SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

 

ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY Ở NADARET :

SUY NIỆM VỀ ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

 

 

Bài suy niệm này rất quan trọng, vì liên hệ đến đời sống hằng ngày của ta. Hầu hết chúng ta đều sống trong một cộng đồng, bất kể đó là cộng đồng giáo sĩ, tu sĩ hay một gia đình. Nói đến cộng đồng là nói đến mối tương giao của ta đối với người khác.

 

1. Sống trong sự nhập thể khiêm nhường của Giáo Hội

 

Một tác giả vô danh dòng Tên, sống ở thế kỷ XVII, đã viết: “Không nhốt mình trong cái lớn nhất, nhưng nhốt mình trong cái nhỏ nhất, đó là tính cách của Thiên Chúa” (Non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo, divinum est). Cái lơn trong vũ trụ, dù là lớn nhất, cũng chẳng là gì so với một Thiên Chúa vô biên. Tuy lớn nhất, nhưng Ngài lại vào sâu trong cái nhỏ nhất, vì không có gì là quá nhỏ bé đối với Ngài.

 

Trong cuốn “Đức tin kitô giáo hôm qua và hôm nay” (1969), cha J. Ratzinger (nay là Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin) thường nhắc đến ý tưởng này, được ngài coi là có tính chất tuyệt đối cơ bản. Theo tác giả, cái nhỏ nhất là Giáo Hội. Đầu tiên, Thiên Chúa xuất hiện như một quyền năng chế ngự cả vũ trụ. Rồi sự xuất hiệân của Ngài theo chiều đi xuống, nhỏ dần, thậm chí dường như mất hút:  trên trái đất, nơi Israel, ở Nadaret, trên Thánh giá, trong Giáo Hội. Cái nhỏ nhất cuối cùng là Giáo Hội, một Giáo Hội với tất cả những thiếu sót, gương mù và tội lỗi của mình, một Giáo Hội được Chúa chọn làm nơi “nhốt” mình. Đó là Giáo Hội nhỏ bé của chúng ta, mà chúng ta luôn hãnh diện.

 

Đường sống đạo đích thực là ở chỗ sống sao cho mỗi ngày được hơn lên, mỗi ngày một yêu hơn. Trên nguyên tắc, tình yêu không có giới hạn, nhưng chúng ta giới hạn nó vào lý tưởng phục vụ trong Giáo Hội hữu hình và chiến đấu.

 

Ý hướng trên đây phải làm nẩy nở nơi ta tinh thần vâng phục và cảm thức về Giáo Hội. Nói khác đi, phải đưa tinh thần vào văn tự. Tinh thần này giúp ta chấp nhận khiêm nhường dấn thân vào những nhiệm vụ bề ngoài có vẻ nhỏ bé và không được biết tới. Theo cha Hugo Rahner, không có sự hoàn hảo đích thực nào mà lại không phải là một tinh thần nhập thể. Không có tinh thần ấy, chúng ta đi dần đến chỗ kiêu căng, cho dù lúc đầu những động lực thúc đẩy hành động xem ra rất cao cả.

 

Cứ nhìn lại lịch sử Giáo Hội thì thấy : vì yêu mến Giáo Hội, nhiều người tìm cách canh tân Giáo Hội. Nhưng khi tình yêu này không muốn nhập thể vào những nhiệm vụ khiêm tốn nhất, nó sẽ mang lại những lệch lạc, chia rẽ, thậm chí lạc giáo. Có thể thấy điều này nơi ngộ đạo lạc giáo thời Giáo Hội sơ khai, nơi lạc giáo cathare thời Trung cổ …

 

Nhưng Giáo Hội có Thần Khí Thiên Chúa, Đấng hằng hoạt động trong Giáo Hội, như đã hiện diện cách viên mãn và hoạt động nơi Đức Giêsu. Chính Thần Khí đã làm nẩy sinh sự hoàn hảo đích thực nơi nhiều khuôn mặt lớn trong Giáo Hội. Những nhà thần bí lớn luôn là người của Giáo Hội. Một người như Fénelon, là Giám mục và cũng là nhà thần học thần bí, vừa dạy giáo lý cho dân quê ở Cambrai, vừa hăng say chống lại lạc thuyết Jansêniô.

 

2. Sống một cách phi thường các nhân đức bình thường

 

Đức Giêsu đã sống 30 năm ở Nadaret, một nơi hẻo lánh, vào thời ấy chưa bị các yếu tố hy lạp hay la tinh chi phối. Người dân ở đây làm nghề nông hoặc thủ công, sống đơn giản. Giọng nói còn đậm nét nhà quê khiến cho người khác dễ nhận ra họ. Nói chung, đây là một nơi không có gì đặc biệt. Đúng như lời Nathanael đã nói với Philipphê: “Từ Nadaret, làm sao có cái gì hay được ?” (Ga 1,46).

 

Chúa đã sống 30 năm trường ở một nơi như vậy. Thực khó mà nói cho những người trẻ hiểu về giai đoạn này của Chúa, một giai đoạn gồm những ngày sống kể như không có gì ngoài công việc quen thuộc hằng ngày.

 

Thế nhưng, một cuộc sống tương tự vẫn có thể tạo ra những con người thánh thiện, những con người thực hành các nhân đức tới mức độ anh hùng.

 

Cần phân biệt sự anh hùng và thánh thiện. Để xúc tiến việc phong thánh một vị nào đó, Giáo Hội luôn đòi hỏi vị đó phải sống các nhân đức một cách anh hùng. Nhưng sự anh hùng trong việc thực hành các nhân đức hoàn toàn khác với sự anh hùng mà người đời quen hiểu : anh hùng luôn gắn liền với một kỳ tích, chẳng hạn anh hùng trên chiến trường, trong một cuộc cứu hộ, một vụ hoả hoạn, một vụ chết đuối. Trong những trường hợp đó, người ta xả thân cho một vụ việc đặc biệt. Nhưng thánh thiện là chuyện khác. Theo Charles Péguy, thánh thiện hệ tại ở chỗ thực hiện cách phi thường những công việc bình thường. Dọn một bài giáo lý, một bài giảng … là một công việc bình thường, nhưng được thực hiện một cách phi thường.

 

Lúc Đức Quốc Xã đang tuyên truyền đề cao sức mạnh và sự ưu việt của chủng tộc aryen, cha Henri de Lubac đã viết: “Sức mạnh của kitô giáo chính là những nhân đức kitô giáo được thực hành cách mạnh mẽ”. Các nhân đức kitô giáo rất nhân bản, rất bình thường, như nhẫn nại, can đảm, khiêm nhường …, nhưng được thực hành cách mạnh mẽ. Cha Sertillanges đã viết rằng trong tiến trình phong thánh một ai đó, do Rôma thực hiện, nhiều chứng cớ chỉ là những câu chuyện lặt vặt, do những người bình dân kể lại, nhưng kết luận sẽ là : Người đó xứng đáng được tuyên dương trong Nước Trời.

 

Tại căn phòng của vị sáng lập tu hội Prado, người ta thấy trên bàn một chồng vở. Đó là những tài liệu dùng để xin phong chân phước cho cha Chevrier, trong đó hầu như chỉ thấy toàn những chuyện nhỏ nhặt, do các bà các cô của khu dân cư Guillotière thuật lại. “Tôi đi chợ về, trên tay đầy đồ. Tôi thấy cha Chevrier tiến về phía tôi. Ngài đỡ những gói đồ của tôi, hỏi thăm chồng và các con tôi. Đôi khi ngài nhận lời đến uống với chúng tôi một tách cà phê…” Những chứng từ đại loại như vậy đầy dẫy trong những cuốn vở đó.

 

Đừng vội tin vào những ai muốn nêu ra những kỳ tích. Thánh Thôma nói: sự thánh thiện không phải là một kỳ tích. Đó là một sự tuỳ thuộc, hoặc là một hành vi bác ái liên tục (liên tục theo nghĩa luân lý). Giám mục Fénelon cũng nói: “Hoạ hiếm mới có những nhân đức lớn. Không có nhiều cơ hội. Và khi cơ hội đến thì đã có tất cả những gì trước đó chuẩn bị cho người ta thực hiện”. Ngài còn nói đại khái : sự cao cả của hy sinh, sự vẻ vang của việc làm, sự hài lòng trong một nỗ lực được coi là phi thường có thể là động lực kích thích và nâng đỡ người ta. Vị Giám mục này quả đã nói trước những gì mà sau này khoa tâm phân học của Freud sẽ bàn đến.

 

Cơ hội lớn thì hiếm, nhưng những dịp nhỏ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nhiều khi không thể tiên liệu, chẳng hạn bỏ dở công việc để trả lời điện thoại, có người đến gặp lúc vừa đi ngủ … Những dịp ấy chính là những thách đố đối với sự lười biếng, cao ngạo, thích an thân của ta. Chúng không để ta làm theo ý muốn, không dành cho ta một khoảng trống nào cả.

 

Nếu muốn tỏ ra trung thành với những dịp nhỏ đó, phải cố gắng chết cho những khuynh hướng tự nhiên của bản tính. Có lẽ chúng ta sẵn sàng hy sinh cho Chúa trong một số việc nào đó, thậm chí đó là những hy sinh đau đớn, khốc liệt, miễn là bù lại, Ngài để ta được tự do sống theo sở thích và những thói quen trong mọi chi tiết nhỏ nhặt. Nói một cách cụ thể : trong ngày, chúng ta đã có dịp làm một việc gì đó hơi khó khăn, đã khổ sở vì nó, chiều về nhà, chúng ta bỏ qua việc cầu nguyện, xét mình, không còn muốn làm việc gì khác, lấy lý do : tôi đã hy sinh vất vả cả ngày, bây giờ là lúc tôi có quyền sống theo sở thích và thói quen của tôi. Thế nhưng, chỉ khi chúng ta trung thành trong những việc nhỏ thì ân sủng của tình yêu chân thật mới giữ vững được, và phân biệt với những lợi thú mau qua của bản tính.

 

Có ngày chúng ta cảm thấy dễ chịu, sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Suốt ngày ở nhà thương để làm việc bác ái chăng ? Được lắm. Nhưng khi phải tìm cách tiếp xúc với một người ác cảm với mình, chúng ta lại không làm. Ân sủng ở chỗ nào ? Nó không ở trong các việc bác ái kia đâu !

 

Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ về điều này. Phải đi vào tinh thần của Đức Kitô.

 

Hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta một ý thức nội tâm sâu sắc về những gì thực sự đem lại hiệu quả cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

 

Thêm vào đó, hãy cầu xin cho ta có được sở thích sống âm thầm, thích những việc âm thầm. Có lẽ chúng ta không có sở thích ấy cách bộc phát, nên phải cầu xin. Tuy nhiên, nếu ý Chúa muốn cho ta đảm nhận trọng trách nào, ta cũng tỏ ra sẵn sàng. Thái độ này đôi khi cũng phải trả giá, vì có thể có những người nghĩ rằng ta có tham vọng.

 

Nền tảng của mọi việc là phải biết sống âm thầm, khiêm tốn, và sẵn sàng đi ngược lại sở thích nếu sự vâng lời đòi hỏi ta như thế. Gần giống như Phaolô khi thánh Tông đồ nói: “Tôi bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần, nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em, để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em” (Pl 1,23-25).

 

Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể chống lại cách hữu hiệu thái độ hãnh tiến, một thái độ đã từng gây ra nhiều hậu quả không hay cho Giáo Hội.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà