CÁC GIÁO PHỤ ÐÔNG PHƯƠNG KHÁC

 

CYRILLE DE JÉRUSALEM - EPIPHANE DE SALAMINE

EVAGRE LE PONTIQUE - EPHREM NGƯỜI SYRIE

 

 

Sự phong phú, phong nhiêu vào hậu bán thế kỷ thứ IV không chỉ riêng cho Cappadoce và Antioche thuộc văn hóa Hylạp. Xứ Syrie cũng sản sinh được một nền văn chương bản xứ với Aphraate và Éphrem. Trường giáo lý Alexandrie bấy giờ do Didyme lAveugle điều khiển, một người mà Jérôme và Rufin đã bị lôi cuốn trước kiến thức hết sức uyên bác của ông về Kinh Thánh. Ông nghiêng hẳn theo thuyết của Origène, và bất hạnh thay, điều này đã dẫn đến việc ông bị kết án, cùng với Origène và Évagre vào năm 553, rồi công trình lớn lao của ông về tín lý cũng như về chú giải cũng vì thế mà bị tiêu tan. Ðời sống đan tu ở Aicập nhìn chung mức độ trí thức tuy vẫn thấp, nhưng cũng có những tên tuổi đáng tự hào như hai vị cùng tên là Macaire, như Évagre, Palladius. Trong số những vị "Ðông phương" này, chúng ta chỉ nói đến bốn nhân vật rất khác biệt nhau, có thể coi như những chứng nhân : Cyrille de Jérusalem và nền phụng vụ, Épiphane và các lạc giáo, Évagre và nền tu đức Aicập, Éphrem "người Syrie".

 

I. CYRILLE, CHỨNG NHÂN CỦA NỀN PHỤNG VỤ TẠI JÉRUSALEM.

 

Việc Cyrille được phong làm Giám Mục Jérusalem khá là bí ẩn. Sinh vào khoảng năm 313, thụ phong Linh Mục 343, ngài không theo chủ trương chính thống quá triệt để của Giám Mục của mình là Maxime, cha giải tội và là bạn của Athanase. Vào khoảng năm 350, ngài trở thành Giám Mục với sự đồng ý của vị Tổng Giám Mục theo phe Ariô là Acace de Césarée, nhưng ngay sau đó quan hệ của ngài với vị này xấu đi. Thật vậy, Cyrille đã tỏ ra là người theo chủ trương "tương tính" chặt chẽ (homéousios - bản tính tương tự), gần với giáo lý của Công Ðồng Nicée. Ngài đã sống chức Giám Mục khoảng 38 năm, bị đứt đoạn do ba cuộc lưu đày (tổng cộng 16 năm). Ngài được tiếp đón ở công Ðồng Constantinople năm 381 như là vị "rất đáng kính và rất đạo đức". Ngài mất năm 387.

 

Công trình chính của Cyrille, ngoài một bài giảng, một bức thư và một số bản văn, bao gồm 24 bài giáo lý : một bài dẫn nhập, 18 bài giáo lý tiền-phép rửa trình bày trước hết "Mười điều khoản chính của niềm tin chúng ta" và 5 bài "nhiệm huấn" (mystagogiques) nói về Phép Rửa, phép Thêm Sức (Chrismation) và phép Thánh Thể. Các bài giáo lý dự bị được soạn có lẽ vào khoảng thời gian trước hay sau khi ngài thụ phong Giám Mục. Còn các bài giáo lý nhiệm huấn thì người ta càng không rõ là được soạn vào thời gian nào, hơn nữa ngài có thực sự là tác giả của các bài giáo lý đó không vẫn còn là vấn đề tranh cãi, có thể chúng đã được sắp xếp, hoặc ngay cả được soạn bởi người kế vị của ngài là Jean, Giám Mục từ năm 387 đến 417. Dù sao, chúng cũng phản ảnh tư tưởng của Cyrille hay của môi trường của ngài.

 

Các bài giáo lý là những bài trình bày cụ thể, giản dị, trong đó tác giả chứng tỏ là một nhà sư phạm giỏi, biết dùng những ví dụ của đời sống hàng ngày, không ngừng lôi kéo sự chú ý, thay đổi các công thức để lặp lại hàng chục lần cùng một chân lý - ngài ý thức và có nói rõ về điều này. Tư tưởng của ngài, xét cho cùng, vẫn không vì thế mà kém vững chắc và phong phú. Chẳng hạn, khi ngài chú giải câu : "Tôi tin vào Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha, là Thiên Chúa thật". Ngài giải thích nhiều lần, bằng các kiểu nói luôn luôn khác nhau, và bao giờ cũng kèm theo các trích dẫn Kinh Thánh, về hai khía cạnh quyền năng của Ðức Kitô và đặc biệt là về sự nhiệm sinh (bởi chúa cha) của Ngài (naissance divine) một nhiệm sinh vĩnh cửu và hoàn hảo, hoàn toàn khác với sự sinh ra của con người : "Là Con theo xác phàm (.) khi thời đã mãn, nhưng là Con Thiên chúa từ trước muôn đời (.) giống cha trong mọi sự". Tuy không nêu đích danh, nhưng ngài bác bẻ các lạc giáo về Kitô học và Ba Ngôi một cách hết sức xác đáng, nhất là thuyết Arius và Khổ-Phụ-thuyết (Patripassianisme). Các tín hữu của ngài được dạy dỗ và cảnh giác đúng mức.

 

Các bài giáo lý nhiệm huấn là một tài liệu đặc biệt quý giá cho ta biết về các Bí Tích được thực hành như thế nào ở Jérusalem vào hậu bán thế kỷ IV. Nó cho ta biết một cách chính xác lạ lùng về các nơi chốn, ngày tháng, các nghi thức và hệ thống biểu tượng của chúng, các tập tục và cả về nền thần học Bí Tích. Như ta thấy, đối với Bí Tích Thánh Thể, tác giả nhấn mạnh đến hiện diện thực (présence réelle), xảy ra do lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần : "Bánh và rượu của Bí Tích Thánh Thể, trước lúc dâng lời khẩn nguyện (épiclèse) thánh thiện lên Ba Ngôi đáng tôn thờ, là bánh và rượu thông thường, nhưng sau lời khẩn nguyện, bánh trở nên Mình Chúa Kitô và rượu nên Máu Chúa Kitô". Ngài cũng mô tả hiệu quả của Bí Tích một cách hiện thực như thế : "Dưới hình bánh, Thân Mình đã được ban cho ngươi và dưới hình rượu, Máu đã được ban cho ngươi, khi tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô, ngươi trở nên chỉ một Thân Mình và một Dòng Máu với Chúa Kitô". Như vậy, người ta có thể so sánh - nhất là chung quanh Bí Tích thánh Thể và Bí Tích Rửa Tội - giáo lý và thực hành của ngài tại Jérusalem với giáo lý và thực hành của Théodore de Mopsuete, của Jean Chrysostome ở Antioche và ngay cả của thánh Ambrosiô ở Milan.

 

Cyrille có ảnh hưởng quan trọng về phụng vụ, vượt ra ngoài Antioche, lan về phía Batư và Arménie.

 

RƯỚC LỄ NHƯ THẾ NÀO ?

 

20. Sau đó, anh em nghe ca xướng viên mời gọi anh em đến hiệp thông các mầu nhiệm Thánh bằng một giai điệu thần linh. Ông nói : "Hãy nếm thử và hãy nhìn coi chúa thiện hảo dường bao" (Tv 34, 9). Ðừng phán đoán dựa vào miệng lưỡi xác thịt, nhưng theo đức tin không thể nghi ngờ. Vì khi thưởng nếm, không phải anh em thưởng nếm bánh và rượu, nhưng là Mình và Máu Chúa Kitô mà chúng biểu thị (signifier).

 

21. Vậy khi con lại gần, con đừng đưa những lòng bàn tay mở rộng tới trước, cũng đừng xoè những ngón tay ra ; nhưng hãy dùng tay trái của con làm thành chiếc ngai cho bàn tay mặt vì bàn tay này phải đón nhận Ðức Vua, và trong vũm bàn tay con, con hãy đón nhận Thân Mình Chúa Kitô, trong khi nói : "Amen". Khi đó con hãy lo thánh hóa đôi mắt con bằng sự tiếp xúc với Thân Mình thánh thiện, rồi hãy dùng Mình Chúa và hãy chăm chú đừng để mất đi chút gì. Vì điều con làm mất là như con bị mất đi một trong các chi thể của chính con. Thật vậy, con hãy nói cho cha nghe, nếu người ta cho con những vảy bằng vàng, con lại chẳng giữ chúng cẩn thận tối đa để đừng mất đi chút gì và đừng phải chịu thiệt hại vì đó sao ? Vậy chẳng lẽ con lại không trông chừng thật cẩn thận hơn nữa một vật quý hơn vàng và hơn đá quý để đừng làm mất đi mảnh vụn nào sao ?

 

22. Tiếp đến, sau khi đã thông hiệp vào Thân Mình Chúa Kitô, con cũng hãy đến gần chén Máu của Người. Con đừng đưa tay ra, nhưng cúi xuống, và trong một cử chỉ tôn thờ và kính trọng, thưa "Amen", con cũng hãy thánh hóa mình khi lãnh nhận Máu Chúa Kitô. Và trong khi đôi môi con còn ẩm ướt, con hãy dùng đôi bàn tay lướt qua trên chúng và thánh hóa mắt con, trán con và những giác quan khác của con. Rồi, trong khi chờ đợi lời nguyện, con hãy tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng đã xét rằng con xứng đáng với những mầu nhiệm lớn lao dường ấy.

(Cat. Myst. V, 20 - 22, SC no. 126 bis,

tr. 167 - 173, Trad. P. Paris)

 

Bản văn này của thánh Cyrille ăn khớp cách lạ lùng với những mô tả cùng thời. Câu Thánh Vịnh 34, 9 cũng được thánh Ambroise nối kết với của ăn Thánh Thể (Sur les mystères, 58). Théodore de Mopsueste (2e hom. sur la messe) và Jean Chrysostome (hom. 47, PG 63, 898) chỉ dẫn cũng một tư thế của bàn tay để đón nhận Thân Mình Chúa Kitô. Tiếng Amen được Théodore (ibid) và Ambroise (Sur les sacr. IV, 25) ghi nhận. Sự tiếp xúc của Mình hay Máu Chúa Kitô với một số giác quan được Théodore nhắc đến (ibid) và nguyên văn câu nói về sự ẩm ướt của đôi môi cũng thấy có nơi Chrysostome (ibid) và như vậy nó thuộc về một nghi thức chung cho các Giáo Hội Jérusalem và Antioche. Ðộc giả hẳn sẽ nhận ra rằng, một vài đổi mới đó đây trong hai chục năm trở lại là có những cơ sở vững chắc.

 

II. ÉPIPHANE, CHỨNG NHÂN VỀ CÁC HỌC THUYẾT CỦA ÐÔNG PHƯƠNG.

 

Cyrille de Jérusalem là chứng nhân của nền phụng vụ. Épiphane de Salamine là chứng nhân về các học thuyết. Sinh ở Palestine, gần Euléthéropolis, vào khoảng giữa những năm 310 và 320, ban đầu ngài học tại Aicập [đặc biệt là về các ngôn ngữ] (1). Sau đó ngài đi tìm hiểu đời sống đan tu trong một thời gian dài. Noi theo Hilarion, ngài thiết lập một đan viện tại nguyên quán của mình [gần Gaza, Palestine] (2) và đã điều khiển đan viện đó trong suốt 30 năm. Giai đoạn sống này không để lại dấu

(1), (2) : [ ] chú thích của người dịch.

vết gì, chỉ biết rằng lúc đó người ta rất kính phục ngài, và vì thế ngài đã được chọn vào ngai Tổng Giám Mục Chypre ở Constantia, Salamine cũ, trong suốt 36 năm. Do yêu cầu tha thiết của các đồng sự, đang bị giao động về niềm tin Ba Ngôi, vào năm 374 ngài đã viết cuốn Ancoratus ("Người đã cắm neo"), một tổng luận nhỏ về học thuyết Kitô giáo, đặt nền tảng trên Thánh Kinh và Truyền Thống, để "neo" các tín hữu trong niềm tin của mình. Nhưng điều ngài ưu tư hơn cả đó là sự sai lạc về giáo lý, vì thế, cũng trong khoảng thời gian này, ngài đã khởi sự lập ra một danh mục rất bao quát về các lạc giáo và đề ra các phương dược thích hợp, đó là cuốn Panarion, hay dược lý (pharmacologie) để chống lại tất cả các giáo phái, thậm chí cả Dothái và ngoại giáo ; được chia ra thành 80 nhóm, như trong cuốn Ancoratus, để gợi nhớ 80 người hầu thiếp trong sách Diễm Ca. Ngài cũng viết một khảo luận rất nổi tiếng liên quan tới Thánh Kinh, nhan đề là "Trọng lượng và đo lường" (Des poids et des mesures) và một khảo luận khác "Vể mười hai viên đá quí" (Sur les douze pierres précieux) trên áo ngực của vị Thượng Tế. Tính khí quá hiếu chiến của ngài đã khiến ngài phải gánh lấy rắc rối phiền hà, và làm cho tuổi già của ngài thêm khổ sở. Ngài mất năm 402.

 

Épiphane là người theo Nicée triệt để. Trong cuốn Ancoratus, ngài khẳng định rõ ràng rằng "Ngôi Lời đã mang lấy một linh hồn, một thân xác, một trí năng (nous) để có thể đem đến cho con người toàn vẹn một ơn cứu độ hoàn hảo". Ngài gắn bó với quan điểm "đồng bản thể" (consubtantiel) đến nỗi hết sức khoan dung đối với Marcel ở Ancyre lạc đạo, và lên án Cyrille de Jérusalem. Là người tương đối có văn hóa cao, "người biết năm ngôn ngữ" [le pentaglotte] nói theo kiểu thánh Jérôme, nhưng ngài lại không chấp nhận văn hóa đời, bác bỏ suy lý trong thần học, điển hình là các suy luận thần học của Origène. Ngài xem đó là nguồn gốc sinh ra mọi lạc giáo. Ngài tố giác phép ẩn dụ nơi Origène (lAlexandrin) mà chính ngài đôi lúc cũng xử dụng. Ngài lên án tất cả những người bênh vưc nó, thậm chí cả Chrysostome trong việc lên án các ảnh thánh [bài ảnh thánh], một thái độ ngoại lệ đối với thời đại các ngài. Những nét đặc biệt này, tuy vậy, vẫn chưa làm nổi bật đủ thần học của ngài.

 

Trong lịch sử, ngài được kể đến như một nhà "lạc giáo học" (hérésiologue). Tất nhiên, ngay cả trong khía cạnh này, ngài tỏ ra là người có đầu óc ương ngạnh, thiếu sắc bén, không có khả năng giải thích các dữ kiện phong phú mà mình thu thập được, không có khả năng nghe những lời đối thoại với mình. Chẳng hạn, như một Hérodote mới, ngài đi điều tra tại chỗ, vào năm 374 hoặc 376, ngài tới Antioche, chỗ bạn ngài là Paulin để thẩm tra một người theo bè Apollinaire là Vital. Ngài thuật lại nguyên văn cuộc tiếp xúc đó. Khi nghe Vital tách trí năng nhân loại (lintellect humain) khỏi Ðức Kitô, vì ông coi đó như một ngôi vị (hypostase) [nghĩa là : theo thuyết Apollinaire, Ngôi Vị Ngôi Lời đảm nhận vai trò của trí năng (nous, tinh thần] thì Épiphane, thay vì nắm bắt được vần đề thực sự của Kitô học lại kết án đối thủ của mình cách sai lầm khi cho rằng Vital đã đặt vào Ðức Kitô tới bốn hypostases : trí năng [nous], linh hồn, thần khí [pneuma] và thân xác. Mặc dầu bác bỏ hoặc không có khả năng hiểu vấn đề đó, nhưng ngài cũng đã mang lại một chứng từ quí giá về bè Apollinaire. Ở những chỗ khác, ngài là người duy nhất truyền lại một số bản văn, nhờ các đoạn trích chưa được biết tới của Irénée, hay Hippolyte, và đặc biệt là những tại liệu về Ảo Thân thuyết (Docétisme) rất gần với các tài liệu đã được khám phá ở Nag-Hammadi năm 1947. Ngài không phải là thần học gia, cũng chẳng phải là sử gia, nhưng lịch sử các tín điều sẽ nghèo đi rất nhiều nếu không có ngài.

 

BẢN TƯỜNG TRÌNH MỘT CUỘC ÐIỀU TRA TRONG CUỐN PANARION.

 

Épiphane đã đến Antioche khích lệ Paulin, người theo tư tưởng Eutathe, đối đầu với Giám Mục Mélèce và làm trọng tài cho cuộc xung đột giữa Paulin với những người Apollinaire do Vital cầm đầu. Ngài đã bàu chữa cho Paulin mau như trở bàn tay. Bây giờ ngài chú tâm đến Vital. Ông này vừa mới "tuyên xưng rằng Chúa Kitô đã mang lấy một con người trọn vẹn". Épiphane và phe của ngài hỏi ông ta :

 

22. "Ông có tuyên xưng rằng, Ðức Kitô đã mang lấy thân xác không ? Ông này đồng ý : "Có".

 

- Ngài có sinh bởi Maria, Ðức Thánh Trinh Nữ, mà không có mầm giống của một nam nhân và bởi Chúa Thánh Thần không ? Ðiều này ông ta cũng xác nhận.

- Thân xác mà Ngôi Lời - Thiên Chúa, Con Thiên Chúa khi đến đã mang lấy có phải tự bản tính là từ Ðức Maria không ? Ông đồng ý điều đó cách mạnh mẽ, chúng tôi vui mừng vì chúng tôi đã nghe thấy có một số người (.) nói rằng thân xác không đuợc nhìn nhận như là hoàn toàn xuất từ Ðức Maria. Vì con người rất đạo đức này đã tuyên xưng rằng Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô đã mang lấy thân xác do từ Ðức Maria, đáp lại chúng tôi hỏi ông có phải là Ngài cũng mang lấy linh hồn. Ông ta cũng đồng ý một cách mạnh mẽ như vậy (.)

 

23. Vậy, Vital nhìn nhận rằng Ngôi Lời đã mang lấy một linh hồn nhân loại, vì ông nói : "Phải, Ðức Kitô là một con người hoàn toàn". Rồi, sau khi đã hỏi ông về linh hồn và thân xác thì chúng tôi hỏi ông :

 

- Khi đến Ðức Kitô có mang lấy trí khôn [nous] không ? Nhưng ông này lập tức phủ nhận điều đó, ông nói : "Không". Rồi chúng tôi nói với ông :

 

- Vậy sao ông nói Ngài trở nên một con người hoàn toàn ? Thế là ông từ từ trình bày cho thấy lối lập luận đặc biệt của mình :

 

- "Chúng tôi nói rằng Ngài là con người hoàn toàn nếu chúng ta chấp nhận thần tính thay cho trí khôn [nous, lintellect], thân xác và linh hồn. Theo như thế, Ngài là con người hoàn toàn, gồm thân xác, linh hồn và thần tính thay cho trí khôn" (.)

 

Chúng tôi phản đối và nói :

 

- Vậy trí khôn là gì ? Các ông nghĩ rằng đó là một ngôi vị (Hypostase) trong con người sao ? Và như vậy thì con người là đa thể (multiple).

 

Tiếp đến, một số người cho rằng trí khôn (lintellect) chính là tinh thần [Thần khí, pneuma], vốn là điều luôn được ca ngợi nơi con người trong Kinh Thánh. Khi đó chúng tôi đã chỉ cho thấy rằng trí khôn không phải là tinh thần [thần khí], vì Thánh Tông Ðồ nói rõ ràng : "Tôi sẽ xướng hát bằng thần khí và tôi cũng xướng hát với trí khôn" (10. 14, 15). Về vấn đề này có rất nhiều tranh luận xảy ra, nhưng chúng tôi không thể thuyết phục những kẻ thích cãi cọ đó. Tiếp đến, chúng tôi hỏi một số người trong bọn họ :

 

- "Thế nào ? Các ông nói trí khôn là một ngôi vị (hypostase) à ? Và vì một số người trong họ nhìn nhận trí khôn không phải là một ngôi vị (.) chúng tôi đã nói :

 

- "Vậy nếu trí khôn không phải là một ngôi vị nhưng là một chuyển động của ngôi vị toàn thể của chúng ta và nếu các ông nói Ðức Kitô là trí khôn theo như phần này, thì như vậy là các ông nghĩ rằng Ðức Kitô là không ngôi vị (.)

 

Ðến đây họ không biết trả lời sao ?

(Hérésie 77, 22 - 24, PG 42, 673A - 676B).

 

CHÚ THÍCH :

 

- Ðiểm bàn về trí khôn (nous) cũng đã được bàn kỹ trong cuốn l ANcoratus 77, PG 43, 161B. chính đó là chỗ ngài tố cáo Vital tưởng tượng ra trong con người có bốn ngôi vị và hơn nữa.

 

- Tuy việc thuật lại cũng như cách diễn tả có rất nhiều vụng về luộm thuộm - vả lại, bản trích này cũng đã cắt bớt nhiều - nhưng chúng ta vẫn nhận ra ở đây điểm hay nhất của Épiphane. Xét chung, ngài đã vạch rõ một cách chính xác sai lầm của thuyết Apollinaire và có lẽ ngài là người đầu tiên làm điều đó.

 

- Dù sao, chính Épiphane cũng đã rút ra được một công thức hiển nhiên là rất chính thống : "Tôi nói : con người hoàn toàn, (có) tất cả những gì ở trong con người như là con người có. Chính con người này mà khi đến trần gian Con Ðộc Nhất (Le Monogène) đã mang lấy, để trong con người hoàn toàn, Ngài, là Thiên Chúa, thực hiện cách hoàn hảo ơn cứu độ toàn diện, không bị từ khước chút gì của con người, vì e rằng yếu tố bị từ chối lại trở nên mồi cho qủi dữ".

(Ancoratus 75, PG 43, 157C - 160A)

 

III. ÉVAGRE, LÝ THUYẾT GIA CỦA NỀN LINH ÐẠO ÐAN TU XỨ AICẬP.

 

Évagre sinh vào khoảng năm 345, trong miền Pont, gần Annésoi, là nơi mà Basile và Grégoire de Nazianze đã thử nghiệm đời sống đan tu vào những năm 357 - 358. Ngài được thụ huấn với "nhà thần học" [Grégoire de Nazianze], người truyền chức Phó Tế cho ngài và đã đi theo thánh nhân lúc thánh nhân được đặt làm Giám Mục Constantinople năm 380. Một cuộc phiêu lưu tình cảm đã khiến ngài trẩy đi Jérusalem. Ở đó, qua sự gặp gỡ với Mélannie l Ancienne và với Rufin, ngài đã nghiêng theo thuyết Origène, ngài chọn đời đan tu và dứt khoát lui về bên Aicập, trong miền núi xứ Nitrie, rồi sau đó là Callules. Tại đây, ngài gặp Macaire l Alexandrin và Macaire l Égyptien, gắn bó với Ammonius, một người nhiệt thành theo thuyết Origène, vị này cùng với các đan sĩ của mình sắp phải hứng chịu những đòn tấn công của Théophile dAlexandrie. Xét chung, môi trường này tuy mức độ trí thức không cao, nhưng đã mang lại cho ngài những bài học của kinh nghiệm, của trường đời. Ngài mất năm 399. Nhưng vào năm 553, Công Ðồng Constantinople II đã kết án đích danh ngài, cùng với Origène và Didyme lAveugle, vì tư tưởng của ngài nghiêng theo thuyết Origène.

 

Việc kết án này đã khiến cho việc lưu truyền công trình quan trọng của ngài hết sức bị cản trở. Rất nhiều tác phẩm may mắn đến tay chúng ta là qua bản dịch Latinh và nhất là qua bản dịch Syrie và Arménie. Các tác phẩm khác được truyền lại qua bản dịch Hylạp, nhưng đội tên của Nil dAncyre và cũng vì thế mà việc phân biệt cách chắn chắn hai tác giả này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Công trình lớn lao mà Évagre thực hiện được, đó là một tổng hợp về linh đạo đan tu, gồm ba tập :

 

v Khảo luận thực hành (Traité pratique) gồm 100 chương, đặc biệt về tu đức, nhằm đưa người đan sĩ đã thực sự bước vào đời sống tu trì đạt tới trạng thái an tĩnh (apatheia, limpassibilité).

 

v Người tri thức (Le Gnostique), 50 chương, tập trung vào việc chiêm niệm.

 

v Các vấn đề tri thức (Les chapitres gnostiques) gần 600 chương, nặng tính chất học thuyết hơn.

 

Ngoài khối tác phẩm chính này, ngài còn soạn một số tác phẩm khác nhằm đào tạo bước đầu, như cuốn "Những nền tảng của đời sống đan tu" (Les bases de la vie monastique), "Khảo luận gởi đan sĩ Euloge", hay một vài điểm về "Thực hành" : "Về tám thần trí xấu" (Des hiut esprits de malice), - nghĩa là về những nết xấu chính và trong thực tế đó là những tội đầu, kèm theo tội chán chường (lacédie), một tâm trạng vừa ươn lười vừa chán ngán, cuốn Antirrhétique được soạn ra nhằm giải trừ các nết xấu và giúp loại trừ các nết xấu trên, bao gồm 487 câu trích dẫn Kinh Thánh, được gom lại xoay quanh các nết xấu và giúp loại trừ các nết xấu đó. Cuốn "Về những tư tưởng xấu khác nhau" (Des divers mauvaises pensées) nghiêng nhiều hơn về phân tích tâm lý. Trong các tập sách nhỏ gồm các châm ngôn. Évagre đề cập trực tiếp đến đời sống tu cộng đoàn (vie cénobitique) : "Gởi các đan sĩ", "Gởi một trinh nữ". Trong khảo luận "Về cầu nguyện", ngài vươn tới một cấp độ cao hơn, và trình bày lý thuyết về "Cầu nguyện thuần khiết" của mình.

 

Căn cứ vào các trích dẫn nằm trong chuỗi các câu chú giải, có thể kết luận rằng Évagre đã chú giải một phần khá lớn Thánh Kinh. Ngài thích hình thức "scholies" nghĩa là những ghi chú ngắn gọn về những câu chọn lọc hơn là chú giải liên tục. Ngài mời gọi vượt qua mặt chữ và lịch sử đẩ đạt tới nghĩa tinh thần (sens intellectuel), thiêng liêng (spirituel) hay thần bí (mystique), và đó là công việc của những người tri thức (les gnostiques). Ngày nay chúng ta còn giữ được "Những trích đoạn về Thánh Vịnh" (Extraits sur les psaumes) được truyền lại dưới tên Origène, "382 scholies về sách Châm Ngôn" - mới được xuất bản và dịch sang tiếng Pháp. Ngoài ra, ta còn phải kể thêm phần thư từ của ngài, ngày nay chỉ còn lưu lại 64 lá, và còn rất nhiều khảo luận nhỏ mà có thể chỉ là những gì còn sót lại - điều này càng khiến ta ý thức được khối lượng công trình lớn lao của ngài. Évagre là tác giả phong phú nhất của sa mạc Aicập.

 

Công trình này không kém phần quan trọng về mặt nội dung giáo lý và đời sống thiêng liêng. Évagre đưa ra một thứ siêu hình học, nhất là trong cuốn "Những vấn đề tri thức" (Les chapitres gnostiques). Ngài nói đến hiện hữu ban đầu của "những trí tuệ thuần khiết", qui tụ với nhau trong thế giới tinh thần, trong suốt trước ánh sáng thần linh. Do lơi lỏng trong sự chiêm ngắm, các "trí tuệ thuần khiết" đó đã bị cắt đứt khỏi sự kết hiệp với Thiên Chúa và sự duy nhất nội tại của chúng cũng đã bị phá vỡ. Tuy nhiên, lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, bằng một cuộc tạo dựng thứ hai, đã ban cho mỗi trí tuệ một thân xác phù hợp với mức độ suy thoái của nó và một thế giới tương ứng : từ đó có các thiên thần, con người và ma quỉ. Ðối với các trí tuệ này, vật chất là phương tiện của tri thức, của chiêm ngắm khả giác (contemplation sensible), khác nhau tùy theo mức độ. Nhờ vật chất, vì xuyên qua những biến đổi tiệm tiến, các trí tuệ này có thể đạt lại được tri thức yếu tính (science essentielle). Ðức Kitô - trí tuệ độc nhất không bị suy thoái - giúp đỡ chúng bằng cách tự nguyện mang lấy một thân xác giống như thân xác chúng. Nhờ thế, tất cả sẽ đạt tới trạng thái thiên thần, và "ngày thứ bảy", chúng sẽ tái lập lại một thân mình thiêng liêng dưới vương quyền của Ðức Kitô. "Ngày thứ tám" khi vật chất bị huỷ diệt hoàn toàn, chúng sẽ cùng với Ðức Kitô đi vào trong Thiên Chúa Ba Ngôi và Duy Nhất. Trong sự phục hồi phổ quát này (apocatastase) không có chỗ cho hoả ngục vĩnh cửu. Vả lại, trong thuyết của Évagre, vai trò cứu thế của Ðức Kitô đã bị đão lộn đi rất nhiều. Évagre đã lấy lại và hệ thống hóa thuyết của Origène. Người ta không lấy làm ngạc nhiên trước việc Évagre bị kết án cùng với Origène và Công Ðồng đã nêu lại chính những luận điểm của ông trong các lời tuyên án tuyệt thông.

 

Tuy nhiên, công trạng riêng của Évagre là đã nghiên cứu tỉ mỉ hành trình thiêng liêng của người đan sĩ. Trong cuốn "Những nền tảng của đời đan tu", ngài kể ra những điều kiện cần thiết : độc thân, từ bỏ thế gian, nghèo khó, sự an bình trong cô tịch, làm việc tay chân, suy niệm về những vấn đề chung cuộc [tứ chung], có thể kể thêm : một kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn. Tất cả những điều đó người đan sĩ phải đạt được trước khi bước vào con đường ba chặng mà Évagre đã mô tả. Ngài viết ở đầu cuốn "Khảo luận thực hành" (Traité pratique) : Kitô giáo là học thuyết của Chúa Kitô, Cứu Chúa chúng ta, bao gồm sự thực hành (pratique), vật lý học (physique) và thần học (théologie). Ðây là ba giai đoạn của đời sống thiêng liêng, tuy nhiên ngài trao cho ba từ ngữ này nhất là từ ngữ đầu tiên, một giá trị hoàn toàn mới mẻ, với những hệ quả riêng của nó.

 

"Thực hành" không hề có nghĩa là đời sống hoạt động, đối lập với đời sống chiêm niệm, như trong truyền thống đạo hoặc đời vẫn hiểu, ở đây, nó liên quan đến "người đan sĩ" - tiểu tựa nguyên thuỷ của khảo luận - là người sống đời ẩn tu (vie érémitique). "Thực hành" "phương pháp thiêng liêng nhằm thanh tẩy phần dục tình, đam mê của tâm hồn". Mục tiêu và cũng là điểm kết thúc của nó là tình trạng an tĩnh, không còn dục tình (impassibilité, apatheia), nhằm hướng tâm hồn đến sự chiêm niệm. Nội dung của "Thực hành" chủ yếu là cuộc chiến đấu chống lại các "tư tưởng", lý do đơn giản là vì người đan sĩ đã sống cách xa với các "đối tượng", thế nên họ không còn bị cám dỗ bởi sự hiện diện của chúng, mà là bởi hoài tưởng về chúng, một hoài tưởng đầy mãnh lực của ma quỉ. Évagre nêu ra "Tám tư tưởng đầu mối (pensées genériques) hàm chứa mọi ý tưởng khác" : tư tưởng về tham ăn, dâm bôn, tham lam, buồn phiền, giận dữ, chán chường (acédie), hư danh và kiêu ngạo. Cassien đã lấy lại chính những từ ngữ Hylạp này và theo cùng một trình tự. Ðiểm cuối cùng mà "Thực hành" dẫn đến đó là tình trạng an tĩnh, không còn dục tình (impassibilité), điểm này chiếm gần phân nửa khảo luận. Thánh Jérôme đã rất chính xác khi gọi phần này là "De lapateia", đồng thời thánh nhân cũng trách tác giả là đã biến người đan sĩ thành "một cục đá hoặc một vị thần". Thật vậy, cùng với phái khắc kỷ, Évagre coi các dục tình gắn liền với thân xác (passions) như là những tật bệnh và coi "apateia" như "sức khỏe" và là dự "hài hòa của tâm hồn", các giấc mơ làm chứng cho điều đó. Tuy nhiên, Évagre không có ý định loại bỏ nộ tình (lirascible) và tham dục (concupiscible), là những điều có thể có một vai trò xây dựng, giáo dục, ngài cũng không có ý nói đến một tình trạng không thể phạm tội (limpeccsbilité). Cuối cùng, tình trạng an tĩnh, phi dục tình này không phải là cùng đích mà chỉ là phương tiện : "an tĩnh có con gái là Ðức Ái và Ðức Ái là cánh cửa" chiêm niệm.

 

Chính xác hơn,Évagre đã nói : "cánh cửa là tri thức tự nhiên, kế đến là thần học và cuối cùng là vinh phúc". Ở đây, ta gặp lại hai giai đoạn tiếp theo đã được nói đến ở trên : "Tri thức về các hữu thể" "Tri thức về Thiên Chúa", cả hai làm thành "đời sống tri thức" (la vie gnostique). Cả trong phần này, tác giả đã sử dụng từ ngữ theo cách hiểu riêng của mình. "Vật lý học" (physique) của ngài rất khác lạ với khoa "vật lý" (physique) hiện đại, chẳng những nó không dừng lại ở những hiện tượng khả giác, mà "vật lý" ở đây là cái nhìn của trí tuệ về cái "lý hiện hữu" của sự vật (logoi) nơi Thiên Chúa, và là cái nhìn về các thực tại khả tri (les intelligibles) về thế giới tinh thần, và qua đó, nó là sự chiêm ngắm Thượng Trí muôn vẻ của Thiên Chúa nơi công trình tạo dựng. "Vật lý" là tấm đà nhún để nhảy vọt lên tri thức về Thiên Chúa, lên sự "chiêm ngắm Ba Ngôi Chí Thánh". Trên thực tế, khi bàn về người tri thức, Évagre giả thiết người đó đã thủ đắc được "các tri thức" (sciences). Trong khi "người thực hành" (le pratique) lo cho sự tiến bộ của bản thân, thì "người tri thức" (le gnostique) hướng đến những người khác, giúp họ thanh tẩy khỏi các dục tình, hoặc dẫn họ vào các tri thức, tùy theo mức độ tiến bộ của họ. "Người đó đóng vai trò của muối đối với những kẻ chưa tinh luyện, và ánh sáng đối với những người tinh tuyền". Công việc giảng dạy này trước hết phải thích ứng với các trình độ khác nhau và luôn luôn vô vị lợi, phải tựa trên Thánh Kinh và việc chú giải Thánh Kinh, đây là bổn phận của người tri thức và cũng là ân huệ mà người đó ban phát vì lòng mến. "Những vấn đề tri thức" (les chapitres gnostiques) và siêu hình học chứa đựng trong đó - đã được bàn tới ở trên - cho ta hiểu phần nào về nội dung giáo lý.

 

Nếu Évagre phân biệt rõ ràng trên lý thuyết các giai đoạn của hành trình thiêng liêng, thì trong thực tế có những giao điểm giữa đời sống thực hành (vie prstique) và đời sống tri thức (vie gnostique). Tình trạng an tĩnh, không còn đam mê dục vọng có những cấp độ và chỉ hoàn hảo nơi các thiên thần. Tuy nhiên, ngay từ khi người đan sĩ mới chỉ bước vào thanh luyện thì một sự chiêm ngắm nào đó cũng bắt đầu. Ngược lại, một người tri thức phải tiếp tục giữ mình khỏi những nguy hiểm đe dọa người thực hành, ngay cả người mới bước những bước đầu tiên : giữa an tĩnh và chiêm niệm có một thứ tác động qua lại, và thành quả của tác động đó là đức ái.

 

Évagre là một lý thuyết gia lớn của khoa thần bí Kitô giáo, ngài nổi tiếng không những về nội dung tác phẩm của mình, mà còn do hình thức biên soạn, ngài cắt nhỏ tác phẩm thành hàng trăm chương, thường là rất ngắn, gồm những câu viết dưới dạng châm ngôn, đôi khi rất tối nghĩa. Ngài đã trí thức hóa di sản Hylạp của Origène và các Giáo Phụ miền Cappadoce theo chiều hướng của Clément dAlexandrie, ưu tiên cho tri thức : ngài dành rất nhiều chỗ cho triết học, chẳng hạn về "apatheia", còn giáo thuyết Kitô giáo thì không được bao nhiêu. Về giáo thuyết Kitô giáo, ngài thường vượt qua khía cạnh ý niệm và ngay cả tín điều để thấu hiểu Thiên Chúa torng chính Ngài, tuy nhiên đây vẫn là một tri thức lạnh lùng, chưa có gì nồng ấm. Dầu sao, Évagre đã có một ảnh hưởng hết sức sâu rộng, nhất là trên Jen Climaque, Maxime de Confesseur và ngay cả trên thế giới Latinh, thông qua Cassien.

 

ÉVAGRE NHÀ CHÚ GIẢI THEO LỐI ẨN DỤ.

 

Về đề tài sách Châm Ngôn 22, 20 : "Và con, vì lời khuyên nhủ và sự hiểu biết, con hãy ghi khắc chúng ba lần ở trong con, trên bề rộng của trái tim con".

 

Kẻ đã nới rộng trái tim mình bằng sự tinh luyện sẽ hiểu những lời của Thiên Chúa là lời thực hành. Vật lý học và thần học, vì tất cả học thuyết của Thánh Kinh chia ra làm ba phần : đạo đức học, vật lý học và thần học ; và sách Châm Ngôn liên quan tới phần thứ nhất, sách Giảng viên đến phần thứ hai, sách Diễm Ca đến phần thứ ba.

(Scholies aux Proverbes, 247, SC

no. 340, p. 343 Trad. Géhin).

 

Về những đoạn văn ẩn dụ và những đoạn theo nghĩa đen (passages allégoriques et passages littéraux) thì phải tìm cho biết chúng thuộc lãnh vực thực hành, phải xem chúng bàn về nộ tình (lirascible) và hệ quả của nó hay về vật dục (concupiscence) là những gì theo sau hay về trí tuệ và những vận hành của nó. Nếu chúng thuộc lãnh vực vật lý (physique) thì phải xem chúng có dạy ta biết một học thuyết nào đó trong sớ các học thuyết liên quan đến thiên nhiên không và đó là học thuyết nào. Và nếu đó là một đoạn ẩn dụ liên hệ đến thần học, thì trong chừng mực có thể, phải xem xét coi phải chăng nó thông tri về Mầu Nhiệm Ba Ngôi và coi xem Mầu Nhiệm này được nhìn cách đơn thuần hay được nhìn trong sự Duy Nhất. Nếu không phải là điều gì trong số đó, thì đó là sự chiêm niệm đơn thuần hoặc nó dạy ta biết về một lời tiên tri.

(Le gnostique, 18, SC no. 356, p. 117,

Trad. A. et Cl. Guillaumont).

 

Thực hành (pratique) hay đạo đức (éthique), vật lý học, thần học, chính ba từ ngữ này bao trùm ba ý nghĩa của Thánh Kinh, ba giai đoạn của đời sống thiêng liêng, ba cuốn sách của Salomon, như đã nói trong bản văn đầu. Cassien và nhiều Giáo Phụ Hylạp đã giải thích một trong các lối so sánh song song này.

 

MỘT MẪU TRI THỨC THEO KIỂU ÉVAGRE : CON ÐƯỜNG TÁI HỘI NHẬP.

 

4. Người thừa tự của Ðức Kitô là người biết các trí năng của tất cả mọi hữu thể đến sau phán xét đầu tiên.

 

5. Ðiều có thể tri thức thì được mạc khải cho người tri thức, một phần nơi người tri thức (connaissant) và một phần nơi người chưa tri thức (non - connaissant).

 

6. Về những gì có thể tri thức, thì một phần xảy ra trong nhưng người tinh tuyền và một phần trong những người không tinh tuyền. Ðiều xảy ra trong những người trước được gọi là tri thức thiêng liêng (science spirituel) ; và điều xảy đến với những người sau, ta gọi là chiêm niệm tự nhiên (contemplation naturelle).

 

7. Ðấng đã đặt "sự khôn ngoan rất đa dạng" trong các hữu thể, Ðấng ấy cũng dạy cho những ai muốn nghệ thuật trở nên một người thấu thị cách dễ dàng (voyant).

 

8. "Người đồng thừa tự với Ðức Kitô" là người đạt tới sự DUY NHẤT (lUnité) và hỷ hoan vì sự chiêm ngắm cùng với Ðức Kitô.

 

9. Nếu kẻ thừa tự (héritier) là một chuyện và của thừa kế là một chuyện khác (lhéritage), thì không phải Ngôi Lời (Verbe) là kẻ thừa kế, nhưng là Ðức Kitô thừa kế Ngôi Lời, Ngôi Lời là của thừa kế, bởi lẽ ai thừa kế như thế thì kết hợp với của thừa kế, và vì đối với Ngôi Lời Thiên Chúa, việc kết hợp này là tùy tự do của Ngài.

(Chapitres gnostiques, IVe Centurie, 4 - 9, PO 28/1

no. 134, p. 137 - 139. Trad. A. Guillaumont).

 

Trích đoạn này cho ta một ý tưởng về học thuyết và văn phong kỳ bí của Évagre, Ðức Kitô, Ðấng ở trong sự DUY NHẤT, giữ Ngôi Lời ở nơi Ngài (9). Chính nhờ Ngài mà sau sự phán xét đầu tiên đã diễn ra cuộc sáng tạo thứ hai (cf 40, là cuộc sáng tạo những thân xác kết hợp với các trí tuệ vì ơn cứu độ của chúng, với một sự khôn ngoan thích ứng (7), sự khôn ngoan này đạt tới những chiêm ngắm khác biệt (5,6) nhưng có tiến triển. Như thế, các trí tuệ trở nên "những người thừa tự của Ðức Kitô" (4) và, vào ngày thứ tám, trở nên "đồng thừa tự" (8), được tham dự vào tri thức yếu tính của Ngài (science essentielle).

 

KHI NGƯỜI ÐAN SĨ BUỒN CHÁN, HAY CON QUỈ CỦA SỤ CHÁN CHƯỜNG (ACÉDIE).

 

Con quỉ chán chường, cũng được gọi là "con quỉ buổi trưa", là con quỉ "nặng ký" nhất : nó tấn công người đan sĩ vào lối giờ thứ tư và vây hãm tâm hồn ông đến giờ thứ tám. Trước hết, nó làm như mặt trời có vẻ chậm chuyển động, hay bất động, và ngày dường như có đến 50 giờ. Tiếp đến, nó thúc ép ông liên tục dán mắt vào những ô cửa sổ, ép ông nhảy ra khỏi phòng mình, quan sát mặt trời xem có còn lâu không thì tới giờ thứ chín, và nhìn đây nhìn kia xem có ai trong anh em . Ngoài ra nó còn gợi lên nơi ông tâm trạng chán ghét nơi mình ở, ghét ngay cả tình cảnh sống của mình, ghét công việc tay chân, và hơn nữa nó còn gợi ra ý nghĩ rằng đức ái đã biến mất nơi anh em, chẳng còn ai an ủi mình. Và trong những ngày đó, nếu có ai làm buồn lòng người đan sĩ thì con quỉ dùng cả điều đó để tăng thêm sự thù ghét của ông. Bấy giờ nó dẫn ông đến chỗ ao ước những nơi khác nơi ông có thể dễ dàng tìm thấy điều ông ta cần và làm một nghề ít khó nhọc hơn, mang lại nhiều lợi nhuận hơn ; nó thêm rằng việc đẹp lòng Chúa đâu có phải là chuyện nơi chốn : thực vậy, có lời rằng có thể tôn thờ Thiên Chúa ở khắp nơi. Thêm vào đó, nó gợi lại kỷ niệm về những người thân, về cuộc sống ngày xưa của ông, nó bày ra trước mắt những nhọc nhằn của sự khổ chế để cho ông thấy thời gian cuộc đời mới dài làm sao : và như người ta nói, nó dùng mọi mưu kế để làm cho người đan sĩ rời bỏ căn phòng mình và chạy trốn đấu trường.

(Traité pratique, 12, SC no, 171, pp. 521 - 527,

Trad. A et Cl. Guillaumont).

 

Chúng ta hẳn sẽ nhận ra nét tinh tế về tâm lý của bài này. Rõ ràng Cassien đã bắt chước và vượt qua Évagre trong những trang thật hay bàn về cùng một chứng "chán chường" (acédie). Sau đây là một vài điểm so sánh :

 

1. Thứ sáu, chúng ta phải chiến đấu chống lại điều mà người Hylạp gọi là acedia, và chúng ta có thể gọi là sự chán ngán (dégout) hay là sự khắc khoải của tâm hồn (anxiété). Gần giống như nỗi buồn (tristesse), địch thù thử thách trước hết là những người cô độc, còn những người sống trong sa mạc thì nó tấn công thường xuyên và dữ dội hơn. Nó khuấy động họ đặc biệt vào giờ thứ sáu, khích động tâm hồn bệnh hoạn của họ bằng những khát khao mãnh liệt mà nó nhóm lên, giống như một cơn sốt trở đi trở lại theo dịnh kỳ. Một số người xưa đã tuyên bố đó là "con quỉ buổi trưa" mà Thánh Vịnh 90 nói tới.

 

2. Ðam mê này, một khi làm chủ tâm hồn người đan sĩ, sẽ sinh ra trong lòng người đó nỗi ghê sợ đối với nơi mình ở, chán ngấy căn phòng của mình, khinh miệt anh em sống gần hoặc xa mình, và coi họ như là những kẻ chểnh mảng, tâm linh thấp kém.

 

Vào khoảng giờ thứ năm hoặc thứ sáu (.) người đan sĩ nhìn tứ phía mà lòng lo âu sao xuyến, than vãn không có ai tới thăm mình, rồi cứ hết đi ra lại đi vào căn phòng, mắt lúc nào cũng trông chừng mặt trời, như thể nó xuống quá chậm (.) thế là người chiến sĩ của Ðức Kitô trở thành kẻ phản bội, kẻ đào ngũ khỏi đạo quân của Ngài.

Cassien, Institution cénobitiques, X 1 - 3, SC

No. 109, p. 385 - 389, Trad. J. Cl. Guy

 

MỘT TRI THỨC THÍCH ỨNG .

 

25. Những kẻ tranh luận mà không có tri thức, thì cần phải làm cho họ đến gần chân lý, khởi sự không phải từ kết thúc nhưng từ bước đầu ; và đối với những người tuổi trẻ, thì đừng nói gì về những vấn đề tri thức, cũng đừng cho họ đụng đến những quyển sách loại đó, vì họ không thể cưỡng lại những vấp ngã mà sự chiêm ngắm này kéo theo. Vì thế, đối với những người bị các đam mê xông đánh, thì điều cần nói không phải là những lời của hòa bình, nhưng là làm sao để họ chiến thắng được các đối thủ của mình ; thực thế, như Giảng Viên nói : "Không có phái bộ [hòa bình] trong ngày binh đao". Vậy, những kẻ bị các dục vọng xông đánh và là những kẻ đang tìm hiểu lẽ hiện hữu của các thực tại hữu hình và vô hình, những kẻ đó giống như những con bệnh tranh luận về sức khoẻ. Chỉ khi tâm hồn vững vàng, khó bị các đam mê lay chuyển thì mới là lúc thích hợp để thưởng nếm những tàng mật ong dịu ngọt đó (.)

 

35. Khi các đan sĩ đến chỗ con, hãy mời họ nói về đạo đức, chứ đừng nói về các học thuyết, trừ khi có người nào có thể chuyên chú vào các vấn đề đó.

 

36. Ðối với người thế tục và những người trẻ tuổi, không nên cho họ biết lý do sâu xa nhất liên quan đến sự phán xét, vì nó dễ dàng sinh ra sự khinh thường. Thực vậy, họ không biết được nỗi đau khổ của một linh hồn có lý trí mà lại phải chịu sự ngu dốt, vô tri.

(Le gnostique 25 ; 35 ; 36 ; SC no. 356, pp. 128

và 155 Trad. A et Cl. Guillaumont).

 

IV. ÉPHREM, CHỨNG NHÂN VỀ MỘT THẾ GIỚI KHÁC.

 

Edsse ở cách Antioche thuộc Hylạp chưa tới 300 Km và cách Nisibe gần 500 Km. Từ thành phố này gợi lên một thế giới khác, Giáo Hội SYRIE, từ thế kỷ IIe, Bardesane dEdesse là một đại diện phong phú ở miền này, ông bị nghi ngờ là lạc đạo, trong số tác phẩm của ông, hiện còn sót lại một tác phẩm nguyên vẹn bằng tiếng Syrie, đó là cuốn "Livre des Lois du Pays". Aphraate để lại "23 minh chứng" với nội dung tín lý hoặc luân lý, được soạn ra vào khoảng những năm 336 và 345, và không hề biết đến thuyết Arius. Những người nổi tiếng nhất là Ephrem được đặt biệt danh một cách chính xác là "người Syrie".

 

Ephrem sinh khonảg năm 306 gần Nisibe, ở miền biên giới mạn Syrie, tỉnh Mésopotamie thuộc Roma. Ngài sống trong một nhóm khổ tu, chịu nhiều ảnh hưởng của Giám Mục Jacques mà ngài coi như một vị thánh, ngài trở thành Phó Tế. Ðể giúp Giáo Hội thuộc ngôn ngữ Syrie này, ngài làm việc trí thức và cống hiến những bài giảng thuyết, thường theo thể văn vần, và những bài thánh thi mà chính ngài đã áp dụng với trẻ em hoặc với các nữ đan sĩ trong các buổi phụng vụ. Ngài nâng đỡ dân chúng bằng các việc từ thiện khi xảy ra những cuộc xâm lăng của người Batư và trong trận động đất năm 358. Năm 363, sau thất bại của Julien, Jovien nhường Nisibe cho người Sassaniens, Éphrem lánh sang Edesse, lúc đó vẫn còn thuộc Roma. Với các tác phẩm và những bài giáo huấn, chủ yếu nhằm chống những kẻ lạc giáo, ngài đã biến Edesse thành một trung tâm văn hóa lớn. Cũng trong thời gian này, như ngài thường nhắc lại, ngài tấn tới trong đời sống thân mật với Thiên Chúa trong niềm kính sợ. Ngài mất năm 375, lừng danh đến nỗi Épiphane de salamine đã gọi ngài là "Bậc hiền nhân của người Syrie".

 

Công trình của Éphrem rất đồ sộ, nhưng trong số các tác phẩm được lưu truyền lại, tác phẩm bằng tiếng Syrie chỉ còn lại rất ít. Một phần nhỏ được viết bằng văn xuôi : cuốn "chú giải Phúc âm hợp dẫn" (Commentaire de lÉvanggile concordant) là tác phẩm nghiên cứu Phúc Âm hợp dẫn - bốn Phúc Âm hợp lại thành một - do Talien biên soạn, có lẽ bầng tiếng Syrie, vào khoảng những năm 175 - 180. Cuốn "Những phản bác" (Réfutations) bằng văn xuôi, tố giác triết học của người Hylạp như là nguồn sinh ra các lạc giáo, và một số bài giảng đích xác là do ngài soạn. Số lớn tác phẩm được viết bằng văn vần, mang hai nội dung : giáo lý hoặc phụng vụ, nhưng hai nội dung này thường pha trộn với nhau. Có 16 bài giảng lễ 9Homélies) soạn theo vần điệu, những bài thánh thi mang tính giáo huấn : 15 bài về thiên đàng, 56 bài chống các lạc giáo, 51 bài về đức trinh khiết, 87 bài về đức tin trong đó có nói đến những người Ariô, 4 bài chống Julien, một bài hát dài về Giáo Hội, và cuốn sưu tập lớn những "bài thơ miền Nisibe" nhắc lại những kỷ niệm của ngài về Nisibe, Edesse, Harran. Những bài thánh thi khác dành cho các dịp lễ : 25 bài lễ Giáng Sinh, 13 bài về lễ Hiển Linh, những bài thánh thi về lễ Phục Sinh có những tựa đề khác nhau. Tầm vóc của công trình và sự nổi tiếng của ngài khiến tác phẩm của ngài lập tức được dịch rất nhiều ; dịch sang tiếng Hylạp (từ thế kỷ IV) và từ đó, qua tiếng Latinh và các ngôn ngữ khác, sang cả tiếng Arménie (thế kỷ V - VI), Slave, Copte, Arabe, Syro-Palestine. Uy tín của ngài lớn đến nỗi người ta liệt vào di sản của ngài cả những bản văn gợi hứng từ ngài hoặc hoàn toàn xa lạ với ngài. Phần tác phẩm được gọi là "Éphrem Hylạp (Ephrem Grec) chẳng hạn, đây là phần phong phú nhất, nhưng cần phải được nghiên cứu thật tinh tường mới có thể tìm ra được những yếu tố họa hiếm đích thực là của Éphrem hoặc chịu ảnh hưởng của Éphrem. Hơn nữa tác phẩm này chủ yếu trình bày người đan sĩ, bậc thầy về khổ chế, một khía cạnh thứ yếu đối với Éphrem lịch sử.

 

Éphrem là vinh quang của Giáo Hội Syrie, nhưng chính Rome đã tôn phong ngài làm vị tiến sĩ của giáo Hội toàn cầu. Ngài quả thực là một nhà chú giải, một nhà thần học và một thi sĩ. Nhà chú giải của "Commentaire de lÉvanggile concordant" (chú giải Phúc Âm hợp dẫn) căn bản là người theo khuynh hướng Antioche vì ngài nhấn mạnh nhiều hơn đến từ ngữ (lettre) và sử tính (historicité), nhưng nhất là vì ngài khẳng định tính duy nhất và sự đồng quy hoàn toàn giữa Cựu Ước và Tân Ước. Các cơ chế, các nhân vật, biến cố, tất cả đều là thực tại nhưng cũng là lời loan báo và là hình bóng của Ađam mới và Eva báo trước Ðức Maria. Tất cả Cựu Ước quy hướng về Tân Ước, trong kế đồ chặc chẽ về Thiên Chúa. Tuy nhiên, Éphrem không mắc phải chứng "sơ Origène" như những người láng giềng của ngài (Origénophobie). Nhờ có thi ca, tất cả đối với ngài đều là hình ảnh. Ngài viết : "Tôi đã rơi vào trong một đại dương biểu tượng", còn Ðức Kitô là Ðấng "đến để thực hiện niềm chờ mong của mọi biểu tượng".

 

"Nhà thần học" chủ yếu dựa vào Thánh Kinh, nhưng là Thánh Kinh đã nhập thể trong một truyền thống dài lâu trải từ Ađam đến đức Kitô, và do sự sắp đặt của Ðức Kitô, truyền thống đó chuyển từ dân tộc Dothái sang các Tông Ðồ, để rồi được sống trong Giáo Hội và phụng vụ Phép Rửa của Giáo Hội. Tuy ngài cũng đọc ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên và đôi khi vươn tới những nhãn quan rộng lớn, bao quát thực tại, thế nhưng ngài vẫn "tố giác nọc độc, một thứ nọc độc tận căn đế của khôn ngoan Hylạp", kết án sự suy lý của trí tuệ, đặc biệt nơi những người ngộ đạo (gnostiques), nơi phái Arius, những kẻ thích tra vấn", "thích dò xét", cho rằng mình thấu hiểu và biến Chúa Con thành một thụ tạo. Tuy chính ngài cũng dành một chỗ quan trọng cho mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thế nhưng tất cả các vấn đề mà tư tưởng Hylạp đặt ra chung quanh bản tính (nature) và các Ngôi Vị (hypostases) không làm cho ngài thắc mắc bận tâm. Ngài nhìn thấy nơi Thiên Chúa mặt trời và sức nóng, Thánh Thần là "hoi thở và lửa" : chúng ta cũng gặp thấy Ngài nơi Thân Mình Ðức Kitô và trong Bí Tích Thánh Thể. Cả thiên thần và con người đều không thực sự hiểu biết Thiên Chúa, vì giữa Ðấng sáng tạo và mọi thụ tạo là cả một hố thẳm huyền nhiệm ngăn cách. Thiên Chúa "đã mở cho chúng ta cánh cửa vùng cao thẳm", bằng cách tự thích ứng với chúng ta, trong tình yêu của Ngài, qua Mạc Khải và sự Nhập Thể của Ngài, nhưng không thay đổi chút gì trong bản tính Ngài. Ngài vẫn là Ðấng bất khả đạt thấu, là vị "Chúa của các biểu tượng mà chúng ta chiêm ngắm trong niềm tin để được cứu độ". Khi tôn thờ Thiên Chúa, phương cách mà con người phải dùng đó là "phương cách của thinh lặng và suy tư" : "Tình yêu thúc đẩy tôi đến gần bên Thiên Chúa, nhưng lý trí trách cứ tôi về sự táo bạo đó ; và này tôi đứng ở giữa, vô phương tiến thoái, đứng giữa niềm kính sợ và lòng mến yêu".

 

Éphrem có quan niệm bi quan về thế giới không ? Là người chống ngộ đạo triệt để, ngài tin vào sự tốt lành tự bản chất của công trình tạo dựng và của con người, con người được đặt vào giữa vườn Ðịa Ðàng, là hình ảnh của Thiên Chúa bởi tự do hơn là bởi lý trí của mình, Bardesane dEdesse cũng khẳng định điều này mặc dầu ông theo thuyết định mệnh (fatalisme). Ngài viết : "Ađam đã có thể chiến thắng nếu ông muốn". "Ý chí tự do của chúng ta có thể làm mọi sự". Ngài tin vào sự duy nhất của linh hồn và nơi thân xác con người : "Lỗi là lỗi chung vì tự do là tự do chung". Ngài đề cao các việc làm, và dường như chính việc làm có thể đưa ta đạt tới Thiên Ðàng : con người là chủ của sự thiện và sự dữ". Tuy nhiên, trong thực tế, quyền năng này của con người nằm trong khuôn khổ của Ơn Cứu Ðộ. Éphrem cảm nhận và mô tả một cách hiện thực khía cạnh bi thảm của một thế giới sa ngã đối diện với Thiên Ðàng, miền đất nhân sinh là miền đất của thú vật và của tính dục, nơi satan vung tay tàn phá. Nhờ Ðức Kitô, Thiên đàng lại trở thành chốn cứu độ, con đường vương đế đích thực" dẫn từ cây tri thức [cây biết lành biết dữ] đến cậy Thập Giá, từ Thập Giá đến Giáo Hội, từ Giáo Hội đến Vương Quốc cánh chung, là Thiên Ðàng giành lại được. Trong khi các tiên tri và Gioan Tẩy Giả - những vị Tiền Hô của Ðức Kitô - chỉ cho thấy con đường mà Ađam-mới khai mở, Ðấng đã chiến thắng ác thần bằng cách mang lấy "giáp trụ của kẻ chiến bại", thì những kẻ lạc giáo, những tên ăn cắp, lại làm cho những cột mốc chỉ đường lệch lạc đi. Tuy nhiên, lối vào Thiên Ðàng vẫn tùy thuộc phán quyết của Ðức Kitô, Ðấng vừa công minh vừa giàu lòng thương xót :

 

                                Cửa mở ra

                                Và Thiên Ðàng đón nhận vào lòng mình      

                                Cảnh cửa tra xét

                                Yêu thương con người.

 

Nơi những bản văn này, chúng ta nhận ra "nhân chứng về một Giáo Hội đang còn rất gần với cội nguồn sêmít của mình, đang còn rất tinh khiết, chưa pha lẫn ảnh hưởng của Tây phương hay của Ðịa Trung Hải", nói theo kiểu của Fr. Graffin.

 

Chúng ta còn nhận ra ở đó một thi sĩ Éphrem là con người của hình ảnh, và chính cái bản năng giàu tưởng tượng cho ta hiểu về ngài có lẽ không kém gì môi trường sống của Ngài. Một đà vươn bẩm sinh luôn đưa ngài vượt qua bên kia các thực tại tự nhiên, bên kia các sự kiện Kinh Thánh.tất cả những gì ngài chạm tới đều trãi rộng thành lãnh vực của thi ca, nơi mà sự khôn tả của mầu nhiệm Thiên Chúa có được khoảng không rộng lớn hơn là trong những khai triễn dựa trên lý lẽ và khái niệm. Khi ngài mô tả cuộc đối đầu của Chúa với Satan và Tử Thần thì các chân lý tự nhiên mang một tầm vóc hùng tráng, vĩ đại. Người ta có thể tự hỏi, phải chăng chính khuynh hướng thi ca của Éphrem đã khiến ngài có được phương pháp về chú giải và về thần học hết sức hài hòa như thế. Tiếng kêu tạ ơn của ngài càng ngân rõ điều đó : "Chúc tụng Ðấng đã biến tôi nên cây đàn lục huyền của Người". Dù thế nào đi nữa, ngài cũng đã phát huy tài năng của mình dựa vào những ngón tài tình nhất của khoa âm luật. Ngài gieo vần thơ dễ dàng với dấu nhấn trở đi trở lại đều đặn, khi thì sắp các câu thơ đều vần thành một chuỗi nối tiếp nhau, lúc lại gom thành những khổ thơ, xen giữa là một điệp khúc ngắn để thính giả lập lại. Các bài thánh thi về "Thiên Ðàng" gồm 3204 câu, chia thành 267 khổ, mỗi khổ thơ gồm 12 câu thơ, 5 vần trừ câu thứ tám chỉ có 2 vần ! Các kỹ thuật này thường là một phương thế sư phạm : qua sự tham gia của quần chúng vào việc đọc và hát, tác giả truyền đạt các chân lý thần học, như truyền thống giáo Hội Syrie vẫn làm, và cả Arius cũng áp dụng. Chúng cũng được vận dụng trong rất nhiều bài hát tôn giáo (chants religieux) và đôi khi trong các bài hát phụng vụ chính danh (chants liturgiques), chẳng hạn trong các thánh thi về lễ Giáng Sinh, Hiển Linh hay Phục Sinh, là những thánh thi chiếm một vị trí quan trọng trong truyền thống Syrie. Ðôi lúc chúng giúp nhà văn đại thần bí đưa lời kinh riêng tư của mình vào trong "những cử hành phụng vụ thâm sâu". Ảnh hưởng của Éphrem trong lãnh vực thánh thi rộng lớn đến nỗi nhiều bài thánh thi đã đội tên ngài, và ngài quả là người đã khởi hứng cho lối soạn thánh thi Byzantine.

 

Ðối với Giáo Hội Syrie, Éphrem là "nhà tiên tri", "vị tiến sĩ của vũ hoàn", "hạc cầm của Chúa Thánh Linh". Ðối với chúng ta, thơ của ngài có vẻ phức tạp và hơi kiểu cách, ngài xử dụng các hình ảnh theo một lối thẩm định không được vững vàng lắm. Thế nhưng chúng ta cần nhớ lại rằng thơ của ngài nhằm mục đích giáo huấn và dùng trong các ngày lễ. Thần học và lối chú giải của ngài lần lượt bị phê phán là sơ đẳng là tưởng tượng quá nhiều, hoặc bị coi là đáng ngờ. Nhưng chúng ta biết rằng tư tưởng của ngài được hình thành bên ngoài các lạc giáo và các phạm trù tư tưởng của Tây phương. Quả thực, dưới mỗi tựa đề, chúng ta gặp thấy những trang tuyệt đẹp, phong phú, cảm động hoặc kỳ vĩ, thường giàu chất sống nội tâm và tất cả công trình của ngài là lời ca ngợi sự uy hùng vĩ đại của Thiên Chúa.

 

ÐỨC THÁNH CHA BENOIT XV TUYÊN BỐ THÁNH ÉPHREM LÀ

TIẾN SĨ CỦA GIÁO HỘI HOÀN VŨ

 

Qua thông điệp "Principi apostolorum" ngày 05.9.1920, bằng một cử chỉ đại kết đối với Ðông Phương, Ðức Benoit XV tuyên bố thánh Éphrem là Tiến Sĩ Giáo Hội. Bài giới thiệu Vị thánh của ngài gợi hứng nhiều từ "Éphrem-Hylạp" (Éphrem-Grec), nhà "Ðại ẩn sĩ". Các bản văn đích xác là của Éphrem còn ít được biết đến :

 

Chúng tôi nhớ rằng các Giáo Phụ Ðông phương (.) đã luôn nhìn thánh Éphrem như một sứ giả của Thiên Chúa, một vị thầy của chân lý và là một tiến sĩ của Giáo Hội Công Giáo ; Chúng tôi còn biết rằng ngay từ đầu ngài đã có uy tín lớn lao không chỉ nơi người Syrie, mà còn nơi các dân tộc lân cận, người Chaldée, Arménia, Maronite và Hylạp, tất cả đã dịch sang ngôn ngữ của mình những văn phẩm của vị Phó Tế miền Edesse và đã tạo cho mình thói quen đáng quí là cần mẫn đọc các tác phẩm đó, hoặc trong các cộng đoàn phụng vụ, hoặc đọc riêng nơi nhà mình, đến nỗi ngay cả vào thời chúng ta, người ta vẫn còn tìm thấy những bài thơ của ngài nơi người Slaves, người Coptes, người Éthiopie và ngay cả nơi những người Jacobite và Nestoriô. Chúng tôi cũng nhớ rằng vị Thánh này đã được Giáo hội Rome rất tôn kính cho đến ngày nay. Không những ngay từ những thế kỷ đầu trong sổ bộ các thánh ngày 1 tháng 2 Giáo Hội Rome tưởng nhớ thánh Éphrem và đặc biệt ca tụng sự thánh thiện và học thuyết của ngài, mà ngay tại Rome, vào cuối thế kỷ XVI, một nhà thờ được xây trên núi Viminal để kính đức Nữ Rất Thánh Ðồng Trinh và Thánh Éphrem. Mặc khác, một sự kiện mà ai cũng biết và không thể chối cãi, là các vị tiền nhiệm của chúng tôi, Ðức Grégoire XIII và Ðức Benoit XIV, những vị mà người Công Giáo Ðông phương có nhiều lý do để biết ơn, đã trao trách nhiệm, lúc đầu cho Vossiue rồi sau là Assemani, thu thập cách hết sức cẩn thận những tác phẩm của thánh Éphrem, phát hành và quảng bá chúng như ánh sáng cho đức tin Công Giáo và như của ăn cho lòng đạo đức của tín hữu. Nếu chúng tôi nhớ lại một quá khứ gần hơn, thì vị tiền nhiệm của chúng tôi, Ðức Piô X rất khả kính, đã phê chuẩn năm 1909 và chấp thuận cho các đan sĩ Benedictô thuộc tu viện Thánh Benoit và Éphrem ở Jérusalem một thánh lễ và một bộ kinh riêng về Thánh Phó Tế Éphrem miền Edesse, mà phần lớn mượn từ phụng vụ Syrieque.

 

Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, vì muốn thêm đóa hoa cuối cùng dường như còn thiếu nơi vinh quang của vị đại ẩn sĩ và muốn cho dân chúng Ðông phương Kitô giáo một bằng chứng về đức ái Tông Ðồ mà với đức ái đó chúng tôi chăm lo cho lợi ích và vinh dự của họ (.), sau khi đã kêu cầu Chúa Thánh Thần, bằng thẩm quyền Tông đồ của chúng tôi, chúng tôi phong ban và xác nhận cho Thánh Éphrem người Syrie, Phó Tế miền Edesse, tước hiệu và các vinh dự của vị Tiến Sĩ Giáo Hội hoàn vũ. Chúng tôi quyết định rằng, ngày lễ của ngài, được ấn định vào ngày 18.6, phải được mừng ở khắp nơi với cùng một nghi thức như lễ của những vị Tiến Sĩ Giáo Hội hoàn vũ khác.

(Actes de Benoit XV, t. III, Paris,

Bayard 1926, p. 26 - 28).

 

CÁC HÌNH ẢNH TIỀN TRƯNG CỦA THẬP GIÁ VÀ "CHÍNH CHÂN LÝ".

 

38. lý do đầu tiên để ca tụng Ðấng Tạo Hóa là vì Ngài đã dựng nên mọi sự, và lý do thứ hai là vì Ngài đã mạc khải chính mình qua các công trình của Ngài. Như Ngài đã biết các công trình của mình, Ngài muốn rằng chúng cũng biết chính Ngài. Ngài đã mạc khải Danh Tính Thần Linh của Ngài cho Môsê, để người Aicập nhận biết vị Thiên Chúa của tất cả mọi sự. Ngôi Lời đã xuất từ Ngài và đã đến trong xác phàm, ngõ hầu mọi tạo vật nhận biết người Cha của muôn loài. Vậy qua Danh Tính Thần Linh, chính Thần Tính của Chúa Con được loan báo, và qua Danh Tính Chúa Con, chính Phục Tính của Thiên Chúa được biểu lộ. Người Aicập đã không nghe Môsê và cây gậy của ông đã trừng phạt họ ; nhưng Thập Giá đã cứu những ai tin vào Chúa Con. Qua cây gậy của Môsê, hình bóng của Thập Giá, các dân nước đã làm quen trước với thập giá ; những người Aicập thì qua dấu chỉ của mười tai ương, còn người Amalec thì qua cuộc chiến đấu. Vì sự tiên tri của họ, ban đầu họ chỉ được dẫn dắt bởi hình bóng của thập giá, nhưng chính thập giá xuất hiện trên họ, lúc đó họ đã được soi sáng, được học biết nhờ lãnh nhận giáo huấn. Thiên Chúa đã đem lại vinh dự và lôi kéo Israel bằng mầu nhiệm Thánh Giá. Thế nhưng, khi Ðấng đã từng làm cho họ được vinh dự bằng các dấu chỉ của Ngài, thì họ lại biến Ngài trở thành dấu chỉ của mọi ô nhục, họ đã chống đối giơ chân đá lại. Ðược dạy dỗ, bao bọc, chiều chuộng bằng những hoan lạc và vui thú ngay từ thuở ấu thơ, thế mà Israel, mặc cho những hình ảnh của thập giá, Israel "đã béo mẫy, mập ra và giơ chân đá lại" (Dnl 32, 15), đến nỗi cuối cùng, một cuộc lưu đày đã giam cầm nó nơi cac dân tộc : "Kẻ được nuông chiều trong tuổi ấu thơ sẽ rơi vào vòng nô dịch" (Cn 29, 21).

 

30. Hình dáng đích thực mà các hình ảnh tiên trưng biểu thị đã đến với họ, và những đường nét đích thực của nó họ đã không nhận ra, mặc dầu trong một thời gian dài ; họ đã được chuẩn bị bằng rất nhiều hình bóng : họ đã không nhận ra thân hình mà bóng đó đã từng che phủ họ nơi sa mạc. Cây gỗ, hình ảnh của thập giá, đã làm cho nước thành dịu ngọt (cf Xh 15, 22 - 25), rồi con rắn, cũng là dấu chỉ, đã giải cứu họ khỏi các vết thương rắn lửa cắn (Ds 21, 6 - 9)) trong khi đó ngày Sabbat và phép cắt bì đã bị kết án vì cả hai điều đó không thể cứu họ. Thế mà họ đã quay lưng khỏi mặt Ngài, một khuôn mặt đã được vẽ ra không ngừng trước mặt họ. Khuôn mặt Ngài dường như xa lạ đối với họ, bởi những tia phản chiếu không phai nhòa của vẻ đẹp chân thực mà Ngài chiếu tỏa. Ðiều tất cả các tiên tri cho thấy chỉ là một mường tượng mờ nhạt về vẻ đẹp của Ngài : dáng vẻ của cây gậy Môsê làm sao sánh được với dáng vẻ của Thập Giá, và vẻ đẹp của cây gỗ làm cho nước nên dịu ngọt làm sao sanh nỗi với cây gỗ làm cho các dân nước nên hòa dịu. Ở mọi nơi hình ảnh của Chúa Con đi qua, các thụ tạo đều xôn xao, chấn động, biển cả đứng trước cây gậy, các vết rắn cắn trước con rắn đồng, vị mặn đắng của nước trước cây gỗ.

(Commentaire de lÉvanggile concordant ou

diatessaron XX, 38 - 39 ; SC no. 121, p. 370 - 372).

 

THIÊN CHÚA, LỬA VÀ THÁNH THẦN, ÐẤNG LÀM NHỮNG KẺ KHÔN NGOAN KHIẾP SỢ".

 

6. Như người phụ nữ trong cơn sợ hãi đã tìm được lòng can đảm và được chữa lành, xin thuyên chữa con khỏi sự trốn chạy đầy sợ hãi và cho con tìm lại được can đảm ở nơi Ngài.

 

Xin cho con biết để tấm áo Ngài dẫn dắt con đi đến tận Thân Mình Mgài.

 

Ngõ hầu con có thể nói về Ngài hết sức của con (1).

 

7. Lạy Chúa, Tấm áo Ngài là suối nguồn phương dược, và trong chiếc áo hữu hình có sức mạnh ẩn giấu của Ngài.

 

Một chút nước miếng từ miệng Ngài, và, một lần nữa, ôi kỳ diệu lớn lao, ánh sáng giữa bùn !

 

8. Trong bánh của Ngài ẩn giấu Thánh Thần không thể ăn.

Trong rượu của Ngài có lửa không thể uống.

Thánh Thần trong bánh

Và lửa trong Rượu của Ngài,

Ôi huyền diệu cao cả điều môi chúng con nhận lãnh !

 

9. Khi Ðức Chúa hạ cố xuống địa cầu giữa những người phải chết,

Ngài đã tác tạo họ nên những tạo vật mới, như các thiên thần,

Vì Ngài hòa Lửa và Thần Khí vào trong họ

Ðể, một cách vô hình, con người họ được làm bằng Lửa và bằng Thần Khí.

 

10. Abraham đã dọn cho các thiên thần thiêng liêng,

Những món ăn vật chất

Và các Ngài đã ăn,

Kỳ công mới chính là :

Chúa uy dũng của chúng ta

Ðã cho những con người phải chết

Ăn, uống LỬA và CHÚA THÁNH THẦN. (.)

 

13. Lửa đã xuống trên hiến lễ của Élie và thiêu hủy chúng.

Với chúng con

Lửa từ bi đã trở nên của lễ dâng sự sống,

Lửa đã thiêu hủy lễ dâng.

Lửa của Ngài, trong của lễ Ngài dâng,

Chúng con đã ăn, lạy Chúa (.)

 

14. Ðây là LỬA và THÁNH THẦN trong lòng Mẫu Thân Ngài !

đây là LỬA và THÁNH THẦN trong dòng sông thanh tẩy !

trong bánh và trong chén, LỬA với THÁNH THẦN ! (.)

 

19. Giây giầy Ngài khiến người khôn ngoan sợ hãi

Gấu áo Ngài gây khiếp hãi kẻ am tường.

Chăm chú nhìn Ngài, thế hệ điên rồ của chúng con

Chất ngất trí khôn,

Say sưa rượu mới.

 

20. Kỳ diệu biết bao, dấu Ngài trên bao dòng nước !

Ngài đã khuất phục biển rộng dưới chân mình

nhưng khi cúi mình để chịu thanh tẩy

Ngài lại lụy phục một dòng sông nhỏ bé.

(Hymne de la foi, 10, 6 - 20, trad. Fr. Graffin,

Parole de lOrient IV, 1973, p. 117 - 118)

 

(1) Éphrem ám chỉ người phụ nữ băng huyết và ngài đã chú giải việc thuyên chữa khá dài.

 

4. Nhiều người đã chạm tới Ngài, thế mà Ngài nhận thấy cần phải tìm ra trong số bao nhiêu người, người đàn bà duy nhất đã thực sự chạm tới Ngài . Lúc đó rất nhiều người chạm tới Ngài, nhưng như chạm tới một con người . Ngài đã tìm người phụ nữ đã chạm tới Ngài như một vị Thiên Chúa để vạch rõ và khiển trách những kẻ chỉ đụng tới Ngài như một con người. Ngài đã tách khỏi mọi người, người phụ nữ duy nhất đã chạm tới Ngài cùng với mọi người, để dạy cho mọi người, bằng chỉ một lời, rằng Ngài biết rõ mỗi người đã chạm tới Ngài như thế nào và tại sao.

 

5. Kẻ đến gần Ngài cách thể lý thì cảm nhận sự tiếp xúc thể lý, và kẻ đến gần Ngài cách thiêng liêng thì, xuyên qua nhân tính hữu hình [có thể sờ chạm], người đó chạm tới Thần Tính vô hình (impalpable, không thể sờ chạm). Kẻ đến gần Ngài như đến gần một con người thì tiếp xúc với nhân tính của Ngài, và kẻ đến gần Ngài như đến gần Thiên Chúa, thì tìm thấy những kho tàng thuyên chữa các đớn đau của mình.

(Commentaire de lEvanggile concordant ou Diatessaron VII, 4 - 5,

no, 121, pp. 140 - 141, Trad. L. Leloir).

 

NGUỒN THI HỨNG NGAY CẢ TRONG CHÚ GIẢI.

 

3. "Con Người cũng ở trong lòng đất như vậy" (Mt 12, 40). Chúa đã cho thấy trước là người ta không thể giết Ngài, vì đã từ cả ngàn năm, biểu tượng loan báo cái chết của Ngài đã được đưa ra nơi Jonas. Miệng trái đất phải chăng là nơi Abel đã bị giết ? Vì có lời rằng đất "đã mở miệng và hớp lấy máu em ngươi" (St 4, 11). Và lòng đất phải chăng là nơi Chúa chúng ta đã nhận lấy phần mộ ? "Con người sẽ ở trong lòng đất như Jonas đã ở trong bụng cá voi". Jonas đã chẳng hề tan rữa trong bụng cá, thì trong âm phủ Chúa chúng ta cũng thế : "Ngài đã không bỏ mặc hồn tôi trong âm phủ và đã không để Ðấng Thánh của Ngài thấy điều hư nát" (Tv 16, 10). Và Jonas đã lên khỏi biển và rao giảng cho dân Ninivê, họ đã sám hối và được cứu thoát. Chúa chúng ta cũng vậy, sau khi đã Phục Sinh thân xác mình nơi âm phủ, Ngài đã sai các Tông đồ đến giữa các dân nước, họ đã hoàn toàn hoán cải và đã nhận lãnh sự sống sung mãn. Cả hai cái chết của Jonas và Ðức Kitô đều trãi qua ba ngày để xuống và lên.

 

4. "Và Nữ Hoàng Phương Nam sẽ lên án nó" (Mt 12, 42) vì Bà là tiên trưng của Giáo Hội. Bà đã đến với Salomon, như giáo Hội đã đến với Chúa chúng ta, Bà đã lên án thế hệ này như Giáo Hội cũng đã làm. Nếu người nữ đó đã ao ước được nhìn thấy sự khôn ngoan chóng qua, được nhìn thấy vị vua mong manh yếu đuối xét xử dân Dothái, thì Giáo Hội còn ước ao gấp mấy được nhìn thấy vị vua không hề qua đi và khôn ngoan không hề rơi vào quên lãng.

 

                                "Nếu chúng ta chịu đau khổ với ngài,

                                chúng ta sẽ được vinh hiển với Ngài" (Rm 8,7)

(Commentaire de lÉvanggile concordant ou Diatessaron XI, 3 - 4,

SC no. 121, p. 196 - 197 ; Trad. L. Leloir)

 

LỜI KINH CỦA ÉPHREM : TỪ LỜI NÓI ÐẾN THINH LẶNG.

 

Xin đưa con về với giáo huấn của Chúa

Vì con đã tìm ngoảnh mặt đi

Và đã thấy mình nghèo nàn xơ xác

Bởi chưng tâm hồn chỉ giàu có trong tương giao với Ngài

Vinh dự thay được gẫm suy về Ngài.

 

Mỗi khi con gẫm suy về Chúa

Con luôn nhận được từ nơi ngài kho báu

Và nơi nao con chiêm ngắm Ngài

Thì tự nơi Ngài, một nguồn suối trào tuôn

Và con đã thoả tình kín múc

Vinh quang thay nguồn suối của Ngài.

 

Nguồn suối của Ngài, ôi lạy Chúa, là nguồn suối ẩn giấu

Ðối với kẻ không khát mong Ngài

Và kho báu cũng thành trống không

Ðối với kẻ căm ghét Ngài :

Ðức ái là người nắm giữ

Kho tàng của Ngài ở trên cao.

 

Những lúc con sống xa Chúa

Vẻ đẹp của Ngài gợi trong con niềm khát khao

Còn khi được kề cận Ðức Chúa của con

Thì vinh quang Ngài khiến con đầy kinh sợ

Dù có lui xa hay dù con đến gần

Dù có thế nào, con cũng chỉ là kẻ cúi đầu khuất phục.

 

Con đã gẫm suy và con đã nói về Chúa

Không phải vì con đã hiểu được Ngài ;

Rồi con đã ngã quỵ và một lần nữa con lại lặng thinh

Không phải vì con đã mất Ngài

Mà là chính con đã chìm mất trong Chúa, và con đã lặng yên

Nguyện chuc vinh quang Ngài, Lạy Hữu Thể ẩn thân !

(Hymne de la foi, 32, 1 - 6 ; Trad. Dom. B. Outtier,

Parole de lOrient IV, 1973, pp. 32 - 33).

 

SÁCH ÐỌC THÊM.

 

1. A. PAULIN, Saint Cyrille de Jérusalem, Paris 1959. Texte traduit : Catéchèses mystagogiques (SC no. 126 bis).

 

2. p. NAUTIN, "Épiphane de Salamine", Dict. Hist. Géog. Eccl., col. 617 - 631.

 

3. A. et Cl. GUILLAUMONT, "Évagre le Pontique", Dict. Spir. Col. 1731 - 1744 ; traité pratique I, SC no. 170, p. 21 - 125. Texte traduit : Le traité pratique (SC no. 170 - 171) ; Le gnostique (SC no. 356) ; Les chapitres gnostiques, PO. 28/1 no. 134.

 

4. E. BECK, "Éphrem le Syrien", dict. Sp., col. 788 - 800 ; J. KIRCHMEYER, "Éphrem (les version)", ibid, col. 800 - 822).

 

Actes du XVIe centenaire de St. Éphrem (373 - 1973) dans "Parole de lOrient", IV, 1973 (Université du Saint-Esprit, Kaslik, Liban).

 

G.A.M. ROUWHORST, Les Hymne pascales dÉphrem de Nisibe. Analyse théologique et recherche sur lévolution de la fête pascale chrétienne à Nisibe et à Édesse et dans quelques églises voisines au quatrième siècle, t. I, Études ; t. II. Textes (en francais), 1989. Textes traduits : lÉvangile concordant ou Diatessaron (no. 121) ; Hymnes sur le Paradis (no. 137).


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà