SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

***

LOAN BÁO TIN MỪNG :

KÊU GỌI CÁC TÔNG ĐỒ

 

Chúng ta suy niệm về việc Chúa kêu gọi các Tông đồ, kêu gọi từng người như Anrê, Gioan, Phêrô, Philipphê…  Việc suy niệm này chỉ có ý nghĩa khi chúng ta hiểu rằng, như Chúa đã kêu gọi từng môn đệ ngày xưa, Ngài cũng kêu gọi từng người trong chúng ta hôm nay. Ngài muốn chúng ta hoàn toàn tự do khi đáp lại.

 

Chúng ta suy niệm về 3 điểm : một sự hiểu biết nào đó về Chúa; lời mời gọi theo Chúa cách nào đó; lời mời gọi theo Chúa triệt để và mãi mãi.

 

1. Một sự hiểu biết nào đó về Chúa

 

a/ Hành trình đức tin

Chúng ta hãy đọc lại bản văn Tin mừng Gioan 1,35-51. Anrê và Gioan đang là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, được dạy dỗ ở một trình độ rất cao. Muốn biết trình độ của hai môn đệ này thế nào, cứ đối chiếu các ông với những tổ phụ thời Cựu ước : Noê, Abraham, Mosê…

 

Noê là một nhân vật tượng trưng cho cả nhân loại trước Abraham, đã được Thiên Chúa ký một giao ước. Ông tượng trưng cho con người nghe theo tiếng lương tâm. Abraham thì ở một trình độ cao hơn nhiều so với Noê. Ông đã có cảm nghiệm về Thiên Chúa, đã hiểu rằng nghe theo tiếng lương tâm là vâng phục và yêu mến một Đấng khác với mình và cư ngụ nơi mình.

Trình độ của Abraham giống như điều được nói đến trong câu thơ của A. Rimbaud, mà Maurice Zundel, nhà thần học người Thuỵ sĩ, dùng làm tựa đề cho một cuốn sách của mình: “Tôi là một người khác” (Je est un autre). Chúng ta không rõ ý tứ thực sự của thi sĩ về câu thơ trên, nhưng có thể diễn đạt như sau : Nơi tôi có một Đấng còn là tôi hơn tôi. Cái tôi sâu xa nhất của tôi chính là một Đấng khác. Đấng ấy là nguồn mạch của mọi sự nơi tôi, ở tận đáy lòng tôi. Đó là ý thức của Abraham về Thiên Chúa.

 

Tiếp đến là trình độ của Mosê. Rồi tất cả đường lối giáo dục tiệm tiến này được hoàn thành nơi Đức Trinh Nữ Maria.

 

Anrê và Gioan đã được đào tạo tinh tế hơn Abraham và Mosê.

 

Chúng ta ngày nay cũng vậy. Chúng ta biết Chúa Kitô là Đấng phải đến (Mt 11,2), nhưng chưa biết Ngài trong tất cả chiều sâu của Ngài. Chiều sâu này là vô biên, nên không thể khẳng định là mình đã biết Chúa. Ngài luôn là Đấng phải đến. Những lời cuối cùng của sách Khải huyền, cuốn sách kết thúc Tân ước, có liên hệ với việc Chúa sẽ đến: “Chẳng bao lâu nữa, Ta sẽ đến … Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

 

Vậy điều cần là phải tự hỏi xem ta đã biết về Chúa như thế nào, có nhớ ơn những thày đã dẫn dắt ta đi vào con đường tìm biết Chúa không, có sẵn sàng đón nhận việc Ngài sẽ đến chăng.

    

b/ Để Chúa lôi cuốn bên trong

 

Gioan Tẩy Giả đang đứng với hai người trong nhóm môn đồ của mình, tức Anrê và Gioan, thì Đức Giêsu đi ngang qua (Ga 1,36). Hãy suy nghĩ nhiều về điều này. Phải chăng Đức Giêsu thực sự đi ngang qua đối với tôi ?

Gioan Tẩy Giả lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Anrê và Gioan biết ý nghĩa của con chiên trong Kinh Thánh. Đó là một con vật bị tế sát. Nó làm cho người ta nhớ đến lễ Vượt qua của người Do thái. Hiển nhiên đây là một con vật tượng trưng. Lời của Gioan Tẩy Giả muốn nói rằng con chiên mà anh em đã từng bao lần nghe nói đến, chính là một con người, là Đấng vừa đi ngang qua. Nghe vậy, hai người đã đi theo Chúa. Chúa là tột đỉnh. Thâm tâm hai người đã được lôi cuốn tới chỗ tột đỉnh.

 

Còn chúng ta thì sao ? Thâm tâm ta có được lôi cuốn tới chỗ tột đỉnh không ? Nếu có, ta cũng đi theo Đức Giêsu.

 

“Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: các anh tìm gì thế ?” Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do của hai người, không ép buộc các ông. Hai người hỏi: “Thưa Rabbi, Thày ở đâu ?” Trực giác cho biết các ông vừa bắt gặp một tôn sư tối thượng.

 

Là kitô hữu, chúng ta đãõ chọn Đức Kitô làm Thày. Vậy có còn muốn tìm một thày nào khác nữa chăng ? Hãy thử nhìn vào Đức Phật. Phật giáo được nhiều người ưa chuộng. Cha H. de Lubac viết : sau Đức Giêsu thì Đức Phật biểu thị tột đỉnh của đời sống tôn giáo. Vấn đề là phải thấy rõ Đức Giêsu hơn Đức Phật ở điểm nào. Nhận Đức Giêsu là Thày thì phải thực sự coi Ngài là Thày của ta, để cuối cùng đi theo Ngài.

 

Tuy nhiên, nói như vậy cũng còn mơ hồ. Phải biết hỏi tiếp như Anrê và Gioan: “Thày ở đâu ?” Các ông muốn kết thân với Chúa, muốn có sự hiểu biết thân mật tới một mức nào đó. Đây là kết quả của sự giáo dục mà các ông đã hấp thụ trước đây.

 

Chúa trả lời: “Đến mà xem”. Các ông đã đến xem chỗ Chúa ở. Chúng ta hôm nay ít nhất cũng phải biết tìm thấy Chúa ở đâu. Nơi Chúa ở là trong Tin mừng, mà chúng ta phải tìm biết.

 

“Họ ở lại với Chúa ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều”. Tất cả đều là tự ý, không một chút cưỡng ép. Dù tuổi đã cao khi ghi lại sự kiện, Gioan vẫn còn nhớ rõ thời khắc như in. Thực ra, làm sao có thể quên được “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” ?

 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Ngày hôm sau, Anrê nói với em là Simon: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”, rồi dẫn Simon đến gặp Chúa. Dẫn một ai đến gặp Chúa, điều này muốn nói gì với tôi ? Có bao giờ tôi đã dẫn một người nào đó đến gặp Chúa chưa ? Chưa phải là đến với tôn giáo ngay đâu, nhưng là đến với Chúa Giêsu. Đó mới là điều quan trọng. Nhiều người biết và nói vanh vách về kitô giáo, nhưng lại chưa tiếp xúc thực sự với Chúa, chủ yếu qua việc cầu nguyện. Phải thành thật nhận rằng chúng ta khó dành lâu giờ cho Chúa. Tuy chúng ta tiếp xúc không phải theo kiểu tình cảm, nhưng, như Emmanuel Mounier nói, phải buồn mà nhận rằng nhiều lúc chúng ta khô khan khi ở bên Chúa.

 

Simon gặp Chúa và Ngài nhìn ông. Động từ hy lạp sử dụng ở đây nói lên một cái nhìn sâu sắc, thấu đến tận tâm can. Rồi Ngài nói: Anh là Simon … anh sẽ được gọi là Kêpha, tức là Phêrô. Đổi tên ai là muốn tức khắc trao một sứ mệnh cho người đó. Việc đổi tên như vậy, Kinh Thánh cũng hay nói đến. Thiên Chúa đổi tên Abram thành Abraham, Saolê thành Phaolô, Simon thành Kêpha, Phêrô. Tất cả Giáo Hội được cho thấy trước ở đây, vì Phêrô sẽ là đá tảng nâng đỡ Giáo Hội.

 

Ngày hôm sau, một cảnh tượng tương tự xẩy ra, tuy có vài sắc thái khác. Chúa gặp Philipphê và nói: Anh hãy theo tôi. Rồi Philipphê giới thiệu Chúa cho Natanaen, người lúc đầu tỏ ý nghi ngờ về thân thế của Ngài.

 

Những việc trên đây muốn nói lên điều gì ? Muốn nói rằng phải biết đi từ một đời sống thuần tuý kitô giáo tới một đời sống thiêng liêng đích danh, một đời sống đức tin, một đời sống dấn thân sâu sắc. Một sự hiểu biết nào đó về Chúa phải đưa tới một sự hiểu biết sâu xa hơn về Ngài.

 

2. Lời mời gọi theo Chúa cách nào đó

 

Chúng ta đọc bản văn Tin mừng Luca ở đầu chương V. Phêrô và Anrê vừa theo Chúa vừa chưa theo. Tức là mới chỉ dấn thân nửa vời. Các ông vẫn làm nghề của mình, không từ bỏ những gì đang bảo đảm sinh kế của mình. Nói vậy không có nghĩa là khi theo Chúa, ta phải bỏ nghề của ta. Cần hiểu rõ sự việc.

 

Trong câu truyện hôm nay, có mẻ cá lạ. Nhưng trước đó, Simon Phêrô đã phải lựa chọn giữa những gì mình có kinh nghiệm trong nghề nghiệp và lệnh truyền của Chúa. Lựa chọn như vậy không phải là chuyện nhỏ. Người ta bảo có lần tướng de Gaulle đã bực tức nói: “Giáo Hội hãy lo cho các canons (khoản Giáo luật) của mình, đừng xen vào các canons (khẩu đại bác) của tôi”. Một cách chơi chữ. Ý nói : Việc của ai người ấy lo, đừng xen vào việc của người khác. Đánh cá thế nào và lúc nào là sở trường nghề nghiệp của Simon Phêrô, chứ không phải của Chúa. Ông và các bạn đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì. Bây giờ trời đã sáng mà Chúa lại bảo chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá. Có ai đánh bắt cá buổi sáng bao giờ ? Bởi vì cá đã xuống dưới sâu, nhất là khi suốt đêm đã không bắt được con nào. Chúng ta tưởng Phêrô đã lẩm bẩm : Tức cười thật. Nghề của mình,  mình biết chứ. Sao lại truyền làm chuyện ngược đời như vậy ?

 

Nhưng không. Như ta thấy, ông đã tỏ ra dứt khoát, dám làm theo lệnh truyền trái khoáy đó: “Dựa vào lời Thày, tôi sẽ thả lưới”. Chỉ dựa vào lời Chúa mà ông đã làm ngược với kinh nghiệm trong nghề. Và mẻ cá lạ đã xẩy ra. Từ lúc này, ông và các bạn quyết định dứt khoát theo Chúa.

 

3. Lời mời gọi theo Chúa triệt để và mãi mãi

 

Chúng ta đọc tiếp bản văn Luca nói trên (Lc 5,8-11). “Họ bỏ hết mọi sự mà theo Chúa”. Lời ghi nhận này đáng cho mỗi người chúng ta suy đi nghĩ lại. Tôi đã bỏ lại những gì ? Có lẽ đó không phải là nghề mưu sinh của tôi. Vậy điều gì đáng cho tôi phải bỏ ?

 

Các môn đệ đầu tiên đã bỏ hết mọi sự là muốn làm hơn điều mình đang có, muốn thực hiện lời Chúa dạy trong Bài Giảng Trên Núi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

 

Thực ra, các ông đang bắt đầu đi vào con đường khổ nạn mà không biết. Các ông đã từ bỏ những gì đem lại an ninh bảo đảm cho mình, để đi vào guồng máy của tình yêu. Tình yêu là một guồng máy. Nói thế nhưng đừng sợ. Là vì càng được tình yêu thu hút, người ta càng được giải thoát khỏi lề luật. Đó là sự tự do đích thực, là sống ở mức độ cao nhất. Tất cả vấn đề là ở chỗ : không có con đường sống nào tốt hơn là theo Đức Giêsu.

 

Các môn đệ rời bỏ những gì quen thuộc, nhưng chưa bắt đầu ngay. Trong giai đoạn đầu, Chúa còn được dân chúng tiền hô hậu ủng. Và các ông chia sẻ với Ngài niềm vui ấy. Tuy nhiên, những thử thách sẽ dần dần xẩy đến cho những ai theo Chúa.

 

Vần đề hôm nay của chúng ta là phải tự hỏi xem mình đã gắn bó với Chúa như thế nào, để chứng tỏ là những con người theo Chúa triệt để và mãi mãi.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà