SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

 

BIẾT THÂM SÂU VỀ CHÚA

 

Muốn có sự hiểu biết tự nhiên về Chúa, phải biết nội tâm sâu xa của Ngài. Để có sự hiểu biết này, chúng ta phải cầu xin Chúa ban ơn. Ơn này không phải là một sự gì đó, nhưng là chính Chúa Thánh Thần, cũng là Thần Khí của Đức Giêsu. Thánh Thần là chìa khoá mở ra cho chúng ta nội tâm của Đức Giêsu.

 

Cũng chính Thánh Thần ấy đã được ban cho ta trong bí tích Rửa tội và các bí tích khác, để ta có thể biết Đức Giêsu. Và đừng quên rằng Thánh Thần cũng cư ngụ nơi các anh chị em ta. Vậy chính khi hiệp thông với các anh chị em, với Giáo Hội, mà chúng ta biết thâm sâu về Đức Giêsu.

Có hai phương thế quan trọng giúp chúng ta đạt tới sự hiểu biết này.

 

1. Trở nên Đức Kitô …

Cuộc đời của Đức Giêsu sắp mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai. Thiên Chúa hằng hữu đã hạ cố xuống trần gian, sống nghèo hèn, khiêm nhường, lệ thuộc. Nhưng Ngài đã thể hiện chi tiết những tính cách đó như thế nào trong cuộc đời làm người, vì Ngài đã sống cuộc đời một con người ?

 

Có gì khác biệt giữa Đức Giêsu và chúng ta ? Có hai khác biệt. Khác biệt thứ nhất : Đức Giêsu là Thiên Chúa, và vẫn là Thiên Chúa lúc đầu thai làm người. Ngài đầu thai bởi Chúa Thánh Thần tức bởi Thiên Chúa. Còn chúng ta chỉ là con người. Nhưng chúng ta lại có một ơn gọi cao quý là : Chúa thế nào thì chúng ta phải trở nên như vậy. Chúng ta phải trở nên Chúa, phải được thần hoá.

 

Chúng ta có thể được thần hoá sao ? Được lắm. Vì nếu chúng ta không thể được thần hoá, thì Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, sẽ không là một con người. Chúng ta phải suy nghĩ kỹ điều này. Đức Giêsu không giống như một thiên thạch từ trời rơi xuống. Ngài đã đầu thai làm người. Và nếu có một con người là Thiên Chúa, thì mọi người đều có thể trở nên Thiên Chúa. Nếu không, người ta phải kết luận Đức Giêsu không là một con người, không thuộc dòng giống nhân loại. Nhưng Ngài đích thực thuộc dòng giống nhân loại, là một con người hoàn toàn. Ngài không phải là một con người trở thành Thiên Chúa, không được thần hoá, nhưng từ đời đời là Thiên Chúa. Còn ta, ta phải trở thành Thiên Chúa. Chúng ta đang trên đường trở thành  Kitô.

 

Quả vậy, ơn gọi của ta là trở thành Kitô. Kiểu nói “trở thành Kitô” là của Teilhard de Chardin trong các tác phẩm của cha. Mỗi hành vi tự do của ta, trừ những hành vi tội lỗi, được ta thực hiện với sự cộng tác của Đức Kitô, đều làm cho ta trở thành Kitô.

 

Khác biệt thứ hai : Đức Kitô tự thân là Thiên Chúa, không cần một trung gian nào, còn chúng ta trở thành Thiên Chúa là nhờ Ngài. Đây cũng là điều ta cần hiểu rõ và lưu ý, nếu không, việc giáo dục đức tin của ta sẽ chỉ ở mức sơ đẳng.

 

Có thể coi Đức Kitô như một thứ quang phổ của Thiên Chúa. Cũng như quang phổ làm phân tán ánh sáng mặt trời, từ ánh sáng trắng trở thành ánh sáng gồm bẩy mầu sắc, cũng vậy Đức Kitô làm phân tán ánh sáng của Thiên Chúa thành những “mầu sắc” khác nhau, là những hành vi nhân loại, lời nói nhân loại, cử chỉ nhân loại, suy tư nhân loại, thể hiện nơi Đức Giêsu, như thấy trong Tin mừng. Ánh sáng của Thiên Chúa chói lọi, không thể nhìn thẳng vào đó, cũng như không thể nhìn thẳng vào mặt trời. Chúng ta chỉ có thể thấy được Thiên Chúa, ánh sáng trắng của Thiên Chúa, qua quang phổ là Đức Giêsu. Vì vậy mà Chúa nói: “Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9)

 

2. … qua thời gian chiêm niệm lâu dài

Nhưng cũng cần nhấn mạnh điều này : ta không thể biết Đức Giêsu Kitô, nếu không phải Chúa Thánh Thần cho ta biết. Không thể đi sâu vào nội tâm Chúa Giêsu nếu không nhờ Thánh Thần.

 

Chính vì vậy, khi ta cầu xin cho ta được biết Chúa, xin Ngài làm cho ta trở nên Ngài, thì cũng phải cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

 

Cùng với việc cầu xin, chúng ta còn phải lãnh nhận các bí tích. Qua những mầu nhiệm này, Chúa Thánh Thần từ Đức Kitô đến với ta. “Khi cử hành các bí tích, Giáo Hội mở rộng cửa đón nhận Thánh Thần, là Thần Khí mà Chúa Phục sinh cử đến với Giáo Hội, giúp Giáo Hội hoán cải và làm chứng về mầu nhiệm cứu độ. Nếu Giáo Hội không ngừng cử hành Thánh Thể thì chính là vì Giáo Hội luôn thừa nhận mình cần đến Thần Khí, để Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô” (Robert Coffy). Khi ấy, người ta dần dần trở thành cái mà người ta chiêm niệm lâu dài.

 

Có thể thấy rằng giữa hai vợ chồng sống với nhau lâu năm trong hôn nhận, không có nhiều điểm khác nhau. Càng sống với nhau thì cuối cùng càng giống nhau. Những thừa sai hoạt động liên tục trong một thời gian dài ở Việt Nam, khi về lại quê nhà, sẽ ghi đậm dấu ấn Việt Nam trên con người và cuộc sống của mình.

 

Truyền thuyết ở Mỹ kể rằng tại một ngôi làng kia, có một tảng đá lơn mang hình dáng mặt người do mưa gió bào mòn mà thành, từ trên núi rơi xuống. Một ngày nào đó có người sẽ đến. Người này có bộ mặt giống y như tảng đá và sẽ là đại ân nhân của xứ sở. Nghe câu truyện này, có một cậu bé ngày ngày đến ngồi trước tảng đá, chăm chú nhìn vào đó hết ngày này qua ngày khác, cho đến một hôm mặt cậu trở nên giống với mặt người trên tảng đá. Khi đó mọi người hiểu rằng chính cậu là người được truyền thuyết nói trước là sẽ đến.

 

Chiêm ngắm lâu dài cái gì, người ta dần dần trở nên cái đó. Trung thành chiêm ngắm Đức Kitô, chúng ta dần dần trở nên chính Ngài. Được như vậy là nhờ Chúa Thánh Thần. Có thể nói Chúa Thánh Thần dần dần thay thế bản năng tự nhiên của ta. Khi ấy, phản ứng của ta sẽ giống như phản ứng của Đức Kitô. Trước bất cứ biến cố nào hay khi làm bất cứ điều gì, chúng ta sẽ tự nhủ : nếu là Đức Giêsu thì sao ? Ngài sẽ vui mừng, hạnh phúc, nếu là một điều tốt, ngược lại, Ngài sẽ buồn lòng biết bao nếu đó là điều xấu. Một khi biết như vậy, chúng ta sẽ không làm nữa những gì ta biết Chúa không hài lòng. Cách hành xử này trở thành bản năng của chính chúng ta.

 

Sách Linh Thao nói: “Biết Đức Kitô cách thâm sâu, để theo Ngài sát hơn và để phục vụ Ngài với lòng đạo đức hơn” (số 104). Biết Chúa để theo Ngài, tức là để nên giống Ngài.

Lm Micae TĐQ


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà