Tu Viện, Tham Quan Chung Quanh Căn Phòng Tôi Trọ(1)

Matthias Debureaux

 

Không như  khung cảnh quen thuộc của những khách sạn tiện nghi, những ngày đi nghỉ tại tu viện trôi qua giữa những lọ yaourt thiên nhiên, những mẩu đối thoại siêu thực và kiểu kiến trúc tuyệt vời. Nhưng ai đang có đầu óc căng thẳng đừng nên tới.  

 

Chúng tôi đón tiếp du khách như chính Ðức Kitô đón tiếp, bởi vì Ngài đã nói : « Ta đã xin ở trọ và anh em đã đón tiếp Ta » (Matthieu, XXV, 35). Ðó là luật của thánh Benoit trong các tu viện. Có cung điện nào trên thế giới đón tiếp bạn như Ðấng Cứu Thế ? Ðó là luận điệu quảng cáo ăn khách của nghành kinh tế du lịch. Số lượng không ít những sách hướng dẫn du lịch về các tu viện cho thấy sự thành công này. Cuốn hướng dẫn nổi tiếng nhất là cuốn « Guide Saint-Christophe » nói đầy đủ về những tu viện và các nhà hưu trí. Nó giống như cuốn « Michelin ».(2) Hãy thử giở trang sách của một trong những cuốn sách này : « Giữa khung cảnh hoang dã của núi Montagnette là tu viện Saint-Michel-de-Frigolet. Những ngôi nhà của tu viện nằm trên ngọn đồi với những con thung lũng nhỏ bình dị đầy những cây ô liu, đào, thông và nhất là cây thơm « thym », cách thành phố nhỏ Tarascon khoảng mười mấy cây số. Con người thì yếu đuối. Ở Paris thì đang mùa đông. Một cú fax chấp nhận, và một chuyến xe lửa tốc hành TGV sau đó, cánh cửa tu viện rộng mở với nụ cười của một nữ tu đưa cho tôi chìa khoá phòng. Những bóng người mặc đồ sáng di chuyển trong ánh mờ mờ. Tôi vừa đi ngang qua màn ảnh của phim « Nom de la rose » (3) .    

 

Trong căn phòng không có gì thay đổi từ năm 1830, ngoại trừ cái lavabo. Từ phòng, cái nhìn về khu vườn chính với tháp chuông nhỏ đem lại bình an cho tâm hồn. Vừa ra khỏi phòng, người cạnh phòng duy nhất, một bà già khoảng 75 tuổi, chỉ tôi chương trình : cầu nguyện và lần hạt lúc 6 giờ, kinh chiều trước khi ăn tối. Bữa ăn trong thinh lặng là cú sốc cho bất cứ ai mới tới. Những chiếc bàn nặng xắp theo hình chữ U với canh, cá, rượu vang không hiệu lần lượt được mang ra trong tiếng nhạc Nocturnes của Chopin. Mỗi chiều, một tu sĩ tuyên bố một đĩa nhạc. Và bắt đầu những cái nhìn kín đáo như khi đi làm casting. Người ta có thể thấy giầy tennis của một thầy lớn tuổi dưới áo dòng hay nụ cười không thể nhịn của một nữ tu khi thầy già ăn chậm. Tất cả đều nằm trong nghệ thuật xin bánh mì và muối mà không nói. Nếu không có người cạnh bàn để ý, người ta có thể phải chờ thật lâu. Trong khung cảnh siêu thực này, mỗi người có thể tự nhìn cuốn phim đời mình. Sau bữa ăn, một thầy chúc « các thiên thần ru tôi » cho đêm đầu tiên. Ðến 8 giờ 15 phút, rõ ràng là chẳng có gì khác làm hơn là đi ngủ với một cuốn sách. Không có sách cao siêu, đời sống trong tu viện là một cuộc tự vẫn. Bởi vì người ta không thể chỉ sống bằng yaourt thiên nhiên và cá hâm.

 

Thức dậy lúc 6 giờ 30 phút. Kinh sáng thúc dục bạn không làm gì trước khi nghĩ đến Thiên Chúa. Ði dạo và suy niệm trên con đồi Montagnette. Sau khi ăn trưa, thầy giữ chức giao tiếp đề nghị tôi nói chuyện bên tách cà phê. Sư giúp đỡ của một tu sĩ để tâm sự là một truyền thống. Chúng tôi nói chuyện về vị Giáo Hoàng canh tân Phaolô VI, về Amandar Lear và Michel Drucker (4) sống cách không xa tu viện, về ơn gọi và về dự định sân khấu cho trẻ em của thầy, « Pikachu chống lại Thượng Ðế ». Buổi tối, bà cạnh phòng nhắc tôi đã quên kinh chiều. Tôi được biết bà đến đây bốn lần một năm, mỗi lần một tháng và bà là dì của một nữ tài tử. Thế ra nơi này cũng có vẻ show-biz ngang với khách sạn Costres. Sự so sánh với một khách sạn ngưng ở đây. Bà cạnh phòng tôi là một trường hợp đặc biệt. Trên nguyên tắc, người ta không được ở trong tu viện hơn một tuần để tránh tạo quan hệ tình cảm với các tu sĩ. Truyền thống muốn rằng mọi người phải giữ kín tên tuổi mình khi ở trong nơi của thinh lặng. Tuy nhiên ngày hôm nay rất khó ẩn mình trong một tu viện. Những băng cướp chạy trốn cũng phải tìm nơi khác !       

 

Người đến đông đến nỗi vào mùa du lịch cao nhiều khi phải giữ chỗ trước hơn một tháng. Tại đảo Corse, du khách không thể trở lại năm sau trong cùng một tu viện. Các tu sĩ muốn tránh những lạm dụng vì tiền trọ rẻ. Trong tu viện của các thầy Xitô, một đời sống tu viện danh tiếng, cha chuyên lo đón tiếp canh chừng để tránh những kẻ tò mò. Ðem so sánh thì tu viện Frigoret chỉ đáng chỗ đứng của club Aquarius. Nếu người ta muốn « noter » những tu viện như khi người ta đặt số ngôi sao cho các khách sạn thì những tu viện như Notre-Dame-de-Tamié trên núi les Alpes, hay như tu viện Sénanque ở Provence chắc chắn sẽ có « năm thánh giá ». Với sự không tiện nghi càng nhiều càng có giá. Với bẩy lần cầu kinh chung hằng ngày, một ngày trong tu viện bắt đầu quãng lúc 3 giờ sáng. Các thầy Xitô gần như là lực lượng đặc biệt cho Giáo Hội. « Chúng tôi ở đây như những chiến sĩ nằm dưới tấm lều », một thầy Xitô có lần nói. Trong lịch sử, tại đây giới trẻ trưởng giả Pháp sống ẩn dật sau khi phải quyết định sự lựa chọn kinh hoàng giữa thanh gươm và đồ xông hương (5). Ðể giết thời gian, họ chép lại trong vòng một năm cuốn Kinh Thánh trong một gian phòng không có lò sưởi. Hiện nay người ta có thể thấy những tu sĩ đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh hoặc những cựu cán bộ ngân hàng. Trong tác phẩm « Tinh thần dòng Xitô » (l’âme cistercienne), Jean-Yves Montagu kể lại trường hợp của một phóng viên nghiếp ảnh gia có tiếng đã có một « flash » khi ông chụp hình lễ an táng cựu thủ tướng Pierre Bérégovoy (6). Sau đó ít lâu ông quyết định vào tu viện. Ngoại trừ những nệm rơm trong những phòng ngủ chung rộng lớn ngày nay đã biến mất, thời Trung cổ cũng chẳng xa lắm. Nếu quãng phân nửa các tu viện có trang internet riêng thì chỉ một hay hai tu sĩ được quyền xử dụng. Không báo chí, không truyền hình, tu sĩ sống cả đời mình trong tu viện theo lời khấn của mình. Chỉ có bệnh tật hay nhiệm vụ đạo là dịp để sống ngoài đời. Cuộc khủng hoảng ơn gọi có những lý do của nó.

 

Một số tu viện lớn chỉ còn có quãng hai chục tu sĩ sống chung. Bệnh tật hay lễ an táng thường hiện diện trong những mẩu đối thoại hằng ngày. Trước khi nghĩ tới việc theo ơn gọi thì việc nghỉ già cũng có thể. Chẳng hạn tu viện Bellefontaine đón tiếp quãng hai chục người mỗi ngày. Ðúng là một xưởng thụ huấn tinh thần. Nhưng tốt nhất nên tự huấn luyện mình tại nhà trước một chút. Một số người không sống được đủ hai ngày. Các tu sĩ không khuyến khích những người đang chịu tang hay sau cuộc ly thân đau khổ đến nơi này tìm chỗ trú thân.

 

Nbững bài hát thánh grégoire, mặc dù ở đây được hát hay hơn bất cứ nơi nào khác, không phải luôn luôn là liều thuốc hữu hiệu chống lại sự khủng hoảng tâm thần. Ðể cắt đứt với ý niệm « về nguồn lấy sức », một loại ẩn tu tài tử, chúng ta phải biết là kinh nghiệm sự cô độc đúng là một vực sâu không đáy hơn là một kiểu thời trang hào nhoáng. Cạm bẫy của sự thinh lặng cũng có thể bủa vây bạn. « Ðời sống trong căn buồng nhỏ là một cuộc chiến thân với thân », một tu sĩ trẻ thú nhận. Cuộc sống âm thầm một mình không nhất thiết thích hợp với tất cả những người đến thăm. Trong hằng trăm những tu viện đón tiếp du khách  nghỉ mát tinh thần, một số có chương trình « nhẹ nhõm » hơn. Kỷ luật im lặng được giảm nhẹ, mới đây những chai rượu vang ngon hơn. Chẳng hạn tu viện La Tourette ở Lyon. Ðể có cảm giác mạnh, bạn nên đến tu viện lúc màn đêm đã xuống, vào mùa đông dưới cơn mưa phùn lạnh và phải đi bộ hơn nửa tiếng. Những khối bêtông dày cộm thường được các kiến trúc sư khắp thế giới đến viếng, bởi vì đó là một công trình rất đẹp của nghành kiến trúc thế kỷ 20. Tu viện không phải chỉ là một khối bunker, nhưng còn rất nhiều chi tiết mà một khách sạn không thể có. Tất cả đã được xây nên dựa trên sự suy niệm. Căn phòng tôi trọ dài 6 mét và rộng 1 mét 83. « Ðời sống của chúng tôi là một cuộc tranh đấu, một tu sĩ sinh viên trong tu viện này nói, chúng tôi tranh đấu với thánh Thomas và Kinh Thánh. Chính trong khoảng không gian khó diễn tả này, những đường nét chính xác xung quanh làm nảy sinh mà không cần gắng gượng tất cả những gì làm nên đời sống thầm lặng môn đệ của chúng tôi ».

 

Tuy nhiên trong căn phòng ăn rộng rãi và đầy ánh sáng, bữa ăn của những tu sĩ Ða Minh chẳng có gì giống với một nghi lễ chậm rãi và nghiêm trang. Những câu chuyện ở bàn ăn liên tiếp được nói. Buổi tối đầu tiên, một tu sĩ và ông giáo viên làng ngồi đấu láo suốt bữa ăn về luật văn phạm. Sáng hôm sau, tu viện đón tiếp trong bữa ăn trưa cặp vợ chồng người thợ sửa đàn orgue. Những công việc sửa chữa nhà cửa ở đây là đề tài cho những tranh luận sôi nổi về phương cách làm. Một chuyện cười lại được kể : khi người ta hỏi Chúa là Giáo Hội sẽ có một Ðức Giáo Hoàng người Ba Lan khác hay không thì Ngài trả lời :  « không bao giờ, khi nào ta còn sống ! ». Lúc đó tôi mới bạo dạn đề cập đến những câu hỏi nghiêm trang hơn. Ðức Giáo Hoàng có thể từ chức hay không ? Người ta có thể lật đổ một Ðức Giáo Hoàng hay không ? Người ta có thể ứng cử chức Giáo Hoàng khi chỉ 25 tuổi hay không ?. Khi một tu sĩ thú nhận là làm Ðức Giáo Hoàng tới giúp ông giải quyết hết mọi vấn đề riêng, chúng tôi cùng đồng ý với nhau sự kiện là từ chối một lời đề nghị như thế nếu có thì càng élégant hơn.

 

Cho những người mạo hiểm tìm kiếm hạnh phúc hay những người muốn tự chinh phục mình, những tu viện đón nhận không thiếu tuỳ theo sở thích. Bạn có thể chọn mặt trời như trên đảo Saint-Honorat gần thành phố Cannes, sự phong phú của một thư viện như tại Le Bec-Hellouin hay những căn phòng không có lò sưởi để hy sinh như  Mont-Saint-Michel. Nhưng bạn cũng có thể chọn theo những hoạt động của cộng đồng tu viện, từ việc may áo cưới, làm fromage cho tới chế tạo cartes à puce hay thuốc làm chân đỡ nhức mỏi. Những tu viện có một phương cách đón tiếp trái hẳn với kinh tế thị trường mà trong đó lợi tức của hoạt động khách sạn cho phép đương đầu với những chi phí xã hội và đồ ăn sang. Những tu viện nữ tu có nhiều tiện nghi hơn là những tu viện nam tu. Nhưng luôn có một câu có thể làm một số người chùn chân : « Căn phòng bạn đang ở đã được dựng nên dành cho đời sống riêng tư và thinh lặng. Nó không được dùng làm nơi để tranh luận, ăn hay uống ». Chỉ có ông David Rockefeller là đã nghĩ ra phương cách tránh việc phải tuân theo kỷ luật trong đời sống tu viện : ông đã mua cả một phần chính của một tu viện và mang từng viên đá về New York. Ðó là cách biến đổi đời sống hưu trí thành một cuộc lễ hội.                             

 

Nguyễn Văn Thành dịch

 

 

Chú thích của người dịch :

 

(1) Tựa đề của bài báo « Monastère, voyage autour de ma cellule » đăng trong phụ mục của nhật báo tài chánh Pháp « Les Echos » ngày 22/03/2002.

 

(2) Cuốn sách hướng dẫn du lịch nổi tiếng nhất của Pháp, đặc biệt về các món ăn trong các vùng trên đất Pháp.

 

(3) Tên của cuốn phim nổi tiếng về một tu viện thời trung cổ, dựa trên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ý Umberto Eco.

 

(4) Những nhân vật nổi tiếng làm trên truyền hình Pháp.

 

(5) Trong lịch sử Pháp, những người chống đối Giáo Hội Công Giáo dùng câu diễn tả có nghĩa xấu« alliance du sable et du goupillon » để chỉ sức mạnh thế quyền của Giáo Hội.

 

(6)  Pierre Bérégovoy là một nhân vật chính trị nổi tiếng trong đảng xã hội Pháp. Ông chỉ là một công nhân nhưng tự học để thăng tiến trong hoạt động chính trị. Ông đã giữ chức bộ trưởng kinh tế tài chánh, chức thủ tướng dưới thời tổng thống Mitterand.  Sau khi xuống chức một thời gian ngắn, ông đã tự tử một cách bất ngờ vào năm 1993. 


Trở Về Trang Tìm Hiểu Tổng Quát
Trở Về Trang Nhà