nêu ra vài khía cạnh :

 

* Tin là đón nhận. Ngày vào đạo, chúng ta xin với Giáo Hội phép Rửa Tội hoặc đức tin. Vậy đức tin là ân sủng được ban cho ta, và ta lãnh nhận. Cây muốn đứng vững phải có rễ bám đất. Chính đức tin là rễ của đời sống kitô giáo bám chặt vào Ðức Kitô. Lúc nước đổ tràn trên đầu ta cũng là lúc ơn đức tin ùa vào trong ta. Nước chảy đi nhưng đức tin còn lại. Ðức tin này, nếu ta lãnh nhận từ bé, sẽ tăng trưởng theo thời gian khi được vun đắp bằng việc dạy đạo, không chỉ qua những bài giáo lý, mà còn, và nhất là còn, qua kinh nghiệm sống với Ðức Kitô mà người lớn truyền đạt (cầu nguyện, làm dấu Thánh giá, kêu tên Giêsu.).

Lớn lên, khi ta đã đủ suy nghĩ chín chắn, thì tin Ðức Kitô là cá nhân mỗi người đón nhận Ngài với tất cả ý thức và tự do. Tin phải là hành vi riêng của từng người. Không tin chỉ vì tập thể tin. Không tin vì người khác bảo ta tin. Phêrô, khi được Chúa hỏi, đã không nói : ngưới ta bảo Thày là Ðức Kitô. Chính ông tự mình tuyên tín. (Ðọc trong Phúc Âm, ta thấy Ðức Giêsu luôn hỏi từng cá nhân : ngươi có tin không ? Sau khi chữa cho người mù từ lúc mới sinh, Ngài hỏi anh: "Anh có tin vào Con Người không?" (Ga 9,35). Khi nói với Matta là : ai tin vào Ngài thì sẽ không phải chết đời đời, Ngài hỏi cô: "Chị có tin như thế không?" (Ga 11,26). Và mỗi lần như vậy là mỗi lần chính người được hỏi trả lời : Vâng, lạy Ngài, tôi tin. Kinh Tin Kính của Giáo Hội cũng khởi đầu bằng cách này, khi dạy ta tuyên xưng : Tôi tin, chứ không phải : Chúng tôi tin. Vậy phải luôn tra vấn lại về niềm tin cá nhân này, vì có khi tin chỉ là do dựa vào người khác, nhất là trong những gia đình đạo dòng. Ðức Giêsu đã tra hỏi về lòng mến của Phêrô tới 3 lần. Hai lần đầu ông trả lời rất nhanh. Dầu vậy, vẫn có lần hỏi thứ ba nữa để ông thực tâm suy xét. Về đức tin của ta, tưởng cũng phải tự vấn ít nhất 3 lần như vậy).

 

Chúng ta đón nhận không phải như đón nhận một ý tưởng, dù đó là ý tưởng cao sâu mấy đi nữa, nhưng là đón nhận một con người, con người Giêsu. Về một con người, người ta có thể lập một hồ sơ đầy đủ, tức là có những ý tưởng về người đó : tướng mạo, hình dung, tuổi tác, quê quán, nghề nghiệp, tính tình, cung cách hành động. Người ta lại có thể gặp gỡ, làm quen, cùng đi một đoạn đường, kết thân. Áp dụng cho Ðức Kitô, thì trong trường hợp trước, chúng ta học giáo lý, thần học. Trong trường hợp sau, chúng ta khám phá một Ðấng yêu thương, chia sẻ kinh nghiệm của ta, cùng tham gia vào cuộc phiêu lưu của nhân loại, nhằm đưa mọi người tới sự sống đời đời. Chính Ðức Kitô muốn ta coi Ngài như vậy.

 

* Tin là xác tín. Tin Ðức Kitô, chúng ta tin vào lời Ngài dạy, được truyền đạt cho ta trong Giáo Hội. Tin với sự xác tín, xác tín vào sứ điệp của Ngài, dù ta không hiểu hay không thích lời nào đó. Không thích, vì lời đó trái ngược với ý ta, đụng đến cái xấu nơi con người của ta. Không hiểu, vì nó vượt lên trên khá năng trí khôn hạn hẹp của con người. Tín điều Ba Ngôi chẳng hạn, hiểu sao cho thấu ? Một người thông tuệ ưu việt như Augustinô, vì muốn làm công việc vượt quá trí khôn này, đã được Thiên Chúa dạy cho một bài học. Augustinô đang tản bộ trên bãi biển, tâm trí lùi lũi đi sâu vào suy tưởng về những rắc rối của mầu nhiệm chưa được giải đáp, chợt thấy một em bé chơi trên cát. Em đào một lỗ nhỏ, vục nước biển đổ vào lỗ, nhưng lỗ không bao giờ đầy. Augstinô bảo: "Làm sao em có thể đổ đầy lỗ được ? Nước sẽ thấm hết". Em bé đốp lại: "Thì cũng như việc ông đang làm đó !"

 

Vả lại, nếu hiểu thấu, hiểu hết, làm gì còn mạc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa nữa ? Một khi Thiên Chúa nói, luôn luôn có những điều con người không hiểu nổi, nhất là con người xác thịt. Thiên Chúa vượt xa ta đến mức vô biên. Thần trí Thiên Chúa quá cao so với lý trí giới hạn của con người. Thiên Chúa ở bên trên những gì chúng ta suy nghĩ (x.Is 40,8). Thế nhưng, vì Thiên Chúa muốn mạc khải mình nơi Ðức Kitô, nên ta xác tín vào mọi điều Ðức Kitô mạc khải cho ta nhân danh Thiên Chúa. Ta biết Thiên Chúa là Cha Ngài và là Cha của mọi người. Ngài mạc khải cho ta vì yêu ta. Dù không hiểu hết, ta vẫn nhận Ngài luôn có lý, vì Ngài là Thiên Chúa. Dù không hiểu hết, ta vẫn không ngừng đào sâu mạc khải về Ngài.

 

Nếu trong khi tìm kiếm mà vẫn thấy đức tin còn mờ tối, ta không lấy làm lạ. Ánh sáng nhiệm mầu của Thiên Chúa quá chói chang đối với con mắt yếu đuối của ta. Thiên Chúa tỏ mình cho ta trong Ðức Kitô như qua một bức màn trong suốt. Trong suốt, để ta có thể nhận ra; nhưng vẫn còn bức màn, khiến ta không thấy được tất cả ánh sáng huy hoàng, nhưng là tin. Tóm lại, ta xác tín vào Ðức Kitô là Ðấng mạc khải Thiên Chúa, và trong Ngài, ta xác tín tất cả mạc khải.

 

Ta cũng tin vào lời Giáo Hội dạy tin, vì là những lời rút ra từ kho tàng mạc khải đã được uỷ thác cho Giáo Hội, và được Giáo Hội gìn giữ, phát huy.

 

* Tin là phó thác. Tin Ðức Kitô là tin tưởng phó thác vào Ngài. Theo nguyên ngữ la tinh, là cho Ngài tấm lòng của ta (credere=cor+dare). Augustinô từng nhấn mạnh lòng tin theo nghĩa phó thác: "Chúa đã nói là tin vào (croire en) Ngài, chứ không phải tin (croire à) Ngài. Vì nếu bạn tin vào Ngài thì cũng tin Ngài. Ma quỷ tin Chúa, nhưng không tin vào Chúa. Về các Tông Ðồ, chúng ta cũng có thể nói như vậy. Chúng ta tin Phaolô, nhưng không tin vào Phaolô. Chúng ta tin Phêrô, nhưng không tin vào Phêrô". Nói khác đi, "tin vào" chỉ áp dụng cho một mình Thiên Chúa. (Giáo Hội cũng phân biệt tỉ mỉ cách sử dụng này. Trong Kinh Tin Kính, khi chúng ta đọc: tôi tin Thiên Chúa là Cha, tin Ðức Giêsu Kitô, tin Chúa Thánh Thần, thì đó là tin vào. Còn đối với Giáo Hội, phép tha tội, thân xác sống lại và sự sống đời sau, thì chỉ là tin hay tuyên xưng thuần tuý. Tiếng la tinh: Credo in unum Deum., in unum Dominum Jesum Christum., in Spiritum Sanctum. Credo unam, sanctam, catholicam et apostolicam Ecclesiam).

 

Theo các nhà chú giải thì trong các sách Phúc Âm, nhất là Phúc Âm Nhất Lãm, tin thường có nghĩa là phó thác. Ta biết Ðức Kitô là Con Thiên Chúa, nhân hậu và quyền năng. Trong khi đó, ta chỉ là những con người yếu đuối, lại phải đương đầu với vô vàn khó khăn trong cuộc đời, cần chỗ nương tựa để có thể vượt qua thử thách mà đạt tới đích. Chỗ nương tựa này là Ðức Kitô. Thế nên ta phó thác nơi Ngài, như trẻ thơ nép mình trong lòng mẹ, như gà con nấp dưới cánh gà mẹ.

 

Sự tin tưởng này có nghĩa như sự tin tưởng trong đính hôn, bước đầu của yêu thương. Nó cũng có nghĩa như sự tin tưởng đối với một người bạn chân thật. Mà Ðức Kitô là người bạn này: "Thày không còn gọi anh em là tôi tớ nữa. Nhưng Thày gọi anh em là bạn hũu" (Ga 15,15). Cho dù ta có phản bội, Ngài vẫn coi ta là bạn, như Ngài đã nói với Giuđa ở Vườn Cây Dầu: "Này bạn" (Mt 26,50).

 

Ðức Kitô luôn mời gọi ta tin tưởng phó thác vào Ngài. Ðọc trong Phúc Âm, ta thấy điều Chúa trách các môn đệ nhiều nhất, không phải là các ông kém yêu, nhưng là kém tin, thiếu lòng tin, thiếu tin tưởng. Trên mặt hồ, Phêrô bước chân xuống nước để đến với Chúa. Lúc còn nhìn Chúa thì không sao, nhưng khi không còn nhìn Chúa mà nhìn xuống nước, thì chìm (Mt 14,22tt). Ðấy là thiếu tin tưởng. Các môn đệ đi trên thuyền với Chúa. Chợt sóng to gió lớn nổi lên. Dù có Chúa ở bên cạnh, các ông vẫn hoảng sợ, kêu rối kêu rít (Mt 8,23-27). Cũng lại thiếu tin tưởng nốt.

 

Phải nói là ngày nay, người ta ít tin tưởng phó thác vào Chúa. Do đó mà thường chán nản, thất vọng, thiếu sự bình an, trong việc thánh hoá bản thân, việc tông đồ hoặc khi gặp khó khăn. Vào lúc cuối đời, thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu đã có lần tuyệt vọng. Bị cám dỗ tự tử lúc đang đứng trên lầu nhà dòng kín, chị phải ghì chặt lan can không rời tay. Chỗ chúng ta phải ghì chặt, phải bám chắc, chỉ có thể là Ðức Kitô, phó thác nơi Ngài.

 

* Tin là trung tín. Người đã chịu phép Rửa tội mà còn tiếp tục tin, người ta gọi đó là người tín hữu. Tin và tín hũu cùng một ý nghĩa. Giáo Hội thích sử dụng từ "tín hữu" hơn các từ khác để chỉ các môn đệ Ðức Kitô, những kẻ tin vào Ngài. Nó nói lên tất cả ý nghĩa và hành vi của người tin. Không chỉ bằng trí khôn, nhưng bằng cả tâm hồn và đời sống, trong từng chi tiết của đời sống (Lc 16,10).

 

Trung tín là bền bỉ trong việc dấn thân tin trong cả đời người. Ðời sống kitô giáo không có một giai đoạn được nối tiếp bằng một giai đoạn hoàn toàn khác, chẳng hạn có một giai đoạn tin và một giai đoạn không tin (nghỉ tin cho khoẻ). Ðó không phải là trung tín. Ðời sống kitô giáo là trung tín, cũng như tin tưởng trong đính hôn đưa đến trung tín trong hôn nhân. Tin Ðức Kitô trở thành trung tín, vì chúng ta tiếp tục tin vào Ngài trong cả cuộc đời, lúc thuận cũng như lúc nghịch. Ðây cũng chỉ là hành vi phải có, đáp lại một Ðấng là Thiên Chúa luôn tín thành, nói lời amen với Ðấng là Amen (Kh 3,14).

 

* Tin là làm chứng. Trước khi về trời, Chúa đã nói với các môn đệ " Anh em sẽ là chứng nhân của Thày" (Cv 1,8). Chứng nhân là người chứng kiến sự việc và làm chứng cho người khác về sự việc ấy. Chứng nhân của Ðức Kitô là người đã thấy Ðức Kitô trong đức tin, nên làm chứng về Ngài bằng đời sống đức tin.

 

Ðể làm chứng, phải biết rõ những gì mình làm chứng. Nhưng đối với Ðức Kitô mà chúng ta làm chứng, biết không chỉ bằng kiến thúc, bằng trí óc, mà còn phải bằng con tim, bằng tình yêu. Chúng ta tin Ngài, yêu Ngài, kết hợp mật thiết với Ngài, sống đời sống của Ngài, đặc biệt đời sống bác ái. Ðó là biết Chúa. Từ đó thể hiện sự có mặt của Ðức Kitô bằng chính sự hiện diện của mình, đời sống của mình, qua lời nói cũng như việc làm. Càng yêu, càng thích làm chứng, cũng như hai người yêu nhau thích nói về người mình yêu. Càng trở thành kitô hữu, càng trở thành chứng nhân của Ðức Kitô, vì làm chứng tốt không theo mức độ của việc làm chứng, nhưng theo mức độ của chính người làm chứng (theo mức độ Ðức Kitô sống trong người đó).

 

Ðạo diễn Trần Văn Thuỷ, tác giả của phim tài liệu "Chuyện tử tế" rất được ngoại quốc chú ý, đã trả lời cho một ký giả ngoại quốc thế này: "Tôi rất bị đánh động bởi niềm tin của các nữ tu và cách thế họ xoa dịu nỗi khổ của những người phong cùi tại các trại phong. Ðiều này xẩy ra đúng tại các trung tâm do các nữ tu quản lý. Với tôi, điều người ta mong đợi ở các người kitô là niềm tin của họ, và họ phải sống điều họ tin" (Trong phim có cảnh quay ở Quy Hoà, cho thấy sự chăm sóc "tử tế" của các nữ tu ở đây đối với người phong cùi. Lẽ ra nội dung phim chỉ mới đề cập miền Bắc, nhưng đạo diễn xúc động về cảnh ở Quy Hoà, nên cho luôn vào phim. Trong phim còn có cảnh một người bạn của đạo diễn lúc lâm chung đã nói: "Tôi không hối tiếc gì vì chúng ta đã sống tử tế". Phần chúng ta, chúng ta cũng không hối tiếc gì nếu đã sống đời sống đức tin).

 

Khi nói về Isaia, một tác giả đã nhận định ngôn sứ này là "mr, sr, pur, dur" trong đức tin. Cũng chính là ít nhiều đặc tính đã khai triển trên đây. Chúng ta cũng hãy tỏ ra "mr, sr, pur, dur" trong đức tin của ta.

 

3. "Xin giúp lòng tin yếu kém của tôi" (Mc 9,24)

 

Như đã nói trên, nhiều lần Ðức Giêsu đã trách các môn đệ chậm tin, kém tin, hèn tin, yếu đức tin. Ngày nay, nếu có phải tra vấn đức tin của ta trước mặt Chúa, chắc chắn chúng ta - ít ra một số người trong chúng ta - cũng sẽ bị Ngài trách là chậm tin, kém tin, hèn tin, yếu đức tin.

 

Yếu đức tin nằm ngay trong sự yếu đuối nói chung của con người tội lỗi. Chúng ta chỉ là những bình sành, nhưng lại mang trong mình kho tàng đức tin quý giá (x.Cr 4,7), nên kho tàng bị nguy cơ. Sự yếu đức tin của ta có lẽ không ở chỗ ngờ vực các chân lý đức tin (tuy đôi khi có thể có) cho bằng ở chỗ thiếu tin tưởng vào Chúa. Thay vì tin một mình Chúa, thực tế lại tin thêm cả những thần mới, tin vào con người hoặc tin nơi chính mình. Thiếu gì người có đạo vẫn tin vào bói toán. Trước khi làm một việc gì khác thường, lẽ ra dành một chút thời gian cầu nguyện để xin ơn soi sáng, thì lại nhờ đến thày bà bói một quẻ xem tốt hay xấu, lợi hay hại. Lại có những thứ kiêng cữ nơi dân gian đã nhiễm sâu vào não trạng của nhiều người, người có đạo cũng chẳng trừ. Không hiểu có phải là hình thức kém tin chăng.

 

Tuy tin là sự đáp trả của con người trước lời Thiên Chúa, nhưng lại là ơn Chúa ban. Sau khi Phêrô tuyên tín, Chúa đã nói rõ với ông: "Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thày, Ðấng ngự trên trời" (Mt 16,17). Chúa Cha đã ban ơn cho Phêrô tuyên tín như vậy.

 

Tự riêng mình, con người không thể khám phá ra Ðức Giêsu là Kitô, là Con Thiên Chúa. Cùng lắm họ chỉ nghĩ về Chúa như các người Do Thái thời Chúa. Không thể khám phá bằng kinh nghiệm, bằng cảm tính hay bằng chứng minh thuần lý. Ðức tin vượt quá kiến thức tự nhiên. Mà Ðức Kitô lại là một mầu nhiệm. Nói khác đi, khi Phêrô, hoặc chúng ta hôm nay, quả quyết Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, cần có sự can thiệp của Thiên Chúa. Chúng ta tin vì Thiên Chúa đã soi sáng cho chúng ta. Thiên Chúa mạc khải cho trí khôn đang tìm kiếm để biết Ðức Giêsu là ai. Bởi vậy, để tin, phải có một nguyên lý bên trong, ánh sáng bên trong chuẩn bị tâm trí ta đón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa. Nguyên lý này, ánh sáng này phát xuất từ Thiên Chúa. Cho nên đức tin là một ân sủng.

 

Ðã là ân sủng, chúng ta không thể tự mình mà có. Muốn có phải xin. Ân sủng là của Thiên Chúa thì phải xin Ngài ban, phải cầu nguyện. Chính cầu nguyện đã là một hành vi biểu lộ đức tin, vì khi cầu nguyện, chúng ta hướng về Chúa, nhận Ngài là Ðấng quyền năng và nhân từ. Tuy vậy, chúng ta còn cầu nguyện để xin một ơn cụ thể là : xin Chúa giúp lòng tin yếu kém của ta. Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ: "Không có Thày, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5). Không có Chúa ban ơn, ta không thể tin Ngài. Không có Chúa thêm ơn, ta vẫn còn kém tin.

 

Chúa không chỉ ban ơn cho ta, không chỉ dạy ta cầu xin, mà còn cầu xin trước cho ta nữa, như Ngài đã cầu xin cho Phêrô. Phêrô đã chối Thày 3 lần, dù đã được Chúa cảnh báo. Trước đó, Ngài đã nhắc nhở ông, gọi đích tên cúng cơm của ông mà nhắc nhở: "Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng lúa", nhưng rồi Chúa cũng cho biết: "Thày đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin" (Lc 22,32). Nếu ta biết cầu xin, ơn Chúa sẽ đủ cho ta, để ta có thể vững tin, và trở nên mạnh mẽ trong chính sự yếu đuối của ta (x.2Cr 12,7-10).

 

Cùng với việc cầu nguyện, chúng ta còn biết góp phần bằng sự cố gắng của ta để làm tăng tiến đức tin. Ðức tin không phải là một kho tàng bất động, nhưng là một sự sống phải không ngừng phát huy. Dậm chân tại chỗ có thể là dấu hiệu kém tin. Phát huy bằng những việc đại khái như : thanh tẩy đức tin để làm cho nó được chính thực (authentique), gạn lọc những gì chỉ là phó phẩm do con người thêm vào trong suốt quá trình nhập thể của đức tin trong lịch sử ; làm phong phú kiến thức về những chân lý đức tin để thêm sâu sắc ; quan trọng nhất là những việc làm đi kèm, nhất là việc bác ái, nếu không, chỉ là đức tin chết (Gc 2,14tt).

 

Trong Phúc Âm, có một câu Chúa nói đáng làm ta giật mình và suy nghĩ: "Khi Con Người đến, liệu Người còn gặp thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?" (Lc 18,8). Ðây là nói về sự chối đạo phải xẩy ra trong ngày tận thế, là đề tài cổ điển trong những đoạn văn có mầu sắc khải huyền. Nếu chính người tín hữu chúng ta không có lòng tin, không kiên vững trong đức tin, không biết sống đức tin, thì lời Chúa trên đây là lời báo động không phải là không có cơ sở.

 

*

 

Trong Thánh Vịnh 45/46, chúng ta được nghe lời Thiên Chúa phán: "Hãy biết rằng Ta là Thiên Chúa". Ðây cũng là lời Ðức Kitô hằng nói với người kitô hữu chúng ta. Ðể đáp lại lời ấy, chúng ta phải bày tỏ lòng tin : tin Ðức Kitô là Chúa.

Phúc Âm có thuật truyện 3 đạo sĩ Dông Phương, khi gặp được Chúa mới sinh, thì phục mình xuống và triều bái Ngài. Ðoạn, mở tráp báu, họ dâng lên Ngài lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. Những lễ vật này thật quý giá. Chúng ta cũng hãy mở tráp lòng chúng ta, dâng lên Chúa Giêsu lễ vật còn quý giá hơn, là đức tin của ta. Lễ vật của các đạo sĩ là dành cho Ðức Vua. Lễ vật đức tin của ta là dành cho Ðức Chúa. Nếu có lúc còn quên mở tráp lòng, thì Phụng vụ lại nhắc nhở chúng ta. Hằng ngày, khởi đầu Giờ Kinh Phụng Vụ, Giáo Hội vẫn dùng lời Thánh Vịnh 94/95 mà nói với ta như sau :

 

Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục

Quỳ trước tôn nhan Chúa là Ðấng dựng nên ta

Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ

 

Chúa đó là Chúa Cha, mà cũng là Chúa Kitô. Chúng ta đọc những lời trên hướng về Chúa Kitô, phủ phục trước nhan Chúa Kitô, tuyên xưng Ngài là Chúa, tức là bày tỏ lòng tin của chúng ta vào Ngài.

 

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

micquang@pmail.vnn.vn

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà