Suy niệm về

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

 

XIV

 

KHIẾT TỊNH

 

“Hãy cầm lấy vũ khí của sự sáng” (Rm 13,2)

 

Phaolô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14).

 

Những lời trên đây đã có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc hoán cải của một trong những vị thánh lớn của Giáo Hội là Augustinô, như ngài đã viết trong cuốn Confessions. Một ngày nọ, trong lúc đi dạo ở vườn nhà một người bạn, tâm hồn đang bị xâu xé, thì từ nhà bên cạnh, Augustinô nghe có tiếng trẻ con nói: Hãy cầm lấy và hãy đọc (Tolle et lege). Augustinô cho đây là lờùi Thiên Chúa mời gọi. Đang cầm cuốn sách các thư Phaolô, tình cờ ngài mở ra, và định bụng rằng hễ thấy câu nào đầu tiên, thì câu đó nói lên ý muốn của Thiên Chúa. Câu đầu tiên chính là câu của thư Rôma nói trên. Augustinô đã gắn bó với đức tin. Những vấn nạn ngày càng tan biến. Nhưng vẫn còn một điều làm ngài lưỡng lự: sợ không thể sống khiết tịnh. Thì đây, qua những lời của Phaolô, một ánh sáng an bình chan hoà trong tâm hồn ngài, xoá tan mọi phân vân. Augustinô hiểu rằng, với ơn Chúa giúp sức, mình có thể sống khiết tịnh.

 

“Những việc làm đen tối” nói trong bản văn, thì ở chỗ khác, Phaolô gọi là “những việc do tính xác thịt” (Rm 8,13; Gl 5,19). “Vũ khí của sự sáng” thì ở chỗ khác là những việc của Thần Khí hoặc “hoa quả của Thần Khí” (Gl 5,22).

 

Trong số những việc do tính xác thịt, có sự dâm dật, được Phaolô nhấn mạnh ở đầu lá thư (Rm 1,26tt), ngược với vũ khí của sự sáng, tức sự trong sạch. Cùng với sự vâng phục và bác ái, đây cũng là hoa quả cơ bản của Thần Khí. Thần Khí sửa chữa mối liên hệ giữa ta với Chúa bằng sự vâng phục, giữa ta với người khác bằng bác ái, thì cũng sửa chữa mối liên hệ của ta với chính mình bằng sự trong sạch.

 

Giữa sự trong sạch và thánh thiện, cũng như giữa sự trong sạch và Chúa Thánh Thần, có mối tương quan chặt chẽ. Phaolô viết: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là: xa lánh gian dâm, không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại là những người không biết Thiên Chúa… Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện” (1Tx 4,3-8). Chúng ta cố gắng suy niệm về lời khuyên này, đào sâu hoa quả này của Thần Khí, là sự trong sạch.

 

1. Những lý do của sự trong sạch kitô giáo

 

* Có hai từ chủ chốt được Phaolô sử dụng giúp chúng ta hiểu về sự trong sạch. Một là tiết độ (enkrateia), mà Phaolô coi là thuộc hoa quả của Thần Khí (Gl 5,22). Tiết độ có nghĩa chung là làm chủ mình, chẳng hạn trong ăn uống, nói năng, lúc nóng giận. Nhưng ở đây, cũng như ở hầu hết các chỗ khác trong Tân ước, nó chỉ sự tự chủ trong một lãnh vực rõ ràng: lãnh vực tình dục, làm chủ bản năng tính dục của mình.

 

Đối lại với nó là dâm bôn (porneia. Từ này còn được dịch là: đĩ điếm, dâm ô, thông dâm, gian dâm, ngoại tình…). Ý tưởng  cơ bản của dâm bôn là bán mình. Khi dùng từ này để chỉ hầu hết các cách biểu lộ sự sa đoạ về tình dục, Kinh Thánh cho ta hay mọi tội lỗi về đức trong sạch, theo một nghĩa nào đó, là một cách bán mình.

 

Như vậy, hai từ mà Phaolô sử dụng cho thấy có thể có hai thái độ trái ngược nhau đối với thân xác và tình dục của ta. Một là hoa quả của Thần Khí (tiết độ, tự chủ), một là việc của tính xác thịt (dâm bôn). Một là nhân đức, một là nết xấu. Một thái độ làm chủ thân xác mình, một thái độ bán mình, làm thân xác mình bị tha hoá, tức là sử dụng tính dục theo ý riêng, vào những mục đích vụ lợi, hoặc khác với những mục đích mà Thiên Chúa muốn đặt nơi nó; là biến hành vi tính dục thành một hành vi có thể mua bán như trong trường hợp mại dâm, hoặc tìm trong hành vi này những lạc thú hoàn toàn ích kỷ.

 

Để hiểu cho đúng sự trong sạch, không thể chỉ dựa vào luân lý tự nhiên, mà phải đào sâu trong Kinh Thánh. Với ý nghĩa kitô giáo, từ “tự chủ” chẳng hạn chứa đựng một nội dung hoàn toàn mới. Có thể thấy nội dung mới này ngay trong bản văn thư Rôma đang bàn, trong đó, đối nghịch với sự sa đoạ tình dục là “mặc lấy Chúa Kitô”. Tự chủ là mặc lấy Chúa Kitô. Những kitô hữu sơ khai đã hiểu rõ nội dung mới này. Và nội dung này trở thành đề tài cho những giáo huấn chuyên biệt.

 

* Chúng ta thử xét một trong những giáo huấn về sự trong sạch, để khám phá ra nội dung đích thực của nhân đức này, cũng như khám phá ra lý do thật sự của nó, lý do phát xuất từ biến cố Vượt qua của Đức Kitô.

 

Chúng ta hãy đọc 1Cr 6,12-20. Dường như các tín hữu Corintô hiểu sai ý của Phaolô về sự tự do trong Chúa Kitô, nên dựa vào nguyên tắc “Tôi được phép làm mọi sự”, để thậm chí sống buông tuồng dâm dật. Câu trả lời của Phaolô chứa đựng một lý do hoàn toàn mới mẻ về đức trong sạch. Lý do này phát xuất từ chính mầu nhiệm Đức Kitô (lý do kitô học). Thánh Tông đồ nói đại khái: không được phép dâm ô, không được phép bán mình, không được phép sử dụng thân xác mình theo sở thích. Lý do là vì chúng ta không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về Đức Kitô. Chúng ta không thể sử dụng những gì không còn thuộc về ta. Thư Corintô viết: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?... Anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1Cr 6,15.19). Câu 13 là: “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa”.

 

Cứ như trên, lý do cuối cùng của đức trong sạch là vì “Đức Giêsu là Chúa”. Nói cách khác, sự trong sạch kitô giáo không ở chỗ để cho lý trí làm chủ các bản năng tính dục cho bằng để cho Chúa Kitô làm chủ tất cả con người của ta, cả lý trí lẫn bản năng của ta. Điều quan trọng nhất không phải là ta làm chủ con người của ta, nhưng là Đức Giêsu làm chủ con người của ta. Như vậy, từ “tiết độ” ở trên, với nghĩa làm chủ mình, mang một nội dung mới: không phải ta làm chủ ta, nhưng là Chúa Kitô làm chủ ta. Hai viễn tượng này khác nhau xa. Một đàng sự trong sạch phục vụ ta, ta là mục đích. Một đàng sự trong sạch  phục vụ Chúa Kitô, Chúa Kitô là mục đích. Đương nhiên là tiên vàn ta phải cố gắng làm chủ mình, nhưng sẽ nhường cho Chúa Kitô làm chủ ta.

 

Lý do này càng mạnh hơn do chính lời Phaolô thêm vào bản văn, đại ý: chúng ta không chỉ thuộc về Đức Kitô một cách chung chung, như là vật sở hữu của Ngài. Chúng ta còn là phần thân thể của Ngài. Vậy phạm tội dâm ô là chúng ta làm cho thân thể Ngài ra ô uế. Chúng ta mắc một thứ tội phạm thánh ghê tởm. “Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm thành phần thân thể của người kỹ nữ sao?” (1Cr 6,15). Thứ ngôn từ thật nặng (dịch là con điếm như cha Thuấn nghe  còn nặng hơn), cho thấy tội quả là nặng.

 

Ngoài lý do kitô học, còn có lý do Thánh Thần học, lý do liên hệ đến Chúa Thánh Thần. “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19). Lạm dụng thân xác mình là làm cho đền thờ của Thánh Thần ra ô uế. Và nếu ai làm cho đền thờ này ra ô uế, là phá huỷ đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người đó (1Cr 3,17). Phaolô cũng viết trong thư Ephêsô: phạm tội tà dâm là “làm phiền lòng Thánh Thần” (Ep 4,30).

 

Cùng với hai lý do trên đây, Phaolô còn cho thấy lý do thứ ba, lý do cánh chung học, lý do liên hệ đến vận mệnh cuối cùng của con người. Thiên Chúa hứa sẽ làm cho thân xác ta sống lại (1Cr 6,14), để cùng với linh hồn dự phần vào hạnh phúc và vinh quang vĩnh cửu. Vậy phải giữ thân xác cho trong sạch.

 

Sống trong sạch không phải là khinh miệt thân xác, ngược lại, còn tỏ ra kính trọng thân xác. Theo các Giáo phụ, Phúc Âm không dạy là chúng ta được cứu thoát khỏi thân xác, nhưng được cứu thoát cùng với thân xác. Ai cho rằng thân xác như chiếc áo ngoài được bỏ lại ở trần gian, người đó sẽ không hiểu, không thấy lý do vì sao người kitô hữu lại giữ cho thân xác không tì tích. Thánh Cyrillô thành Giêrusalem viết: “Vì thân xác kết hợp với linh hồn trong mọi hoạt động, nó sẽ là bạn đồng hành của linh hồn trong mọi sự sẽ xẩy đến trong tương lai. Vậy hãy kính trọng thân xác ta… Chúng ta phải tính sổ với Thiên Chúa về mọi điều chúng ta đã làm với thân xác ta”

 

Phaolô kết thúc giáo huấn về sự trong sạch bằng lời kêu gọi này: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,20). Vậy thân xác con người là dành cho vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta bày tỏ vinh quang này bằng cách sống thân xác ta cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, tuân theo ý nghĩa của tính dục như Chúa đã đặt định, tức là hiến mình chứ không phải bán mình. Tôn vinh Thiên Chúa bằng thân xác không nhất thiết đòi phải từ bỏ hành vi tính dục. Trong 1Cr 7, Phaolô cho thấy có hai cách tôn vinh khác nhau, một trong bậc hôn nhân, một trong bậc đồng trinh. Nhưng ngay cả người sống bậc hôn nhân cũng phải tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác, bằng cách sống đúng với đòi hỏi của bậc mình.

 

2. Trong sạch và bác ái

 

* Sự trong sạch còn hơn là một nhân đức. Nó là một lối sống thể hiện bằng những khía cạnh khác nhau, có khi vượt lên trên cả lãnh vực tính dục đích danh. Có sự trong sạch nơi thân xác. Có sự trong sạch trong tâm hồn. Sự trong sạch này không thể đi đôi với hành vi xấu, mà cả với những tư tưởng và ước muốn xấu (“Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”: Mt 5,28). Có sự trong sạch trên môi miệng: không nói những lời dâm ô, thô tục, nhưng nói những lời thành thực, ngay thẳng, có nói có, không nói không. Cuối cùng, còn có sự trong sạch trong đôi mắt, trong cái nhìn. Chúa nói: đèn của thân thể là con mắt, nếu mắt sáng thì toàn thân sẽ sáng (Mt 6,22tt; Lc 11,34). Trong sạch trong những khía cạnh trên đây chính là nét đẹp của đời sống kitô giáo, của đời sống mới trong Thần Khí.

 

* Ngày nay, giữa hai tội lỗi đức trong sạch và lỗi đức bác ái, người ta thường có khuynh hướng chỉ lưu ý đến tội lỗi đức ái, hoặc lưu ý tội này hơn. Khuynh hướng này có một phần lý do của nó. Chả là ngày xưa, khoa luân lý quá nhấn mạnh những tội xác thịt. Vì vậy mà lắm khi người ta không còn quan tâm đến bổn phận bác ái. Chưa kể cách nhấn mạnh thiên lệch như vậy còn gây hại cho chính đức trong sạch, vì người ta coi nó như một nhân đức tiêu cực, chỉ biết nói “không” trước các cám dỗ này nọ. Do đó, ngày nay có phản ứng ngược lại: nhấn mạnh lỗi đức ái, coi nhẹ lỗi đức trong sạch.

 

Sai lầm cơ bản của cả hai khuynh hướng là ở chỗ người ta đối lập hai nhân đức này, trong khi căn cứ vào lời Chúa, chúng liên kết chặt chẽ với nhau. Chỉ cần đọc lại thư 1Tx 4,3-12 là có thể thấy ngay hai nhân đức này tương thuộc với nhau như thế nào. Là vì, mục tiêu duy nhất của cả hai nhân đức là để giúp các người kitô hữu “ăn ở cho đứng đắn, như người đang sống giữa ban ngày” (Rm 13,13), sống một đời đoan chính, đoan chính trong tương quan với mình, tức sống trong sạch, và trong tương quan với người khác, tức sống bác ái.

 

Nghĩ cho cùng, có sống trong sạch mới phục vụ người khác cách hữu hiệu. Tôi chỉ có thể phục vụ người khác, nếu tôi hiểu rằng, cứ như Phaolô nói, tôi không còn thuộc về tôi, thân xác tôi không còn thuộc về tôi, nhưng thuộc về Thiên Chúa. Thực ảo tưởng khi cho rằng vừa có thể phục vụ anh em một cách trung thực, tức đòi hy sinh, quảng đại, quên mình, lại vừa có thể sống buông thả theo những đam mê nhục dục của mình. Ai không biết nói “không” với chính mình, không thể nói “có” với các anh em.

 

* Một trong những lý do hay được đưa ra để bào chữa cho lỗi đức trong sạch là: tôi chả làm thiệt hại ai, chả xâm phạm quyền lợi và sự tự do của ai. Nếu tôi có tư tưởng lỗi đức trong sạch, thì  mắc mớ gì với người khác đâu?

 

Nghĩ thế nào về cách biện minh trên đây? Chưa kể lỗi đức trong sạch là lỗi luật Chúa dạy, cách biện minh trên đây cũng sai bét, xét trong tương quan với người khác. Tội không chỉ liên hệ đến người phạm, mà còn liên hệ đến người khác. Tội nào cũng vậy, dù do ai phạm, dù phạm ở đâu, dù nặng hay nhẹ, cũng đều góp phần làm ô nhiễm môi sinh đạo đức của con người. Đức Giêsu gọi sự ô nhiễm này là gương mù, là cớ vấp phạm (scandale). Ngài lên án bằng những lời lẽ rất mạnh (Mt 18,6tt; Mc 9,42tt; Lc 17,1tt: thà buộc cối đá vào cổ người đó mà quăng xuống biển còn hơn). Ngay cả với những ý nghĩ xấu trong lòng, Ngài cũng cho rằng chúng làm nhơ bẩn con người (Mt 15,19-20), và như vậy là làm nhơ bẩn thế giới. Tội nào cũng là một hình thức bào mòn các giá trị. Toàn bộ các tội tạo nên cái gọi là luật của tội lỗi, có quyền lực đáng sợ trên mọi người (Rm 7,14tt).

 

Sách Talmud (sách diễn giải Kinh Thánh) của các rabbi do thái giáo có kể một chuyện ngụ ngôn cho thấy rõ sự liên đới trên đây, cũng như sự nguy hại mà tội của một người gây ra cho người khác. Có nhiều người đi trên một chiếc thuyền. Một người trong bọn táy máy khoan một lỗ nhỏ dưới chỗ mình ngồi. Những người khác trông thấy liền lên tiếng can ngăn. Người kia trả lời: Có hệ gì đến các anh đâu? Tôi khoan dưới chỗ tôi ngồi mà! Cả bọn phản đối: Nhưng nước sẽ tràn vào và chúng ta sẽ chết đuối hết. Việc làm lầm lỗi của một người liên hệ với người khác cũng từa tựa như thế.

 

* Tưởng cũng cần nói thêm: Sự trong sạch không những tạo điều kiện cho mối tương giao chính đáng với chính mình và với người khác, mà còn cho mối tương giao thân mật của ta với Chúa nữa. Cả Tân ước lẫn Cựu ước đều nhấn mạnh điều đó. Thử lấy mối tương giao cụ thể và rõ rệt nhất: cầu nguyện. Ta không thể cầu nguyện với một tâm hồn nhơ bẩn. Kinh nghiệm cũng cho ta thấy như vậy. Không thể nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa, khi còn là tù nhân của xác thịt. Giống như con chim còn đang bị cột chân, dù bằng một sợi chỉ nhỏ thôi, đừng có hòng bay bổng lên được.

 

Thánh Phêrô khuyên: “Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ, để có thể cầu nguyện được” (1Pr 4,7). Ngay đối với các đôi vợ chồng, tuy việc vợ chồng là chuyện hợp pháp và thánh thiện đấy, nhưng Phaolô vẫn khuyên đôi khi nên kiêng cữ, để tâm hồn được tự do hơn mà cầu nguyện (1Cr 7,5), thế thì phải nói sao về những người sống buông thả, bừa bãi. Thực tế, những người như vậy không thể cầu nguyện, trừ khi có ý thành thực muốn chiến đấu và chiến thắng những yếu đuối của mình, và muốn nhờ cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp.

 

3. Trong sạch và đổi mới

 

* Đọc lịch sử Giáo Hội sơ khai, ta thấy Giáo Hội đã có thể làm thay đổi bộ mặt xã hội thời ấy bằng hai phương tiện chính: rao giảng Tin Mừng và chứng từ đời sống. Về chứng từ, có hai điều làm người ngoại ngạc nhiên và hoán cải: bác ái huynh đệ và phong hoá tốt.

 

Trong thư thứ nhất, Phêrô đã ám chỉ sự ngạc nhiên này trước lối sống khác biệt của người kitô hữu: “Họ (người ngoại) kinh ngạc vì thấy anh em không cùng chạy ùa theo cuộc sống truỵ lạc ồ ạt như dòng thác lũ” (1Pr 4,3-4). Các nhà hộ giáo minh chứng lối sống trong sạch và khiết tịnh của người kitô hữu là một điều lạ lùng, không tin được đối với người ngoại giáo: “Họ lấy vợ lấy chồng như mọi người, có con cái, nhưng không bỏ rơi trẻ sơ sinh. Họ chung bàn ăn nhưng không chung giường. Họ ở trong thân xác, nhưng không sống theo xác thịt. Họ ở trần gian, nhưng là công dân trên trời”. Cách riêng, sự lành mạnh trong gia đình kitô giáo đã tác động lớn trên xã hội ngoại giáo. Trong khi đó, chính quyền đương thời tìm đủ cách để canh tân xã hội mà vẫn vất lực, không ngăn cản nổi đà suy thoái của nó. Dựa vào điều đó, thánh Giustinô đã viết cho hoàng đế là tại sao không công nhận các luật lệ kitô giáo, là những luật lệ đã giúp cho người kitô hữu được như thế, và có thể giúp cho xã hội cũng được như thế.

 

Nói vậy không có nghĩa là nơi cộng đồng kitô giáo không có những phóng túng và tội lỗi về tình dục, thậm chí có cả nố loạn luân như ở Corintô. Thế nhưng những tội như vậy phải được vạch mặt chỉ tên, tố giác và sửa chữa, như Phaolô đã làm. Trong vấn đề này, cũng như trong các vấn đề khác thôi, quan trọng không phải là không có tội, nhưng là phải chống lại tội, nhất là ba thứ tội được coi là nặng nhất thời bấy giờ: ngoại tình, sát nhân, bội giáo. Đến nỗi có nơi và có lúc người ta phải tranh luận xem có thể tha hay không bằng bí tích Giải Tội.

 

* Xưa như vậy, còn nay thì sao? Quả thực, chúng ta đang sống trong một xã hội mà phong hoá trở lại như xã hội ngoại đạo cổ thời, sùng thượng giới tính. Bức tranh ảm đạm mà Phaolô phác hoạ về thế giới ngoại đạo, có thể nói, giống từng điểm một với thế giới hôm nay. Thánh Tông dồ viết: “Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau, đàn ông bậy bạ với đàn ông… Không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy” (Rm 1,26-32).

 

Ngày nay, người ta không chỉ làm như vậy. Còn làm những điều xấu hơn nữa kia! Không chỉ tán thành, mà còn tìm cách biện minh. biện minh cho sự sa đoạ luân lý và đồi bại tình dục, lấy lẽ không bạo hành với ai, không xúc phạm tự do của ai. Người ta coi như Thiên Chúa không can dự gì vào những chuyện đó.

 

Có người nói đến một cuộc cách mạng tình dục. Tra xét kỹ cái gọi là cách mạng này, ta thấy nó không đơn thuần là một cuộc cách mạng chống lại quá khứ, mà thường ra còn là chống lại Thiên Chúa. Người ta bảo: tôi thuộc về tôi, thân xác của tôi thuộc về tôi. Thực trái ngược vói lời Chúa dạy là chúng ta không còn thuộc về mình, nhưng thuộc về Chúa Kitô.

 

Đáng buồn là ngày nay trong Giáo Hội, không phải ai cũng có thái độ cương quyết như Phaolô, trước những sự việc như trên đây. Có những chủ trương rộng phép đã xâm nhập vào Giáo Hội, trong một số môi trường, một số sách báo, muốn biện minh cho cả việc đồng tính luyến ái và những hình thức sa đoạ khác rõ ràng bị lời Chúa kết án.

 

4. Trong sạch trong tâm hồn

 

* Trước tình hình hiện nay, điều quan trọng hơn, là khám phá và chuyển đạt điều Thiên Chúa muốn nơi ta. Thiên Chúa đã kêu gọi các tín hữu ngày xưa làm công việc nào, thì cũng kêu gọi ta ngày nay làm công việc ấy. Ngài mời gọi ta thanh tẩy đền thờ của Chúa Thánh Thần là thân xác ta, là thân thể của Giáo Hội. Ngài mời gọi ta làm sao cho mọi người, một lần nữa, thấy được vẻ đẹp của đời sống kitô giáo, đấu tranh cho sự trong sạch, đấu tranh cương quyết nhưng khiêm tốn. Không nhất thiết phải hoàn hảo ngay. Không nhất thiết mọi người phải hoàn hảo. Đây là cuộc đấu tranh xưa như chính Giáo Hội.

 

Tuy vậy, vẫn còn một cái gì đó mới mẻ mà Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta làm, tức là làm chứng cho thế giới về sự tinh tuyền nguyên thuỷ. Đây không có ý nói về sự tinh tuyền và tốt lành thuở tạo dựng, vì chúng không còn nữa, nhưng là sự tinh tuyền và tốt đẹp của phép Rửa Tội, mà Đức Kitô ban lại cho ta, và còn tiếp tục ban cho ta trong các bí tích và lời Chúa.

 

Phaolô đã chỉ ra chương trình này khi viết: “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ lời ban sự sống” (Pl 2,14tt). Sống như thế chính là “cầm lấy vũ khí của sự sáng”.

 

* Một khía cạnh quan trọng của ơn gọi giữ đức trong sạch, nhất là nơi người trẻ, đó là sự e thẹn. Tự nó, e thẹn nói lên mầu nhiệm của thân xác con người kết hợp với một linh hồn. Nó cho thấy nơi thân xác chúng ta có một cái gì đó vượt lên trên thân xác. E thẹn là kính trọng mình, là tự trọng. Khi không còn biết e thẹn nữa thì tính dục trở thành tầm thường, không còn phản ánh tinh thần, dễ bị hạ giá xuống thành một đối tượng tiêu dùng. Có thể nói thế giới hôm nay chế nhạo sự e thẹn, đưa giới trẻ tới chỗ cảm thấy xấu hổ về điều mà lẽ ra họ phải tự hào.

 

Thánh Phêrô khuyên các phụ nữ ngày xưa: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài…, nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng, là tính thuỳ mị hiền hoà; đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa. Xưa kia các phụ nữ thánh thiện… cũng đã trang điểm như thế” (1Pr 3,3tt).

 

Nhắc lại lời khuyên trên, chúng ta không có ý kết án mọi hình thức trang điểm bên ngoài, không kết án những gì làm cho mình đẹp hơn, làm gia tăng giá trị của mình. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên phải làm cho nó đẹp. Nhưng đi đôi với việc làm đẹp thân xác, phải có những tình cảm trong sạch trong tâm hồn. Đúng ra, chúng ta làm đẹp vì người khác hơn là vì mình, để đem lại niềm vui chứ không để khêu gợi, cám dỗ.

 

Sự e thẹn là đồ trang sức đẹp nhất của sự trong sạch. Nhà văn Dostoievski viết: “Thế giới được cứu rỗi bằng vẻ đẹp”. Nhưng ông viết thêm: “Trên thế gian, chỉ có một hữu thể duy nhất đẹp đẽ, và sự xuất hiện của hữu thể ấy là một phép lạ về vẻ đẹp; hữu thể ấy là Đức Kitô”. Sự trong sạch cho phép vẻ đẹp của Đức Kitô thể hiện và rạng sáng trên khuôn mặt chúng ta. E thẹn là một chứng từ trước mắt thế gian. Thánh nữ Perpêtua ngày xưa, khi bị bò mộng húc tung lên trời và rơi xuông đất, mình đầy máu me, vẫn lo chuyện choàng lại áo che thân, hơn là nghĩ đến sự đau đớn đang phải chịu. Những chứng từ quý chuộng sự trong sạch như vậy đã góp phần làm biến đổi thế giới ngoại đạo.

 

* Cũng cần lưu ý điều này: giữ đức trong sạch chỉ bằng cách tránh những điều cấm kỵ (kiểu: nam nữ thọ thọ bất thân chẳng hạn) chưa đủ đâu. Ngày xưa như vậy đó, ít nhất trong thực tế. Thành ra, sự trong sạch rút cục chỉ còn là những sợ hãi, tránh né. Dường như người ta coi việc xấu hổ trước nết xấu là thuộc về nhân đức, nhưng không coi việc xấu hổ trước nhân đức là một nết xấu.

 

Ngày nay, nhờ Thần Khí hiện diện trong ta, ta hiểu rằng phải thể hiện một sự trong sạch tích cực, chứ không chỉ tiêu cực, một sự trong sạch có thể giúp ta cảm nghiệm được chân lý trong điều Phaolô nói: “Mọi sự đều trong sạch với những người trong sạch” (Tt 1,15). Hoặc trong điều Gioan nói: “Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1Ga 4,4).

 

Phải bắt đầu bằng cách làm sạch từ gốc rễ là chính tâm hồn ta, vì cái làm cho đời sống con người ra ô uế phát xuất từ đó. Chúa nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Thấy thật đó! Tức là người ấy có đôi mắt mới để thấy Thiên Chúa trong thế giới này, đôi mắt trong sáng có thể thấy cái gì đẹp cái gì xấu, cái gì ngay thật cái gì dối trá, cái gì là sự sống cái gì là sự chết. Giống như đôi mắt của Đức Giêsu, nhờ đó mà Ngài có thể nói ngay cả về phụ nữ mang thai, lâm bồn, có thể nhìn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.

 

Chúng ta phải biết say mê vẻ đẹp, đẹp thật sự, vẻ đẹp mà tạo vật nhận được từ Thiên Chúa, và những ai có tâm hồn trong sạch sẽ nhìn thấy. Sự trong sạch không ở chỗ từ chối tạo vật, nhưng chấp nhận nó, vì nó là tạo vật của Thiên Chúa, nguyên thuỷ là tốt đẹp. Nhưng để được thế, nhất thiết phải đi qua con đường thập giá, vì sau khi phạm tội, cái nhìn của ta về tạo vật đã vẩn đục. Đam mê nhục dục hoành hành trong ta. Tình dục không nằm yên, nhưng trở thành một sức mạnh đe doạ, có thể đưa ta đến chỗ lỗi luật Chúa, bất chấp ý muốn của ta.

 

5. Những phương tiện: hãm mình và cầu nguyện

 

* Để có sự trong sạch và có thể bảo vệ nó, cần có những phương tiện. Phương tiện đầu tiên là sự hãm mình. Sự tự do bên trong cho phép ta gần gũi với bất cứ tạo vật nào, mà ta vẫn không bị ô uế. Nhưng để có được sự tự do này, không phải cứ tập làm quen với điều xấu, mỗi lần một chút, và cố chống lại nó, rồi lâu ngày tưởng là mình đã miễn nhiễm. Nhưng có được sự tự do này là do đã phá cái ổ vi khuẩn ở trong ta. Chung quy có được là do hãm mình. “Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” (Rm 8,13).

 

Ngày nay, cần phải nhấn mạnh lại sự hãm mình. Nhiều người chiều theo những ước muốn của con người cũ, chủ trương cứ sống cho thoải mái, ca ngợi và biện minh cho những gì làm thoả mãn bản năng được coi là tự nhiên, mà không có sự phân biệt nào. Họ coi đó là những phương tiện làm phát triển con người.

 

Thật ra, hãm mình là chuyện vô ích, và còn là việc của xác thịt, nếu hãm mình chỉ vì hãm mình, không có tự do, hoặc tệ hơn, nếu nhằm tìm vinh quang trước mặt người khác. Nhưng có một cách thức hãm mình như lời Chúa dạy, một cách thức hãm mình hoàn toàn thiêng liêng vì do Chúa Thánh Thần, một sự hãm mình là hoa quả của Thần Khí, một sự hãm mình làm cho chúng ta sống.

 

Về đức trong sạch, tu đức thường nói đến việc hãm dẹp ngũ quan. Trong ngũ quan thì đặc biệt là hãm dẹp con mắt. Mắt là cửa sổ của tâm hồn, người ta hay nói thế. Khi có gió lộng bụi mù, không ai dại gì mở cửa sổ để bụi bay vào nhà. Phải đóng cửa, đóng mi mắt lại. Chúng ta dễ dàng nhận ra nhiều thứ bụi trong các hình ảnh, báo chí, video của ngày hôm nay. Cần hãm dẹp con mắt. Chúa có những lời rất mạnh mà hẳn ai nấy từng nghe: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi” (Mt 5,29). Chúa đã nói như thế đúng vào lúc Ngài giảng về cái nhìn trong sạch. Chắc chắn một hình ảnh lố lăng không cần thiết bằng con mắt. Vậy nếu hình ảnh đó làm dịp tội cho ta, thì thay vì móc mắt vất đi, hãy quẳng hình ảnh đó đi. Thà không biết một hình ảnh còn hơn là mất tình nghĩa với Chúa, nếu tâm hồn ta ra ô uế.

 

* Ngoài việc hãm mình, còn phải nại tới kinh nguyện. Sự trong sạch là hoa quả của Thần Khí, là ân huệ của Thiên Chúa, hơn là do ta cố gắng mà có, cho dù sự cố gắng này vẫn cần thiết. Đã là ơn Chúa, ta phải xin, phải cầu nguyện. Chắc chắn Chúa ban phương tiện cho ta, nếu ta đánh động tai Ngài bằng những lời van xin của ta, nếu ta lấy đức tin mạnh mẽ trút nỗi lo âu của ta cho Chúa. Augustinô đã nói lên kinh nghiệm đó của mình và cầu xin rằng: “Chúa đã truyền cho con tiết dục, thì xin ban cho con sức mạnh để làm điều Chúa truyền, và truyền dạy con điều Chúa muốn” (Confessions VI,11; X,29). Như ta đã biết, chính bằng phương tiện này mà Augustinô đã giữ được đức trong sạch.

 

Chúng ta đã nói là giữa sự trong sạch và Chúa Thánh Thần có mối liên hệ mật thiết. Chúa Thánh Thần ban cho ta sự trong sạch. Sự trong sạch cũng ban cho ta Chúa Thánh Thần. Sự trong sạch đã lôi kéo Chúa Thánh Thần đến với Đức Maria, cũng lôi kéo Ngài đến với ta.

 

Khi Chúa vào hội đường Capharnaum, một người bị thần ô uế ám đã kêu to: “Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?” (Mc 1,24). Ngày nay, Chúa hằng đến với các hội đường mới là tâm hồn con người, vậy mà lắm khi chẳng có ma nào kêu lên cả, dù nó vẫn chế ngự nhiều người. Thế nhưng, nếu chúng ta chân thành đón nhận Chúa, để Ngài chiếu toả ánh sáng, đổ tràn Thần Khí trong ta, thần ô uế chắc chắn và tức khắc bị lột mặt nạ, và phải bỏ đi.

 

Đây là một cách trừ quỷ âm thầm, rất cần thiết cho ngày hôm nay, mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta làm: nại đến Chúa để xua đuổi tà thần ô uế, xua đuổi những tư tưởng không trong sạch, những gì làm nhơ bẩn trong ta và quanh ta.

 

*

 

Để kết thúc, chúng ta có thể lặp lại lời Thánh vịnh 50/51 mà xin cho mình một quả tim trong sạch, hoặc biến chính lời khuyên của Phaolô thành một lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết loại bỏ những việc đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng.

 

Lm Micae TRẦN ĐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà