SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

***

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI :

 MỘT VÀI ĐỀ TÀI TRONG Mt 5,13-48

 

1. Muối và ánh sáng

“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.

Thời Thượng cổ, muối và ánh sáng được coi là những yếu tố không thể bỏ qua. Theo tác giả Pline l’Ancien thì không gì hữu ích hơn muối và mặt trời (Nihil utilius sale et sole).

 

Lưu ý đến cách Chúa nhấn mạnh: “Chính anh em là…”. Nói khác đi, những người mà Chúa muốn nói là những con người đã đáp lời mời gọi của Ngài và được Ngài sai ngay vào thế gian. Chúa không muốn giữ họ lại bên mình để thày trò vui vầy với nhau, nhưng muốn họ trở thành muối và ánh sáng cho người khác.

 

Trong bài Tự ngôn sách Tin mừng IV, Gioan đã viết: “Ngôi Lời (tức Chúa Giêsu) là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1.9). Cũng tác giả này ghi lại lời Chúa tự xưng: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Vậy ánh sáng là Chúa hay là chúng ta ? Thực ra, ánh sáng đó là Chúa mà cũng là chúng ta. Thế nhưng chúng ta chỉ có thể là ánh sáng nếu đồng hoá với Chúa. Chúng ta là ánh sáng nếu là môn đệ của Ngài.

 

Ánh sáng thì phải thật sự là ánh sáng, cũng như muối phải thật sự là muối. Hãy nghĩ đến muối và nến sáng trong nghi thức Rửa tội. Thế giới Thượng cổ không biết đến ý nghĩa của muối trong tôn giáo. Trong Cựu ước, muối có 3 ý nghĩa: thanh tẩy, giữ cho đồ ăn khỏi hư và tạo nên hương vị.

 

Trước hết, muối có tác dụng thanh tẩy. Chúng ta đang sống trong một thế giới bị ô nhiễm nặng nề, trong những môi trường không trong sạch. Ngay cả những môi trường kitô giáo có khi cũng chẳng trừ. Chúng phải được thanh tẩy nhờ vai trò của chúng ta là muối.

Thứ đến, muối có tác dụng bảo quản. Những lời Chúa dạy và những việc Chúa làm phải chăng đã được chúng ta bảo quản, gìn giữ ? Có những người không muốn thấy Giáo hội, không muốn có Huấn quyền, chỉ muốn hành động ở bên ngoài Giáo hội, chỉ chấp nhận bản văn Tin mừng mà thôi. Nhưng giả sử không còn Giáo hội, không còn Huấn quyền, không còn thần học, thì sau một thời gian, mấy ai còn biết rằng mình đang gìn giữ ân huệ của Thiên Chúa, biết rằng Thiên Chúa đã tự hiến mình cho nhân loại, biết rằng ơn gọi của con người là được thần hoá, biết rằng con người sống ở đời là dự phần vào sự sống của Thiên Chúa.

 

Cuối cùng, muối đem lại hương vị. Không thiếu những người sống một cuộc đời nhạt nhẽo, vô vị, đạo đức giả, chạy theo những cái phù phiếm. Muối nơi họ đã nhạt. “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì làm cho nó mặn lại ? Nó thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13). Bi kịch là ở đó. Một linh mục không thật sự là linh mục, một tu sĩ không thật sự là tu sĩ, một giáo dân không thật sự là giáo dân, không sống tinh thần Tin mừng, thì còn tệ hơn người khác.

 

Về điểm này, F. Nietzsche có những lời chỉ trích thật gay gắt. Nói đúng ra, trong các tác phẩm của mình, ông vẫn ca tụng kitô giáo, vẫn nhận ra những điểm son trong đạo. Nhưng nếu những điểm son đó không được người ta sống, chúng sẽ trở thành những vết đen.

 

Linh mục mà không thật sự là linh mục thì không còn gì. Người đã khấn giữ sự nghèo khó, khiết tịnh, vâng phục, mà còn muốn bám víu vào những gì mình đã quyết từ bỏ, thì quả là tệ. Người kitô hữu không thật sự là kitô hữu sẽ không cho thấy mình thật sự là ai. Tất cả đều là muối đã nhạt, phản ánh một thứ đạo không còn hương vị.

 

2. Truyền thống

Chúng ta đọc chương 5 của Tin mừng Matthêu, từ câu 17 đến câu 20, nói về những liên hệ của Chúa với Lề luật: “Anh em đừng tưởng Thày đến để bãi bỏ Luật Mosê hoặc lời các ngôn sứ. Thày đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

 

Chúa không bãi bỏ Truyền thống, vì Truyền thống vẫn quan trọng. Chúng ta luôn phải là những con người truyền thống. Nhưng cần phân biệt Truyền thống lớn của Giáo hội với những tục lệ nhỏ của từng nơi từng miền. Không ít người đã lạm dụng về điểm này. Họ muốn tỏ ra mình là những con người truyền thống, nhưng truyền thống mà họ rập theo chỉ là những tập tục nào đó mà họ biết và giữ từ nhỏ và muốn duy trì bằng mọi giá. Họ đã lầm lẫn chúng với Truyền thống lớn của Giáo hội. Những người bảo thủ cực đoan chẳng hạn, vẫn coi mình là những người truyền thống. Nhưng truyền thống nào đây ?

 

Nói cho chính xác, con người thực sự truyền thống là con người loại khỏi Truyền thống đích thực những yếu tố đã được thêm thắt qua dòng thời gian.

 

Truyền thống đích thực này, Chúa không bãi bỏ, nhưng kiện toàn khi cho biết ý nghĩa đích thực của Lề luật, phù hợp với mạc khải. Chúa không thể chống lại Lề luật, vì Lề luật chứa đựng nguyên tắc vượt qua chính nó. Điều đầu tiên Luật dạy là yêu thương. Nhưng người ta không thể yêu mà không vượt qua Lề luật. Có một thứ “yêu hơn” trong tình yêu. Yếu tố “hơn” đó là luật. Phải tiến tới chỗ yêu hơn thì mới là giữ luật yêu thương thực sự.

 

Điều răn thứ nhất bao hàm những lời khuyên Phúc âm về sự nghèo khó, vâng phục và khiết tịnh. Nói Thiên Chúa là Tình Yêu cũng là nói Ngài nghèo khó, khiêm nhường. Sống nghèo khó và khiêm nhường là chúng ta đang thực hành điều răn thứ nhất.

 

Phải nhấn mạnh lại rằng vượt lên trên hình thức vụ luật không có nghĩa là vứt bỏ Lề luật, không còn mắc mớ gì với nó. Chắc chắn chúng ta không lẫn lộn Lề luật với Thiên Chúa, như nhóm biệt phái ngày xưa đã quên mất Thiên Chúa để chỉ còn trung thành với Lề luật. Chúng ta dựa trên Lề luật mà biết vượt qua nó.

 

Thử lấy hình ảnh một vận động viên bơi lội để so sánh. Vận động viên này chẳng cần nhìn vào sách thủ bản dạy cách bơi, vì anh ta bơi dễ dàng. Nhưng những quy tắc về bơi lội, anh không làm ngược lại. Cũng thế, khi chúng ta nói năng lưu loát, thông thạo, chúng ta chẳng cần tra cứu văn phạm. Dầu vậy, một diễn giả tài tình hay một văn sĩ nổi tiếng vẫn không lỗi quy tắc văn phạm. Người ấy vẫn nói hoặc viết đúng văn phạm, nhưng sử dụng văn phạm dễ dàng bằng cách vượt qua nó.

 

Vượt qua Lề luật mà vẫn dựa trên Lề luật. Không chấp nhận Lề luật thì cuối cùng sẽ đi đến chỗ hỗn loạn. Và hỗn loạn mang lại kết quả ra sao, ai nấy đều có thể lường trước.

 

Lề luật hàm chứa nguyên tắc phải vượt qua chính nó. Luật dạy rằng: “Ngươi hãy yêu…”. Yêu thì không có giới hạn, không có mức độ. Người ta luôn có thể và phải yêu hơn.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà