NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA THẬP GIÁ (*)

Bài 4

 

Cả 3 Phúc âm Nhất lãm đều thuật lại câu truyện Chúa hỏi các môn đệ về chân tính của Ngài (Mt 16,13; Mc 8,27; Lc 9,18), trước lúc Ngài tiên báo cho các ông cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình.

 

Lẽ ra, các ông là người hỏi Chúa mới phải, vì các ông cần biết rõ người mình đang theo là ai. Nhưng ở đây, người hỏi lại là Chúa. Đối tượng mà câu hỏi đặt ra cũng chính là Chúa. Đối tượng ấy là trọng tâm của suy tư và của niềm tin kitô giáo. Không phải là một sự vật, một giáo thuyết, nhưng là một con người, một con người khác với những gì mà người đương thời hình dung. Và trước con người này, thì những ai tin đều phải mở rộng tâm hồn đón nhận và chờ mong. Thế nên người kitô hữu phải biết sống mầu nhiệm mùa Vọng.

 

Theo Phúc âm Nhất lãm, Chúa đưa ra 2 câu hỏi: câu trước là hỏi xem dân chúng nói về Ngài thế nào, câu sau là hỏi để biết ý nghĩ của chính các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thày là ai ?” Chúa không chỉ muốn biết dư luận của quần chúng. Ngài còn muốn chính các môn đệ nói lên ý nghĩ của họ. Tuy nhiên, họ không thể chỉ nghĩ hay nói suông, nhưng là một ý nghĩ hay một lời nói làm đảo lộn cuộc sống của họ. Họ phải chọn lựa, phải dấn thân để chứng tỏ niềm tin và tư cách môn đệ của mình.

Đáp lại câu hỏi của Chúa, Phêrô đã thay mặt các anh em nói lên lời tuyên tín. Lời tuyên tín này được ghi nhận vắn tắt trong Maccô: “Thày là Đấng Kitô”. Trong Matthêu và Luca, câu tuyên tín dài hơn: “Thày là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16); “Thày là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Đây là những lời tuyên tín của cộng đồng tín hữu sơ khai sau ngày Chúa phục sinh. Có lẽ hình thức vắn tắt trong Maccô đúng hơn với hoàn cảnh lúc bấy giờ.

 

Để hiểu Phêrô muốn nói gì qua lời tuyên tín này, hãy đọc phần tiếp theo của trình thuật: “Chúa bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và, sau ba ngày, sống lại”. Lời tiên báo này làm Phêrô cảm thấy chướng tai, nên ông đã kéo riêng Chúa ra và can gián. Phản ứng sau đó của Chúa chắc chắn cho thấy Phêrô đã hành xử như vậy: “Satan, lui lại đàng sau Thày. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Lời trách cứ này, hẳn cộng đồng sơ khai đã không tưởng tượng ra.

 

Lời tuyên tín của Phêrô cũng như phản ứng của Chúa giúp chúng ta hiểu ý nghĩ của Phêrô về Chúa trước ngày Phục sinh. Chắc chắn ông không thể hình dung một Đấng Kitô chịu đau khổ và bị giết chết. Ông mường tượng một Đấng Mêsia như người Do thái chờ đợi: một Đấng được Thiên Chúa xức dầu, được sai đến để giải thoát Israel, hoàn tất những lời Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ. Theo Phêrô, Đấng Mêsia là một con người có đặc tính thần linh, đầy quyền năng, đáp ứng với sự chờ mong của Israel. Ngược lại, Chúa đưa ra một hình ảnh làm cớ vấp phạm, hình ảnh về một con người sẽ phải chịu khổ và chịu chết.

 

Phối hợp câu hỏi của Chúa với lời tiên báo về cuộc Khổ nạn, ta sẽ nhận ra một hậu quả rất gợi ý: lời Chúa nói vừa cho thấy con đường phải theo để tìm kiếm khuôn mặt đích thực của Con Người, đồng thời làm đảo lộn mọi suy nghĩ của Phêrô.

Quả thực, dường như Chúa muốn bày tỏ khuôn mặt của Ngài trong đau khổ, như thể mầu nhiệm của Ngài được mạc khải trong bóng tối của đau khổ. Phêrô thì nghĩ về một con người có đặc tính thần linh, còn Chúa lại cho thấy một Đấng Mêsia là một Thiên Chúa có đặc tính nhân loại, ngược với sự chờ mong của người đời.

 

Tuy nhiên, tiếp theo lời loan báo về cuộc Khổ nạn là một lời loan báo khác không ai có thể ngờ : Con Người sẽ sống lại. Các tín hữu sơ khai biết rằng không có Phục sinh thì Thập giá là vô ích. Phải liên kết sự chết và sự sống lại của Chúa mới thấy hết khuôn mặt của Ngài. Thập giá mà không có Phục sinh thì chỉ nói lên sự bất lực của con người. Nhưng được Phục sinh soi sáng, thập giá đó là Thập giá của Con Thiên Chúa chết thay ta và cho ta, liên đới với những đau khổ của cả nhân loại. Ngược lại, Phục sinh mà không có Thập giá sẽ chỉ cho thấy một cuộc chiến thắng không có kẻ thù. Nhưng khi liên kết với Thập giá, sự Phục sinh của Đức Kitô (và của những ai sống lại trong Ngài) cho thấy một cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trong cõi đất dành cho kẻ chết, là nơi chúng ta đang sống. Phục sinh là sự thuận tình của Thiên Chúa. Thập giá giúp ta hiểu sự thuận tình này là dành cho ai. Không có Phục sinh, Thập giá là mù quáng, không có tương lai và hy vọng. Ngược lại, không có Thập giá thì Phục sinh sẽ trống rỗng, không có quá khứ, không có căn rễ.

 

Vì vậy, đức tin của ta phải duy trì cùng một lúc cả Thập giá lẫn Phục sinh, nếu muốn tìm kiếm khuôn mặt đích thực của Chúa. Ngôn từ của Thập giá và việc loan báo sự Phục sinh là hai khía cạnh của sự nghịch lý kitô giáo, hai khía cạnh đối chọi nhau nhưng không tách rời nhau. Người môn đệ Chúa vừa là người của ngày Thứ Sáu Thánh, vừa là chứng nhân của sự Phục sinh.

 

Đối với ta thì như vậy, nhưng với Phêrô và rất nhiều người qua dòng lịch sử, Thập giá là gương mù thật sự vì trái ngược với nguyện vọng của họ về Đấng Kitô. Đức Giêsu đã không đáp lại nguyện vọng của những con người ấy. “Nếu có lúc nào đó mọi phương pháp tìm kiếm của con người không đưa tới cớ vấp phạm, thì chắc chắn chúng ta đã nói về một cái gì khác” (Karl Barth).

 

Gương mù của Thập giá là gương mù cho mọi thời, xưa cũng như nay. Ngày nay, người ta có thể đi theo con đường của Phêrô, mong ước một Đấng Mêsia là một con người có đặc tính thần linh, đáp ứng với sự chờ đợi sâu xa nhất như người ta nghĩ. Người ta chờ đợi một Đấng Kitô toàn hảo, chiến thắng, làm thoả mãn mọi khát vọng, phục hồi các giá trị vĩnh cửu, hoặc như một thủ lãnh của một cuộc cách mạng chính trị và xã hội… Nhưng Thiên Chúa làm người, tức Đức Giêsu của Phúc âm, không phải là một Đấng Kitô theo kiểu ấy. Những hình ảnh thêu dệt sai lạc về Ngài đều bị phá bỏ hết. Người ta, cũng như Phêrô, mong muốn Đức Kitô đáp lại sự chờ mong làm cho họ đau khổ, thay vì phải tháp nhập sự chờ mong đau khổ ấy vào Thập giá của Ngài. Mong muốn như vậy là làm mất đi sự mới mẻ tuyệt đối của Thập giá. Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại làm đảo lộn sự mong muốn ấy, cách suy nghĩ ấy. Không ai có thể hiểu được trọng tâm của mầu nhiệm Đức Kitô, nếu suy nghĩ theo cách của con người, nhưng chỉ có thể hiểu khi hết lòng vâng phục lắng nghe cách Thiên Chúa tỏ mình ra trong Đức Kitô. Không ai có thể loan báo Phúc âm của Thiên Chúa nếu muốn kitô hoá bằng mọi giá những gì là tích cực trên thế giới hoặc muốn làm thoả mãn sở thích của thính giả, nhưng chỉ có thể loan báo nếu thấy chúng sai trái và có can đảm biến đổi chúng.

Chúng ta phải tìm kiếm và chỉ tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa nơi mà lời Chúa quả quyết, lời đã làm cho Phêrô cảm thấy vấp phạm, tức là trong bóng tối của ngày Thứ Sáu và trong ánh sáng của ngày Phục sinh. “Nếu muốn biết Chúa là ai, chúng ta phải quỳ gối dưới chân Thập giá” (J. Moltmann), đồng thời phải hướng về ngày Phục sinh. Tím kiếm Chúa theo cách khác là không suy nghĩ theo cách của Thiên Chúa, mà là cách của con người.

 

Cùng với việc chiêm niệm Thập giá và sự Phục sinh, nhất thiết phải có sự thinh lặng. “Giáo lý về Chúa Kitô bắt đầu trong thinh lặng… Nói về Chúa Kitô là thinh lặng. Không nói về Chúa Kitô chính là nói. Một lời nói chính đáng của Giáo hội phát xuất từ một sự thinh lặng chính đáng, đó là cách loan báo Chúa Kitô” (D. Bonhoeffer). Sự thinh lặng này là tôn thờ mầu nhiệm, là kinh nghiệm về một cuộc đời được giải thoát và giải thoát người khác, là huỷ diệt mọi toan tính và dự phóng của con người, là mở lòng trước hành động cách mạng của Thiên Chúa được thực hiện trong sự sống lại của Đấng bị đóng đinh. Đây chính là đức tin của người còn đang lữ hành, thực hiện trước tương lai được hứa trong Ngài. Một đức tin vừa lên tiếng vừa thinh lặng, vừa tranh đấu vừa chiêm niệm, “vừa ca hát vừa bước đi” (Augustinô). Thinh lặng để lắng nghe, một sự lắng nghe làm biến đổi cuộc đời hướng tới chỗ quảng đại phục vụ cho việc giải thoát người nghèo khổ và người bị áp bức. Lời mà không đưa đến niềm vui được tôn thờ Chúa và đam mê dấn thân để phá huỷ những cơ cấu bất công đè nặng trên các người bé mọn, thì lời đã đi sai mục đích và phản bội niềm hy vọng mà nó mang lại.

 

Việc tuyên xưng Đức Kitô chỉ là bước đầu của một lối sống thể hiện ngày hôm nay, giữa những nghịch lý của hiện tại, và sẽ hoàn tất vĩnh viễn ngày mai trong vinh quang của Nước Chúa đang đến. Đó là một lối sống rất đòi hỏi, như lời Chúa nói với nhóm môn đệ cũng như cả đám đông, ngay sau khi Ngài tiên báo về cuộc Khổ nạn: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,34-35).

 

Đòi hỏi trên đây của Chúa đưa người môn đệ vào con đường thập giá. Nhưng Đấng hằng sống không để những ai theo Ngài phải đơn độc. Ngài luôn đồng hành với họ, nâng đỡ họ, tiếp tục mời gọi họ. Chỉ cần họ có lòng yêu mến.

 

Trong phần kết thúc Phúc âm Gioan, có một cuộc đối thoại giữa Chúa và Phêrô, cuộc đối thoại cuối cùng trước khi Phêrô lãnh nhận trọng trách. Phải đọc chính bản văn hy lạp mới hiểu được ý nghĩa sâu sắc của đoạn văn. Trong tiếng hy lạp, có hai động từ có nghĩa là yêu: philéo là yêu bằng tình yêu bạn hữu, một tình yêu có thể không phải là độc hữu; ngược lại, agapáo có nghĩa là yêu bằng một tình yêu không dè dặt, vô điều kiện và đòi hỏi. Lần đầu hỏi Phêrô “Này anh Simon… anh có mến Thày… không?”, Chúa dùng từ agapáo. Nếu là hỏi trước khi Phêrô chối Chúa, hẳn ông cũng dùng từ ấy mà đáp lại. Đàng này, vì đã có kinh nghiệm về sự bất trung của mình, ông chỉ dám đáp: “Thưa Thày, có, Thày biết con yêu mến Thày” (Phêrô dùng động từ philéo với ý nghĩa: con yêu bằng tình yêu kém cỏi của con). Chúa hỏi lần thứ hai, cũng với động từ agapáo. Đáp lại, Phêrô vẫn chỉ dám dùng động từ philéo với ý nghĩa: “Con yêu mến Thày như con biết và có thể”. Bởi vậy trong lần thứ ba, Chúa mới hỏi Phêrô bằng động từ philéo, hàm ý nói: “Thôi thì tình yêu kém cỏi của anh cũng đủ cho Thày”. Và Phêrô đáp: “Thày biết rõ mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày (như con có thể)” (Ga 21,15-17). Chính là Chúa xuống nước. Và hành vi này mang lại cho Phêrô niềm hy vọng, ngay cả khi ông đã cảm nghiệm nỗi đau buồn vì đã phản bội Chúa.

 

Sau khi Phêrô bày tỏ lòng yêu mến của mình, không những Chúa trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc các chiên của Ngài, mà Ngài còn cho ông biết trước con đường ông sẽ trải qua là con đường thập giá, nhưng không quên tiếp tục mời gọi ông theo Ngài (x.Ga 21,18-19).

 

Lm Micae Trần Ðình Quảng

 

(*) Lấy ý trong: Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur, éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, pp.71-88


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà