Suy niệm về

ÐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

 

VIII

 

CHÚA THÁNH THẦN

VÀ ÐỜI SỐNG MỚI

 

 

"Luật của Thần Khí ban sự sống" (Rm 8,2)

 

Sách Công vụ thuật lại biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống bắt đầu bằng những lời này: "Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi" (Cv 2,1). Như vậy, ta có thể thấy đã có lễ Ngũ Tuần trước khi có lễ Hiện Xuống, đã có một lễ Ngũ Tuần trong do thái giáo, và chính trong ngày này mà Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nhiều năm sau biến cố này, các Tông Ðồ vẫn còn tiếp tục cử hành lễ Ngũ Tuần cùng với các ngày lễ khác của do thái giáo.

 

Chúng ta cũng biết là lễ Vượt qua của người Do Thái đã có rồi. Và nếu Chúa Giêsu chết vào đúng dịp lễ này, thì không phải là chuyện tình cờ, nhưng là để mạc khải mình như là lễ Vượt Qua mới, thực hiện vĩnh viễn điều trước đây chỉ là hình bóng. Chúng ta chỉ có thể hiểu lễ Vượt Qua mới, khi coi nó như nối dài lễ Vượt qua cũ tưởng niệm cuộc Xuất hành và là lễ của Phụng vụ do thái giáo. Thế thì cũng phải dựa vào lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, mới có thể hiểu lễ Hiện Xuống của kitô giáo, vì việc Chúa Thánh Thần đến cũng thực hiện một hình bóng đã có.

 

1. Lễ Ngũ Tuần và Lề luật

 

* Trong Cựu ước, có hai cách giải thích cơ bản về lễ Ngũ Tuần. Khởi thuỷ, đó là lễ các tuần (Tb 2,1) hay 7 tuần (Ðnl 16,9), lễ của mùa gặt, trong đó người ta dâng của đầu mùa cho Thiên Chúa (Ds 28,26; Xh 23,16). Sau này, vào thời Ðức Giêsu, lễ này có thêm một ý nghĩa mới: tưởng niệm việc công bố Lề luật trên núi Sinai và Giao ước.

 

Từ một lễ gắn liền với chu kỳ thiên nhiên, lễ Ngũ Tuần biến thành một lễ liên kết với lịch sử cứu độ. Ra khỏi Ai Cập, dân Chúa đi trong sa mạc hết 50 ngày thì được Thiên Chúa ban Lề luật và thiết lập Giao ước dựa trên Luật này, làm cho dân thành "một vương quốc tư tế và một dân thánh" (Xh 19,6).

 

Liên hệ đến lễ Hiện Xuống: đâu là ý nghĩa của việc Chúa Thánh Thần đến vào chính ngày Israel tưởng niệm Thiên Chúa ban Lề luật và Giao ước? Chính là để nói lên rằng Chúa Thánh Thần là Luật mới, luật tinh thần, đóng ấn cho Giao ước mới và vĩnh cửu, đồng thời hiến thánh dân vương đế và tư tế là Giáo Hội. Quả thực, đây là một mạc khải lớn về ý nghĩa của ngày lễ Hiện Xuống và về Chúa Thánh Thần.

 

Augustinô viết: "Ai mà không kinh ngạc về sự trùng hợp này, mà cũng là sự dị biệt này? Giữa cử hành Vượt qua với ngày Môsê nhận bản văn Lề luật do ngón tay Thiên Chúa viết ra, có 50 ngày phân cách. Cũng vậy, 50 ngày sau cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ðấng bị đem đi tế sát như chiên con, ngón tay Thiên Chúa, tức Chúa Thánh Thần, cũng làm cho các tín hữu đang tụ họp nhau được đầy tràn bằng chính Ngài".

 

Ở đây, ta thấy lời các ngôn sứ xưa được thực hiện: "Ðây là Giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Ðức Chúa - Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề luật của Ta" (Gr 31,33). Ðúng vậy. Không còn phải là Luật viết trên bia đá, nhưng là trong tim lòng. Không còn phải là Luật bên ngoài, nhưng là luật bên trong. Êzêkiel còn cắt nghĩa rõ luật bên trong này như sau: "Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần trí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi. Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành" (Ed 36,26-27).

 

* Chính nhờ những điều giáo đầu trên đây về ý nghĩa của lễ Ngũ Tuần và của Giao ước mới mà ta có thể hiểu được điều Phaolô nói về ân huệ của Thần Khí. Thánh Tông Ðồ viết: "Luật của Thần Khí ban sự sống trong Ðức Kitô Giêsu đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết" (Rm 8,2).

 

Những gì Phaolô trình bầy về Thần Khí trong thư Rôma đều đối lập với những gì được trình bầy về Lề luật. Chính Thần Khí cũng được đồng hoá với một luật: luật của Thần Khí. Có nghĩa là: luật là Thần Khí. Khi viết như vậy, chắc chắn Phaolô nhớ lại toàn bộ lời ngôn sứ về đề tài Giao ước mới. Có thể thấy rõ điều này trong 2Cr 3,3-6: Phaolô gọi cộng đồng của Giao ước mới là "bức thư của Ðức Kitô. không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người". Phaolô còn gọi các Tông Ðồ như là những người có "khả năng phục vụ Giao ước mới, không phải Giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí, vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống".

 

Như vậy, chúng ta có thể thấy phương thức chính giúp hiểu bản văn rất phong phú về Chúa Thánh Thần trong chương 8 thư Rôma. Phương thức đó là đọc đối chiếu Tân ước với Cựu ước. Phaolô nghĩ tới những lời ngôn sứ trong Cựu ước loan báo Thần Khí sẽ xuống đầy tràn thời Tân ước, và cho thấy những lòi đó được thực hiện vượt quá mọi tiên liệu, Tuy vậy, những lời tiên báo này phải được coi như một thứ huấn giáo soi sáng tâm trí ta, giúp ta mở rộng nhãn giới đức tin, hiểu biết tất cả sự viên mãn của mầu nhiệm kitô giáo.

 

2. Thần Khí của Ðức Kitô

 

* Cựu ước nói về Chúa Thánh Thần như hơi thở của Thiên Chúa, tạo dựng và ban sự sống, đến với một số người, ban cho họ sức mạnh và quyền năng phi thường, để chiến đấu, cai trị hoặc nói tiên tri. Như vậy, hoạt động của Chúa Thánh Thần có chiều hướng công khai, bên ngoài. Phải đợi tới thời các ngôn sứ (nhất là Giêrêmia và Êzêkiel), các ngài mới cho thấy hoạt động của Chúa Thánh Thần có chiều hướng nội tâm và cá nhân.

 

Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn mỗi người, như một nguyên lý đổi mới bên trong, giúp con người có thể trung thành giữ luật Thiên Chúa. Thánh Thần là nguyên lý của Giao ước mới và của đời sống mới.

Cách trình bầy của Phaolô về đời sống mới trong Thánh Thần nằm trong viễn tượng nội tâm này, với những ý chính như sau: Thiên Chúa ghi khắc Lề luật trong các tâm hồn nhờ Thần Khí; Luật mới này là tình yêu, được ban trong phép Rửa Tội; Luật mới này cũng giúp ta thực hành các luật khác, cho phép ta bước đi theo Thần Khí khi vâng lời Phúc Âm.

 

* Ðể hiểu tất cả các điều đó, phải hiểu sự mới mẻ mà Ðức Kitô và Giao ước mới mang lại là gì.

 

Phaolô xác quyết rằng luật cũ chỉ giúp ta biết tội, nhưng không cất bỏ được tội. Nó không đem đến sự sống, mà chỉ cho thấy tình trạng tội lỗi của ta, cũng như tình trạng thù nghịch với Thiên Chúa. Vì là những quy tắc ở ngoài con người, luật Môsê không làm thay đổi tình huống bên trong con người, không ảnh hưởng trên tâm hồn con người. Sự sống và sự chết có trước Lề luật. Sống hay chết là tuỳ như con người hướng về Thiên Chúa hay hướng về mình. Còn giữ luật hay lỗi luật chỉ là cách bày tỏ ra bên ngoài điều đã được quyết định từ bên trong. Thực tế, người ta thường hướng về mình, ích kỷ, "yêu mình đến độ khinh mạn Thiên Chúa" (Augustinô). Ðó là tội cơ bản. Phải cất bỏ nó bằng cách tái lập tình thân với Thiên Chúa, là tình trạng đã có từ ban đầu, nhưng đã bị huỷ hoại vì cám dỗ của Satan.

 

Thì chính tình thân này được tái lập nhờ công nghiệp của Chúa Kitô. "Ðiều mà Lề luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: Khi sai Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta, để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình" (Rm 8,3). Trên Thập giá, Chúa đã cất bỏ trái tim bằng đá của cả nhân loại, tức là mọi thù nghịch với Thiên Chúa dưới chế độ Lề luật. Ngài đã "đóng đinh vào Thập giá con người cũ nơi chúng ta, và đã huỷ diệt con người do tội lỗi thống trị" (Rm 6,6), đã mang lấy cái chết của ta. Ðổi lại, Ngài ban cho ta sự sống. Phaolô diễn tả điều này khi nói rằng Thần Khí ban sự sống trong Ðức Kitô Giêsu (Rm 8,2).

 

* Vậy Thánh Thần đuợc đổ tràn xuống trên Giáo Hội vào ngày lễ Ngũ Tuần, là đến từ cuộc Vượt qua của Ðức Kitô. Ngài là một Thần Khí Vượt qua, là hơi thở của Ðấng Phục sinh. Nhờ sống lại, Ađam mới đã trở thành "Thần Khí ban sự sống" (1Cr 15,45).

 

Tác giả Phúc Âm thứ tư diễn tả xác quyết trên bằng một hình ảnh cụ thể: trên Thập giá, Ðức Giêsu "trao Thần Khí" (Ga 19,30). Câu này có hai nghĩa: một nghĩa tự nhiên (trút hơi thở cuối cùng, chết), một nghĩa thần bí (Ðức Giêsu trút Thần Khí ra). Theo Gioan, hơi thở cuối cùng của Chúa lại là hơi thở đầu tiên của Giáo Hội. Ðức Giêsu trút Thần Khí ra là cho Giáo Hội, bởi Giáo Hội, được biểu tượng bằng nước (Rửa Tội) và máu (Thánh Thể), khai sinh từ cái chết lúc này của Chúa. Ý nghĩa thần bí này còn được củng cố, khi mà sau đó ít lâu, Chúa Phục sinh thổi hơi trên các môn đệ và nói: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22).

 

Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận là một ngôi vị, Ngôi Ba Thiên Chúa. Từ đây, trong Ðức Kitô, Ngài hằng sống với loài người. Ngài được đổ tràn xuống Ðầu và các chi thể, làm nên "một Thân Thể và một Thần Khí".

 

Do đó, đừng tưởng Hiện Xuống làm giảm vai trò của Vượt Qua, khi cho rằng việc nhấn mạnh Chúa Thánh Thần sẽ làm lu mờ Chúa Giêsu, như thể Chúa Thánh Thần biểu thị thời kỳ thứ ba, vượt qua thời kỳ của Chúa Giêsu. Ngược lại, Thánh Thần "làm chứng về Chúa Giêsu" (Ga 15,26), lấy những gì của Chúa Giêsu mà loan báo cho ta (Ga 16,14-15). Chúa Thánh Thần không làm những sự mới, nhưng làm cho mọi sự được nên mới.

 

3. Tâm hồn mới

 

* Thần Khí Ðức Kitô, khi đến với chúng ta, sẽ làm thay đổi tình trạng trong tâm hồn mà Luật cũ không làm được.

 

Làm thay đổi bằng cách nào? Bao lâu chúng ta còn "sống cho mình", tức sống trong tội, bấy lâu Thiên Chúa vẫn còn giống như Ðấng cản mũi kỳ đà. Giữa Thiên Chúa và con người có sự thù nghịch. Con người ham hố điều này điều kia, nhưng Thiên Chúa ngăn cản họ, chống lại ước muốn xấu xa của họ bằng những mệnh lệnh: ngươi phải thế này, ngươi không được thế kia. Phaolô nói: "Hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa" (Rm 8,7).

 

Một khi Chúa Thánh Thần đến và làm chủ tâm hồn ta, thì khi đó sẽ có thay đổi. Nếu trong lòng ta còn có mầm mống giận hờn Thiên Chúa, thì giờ đây, Chúa Thánh Thần cho ta thấy Thiên Chúa là Ðấng nhân từ, là bạn chứ không phải thù. Thánh Thần cho ta thấy những gì Thiên Chúa đã có thể làm cho ta, giúp ta hiểu rằng chính vì ta mà Thiên Chúa đã không tha cho Con mình. Thánh Thần đổ vào lòng ta tình yêu của Thiên Chúa (Rm 5,5), để ta biết yêu mến Thiên Chúa, và sẵn sàng làm điều Ngài truyền dạy.

 

* Luật của Thần Khí hay Luật mới, hiểu theo nghĩa hẹp, không phải là luật được Ðức Giêsu công bố trong bài giảng về 8 mối phúc thật, nhưng là luật ghi trong lòng con người vào ngày lễ Ngũ Tuần.

 

Chắc chắn những luật Phúc Âm truyền dạy thì cao quý và hoàn hảo hơn luật Môsê. Nhưng chỉ mình chúng mà thôi, chúng vẫn không hoàn toàn hữu hiệu. Nếu chỉ coi việc công bố ý muốn mới của Thiiên Chúa qua các Phúc Âm là đủ, người ta sẽ không giải thích được vì sao Ðức Giêsu lại phải chết, vì sao Chúa Thánh Thần phải đến. Chính các Tông Ðồ cũng đã không coi việc công bố đó là đủ. Các ông đã được Chúa dạy đủ điều, vậy mà lúc Chúa chịu Khổ nạn, vẫn không có can đảm thực hiện chỉ một điều thôi trong các lệnh truyền của Chúa: ai vả má này thì hãy chìa cả má kia. Ðàng này, kẻ thù chưa kịp vả, đã tháo chạy tán loạn. Nếu Ðức Giêsu chỉ bằng lòng với việc công bố điều răn mới là yêu thương nhau (Ga 13,34), điều răn này vẫn chỉ là "chữ viết", là luật cũ.

 

Chỉ vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Giêsu, nhờ Thần Khí, đã đổ tràn tình yêu này xuống tâm hồn các môn đệ, khi đó điều răn mới này mới thành luật mới theo nghĩa đầy đủ, thành luật của Thần Khí ban sự sống. Chính nhờ Thần Khí, chứ không phải do "chữ viết", mà điều răn này là mới. Không có ân sủng bên trong của Thần Khí, thì ngay cả Phúc Âm, ngay cả điều răn mới, cũng vẫn là luật cũ, là "chữ viết".

 

* Luật mới này hoạt động cụ thể ra sao? Ta có thể gọi là luật mới theo nghĩa nào? Nó hoạt động bằng tình yêu. Luật mới không gì khác hơn cái mà Ðức Giêsu gọi là "điều răn mới". Chúa Thánh Thần đã ghi khắc luật mới này trong tâm hồn ta, bằng cách đổ tràn tình yêu vào lòng ta: "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Ðây là tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu ta và nhờ nó, Ngài làm cho ta yêu Ngài và yêu anh em. Ta có được khả năng mới để yêu thương.

 

Có người cho rằng biến tình yêu thành một mệnh lệnh là một điều phi lý. Tình yêu mà không có tự do, nhưng được truyền phải làm, nó là thứ tình yêu nào vậy?

 

Có thể trả lời như thế này: Có hai cách khiến cho con người làm hay không làm điều gì đó: cưỡng bách và lôi cuốn. Luật thì theo cách thứ nhất, có hình phạt đi kèm. Tình yêu theo cách thứ hai. Ðưa một cái kẹo trước mắt đứa trẻ, nó giơ tay với lấy. Có ai cưỡng bách nó đâu. Chính cái kẹo lôi cuốn nó đấy chứ! Giới thiệu điều tốt cho một người đang khao khát điều tốt, người đó vồ vập lấy ngay. Cũng không có ai cưỡng bách cả. Chỉ có lòng khao khát thúc đẩy người đó. Tình yêu giống như sức mạnh của linh hồn đưa người ta đến với đối tượng mong ước.

 

Chính theo nghĩa này mà Chúa Thánh Thần - nói một cách cụ thể là tình yêu - được gọi là "luật", là "điều răn". Tình yêu tạo nên trong ta một sự năng động, thúc đẩy ta làm mọi điều Thiên Chúa muốn, làm một cách bộc phát, vì ta coi điều Thiên Chúa muốn là điều ta muốn, người Thiên Chúa yêu là người ta yêu. Cũng giống như một người đang yêu, vui vẻ làm mọi sự, một cách bộc phát, không do thói quen, không do tính toán.

 

Chúng ta có thể nói: sống trong ân sủng, theo luật của Thần Khí, là sống như người đang yêu, được tình yêu kích động. Tình yêu tạo ra một mối tương giao khác giữa hai người thế nào, thì Thánh Thần cũng tạo ra mối tương giao khác giữa ta và Thiên Chúa như vậy.

 

4. Tương quan giữa tình yêu và lề luật

 

* Một khi đã sống theo Thần Khí, thì đâu là vai trò của việc giữ luật? Luật nói đây là luật thành văn, vẫn còn nhiều trong đời sống chúng ta (luật Thiên Chúa. luật Giáo Hội, luật Phúc Âm, luật riêng.). Các luật này nói lên một ý muốn khách quan, áp đặt trên ta từ bên ngoài.

 

Trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều phong trào cho rằng những luật này không phù hợp với tinh thần và đời sống kitô giáo. Nhân danh sự tự do của Thần Khí, họ chối bỏ mọi thứ luật lệ. Những phong trào này luôn bị Giáo Hội bài bác.

 

Ðể trả lời cho vấn đề, cứ dựa vào Phúc Âm. Ðức Giêsu nói Ngài đến không để huỷ bỏ luật, nhưng kiện toàn nó (Mt 5,7). Thế nào là kiện toàn? Phaolô trả lời: "Yêu thương là chu toàn Lề luật" (Rm 13,10). Còn Chúa thì dạy: "Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy (mến Chúa, yêu người)" (Mt 22,40). Vậy tình yêu không thay thế Lề luật, nhưng tuân giữ nó, thực hiện nó, tức là đem nó ra thực hành. "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy" (Ga 14,23). Tình yêu còn là sức mạnh duy nhất có thể giúp người ta giữ luật thực sự.

 

Giữa luật bên trong của Thần Khí và luật thành văn bên ngoài, không có đối lập, không có xung khắc, ngược lại, có sự cộng tác với nhau. Luật bên trong được ban để giữ luật bên ngoài. Augustinô nói: "Lề luật được ban để người ta tìm kiếm ân sủng, và ân sủng được ban để người ta tuân giư Lề luật". Việc giữ luật là thước đo tình yêu, là dấu chỉ giúp người ta nhận ra là mình đang sống theo Thần Khí hay theo xác thịt: "Yêu mến Thiên Chúa là giữ các điều răn của Người" (1Ga 5,3).

 

Như vậy, tình yêu không huỷ bỏ các điều răn, nhưng thực hiện chúng. Không những theo nghĩa: ai yêu thì có sức mạnh giữ các điều luật truyền dạy, mà còn theo nghĩa sâu sắc hơn: ai yêu thì thực hiện mục tiêu tối hậu của luật là làm cho người đó hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Giả sử có ai giữ luật một cách hoàn hảo, nhưng không có tâm tình bên trong phát xuất từ tình yêu để sẵn sàng giữ luật, người đó chỉ vờ giữ luật, hoặc giữ chỉ vì lý do nào đó, không phải vì Chúa, hoặc coi luật như có khả năng cứu độ (tức trở lại với não trạng Cựu ước). Luật không có vai trò cứu độ, không có khả năng ban sự sống. Chính xác, nó là phương tiện giúp cho người ta biết ý muốn của Thiên Chúa. Thế thôi.

 

Ðể hiểu mối tương quan tích cực giữa Lề luật và tình yêu trong chế độ ân sủng, thử nghĩ đến trường hợp một phụ nữ mang thai chẳng hạn. Bác sĩ dặn chị ta nhiều điều: được ăn cái gì, không được ăn cái gì, được làm cái gì, không được làm cái gì. Vì chị đang mong ngóng đứa con sắp chào đời, chỉ biết sống cho nó, nên sẵn sàng tuân theo mọi chỉ dẫn đó. Chị giữ không phải vì những lời của bác sĩ, không phải vì sợ bị trách móc, mà chỉ vì yêu thai nhi trong bụng. Luật của chị là tình yêu. Chị không hành động vì bị cưỡng bách, nhưng bị lôi cuốn. Cái thai của chị lôi cuốn chị. Dầu vậy, không một ai hành động nhiệt thành và cần mẫn hơn chị. Chị yêu đứa con, muốn điều tốt cho nó, nhưng vì chưa biết rõ điều gì lợi hay hại cho nó, nên sẵn sàng nghe theo những chỉ dẫn tốt của người khác. Vai trò và ý nghĩa của Lệ luật dưới chế độ ân sủng cũng na ná như thế.

 

Bởi vậy, ta hiểu vì sao, sau khi minh chứng thời kỳ của Lề luật đã chấm dứt, Phaolô lại đề ra cho người kitô hữu vô số quy luật. Cái phải chấm dứt chính là một cách thức quan niệm về lề luật, và phải bắt đầu bằng một cách thức quan niệm khác. Từ đây, những luật này là nhằm phục vụ cho sự sống mới trong ta. Chúng giống như những chỉ dẫn của bác sĩ dành cho người phụ nữ đang cưu mang trong dạ một mầm sống mới.

 

* Nếu như tình yêu bảo vệ Lề luật thì, đổi lại, Lề luật cũng bảo vệ và phục vụ tình yêu. Bằng nhiều cách.

 

Một cách tiêu cực, luật giúp ngăn ngừa tội lỗi. Luật được đặt ra là cho người tội lỗi (1Tm 1,9), mà tất cả chúng ta còn là tội nhân. Tuy ta đã lãnh nhận Thần Khí, nhưng mới chỉ như lãnh nhận của đầu mùa. Nơi ta, con người cũ còn chung chạ với con người mới. Bao lâu còn dục tình thì Chúa quan phòng ban cho ta những mệnh lệnh, để giúp ta nhận ra chúng, và chống lại chúng, dù chỉ do sợ bị phạt. Luật là một yếu tố hỗ trợ sự tự do của ta, vì sự tự do này chưa ổn định. Nó không chống lại tự do của ta đâu. Người nào tưởng phải từ chối mọi thứ luật lệ nhân danh sự tự do của con người, người đó quả là lầm, vì không biết rõ tình trạng của sự tự do này sau khi đã phạm tội.

 

Ngoài vai trò tiêu cực trên, luật còn có vai trò tích cực khác: giúp chúng ta biện biệt đâu là ý muốn thực sự của Chúa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta gắn bó một cách tổng quát với ý muốn của Thiên Chúa, coi ý của Ngài là ý của ta và muốn thi hành. Thế nhưng có thể ta chưa biết rõ những khía cạnh hàm chứa trong ý muốn này. Một phần những khía cạnh này được diễn tả trong luật. Luật cho thấy ý Chúa đòi hỏi thế nào trên bình diện cụ thể, trong những việc cụ thể, trong đời sống cụ thể.

 

Ngoài ra, theo một ý nghĩa sâu sắc hơn, chính luật bảo vệ tình yêu. "Chỉ khi nào có bổn phận phải yêu, thì tình yêu mới được bảo đảm mãi mãi không biến chất" (Kierkegaard). Câu trên muốn nói thế này: Con người chúng ta khi yêu, càng yêu mặn nồng thì càng lo lắng, vì nhận ra mối nguy bắt gặp trong tình yêu. Ðây không có ý nói đến nỗi sợ người mình yêu bỏ mình, vì nếu là tình yêu đối với Thiên Chúa, Ngài không bao giờ bỏ ta. Mối nguy ở đây là từ chính ta. Quả thực, ta biết rằng mình hay thay đổi lắm: nay yêu, mai có thể chán. Bây giờ đang yêu, sợ mai chán sẽ gây ra những mất mát không thể sửa chữa. Thế nên ta đi bước trước bằng cách dùng luật mà ràng buộc tình yêu của mình. Con người nhất thời có thể thay đổi, nhưng luật thì không. Nhờ có luật bảo vệ mà tình yêu được bảo đảm.

 

Ðiều này có thể giúp chúng ta liên tưởng đến luật hôn nhân ràng buộc tình yêu giữa hai người nam nữ. Không những xã hội và Thiên Chúa cũng như Giáo Hội đòi hỏi luật đó mà, xét riêng khía cạnh tình yêu thôi, luật cũng là yếu tố bảo vệ nó. Dĩ nhiên, phải dựa vào lời Chúa để khám phá ra mối tương quan sinh tử và sâu sắc giữa luật và tình yêu, mới thấy tại sao phải ràng buộc mãi với tình yêu, và không ngại biến tình yêu thành một bổn phận. Ðể có thể thực sự yêu, con người phải bắt đầu bằng cách tự ràng buộc mình.

 

Nhận định trên không chỉ đúng cho tình yêu giữa con người, mà còn và càng đúng cho tình yêu đối với Chúa. Chúng ta có thể tự hỏi: sao phải tự ràng buộc mình để yêu Chúa, bằng cách tuân giữ một quy luật tôn giáo? Sao phải tuyên khấn để buộc mình sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục, vì đã có luật bên trong lôi cuốn ta giữ và sống những điều đó? Trả lời: Chính vì trong một lúc sốt sắng, ta cảm thấy được Chúa lôi kéo, ta yêu mến Ngài và muốn có Ngài luôn mãi. Nhưng vì ta thất thường, lòng dạ hay thay đổi, mà lại sợ mất Ngài, nên ta tự ràng buộc bằng những lời khấn hứa đó, để bảo đảm cho tình yêu của ta khỏi biến chất.

 

Lý do ràng buộc của ta cũng tựa như lý do của Ulysse trong thần thoại hy lạp. Sau nhiều năm lưu lạc, Ulysse nhất quyết trở về quê hương sống dưới mái nhà xưa. Nhưng ông phải vượt qua vùng biển có nhiều nàng tiên cá cám dỗ ông dừng chân hưởng lạc thú. Ông đã phải tự cột chặt mình vào cột buồm. Nhờ đó mà về lại được với gia đình. Ðể duy trì tình yêu đối với Chúa, ta cũng phải cột mình (Một trong những cách cột là tìm cho mình một vị linh hướng hay cha giải tội để trình bầy và nghe chỉ giáo).

 

Tình yêu của con người được mời gọi sao chép tình yêu của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa, tình yêu là một bổn phận. Thiên Chúa "phải" yêu vì bản tính của Ngài là Tình Yêu. Ngài không thể làm khác hơn. Ngài cũng bị ràng buộc. Thế mà tình yêu của Ngài lại tự do hơn hết và nhưng không hơn hết. Nơi Thiên Chúa, bổn phận yêu không đối lập với sự tự do yêu. Ngược lại, bổn phận và sự tự do này ăn khớp với nhau cách hoàn hảo.

 

Chúng ta hãy bắt chước Ngài, dấn thân yêu thương một cách tự do, biến tình yêu thành một bổn phận, một luật. Hoặc đúng hơn, chấp nhận luật do Thiên Chúa truyền dạy là: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận ngươi như chính mình" (Mt 22,37tt).

 

5. Một lễ Hiện Xuống mới

 

* Biết sự khác biệt giữa luật cũ và ân sủng không chỉ là một vấn đề lý thuyết, nhưng còn là một vấn đề thực tế, vì nó đem lại hậu quả tức thời cho việc định hướng đời sống chúng ta. Hậu quả đó là chúng ta phải thực hiện một bước vượt qua từ lề luật sang ân sủng. Ðức Giêsu đã vượt qua từ Cựu ước sang Tân ước, chúng ta phải thực hiện bước ấy một cách thiêng liêng trong đời sống của mỗi người.

 

Trên nguyên tắc, chúng ta đã đi vào Giao ước mới nhờ phép Rửa Tội, nhưng trên thực tế, hành vi trên đòi hỏi cả một đời để thực hiện, vì chúng ta vẫn còn đầy những dục vọng của xác thịt, còn tìm kiếm hư danh, còn tin tưởng vào việc làm. Xét khách quan, người ta có thể sống dưới chế độ ân sủng, nhưng xét chủ quan, xét từ tâm hồn, người ta lại sống dưới chế độ lề luật, trong đó có lẽ có ít nhiều người trong chúng ta chăng.

 

Chưa hết. Ngay cả khi đã tiến dần tới sự tự do của Thần Khí, chúng ta vẫn có thể rơi lại vào trong chế độ lề luật, mà lắm khi không cảm thấy. Phaolô đã từng khiển trách giáo đoàn Galát, sau khi đã bắt đầu bằng Thần Khí, cuối cùng lại chạy theo xác thịt (Gl 3,3; 5,1). Lời khiển trách của Phaolô cho thấy người ta có thể làm suy giảm hay làm mất ân sủng bằng nhiều cách: có thể do phạm tội, có thể do vụ luật, có thể do tìm kiếm sự công chính riêng của mình. Nguy cơ lòng trí trở lại với Giao ước cũ vẫn không ngừng đe doạ. Thế nên phải chống lại nó như Phaolô đã làm thời ngài. Sống trong Giao ước mới là như bơi ngược dòng. Một khi ngừng bơi là dòng nước đưa ta trở lại.

 

* Thử nhìn ra chung quanh để thấy nguy cơ này như thế nào. Trong nhiều bài giảng, bài huấn giáo. người ta nhấn mạnh một phía những bổn phận, những nhân đức, nết xấu. và, nói chung, tất cả những gì con người phải làm, trong khi coi ân sủng như một thứ đồ viện trợ của Thiên Chúa dành cho con người trong suốt nỗ lực nhọc nhằn của họ, thế cho điều mà một mình họ không làm được. Lẽ ra phải coi ân sủng như một yếu tố đi trước những nỗ lực này, để làm cho chúng có thể thực hiện được và có công phúc. Do đó, người ta khó nhìn thấy sự mới mẻ của kitô giáo. Sự mới mẻ này lu mờ khi không phải ân sủng tạo ra bổn phận, nhưng là lề luật tạo ra bổn phận, lu mờ khi người ta không quan niệm bổn phận như một món nợ đối với Thiên Chúa để tỏ lòng biết ơn Ngài, nhưng như một cái gì đó khiến Thiên Chúa phải biết ơn con người.

 

Trong một môi trường tu trì chẳng hạn, sự mới mẻ kitô giáo cũng có thể lu mờ lắm. Thử ra ví dụ: ở nhà thử, nhà tập, trong các dịp tĩnh tâm, thậm chí trong cả cuộc đời, có thể có hội dòng dành quá nhiều thời giờ để nói về đoàn sủng riêng, truyền thống và luật dòng, linh đạo riêng của dòng, hơn là dành thời giờ để nói về Chúa Kitô và Thần Khí của Ngài. Như vậy, trọng tâm chú ý từ từ hoán đổi: thay vì phải tiên vàn chú ý tới Thiên Chúa, bây giờ là chú ý tới con người, thay vì coi ân sủng là trọng tâm, lại coi lề luật là trọng tâm. Gioan viết: "Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Ðức Giêsu Kitô mà có" (Ga 1,17). Áp dụng cho chúng ta hôm nay trong Giáo Hội, điều này có nghĩa là con người có thể ban bố những quy luật, các vị lập dòng có thể đặt ra những quy tắc sống, nhưng chỉ mình Ðức Kitô, nhờ Thần Khí, là có thể ban sức mạnh giúp ta giữ những luật đó.

 

* Thế nên, cần phải hướng trở lại về Ðức Kitô, về Giao ước mới. Phaolô có nói tới một bức màn che khuất tâm hồn không cho ta nhìn thấy vinh quang siêu việt của Giao ước mới (2Cr 3,14tt). Chỉ khi trở lại với Chúa, màn mới được cất đi. Cần một sự đổi mới sâu xa trong Thần Khí. Cần một lễ Hiện Xuống mới. Lễ Hiện Xuống đầu tiên hệ tại ở việc ban luật mới tạo nên tâm hồn mới và Giao ước mới, cũng như làm cho người ta có thể yêu mến và phục vụ Thiên Chúa trong Ðức Kitô, theo một cách thức mới, thì một lễ Hiện Xuống mới cũng phải giúp chúng ta thực hiện được như vậy, chứ không chỉ ở chỗ nở rộ các đoàn sủng, các thừa tác vụ.

 

Một cách cụ thể đối với mỗi người chúng ta, con đường đi vào lễ Hiện Xuống mới đang hình thành trong Giáo Hội, là đổi mới chính phép Rửa của ta. Lửa của Thần Khí đã được thắp lên trong ta ngày ta chịu phép Rửa Tội. Ta chỉ cần khơi lớp tro bao phủ nó, để nó lại bắt đầu bùng lên, và làm cho chúng ta có khả năng yêu mến. Nếu chúng ta quyết tâm đổi mới, dựa vào Thần Khí là nguyên lý bên trong của sự sống mới, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho ta cơ hội có kinh nghiệm về sự đổi mới này, như Ngài đã ban cho Giáo Hội ngày xưa, để, như Augustinô nói, chúng ta trở thành "những con người mới, những người thừa tự Giao ước mới, những ca viên hát bài ca mới".

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà