Dẫn nhập

 

ĐẤNG SỐNG TRONG TA (*)

 

“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là

Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)

 

A. VẤN ĐỀ

Tại sao Đức Kitô không chỉ lôi cuốn ta, mà còn tuyệt đối quan trọng cho ta ? Tại sao Đức Kitô, và chỉ mình Ngài, lại là trọng tâm của đời sống và lịch sử, và làm cho chúng có ý nghĩa ? Tại sao chỉ có Ngài cho mình là Con Đường đưa tới Chúa Cha ?

 

Vấn đề trên được đặt ra vào đầu thời cận đại, lúc người ta tái khám phá địa vị của con người. Đây cũng là bước ngoặt của thời kỳ này. Là chủ thể của lịch sử, con người tự hỏi : Phải chăng chỉ có Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế, Đấng Trung Gian duy nhất, hay là có những vị cứu thế hoặc trung gian khác đến chỉ cho người ta con đường tìm về Tuyệt Đối ? Suy nghĩ này phù hợp với trào lưu của “thế kỷ ánh sáng” đề cao lý trí, tuyên dương sự giải phóng, muốn biến con người thành chủ thể duy nhất của lịch sử. Suy nghĩ này cũng đưa đến chỗ tranh luận về tính độc đáo của Đức Kitô. Một tâm trí giác ngộ không thể chấp nhận Ngài là vị cứu thế duy nhất. Vị cứu thế này là chính con người, từng người và mọi người, tự cứu mình qua việc dấn thân vào lịch sử. Có thể thấy ý tưởng này trong quan niệm mác xít và trong các chế độ toàn trị.

 

Ở nhiều nơi, người kitô hữu phản ứng trước hết bằng “thần học tự do”, một thần học có hơi hướng chủ thuyết duy lý cận đại. Thần học này phát xuất từ môi trường thệ phản. Giống như chủ thuyết duy tân bên công giáo, nó làm cho tính độc đáo của Đức Kitô mất ý nghĩa. Ngài chỉ còn là một lý tưởng đạo đức, tuyệt nhiên không phải là Đấng Cứu Thế duy nhất.

 

Giáo Hội công giáo đã phản ứng bằng cách mạnh mẽ tái khẳng định tính độc đáo tuyệt đối của Đức Kitô. Trong Thông điệp Pascendi, Đừc Piô X chống lại chủ thuyết duy tân. Còn Giáo Hội tin lành thì dựa vào một tác phẩm của K. Barth, chống lại chủ thuyết quốc xã. Tác phẩm của nhà thần học này mở đầu bằng câu: “Đức Giêsu Kitô là lời duy nhất của Thiên Chúa, mà chúng ta phải tin tưởng và vâng phục, khi sống cũng như lúc chết”. Câu này công khai bút chiến với chế độ quốc xã, một chế độ muốn quả quyết một Tin mừng khác, một Đế chế khác, một Triều đại khác, một hy vọng khác.

 

Chính trong bối cảnh thời cận đại đặt vấn đề về tính độc đáo của Đức Kitô, gắn liền với phong trào giải phóng, mà Giáo Hội muốn minh chứng Đức Kitô thực sự là trung tâm của lịch sử, là lời Thiên Chúa cho ta.

 

Đức Kitô là Chúa Tể lịch sử, đến và mời gọi ta. Ngài là Đấng ta phải theo. Phúc âm đã nhấn mạnh điều này để trả lời cho những ai đề nghị một chúa tể khác ngoài Chúa Tể độc nhất là Đức Kitô.

 

Việc mạnh mẽ khẳng định chỉ mình Đức Kitô là Chúa chúng ta, là phương cách hữu hiệu nhất chống lại các chế độ toàn trị, độc tài, và các ý thức hệ sai lạc.

 

 

B. CÁC ĐƯỜNG LỐI GIẢI THÍCH

 

Tính độc đáo của Đức Kitô được giải thích theo bốn cách :

 

1) Kitô học vũ trụ

Một số Giáo phụ chủ trương Logos là nền tảng của tất cả tạo thành. Quan niệm này đưa đến chỗ khám phá Logos trong mọi sự, tức là khám phá lý do sâu xa của chúng. Theo các Giáo phụ, Đức Kitô hiện diện trong tất cả thực tại như là nguyên nhân tối hậu và sâu xa nhất. Nhiệm vụ của suy tư đức tin là dùng phương pháp loại suy, đi từ những sự vật hữu hình để đạt tới chiều sâu vô hình. Chiều sâu này là Đức Kitô. Các biểu tượng trong phương pháp loại suy của các ngài muốn nói lên điều này: “chạm tới vũ trụ và xuyên qua vũ trụ”, tức là chạm tới tất cả thực tại và xuyên qua nó để đến với Đức Kitô.

 

Trong viễn tượng của các Giáo phụ, Đức Kitô là tất cả, là “Đức Kitô toàn thể”. Ngài tuyệt đối quan trọng, tuyệt đối độc nhất vì là nguyên nhân tối hậu của mọi sự. Cho dù hướng về “lịch sử” tức là về các sự kiện, hoặc hướng về “lý thuyết” tức là về sự chiêm niệm mầu nhiệm, thì từ nơi sâu thẳm chúng ta đều tìm thấy Đức Kitô. Các Giáo Phụ cố gắng nhận ra Đức Kitô trong mọi sự. Hệ thống biểu tượng của các ngài khám phá ra sự hiện diện của Chúa ngay cả trong những sách lịch sử của Cựu ước.

 

2) Kitô học nhân học

Kitô học nhân học chủ trương Thiên Chúa tự truyền đạt mình cho con người ở mức độ tột đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Quan điểm này được Karl Rahner khai triển đặc biệt trong “thần học siêu việt” của ngài. Con người tự nền tảng là sự “tự siêu việt”. Nó luôn đòi hỏi phải vượt qua mình để hướng tới Đấng Tuyệt Đối. Nó là sự mở rộng tới, là sự tra vấn chờ đợi câu trả lời.

 

Người duy nhất đáp ứng nhu cầu của con người về Đấng Tuyệt Đối chính là Đức Kitô, Đấng mang đến ơn cứu độ. Khi có sự gặp gỡ giữa con người yêu cầu và Thiên Chúa đáp ứng nơi Đức Kitô, thì ơn cứu độ được thực hiện.

 

Nhưng người ta có thể đưa ra vấn nạn : Đối với người không minh nhiên biết Chúa thì sao ? Cha Rahner trả lời bằng luận đề về “Kitô giáo vô danh” : Ai nấy đều mặc nhiên hướng về Đấng Tuyệt Đối, có nhu cầu về Ngài. Đó là những kitô hữu trong tiềm thể, cho dù họ không mang danh là kitô hữu. Như vậy, kitô giáo hiện diện khắp nơi, và lời loan báo Tin mừng chỉ là minh nhiên hoá sự đáp ứng này của Thiên Chúa.

 

Viễn tượng trên đã ảnh hưởng tới Hiến chế mục vụ của Công đồng Vaticanô II, một viễn tượng lạc quan, theo đó mọi người đều đã hướng về Đức Kitô, nhưng lại bỏ qua bi kịch của tội lỗi và của Thập giá.

 

3) Kitô học lịch sử

Quan điểm này làm cho tính độc đáo của Đức Kitô tan biến trong lịch sử hoặc, ngược lại, làm cho lịch sử tan biến trong tính độc đáo của Ngài.

Nhãn quan của Hegel là một ví dụ. Hegel đã khai triển hệ thống tư tưởng của mình khởi từ nhãn quan kitô giáo. Những tác phẩm thần học ông viết lúc còn trẻ cho thấy tư tưởng của ông khởi đi từ giáo lý về Ba Ngôi. Ông khẳng định: “Nơi Đức Kitô, trời đã xuống thế và bén rễ vào đó”. Nhưng theo cách giải thích của ông, chính qua Đức Giêsu, Thiên Chúa và lịch sử, Thiên Chúa và thế giới, từ đây là một. Lịch sử của thế giới là lịch sử của Thiên Chúa. Thiên Chúa tan biến trong chiều kích duy nhất là lịch sử thế giới.

 

Như vậy, không có một Thiên Chúa trên trời và con người dưới đất, nhưng trời đi vào đất và đất đi vào trời. Ý tưởng và thực tại trùng với nhau. Trời và đất kết hợp với nhau.

 

Ngoài nhãn quan của Hegel về Đức Kitô hoà tan trong lịch sử, chúng ta còn thấy nhãn quan của cha Teilhard de Chardin, theo chiều hướng tiến hoá, trong đó Đức Kitô thực sự là Khởi Đầu và Cùng Đích (Alpha và Omega) của sự tiến hoá vũ trụ, và như vậy, là một phần nguyên vẹn của sự tiến hoá này. Nói đúng ra, tác giả là một thi sĩ chứ không phải một nhà thần học đích danh. Nhãn quan của cha về Đức Kitô liên kết với sự tiến triển của vật chất, nói cho cùng, cũng chỉ là một nhãn quan lịch sử, trong đó tính độc đáo của Đức Kitô có nguy cơ bị triệt tiêu.

 

Cả ba quan điểm trên đây đều có một giới hạn thuộc thần học và một giới hạn thuộc nhân học.

 

Giới hạn thuộc thần học ở chỗ Đức Kitô không còn đích thực là một sự mới mẻ trong lịch sử. Trong kitô học vũ trụ của các Giáo phụ, được một số tác giả tu đức thời cận đại lặp lại, Đức Kitô đã ở trong vũ trụ như là Logos của mọi thực tại. Trong kitô học nhân học của K. Rahner, Đức Kitô đã hiện diện trong tâm thức của con người vốn đã hướng về Đấng Tuyệt Đối, và Ngài chỉ là người đáp ứng tâm thức này. Trong kitô học lịch sử của Hegel và T. de Chardin, Đức Kitô đã hội nhập vào dòng lịch sử của con người. Người ta đã loại bỏ sự mới mẻ của Đức Kitô và gương mù của Ngài. Đức Kitô không còn đáp lại những vấn nạn và hoài bão của con người.

 

Thế nhưng, trước khi đáp ứng, Đức Kitô đã làm đảo lộn các vấn nạn của họ, đến nỗi lời đầu tiên của Tin mừng không phải là “Hãy là người tốt và khôn ngoan”, nhưng là “Hãy thay đổi não trạng”. Chính đó là metanoia, một sự thay đổi tận căn khiến cho người ta khó chấp nhận viễn tượng vũ trụ, nhân học và lịch sử. Là vì nếu quả thực Đức Kitô đã hiện diện trong vũ trụ hoặc nơi con người và trong lịch sử, thì sự Nhập thể của Ngài sẽ không còn ý nghĩa. Còn đâu là sự mới mẻ của Nhập thể, sự mới mẻ mà người kitô hữu phải loan báo ?

 

Chính vì vậy mà khoa kitô học nhân học và nhất là lịch sử đã làm cho việc truyền giáo gặp khủng hoảng. Người ta nghĩ rằng nếu Đức Kitô đã hiện diện trong thế giới, trong nhân loại và trong lịch sử, cần gì phải loan báo Ngài nữa ? Ngài đã hiện diện rồi, cứ để người ta tự tìm thấy Ngài trong tâm hồn họ, trong lịch sử và trong thế giới. Đó là bi kịch của rất nhiều tông đồ. Vì nghĩ như vậy, nhiều người không còn hứng khởi truyền giáo. Khủng hoảng về việc truyền giáo trong những năm sau Công đồng, cũng như khủng hoảng nói chung đã làm chao đảo ơn gọi và sứ mệnh của linh mục và tu sĩ, cũng tuỳ thuộc nhãn quan này mà Công đồng coi là của mình, nhất là trong Hiến chế mục vụ.

 

Dĩ nhiên, nhãn quan này cũng có mặt tích cực của nó, chẳng hạn công nhận phẩm giá của con người và địa vị của thế giới. Tuy vậy – và đây là giới hạn thuộc nhân học – ngay cả địa vị của vũ trụ, của thế giới và của lịch sử, cũng thực sự được tôn trọng, nếu nhấn mạnh không những sự gặp gỡ giữa con người và Đức Kitô, mà cả gương mù của Đức Kitô làm người nữa.

 

Lịch sử nhân loại không phải là một sự hướng tới siêu việt nhất thiết phải tìm được lời giải đáp nơi Đức Kitô. Nó cũng không phải là logos phổ quát mà Đức Kitô hẳn đã hiện diện. Nó là một lịch sử đầy những sa ngã và chỗi dậy, những tội lỗi và ân sủng, có tự do và áp bức, có hoạt động và thụ động. Chính lịch sử này tương ứng với đời sống thực của con người. Nếu ta thực sự tôn trọng con người, thì phải tôn trọng trong tất cả nhân tính cụ thể của nó, vì nó không bao giờ là một mô hình tiền chế. Cuộc đời của mỗi người là một con đường độc đáo, sáng tạo, vui buồn lẫn lộn.

Một lịch sử và con người như vậy đòi chúng ta phải hiểu sự độc đáo của Đức Kitô theo một hướng khác, theo một quan điểm khác, quan điểm của kitô học ba ngôi.

 

4) Kitô học ba ngôi

Theo kitô học ba ngôi, Đức Kitô là độc đáo, duy nhất cách tuyệt đối, không phải tiên vàn khởi đi từ con người, nhưng từ chính Thiên Chúa.

Đức Kitô là Con độc nhất của Chúa Cha, được Chúa Cha yêu thương vì đầy tràn Thần Khí và ban Thần Khí. Giáo hội sơ khai đã tuyên xưng đức tin ba ngôi này. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được tính độc đáo của Đức Kitô nếu không đặt trong viễn tượng ba ngôi.

Một trong những thiếu sót của thần học là ở chỗ : những môn kitô học, ngay cả hiện nay, ít dựa vào Ba Ngôi. K.Rahner đẽ nói một cách chính xác rằng cho dù có gạt bỏ Ba Ngôi thì phần lớn sách thần học cũng sẽ không thay đổi và, tệ hơn, đời sống của các kitô hữu cũng sẽ không thay đổi chút nào, trong khi, ngược lại, Ba Ngôi phải là trọng tâm của cuộc đời con người.

 

Chỉ có thể suy tư về tính độc đáo của Đức Kitô, dựa vào Tân ước, theo viễn tượng ba ngôi. Nơi Đức Kitô, Chúa Cha ban cho ta sự sống của Người trong Thần Khí. Trong Thần Khí, nhờ Đức Kitô, chúng ta đến với Chúa Cha. Trong công thức phụng vụ “từ Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần nhờ Chúa Kitô tới Chúa Cha”, chúng ta khám phá ra tính độc đáo của Đức Kitô có lý do sâu xa như thế nào. Ngài là Chúa Con, là cửa, là trung tâm. Tất cả những khía cạnh này đều được hiểu theo viễn tượng ba ngôi.

 

Nếu muốn dùng những phạm trù lịch sử để diễn tả Ba Ngôi, ta sẽ nói rằng Chúa Cha là khởi điểm, Chúa Thánh Thần là tương lai, Chúa Kitô là sự đến. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đến với ta và ta đến với Người. Theo Giáo Hội sơ khai, “Thiên Chúa đã ở trong Đức Kitô” (2Cr 5,19 : dịch sát). Sở dĩ thế vì Đức Kitô là Đấng đã được Chúa Thánh Thần xức dầu.

 

Chúng ta luôn thích kitô học về Ngôi Lời hơn kitô học về Thần Khí, nhấn mạnh việc Đức Kitô ban Thánh Thần. Nhưng, giống như Tân ước, chúng ta phải tiên vàn khai triển kitô học về Thần Khí : Đức Kitô là Đấng được Chúa Thánh Thần xức dầu, lãnh nhận và ban Thần Khí. Vì vậy, Ngài là Đấng duy nhất giúp ta gặp gỡ Thiên Chúa. Theo nhãn quan Tân ước, tính độc đáo của Đức Kitô không khởi đi từ vũ trụ, từ con người hay lịch sử, như những cách giải thích đã được trình bày, nhưng từ Thiên Chúa, từ Ba Ngôi, tức là từ tiến trình duy nhất, có một không hai, qua đó Chúa Cha ban Chúa Con trong Thần Khí.

 

Điều này không có nghĩa là tính độc đáo của Đức Kitô xa lạ với lịch sử, với thế giới và con người. Từ kinh nghiệm về Đức Kitô, Giáo Hội sơ khai đã đọc lại tất cả lịch sử trước và sau Ngài. Trong Tân ước, ta thấy một sự tưởng niệm, một ý thức và một hy vọng, tất cả đều có liên hệ với Ba Ngôi. Từ Đức Kitô, người ta thấy rằng tất cả lịch sử được Ba Ngôi ghi dấu. Sáng tạo khởi đầu là một lịch sử ba ngôi, được Chúa Cha thực hiện nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô (x. Cl 1,16), trong Thần Khí, Đấng bay lượn trên nước. Lịch sử Israel là một lịch sử ba ngôi, được Thiên Chúa tức Chúa Cha hướng dẫn, nhờ Thần Khí hoạt động nơi các ngôn sứ, vì Đấng Mêsia tức Chúa Con.

 

Ngay cả quá khứ của Đức Giêsu cũng là một lịch sử ba ngôi. Ngày Ngôi Lời nhập thể, Chúa Cha đã sai Thần Khí đến với Đức Trinh Nữ Maria, và Thần Khí đã làm cho Ngôi Lời hiện diện trong xác thịt. Ngày Đức Giêsu nhận lễ rửa, cả Ba Ngôi đều tỏ mình ra cách long trọng. Trong sự kiện Biến hình, có tiếng nói của Chúa Cha, có Chúa Con, có Chúa Thánh Thần được biểu thị bằng đám mây (theo giải thích của các Giáo phụ). Tính độc đáo của mạc khải ba ngôi, được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, đã chi phối tác giả Tin mừng khi các ông ghi lại những sự kiện ấy.

Giáo Hội sơ khai cũng có một ý thức về ba ngôi khi thừa nhận nơi mà Chúa Giêsu đưa con người đến với Chúa Cha nhờ Thần Khí. Nhờ phép Rửa tội, người ta đi vào đời sống ba ngôi. Một khi là kitô hữu, người ta không cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng cầu nguyện trong Thiên Chúa : trong Thần Khí, nhờ Chúa Con, họ cầu nguyện với Chúa Cha. Qua kinh nguyện, thời gian hiện tại trở thành thời gian ân sủng, giờ cứu độ.

 

Cuối cùng, Giáo Hội sơ khai sống niềm hy vọng vào ba ngôi. Tương lai của lịch sử sẽ là lễ hội của Thiên Chúa, Đấng là mọi sự trong mọi người, lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô. Ba Ngôi là khởi điểm, trọng tâm và kết thúc của lịch sử. Từ Đức Kitô, Giáo Hội nhận rằng lịch sử được mầu nhiệm ba ngôi bao bọc, hướng dẫn.

 

Chỉ mình Đức Kitô là Chủ chứ không phải ai khác hay điều gì khác. Như vậy, chỉ mình Ngài là Đấng ta tin tưởng và vâng phục bằng mọi giá. Đây là sự gắn bó với một mình Đức Kitô (“solus Christus”, theo kiểu nói của Phaolô). Chỉ trong Đức Kitô mà Ba Ngôi mạc khải mình cho ta và ta bày tỏ mình cho Ba Ngôi. Đức Kitô là Chủ và là Con Đường của Ba Ngôi dẫn tới ta, và là Con Đường của ta dẫn tới Ba Ngôi. Ngài là Chủ vì là cửa qua đó Ba Ngôi đến với ta và ta đến với Ba Ngôi. Ngài là Chủ vì là Sự Thật mạc khải Ba Ngôi cho ta và ta cho Ba ngôi. Ngài là Sự Sống vì trong Ngài sự sống của Ba Ngôi lưu chuyển trong ta, và sự sống của ta hội nhập vào sự sống vĩnh cửu của Ba Ngôi.

 

C. SỨ ĐIỆP

Chấp nhận quan niệm ba ngôi về tính độc đáo của Đức Kitô thì tiên vàn cũng phải chấp nhận điều này : Không thể tuyên xưng tính độc đáo của Ngài mà không qua gương mù.

 

Nếu sự hiện diện của Đức Kitô không đơn thuần phát xuất từ thế giới hay con người, nếu Ngài là sự mới mẻ được mạc khải trong Tân ước, thì trong mọi cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và con người luôn có gương mù. Gắn bó với Đức Kitô không phải là điều hiển nhiên, không phải là thuần tuý nối dài yếu tố con người. Đức Kitô không phải là một con người thần thiêng, không phải là nhân tính mở rộng tới chỗ trở nên Thiên Chúa. Ngược lại, Ngài là Thiên Chúa làm người, trở thành một con người.

 

Gương mù của kitô giáo không ở chỗ thần hoá con người, nhưng ở chỗ nhân hoá Thiên Chúa. Chính đó là Tin mừng, là sứ điệp kitô giáo. Đấng Tối Cao Toàn Năng độc nhất đã huỷ mình ra không vì chúng ta. Đó là sự mới mẻ, sự tự huỷ, sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Gương mù là ở đó, vì, tự bản tính, chúng ta sẵn sàng chúc tụng những việc vĩ đại cao xa, nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận sự hạ mình của Thiên Chúa.

 

Có thể thấy gương mù ngay từ lúc đầu đời của Đức Giêsu. Để đánh giá tầm quan trọng của gương mù này, ta phải “đặt mình trong tình huống của các kitô hữu đầu tiên. Phải hình dung Đấng cứu nhân độ thế với trang phục hiện nay và tầm thường như trang phục của ta, sống như ta trong một quốc gia hiện đại, đến từ một gia đình mà chúng ta biết có những ai, từ một nơi mà mọi sự xẩy ra như ta thấy trong đời sống hằng ngày của ta. Khi ấy, ta mới có thể hiểu những suy nghĩ của Natanael : “Từ Nadaret, làm sao có cái gì hay được ?” (O. Cullmann). Khi ấy, ta mới hiểu hơn vì sao Israel lại từ chối Ngài.

 

Gương mù vẫn còn đó cho chúng ta hôm nay, sống ở thời điểm 2000 năm sau biến cố. Lý do là vì một đàng tính độc đáo của Đức Kitô tự nó đã là nghịch lý, đàng khác dân Chúa hôm nay tưởng niệm Ngài lại mang trên vai gánh nặng của biết bao sai lầm và tội lỗi, cho dù cũng được ban nhiều ân sủng. Đức Kitô đã là cớ vấp phạm. Giáo Hội cũng là cớ vấp phạm không kém. “Một cái nhìn về quá khứ làm cho ta cảm thấy cay đắng biết chừng nào. Con đường đã qua phải chăng lại không đầy những sai lầm và thất bại?” (H.-I. Marrou). Quả thực, nhìn lại quá khứ trên con đường đã trải qua, Giáo Hội chỉ có thể tỏ lòng sám hối, cùng với lời tạ ơn.

 

Nhưng cũng chính Giáo Hội này lại dám loan báo danh Chúa, nơi duy nhất có ơn cứu độ. Không gì đáng ngạc nhiên khi nghe người ta trách Giáo Hội: “Bạn có lòng tin, còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Chỉ khi lời loan báo trở thành chứng tá cụ thể của việc phục vụ tha nhân, người loan báo mới có thể nói lời quyết định: “Hãy đến mà xem” “Chỉ có tình yêu mới đáng tin”.

 

Cũng có thể có gương mù nếu người ta nghĩ rằng Đức Kitô có thể hiến thân cho loài người bằng những con đường khác : những con đường mà Thần Khí của Ngài mở ra trong các tâm hồn, đặc biệt qua việc bắt gặp những người khốn khổ được Chúa đồng hoá với chính Ngài (Mt 25,31tt). Người ta không chấp nhận một Đức Kitô hiện diện theo cách ấy, nên cảm thấy vấp phạm vì Ngài.

 

Tin vào Đức Kitô, nhận ra tính độc đáo tuyệt đối của Ngài có nghĩa là đón nhận gương mù của Ngài. Có lẽ vì vậy mà Ngài đã phải đau lòng mà thốt lên: “Khi Con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).

 

Tin vào Đức Kitô đòi hỏi sự liều mạng để luôn trung thành với Ngài. Lòng tin, giống như lòng mến, “nếu không phải là một sự dấn thân mỗi ngày, thì chính là một sự hối tiếc suốt cả cuộc đời”. Muốn không hối tiếc, phải tỏ ra táo bạo.

 

Từ việc có thể có gương mù khi tuyên xưng sự độc đáo của Đức Kitô, người ta thấy hai hệ quả.

 

Hệ quả thứ nhất : khi biết tin là gì, chúng ta phải nhận rằng người khác có thể từ chối điều ta loan báo, và chúng ta tôn trọng thái độ này. Chúng ta không xét đoán họ “để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1). Tiến trình của ân sủng không luôn là tiến trình của sự đón nhận bên ngoài dành cho Đức Kitô. “Gió muốn thổi đâu thì thổi… nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8).

 

Không một quyền lực nhân loại nào có thể cưỡng ép sự tự do của Thần Khí Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử và trong tâm hồn con người. Dầu vậy, điều này không có nghĩa là chúng ta được phép thờ ơ với việc loan báo Tin mừng. Chúa sẽ không đòi các môn đệ tính sổ về số những người được cứu, nhưng chắc chắn về số những người được nghe loan báo Tin mừng.

 

Nhiệm vụ của chúng ta là loan báo chứ không cưỡng ép, đề nghị chứ không áp đặt. Chúng ta phải nghèo khó đối với những gì mình cho, có khả năng gieo mà không chờ đợi kết quả. “Nếu tôi biết ngày mai là ngày tận thế, thì hôm nay tôi không ngần ngại gieo một hạt giống” (Lutherô). Chính tình yêu thúc bách ta loan báo lời Chúa trong mọi dịp, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Sứ giả Tin mừng biết mình nói thay cho một Đấng mời gọi mà không cưỡng bách, hiến dâng mà không ép buộc. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

 

Hệ quả thứ hai : người ta chỉ đón nhận sự độc đáo của Đức Kitô bằng một quyết định cá nhân. Quyết định có liên hệ đến sự tự do trước Tin mừng, khi Tin mừng được truyền đạt một cách đáng tin qua truyền thống sống động. Đây không phải là một quyết định có tính chất nội tâm, thuần tuý chủ quan, giữa linh hồn và Thiên Chúa, nhưng là một hành vi có ý thức và tự do, trước một dữ kiện bên ngoài được một cộng đồng nhân loại cung cấp. Trong sự hiệp thông của cộng đồng dân Chúa, lời Chúa vang lên và được đức tin đón nhận. Cũng trong cộng đồng này, người ta được học tập để lời Chúa dễ hiểu hơn và dễ truyền đạt hơn cho người khác.

 

Quyết định tiếp theo việc loan báo Tin mừng là một sự lựa chọn, mà tầm quan trọng của nó luôn được Tin mừng nhấn mạnh. “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Quyết định theo Đức Kitô làm cho thời gian và đời sống có giá trị. Nếu đúng là “người ta có thể sống mà không biết lý do, nhưng không thể sống mà không biết sống cho ai”, thì quyết định trên có khả năng làm cho cuộc đời của một con người có ý nghĩa.

 

Thời gian tĩnh tâm là thời gian biện biệt và quyết định. Lúc này, mọi sự đều quy về Đức Kitô là Thày, Con Đường, Sự Thật và Sự Sống. Đây là lúc ta phải có kinh nghiệm về Ngài, lựa chọn theo Ngài, nhận Ngài là Chúa và Chủ duy nhất. Đây cũng là lúc chúng ta được mời gọi nhận ra Đức Kitô là Sự Thật trong đó chúng ta tin, là Sự Sống trong đó chúng ta yêu, là Con Đường trong đó chúng ta hy vọng.

 

Linh mục Micae Trần Dình Quảng

-----------

(*) lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Seigneur,

                            éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr. 9-26


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà