SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

***

ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY Ở NADARET :

TÌM LẠI ĐƯỢC CHÚA TRONG ĐỀN THỜ

 

Tác giả Luca thuật lại sự kiện : sau lễ hội ở Giêrusalem, cậu bé Giêsu đã ở lại Đền thờ mà cha mẹ không hay biết, khiến hai ông bà phải lo lắng tìm con trong ba ngày (Lc 2,41-50).

 

Tiên vàn phải ghi nhận rằng đây không phải là một biến cố tầm thường, một giai thoại thuần tuý. Chúng ta đã nói về sự vâng phục. Người có lòng vâng phục tuyệt vời, vâng phục cho tới chết và chết trên thập giá, lần này lại không vâng phục. Phải nói như thế về các sự việc. Đức Giêsu đã không theo cha mẹ về lại Nadaret, và hai người phải nhọc công tìm kiếm Ngài.

 

Người ta nói rằng nét riêng của các triết gia là ngạc nhiên về những điều mà người bình thường không thấy có gì lạ. Kiến thức chẳng hạn, là cái gì đó phi thường. Hai chiếc vi âm đặt gần nhau không biết nhau, nhưng hai người bên nhau thì biết nhau. Triết gia ngạc nhiên về điều đó. Người sống đời sống thiêng liêng cũng phải không ngừng đổi mới sự ngạc nhiên của mình, tránh sự đông cứng.

 

“Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Đây là những lời đầu tiên Chúa nói trong Tin mừng. Hiển nhiên chúng là trọng tâm của trình thuật. Không có những lời này thì trình thuật cũng chỉ là một câu truyện hơi có nét nên thơ như thấy vô số trong các sách Tin mừng ngoại thư. Khi nói mình “có bổn phận ở nhà Cha”, Đức Giêsu cho thấy mình là ai. Ngài là Con Thiên Chúa, và Đền thờ là tài sản của Cha Ngài dành cho Ngài, một cậu bé mới 12 tuổi !

 

Tin mừng nói rõ là cả Maria lẫn Giuse đều không hiểu lời này. Tuy nhiên, do việc thụ thai và sinh hạ đồng trinh, các ngài biết rằng con của mình gắn bó cách đặc biệt với Thiên Chúa. Riêng Maria biết rõ hơn. Còn chúng ta, chúng ta biết gì về sự thụ thai đồng trinh ? Cha Augustin George nghĩ rằng Đức Mẹ đã không muốn nói gì trong suốt cuộc đời của Chúa, vì nếu có ai có thể nói điều gì, thì người đó phải là Đức Giêsu. Sau khi Chúa sống lại, Đức Mẹ hẳn đã chia sẻ cho Gioan hoặc cho các Tông đồ khác bí mật của sự thụ thai đồng trinh.

 

Nhưng không chỉ có Đức Maria biết bí mật này. Cả Giuse cũng biết. Vậy tại sao các ngài không hiểu lời Chúa nói: “Con có bổn phận ở nhà Cha con”. Sở dĩ thế vì các ngài không biết được những gì hàm chứa trong mối liên hệ giữa Đức Giêsu với một Thiên Chúa được gọi là “Cha”. Các ngài không hiểu rằng Đức Giêsu vừa tùng phục vừa làm chủ lề luật.

 

Chúng ta thấy ở đó bí mật của sự vâng phục, một thái độ gây rất nhiều khó khăn cho ta, khi ta không tìm về nguồn mạch đích thực của nó. Chúa tùng phục và làm chủ lề luật trong sự tự do. Ngài tùng phục lề luật như: chịu cắt bì, được dâng cho Thiên Chúa, đi hành hương Giêrusalem cùng với cha mẹ vào thời gian luật định. Tất cả những cái đó là lề luật. Và ngay sau biến cố đang suy niệm, Tin mừng nói rõ là Đức Giêsu cùng với cha mẹ trở về Nadaret và hằng vâng phục cha mẹ. Ngài vâng phục lề luật, nhưng cũng làm chủ lề luật, vì, như ta nói ngày nay, Ngài đã lỗi điều răn thứ IV khi không cùng với cha mẹ trở về Nadaret ngay sau những ngày lễ hội ở Đền thờ.

 

Vậy vấn đề vâng phục là ở chỗ vừa vâng phục lề luật vừa làm chủ lề luật. Luật vẫn cần thiết và có giá trị của nó. Nói chung, nếu có vấn đề không giữ luật thì luôn chỉ vì những lý do xấu. Khi người ta rất mực khiêm nhường, người ta giữ luật vì hiểu rằng luật cần thiết. Đồng thời người ta sống cho tình yêu và tình yêu hiển nhiên vượt trên lề luật.

 

Đức Giêsu khẳng định mình tiên vàn thuộc về Thiên Chúa và chỉ mình Thiên Chúa có quyền trên Ngài. Về phía Maria và Giuse, các ngài phải đành lòng mất con, mất một người con đã thuộc về các ngài. Các ngài phải tìm thấy một Giêsu thật, một Giêsu mà không ai trên đời có thể dành riêng cho mình.

 

Trong cuốn Nhà tiên tri, thi sĩ Khalil Gibran, người Liban, đã viết một trang rất hay về trẻ em như sau:

Một phụ nữ bồng con trên tay, lên tiếng: Hãy nói cho chúng tôi về các trẻ em. Và ông nói:

 

Con cái bà không phải là con cái bà

Chúng là những con trai con gái được Sự Sống mời gọi tới Sự Sống

Chúng đến qua bà nhưng không phải từ bà

Và dù ở với bà, chúng không thuộc về bà

Bà có thể cho chúng tình yêu của bà, nhưng không phải suy nghĩ của bà

Vì chúng có suy nghĩ riêng của chúng

Bà có thể đón nhận thân xác chúng, nhưng không phải linh hồn chúng

Vì linh hồn chúng cư ngụ trong căn nhà của ngày mai mà bà không thể thăm viếng, ngay cả trong những giấc mơ của bà

Bà có thể cố gắng giống như chúng, nhưng đừng cố bắt chúng giống bà

Vì cuộc đời không thụt lùi, cũng không dừng lại ở ngày hôm qua

Bà là cây cung được dùng để bắn đi các mũi tên sống động là các con bà

Cung Thủ thấy mục tiêu trên đường dài thăm thẳm, và dùng quyền năng kéo dây cung là bà, để các mũi tên của Người có thể bay nhanh và xa

Chớ gì sự kéo căng do bàn tay của Cung Thủ là vì niềm vui

Vì yêu mũi tên bay, Người cũng yêu cây cung vững bền.

 

Một bản văn tuyệt vời dành cho bậc làm cha mẹ giáo dục con cái. Con cái là cho ngày mai. Ngày mai sẽ ra sao, ta không biết. Phần ta, sinh hạ chúng rồi, cứ bắn chúng về phía trước.

 

Ở Giêrusalem, Maria và Giuse mất Giêsu của mình và tìm thấy một Giêsu khác. Đây không phải là một sự đoạn tuyệt. Ngược lại là khác. Là vì, Đức Giêsu sẽ theo cha mẹ về lại Nadaret, và tiếp tục sống tất cả những điều kiện của một con người. Ngài sẽ lớn lên và trưởng thành như mọi trẻ em khác. “Ngài cùng với cha mẹ trở về Nadaret và hằng vâng phục cha mẹ”. Sự phục tùng của Chúa tiếp ngay sau sự phục tùng của Maria và Giuse. Riêng Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà