Suy niệm về

ÐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

 

VII

 

THÁI ÐỘ CỦA TA

ÐỐI VỚI TỘI LỖI CỦA TA

 

 

"Tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết

của anh em nữa" (Rm 6,12)

 

Cho tới lúc này, Phaolô cho thấy ta có thể được cứu độ như thế nào (một cách nhưng không, do tin). Ta cũng đã biết tác giả của công trình cứu độ (Ðức Giêsu, nhờ cuộc Khổ nạn; Chúa Cha, đồng khổ với Chúa Con). Giờ đây, Phaolô cho ta biết nội dung hoặc yếu tố cấu tạo của việc cứu độ. Có hai yếu tố. Một tiêu cực: ta được giải thoát khỏi tội lỗi và Lề luật. Một tích cực: ta được ban ơn Thần Khí. Nội dung này đã từng được các ngôn sứ loan báo, chẳng hạn Ezêkiel: "Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch . mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần khí mới vào lòng các ngươi" (Êd 36,25-26). Vế trên được thực hiện bằng cuộc Vượt qua, vế dưới bằng lễ Hiện xuống.

 

Hai yếu tố trên đây tuỳ thuộc lẫn nhau. Việc giải thoát tội lỗi là điều kiện để Chúa Thánh Thần đến. Có ra khỏi vương quyền của Satan thì mới có thể vào vương quốc của Ðức Kitô, là vương quốc được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Sách Khôn ngoan viết: "Tâm hồn gian ác, Ðức Khôn Ngoan chẳng ngự vào. Xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Ðức Khôn Ngoan không cư ngụ" (Kn 1,4; Ðức Khôn Ngoan hiểu là chính Thiên Chúa). Ðức Giêsu cũng nói: "Người ta không đổ rrượu mới vào bầu da cũ" (Mt 9,17). Thiên Chúa không đổ rượu mới của Thần Khí Ngài vào bầu da cũ là một tâm hồn nô lệ tội lỗi.

 

Cả chương 6 của thư Rôma nói với ta về việc giải thoát tội, đặc biệt những câu này: "Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Ðức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi. Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa . Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa" (Rm 6,6-13). Những lời trên nói lên một cuộc xuất hành vượt qua. Mừng lễ Vượt qua có nghĩa là "loại bỏ men cũ để trở thành bột mới", là đi từ "men cũ là lòng gian tà và độc ác" tới "bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật" (1Cr 5,7-8).

 

Qua những lời của Phaolô, cũng như của Tân ước nói chung, chúng ta có thể biết phải làm gì để xa tránh tội, cùng với ơn Chúa trợ giúp. Nếu có thể thì bắt đầu ngay từ hôm nay, như thư Do thái khuyên: "Ngày hôm nay, nếu anh em nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng" (Dt 4,7).

 

1. Nhận biết tội lỗi

 

Bước đầu tiên là nhận biết tội mình. Ðầu thư Rôma, Phaolô đã giúp ta thấy rõ: "Mọi người đều bị tội lỗi thống trị" (Rm 3,9). Rồi khi nói về cuộc Khổ nạn, Phaolô cũng nói là Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta.

 

Nhưng đây là lúc chúng ta phải nhận biết tội lỗi lúc này của chúng ta, trong tình huống riêng biệt của mỗi người, nghĩa là đi vào chính đời sống cụ thể hôm nay. Nhiều người đã mất ý thức về tội, hoặc coi tội như ba cái chuyện nhỏ, kông đáng kể, ngay cả tội nặng. Người ta sợ mọi thứ: sợ ô nhiễm môi sinh, sợ chiến tranh hạt nhân, sợ khủng bố, sợ thiên thạch va chạm địa cầu ., trừ ra sợ tội. Trong khi đó, Ðức Giêsu dạy: "Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác. Hãy sợ Ðấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục" (Lc 12,4-5).

 

Một bầu khí như vậy, một não trạng như vậy tác hại không nhỏ đối với những ai muốn sống Tin Mừng. Nó làm cho lương tâm của họ có thể cùn nhụt, mất cảm giác về phương diện thiêng liêng, có thể ngủ vùi trong tội. Có thể họ còn không nhận ra kẻ thù thực sự, người đang bắt mình làm nô lệ.

 

Có người nói về tội mà không có một ý tưởng cân xứng về tội hoặc dường như tội không ở trong con người, mà ở chỗ đâu đâu. Chúa nói với người biệt phái: "Triều đại Thiên Chúa không phải ở chỗ này chỗ kia, mà ở chính trong các ngươi" (Lc 17,21). Cũng có thể nói tương tự về tội: tội không phải ở chỗ này chỗ nọ, nhưng ở chính trong lòng ta. Người nào nói mình không có tội, là người lừa dối mình (1Ga 1,8-10), phủ nhận công trình của Ðức Kitô là "Ðấng đã chết vì tội ta" (1Cr 15,3), làm cho ơn cứu độ của Ngài ra vô ích.

 

Thừa nhận mình có tội là một điều đúng vơi giáo lý, theo nghĩa: thừa nhận như thế là nhận giáo lý của Kinh Thánh và của Giáo Hội về tội. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Không chỉ thừa nhận trên lý thuyết và tổng quát, nhưng còn phải thừa nhận cụ thể trong chính đời sống riêng của từng người, tức là: ý thức tội ở ngay bên cạnh ta, nhất là ở chính trong lòng ta. Thừa nhận mà phải run sợ, như người đang ngủ đột nhiên thức giấc thấy có con rắn bên cạnh mình.

 

Vậy bước đầu tiên để giải thoát tội là nhận ra nó. Nhận biết tội là một vấn đề nghiêm trọng.

 

2. Sám hối tội lỗi

 

* Bước thứ hai là sám hối. Sách Công vụ kể rằng người Do Thái, khi nghe lời Phêrô tố cáo là họ đã đóng đinh Ðức Giêsu Nagiarét, thì đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Ðồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? Phêrô bảo: "Anh em hãy sám hối" (Cv 2,37tt).

 

Cũng trong sách Công vụ, cách đó vài đoạn, ta lại thấy một sự kiện làm ta phải suy nghĩ hơn nhiều. Trước Công nghị Do thái, Phêrô cũng lên tiếng với lời lẽ tương tự. Nhưng lần này, phản ứng của người nghe lại khác hẳn, "họ giận điên lên và muốn giết các ông" (Cv 5,30.33). Ðiều mà lúc ấy họ chưa thể làm cho Phêrô, thì sau đó họ sẽ làm cho Stêphanô (Cv 7,52-58).

 

Hai trường hợp trên cho ta thấy, trước lời Chúa tố giác về tội, người ta có thể đi theo những con đường ngược chiều nhau: hoặc sám hối hoặc cứng lòng. 3000 nghìn người nghe Phêrô giảng trong ngày lễ Ngũ Tuần cảm thấy đau đớn trong lòng. Còn các người trong Công nghị cũng cảm thấy đau lòng đấy chứ, nhưng không phải bằng sự sám hối, mà bằng sự uất giận.

 

Tội theo kiểu các người trong Công nghị Do thái có thể được coi như tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tội mà Chúa nói là không bao giờ được tha (Mt 12,31). Quả thực, bản chất của tội này là ở chỗ không chấp nhận việc tha tội, là hành vi chỉ làm cho người biết sám hối. Ðức Gioan Phaolô II viết: "Nếu Ðức Giêsu nói rằng tội phạm đến Chúa Thánh Thần không thể được tha, cả đời này lẫn đời sau, chính là vì sự không tha thứ gắn liền với sự không sám hối, tức là triệt để từ chối hoán cải" (TÐ về Chúa Thánh Thần, 46).

 

Chúng ta đứng trước mầu nhiệm sự tự do của con người trong việc chọn Thiên Chúa hay chọn chính mình. Cả hai lựa chọn đều mở rộng trước mắt ta. Ta có thể đi theo con đường này hoặc con đường kia, con đường của đám đông dân chúng hoặc con đường của Công nghị Do thái.

 

Nhưng sám hối là gì? Ngữ nguyên metanoia chỉ một sự thay đổi não trạng, tư tưởng. Tuy nhiên, đây không phải là thay thế cách nghĩ của ta bằng một cách nghĩ vẫn còn là của ta, cho dù cách nghĩ này khác với cách nghĩ trước. Thay là thay não trạng của ta bằng não trạng của Thiên Chúa, tư tưởng của Thiên Chúa, thay phán đoán của ta bằng phán đoán của Thiên Chúa.

 

Sám hối là đi vào trong phán đoán của Thiên Chúa. Thiên Chúa có cách phán đoán của Ngài về ta. Phán đoán này tuyệt đối đúng. Chỉ mình Ngài biết rõ lòng ta, biết mọi sự về ta. Sám hối là làm cho phán đoán này của Thiên Chúa về ta trở thành phán đoán của ta. Tất cả đòi ta phải ăn năn, chết cho mình, để Thiên Chúa có thể hành động. Càng phải làm như trên, vì một khi đi vào phán đoán của Thiên Chúa, ta sẽ thấy tội là gì, kinh khủng như thế nào.

 

Một yếu tố chủ chốt của sám hối thành thực là đau buồn. Chúng ta không chỉ nhận ra mình hành động sai trái, mà còn biết đau buồn vì đã hành động sai trái. Ðau buồn vì hình phạt đáng và sẽ phải chịu, được thôi, nhưng hơn thế nữa, vì đã làm Thiên Chúa đau buồn, đã phản bội tình yêu của Ngài, đã làm cho Ðức Giêsu như bị đóng đinh lần nữa. Nước mắt thường là dấu nói lên sự đau buồn này.

 

Khi ta sám hối, chính Chúa Thánh Thần hoạt động, hoạt động trên sự tự do của ta và cùng với sự tự do của ta. Ngài chạm tới ý thức của ta, làm cho ta mở rộng trước ánh sáng và chân lý. Khi đó, tội nhân là ta sẽ biết về mình, về tội, về Chúa theo một cách thức mới, như lời thú nhận của tác giả Thánh vịnh: "Vâng, con biết tội mình đã phạm. Con đắc tội với Chúa, với một nình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án" (Tv 50/51,5-6). Ðiều lạ lùng của sám hối là ngay lúc con người chống lại mình, thì Thiên Chúa lại đứng về phía họ, bảo vệ họ. Y như người cha trong dụ ngôn, vừa thấy đứa con đàng điếm trở về và thưa: Thưa cha, con thật đắc tội., thì đã cắt lời ngay, bằng cách bảo gia nhân: mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu (Lc 15,21tt).

 

Sám hối, nếu thật sự trung thực và tự do, luôn có tính chất xây dựng, giúp chúng ta không ngừng kiểm điểm và canh tân đời sống. Nếu lầm lỗi thuộc về bản chất con người, thì nhận mình lầm, tức là sám hối, càng thuộc về bản chất con người hơn. Sám hối không có ích cho Chúa. Nó có ích cho ta. Thiên Chúa không đòi ta sám hối để hạ giá ta, làm nhục ta, nhưng vì Ngài biết rằng sự cứu độ là ở đó, biết rằng đó là cách duy nhất xứng đáng để ta vào lại trong sự sống và sự thật, sau khi đã phạm tội.

 

Người nào còn muốn giữ tội trong lòng và không muốn nhận diện nó, thì tội sẽ làm cho người đó hao mòn và đau khổ. Ngược lại, nếu nhất định xưng thú với Thiên Chúa, ta sẽ cảm thấy được bình an và hạnh phúc, "vì chính Người đã tha thứ tội vạ cho ta" (Tv 31/32,5).

 

3. Ðoạn tuyệt với tội lỗi

 

* Ðây là bước thứ ba. Phaolô nói: "Hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi", và "Tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em". Còn Phêrô thì bảo: "Ai chịu đau khổ trong thân xác, thì đoạn tuyệt với tội lỗi, để bao lâu còn sống trong thân xác, người ấy không theo những đam mê của con người nữa, mà theo ý muốn của Thiên Chúa. Thật thế, trong quá khứ, anh em đã sống theo sở thích dân ngoại đạo. Vậy là quá đủ rồi" (1Pr 4,1-3).

 

Ðây là giai đoạn quyết tâm. Phải làm gì? Rất đơn sơ. Phải có quyết định dứt khoát và chân thành không còn phạm tội nữa. Nói như Phêrô là: quá đủ rồi. Nói như Phaolô là: coi mình như đã chết đối với tội lỗi.

 

Nói thế xem ra mới chỉ là muốn thôi, và ít thực tế. Không phải vậy đâu. Ðương nhiên, không ai trong chúng ta có thể một sớm một chiều không còn phạm tội nữa. Nhưng khi xét mình cẩn thận, mỗi người sẽ nhận ra, bên cạnh nhiều tội mình phạm, có một vài tội nào đó khác hơn những tội còn lại. Khác, vì phạm tự ý hơn. Ta biết thế, và lưu ý hơn khi xưng, nhưng vẫn không có ý muốn đủ để nói: Thôi, đủ rồi, vì ta có cảm tưởng sẽ không bao giờ thoát khỏi tội này. Thực ra, chỉ là không muốn thoát, hoặc không muốn thoát ngay.

 

Augustinô có kể lại cuộc đấu tranh của mình chống lại tội nhục dục. Có một lúc ngài xin với Chúa: "Lạy Chúa, xin ban cho con sự khiết tịnh và tiết dục". Nhưng lại có một tiếng nói thầm kín xen vào: "Chưa phải ngay bây giờ nha!" Cho tới lúc ngài phải kêu lên: "Tại sao không phải ngay bây giờ? Tại sao phải để đến mai? Tại sao không chấm dứt cuộc sống đáng xấu hổ của tôi ngay lúc này? (Conf.VIII,7,12). Chỉ cần ngài nói "đủ rồi", là cảm thấy được tự do.

 

Tội lỗi cầm buộc ta, cho tới khi ta cũng biết nói: đủ rồi! dẹp! Chỉ khi đó nó mới hết quyền năng chế ngự ta. Cũng như Chúa đã nói với người bất toại ở hồ Bethsata, Ngài cũng nói với ta: "Con có muốn khỏi bệnh không? (Ga 5,6). Con có thật sự muốn thế không? Vì nếu con thật sự muốn, con sẽ được toại nguyện.

Có thể nhiều lần ta đã không muốn dây dưa với tội, đã xưng thú, thế tại sao nó vẫn còn, ít ra một vài tội nào mà ta đặc biệt lưu ý? Lý do là vì gốc rễ của nó vẫn còn bám vào mảnh đất nơi ta, vẫn còn một sợi dây cột chặt ta với nó, dù chỉ là sợi dây nhỏ bé. Thánh Gioan Thánh giá nói thế này: quan trọng không phải là xem con chim bị cột bằng dây chỉ hay dây thừng. Nếu chỉ là muốn cho nó không bay được, thì dây nào cũng thế thôi. Ta cũng không thể thoát khỏi tội, nếu còn thứ dây gì đó cột ta với nó.

 

* Cụ thể phải làm gì? Tiên vàn hãy đối diện với Chúa, cầu xin ơn Thần Khí trợ lực, giúp ta can đảm biết coi mình như đã chết cho tội. Sau đó tội không còn thống trị ta, đơn giản là vì ta không muốn nó thống trị ta nữa.

 

Nếu vẫn còn tội trong đời ta (mà chắc chắn vẫn còn), thì đó không phải là ta thông đồng với nó, mà chỉ là phải sống chung với nó, miễn cưỡng mà sống với nó, nhưng vẫn không ngừng chống lại nó. Như thế thì tình hình có khác trước. Ta không còn phải là kẻ đồng loã, cho dù bên ngoài không thấy thay đổi. Người khác có thể vẫn thấy ta phạm tội đó. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác. Ðã có sự gì đó thay đổi, vì ta đã đứng về phía Ngài.

 

Nhưng cũng cần nhấn mạnh một điều: Phải biến ngay một quyết định thành hiện thực, nếu không, nó sẽ tan thành mây khói. Phải làm ngay một hành vi ngược lại. Phải từ chối ngay một thói quen của tội. Nếu cứ lần lữa hôm mai, nó lại phát huy quyền lực trong ta là cái chắc.

 

Kierkegaard có một nhận xét tinh tế như thế này: lời Chúa cho một người thấy tội của anh ta là ham đánh bạc (có thể nới rộng tới tội cụ thể khác của từng người). Anh ta biết rõ như thế là có tội, long trọng hứa không bao giờ chơi nữa, "Chiều nay là lần cuối cùng". Chính cái câu "Chiều nay là lần cuối cùng" mới chết! Thực ra, anh ta đã không quyết định gì cả, và sẽ lại tiếp tục chơi y như trước. Lẽ ra, anh ta phải tự nhủ thế này: "Ðược, mai mốt mày sẽ chơi. Tha hồ. Nhưng chiều nay thì không. Nhất định không". Anh ta mà giữ được như tự nhủ, nhất định không đánh bạc chiều hôm đó, thì sẽ được giải thoát, và có lẽ sẽ không bao giờ còn đánh bạc nữa. Chúng ta cứ thử coi, xem có đúng thế không.

 

Ngoài ra, không chỉ khước từ tội, mà còn khước từ cả dịp tội. Tránh dịp tội gần, vì nuôi dưỡng dịp tội sẽ đi đến chỗ nuôi dưỡng chính tội. Dịp tội giống như một ác thú thôi miên con mồi. Con mồi biết nguy hiểm mà vẫn im re, để rồi sau đó bị ngấu nghiến mà vẫn không nhúc nhích tí nào. Dịp tội có thể làm cho ý muốn của ta bị cám dỗ, bị thôi miên, như nói với ta rằng: "Không lợi dụng cơ hội này, sẽ không bao giờ có cơ hội khác nữa đâu. Không lợi dụng là ngốc." Ai không xa tránh dịp tội, thì dịp tội sẽ làm cho người đó rơi vào trong tội.

 

4. Huỷ diệt con người tội lỗi

 

* Ðây là bước thứ tư. Phaolô viết: "Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Ðức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa" (Rm 6,6). Trên Thập giá, Ðức Giêsu đã huỷ diệt cách tiềm tàng thực tại tội lỗi. Giờ đây, Ngài ban cho ta khả năng huỷ diệt cách thực tế con người tội lỗi nơi ta.

 

Có thể huỷ diệt con người tội lỗi bằng cách nào? Không thể chỉ bằng ý muốn, vì thực tại tội lỗi nằm ngay trong ý muốn. Phải cậy nhờ vào hành động của Thiên Chúa. Theo Kinh Thánh, sự kiện chúng ta là tội nhân chưa phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng là việc Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. Con người có thể phạm tội, nhưng không thể tha tội. Chỉ mình Thiên Chúa có thể tha tội (Mc 2,7). Tha cách nào?

 

Thánh Phêrô, sau khi kêu gọi người ta sám hối, thì nói ngay: "Mỗi người hãy chịu phép Rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được ơn tha tội". Có nghĩa là: sám hối gắn liền với bí tích. Sự sám hối đầu tiên đưa tới đức tin, thì bí tích là phép Rửa Tội. Còn đối với ta, sám hối sau khi đã chịu phép Rửa Tội, thì bí tích là phép Giải Tội. Theo Tertullianô, đây là "tấm bè cứu thoát lần thứ hai cho những ai đắm tầu sau khi chịu phép Rửa Tội".

 

Giáo Hội đã được Chúa ban quyền tha tội nhân danh Ðức Giêsu và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23). Hoạt động của Thánh Thần không chỉ ở chỗ làm cho ta xác tín mình phạm tội, mà còn giải thoát ta khỏi tội.

 

Thiên Chúa có thể chọn một cách thức khác để tha tội. Nhưng Ngài đã chọn cách này. Ta không có quyền thay đổi, khi cho rằng chỉ cần đối diện với Chúa, không cần nại tới Giáo Hội qua bí tích Giải Tội. Cách thức tha tội qua việc thú tội trong bí tích này còn đáp ứng với nhu cầu sâu xa của tâm linh, nhu cầu được giải thoát khỏi cái đè nén mình bằng cách bộc lộ nó ra. Hơn nữa, kinh nghiệm còn cho thấy bỏ bê xưng tội sẽ làm mất dần sự nhạy cảm đối với tội và sự nhiệt thành trong đời sống thiêng liêng.

 

* Tuy vậy, cách thức chúng ta đến với phép Giải Tội cũng phải được canh tân trong Thần Khí, để nó thực sự hữu hiệu cho ta. Canh tân trước hết theo nghĩa lãnh nhận bí tích không phải như một nghi thức, một thói quen, một bổn phận, nhưng như một nhu cầu của linh hồn, một cuộc gặp gỡ cá nhân với Ðức Kitô Phục sinh. Chính Ðức Kitô, qua Giáo Hội, luôn ban cho ta sức mạnh của Máu Thánh Ngài, sức mạnh chữa lành ta, làm cho ta vui mừng vì được ơn cứu độ. Ðiều này có nghĩa là phải khám phá lại quyền năng nhiệm mầu trong hành vi bí tích.

 

Canh tân còn là nhìn lại điều chúng ta xưng. Thường ra khi xưng tội, chúng ta chỉ để ý đến các tội đã phạm, mà không để ý đến chính tội lỗi. Thánh Phaolô đã cho thấy ở đầu thư Rôma: có một yếu tố chung, đi trước các tội riêng và là nguồn gốc của các tội này. Yếu tố đó là sự vô đạo, tức từ chối tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa; là Thiên Chúa dường như không có chỗ trong đời sống của ta hoặc chỉ ở bên lề. Gốc rễ là ở đó, và từ đó mà tội lỗi phát triển. Nếu không đánh vào gốc rễ, mà cứ xưng tội, mãi mãi vẫn chỉ là xưng các tội đã phạm và những thiếu sót này khác, sẽ không đi đến đâu, không thực sự thay đổi nhiều trong đời sống thiêng liêng. Có đánh thì đánh vào nguyên nhân, hiệu quả mới hết.

 

Việc xưng tội của ta sẽ hữu hiệu biết bao, nếu ta có can đảm, một lần nào đó, đi xuống tận gốc rễ. Ta không chỉ thấy mình có tội này lỗi nọ, mà còn thấy mình là tội lỗi. Có lẽ lúc ấy ta thấy không cần làm điều gì khác ngoài việc nghĩ tới hành vi tha thứ đầy an ủi của Chúa.

 

Ngoài bí tích Giải Tội thì bí tích Thánh Thể cũng có hiệu lực tổng quát giải thoát ta khỏi tội (dĩ nhiên, với tội nặng, vẫn cần bí tích Giải Tội). Trong Thánh Thể, chúng ta chạm tới chính nguồn mạch của việc tha tội. Máu Chúa Kitô mà chúng ta lãnh nhận trong Thánh Thể "thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết", như thư Do thái nói (9,14). Mỗi lần ta uống Máu này, ăn Bánh này, ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi (Ambrosiô). Trước khi cho tín hữu rước lễ, Linh mục nhắc cho họ ý ấy qua câu: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian.".

 

5. Ðền bồi tội lỗi

 

Chúng ta có thể giúp cho hành động bí tích trên đây, cộng tác vào việc huỷ diệt con người tội lỗi, đặc biệt bằng hai cách: bằng sự đau khổ và bằng lời ca ngợi. Giáo Hội gọi đó là đền bồi hay đền tội, được thực hiện bằng một việc đền tội nhỏ phải làm sau khi xưng tội.

 

* Thánh Phêrô nói: "Chính vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng phải lấy tư tưởng này làm khí giới: ai chịu đau khổ trong thân xác, thì đoạn tuyệt với tội lỗi (1Pr 4,1). Chúng ta lưu ý tới câu cuối cùng, như một nguyên tắc quan trọng được Phêrô nêu ra: ai chịu đau khổ trong thân xác, thì đoạn tuyệt với tội lỗi.

 

Kể từ khi Ðức Kitô chấp nhận đau khổ và thánh hoá nó, nó có sức mạnh nhiệm mầu tha tội, xua đuổi tội ra khỏi ta. Nó như cơn gió mạnh làm rung cây cành thì hoa quả hư thối sẽ rụng hết. Ðau khổ của ta như một sợi dây nối với cuộc Khổ nạn của Chúa, để ơn tha thứ từ đó truyền xuống cho ta.

 

Thường ra, không phải là ta đi tìm sự đau khổ đâu. Mà cũng chẳng dại gì đi tìm nó. Ðiều muốn nói ở đây là đón nhận đau khổ xẩy ra trong đời với một tâm hồn mới, nhất là đau khổ phải chịu cách bất công, như: bị chỉ trích, bị hiểu lầm, bị vu oan giá hoạ. Những đau khổ như vậy liên kết ta với Ðức Kitô một cách đặc biệt. Ta chỉ có thể liên kết thâm sâu hơn với Chúa khi "thông phần những đau khổ của Ngài" (Pl 3,10), chứ không bằng cách nào khác. Chính nhờ đó mà ta có thể chiến thắng tội cơ bản là sự hãnh diện, vênh vang.

 

Ðón nhận đau khổ ra sao? Tiên vàn đừng hay nhắc đến nỗi khổ của mình, nếu không thật sự cần thiết và hữu ích. Có những người động một chút là kêu khổ, hay càm ràm tả oán, mở miệng là than với thở. Hãy giữ nó như một điều bí mật chỉ có Chúa và ta biết, để đừng làm mất đặc tính đền tội của nó. Một Giáo Phụ ở sa mạc nói: "Ðau khổ của bạn có lớn thế nào đi nữa, bạn phải chiến thắng nó trong sự thinh lặng".

 

Tuy đau khổ vẫn còn là một mầu nhiệm, nhưng đã có cách giải quyết từ sau Ðức Kitô. Biết lấy lòng tin mà chịu đau khổ, ta sẽ dần dần khám phá ra vì sao có đau khổ và đau khổ giúp ích gì cho ta. Ta sẽ thấy rằng, sau khi phạm tội, ta không thể bước đi cùng với Chúa, không thể tiến tới trên con đường thánh thiện, mà không có đau khổ. Chỉ một ít ngày không có đau khổ nào, ta sẽ thấy đời sống hời hợt, nhạt nhẽo.

 

Chính vì vậy, ta hiểu tại sao, đối với các thánh, đau khổ thường không còn là vấn đề nữa. Ngược lại, nó trở thành một ân sủng, như Phaolô xác quyết: "Anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Ðức Kitô, mà còn được chịu đau khổ vì Ngài" (Pl 1,29). Như vậy, theo thánh Tông đồ, đau khổ với Ðức Kitô là một hạnh phúc. Khi đó, nó có thể trở thành điều duy nhất khiến cho người ta đáng sống vì nó, đến nỗi có người như Têrêxa Giêsu đã xin với Chúa cho mình hoặc chết hoặc chịu đau khổ.

 

Thế nhưng đừng tự phụ là đã đạt đến mức đó (Sợ rằng lúc nhiệt tình xin với Chúa, Chúa để cho đau khổ xẩy ra, sau chịu không nổi thì kêu ối lên). Chỉ cần ta chấp nhận đau khổ nào xẩy ra cho ta, và thực hành một chút từ bỏ. Quả thực, phải khởi sự bằng cách hy sinh các lạc thú, để ngày nào đó có được cái thú biết hy sinh.

 

* Cùng với đau khổ, còn có một cách thức tốt khác để huỷ diệt con người tội lỗi. Cách thức ấy là ca ngợi Thiên Chúa. Ðây là phương tiện tuyệt vời để chống lại tội lỗi. Có lẽ chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa của việc này. Nếu mối tội đầu, như Phaolô nói ở đầu thư Rôma, là tội vô đạo, tức không tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa, thì ngược lại với tội, không phải là nhân đức, nhưng là sự ca ngợi. Một đàng thì không ca ngợi, còn đàng này thì ca ngợi.

 

Nếu có chống lại tội, chúng ta thường chỉ biết dùng những phương tiện nhỏ. Phải biết dùng cả những phương tiện lớn nữa. Chống, không chỉ bằng những phương tiện tiêu cực (không làm điều này điều khác), mà còn bằng những phương tiện tích cực. Phương tiện lớn và tích cực là chính Thiên Chúa. Ta đã không có tội, nếu có Chúa nơi ta. Nơi nào Thiên Chúa đến, thì tội lỗi phải đi.

 

Ca ngợi có tương quan với lễ tế. Kinh Thánh thường nói đến hy lễ ca ngợi (sacrifice de louange): "Hãy tiến dâng Thiên Chúa một lời tạ ơn làm hy lễ. Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ, sẽ làm hiển danh Ta. Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn" (Tv 49/50,14.23; 116,17). Lễ tế đồng nghĩa với sát tế và phá huỷ một cái gì đó. Vậy ca ngợi tạ ơn sát tế cái gì, phá huỷ cái gì? Sát tế và phá huỷ sự kiêu căng của ta. Người ca ngợi Thiên Chúa là người hiến dâng cho Ngài một lễ vật làm đẹp lòng Ngài nhất. Lễ vật này không gì khác hơn là chính vinh danh của mình. Khả năng thanh tẩy của lời ca ngợi là ở đó. Việc ca ngợi cũng nói lên sự khiêm tốn của con người trước Thiên Chúa.

 

Ðiều phi thường nhất là mọi sự đều có thể trở thành lý do để ca ngợi và tạ ơn, nếu muốn. Thậm chí tôi có thể tôn vinh Thiên Chúa vì tội của tôi. Không phải tôn vinh vì tôi đã phạm tội. Nói thế là báng bổ Thiên Chúa. Tôi tôn vinh vì điều Thiên Chúa đã làm đối với tội của tôi, tức là Ngài vẫn tỏ lòng thương xót, tha thứ và cho tôi được sống.

 

Kinh Thánh nêu ra nhiều lý do để ca ngợi Thiên Chúa, nhưng không lý do nào hơn lý do này: Ngài là một Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. "Thần minh nào sánh được như Ngài, Ðấng chịu đựng lỗi lầm, Ðấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận." (Mk 7,18). Chúng ta ca ngợi Thiên Chúa là Ðấng đã biến điều xấu nhất trên thế gian là tội Ađam thành điều tốt (Vì vậy, Phụng vụ đã ca lên trong Ðêm Vọng Phục sinh: Ôi, tội hồng phúc, O felix culpa), huống hồ là tội của ta, chắc chắn nhẹ hơn tội Ađam. Ngài cũng sẽ biến tội ta thành điều tốt và vinh quang cho Ngài, bằng một cách mà chúng ta không được biết. Chúa đã mạc khải cho một nhà thần bí (Julienne de Norwich) như thế này: "Tội thì không thể tránh được.Nhưng cuối cùng, mọi sự và mỗi một sự rồi sẽ tốt".

 

*

 

Chúng ta đã suy nghĩ về việc giải thoát tội như một cuộc xuất hành vượt qua. Người Do Thái ngày xưa, sau khi vượt qua Biển Ðỏ bình an vô sự, đã rất đỗi vui mừng, cùng với Mosê và Myriam hát bài ca tạ ơn rằng: "Tôi xin hát mừng Chúa, Ðấng cao cả uy hùng. Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương" (Xh 15,1tt). Sau cuộc vượt qua hôm nay của ta, ta cũng phải hát mừng tạ ơn như vậy. Pharaon mà Thiên Chúa đã để cho thất bại, chính là con người cũ của ta. Chiến xa và kỵ binh Ai Cập đã bị Ngài xô xuống đại dương, là những tội lỗi của ta. Ngôn sứ Mikêa cũng lặp lại như vậy: "Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển" (Mk 7,19).

 

Vượt qua Biển Ðỏ rồi, giờ đây là lúc tiến lên núi Sinai, đi vào lễ Ngũ Tuần. Tâm hồn chúng ta từ đây như một bầu da mới, sẵn sàng đón nhận rượu mới là Thần Khí. Ðề tài này sẽ được khai triển trong bài suy niệm tới.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà