VẤN ĐỀ ẢNH, TƯỢNG TÔN GIÁO

TRONG SINH HOẠT XÃ HỘI HOA KỲ

 

Cách đây vài tuần, do áp lực của Hiệp Hội ACLU, Quận hạt Los Angeles đã quyết định loại bỏ hình ảnh cây Thập tự khỏi con dấu chính thức (official seal- xin xem phụ bản cuối bài) sau 37 năm sử dụng, với kết quả phiếu thuận 3-2, mặc dầu gặp sự phản đối mãnh liệt của hàng ngàn người thuộc đủ mọi thành phần tôn giáo và sắc dân. Tờ nhật báo địa phương Antelope Valley Press phát hành hôm 09 tháng 06 tường trình ngay trên trang nhất: “Quyết định của Hội Đồng Quản Trị quận hạt đã làm dân chúng nổi giận, họ đã phải nhận hàng chục ngàn cú điện thoại, điện thư và thư từ yêu cầu phải bảo vệ con dấu dưới bất cứ áp lực nào!” Diễn đàn Great Western được tổ chức tại thành phố Inglewood qui tụ đông đảo dân chúng và các đại diện: Do Thái, Phật giáo, Tin Lành, Chính Thống, Công Giáo, vô thần và những người có lòng quí trọng lịch sử. Hôm qua, ngày 08 tháng 06, trước phòng điều trần của Hội Đồng Quản Trị Quận Hạt là một rừng biểu ngữ và bảng hiệu của những người chống đối sự nhượng bộ: “ACLU-là đảng Taliban”, “đừng phí phạm tiền thuế của dân chúng-hãy bảo vệ con dấu”, đừng viết lại lịch sử của chúng tôi”, “hãy giữ lấy Thập tự giá”, “con dấu là của dân chúng Quận Hạt Los Angeles chứ không phải của nhóm ACLU”. Trong vô số các biểu ngữ phản đối ấy, có một biểu ngữ gây chú ý nhiều người nhất và đã được các đài truyền hình chiếu đi chiếu lại nhiều lần trong ngày, là “hôm nay Los Angeles-ngày mai Arlington”.

 

Arlington là tên một thành phố thuộc tiểu bang Virginia. Nơi đây có nghĩa trang quốc gia (Arlington National Cemetery). Nghĩa trang này là nơi chôn cất các liệt sĩ và những anh hùng quốc gia từ thời lập quốc. Nói đến nghĩa trang quốc gia Arlington, người Hoa Kỳ phải nghiêng mình kính cẩn. Tại nghĩa trang này, tất cả các mộ phần đều nằm dưới lớp thảm cỏ xanh rì không phân biệt tuổi tác, cấp bậc hay chức vị của người quá cố. Tất cả các mộ phần được ghi khắc trên các tấm bia nằm sát mặt đất. Phía đầu mộ là cây Thập tự cùng kích thước đồng loạt sơn màu trắng và được cắm thẳng hàng ngay lối. Nhìn vào nghĩa trang người ta chỉ thấy hàng ngàn vạn cây Thập tự màu trắng nổi bật trên thảm cỏ xanh mướt. “Hôm nay Los Angeles-ngày mai Arlington” là kiểu nói rất bình dân. Người Việt ta có câu: “Được đàng chân lân đàng đầu” hoặc “được voi đòi tiên”. Nếu chúng ta không giữ lấy con dấu hôm nay, ngày mai nhóm ACLU sẽ đào cả phần mộ của cha ông chúng ta! Sự thực là như thế. Hiệp Hội ACLU sử dụng chiến thuật tằm ăn dâu đánh phá các hình ảnh tôn giáo khắp nơi. Trước khi gây áp lực cho Quận Hạt Los Angeles, họ đã thành công trong việc loại trừ Thập tự giá trong con dấu của thành phố Redlands thuộc Quận Hạt San Bernardino, sát nách với Quận Hạt Los Angeles.

 

ACLU là ai mà có thể gây áp lực các thành phố và quận hạt như vậy? ACLU là chữ viết tắt của Hiệp Hội American Civil Liberties Union. Người đứng đầu là ai và cơ cấu tổ chức ra sao thì dường như chưa mấy ai rõ. Chỉ biết rằng ACLU chủ trương bảo vệ bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, họ có chi nhánh hoạt động khắp các tiểu bang Hoa Hỳ. Sau lưng họ có các đại công ty luật pháp tư nhân (legal firms) và các trung tâm chuyển giống, phá thai, vv…  hết lòng ủng hộï và giúp đỡ tài chánh. Hiệp Hội ACLU xuất hiện từ năm 1920. Từ âm thầm tới công khai, họ tuyên chiến với tất cả mọi thành phần trong xã hội, từ tôn giáo tới chính quyền, từ đảng phái tới hội đoàn, từ trường học tới nhà thương, từ công ty tới các tổ chức thiện nguyện, vv… Họ đào sâu và quảng bá các vấn đề ly dị, phá thai, quyền chọn lựa của phụ nữ, sự “đe dọa” của tôn giáo, vấn đề huấn luyện dục tính trong các trường công lập từ tuổi ấu nhi và thiếu nhi, thụ thai nhân tạo, đồng tính luyến ái, và hôn nhân đồng tính như những quyền căn bản của con người. Trong bài phát biểu “God Gives U.S., What We Deserve” đăng trên tờ Washington Post ngày 14-09-2001, ngay sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 09, Mục Sư Jerry Falwell tuyên bố: “Những kẻ phá thai phải gánh chịu một phần trách nhiệm này vì họ đã nhạo báng Thiên Chúa. Khi chúng ta hủy diệt 40 triệu thai nhi vô tội, chúng ta đã làm Thiên Chúa nổi giận. Tôi tin chắc rằng những kẻ tà giáo, những người phá thai, những kẻ bênh vực nữ quyền (pro choice, tức quyền phá thai của người mang thai; đòi phụ nữ được làm linh mục.... ) và những người đồng tính luyến ái là những người đang cố tình tạo nên một lối sống khác biệt, nhóm ACLU, những kẻ đang tạo một cung cách “kiểu Mỹ” mới, tất cả bọn họ đang cố tình tục hoá đất nước Hoa Kỳ. Tôi chỉ tay thẳng vào mặt họ mà nói rằng: Các người đã tiếp tay cho việc đổ máu này!”.

 

Tờ Nhật báo Daily News phát hành hôm Thứ Bảy ngày 05 tháng 06, ngay trang nhất, “đắc thắng trong việc loại trừ hình ảnh cây Thập tự trong các con dấu chính thức của quận hạt Los Angeles và thành phố Redlands, hôm qua, Thứ Sáu ngày 04 tháng 06 Hiệp hội ACLU đã mở thêm mặt trận mới, áp lực Hội Đồng Quản Trị Thành phố Los Angeles phải loại trừ chuỗi tràng hạt Mân Côi của người Công Giáo khỏi con dấu của Thành phố”. Đại diện Hiệp Hội ACLU tuyên bố: “Chuỗi tràng hạt Mân Côi là một biểu trưng rất phổ quát của tôn giáo” (Xin xem phụ bản cuối bài). Ông còn đe dọa thêm rằng nếu Thành phố không đáp ứng đòi hỏi của Hiệp Hội ACLU, họ sẽ đâm đơn kiện Thành phố trên Tòa Thượng Thẩm Liên Bang. Tuy nhiên, việc gây áp lực  của Hiệp Hội ACLU lần này đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ nhiều phía, nhất là Thị Trưởng James Hahn và các nghị viên Thiên Chúa Giáo khác: “Chúng tôi sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách và sẽ bảo vệ tới cùng con dấu của Thành phố dù phải chống cự với bất kỳ cuộc tấn công nào bằng pháp luật”. Mặc dù Thị trưởng và nhiều nghị viên cương quyết bảo vệ con dấu, nhóm ACLU vẫn nhất định đè bẹp sự kháng cự mãnh liệt này để loại bỏ chuỗi hạt Mân Côi khỏi con dấu của Thành Phố Los Angeles.

 

Thành phố Los Angeles từ năm 1781, do các Thừa sai Tây Ban Nha trên bước đường truyền giáo miền viễn Tây thành lập. Lúc đó, miền đất Nam California còn thuộc chủ quyền của người Mễ Tây Cơ, thời Thống Đốc Filipe de Neve. Thành phố (la Pueblo) hình thành với với tên nguyên thủy là Nữ Vương Các Thiên Thần (Our Lady Queen of the Angels) gồm 44 người vừa đàn ông, đàn bà và trẻ em. Năm 1846, Hoa Kỳ tuyên chiến với Mễ Tây Cơ. Ngày 10 tháng Giêng năm 1847, Hoa Kỳ đánh bại Mễ Tây Cơ và buộc nước này phải ký hoà ước Cahuenga Ranch, trong đó có điều khoản trao nhượng lãnh thổ Los Angeles và các phần đất khác tại Nam California ngày 13 tháng Giêng năm 1847. Tên Thành phố lúc đầu được dân chúng gọi tắt là Các Thiên Thần và qua thời gian đã chính thức trở thành City of Los Angeles. Thực ra, nếu không có người am tường giải thích, người ta khó có thể nhận ra đó là chuỗi tràng hạt Mân Côi. Tuy nhiên, tờ tuần báo The Tidings của TGP Los Angeles số ra ngày 15 tháng Giêng, 1971 xác định rằng con dấu hình tròn của Thành phố được viền bằng chuỗi hạt Mân Côi miêu tả vai trò truyền giáo và khai hoá dân chúng Los Angeles của các thừa sai trong thời kỳ phôi thai của thành phố. Chuỗi tràng hạt Mân Côi này đã ngự trị trên con dấu suốt 99 năm qua (từ năm 1905) và đã chứng kiến biết bao thăng trầm của thành phố các Thiên Thần này. Thật đáng tiếc, nếu chúng ta, những người Công Giáo, lại giữ sự im lặng để nhóm người phản Kitô (anti-Christ) làm mưa làm gió theo ý đồ riêng tư của họ.

 

Để ủng hộ thái độ cương quyết của Thị Trưởng James Hahn và nhóm nghị viên thành phố, tờ nhật báo Los Angeles Times số phát hành hôm thứ Hai ngày 07 tháng 06 đăng bài phóng sự của Đặc Phái Viên Henry Chu ngay trên trang bìa, cột nhất “Moved by Spirit to Govern”. Oâng Chu mô tả lối hành xử và điều hành đất nước ở các quốc gia Nam Mỹ Châu như Brazil, Columbia, Guatemala, El Salvador, vv… với Adelor Vieira, một Thượng Nghị Sĩ tên tuổi của Brazil, Alvaro Uribe, Tổng Thống Columbia, Rosinha Matheus, Thống Đốc Tiểu Bang Riode Janeiro, như một gương mẫu trong việc kết hợp tinh thần tôn giáo và xã hội. “Bạn không thể tách rời Giáo Hội ra khỏi xã hội. Giáo Hội gắn liền với sứ mạng truyền giáo. Sứ mạng này sẽ làm phát triển vương quốc của Thiên Chúa”. Đặc Phái Viên Henry Chu còn nhấn mạnh rằng tại Hoa Kỳ, đức tin chỉ được biểu lộ có tính cách riêng tư, nơi thánh đường hoặc tại tư gia. Tại các quốc gia Nam Mỹ, người ta coi niềm tin vào Thượng Đế là tiếng gọi thần linh. Tiếng gọi đó thôi thúc người ta chiếu rọi ánh sáng sự thật của Kitô giáo vào những hành vi tối tăm của ma quỉ như phá thai, tham nhũng, hôn nhân đồng tính, vv… Oâng Pinheiro, một đại biểu của giáo phái Tin Lành Evangelical, hiện đang nắm giữ một ghế trong quốc hội Brazil, trả lời trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi không thể yên lặng khi những điều đó (phá thai, tham nhũng và hôn nhân đồng tính) xảy ra, công việc của chúng tôi là bảo đảm đời sống xã hội phải phù hợp với mục đích của Thiên Chúa, và phải thực thi Lời của Ngài”. Các quốc gia Nam Mỹ không thể so sánh được với sự giàu mạnh của Hoa Kỳ về kinh tế và tài chánh, nhưng về đời sống luân lý và đạo đức thì họ quả đã bỏ rơi Hoa Kỳ rất xa.

 

Văn minh Aâu-Mỹ là văn minh thoát thai từ nền văn minh Kitô giáo. Là người trí thức lương thiện, không ai dám chối bỏ căn rễ ấy. Nhóm ACLU xưng mình là trí thức và là hiệp hội bao gồm những người trí thức, tranh đấu cho những mục đích cao thượng là quyền căn bản của con người, nhưng lại chối bỏ căn tính văn hoá. Hành động của họ, khi mới nghe, chúng ta tưởng là những hành động chính nghĩa, nhưng thực ra khi đào sâu vào những vấn đề họ đang khai thác và tranh đấu, chúng ta thấy rõ nguy cơ phi nhân bản. Có khi nào chúng ta than phiền hay nghe người khác than phiền là đất nước Hoa Kỳ hôm nay có quá nhiều tội ác hoặc không còn thành phố nào đáng được coi là an toàn nữa không? Những lời than phiền ấy dù thoát ra từ môi miệng chúng ta hay người khác, có phải đó là hệ lụy của đường lối giáo dục phi nhân bản không? Hình ảnh tôn giáo mất dần chỗ đứng trong xã hội, lời cầu nguyện với Thiên Chúa của học sinh bị cấm đoán, phá thai và hôn nhân đồng tính trở thành hợp hiến và hợp pháp, chương trình huấn luyện dục tính được đem vào học đường cho các em tuổi ấu nhi và thiếu nhi học hỏi, những phương tiện ngừa thai (condom) được phát cho các em học sinh trung học miễn phí, vv… Tất cả những việc làm ấy được gọi là “văn hoá” hiện đại và là “quyền căn bản” của con người!?!. Những danh nghĩa này chẳng qua chỉ là những chiêu bài che đậy mục đích thương mại của một nhóm con buôn văn hoá đang kích thích dục tính con người trong tiến trình làm băng hoại xã hội. Cố Tổng Thống Ronald Reagan, trong đại hội Truyền Thông Tôn Giáo quốc gia tại Washington D.C. hồi tháng Giêng năm 1984, đã phát biểu: “Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi trí tuệ, vì thế đừng bao giờ lấy Thiên Chúa ra khỏi lớp học của con em chúng ta”. Rất tiếc Oâng mãn nhiệm chức vụ chưa tới 10 năm thì nhóm ACLU đã tranh đấu để cắt bỏ phần cầu nguyện của con em chúng ta trong lớp học.

 

Là người Công giáo, chúng ta có thể làm gì trong một xã hội đang mất dần niềm tin và đang tìm cách xoá dần hình ảnh tôn giáo trong sinh hoạt thường ngày này? Nhìn hình ảnh của hàng chục ngàn người cầm biểu ngữ phản đối trước phòng điều trần của Hội Đồng Quản Trị Quận Hạt Los Angeles, hôm 08 tháng 06 vừa qua và diễn đàn Great Western tại Inglewood, chúng ta tin tưởng rằng giữa hàng triệu người im lặng bất cần, hay đồng ý ủng hộ nhóm ACLU, vẫn còn nhiều người quan tâm tới hình ảnh tôn giáo như một chứng từ lịch sử cấu thành lối sống của họ, hoặc như một phương tiện truyền đạt Tin Mừng sự sống cho họ và con cháu của họ. Nhiều người còn tha thiết với niềm tin và thao thức về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội đã bày tỏ những ý kiến bổ ích trong diễn đàn hình ảnh tôn giáo thuộc website Crosswalk.com rằng cầu nguyện là phương cách tốt nhất nhưng chưa đủ. Cầu nguyện cần thiết phải có hành động đi kèm. Những hành động thiết thực hiện tại là:

 

1.      Lên tiếng ủng hộ những người có lập trường bảo vệ hình ảnh tôn giáo, như tham gia việc tuần hành, gửi email, fax, thư từ tới văn phòng các vị dân biểu hay đại diện thành phố đang nỗ lực ngăn chống nhóm ACLU.

2.      Giúp đỡ tài chánh cho các cơ quan giữ nhiệm vụ chống đỡ và biện hộ tại các toà án tiểu bang hoặc liên bang.

3.      Nếu có khả năng, chúng ta nên mạnh dạn dấn thân phục vụ trong các cơ quan công quyền để thực thi lý tưởng phục vụ công ích và trật tự xã hội.

4.      Tích cực đi bầu và chỉ chọn những người có lập trường rõ ràng và phù hợp với đường lối giáo huấn của Giáo Hội.

5.      Tuyệt đối không tiếp tay với các cơ quan, văn phòng hay cá nhân ủng hộ hoặc thực thi những phương pháp phi nhân bản như phá thai, chuyển giống, cấy thai, trợ tử, vv…

 

Là những chính trị gia Công Giáo chúng ta hãy mạnh dạn tuyên xưng đức tin của mình một cách thẳng thắn và can đảm như cựu Tổng Thống George H. W. Bush (Cha) đã làm trong khi đang vận động bầu cử trong nhiệm kỳ đầu của Ông. Ông đã mạnh dạn trả lời Đặc Phái Viên Robert I. Sherman của báo The New York Times ngày 17 tháng 08, 1987:

-       Sherman: Ông sẽ làm gì để dành được phiếu của người Hoa Kỳ vô thần?

-       Bush: Tôi đoán rằng tôi ở thế rất yếu trong cộng đồng những người vô thần. Niềm tin vào Thiên Chúa rất quan trọng đối với tôi.

-       Sherman: Ông có nhận thức được sự bình đẳng về quyền công dân và lòng yêu nước của những người Hoa Kỳ vô thần không?

-       Bush: Không, tôi không nghĩ rằng người vô thần nên được coi là công dân hoặc những người yêu nước. Đây là một quốc gia dưới (quyền năng) Thiên Chúa (This is one nation under God).

 

Nhiều người nghĩ ông sẽ thất cử trong lần bầu cử đó, nhưng không, ông đã thắng và chiến thắng rất vẻ vang.

 

JB. ĐÀO NGỌC ĐIỆP

13 THÁNG 06, 2004

 

____________________________________

PHỤ BẢN:

 

Con dấu của Quận Hạt Los Angeles:

 

Ý nghĩa con dấu của Thành Phố:

1.       Hình ảnh con sư tử và lâu đài diễn tả thời cai trị của người Tây Ban Nha (1542-1821).

2.       Con đại bàng đang bắt giữ con rắn dưới chân biểu trưng sự cai trị của Mễ Tây Cơ (1822-1846).

3.       Lá cờ ngôi sao và con gấu là cờ của Tiểu bang California năm 1846.

4.       Lá cờ sọc đỏ và các ngôi sao diễn tả Los Angeles là miền đất thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ.

5.       Trái Oliu, nho, cam tượng trưng lịch sử nền nông nghiệp California.

6.       Chuỗi hạt Mân Côi viền quanh (phần trong) diễn tả vai trò truyền giáo và khai hóa miền đất Los Angeles của các Thừa sai những năm tháng phôi thai của thành phố Los Angeles.

 


Trở Về Trang Tìm Hiểu Tổng Quát
Trở Về Trang Nhà