SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

***

ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY Ở NADARET :

VÂNG PHỤC

(tiếp theo)

 

 

4. Dựa vào quy tắc Tin mừng và sự phân tích tình huống

Trước vấn đề khó khăn là vâng phục, cần nhắc lại một số điều cốt yếu. Tuy vậy, vấn đề khó khăn này phải được suy nghĩ nhiều, khi đối mặt với những trường hợp cụ thể.

 

Chúng ta cần ghi nhận một nguyên tắc quan trọng trong mọi lãnh vực : khi quyết định một chuyện gì, phải luôn dựa vào cả Tin mừng lẫn tình huống, để ánh sáng từ Tin mừng và tình huống soi dẫn ta.

 

Ánh sáng Tin mừng có tính chất quy tắc. Nhưng cần hiểu rõ quy tắc là gì. Quy tắc không phải là lệnh. Lệnh thì chính xác : phải làm điều này, không được làm điều kia. Quy tắc là chuyện hoàn toàn khác. Có quy tắc về “mốt”. Có quy tắc về công bình. Quy tắc dành một khoảng trống cho sáng tạo. Quy tắc có tính chất sáng tạo. Tin mừng không phải là một chương trình gồm những lệnh chính xác, không trực tiếp cho ta biết phải đưa ra quyết định thế nào. Tin mừng chỉ dạy ta sống “nghèo khó, vâng phục”.

 

Ngoài ánh sáng Tin mừng, còn có ánh sáng phát xuất từ tình huống, từ hoàn cảnh thời gian, hoàn cảnh của Giáo Hội hay cộng đồng. Chúng ta đứng trước một tình huống mà chúng ta không thể phân tích cho đúng.

 

Điều cốt yếu cho giáo dục là dạy người ta phân tích đúng một tình huống. Nếu chỉ dựa vào Tin mừng, chúng ta chỉ tạo ra những lễ sinh. Điều đó không nên. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào tình huống, thì có thể xẩy ra, chẳng hạn, điều này : chúng ta dám bắn bỏ cả ngàn người, nếu tình huống khuyên ta bắn bỏ. Đó là thứ luân lý hoàn cảnh rõ ràng bị Giáo Hội lên án. Khi đưa ra một quyết định, chúng ta phải luôn phối hợp hai ánh sáng : ánh sáng Tin mừng cũng là ánh sáng có tính chất quy tắc, và ánh sáng từ tình huống mà chúng ta đã cố phân tích tối đa.

 

Phân tích một tình huống thì có nhiều cách, nên quyết định cũng đa dạng. Nếu chỉ có Tin mừng, hẳn sẽ không có sự đa dạng đó. Chúng ta nên suy nghĩ cùng một sự việc và quyết định cùng một sự việc. Trên thực tế, chúng ta thấy nhiều lựa chọn khác nhau tuỳ theo người khuynh tả hay khuynh hữu.

 

5. Tiêu chuẩn tuyệt đối của lương tâm

Chúng ta đưa ra quyết định bằng cách nghe theo tiếng lương tâm. Chính lương tâm là người xét xử cuối cùng. Không ai được quyền làm trái lương tâm. Nghe theo tiếng lương tâm là tiêu chuẩn tuyệt đối. Thánh Tôma bàn rất dài về vấn đề này. Ngài đã dám nói : nếu lương tâm tôi cho rằng việc tôi tin vào Đức Giêsu là một cái gì đó xấu cho nhân loại, thì tôi phải chiến đấu chống lại Đức Giêsu và Giáo Hội. Đó là bổn phận của tôi. Không gì có ưu thế hơn lương tâm.

 

Nhưng cũng phải coi chừng. Nhiều người tưởng là lương tâm không cho phép họ vâng phục, trong khi thực ra lương tâm của họ đã không được đào tạo tốt, họ không biết phân tích đúng tình huống, biết rất ít về Chúa là chuẩn mực.. Vì có cảm tưởng Giáo Hội phô bày những biểu hiện phản chứng trong những vấn đề thuộc công bình xã hội chẳng hạn, họ nghĩ phải ra khỏi Giáo Hội, và cho rằng đó là do lương tâm đòi hỏi. Trong lãnh vực này, phải rất mực khôn ngoan, thận trọng. Phải giúp họ xem xét mọi khía cạnh của tình huống, kể cả vấn đề hiệp nhất trong Giáo Hội, trong đức tin, nếu tình huống có liên hệ với Giáo Hội. Khi có quyết định nào phá vỡ sự hiệp nhất Giáo Hội và cổ võ sự ly khai, phải suy xét thật kỹ. Người nào quả quyết mình hành động theo lương tâm, người đó cần thận trọng, dè dặt.

 

Nhiều người đưa ra những quyết định mà không nắm chắc tinh thần của Đức Kitô, không hiểu rõ Tin mừng. Sự phân tích của họ về tình huống thường không đáng tin.

 

Chắc chắn, nếu chỉ biết có Tin mừng, ta có nguy cơ trở thành những lễ sinh. Nhưng nếu hiểu Tin mừng cho đúng, suy niệm cho sâu sắc sự vâng phục của Đức Giêsu ở Nadaret, ta sẽ hiểu ngay đó không phải là một sự vâng phục dễ dàng, theo kiểu nhà binh. Đừng quá tô vẽ hình ảnh con trẻ Giêsu làm như lúc nào cũng vâng dạ đối với cha mẹ. Đừng gán cho Ngài kiểu vâng phục của một lễ sinh. Đúng là Chúa vâng phục cha mẹ, nhưng không loại trừ những sáng kiến và phản kháng có thể có của Ngài, vì không phải lúc nào Giuse cũng đúng.

 

6. Quyền bính trong Giáo Hội

Coi sự vâng phục chỉ là thi hành thuần tuý một lệnh truyền tức là lấy sự tuân lệnh trong quân đội làm mẫu mực cho nó. Không phải vậy. Louis de Bonald, một văn sĩ Pháp đầu thế kỷ XIX, đã viết: “Có hai nơi trong đó người ta có thể ở với nhau mà không nguy hiểm gì, đó là trại lính và Giáo Hội, vì ở những nơi đó, họ không được lên tiếng”. Nhưng nếu lý tưởng là như vậy, thì phải ra khỏi đó.

 

Tuy nhiên, nếu nói rằng thể chế Giáo Hội rất thường tiến dần tới một quan niệm như thế về quyền bính và vâng phục, thì điều này không sai. Phải cố gắng giúp cho Giáo Hội đừng thi hành quyền bính theo cách đó. Đừng bao giờ lẫn lộn sự vâng lời đích thực với kiểu vâng lời “tối mặt”. Ngoài mặt trận, tuân lệnh sát mặt chữ có thể là một tai hoạ. Kiểu mẫu tối thượng của vâng phục không phải là cái máy. Máy làm theo lệnh, cứ ấn nút là nó hoạt động. Còn sự vâng phục thì khác. Trong sự vâng phục, cần có sự biện biệt và sáng kiến.

 

Một là, có thể có trường hợp hành vi được quyền bính truyền làm lại vô luân hay là tội ác. Đối với một mệnh lệnh như thế, phản kháng theo lương tâm có thể là một bổn phận. Sự vâng phục không có tính cách máy móc, nhưng luôn có sự xét đoán của lương tâm đi kèm. Cứ nại tới lệnh của người trên để chỉ biết làm theo, chuyện đó quá dễ. “Anh biết đấy, tôi làm theo lệnh mà!” Đừng gọi đó là vâng phục. Thực ra đó là tinh thần của kẻ xu nịnh, không có tí giá trị nào.

 

Hai là, cho dù không vô luân hay là tội ác đích danh, lệnh của người trên có thể là lạm quyền. Trong trường hợp này, tình huống phức tạp hơn nhiều. Khi quyền bính bị lạm dụng thì có còn là quyền bính nữa không hay nó đã vượt quá phạm vi của nó ? Khi đó phải phân tích. Trong một số trường hợp, người ta có thể nghĩ rằng phải vâng phục do công ích đòi hỏi. Trong những trường hợp khác, nếu sự lạm quyền gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, thì cũng chính vì ý thức về công ích mà lương tâm phải phản kháng.

 

Vấn đề thật khó. Phải hỏi han, cân nhắc xem đâu là công ích. Cả khi phải vâng phục, người ta cũng không được trở thành đồng loã với hành vi lạm quyền. Phải phản kháng và cố gắng làm sao cho không còn có sự lạm quyền. Vừa phải vâng phục để duy trì sự hiệp nhất, vừa phải đấu tranh chống lại sự lạm quyền. Nếu biết có lạm quyền mà vẫn phải vâng phục thì chỉ là để tránh một sự dữ lớn hơn.

 

Ba là, mệnh lệnh có thể được đánh giá là không đủ hoặc không cân xứng đối với các thành viên của một cộng đồng. Trong trường hợp này, mối quan tâm hiệp nhất thường đòi tránh gây chia rẽ. Do đó, chúng ta muốn các người phản kháng chấp nhận để người khác phản kháng mình, và chính mình cũng biết phản kháng mình. Chúng ta cũng muốn phải làm hết cách để có đối thoại.

 

Trong trường hợp thứ ba và cả trường hợp thứ hai (tuỳ tình huống), vâng phục là chết một cách sâu sắc, kết hợp với cái chết của Đức Kitô vâng phục. Không có cái chết nào sâu sắc hơn sự vâng phục khi người ta xác tín là quyền bính đã lầm. Vâng phục như vậy quả là một mầu nhiệm.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

19-4-2004


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà