ĐỨC GIÊSU, CON NGƯỜI TỰ DO
Bài 1

 

 

Đức Giêsu có phải là một con người tự do không ? Hay là cuộc đời cũng như mọi hành động của Ngài đều đã được ấn định từ trước ? Những câu hỏi này không những liên hệ đến Chúa, mà còn liên hệ đến cách chúng ta theo Chúa.

Công đồng Constantinopoli III (năm 681), khi lên án nhất ý thuyết (monothélisme), đã khẳng định là Đức Giêsu có ý muốn và sự tự do của con người. Nhưng nếu như Ngài vừa sống với tư cách là Con Thiên Chúa, vừa sống với tư cách  là con người như mọi người, thì sự tự do của Ngài có làm cho hai tư cách đó đối kháng nhau không ? Ngài có thể khước từ ý muốn của Thiên Chúa và sống theo ý riêng của mình không ?

Chúng ta biết rằng Đức Giêsu hằng vâng phục Chúa Cha, vâng phục tuyệt đối, vâng phục vô điều kiện. Vậy phải hiểu thế nào về sự tự do của Ngài ? Và Ngài đã thể hiện sự tự do này trong cuộc đời trần gian ra sao ?

Ở đây, cần phân biệt những bình diện tự do.

Có thứ tự do thể hiện qua một sự lựa chọn cơ bản, một sự lựa chọn định hướng cho cả cuộc đời, chi phối mọi hành động cụ thể trong cuộc đời một con người, làm cho cuộc đời của con người này có ý nghĩa. Có thứ tự do thể hiện trong từng trường hợp cụ thể, khi phải đương đầu với một tình huống cụ thể. Nếu tự do là trung thành với sự lựa chọn cơ bản, thì con đường tự do là con đường giải thoát. Còn nếu ngược lại, nó làm cho con người bị tha hoá.

Đức Giêsu có những thứ tự do này không ? Nếu có, thì những người theo Chúa là chúng ta cũng phải có như thế nào ?

 

I. SỰ TỰ DO CỦA ĐỨC GIÊSU

 

Đức Giêsu có tất cả những thứ tự do trên đây, đến nỗi Ngài được coi là con người tự do. Chúng ta thử khai triển đôi ba nét.

 

1. Tự do trong sự lựa chọn cơ bản

Có hai mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa, một lúc khởi đầu và một lúc kết thúc, cho thấy thái độ lựa chọn của Chúa trước sự sống và sự chết. Chính hai mầu nhiệm này giúp ta hiểu sự lựa chọn cơ bản của Chúa. Đó là mầu nhiệm Chúa chịu thử thách trong hoang địa và mầu nhiệm Chúa hấp hối ở vườn Cây Dầu.

Trong câu truyện Chúa chịu Satan cám dỗ, người ta thường hay để ý đến khía cạnh sư phạm và luân lý. Khía cạnh này là : Chúa bị cám dỗ, nhưng không sa ngã. Tuy nhiên, nếu quá nhấn mạnh khía cạnh trên đây, chúng ta sẽ không hiểu điều câu truyện muốn nói.

Đúng là câu truyện có giá trị sư phạm, với điều kiện các cám dỗ đó là có thật. Thì nhiều đoạn trong Tân ước dường như khẳng định các cám dỗ Chúa phải chịu là có thật. Chẳng hạn ở Lc 22,28, chính Đức Giêsu nói về những thử thách của Ngài. Hoặc chẳng hạn thư Do thái viết: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,18).

Thế nhưng câu truyện này, với nhiều chi tiết, với 3 chước cám dỗ khác nhau, còn muốn nói lên một sự lựa chọn đích thực của Chúa, một khúc quanh quyết định lúc thời gian viên mãn.

Như Israel xưa đã thực sự bị thử thách, Đức Giêsu cũng thực sự bị thử thách. Khung cảnh cũng là sa mạc, là hoang địa. Thời gian 40 ngày Chúa sống trong hoang địa tương ứng với thời gian 40 năm dân Chúa băng qua sa mạc. Đặc biệt 3 cám dỗ của Chúa cũng tương ứng với những cám dỗ của dân Chúa. Dân Chúa lúc đói đã lẩm bẩm kêu trách, và Thiên Chúa đã ban cho họ manna. Thì ở đây, Satan cũng cám dỗ Đức Giêsu biến sỏi đá thành bánh ăn. Và khi trả lời Satan, Chúa đã trưng dẫn lời của sách Đệ nhị luật, là lời giải thích về sự thử thách đầu tiên của Israel. Lời đó là: “Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8,3).

Dân Chúa lúc khát cũng đã thử thách Thiên Chúa. Thì ở đây, Satan cũng cám dỗ Chúa làm một cú ngoạn mục: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi. Vì có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,6). Trả lời cho Satan, Chúa đã nhắc lại câu trong sách Đệ nhị luật (6,16), và câu này rõ ràng ám chỉ sự kiện ở Massa: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,7).

Dân Chúa đã muốn thay thế Thiên Chúa bằng bò vàng, hoặc các thần linh của xứ Canaan. Thì ở đây, Satan cám dỗ Chúa thế này: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9). Trả lời cho Satan, Chúa đã trưng lại giáo huấn của sách Đệ nhị luật: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Đnl 6,13).

Quả thực, trong hoang địa, Đức Giêsu đã sống lại những thử thách của dân Chúa xưa. Khác một điều: Israel thì sa ngã, còn Chúa thì không.

Cả 3 cám dỗ trên đây, cũng như cám dỗ của Ađam Evà thời sáng thế, chung quy cũng chỉ là một cám dỗ : cám dỗ tin tưởng nơi mình và nơi quyền lực thế gian hơn là tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nói như thánh Augustinô, thay vì “yêu Chúa đến độ quên mình”, người ta lại “yêu mình đến độ quên Chúa”.

Đức Giêsu hiểu cám dỗ này lắm. Ngài cũng đứng trước hai lựa chọn : hoặc ngả theo trào lưu cứu thế đương thời, nhuốm mầu sắc chính trị và trần tục, được biểu thị bằng 3 cám dỗ trong hoang địa, hoặc thi hành đường lối cứu thế vâng phục, như Ngài đã học biết nơi Chúa Cha và trong Sách Thánh.

Như chúng ta biết, Ngài cương quyết từ chối đường lối cứu thế của nhiều người đương thời. Ngài không đáp ứng sự chờ mong của họ, mà làm ngược lại. Ngài đã chọn đường lối của Chúa Cha. Một cách hoàn toàn tự do, Ngài muốn quên mình để vâng phục Thiên Chúa hơn là làm theo ý riêng. Đường lối của người đời, dù có hấp dẫn và hữu hiệu đi nữa, vẫn không làm Ngài thay đổi. Ngài đặt hết tin tưởng vào Chúa Cha, muốn thực hiện ý định của Chúa Cha, dù ý định này còn mờ tối, thậm chí còn làm cho Ngài phải khổ. Trước những cám dỗ trong hoang địa, Đức Giêsu đã khẳng định mình là con người tự do.

Theo Luca (4,13), khi cám dỗ xong, Satan lìa bỏ Chúa mà đợi dịp. Dịp đã không thiếu, xẩy ra trong suốt cuộc sống của Chúa, đặc biệt vào lúc cuối đời, ở vườn Cây Dầu, lúc Chúa đi vào cuộc Khổ nạn.

Các tác giả Tin Mừng cho biết lúc ấy Chúa tỏ ra xao xuyến, buồn sầu, sợ hãi, muốn có bạn hữu ở bên. Nhưng trước sau, Ngài vẫn chỉ có một mình. Lúc này, Ngài cũng đứng trước hai chọn lựa : cứu mạng sống mình hay mất nó, theo ý mình hay theo ý Chúa Cha. Cuối cùng thì vẫn là sự lựa chọn cơ bản đầu tiên: “Abba, Cha ơi, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”.

Từ aram “Abba” trong lời Đức Giêsu kêu lên với Chúa Cha không phải ngẫu nhiên mà thốt ra đâu. Nó chứng tỏ Chúa vâng phục Cha Ngài là vì yêu. Sự tự do của Ngài là sự tự do của tình yêu. Vào lúc quan trọng nhất của cuộc đời, Đức Giêsu đã chọn hiến thân mình, hoàn toàn phó thác nơi Cha, sống sự tự do của mình như một sự giải thoát; không còn sống cho mình nữa, để chỉ sống cho Cha và cho mọi người. Đó là sự tự do của người mất mạng sống mình để tìm lại được nó, như có lần Chúa nói (x.M 8,35).

Qua những mầu nhiệm trên đây, những câu truyện trên đây, ta có thể thấy sự lựa chọn cơ bản của Đức Giêsu là làm theo ý Cha. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,9). Sự lựa chọn này cho thấy không có sự tự do nào cao quý hơn là từ bỏ sự tự do riêng, vì một tình yêu lớn hơn. Chính nó làm cho Đức Giêsu thực sự trở thành một con người tự do, sống cho Nước Thiên Chúa đang đến.

 

2. Tự do trong lối sống và trong những liên hệ với thế giới chung quanh

Chúng ta thử xem Đức Giêsu đã thể hiện sự lựa chọn cơ bản trên đây như thế nào trong lối sống hằng ngày, trong mối tương giao với người chung quanh, với thế giới chính trị, xã hội và tôn giáo đương thời. Chúng ta ghi nhận một số nét nổi bật.

 

a) Tự do trong lối sống của một người nghèo

Đức Giêsu là một con người nghèo. Không phải là một sự nghèo khổ thụ động vốn bị coi như một gương mù và một hình phạt phải tránh. Đây là một sự nghèo khó do Chúa tự ý chọn, nói lên một sự tự do triệt để, một sự phó thác vô điều kiện nơi Chúa Cha. Một sự nghèo khó năng động, theo truyền thống các người nghèo của Đức Chúa.

Đức Giêsu nghèo, vì đã đặt mọi sự nơi tay Cha, không còn lệ thuộc vào mình, không còn lệ thuộc vào của cải trần gian, không còn lệ thuộc vào người khác. Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, hạ mình chấp nhận cái chết vì yêu. Ngài đã sinh ra, sống và chết trong cảnh nghèo hèn, đã đến với người khác không phải để được hầu hạ, nhưng để phục vụ họ.

Một dấu chỉ cho thấy rõ nhất sự nghèo khó này là Đức Giêsu đã chọn đời sống độc thân. Sống độc thân không phải là khinh miệt đời sống hôn nhân hay tình yêu gia đình, nhưng là kết quả của một sự tự hiến cao cả hơn, một đòi hỏi phải dành cả cuộc đời mình cho sứ mệnh. Nhờ sống độc thân mà Chúa có thể dễ dàng trở nên mọi sự cho mọi người, yêu thương từng người, đến với từng người.

Sự nghèo khó của Chúa không nhuốm mầu sắc bi quan hay miệt thị tí nào đối với con người và thế giới. Ngài yêu sự sống. Bằng chứng là Ngài đã đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến cái chết đang gần kề. Ngài yêu thiên nhiên khi nói về hoa cỏ đồng nội, cá biển chim trời. Ngài yêu mọi người, kể cả những kẻ làm khổ mình, khi Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho họ.

Thế nên, mầu nhiệm sự nghèo khó của Đức Giêsu là mầu nhiệm của một tình yêu nhưng không và hoàn toàn, cho dù bị chống đối hay chối từ. Chính tình yêu này làm cho cuộc đời của Ngài có ý nghĩa, có sự duy nhất, có sức mạnh, đến nỗi Ngài đã ngợi khen Chúa Cha là “đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).

Sự nghèo khó làm cho Chúa trở thành một con người vui vẻ, thán phục và cảm tạ sự tín thành của Chúa Cha. Một sự nghèo khó như vậy giúp cho Chúa đương đầu với cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai, không lùi bước trước khó khăn thử thách, vì hoàn toàn phó thác nơi Chúa Cha.

 

b) Tự do trước thế giới chính trị xã hội tôn giáo đương thời

Lối sống trên đây phản ánh trong các mối liên hệ của Chúa với thế giới chính trị xã hội thời ấy, với truyền thống tôn giáo của Israel.

Về phương diện chính trị xã hội, xứ Palestine thời Chúa có những nét rất tương phản. Bên cạnh đám dân chúng đa phần nghèo khổ là giai cấp thống trị gồm những đại biểu cũa do thái giáo chính thức đi với quân Rôma xâm lược. Rồi có những băng đảng phiến loạn, những phong trào cách tân tôn giáo, những người xa lìa do thái giáo chính thức.

Đại diện rõ nhất cho do thái giáo chính thức là Công nghị Giêrusalem. Công nghị này không những có thẩm quyền về những vấn đề tôn giáo, mà ngay cả trong một số vấn đề hành chính

Thành phần của Công nghị gồm những người thuộc hàng niên trưởng, giới tư tế và kinh sư. Giới tư tế ở đây là các trưởng tế, lo việc phụng tự và bảo vệ đền thờ, trong đó có Thượng tế vừa đứng đầu Công nghị vừa là đại diện tối cao của dân. Hàng niên trưởng gồm các đại biểu của giới quý tộc. Còn kinh sư là những thày dạy Kinh Thánh và Lề luật. Khuynh hướng của 3 giới này nói chung là bảo thủ.

Trước Công nghị do thái, Đức Giêsu rõ ràng là một con người tự do, nhất là trong vụ án xét xử Chúa. Ai nấy đều cố đưa ra bằng chứng kết án Ngài. Còn Ngài thì không ngần ngại tái xác nhận thân thế của mình. Trước toà Philatô, Đức Giêsu giữ thái độ thinh lặng của một người tự do, chỉ trả lời một câu hỏi liên quan đến con người của Ngài (Ga 18,37).

Ngoài Công nghị ra, còn có những người Sađốc và Biệt phái, cũng thuộc do thái giáo chính thức. Nhóm Sađốc là nhóm quý tộc cực kỳ bảo thủ, không muốn thay đổi, không tin có sự sống lại. Còn nhóm Biệt phái phần nhiều thuộc giới tư sản, chống lại khuynh hướng của giới quý tộc tư tế, vì giới này thoả hiệp với thế giới hy lạp. Biệt phái chủ trương giữ luật rất tỉ mỉ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, coi đó là cách tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng cũng vì vậy mà họ làm cho tôn giáo trở nên vụ hình thức, giáo điều.

Với một não trạng như thế thì chuyện đụng độ với Chúa là điều không thể tránh. Chúng ta biết Chúa đã lên án họ như thế nào. Quả thực, sự tự do của Chúa trước những thành kiến và lề luật, cung cách cư xử của Chúa đối với những người thu thuế và tội lỗi, việc Chúa không giữ các mệnh lệnh thuộc nghi thức, tất cả đều ngược lại với chủ trương khắt khe nghiêm nhặt của Biệt phái.

Bên cạnh những tổ chức hoặc phe phái thuộc do thái giáo chính thức, còn có những tổ chức phe nhóm khác.

Trước hết phải kể đến những phong trào cách mạng, ủng hộ cuộc canh tân tôn giáo, và nhất là muốn giải phóng đất nước dân tộc khỏi ách thống trị của người Rôma, phục hồi vương quốc Israel. Những nhóm quan trọng là sicaires và zélotes, với nhiều thành viên có tinh thần quốc gia tôn giáo quá khích và cuồng tín. Trong số các môn đệ của Chúa, cũng có những người thuộc các nhóm này.

Có thể thấy rõ sự tự do của Chúa đối với các nhóm này, chẳng hạn khi Chúa từ chối bạo lực, dạy phải yêu thương kẻ thù, chúc phúc cho những người xây dựng và kiến tạo hoà bình… Chúa không đáp ứng sự chờ mong của họ, không muốn đồng hoá Nước Thiên Chúa mà Ngài đang rao giảng với bất cứ vương quốc nào ở trần gian.

Cũng phải kể đến hai thành phần khác là người Galilê và Samari. Người Galilê sống xa Đền thờ, xa thủ đô tôn giáo, ít nhiều chịu ảnh hưởng dân ngoại, nên bị những người Do thái đạo đức nhìn bằng nửa con mắt. Dầu vậy, họ lại là những người đầu tiên đón nhận Tin Mừng của Chúa. Các môn đệ đầu tiên cũng được tuyển chọn trong số họ. Đối với người Samari, Chúa cũng có những cách cư xử tốt. Có lần Ngài đã ca ngợi người Samari trong một dụ ngôn. Điều này cũng nói lên sự tự do của Chúa, không rập theo cách đánh giá thường tình, vượt lên trên những lời trách cứ, vì muốn đặt ưu tiên cho việc loan báo Nước Thiên Chúa.

Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất là thái độ của Chúa đối với một vài hạng người, gọi chung là những người sống bên lề, những nghười nghèo khổ yếu đuối. Đó là những người thu thuế, những người tội lỗi, những hạng đĩ điếm. Chúa đón nhận họ, đồng bàn với họ, hiệp thông với họ. Ngài không muốn mình bị ràng buộc vào những thành kiến của xã hội đương thời. Vì thực ra, như lời Chúa nói, Ngài có đến kêu gọi là kêu gọi những người tội lỗi ấy (x.Mc 2,17). Ngài hiện diện giữa loài người như một bàn tiệc dành cho những người nghèo khổ, tội lỗi, để họ tìm lại được niềm vui và sự sống.

Đặc biệt là thái độ của Chúa đối với phụ nữ. Trong xã hội do thái, phụ nữ phải chịu sự phân biệt đối xử so với cánh đàn ông, không có vai trò nào trong xã hội và tôn giáo. Thậm chí khi kiểm tra dân số, người ta cũng không thèm ngó ngàng tới họ nữa.

Trong một bối cảnh như vậy, thái độ của Chúa đối với phụ nữ quả là mới mẻ, có thể gọi được là cách mạng. Ngài xử sự với họ bình đẳng như với đàn ông, tôn trọng phẩm giá của họ. Thái độ này làm cho chính các môn đệ phải ngỡ ngàng. Chúng ta hiểu vì sao Matthêu và Maccô chỉ nói tới các phụ nữ lúc Chúa chịu chết và sống lại. Còn Luca, không phải là môn đệ trực tiếp, lại cho thấy có nhóm phụ nữ đi theo giúp Chúa, phục dịch phái đoàn. Nhất là, chỉ mình Luca thuật lại câu truyện Chúa tha thứ cho một phụ nữ tội lỗi. Cũng trong Tin Mừng Luca, các phụ nữ có vai trò hàng đầu : Đức Maria, bà Isave, bà nhạc của Simon, bà goá ở Naim, người đàn bà loạn huyết, Matta và Maria…

Ngoài phụ nữ, Chúa còn quan tâm và yêu mến các trẻ em, một điều không thấy nơi các rabbi khác. Không những Ngài đón nhận chúng, còn đưa chúng ra làm gương cho người lớn.

Nói chung, thái độ của Chúa đối với mọi hạng người cho thấy Ngài không lệ thuộc vào những thành kiến, tập tục. Mà Chúa tỏ thái độ như vậy không chỉ vì muốn có sự công bình hoặc canh tân xã hội, nhưng là do vâng phục Đấng ưu ái người khiêm nhường, kẻ tội lỗi, vì những người này dễ mở lòng đón nhận ân sủng.

Quả thực, cách cư xử của Chúa không giống ai. Công nghị bảo thủ thì coi Ngài là người muốn khuynh đảo. Nhóm Sađốc thấy nơi Ngài một sự cách tân nguy hiểm. Nhóm biệt phái thì nhìn Ngài như một ông thày dỏm, dạy người ta những điều sai lạc. Các môn đệ của Gioan thì thất vọng về Ngài.

Đức Giêsu không phải là con người của trật tự đã đành, mà cũng không phải là nhà cách mạng chính trị. Ngài biết Lề luật, nhưng sẵn sàng vượt qua Lề luật. Ngài không phải là một nhà khổ hạnh, nhưng lại vào sa mạc và kêu gọi người ta thống hối. Ngài quả là con người tự do khi loan báo Nước Thiên Chúa.

Đâu là lý do khiến Chúa cư xử và hành động như thế ? Lý do là vì tất cả cuộc đời của Chúa, cũng như mỗi một sự chọn lựa của Ngài, thảy đều hướng về Thiên Chúa. Đúng là Chúa chỉ trích quyền hành bất công của thế gian, khát vọng giầu sang và quyền lực của con người. Nhưng Chúa làm vậy không phải nhân danh một quyền bính nào của thế gian, vì suy cho cùng, quyền bính này cũng bất công thôi. Nền tảng sự tự do của Chúa là ở trong sự lựa chọn cơ bản của Ngài: chọn Nước Thiên Chúa, chọn chính Thiên Chúa.

 

II. SỰ TỰ DO CỦA NHỮNG NGƯỜI THEO CHÚA

 

Đức Giêsu, con người tự do, cho ta thấy những nét nào của Thiên Chúa Ba Ngôi ? Mặc khải của Ngài muốn nói gì về lối sống của những ai muốn theo Ngài ? Đó là hai điểm chúng ta suy niệm trong phần này.

 

1. Sự tự do của Đức Giêsu mặc khải sự tự do của Thiên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa tự do. Tiên vàn có nghĩa là Ba Ngôi hoàn toàn tự do khi tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ đó mà hiệp thông hoàn toàn với nhau. Chúa Cha tự do ban mình cho Chúa Con. Chúa Con tự do đón nhận Chúa Cha và tự hiến cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thần Khí tự do của Chúa Cha và Chúa Con, Thần Khí của sự tự hiến cho nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Theo nghĩa này thì, đối với người kitô hữu, Thiên Chúa trước hết là một lịch sử : lịch sử tình yêu của mỗi ngôi, biểu hiện bằng hành động từ muôn đời cho và nhận, trong sự tự do hoàn toàn.

Rồi cũng từ sự tự do này mà có việc tạo dựng và cứu độ. Vì yêu thương và trong sự tự do tuyệt đối, Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới, làm nên lịch sử, hiện diện trong đó, để đưa mọi sự mọi loài vào hiệp thông với Ngài. Con người có sa ngã đi nữa thì Thiên Chúa vẫn tìm kiếm họ, ký giao ước với họ. Nhưng đâu phải chỉ có vậy. Ngài còn trở thành người như họ, chết cho họ.

Sự tự do đã làm cho Thiên Chúa trở thành một người Nghèo, hiến mình cho con người; trở thành người Khiêm hạ, xuống với tạo vật để đưa nó lên; trở thành người Trung tín mãi mãi giữ lời hứa.

Nhưng sự tự do lại có những bất trắc của nó. Bất trắc là do sự tự do của con người. Thiên Chúa dựng nên con người có tự do, và Ngài tôn trọng dự tự do của họ. Họ có thể đón nhận mà cũng có thể chối từ Ngài. Dầu vậy, Ngài vẫn chấp nhận, vẫn hành động vì Tình yêu. Tự do chính là một danh xưng khác của Tình yêu.

Như vậy, sự tự do của Đức Giêsu mặc khải cho ta sự tự do của chính Thiên Chúa, đồng thời cũng cho ta thấy Thiên Chúa là Tình yêu.

 

2. Sự tự do của những người theo Chúa

Đi theo một con người tự do như Đức Giêsu, thì từng người kitô hữu, cũng như cả cộng đồng, vừa phải tỏ ra là những con người tự do, vừa phải giúp cho người khác sống tự do. Bước theo Chúa Kitô là bước theo sự tự do (sequela Christi est sequela libertatis).

Cụ thể phải sống thế nào và làm gì ?

Những con người tự do, theo hình ảnh của Đức Giêsu, tiên vàn phải triệt để vâng phục lời Thiên Chúa. Sức mạnh và sự phong phú của cộng đồng có được là nhờ biết tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Cho nên, tìm sự bảo đảm, tìm sự hữu hiệu ở nơi những gì khác, có thể coi là hành vi phạm thượng và gương mù. Giáo Hội là dân của lời Chúa, khiêm tốn lắng nghe lời Chúa như Đức Maria, không ngừng để cho Thần Khí phủ bóng, nhờ đó làm cho Đức Kitô hiện diện trong lịch sử. Sự lựa chọn cơ bản của Giáo Hội là ở đó, ở chỗ vâng phục Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Thánh Thần.

Sự lựa chọn này đòi hỏi một lối sống nghèo. Giáo Hội phải giống như Đức Giêsu nghèo khó, không tìm kiếm mình, không dính bén với những cám dỗ về giầu sang và quyền lực của thế gian, không lệ thuộc những người tìm cách uốn nắn Giáo Hội theo ý họ. Có thế mới là một Giáo Hội khả tín. Giáo Hội không giống với bất cứ một quyền lực nào của xã hội, cho dù trong quá khứ, Giáo Hội lắm lúc tỏ ra như một quyền lực thống trị. Nhờ lời Chúa thức tỉnh, Giáo Hội phải luôn can đảm hoán cải và đổi mới, không ngần ngại nhân danh sự tự do của mình mà lên tiếng trước các thế lực áp bức con người.

Sống nghèo còn phải là lựa chọn đứng về phía người nghèo, phục vụ người nghèo. Một Giáo Hội tự do là một Giáo Hội của người nghèo. Đúng là Giáo Hội có sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người, nhưng vẫn phải dành ưu tiên cho những người nghèo khó, bé mọn. Chỉ như vậy, Giáo Hội mới thực sự thấm nhuần Tin Mừng.

Những gì nói về Giáo Hội thì cũng áp dụng cho từng người sống trong Giáo Hội. Chúng ta không những phải sống nghèo, mà còn phải biết đến với người nghèo, như Đức Giêsu. Đến với những con người này, để loan báo Tin Mừng giải thoát, để chia sẻ với họ, để tố giác những bất công. Đó là cách giúp cho họ dần dần sống như những con người tự do. Chúng ta càng tự do, càng có thể giúp cho người khác được tự do.

Chắc chắn chúng ta không thể có mặt ở bất cứ nơi nào có nhu cầu. Chắc chắn chúng ta cũng không đưa ra một giải pháp ma thuật nào. Và có thể chúng ta chẳng làm được gì đi nữa. Thế nhưng chúng ta biết rằng, trong tư cách là người nghèo, chỉ nguyên sự hiện diện của chúng ta giữa người nghèo cũng có thể gây cho họ ý thức tìm cách giải thoát khỏi bất công và tội lỗi, nhất là tội lỗi, tội của cá nhân cũng như của xã hội.

Nhưng có điều này cần nhớ : Nếu may ra đạt được thành quả nào, lớn hay nhỏ, thì không phải là nhờ những phương tiện ta có, không phải là nhờ bắt gặp được những gì hoà hợp với mình. Không phải do nỗ lực và công việc của ta mà thế giới được thoát khỏi sự dữ. Sự giải thoát sâu xa để con người được sống tự do tiên vàn và chủ yếu là công việc của Chúa. Thế nên hành động của ta luôn phải đi kèm với kinh nguyện, với lời cảm tạ và cầu xin.

(Lấy ý trong: Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur,

éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, pp. 31-54)

Lm Micae Trần Ðình Quảng

Ngày 31-3-2003


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà