NGƯỜI THỢ MỘC THÀNH NA-DA-RÉT

 

KỲ 15

 

Từ khi trở lại Na-da-rét, mỗi ngày Ma-ri-a dành cho ông bà Gioa-kim một ít thời gian vào buổi sáng. Sau khi lo bữa điểm tâm cho chồng con và dọn dẹp nhà cửa xong, nàng xách giỏ đi chợ, mua đồ ăn cho hai nhà, nhà nàng và nhà bố mẹ. Chính Giu-se đã góp ý với Ma-ri-a làm như thế sau lần đầu tiên chàng đưa vợ con đến thăm ông bà ngay buổi chiều họ trở về Na-da-rét. Cám cảnh ông bà không ai giúp đỡ, trên đường trở về nhà Giu-se đã nói với Ma-ri-a:

– Tôi có ý kiến này mình xem có được không nhé.

Ma-ri-a mỉm cười vì hình như lúc nào muốn bàn với nàng điều gì thì Giu-se đều bắt đầu như vậy. Điều làm cho nàng cảm động và quý mến chồng hơn, là Giu-se luôn tôn trọng ý kiến của vợ mình, luôn bàn hỏi với vợ khi có những chuyện phải quyết định liên quan đến cuộc sống chung của cả gia đình.

– Anh cứ nói đi, chắc không có gì quan trọng chứ? Ma-ri-a đáp.

– Thấy các cụ, tuy chưa phải cao niên lắm, nhưng chỉ có hai người sống với nhau, không ai giúp đỡ, tôi ái ngại quá.

Ma-ri-a lên tiếng như để thăm dò:

– Thì lâu nay ông bà ngoại vẫn sống như vậy mà, có sao đâu!

Nghe Ma-ri-a nói vậy, Giu-se cảm thấy hơi bối rối, chàng ngập ngừng:

– Làm sao mình biết là không sao?

Ma-ri-a hỏi lại:

– Vậy anh có ý kiến gì nào?

– Tôi nghĩ rằng, vì bắt buộc, chúng ta không giúp đỡ gì được cho các cụ thì thôi. Nhưng nay đã về ở gần, chúng ta nên thường xuyên lui tới với các cụ. Hơn nữa, nếu mình thấy không có gì nặng nhọc, mỗi ngày nên đến lo bữa ăn trưa và chiều cho các cụ... Chắc các cụ sẽ vui mà sống thêm được lâu ngày với con cháu.

 

Thật lòng Ma-ri-a đã nghĩ đến chuyện đó khi gặp lại cha mẹ sau bao ngày tháng xa cách. Biết rằng ông bà chấp nhận tất cả khi cho con gái đi lấy chồng, nhưng nhìn vào đôi mắt của hai cụ, nhất là của mẹ, Ma-ri-a như thoáng thấy một chút gì trách móc, một chút gì hờn tủi khiến tim nàng quặn đau. Ngay lúc ấy, nàng đã muốn bày tỏ với chồng ý định chăm sóc cho cha mẹ, nhưng nàng muốn dành niềm vui đó cho chồng vì nàng biết rằng, với tâm hồn tế nhị của chàng, thế nào Giu-se cũng đã có cùng ý nghĩ như nàng.

Thấy vợ làm thinh không trả lời, Giu-se tự hỏi không biết mình có nói điều gì sai hay không. Chàng cảm thấy nhẹ nhõm ngay khi nghe Ma-ri-a lên tiếng:

– Cám ơn anh đã quan tâm đến ba má em. Các cụ mà biết chính anh có sáng kiến này thì sẽ cảm động lắm đó. Vậy từ ngày mai, mỗi ngày em sẽ ghé lại nhà ông bà, sau khi ở chợ về, chuẩn bị thức ăn hai bữa trưa chiều cho ông bà, sau đó mới về lo cho hai cha con. Anh thấy được không?

Giu-se cảm thấy trong lòng rất vui khi nghe Ma-ri-a bàn tính công việc như vậy. Chàng nói:

– Chúng ta đâu có gì cầu kỳ trong việc ăn uống mà mình phải lo! Chỉ cần buổi sáng ăn cho chắc bụng, cha con tôi sẽ có thể làm việc đến trưa để chờ mình về.

Câu chuyện trên đã xảy ra từ một tuần trước. Ma-ri-a hằng ngày thực hiện chương trình như vợ chồng nàng đã vạch ra. Về phía ông bà Gioa-kim, được con gái đến nấu nướng, lo cho bữa ăn của mình thì tỏ ra thích thú lắm. Nhưng khi thấy Ma-ri-a tiếp tục làm như thế sang ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông Gioa-kim thắc mắc, ông nói với Ma-ri-a:

– Này con, không cần con phải vất vả mỗi ngày lo cho hai nhà như thế. Sáu bảy năm qua...

Thấy chồng lỡ lời có thể làm cho con gái buồn, bà An-na vội lên tiếng:

– Cha con và mẹ đây còn khỏe chán, có thể tự lo cho mình được. Hơn nữa cha mẹ cũng đâu cần gì nhiều. Mẹ thấy con nên chăm sóc cho chồng con, anh ấy làm việc nặng nhọc cần phải được bồi dưỡng nhiều...

Ma-ri-a cúi đầu lắng nghe cha mẹ nói, lòng nàng thổn thức vì nghĩ đến những ngày tháng chờ đợi trong lo âu mà cha mẹ nàng đã trải qua. Mặc dầu xa con trong một thời gian dài như vậy, lại không biết việc gì đã xảy ra cho con, nhưng ông bà Gioa-kim đã không tỏ ra thắc mắc, không hỏi han điều gì, khiến Ma-ri-a nghi ngờ ông bà đã biết được bí mật của vợ chồng nàng. Lần gặp gỡ đầu tiên, hình như sự hiện diện của bé Giê-su chiếm hết tâm trí của ông bà. Hình ảnh chú bé nắm tay ông bà ngoại kéo họ như chạy từ sân vào trong nhà thật là dễ thương và cảm động.

Thấy Ma-ri-a cứ mãi im lặng không nói gì, bà An-na nhìn chồng rồi nói sang chuyện khác:

– Sao mấy hôm nay không thấy bé Giê-su sang chơi? Thằng bé dễ thương quá. Con phải tạ ơn Gia-vê Thiên Chúa đã ban cho vợ chồng con một cậu con trai kháu khỉnh như vậy.

Ma-ri-a thưa:

– Vâng, thưa mẹ, chúng con không lúc nào quên ơn trọng này. Giê-su là tất cả lẽ sống của chúng con.

Rồi nàng nói tiếp:

– Còn việc mỗi ngày con đến lo bữa ăn cho cha mẹ, thì xin cha mẹ cho phép con được tiếp tục, vì đó cũng là ý của chồng con. Anh ấy đã bảo con như thế ngay từ khi mới trở lại Na-da-rét. Hơn nữa, cha mẹ thấy đó, chẳng có gì vất vả hết, và con vẫn lo đầy đủ cho hai cha con ở nhà...

Ông Gioa-kim nghe con nói xong cũng lên tiếng:

– Nếu đã như vậy thì cha mẹ chỉ còn biết cảm ơn con và nhất là cảm ơn chồng của con đã tỏ ra quan tâm đến cha mẹ như thế. Nhưng cha có đề nghị này, con thử về bàn với Giu-se xem anh ấy có bằng lòng không.

Ma-ri-a nhìn cha chờ đợi. Ông Gioa-kim quay sang bà An-na như muốn yêu cầu bà phải ủng hộ đề nghị của mình. Ông vừa nhìn bà vừa nói:

– Cha biết rằng mẹ con cũng đồng ý với cha, do đó cha mẹ đề nghị hai con và cháu về đây mỗi ngày Sa-bát. Chúng ta cùng sống với nhau một ngày, cùng đi hội đường, cùng cầu nguyện với nhau. Con nghĩ sao?

Ma-ri-a trả lời ngay:

– Ồ, con thích lắm và con tin chắc ra anh Giu-se còn thích hơn con nữa vì anh ấy...

– Con muốn nói vì anh ấy mồ côi cha mẹ phải không? Bà An-na chen vào.

– Thưa mẹ, vâng...

Thấy con đang xúc động khi nghĩ đến cảnh đơn độc của chồng ngày trước, ông Gioa-kim vội đỡ lời:

– Vậy nếu anh ấy đồng ý như con nói, thì ta sẽ bắt đầu ngay từ cuối tuần này. Mà hôm nay đã là thứ năm rồi, phải không mình?

Bà An-na thấy chồng phấn khởi thì trêu:

– Không biết ai là người thích nhất trong chuyện này?

Ma-ri-a âu yếm nhìn cha mẹ rồi kéo vạt áo lau nước mắt.

***

– A, mẹ về rồi kìa!

Vừa nói Giê-su vừa chạy ra đón mẹ. Giu-se cũng ngừng tay nhìn ra cổng, lòng chan chứa hân hoan.

(Còn tiếp)

 


Mục Lục: Người Thợ Mộc Thành Na-Da-Rét
Trở Về Trang Nhà